Tâm, Phật, chúng sinh cả ba không sai khác

12/09/20153:42 CH(Xem: 13348)
Tâm, Phật, chúng sinh cả ba không sai khác

TÂM, PHẬT, CHÚNG SANH
CẢ BA KHÔNG SAI KHÁC
Nguyễn Thế Đăng

 

Kinh Hoa Nghiêm chỉ bày sự đồng nhất của tất cả mọi sự, bởi thế mà có thể tóm gọn: “Tất cả là một, một là tất cả”. Kinh nói sự đồng nhất của ba thực thể tâm, Phật và chúng sanh:

Như tâm, Phật cũng vậy

Như Phật, chúng sanh đồng

Nên biết Phật cùng tâm

Thể tánh đều vô tận

           (Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thừ 20)

Cũng đoạn kệ trên, trong bản dịch 60 quyển:

Như tâm, Phật cũng vậy

Như Phật, chúng sanh đồng

Tâm, Phật và chúng sanh

Cả ba không sai khác

“Đồng” ở đây là đồng với thân tâm của Phật bổn nguyên Tỳ-lô-giá-na; nói cách khác, đồng một pháp giới sự sự vô ngại, tức là “mười biển thân tướng của Như Lai” (Phẩm Như Lai thập thân tướng hải, thứ 34).

Tu hànhthực hiện sự “không sai khác” này, chứng ngộ được thể tánh của tâm, Phật và chúng sanh là đồng nhất và vô tận. Tùy theo mức độ thanh tịnh của tâm mà chúng ta thấy được ít hay nhiều sự đồng nhất vốn có này, sự đồng nhất rốt ráo đã hiện thành sự sự vô ngại của pháp giới.

Tất cả các pháp môn của kinh Hoa Nghiêm đều đặt trên nền tảng cả ba tâm, Phật, chúng sanh không sai khác này, cho nên mọi phương tiện tu hành nào cũng khởi từ nền tảng ấy, vận hànhthành tựu trên nền tảng ấy, do đó bất cứ phương tiện nào cũng có cái cứu cánh không sai khác vốn sẵn ấy. Đó là một trong những lý do để người xưa nói tu theo kinh Hoa NghiêmViên giáo.

Thân tâm chúng ta không thể ở ngoài pháp giới Hoa Nghiêm này. Thân tâm chúng ta đồng nhất, hay dùng thuật ngữ Hoa Nghiêm tông, tương tức tương dung với thân tâm Phật Tỳ-lô-giá-na hay pháp giới sự sự vô ngại. Thân tâm mỗi chúng tapháp giới sự sự vô ngại.

Trong kinh Hoa Nghiêm, thân tâm hay vật chấttâm thức, không gianthời gian, được quan sát bằng chỉ quán ở mức độ vi tế nhất. Các phẩm trong kinh đều được thuyết trong tam muội, ở mức sâu nhất. Mức độ nhỏ nhất của không gian là một vi trần. Mức độ nhỏ nhất của thời gian và của tâm thức là một niệm, tức là một khoảnh khắc, cũng là một ý nghĩ. Pháp giới Hoa Nghiêm được chỉ bày và thâm nhập ở mức độ nhỏ nhất ấy, vi trần và niệm.

Khi thân tâm chúng ta được nhìn ở mức độ vi tế bằng tam muội (samadhi) thì mỗi vi trần và mỗi niệm của nó đều tương nhiếp tương nhập với những vi trần và những niệm tạo thành vũ trụ này. Khi ấy, thực tại bổn nguyên thanh tịnh và thiêng liêng là Phật Tỳ-lô-giá-na được thấy đầy khắp vũ trụ và trong mỗi vi trần và mỗi niệm.

Phẩm Thăng Đâu-suất thiên cung nói: “Thân Phật không ngằn mé trụ khắp trong thân của chúng sanh”. Trong thân chúng ta hiện giờ luôn luôn có thân Phật không ngằn mé hay pháp giới sự sự vô ngại vô tận. Toàn bộ cuốn kinh chỉ dạy cho chúng ta làm sao khám phá, nhận biết, ngộ nhập thân Phật vốn có sẵn ấy.

Phẩm Như Lai xuất hiện nói: “Đại Bồ-tát phải biết tâm mình, niệm niệm thường có Phật thành chánh giác, vì chư Phật Thế Tôn chẳng rời tâm này mà thành chánh giác. Cũng như vậy, tâm của tất cả chúng sanh đều thường có Như Lai thành chánh giác, rộng lớn khắp cả, không chỗ nào chẳng có, chẳng rời, chẳng dứt, không thôi nghỉ, nhập pháp môn phương tiện không thể nghĩ bàn”.

