Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (29)

21/09/20145:41 CH(Xem: 10507)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (29)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (29)


Không xúi giục người trong việc tranh tụng
Giảng rộng
Tranh với tụng mang ý nghĩa khác biệt nhau. Tranh có nghĩa là chỉ dùng lời lẽ tranh biện phải trái, còn tụng có nghĩa là đã dùng đến đơn từ, đưa nhau ra trước cửa quan mà đối chất, nhờ đến sự phân xử. Từ xưa đến nay, người giỏi đấu đá ắt phải có lúc chết vì đấu đá, người ưa kiện tụng ắt phải có lúc thảm bại trong việc kiện tụng. Một lần sơ suất ắt gia sản phải khánh tận, như con thiêu thân lao đầu vào lửa, dù muốn hối hận cũng không còn kịp nữa. 
Cứu xét nguyên nhân kiện tụng, đại khái không ngoài hai việc: nếu khôngtranh giành ruộng vườn nhà cửa, tài sản tiền bạc, ắt phải là do đấu đá xung đột. Những người tranh giành tài sản, tất nhiên ai cũng tham tiếc tiền bạc, nhưng lại không biết rằng một khi đã vướng vào chuyện thưa kiện ra cửa quan, ắt không khỏi phải tiêu tốn cho đến hết sạch tiền của. Những người vì chuyện đấu đá xung đột, tất nhiên ai cũng xem trọng thể diện, nhưng lại không biết rằng một khi đã ra trước cửa quan, chấp nhận cho người khác phán xử, ắt không thể nào giữ được thể diện. 
Người thua kiện tất nhiên đã phải bưu đầu sứt trán, nhưng kẻ thắng kiện ắt cũng không khỏi một phen kinh hồn bạt vía. Đến khi tan nhà nát cửa, mới thấy hối tiếc sao ban đầu không nhẫn nhục dung thứ cho sự ngang ngược của người kia. Sao bằng trước khi sự việc xảy ra có thể bình tĩnh ngồi lại cùng đối phương bàn thảo đủ điều tình lý, cùng trao đổi tìm cách giải quyết mà không cần phải dựa vào sự thưa kiện?
Người có thể nhẫn nhục, khoan dung tha thứ, ấy chính là bậc trí; còn xúi giục người khác trong việc tranh tụng, ắt không phải người hiền lương. Nếu không vì muốn trục lợi từ sự tranh chấp giữa đôi bên, ắt cũng là kẻ muốn dùng việc công để báo thù riêng, mượn đao giết người. Đến khi gió lặng sóng yên mới thấy rõ dã tâm xui nguyên giục bị của kẻ kia, há lại chẳng lấy làm tiếc cho mình đã làm một kẻ tiểu nhân, tự làm thương tổn âm đức? 
Trưng dẫn sự tích
Nhiều đời không thưa kiện 
Đời Bắc Tống, có Lôi Phu là người huyện Nghi Phong thuộc tỉnh Giang Tây, bẩm tính vốn nhân từ, xưa nay chưa ngỗ ngược xung đột với ai. Kể từ đời tiên tổ của ông, đời đời lấy sự trung hậu mà truyền lại cho cháu con, tính đến đời Lôi Phu đã qua mười một đời chưa từng xảy ra việc thưa kiện người khác. 
Về sau Lôi Phu thi đỗ Tiến sĩ, làm quan thanh liêm, sau lên đến chức Thái sư dạy thái tử học. Người người đều tin rằng đó là nhờ tổ tiên ông đã tích lũy nhiều điều thiện. 
Lời bàn
Nếu chưa thể rộng lòng khoan dung tha thứ cho người, thì trước hết cũng phải rèn luyện sự nhẫn nại. Nhờ kiên trì giữ được sự nhẫn nại lâu ngày, tự nhiên tâm tánh rộng mở, có thể trở nên khoan dung độ lượng
Xưa có người tên Tạ Cầu, rất ghét việc kiện tụng. Láng giềng lấn ranh đất của ông, có người khuyên ông nên kiện lên quan, Tạ Cầu cười nói: “Ông ta chỉ chiếm được đất, đâu có thể chiếm được trời?” Sau cũng chẳng thèm tranh chấp. Những kẻ tâm lượng nhỏ nhen làm sao hiểu nổi lời nói đó? 
