Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (18)

21/09/20146:11 SA(Xem: 10765)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (18)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (18)


Chuyện vui thích nhất 
Vào lúc La Duy Đức nhận chức quan ở Ninh Quốc thuộc tỉnh An Huy, một hôm đến yết kiến Lưu Dần, sự vui mừng lộ ra nét mặt, nói rằng: “Hôm nay tôi có một việc cực kỳ hân hoan thích ý.” Lưu Dần gạn hỏi, Duy Đức đáp: “Trong gia tộc tôi có hơn 10 người nghèo khổ, gặp lúc mất mùa tìm đến báo với tôi. Hôm nay tôi mang hết tiền bạc dành dụm được trong nhà ra giúp đỡ, hết thảy mọi người trong nhà tôi đều hoan hỷ tán thành, không ai trở ngại. Vì thế mà tôi hết sức hân hoan vui thích.”
Lời bàn
Sách Cảnh hành lục nói rằng: “Nhà giàu sang phú quý, nếu như có người thân thích nghèo khó tìm đến, ấy chính là khí tượng của người trung hậu có phước đức.” Hiện nay lại có những kẻ ngược lại xem việc đó như điều sỉ nhục nên lấy làm chán ghét, thật hẹp hòi xấu xa biết bao!
Mất mùa đói kém phải cứu giúp lối xóm
Giảng rộng
Xét về phương thức cứu tế giúp đỡ khi mất mùa đói kém, có những biện pháp cứu giúp khi đã xảy ra, lại cũng có những biện pháp cứu giúp khi việc chưa xảy ra. Ví như xin giảm thuế má, ngăn tàu thuyền chở lúa gạo đi nơi khác, khuyến khích mở các điểm cứu tế phát lương thực cho người đói thiếu, nghiêm cấm những kẻ đầu cơ mua lúa gạo vào để trục lợi... Đó đều là những biện pháp khi đói kém đã xảy ra. Khai thông kênh rạch, củng cố đê điều, khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp, tiết kiệm nguồn nước, tích trữ lúa thóc phòng khi cứu giúp, mộ dân khai khẩn đất hoang, nghiêm cấm việc ngăn sông bắt cá, giết thịt trâu cày... Đó đều là những biện pháp cứu giúp khi việc đói kém còn chưa xảy ra. 
Áp dụng các biện pháp khi việc đói kém còn chưa xảy ra, ắt tổn phí ít mà hiệu quả được nhiều, dân được ấm no mà nhà nước vẫn thu được đầy đủ thuế má. Nếu đợi đến khi đói kém đã xảy ra, người đói chết đầy đường, rồi sau mới tính chuyện quyên góp cứu tế, ắt là tổn phí phải rất nhiều, mà người chết cũng không ít. 
Ở đây chỉ nói đến việc cứu giúp “lối xóm”, thật ra là cách nói biểu trưng cần phải hiểu thật rộng ra nhiều đối tượng khác. Việc thiên tai mất mùa đói kém vốn có nguyên nhân từ nơi tâm tham lam, bủn xỉn, keo kiệt của con người, cho nên chính là do cộng nghiệp của nhiều người mà chiêu cảm xảy ra. Nếu dùng tâm lành để cứu giúp bằng cách cảm hóa người, thì những thiên tai đói kém trong tương lai ắt có thể tránh được. 
Kinh nói rằng: “Vào lúc tuổi thọ trung bình của con người chỉ còn 30 tuổi, sẽ có nạn đói kém xảy ra. Khi ấy kéo dài trong 7 năm 7 tháng 7 ngày đêm không có mưa, trên mặt đất dù một cộng cỏ cũng không mọc được, người chết phơi xương trắng đồng. Khắp hết cõi Diêm-phù-đề, số người sống sót không quá một vạn. Con số ấy chỉ là đủ để lưu lại nòi giống con người trong tương lai.”
Luận Bà-sa nói rằng: “Nếu như có người phát tâm đại bi bố thí một miếng ăn cho người đang đói, thì trong tương lai người ấy nhất định không phải gặp cảnh thiên tai đói kém.” Như dùng phương tiện này để cứu trừ nạn đói, quả thật là có thể thành tựu mà chẳng lưu chút dấu vết nào. 
Trưng dẫn sự tích
Chuốc họa khi có nạn đói 
Những năm cuối đời Tùy, huyện Mã ở tỉnh Sơn Tây gặp nạn đói kém. Quan Thái thú là Vương Nhân Cung gấp rút khóa chặt kho lương, chẳng nghĩ gì đến chuyện cứu tế cho trăm họ
Có người tên Lưu Vũ Chu nói rằng: “Nay trăm họ gặp nạn đói kém, người chết phơi thây đầy đường, họ Vương quả thật vô tâm ngồi nhìn không lo đến, như thế có thể gọi là quan phụ mẫu được chăng?” 