Phật trong tâm mỗi chúng sanh, không chỉ là rộng lớn khắp cả, không chỗ nào chẳng có, mà trong mỗi niệm thường thành chánh giác. Ngay trong tâm chúng ta, mỗi niệm mỗi niệm chúng ta đều có thể khám phá, nhận biết Phật bổn nguyên Tỳ-lô-giá-na vốn đã thành chánh giác này. Phật bổn nguyên chính là tâm chúng ta, vốn toàn thiện, viên mãn trong từng khởi niệm. Kinh Viên Giác nói, “chúng sanh bổn lai thành Phật” là như vậy.

Kinh đã dùng từ “biển quả” để chỉ sự ở khắp không gianthời gian của “tâm, Phật, chúng sanh” vốn thành chánh giác này. Trong biển quả ấy cái gì khởi lên, một làn sóng, một niệm, một vi trần, đều là quả vốn đã viên thành.  

Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác là cái thấy vô ngại, tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp của kinh Hoa Nghiêm. Trong khi đó, cái thấy do tưởng phân biệt của chúng sanh thì có nhiều sai khác: tịnh sai khác với bất tịnh, sắc sai khác với không, sanh tử sai khác với Niết-bàn, chân lý tương đối sai khác với chân lý tuyệt đối… Cái thấy tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp là cái thấy viên dung: Một là tất cả, tất cả là một. Một là Phật và tất cả cũng là Phật.

Không chỉ tâm, Phật, chúng sanh vô ngại với nhau mà cả thế giới cũng vô ngại với ba cái trên, bởi vì, “Toàn cả ba cõi chỉ là Nhất Tâm” (Phẩm Thập địa), “Ba đời quá, hiện, vị lai chỉ là Nhất Niệm (Phẩm Thập địa). Tất cả tâm, Phật chúng sanh, thế giới, không gian, thời gian được quy về Nhất Tâm hay Nhất Niệm này. Cái Nhất Tâm hay Nhất Niệm này là Phật Tỳ-lô-giá-na, hay còn gọi là Phật tánh, Pháp thân, pháp tánh, pháp giới tánh…

Tất cả các pháp, dầu nhỏ đến đâu như vi trần và một niệm, đều là Nhất Tâm hay Nhất Niệm. Và chúng đồng nhất với nhau đến rốt ráo, nên chúng tương nhiếp tương nhập với nhau, hiện thành pháp giới sự sự vô ngại.

Pháp thân Như Lai tạng

Vào khắp trong thế gian

          (Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36).

Mỗi vi trần của thế giới nhiếp tất cả Phật:

Trong mỗi vi trần vô lượng Phật

Trong mỗi trần có vô lượng quang

Trong mỗi vi trần tam thế Phật

          (Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4).

Mỗi niệm của thời gian chưa tất cả ba đời:

Một niệm hiện khắp nơi tam thế

Tất cả biển cõi đếu thành lập

          (Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4).

Tâm, Phật, chúng sanh, thế giới luôn luôn đồng nhất (tương tức), dung thông không chia cắt (tương dung) như vậy. Tâm chúng sanh vốn là tâm Phật, chỉ vì vô minh vọng tưởng phân biệt rồi sanh ra các độc tham, sân, si, kiêu căng, ghen ghét… mà thành ra nhiễm ô tạm thời.

thế giới, có chúng sanh, có sanh tử, tất cả sai khác, là do tưởng:

Tất cả chúng sanh trong mười phương

Đều là chúng sanh tưởng phân biệt

Tưởng, phi tưởng đều không chỗ đắc

Rõ thấu các tưởng là như vậy

          (Phẩm Thập hồi hướng, thứ 25).

Thế giới luôn luôn vô ngại, tương tức tương dung với tâm chúng ta, bởi vì bản tánh của tất cả vốn là thanh tịnh, một vị. Chỉ vì vô minhvọng tưởng các pháp có tự tánh, cách biệt riêng rẽ nhau, có chủ thể khách thể, thành ra tâm ta và thế giới cách biệt, từ đó những phiền não càng khiến cái Nhất Tâm Nhất Niệm được thấy thành chia cắt xung đột, trở thành sanh tử khổ đau.

Để phá bỏ tưởng hư vọng này, chúng ta phải thấy tánh Không, vô tự tánhtịch diệt:

Tất cả các pháp nhân duyên sanh

Thể tánh chẳng có cũng chẳng không

Nơi những nhân duyênsanh khởi

Trong đó trọn chẳng hề bám trước.