Sáng suốt tránh được tai họa 
Tại một thôn nọ, thuộc huyện Hòa Châu, tỉnh An Huy, có người kia nuôi đến trăm con ngỗng. Một hôm, ngỗng sang ăn lúa nhà hàng xóm, bị đập chết một lúc đến hơn năm mươi con. Vợ người nuôi ngỗng thấy thế ban đầu tức giận lắm, nhưng sau bình tâm nghĩ lại rằng: “Ví như mang sự việc này kiện lên quan, thế lực nhà mình không chắc thắng kiện; nếu muốn thắng kiện, ắt phải bỏ ra phí tổn rất nhiều. Hơn nữa chồng mình lại đang say rượu, nếu nghe biết chuyện này nhất định sẽ gây sự ẩu đả, tai họa khó lường hết được, chi bằng ta hãy nhẫn nhịn cho qua.” Liền bảo người nhà mang xác ngỗng giấu hết đi, không cho người chồng biết. 
Sáng sớm hôm sau, người hàng xóm giết ngỗng bỗng tự nhiên lăn ra chết. Người chồng sau khi tỉnh rượu mới biết chuyện, liền nói với vợ: “Nếu hôm qua tôi sớm biết việc ngỗng bị chết, trong lúc say rượu chắc không khỏi sang nhà họ gây sự đánh nhau, ắt hôm nay phải chuốc lấy tai họa tan cửa nát nhà rồi.” 
Lời bàn
Người ta trong lúc hết sức giận dữ, nếu có thể lùi lại một bước để bình tâm suy nghĩ thì bảo toàn được thân thể, gia đình, tính mạng, cho đến tiêu trừ được phiền não oan gia. Xem như sự nhẫn nhịn của vợ người nuôi ngỗng kia, chẳng phải bảo toàn được rất nhiều đó sao? Ngày trước, Phạm Văn Chính Công từng có thơ khuyên đời rằng:
心中忿怒不如休,
何須經縣又經州?
縱然費盡千般計,
贏得貓來輸去牛。
Tâm trung phẫn nộ bất như hưu,
Hà tu kinh huyện hựu kinh châu?
Túng nhiên phí tận thiên ban kế,
Doanh đắc miêu lai thâu khứ ngưu.
Dịch nghĩa:
Trong lòng giận dữ, tốt nhất nên tự kiềm chế,
Đâu cần phải thưa kiện lên huyện, lên châu?
Ví như gộp hết trăm ngàn thứ phí tổn,
Hóa ra lấy được con mèo lại thua mất cả con trâu!
Dịch thơ:
Lửa giận bùng lên phải dập ngay,
Kiện thưa phủ, huyện có gì hay?
Ví bằng thắng kiện, bao tổn phí,
Mất cả con trâu, được lưỡi cày!
Quý tử phải chết yểu 
Hà Ứng Nguyên là thư lại ở phủ Tô Châu, sinh được một đứa con trai đặt tên là Thân. Năm Thân được 4 tuổi, bà vú nuôi đưa về thăm nhà ông ngoại. Trên đường đi ngang qua núi Lăng Gia, lúc trời gần sáng bỗng thấy có một đoàn người ngựa đèn đuốc kéo đến. Khi gặp Hà Thân, họ tỏ vẻ kinh sợ tránh sang bên và nói: “Hà thiếu gia ở đây sao? Chúng ta nên tránh đi thôi.” Nói xong, tất cả đều theo đường khác mà đi. 
Bà vú nuôi về nhà kể lại sự việc, Hà Ứng Nguyên cho rằng đứa con này ắt sau thành người hiển quý. Nhưng rồi khi Hà Thân được 17 tuổi bỗng mù cả hai mắt, Ứng Nguyên buồn giận lắm, nghe nói ở Trực Đườngvị đạo sĩ có thể cầu triệu thần linh, bèn tìm đến hỏi. Thần ứng hiện cho biết: “Lẽ ra con ông thi đỗ khoa này, chỉ vì lúc ông làm thư lại đã nhận hối lộ của người ta, ngụy tạo chứng cứ hãm hại nhiều người vô tội phải bị tù ngục, vì thế nên trời bắt ông phải tuyệt tự. Đứa con này sẽ thác sanh vào nhà khác có phúc đức.”