Liền giết trâu lấy máu, họp những người đồng tâm lại cùng lập lời thề rằng: “Bọn chúng tôi không cam tâm ngồi chờ chết. Kho lương thực tích chứa trong huyện quả thật là do mồ hôi của muôn dân khổ nhọc mà có, mọi người có thể theo chúng tôi cùng đến đó lấy mà chia nhau, có thể sống thêm được ít lâu nữa.” 
Mọi người đều hưởng ứng, cùng kéo nhau đến giết Vương Nhân Cung, mở kho lương thực cấp phát cho dân. Do đó mà tất cả các địa phương lân cận trong vùng cũng đều hưởng ứng. 
Lời bàn
Lưu Vũ Chu nêu ra ý mình, bất quá cũng chỉ là muốn kêu gọi những người dân đang bị đói nhân cớ ấy mà nổi loạn thôi. Nhưng sự việc ra nông nỗi ấy, đều là do Vương Nhân Cung cả. Vào đời Bắc Tống, Triệu Thanh Hiến làm tri phủ Việt châu, gặp lúc khắp vùng Ngô Việt bị hạn hán to, ông không đợi đến lúc dân đói, đã sớm có sự quy hoạch, phủ dụ người dân, chuẩn bị mọi việc cần làm, nên sau dù có đói thiếu, lòng dân vẫn yên. Như đám cẩu quan chỉ biết lo bảo toàn cho bản thân với vợ con mình, quả thật không đáng để nhắc đến! 
Tăng giá lúa cứu nạn đói 
Đời Tống, Phạm Văn Chánh Công làm tri phủ Hàng Châu, gặp năm mất mùa đói kém, mỗi đấu lúa lên giá đến 120 đồng tiền, dân tình hết sức lo lắng. Phạm Văn Chánh Công chẳng những không lo giá lúa cao, ngược lại còn tăng thêm lên đến 180 đồng tiền một đấu, đồng thời cho yết bảng nói rõ khắp nơi, rằng Hàng Châu lúa thóc ít ỏi, nay bất chấp giá cao, quyết lòng mua vào. Lại sai người truyền bá tin ấy đi khắp nơi, các quan đồng liêu nghe biết việc này đều không hiểu được vì sao. 
Qua mấy ngày sau, thương nhân khắp bốn phương nghe giá lúa ở Hàng Châu rất cao, ồ ạt tranh nhau chở lúa đến. Khi ấy, giá lúa chẳng cần tác độngtự nhiên xuống thấp, thật vô cùng có lợi cho người dân. 
Lời bàn
Cũng đồng một ý tưởng như thế này là vào năm mất mùa đói kém lại gia tăng thật nặng nề chuyện sưu dịch, sử dụng nhân công vào việc tu tạo chùa chiền tự viện, xây dựng sửa sang cầu cống... 
Người ta thảy đều biết rằng khi mùa màng thất bát ắt việc sưu dịch công ích nên bãi bỏ, nhưng lại chẳng biết rằng những năm như thế thì người dân nghèo thật không có việc gì để làm, chẳng phải lại càng mau chết đói sao? Khi sưu dịch tăng cao, tất nhiên những nhà hào phú không muốn đi làm, buộc phải xuất tiền bạc lúa thóc ra thuê người làm thay, tự nhiên lúa thóc được phân tán ra cho dân nghèo. Như vậy cũng chẳng làm hại gì nhà giàu, nhưng mang lại lợi ích cho dân nghèo.
Trồng đậu thay lúa 
Vào đời Tống, Trình Hướng làm quan tri phủ Từ Châu, trời mưa dầm kéo dài ruộng lúa đều hư hỏng. Trình Hướng tính toán thấy rằng khi nước rút ruộng khô ráo thì cày bừa cấy lúa không còn kịp nữa, liền vận động của các nhà giàu trong địa phương được mấy ngàn thạch đậu giống, đem phân phát cho nông dân, dạy họ mang rải trên ruộng nước. Nước còn chưa rút hết thì đậu đã bắt đầu nảy mầm, kịp khi nước khô hẳn thì ruộng lúa bị hư nay đã thành ruộng đậu. Năm ấy tuy mất mùa lúa nhưng dân không đến nỗi đói kém chính là nhờ thu hoạch được đậu. 
Lời bàn
Trước đây tôi có từng đọc qua sách “Tứ hữu trai tùng thuyết”, thấy có nói đến một sách lược có thể dùng cho năm mất mùa đói kém. Đó là yêu cầu tất cả các phủ, châu, huyện đều áp dụng việc nộp tiền phạt chuộc tội, rồi tận dụng số tiền thu được để mua lúa thóc vào kho. Hết thảy những tội từ sung quân trở xuống đều cho phép nộp lúa chuộc tội. Nếu như một vùng gặp thiên tai hạn hán, nên liên lạc với những vùng không gặp thiên tai hạn hán để tạm thời vay mượn cứu dân, năm sau sẽ hoàn trả. Được như vậy ắt là trăm họ sẽ không phải lưu lạc phương xa, triều đình cũng không phải lo lắng nhiều. Những điều đúng đắn như thế rất cần phải gấp gấp thi hành, mong rằng những ai có thiện tâm sẽ cố gắng truyền bá đến với những người đang giữ quyền cai trị các địa phương. 
Kháng nghị cứu dân Liêu Dương 
Vào triều Minh, năm cuối niên hiệu Gia Tĩnh, vùng Liêu Dương gặp nạn hạn hán đói kém lớn, đến nỗi quân dân tàn hại lẫn nhau. Binh bộ Thị lang họ Vương dâng sớ lên triều đình xin cứu tế, đề nghị giúp 2 vạn thạch thóc, lại tính toán việc vận chuyển theo đường bộ đến Sơn Hải, chi phí mỗi một vạn thạch ước đến 8.000 lượng bạc, quan viên địa phương đều cho là việc hết sức khó khăn. 
Bấy giờ, Hứa Bá Vân, người ở Côn Sơn, đang làm quan Cấp sự, cho rằng người dân Liêu Dương mạng sống mong manh chỉ còn trong sớm tối, nếu dùng đường bộ để vận chuyển không chỉ là kéo dài ngày, mà trên đường còn gây phiền nhiễu cho dân chúng, như vậy không bằng tạm gỡ bỏ lệnh cấm đường biển, cho dùng thuyền chở lương thực đến Liêu Dương, như vậy ắt có thể giương buồm đến nơi nhanh chóng. Suy tính như vậy rồi liền dâng sớ lên triều đình cực lực kháng nghị, xin thay đổi việc vận chuyển đường bộ sang đường thủy. Lại đem cả tánh mạng toàn gia của mình ra để đảm bảo cho việc vận chuyển bằng đường biển nếu có phát sinh bất kỳ vấn đề gì. Triều đình chấp nhận thỉnh cầu của ông, chuẩn y theo số lương thực trong bản sớ trước đó, lại lấy thêm lúa từ kho ở Thiên Tân, số lượng tăng lên đến hơn 10 vạn thạch, cấp tốc dùng thuyền vận chuyển theo đường biển đến Liêu Dương. Trăm họ ở Liêu Dương được cứu tế, tiếng hoan hô mừng vui kinh trời động đất. Nhờ đó, số người thoát chết tính ra rất nhiều. Dân chúng Liêu Dương lập đền thờ Hứa Bá Vân, đến nay vẫn còn. 
Lời bàn
Ấy thật là đem tâm chí thành thương xót mà lo việc cứu tế, gấp rút như cứu người đang dầu sôi lửa bỏng, dâng sớ hết lời trần tình, ân đức rộng đến lê dân. Tuyệt vời thay Hứa Bá Vân! Ân đức ấy thật hết sức lớn lao!
Đức độ không phô bày 
Vào đời nhà Minh, trong khoảng niên hiệu Sùng Trinh, có vị tiến sĩ quê ở huyện Thường Thục là Tưởng Uyển Tiên, ngẫu nhiên ghé lại Côn Sơn thăm nhà Chu Minh Viễn, vốn là bạn thi đỗ cùng khoa. Năm ấy gặp nạn đói kém dữ dội, đến nỗi vợ chồng, cha con trong một nhà cũng không còn khả năng lo cho nhau. Bấy giờ có người họ Quách, muốn bán vợ mình đi nhưng vì còn có đứa con quá nhỏ đang bế trên tay nên không bán được. Suy tính không còn đường nào khác, liền nói rằng: “Mỗi người phải tự lo tìm đường sống thôi.” Rồi mang đứa con nhỏ đặt bên lề đường. 
Tưởng Uyển Tiên thấy việc như thế hết sức đau lòng, than rằng: “Sao có thể chỉ vì miếng ăn vào bụng mà trong phút chốc ly tán cả một gia đình?” Liền hỏi người ấy cần bao nhiêu tiền. Đáp: “Mười lăm ngàn đồng.” Uyển Tiên dốc hết túi riêng chỉ được mười ngàn đồng, liền hỏi Minh Viễn vay năm ngàn đồng cho đủ số. Minh Viễn nói: “Việc thiện ở thế gian nên để cho mọi người cùng góp sức, ông sao nỡ vô tâm chỉ muốn riêng mình làm người tốt?” Nói rồi liền góp vào số năm ngàn đồng ấy. Nhờ đó mà người vợ không bị bán đi, đứa con cũng được giữ lại. 