Quả nhiên, không bao lâu sau thì Hà Thân chết. 
Lời bàn
Do đời trước từng có nhân duyên với nhau mới sinh ra làm con cháu. Trong số những người có nhân duyên, lại cũng có kẻ hiền người ngu, hết thảy đều do con người tự chuốc lấy mà thôi. Than ôi, chỉ vì gian tham ngụy tạo chứng cứ mà giết chết đi một đứa con có tiền đồ hiển quý rỡ ràng, thật đáng thương thay!
Không hủy hoại đường danh lợi của người khác
Giảng rộng
Danh là phần tiêu biểu đầy đủ cho thân phận, sự nghiệp của mỗi một cá nhân; lợi là nguồn tài vật giúp người ta có được cơm áo cũng như mọi thứ cần dùng trong sinh hoạt đời sống. Danh lợi của mỗi người đều khó khăn mới gầy dựng được, nhưng hủy hoại đi thì rất dễ dàng nhanh chóng. Nếu có lúc muốn hủy hoại đường danh lợi của người khác, nên nghĩ lại những khó khăn vất vả mà họ đã phải trải qua để có thể gầy dựng được, như thế liệu có nỡ lòng hủy hoại đi chăng? 
Như kẻ ngược gió tung tro bụi, lẽ thường sẽ tự làm dơ bẩn thân mình; ngửa mặt lên trời phun nước bọt, ắt phải rơi trở xuống dơ mặt mình; những việc ấy cũng đều là lẽ tất nhiên. Cho nên, phá hoại danh tiếng của người ắt không khỏi tự làm tổn hại phẩm giá nhân cách của chính mình, mà phá hoại nguồn lợi của người cũng chính là âm thầm làm tiêu tan phúc đức duyên lành của chính mình.
Trưng dẫn sự tích
Vào trường thi đòi nợ cũ 
Vào triều Thanh, ở huyện Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy có người họ Hứa, vốn là dòng dõi danh giá. Người anh của ông từng được bổ làm quan Học chính ở một tỉnh nọ, có viên học sĩ trong tỉnh ấy mang 200 lượng bạc đến nhờ họ Hứa nói giúp với anh đề bạt phẩm trật cho được lên ngạch thứ ba. Ông nhận tiền, đồng ý sẽ nói giúp, nhưng rồi sau đó vì nhiều việc quá lại quên đi, chẳng nói gì về việc ấy cả. Đến khi sắp xếp ngạch trật, ông học sĩ này xếp tận dưới hàng thứ sáu. Ông ta tự nghĩ thấy mình bị mất cả danh lẫn lợi nên uất ức quá treo cổ tự vẫn. Người vợ ông ta cũng đau buồn quá mà thành bệnh rồi chết. 
Đến năm Canh Ngọ thuộc niên hiệu Khang Hy, họ Hứa vào trường thi, bỗng thấy viên học sĩ đã chết kia đứng ngay trong phòng dành cho thí sinh. Họ Hứa ngay lúc ấy liền hôn mê không còn biết gì nữa, tự đi đến lấy những sợi chỉ hồng trên bàn quan giám khảo, nối từng sợi một lại cho dài ra rồi buộc vào cổ mình, tự đến treo mình lên chỗ cửa phòng. Quanh cổ chỉ quấn mỗi một sợi chỉ nhỏ, nhưng hai chân vẫn rời lên khỏi mặt đất cả thước, lưỡi cũng theo đó mà lè ra thật dài. Quân canh lập tức bẩm báo lên quan giám khảo, lúc bấy giờ chính là quan Tổng hiến Truyền Công. Ông liền ra lệnh cho quân canh gấp rút cứu xuống. Khi ấy, họ Hứa bỗng trở nên cuồng loạn, nói lảm nhảm như ma quỉ, rồi kể rõ đầu đuôi câu chuyện năm trước đã nhận tiền nhưng không lo xong việc. Kể chuyện rồi, lại chờ khi cửa vừa mở đã hối hả chạy như bay về chỗ trọ. Không lâu sau, họ Hứa treo cổ tự vẫn trong phòng trọ. 
Lời bàn 
Một sợi chỉ nhỏ mà treo được thân người lên, chẳng phải là hết sức vô lý sao? Nhưng chuyện của họ Hứa thì chính mắt bao nhiêu người trong trường thi khi ấy đều nhìn thấy. Cho nên có thể thấy rằng, khi nghiệp quả đã chín mùi, sự báo ứng thật không thể dùng lý lẽ suy diễn để hiểu hết. 
Lại suy cho cùng, đến lúc khởi sinh ba tai kiếp của giai đoạn kiếp mạt, cành lá của cây cỏ đều hóa như dao sắc nhọn, người chạm vào liền bị thương tích, nhưng không ai tránh khỏi được kiếp nạn đó. Như khi đức Thế Tôn chịu nạn giáo gỗ đâm chân, cây gỗ ấy chỉ dài một thước mà có thể xuyên qua hòn đá xanh lớn, lại đi theo đức Phật từ nơi này sang nơi khác, chẳng phải càng đáng tin chắc hơn sao? 
Không làm tan vỡ chuyện hôn nhân của người
Giảng rộng
Trong ý nghĩa của hai chữ hôn nhân (婚姻) thì người con trai lập thành gia thất gọi là hôn (婚), con gái xuất giá theo chồng gọi là nhân (姻). Chữ hôn (婚) vốn lấy theo nghĩa hôn (昏) là đêm tối, vì xưa kia quy định phần chính trong lễ này là lễ hợp cẩn chỉ được tiến hành khi đêm xuống, không thực hiện lúc ban ngày, đó là hàm ý có sự hổ thẹn. Chữ nhân (姻) thì lấy theo nghĩa nhân nhân (因人), tức là dựa vào người, ý nói người con gái một khi đã theo chồng phải hết lòng giữ sự hòa hợp, dựa vào chồng mà giữ theo đạo đức luân lý, lại cũng dựa vào chồng mà phó thác sự vinh nhục sướng khổ của cả một đời mình, đó là hàm ý người vợ luôn tùy thuộc theo chồng. 
Hôn nhân là sự kết hợp tốt đẹp giữa hai dòng họ, trước là kế thừa sự nghiệp của tổ tiên dòng tộc, sau là gầy dựng mở mang cho con cháu đời sau, hiện tại thì nối kết hòa hợp với thân tộc đôi bên, quả thật là một nhân duyên không nhỏ. 
Nói chung thì việc hôn nhân vốn được định đoạt từ nhân duyên kiếp trước, chẳng những là riêng bản thân ta không chủ động được, mà cho đến cả cha mẹ hai bên cũng không có khả năng chủ động quyết định. Nếu là do nhân duyên lành đưa đến thì những tâm niệm hòa hợp tốt đẹp sẽ không ngừng không dứt. Nếu là do nhân duyên xấu ác đưa đến thì oán tình độc hại sẽ còn kéo dài mãi chưa hết chưa thôi. 
Vì thế nên chuyện hôn nhân không phải dùng sức người mà có thể phá hoại được. Ví như người khởi tâm muốn phá hoại, nếu không phải kẻ nuôi lòng thù hận, ắt cũng là do sự ghen ghét. Bất kể là khi khởi tâm mà chưa phá hoại được, hay khi đã phá hoại được rồi, thì tội ấy cũng đều xem như đã thành. 