Về sau, nhà họ Quách cũng gầy dựng được đôi chút sản nghiệp, đưa con đến tìm Tưởng Uyển Tiên lạy tạ ơn cứu giúp. Tưởng Uyển Tiên không cho lạy, lại cũng không bao giờ nhắc đến việc ấy. 
Lời bàn
Chu Minh Viễn chính là ông nội của Chu Tử Di sau này, cùng với Tưởng Uyển Tiên giao du hết sức thân thiết. Tôi có đọc sách của Chu Tử Di viết về những công hạnh tốt đẹp của 3 đời nhà họ Tưởng, thật rất đầy đủ. Nhân đó mới trích ra một số chuyện, chép vào ở phần cuối của sách Bách phước biền trân (百福駢臻), ở đây không kể ra nhiều. 
Cân đo phải công bằng, không được bán ra non, thu vào già
Giảng rộng
Ở đây không nói đến hành vi hay lời nói, chỉ nói nhấn mạnh đến việc “cân đo”. Đó là vì hành vi hay lời nói đều có ý chủ quan. Đã có ý chủ quan, ắt có ý muốn lợi riêng về mình. Chẳng bằng như dựa vào sự “cân đo” vốn chẳng có ý riêng, luôn khách quan, công bằng
Nói công bằng, có nghĩa là vật nhẹ cho kết quả nhẹ, vật nặng cho kết quả nặng, không hề phân biệt đó là đang cân để bán ra hay cân để mua vào. Vua Thuấn khi tuần du bốn phương, ấn định việc đong lường các nơi đều phải như nhau. Chu Văn vương vừa lên ngôi, trước tiên đã lo việc thẩm sát chuẩn mực cân đo xem có thích hợp đúng đắn hay không. Nếu không trước hết đề xuất lấy sự công bằng làm trọng, làm sao tránh khỏi trong lúc cân đo người ta lại không tùy ý tăng giảm làm sai lệch kết quả? Trong việc đong lường, ắt phải tương đồng các đơn vị như thăng, hộc...; trong việc đo đạc, ắt phải tương đồng về thước, tấc...; nói đến sự lệch lạc nặng hay nhẹ, non hay già, đó là nói chung về tất cả những kết quả cân đong đo đếm, như nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, tinh hay thô... 
Việc cân đo phải công bằng, không có nghĩa là mỗi khi cân đo đều phải yêu sách, đòi hỏi sự công bằng, mà nên biết giữ sự công bằng tự trong thâm tâm, lúc nào cũng phải xem trọng sự công bằng, lấy đó làm khuôn thước. Được như vậy rồi thì tâm địa trở nên khoan dung rộng lớn, tự nhiên mỗi lúc cần phải cân đo, dù không lưu tâm cũng vẫn giữ đúng mực công bằng
Trưng dẫn sự tích
Khiển trách không chịu tỉnh ngộ 
Đế Quân kể rằng: “Người dân vùng Thục quận (Tứ Xuyên) khéo tùy cơ ứng biến, giỏi việc mưu lợi cho riêng mình. Có người tên Lê Vĩnh Chánh, nhà ở phía bên ngoài Đông Thành, vốn là thợ đóng xe. Vĩnh Chánh chê việc đóng xe nặng nề mà làm ra rồi bán rất chậm, bèn đổi nghề làm các dụng cụ đo lường như đấu, hộc... sau lại làm cả cân với quả cân. Được một năm, có người khách đến đặt hàng dặn phải làm cái đấu cho sâu hơn, quả cân nặng hơn, rồi trả thêm cho nhiều tiền hơn. Ông ta có khả năng làm ra được những quả cân non hoặc già, những cái đấu hơi nhỏ hơn hoặc lớn hơn, rất tinh vi khó biết. Tay nghề của ông ta càng cao thì lại càng có nhiều người sử dụng các dụng cụ do ông làm ra, rộng rãi khắp nơi, tội lỗi ác nghiệt ngày càng nặng nề hơn. Ta đã sai thần địa phương là Đoàn Ngạn hiện ra trong giấc mộng trách phạt, dùng roi đánh Lê Vĩnh Chánh, nhưng ông ta tỉnh ra vẫn không hối cải. Ta liền phạt ông ta phải mù hai mắt. Năm đó Vĩnh Chánh chưa được 40 tuổi, vợ bỏ đi theo người khác, 2 đứa con sinh ra cũng mù lòa, chịu đủ mọi điều khổ não. Nhưng ông ta bỏ nghề thì chẳng biết làm gì để sống, nên vẫn cố dùng tay thay mắt, ước chừng rộng hẹp, dài ngắn, lại tiếp tục làm theo yêu cầu của khách hàng. Năm ngón bàn tay trái của Vĩnh Chánh từ sáng sớm đã chịu đau đớn, đến chiều gần như không thể cử động được nữa, máu mủ thường chảy ra, hết sức khổ sở. Dần dần, các khớp ngón tay rơi rụng, ông ta không còn cầm nắm bằng tay được nữa, phải đi ăn xin ngoài chợ. 

Vĩnh Chánh tự nói ra tội lỗi của mình với mọi người, đến 3 năm sau thì chết, hai đứa con cũng nối tiếp nhau chết vì đói. Do đó mà số người sử dụng những dụng cụ đo lường sai lệch do Vĩnh Chánh làm ra không còn nhiều nữa.”
Lời bàn
Đời nhà Thanh, vùng Thiệu Hưng thuộc tỉnh Triết Giang có người đến Tô Châu thuê nhà ở. Người này có nghề khéo nấu bạc đúc thành các loại đồ chứa. Trong lúc nhận làm cho khách, ông ta lén lấy bớt đi số lượng bạc của khách. Năm Bính Tý niên hiệu Khang Hy, vào ngày mồng 3 tháng 7, đang trong lúc đúc đồ chứa, bỗng nhiên có người dở miếng ngói trên mái nhà ông ta trống ra. Ông lấy tay che lại, bỗng có tiếng sét đánh xuống, làm đứt hẳn một nửa cánh tay. Tuy chưa đến nỗi chết, nhưng thân thể khi ấy không còn khả năng nhấc được vật gì lên nữa. Cho nên, đối với các loại đồ dùng mà có sự gian lận, ắt không khỏi có sự liên quan đến tạo vật. 
Chịu phạt làm thân trâu 
Vào đời Đường, ở huyện Vạn Niên thuộc Ung châu có người họ Nguyên, cưới vợ họ Tạ. Hai vợ chồng có đứa con gái gả cho Lai A Chiếu là dân ở Long thôn. Niên hiệu Vĩnh Huy năm cuối đời Đường Cao Tông, Tạ thị qua đời. Đến tháng 8 năm đầu niên hiệu Long Sóc, bà hiện về báo mộng cho đứa con gái, nói rằng: “Mẹ lúc còn sống dùng đấu nhỏ hơn để đong rượu bán, gian lận tiền của người khác quá nhiều, nay đang phải chịu tội, làm con trâu ở nhà một người dưới chân núi Bắc Sơn, gần đây lại bị bán về nhà Hạ Hầu Sư ở gần bên chùa Pháp Giới để cày ruộng, khổ cực vô cùng. Mong rằng con có thể mang tiền đến đó chuộc mẹ ra.” Đứa con gái thức dậy, đem việc ấy khóc mà kể với chồng.
Tháng giêng năm sau, tình cờ gặp một vị ni sư ở chùa Pháp Giới đến Long thôn, hỏi ra mới biết tường tận mọi việc. Hai vợ chồng liền chuẩn bị tiền bạc tìm đến nhà kia để chuộc trâu. Trâu nhìn thấy người con gái thì khóc. Cô ta mua được trâu về, tận tâm nuôi dưỡng. Vương phi và thị nữ của Vương Hầu ở kinh thành nghe biết chuyện này, liền cho gọi người con gái của Tạ thị, bảo dắt trâu đến cho Vương phi xem, rồi ban cho tiền bạc, vải lụa. 
Lời bàn
Dùng đấu nhỏ hơn để đong cho người là thói gian lận thường gặp ở dân phố chợ, ắt phải chịu sự trừng phạt đến như thế. Cho nên những kẻ gian lận của người để thủ lợi, ỷ thế cưỡng bức mua lấy vật dụng của người, nói chung đều không tránh khỏi sự nguy hiểm. 
Nối nghiệp nhà tốt đẹp 
Đời Minh, ở Dương Châu có nhà giàu có, mở một cửa hàng ở phía nam. Đến lúc sắp chết, gọi con đến trao cho một cái cân mà nói: “Đây là vật đã giúp ta dựng nên gia nghiệp.” Đứa con hỏi vì sao, ông đáp: “Đòn cân này làm bằng gỗ mun, bên trong có giấu thủy ngân. Khi cân bán ra thì trước đã nghiêng cho thủy ngân chạy về đầu cân, người ta thấy tưởng rằng vật đã đủ nặng, không biết rằng thật ra còn nhẹ. Khi cân mua vào thì trước đã nghiêng cho thủy ngân chạy về đuôi cân, người ta thấy tưởng rằng vật cân còn nhẹ, nhưng không biết rằng thật ra đã nặng. Ta nhờ đó mà giàu có.” Đứa con nghe như vậy thì trong lòng kinh sợ nhưng không dám nói ra.