Cố ý phá hoại việc hôn nhân của người tất nhiên là không nên. Nhưng ngay cả việc gán ghép người khác cho thành chồng vợ với nhau cũng không thể không thận trọng. Ví như tuổi tác chênh lệch quá xa ắt không thể sống cùng nhau đến răng long đầu bạc; hoặc cũng không nên xem thường những yếu tố như sang hèn cách biệt, không môn đăng hộ đối. Cho đến những chuyện như gia cảnh giàu nghèo, hình dung xấu đẹp đều không ra ngoài sự cân nhắc

Trưng dẫn sự tích
Biết lỗi sửa lỗi 
Quan Thị lang Tôn Hồng, khi còn trẻ có một người bạn cùng theo học ở trường Thái học xa nhà. Hai người có giao ước là khi thư nhà gửi đến thì đều đưa cho nhau xem. Một hôm, người bạn được thư nhà nhưng giấu không cho Tôn Hồng xem. Sau Tôn Hồng biết được, gạn hỏi, người bạn mới nói: “Trong thư ngẫu nhiên có chỗ không hay, sợ làm anh thối chí.” Tôn Hồng vẫn cố đòi xem cho kỳ được, cuối cùng người bạn phải đưa ra lá thư của cha mình. Trong thư viết rằng: “Đêm qua cha nằm mơ thấy đến một dinh quan, mơ màng thấy mình được xem qua sổ ghi tên những người thi đỗ. Trong đó thấy có tên con với Tôn Hồng, nhưng tên Tôn Hồng thấy ghi xuống phía dưới, lại có hàng chữ đỏ chú rằng: ‘Ngày tháng năm ấy... đã viết giúp một người tên ấy... lá đơn ly hôn, do đó bị trời phạt, tước bỏ tên trong sổ.’” 
Tôn Hồng đọc thư tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên, người bạn liền hỏi: “Có việc như thế chăng?” Tôn Hồng đáp: “Chuyện ấy đã lâu rồi, lúc tôi đang ở tại châu nọ..., có gặp hai ông bà đã lớn tuổi, đang quát mắng nhau, muốn ly hôn nhưng không có ai viết đơn giúp. Nhân đó họ nhờ tôi viết đơn, thật tôi hoàn toàn không có ý xấu.” Người bạn an ủi: “Chuyện mộng mị chẳng lấy gì làm đích xác, không cần phải lưu tâm. Huống chi tài học như anh thì lẽ nào thi lại không đỗ.”
Đến khoa thi, người bạn học ấy thi đỗ, Tôn Hồng quả nhiên bị đánh rớt. Từ đó mới biết giấc mộng ngày trước không phải hư huyễn. Thấy Tôn Hồng nhân việc ấy mà trong lòng không vui, người bạn liền nói: “Thôi anh đừng buồn nữa, đợi khi tôi về quê sẽ thay anh đến khuyên giải hai ông bà kia tái hợp như cũ, được không?” Nói rồi liền hỏi kỹ tên họ, nơi ở của hai ông bà kia, sau đó tìm đến tận nơi, thấy hai ông bà vẫn chưa hợp lại, bèn đem chuyện của Tôn Hồng kể hết cho hai người nghe, lại bày tiệc rượu khuyên hai người tái hợp như xưa. Việc thành tựu, liền gửi thư báo cho Tôn Hồng. Tôn Hồng hết sức cảm kích vui mừng
Về sau, Tôn Hồng được miễn kỳ thi ở tỉnh vì là học sinh nội trú của trường Thái học, dần dần lại được thăng tiến quan cao lộc hậu, nhiều lần nhậm chức ở các quận huyện lớn. Những nơi ông đến, khi gặp gia đình nào đang muốn ly hôn, ông đều cố sức hòa giải, nhờ đó mà bảo vệ được hạnh phúc cho rất nhiều gia đình.
Lời bàn 
Năm cuối triều Nam Tống, ở Lâm Xuyên có người họ Vương, vợ là Lương thị bị giặc Nguyên bắt đi, cưỡng lại mà chết. Trải qua nhiều năm, người chồng định tái hôn nhưng cứ luôn gặp việc trắc trở không thành. Một đêm mộng thấy người vợ hiện về nói: “Tôi đã thác sanh vào nhà ấy, nay được mười tuổi, bảy năm nữa sẽ làm vợ anh.” Hôm sau liền cho người đến tìm theo lời trong mộng, quả nhiên tìm được, bèn đợi sau bảy năm mang lễ vật đến xin cưới, chỉ một lần là được ngay. Cho nên, nhân duyên vợ chồng đâu thể xem nhẹ mà phá hoại? 