Người cha chết rồi, đứa con lập tức mang cái cân ấy ra thiêu hủy. Khi đốt thấy trong đám khói bay lên có vật gì hình giống như rồng, như rắn. Chẳng bao lâu sau, có 2 người con trai đều chết cả. Khi ấy liền than thở rằng đạo trời thật không công bằng, nhân quả đảo điên trái ngược. Một hôm, nằm mộng thấy mình đi đến một nơi, có quan phủ ngồi trên án đường, dạy rằng: “Cha của ngươi vốn số mạng giàu có, thật chẳng cần phải dùng đến cái cân gian lận. Nhưng vì ông ta có tâm bất chính, chẳng giữ lẽ công bằng, nên Ngọc Đế có lệnh sai hai vì tinh tú là Phá tinh với Háo tinh xuống trần, đầu thai vào nhà để hủy hoại gia nghiệp nhà ngươi. Sau khi gia nghiệp đã suy sụp rồi, ắt phải chịu thêm hỏa hoạn. Nay xét thấy ngươi có thể sửa được lỗi lầm của cha ngày trước, buôn bán giữ được lẽ công bằng, nên Ngọc Đế đặc biệt cho triệu hồi Phá tinh với Háo tinh về, sắp tới sẽ cho ngươi được có con ngoan hiền, ngày sau được vẻ vang vinh hiển. Ngươi nên cố sức làm điều thiện, chớ nên oán thán lẽ trời.”
Người kia tỉnh dậy hiểu ra mọi sự, từ đó càng kiên trì làm thêm rất nhiều việc thiện. Sau quả nhiên ông sinh được 2 người con, đều đỗ tiến sĩ
Lời bàn
Theo đúng lý thì những chuyện tốt xấu, lành dữ xảy ra với người đời đều có nguyên nhân tiềm ẩn, chỉ là người phàm mắt thịt không có khả năng thấy biết mà thôi. Nhưng luật nhân quả báo ứng, dù một mảy may cũng không sai lệch. 
Xưa ở Cô Tô (Tô Châu) có người họ Doãn sống bằng nghề viết đơn kiện, xúi giục người khác kiện tụng lẫn nhau. Trong nhà lúc nào cũng đông người đến nhờ giúp, đông như họp chợ. Sau người ấy sinh được một đứa con, dung mạo hết sức tuấn tú, thông minh tuyệt trần. Nhân đó, họ Doãn tự hối hận lỗi lầm của mình, bỏ không làm việc viết đơn từ cáo trạng nữa. 
Chẳng bao lâu, đứa con trai hốt nhiên bị mù cả 2 mắt. Họ Doãn đau buồn uất hận lắm, trở lại viết đơn kiện như trước. Chưa được một năm thì 2 mắt của đứa con trai sáng ra. Do đó mà họ Doãn cho rằng đạo trời chẳng công bằng, từ đó tuyệt đối không tin lẽ nhân quả, họa phước gì nữa cả. 
Đứa con trai họ Doãn tên Minh Đình, vào năm Kỷ Sửu niên hiệu Thuận Trị thì đỗ tiến sĩ. Nhưng rồi chưa được mấy năm, nhân lúc đi nhận chức quan, giữa đường gặp quân phiến loạn, cả nhà đều bị giết, không sống sót một ai. 
Với kẻ dưới phải khoan thứ, không nên khắc nghiệt, soi mói
Giảng rộng
Chẳng thấy như lúc bỏ tiền mua nô tì, mẹ con phải ly biệt đau khổ đến mức nào sao? Mẹ hiền ruột gan như xé nát, vạn bất đắc dĩ mới phải bước ra về, trước lúc ấy còn dặn dò lại con rằng: “Cha mẹ nghèo làm khổ con rồi! Thôi hãy gắng sức, khéo phụng sự chủ nhân. Chủ có gọi phải to tiếng dạ, chủ có dạy phải lắng tai nghe. Cùng là tôi tớ với nhau chớ tranh giành ganh ghét. Hình hài của con đó là máu thịt mẹ cha, trước đây thương quý nâng niu như châu ngọc, đâu ngờ phải gấp rút đến lúc chia lìa như hôm nay. Mẹ nếu như có được tiền, nhất định sẽ đến chuộc con về. Từ nay con phải tự lo cho thân mình, đừng để đến nỗi phải chịu đòn roi đánh phạt.” Dặn dò cẩn thận như vậy rồi, lời chưa dứt thì mẹ con đã không kiềm được mà cùng ôm nhau khóc lớn. Cảnh ấy thật đau đớn thay! Nếu biết nghĩ đến cảnh ấy thì xót thương còn không hết, làm sao có thể nỡ lòng khắt khe, soi mói tìm lỗi để trách phạt? 