Ly gián hôn nhân phải chịu quả báo 
Đời nhà Thanh, niên hiệu Thuận Trị, vào năm Mậu Tuất có mở khoa thi Hội. Vào lúc điểm danh, bỗng phát hiện trong ống đựng bút của một thí sinh người ở Hiếu Liêm có bản thảo lá đơn ly hôn. Quan giám khảo xem qua giận lắm, sai dùng trượng phạt đánh rồi cùm lại nhốt vào ngục, đồng thời lập tức tước bỏ tư cách cử nhân.
Về sau tìm hiểu nguyên nhân mới biết, thí sinh người Hiếu Liêm này vốn có một người bạn đồng học, có gian ý muốn cưới vợ của một người bạn khác về làm thiếp. Anh chàng người Hiếu Liêm liền vì người bạn kia nghĩ kế, trước hết đặt điều nói xấu người vợ, khiến anh chồng giận ghét muốn bỏ vợ. Tiếp theo nhân lúc vợ chồng ly gián, liền mai mối chuyện hôn sự với người kia, lại vì người này mà viết giúp đơn ly hôn. Nhưng rốt lại anh ta cũng không hiểu vì sao lại mê muội để bản thảo lá thư ấy vào trong ống đựng bút. 
Lời bàn
Mưu kế của anh chàng này quả là thâm độc vô cùng! Nên biết, trong luật trời thì phá hoại chuyện hôn nhân của người khác được xem là điều ác độc nhất. Chẳng những là sau khi đã thành vợ chồng không được dễ dãi nói đến chuyện ly dị, mà ngay cả khi chưa kết hôn, nếu sự việc đã định đoạt rồi cũng không được làm cho thay đổi. 
Tại quê tôi ở Côn Sơn có một gia đình vốn trước đây là danh gia vọng tộc, chỉ sinh được mỗi một đứa con gái. Từ khi lâm vào cảnh sa sút bần cùng, mọi chi phí sinh hoạt ăn uống trong nhà đều phải dựa vào sự cung cấp của một người nô bộc cũ. Trải qua nhiều năm tháng như vậy, người chủ lấy làm cảm kích tấm lòng của người nô bộc cũ, liền mang khế ước bán thân của người này trước đây ra trả lại, đồng thời dùng lễ cung kính đối đãi như bằng hữu.
Người nô bộc cũ ấy có một đứa con trai rất thông minh, tuấn tú, người chủ muốn kết làm thông gia. Nô bộc cố hết sức chối từ, không dám, sau người chủ ép quá nên đành phải nghe theo, cho hai trẻ kết thành vợ chồng, sống với nhau hết sức tương đắc.
Không bao lâu, cả hai vợ chồng người chủ đều qua đời, người nô bộc cũ liền bảo bọc nuôi dưỡng cả con dâu. Qua năm sau, có người trong tộc họ của người chủ cũ viện cớ hai bên gia đình sang hèn cách biệt không thể kết thông gia, nên cố tìm đủ cách sách nhiễu không ngừng, cuối cùng lại kiện lên quan. Quan xử hai bên ly dị, người nô bộccuối cùng do việc ấy mà tan nhà nát cửa. Người trong tộc họ của chủ cũ lại không có khả năng nuôi dưỡng cô con gái, đến nỗi cuối cùng đói khổ uất ức mà chết. Cô gái ấy chết không bao lâu thì thác nhập vào người trong tộc họ của chủ cũ, kể lể hết đầu đuôi sự việc. Những kẻ đồng mưu trong việc này có bao nhiêu người sau đó đều mắc phải bệnh nặng, nối nhau mà chết cả. 
Không vì thù oán riêng làm cho anh em người khác bất hòa
Giảng rộng
Anh em trong một nhà, tuy hình thể phân biệt khác nhau, nhưng khí chất tương đồng vì cùng một cha mẹ sinh ra. Tuy tuổi tác khác nhau, nhưng đều do cha mẹ ân cần sinh dưỡng. Anh em nếu không hòa thuận là có tội với cha mẹ. Vì thế, nếu làm cho anh em người khác bất hòa, tức là khiến cho họ phải có tội với cha mẹ họ. 