Trong Kinh dạy rằng: “Người đời đối với kẻ tôi tớ giúp việc, phải giữ trọn theo năm điều. Một là, trước phải xét hỏi xem có đói khát, rét lạnh hay không, sau đó mới sai khiến công việc. Hai là, nếu tôi tớ có bệnh phải lo việc cứu chữa, điều trị. Ba là, không được lạm dụng đòn roi, trước hết phải hỏi rõ ngọn nguồn sự việc rồi mới nghĩ đến việc trách phạt. Nếu là việc có thể tha thứ thì nên tha thứ; nếu buộc lòng phải trách phạt, thì nên vì sự dạy dỗ mà trách phạt. Bốn là, tôi tớ có chút đỉnh tiền riêng, không được cậy quyền chiếm đoạt. Năm là, cấp phát đồ dùng phải thực sự công bằng, không được thiên vị kẻ nhiều người ít, kẻ tốt người xấu.” 
Trong thế gian, những kẻ làm thân tôi tớ ắt phải là hết sức tối tăm, khổ sở. Bởi tối tăm nên ắt phải mau quên khó nhớ, rối loạn mọi việc. Bởi khổ sở nên dung mạo khó coi, thường nói lời vô nghĩa, nói ra đường đột xúc phạm người trên nhưng vẫn thường tự cho mình là đúng, gượng ép cãi cọ không thôi. Chính vì vậy mà thường tự chuốc lấy đòn roi trách phạt. Nhưng đối với những người tôi tớ như vậy mà khắt khe soi mói để trách phạt họ, thì người chủ ấy rõ ràng là không sáng suốt, lại thêm bụng dạ hẹp hòi. Nguyện sao cho những người làm chủ đều là người nhân hậu, rộng lòng khoan thứ, nên nghĩ đến những kẻ tôi tớ như con cái của chính mình. Đang lúc phải dùng đòn roi, cũng nên dạy dỗ rầy la; đang lúc dạy dỗ rầy la, cũng nên khuyên bảo khích lệ. Được như vậy ắt là tự mình cũng không hao tổn tinh thần, mà kẻ tôi tớ cũng không phải chịu đớn đau thể xác. Không chỉ là trong hiện tại được danh thơm tiếng tốt, mà còn có thể tạo thành nền nếp tốt đẹp cho gia đình trong tương lai. 
Trưng dẫn sự tích
Sau khi chết không có nô tì 
Thời Nam Bắc triều, ở Bắc Tề có viên quan họ Lương, nhà hết sức giàu có. Lúc sắp chết bảo vợ con rằng: “Ta bình sinh yêu thích một nô tỳ với con ngựa hay, các người phải vì ta mà chôn theo khi tống táng.” 
Sau khi họ Lương chết, người nhà liền dùng bao chứa đầy đất đè lên người đứa nô tỳ, ngạt thở mà chết. Riêng con ngựa còn đợi đó, chưa giết. Nô tỳ chết được 4 ngày thì bỗng nhiên sống lại, kể rằng: 
“Tôi chết rồi, hồn đi đến phủ Diêm vương, ở bên ngoài cửa ngủ lại một đêm. Sáng hôm sau, nhìn thấy ông chủ bị xiềng xích gông cùm, có người áp giải vào. Ông chủ bảo tôi rằng: ‘Ta cứ tưởng sau khi chết cũng cần dùng đến nô tỳ, nên mới dặn người nhà cho ngươi xuống, đâu có ngờ đến hôm nay thì mỗi người đều tự chịu khổ não, chẳng liên quan gì đến nhau. Ta sẽ thỉnh cầu quan thả ngươi về. ’ 
“Ông chủ nói rồi phải vào trong điện. Tôi đứng bên ngoài liền ghé mắt nhìn trộm vào, thấy có vị quan tra hỏi quân lính rằng: ‘Hôm qua ép ra được nhiều ít mỡ?’ Quân lính thưa: ‘Được 8 đấu.’ Quan dạy rằng: ‘Tên họ Lương đó cần phải ép tiếp, hãy ép cho ra đủ một thạch sáu đấu mỡ.’ Ông chủ lập tức bị dẫn đi, không kịp mở miệng nói điều gì. 
“Hôm sau lại thấy ông chủ bị dẫn đến, nhưng vẻ mặt có phần hoan hỷ. Quan tra hỏi: ‘Có ép được mỡ không?’ Quân lính đáp: ‘Dạ không.’ Quan hỏi nguyên do, quân lính thưa: ‘Người nhà ông ấy thỉnh chư tăng tụng kinh lễ Phật, mỗi khi nghe tiếng kinh kệ thì đà sắt tự gãy lìa, nên không ép ra được mỡ.’ Ông chủ nhân lúc đó liền lên tiếng xin tha cho tôi về, lại nhờ nhắn lời về với người nhà rằng: ‘Nhờ các người làm điều phước thiện nên ta được thoát nỗi khổ lớn, nhưng giờ thật chưa thoát hết tội, mong các người tiếp tục vì ta tụng kinh, tạo tác tượng Phật, ta nhờ đó có thể được giải thoát. Từ nay về sau tuyệt đối không được sát sinh để cúng tế, chẳng những ta không hề được hưởng những thứ ấy, mà ngược lại còn phải chịu tăng thêm tội khổ.’” 