Với anh em cùng cha khác mẹ, tuy phân dòng chánh thứ, nhưng với ta vẫn cùng một cha, như chân tay tương thuộc, nếu không hòa thuận với nhau, ấy là bạc đãi cốt nhục của mình. Vì thế, nếu khiến cho anh em cùng cha khác mẹ của người khác bất hòa, tức là khiến cho họ bạc đãi cốt nhục
Anh em bà con trong dòng họ, tuy phân biệt thân sơ, nhưng cũng đều nhờ vào âm đức tổ tông che chở vun bồi, nếu không hòa thuận với nhau thì rõ ràng là bất kính với tổ tiên. Vì thế, nếu khiến cho anh em bà con của người khác bất hòa, tức là khiến cho họ bất kính với tổ tiên
Cho nên phải biết rằng, việc báo thù riêng là hết sức nhỏ nhặt, mà cái hại về sau của sự bất hòa lại hết sức to lớn. Nếu người nào thực sự hiếu kính cha mẹ, đối xử tốt với anh em, thì mới có thể đem sự thương yêu anh em của mình mà suy ra để hiểu được tình anh em của người khác, vậy sao có thể nhẫn tâm vì chuyện báo thù riêng mà khiến cho người khác không tốt với em, bất kính với anh?
Trưng dẫn sự tích
Thành hoàng quở trách 
Vào triều Thanh, vùng Gia Định, có hai anh em nhà họ Trương, khi phân chia gia sản cha mẹ để lại, người anh lẽ ra phải trả cho em mười mấy lượng bạc, nhưng anh ta lại dựng chuyện chỉ hươu chỉ nai, cố ý không muốn trả. Người em nghèo, tính tình chất phác, không cãi lại được anh, liền đến nhờ ông chú phân xử, vì ông là người trước kia đã đứng ra phân chia gia sản. Ông chú thấy người anh giàu có, có thể nhờ cậy được, nên quay sang bênh vực cho anh. Người em trong lòng hết sức giận tức. Đến mùa hè năm Đinh Sửu niên hiệu Khang Hy liền viết một bản văn sớ kể lể hết sự tình, mang đến khấn rồi đốt ở miếu Thành hoàng trong làng. Đốt xong, đợi năm ngày mà không thấy chút cảm ứng gì, lại đốt tiếp một bản văn sớ nữa. Qua hôm sau, người chú bỗng lăn ra chết, người anh cũng chết. Rồi cuối cùng người em cũng chết luôn. 
Sau khi chết, cả ba người đều thấy mình bị dẫn đến miếu Thành hoàng. Thần nói: “Ba người các ngươi thật chưa chết, nhưng ta triệu cả ba đến đây là vì có sớ kiện, phải thẩm xét cho rõ sự việc.” Rồi thần hướng về người anh, nói: “Ngươi quả thật chưa trả mười lăm lượng bảy tiền cho em, sao còn mưu gian cậy thế? Phạt ngươi 30 trượng.” Lại nói với người em: “Việc này sao không tố cáo với quan ở dương gian, lại xem thường kinh động đến âm phủ? Phạt ngươi 25 trượng.” Lại trách mắng người chú: “Ngươi là chú sao không phân xét công bằng, lại xu nịnh người giàu, khinh dễ kẻ nghèo, khiến cho hai cháu phải thưa kiện đến đây, phạt ngươi 10 trượng.” 
Xử việc xong, cho cả ba về. Ba người tỉnh lại, hóa ra đã chết hơn nửa ngày, người nào cũng than nơi bắp đùi đau đớn lắm, lại nhìn vào mông đều thấy thịt tím bầm. Cả ba người đều nằm liệt hơn mười ngày mới dậy nổi.
Lời bàn
Người chú họ Trương vốn không có thù riêng với cháu, chỉ là muốn hùa theo điều lợi mà thôi. Đâu biết rằng hết thảy mọi việcdương gian, nơi âm phủ đều có sổ sách ghi lại rõ ràng, không sai sót? Cho nên dương thế còn có chuyện oan ức, nhưng âm ty tuyệt không phán xử sai lầm. Trên dương thế còn có ảnh hưởng của tình cảm khi xét xử, nhưng âm ty chỉ theo đúng luật mà làm. Việc hỏi tội nơi dương thế, bất quá chỉ phán xét theo những việc trong đời này, nhưng âm ty luận tội thì cân nhắc hết thảy mọi việc trong nhiều đời trước. Người gặp việc oan ức, nếu hiểu rõ được nhân duyên đời trước ắt sự uất ức sẽ tự tiêu tan.
Tôi nhớ vào năm Nhâm Tuất, ở trấn Nam Tường cũng thuộc vùng Gia Định, trong gia đình của Lục Chấn Cầu phát sinh một chuyện thật hết sức ly kỳ. Cứ theo lời người nhà ấy thì ma quỷ cõi âm khi đi lại cũng phải có điệp văn, lại không được phép đi qua các bến sông.
Năm ấy, người cháu dâu của Lục Chấn Cầu bị bệnh, bỗng có một con quỷ nhập vào, tự nói ra rằng: “Tôi vốn là người ở huyện Vụ Nguyên, Huy Châu, ở bờ sông phía bắc bán trứng cá, bị một nhà buôn kia thiếu nợ quá nhiều không trả, mất sạch cả vốn lẫn lãi, do đó uất ức mà chết. Tôi chết rồi liền mang sự việc khiếu nại nơi âm ty. Quan âm ty nói việc này không có gì phải khiếu tố cả, liền đưa cho tôi xem một bản ghi chép, trong đó có đủ những khoản mà kiếp trước tôi đã nợ người kia. Tôi biết được rồi thì không còn giận tức nữa. Vị quan âm ty liền cấp cho tôi một điệp văn, bảo quay trở về nhà. Nhưng lúc đi ngang qua đây thì bị đứa tớ gái của ông tạt nước trúng làm dơ bẩn điệp văn, nên không thể về nhà được nữa. Xin mau mau đền lại điệp văn cho tôi.” 
Lục Chấn Cầu nói: “Điệp văn là của cõi âm, tôi biết làm sao thay thế được, nên quay lại nơi đã cấp mà xin cấp lại mới được.” 
Quỷ nói: “Tôi đi đến đây rồi, phía trước là thành quách, phía sau là trạm quan canh giữ, dù muốn trở lại cũng không được.” 
Lục Chấn Cầu liền hỏi: “Như vậy biết phải làm sao?” 
Quỷ nói: “Trong vùng này có người tên họ ấy, ở làng ấy... có thể giúp được việc này.”
Chấn Cầu sai người đi tìm theo lời quỷ nói, quả nhiên có người tên ấy, ở làng ấy, liền mời đến nhà. Người ấy là một cụ già. Chấn Cầu đem hết sự việc kể cho cụ nghe, nhưng cụ già không biết cách cấp điệp văn, nên chỉ cho tìm đến nhờ một đạo sĩ. Liền bày lễ vật hoa quả cúng tế, rồi nhờ đạo sĩ viết lại điệp văn. Quỷ có được điệp văn rồi mừng lắm, hết sức cảm tạ, lại dặn người nhà phải nhanh chóng mời thầy trị bệnh cho cô cháu dâu. Lúc quỷ đã đi rồi, bỗng quay lại nói: “Nhà ông có hai con chó đang ngủ trước cửa, không ra được. Xin ông đưa tôi ra.” Lục Chấn Cầu liền đưa theo ra cửa, quỷ liền xuất ra đi mất. Người cháu dâu của Chấn Cầu sau đó dần dần khỏi bệnh. 
Ai dám nói là âm dương hai đường khác biệt, lý lẽ khác nhau?
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/09/2016(Xem: 19538)
22/08/2013(Xem: 16032)
12/02/2016(Xem: 9467)
19/05/2022(Xem: 5834)
17/08/2012(Xem: 43887)
15/05/2016(Xem: 24442)
18/01/2018(Xem: 25279)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.