Lời bàn
Sau khi chết rồi không thể sử dụng nô tỳ, cũng giống như sau khi nghỉ việc quan thì không thể sai khiến những kẻ giúp việc trong nha môn. Còn như việc tụng kinh có thể tạo phước, làm việc sát sinh ắt gây họa cho người chết, lẽ ấy cũng là đương nhiên. 
Nô tỳ bình đẳng với người cao quý 
Tại Hồng Châu có quan tư mã là Vương Giản Dị bị chứng đau bụng, trong bụng thấy có một khối cứng, tùy theo hơi thởdi chuyển lên xuống. Ông ấy đau quá đã chết đi, sau sống lại nói với vợ rằng: “Ta bị triệu đến chốn âm ty, vì có đứa nô tỳ kiện ta. Nó nói rằng vì bị ta kiềm chế mất tự do thái quá đến nỗi phải tự vẫn. Nay cái khối cứng trong bụng ta chính là nó đó. Âm ty tra xét sổ bộ thấy ta còn được sống trên dương gian 5 năm nữa, vì thế thả cho ta về.”
Người vợ hỏi: “Đứa nô tỳ sao lại dám làm như vậy?” Giản Dị đáp: “Thế gian phân chia kẻ sang quý, người hạ tiện, chốn âm ty đều xem bình đẳng như nhau thôi.”
Năm năm sau, quả nhiên Vương Giản Dị bị tái phát chứng đau bụng mà chết. 
Lời bàn
Kẻ tôn quý với người thấp hèn, đều do sự phân biệt đối xử mà thành; cha con chồng vợ, bất quá cũng chỉ tạm thời giả hợp thành danh xưng, xét từ đầu vốn không phải những vị trí, danh xưng rốt ráo. Như nhà ở kề cận ta về phương đông, quay nhìn sang nhà ta ắt gọi là phương tây; như từ chỗ nhà của người ở về phương đông của ta mà nói, thì căn nhà kề cận về phương tây của họ, đối với ta lại là phương đông. Cha ta gọi ta là con, ấy là nhìn từ phía của người làm cha. Nếu như nhìn từ phía con ta, ắt lại phải gọi ta là cha. Đường xuống suối vàng vốn đã không còn nghe đến chuyện cháu con vui vầy, huống chi đến chốn Quỷ môn quan lại còn có nô tỳ phục dịch bên mình được sao?
Nhẫn chịu được điều khó nhẫn 
Triều Minh có quan Tư đồ là Mã Sâm. Cha ông đến năm 40 tuổi mới sinh con. Con lên 5 tuổi, dung mạo xinh đẹp, cả nhà đều thương yêu trân quý như châu ngọc. Một hôm, đứa tớ gái bế ra ngoài chơi, sẩy tay làm té ngã bị một vết thương trên trán phía bên trái mà chết. Cha ông lúc đó nhìn thấy mọi việc, lập tức gọi đứa tớ gái bảo chạy trốn đi, rồi tự tay bế xác con vào nhà. Mẹ ông đau đớn kinh hồn, nặng tay xô đẩy cha ông té ngã nhiều lần, quyết tìm cho ra con tớ gái mà đánh cho đến chết, nhưng nó đã chạy xa rồi. 
Đứa tớ gái chạy về nhà cha mẹ, kể thật sự tình. Cha mẹvô cùng cảm động trước sự tha thứ của ông chủ, ngày đêm thành tâm cầu nguyện cho ân nhân mình sớm sinh quý tử. Năm sau, quả nhiên ông sinh được Mã Sâm, trên trán nơi phía bên trái có một vết sẹo màu đỏ rất rõ. 
Lời bàn
Nô tỳ mắc lỗi, còn lỗi nào lớn hớn lỗi làm chết con của chủ? Khoan dung tha thứ, còn có cách nào hơn là buông thả cho đi mất? Kẻ đã làm chết đứa con hiếm muộn lúc tuổi về già của mình, lại thả cho đi không bắt tội, cũng xem như mất hẳn đứa nô tỳ. Nuôi dưỡng được tâm địa như thế, ví như đứa con mà chẳng đủ phước làm đến chức quan Tư đồ, ắt người cha ấy cũng đã thay con mà trồng được cội phước rồi. Bằng như ngược lại, chủ nhân vì con cái mình mà đánh đập, trách phạt tôi tớ, chẳng qua chính là làm tổn hại đến phước thọ của con mình đó thôi. 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/12/2021(Xem: 4135)
02/02/2024(Xem: 995)
06/08/2017(Xem: 10485)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.