Những ngôn ngữ của các chúng sanh

Trong đó rốt ráo không chỗ đắc

Danh tướng đều là tưởng phân biệt

Hiểu rõ các pháp đều vô ngã

Như tánh chúng sanh vốn tịch diệt

Rõ biết tất cả pháp như vậy   

Mọi sự trong tất cả ba đời

Các cõi nước, nghiệp, đều bình đẳng.

          (Phẩm Thập hồi hướng, thứ 25).

Thấy được như vậy là thấy Nhất Tâm hay Nhất Niệm.

Tu hành là sống trong lưới tưởng của mình và chúng sanh tạo thành sanh tử, chuyển hóa chúng, đưa chúng về bản tánh, thật tướng của chúng. Đó là chuyển hóa lưới tưởng của sanh tử thành lưới trời Đế-thích. Điều này được gọi là chuyển thức thành Trí, chuyển tướng thành tánh, chuyển sanh tử thành Niết-bàn.

Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác, nghĩa là sự không sai khác, sự đồng nhất một vị ấy đã có sẵn. Tất cả đã có sẵn, pháp giới Nhất Tâm ấy đã có sẵn trước mắt chúng ta. Chỉ cần từ bỏ tưởng phân biệt thì mọi sự hết méo mó, nhấp nhô mà trở lại với cái toàn thể Nhất Tâm, Nhất Niệm.

Khi Đồng tử Thiện Tài vào lầu gác Tỳ-lô-giá-na Trang Nghiêm của Bồ-tát Di-lặc, lầu gác đó chính là pháp giới, Thiện Tài thấy tất cả mọi cảnh giới trang nghiêm bằng tâm và mắt thanh tịnh. Sự thanh tịnh ấy vốn có sẵn từ bao giờ. Và dầu có thấy trong tam muội thì tam muội ấy cũng có sẵn, đó là Hải Ấn tam muội hay tam muội vốn như vậy của pháp giới. Pháp giới vốn thanh tịnh trong chánh định như vậy. Thế nên chương chót có tên là Nhập pháp giới. Nhập pháp giới chứ không nói là tạo ra, xây dựng pháp giới. Nhập pháp giớiđi vào cái đã có sẵn để thấy.

Cái thấy biết của kinh Hoa Nghiêm luôn luôn là cái đã có sẵn, là quả đã có sẵn nơi mỗi chúng ta, do đó kinh được gọi là Quả thừa (Phalayana) thay vì Nhân thừa (Hetuyana). Nhân thừa là tích tập, tạo lập nhân để thành quả. Còn Quả thừa là quả đã có sẵn nơi mỗi chúng ta. Khi kinh nói, “Tâm, Phật, và chúng sanh, cả ba không sai khác”, đó là Quả thừa. Mọi thực hành, mọi hạnh đều là những khai triển từ quả ấy. Do đó, mọi nhân đều chính là quả.

Tâm nảy là Phật, chúng sanh là Phật, thế giới là Phật. Đó là cái thấy biết kinh Hoa Nghiêm khai thị cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta thấy, nghe, hiểu, biết, xúc chạm, suy nghĩ… đều đồng một Phật tánh, đồng một tánh vàng như pháp giới vốn là vàng ròng.

Khi tất cả sáu căn, sáu trần, sáu thức đều trở lại nguyên thể của chúng là vàng thì tất cả là vàng không một mảy may hở sót. Khi mỗi vi trần, mỗi niệm đều là vàng thì tất cả các vi trần, các niệm tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp một cách vô ngại, hiển bày pháp giới Hoa Nghiêm.

Ở trên, chúng ta đã nói đến ba phương diện chính của thực tại tối hậutrước mắt, tức Phật Tỳ-lô-giá-na, là tánh Không, quang minhnhư huyễn. Mỗi chúng sanh chúng ta đều có, đều sống trong Phật Tỳ-lô-giá-na, không thể tách lìa dầu một vi trần, một niệm.

“Trí huệ Như Lai không chỗ nào là chẳng đến. Vì không một chúng sanh nào mà chẳng có đủ trí huệ Như Lai, chỉ do vọng tưởng điên đảo chấp trước nên không chứng được. Nếu lìa vọng tưởng thì nhất thiết trí, tự nhiên trí, vô ngại trí liền hiện tiền (Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37).

Chúng ta luôn luôn sống trong ba phương diện ấy. Như vậy, chúng ta chỉ cần đi vào một phương diện thì sẽ thấu biết cả hai phương diện kia. Mức độ ngộ nhập ba phương diện sâu đến đâu thì pháp giới được thấy biết sâu đến đó.

Bản tánh của tâm chúng tathế giớitánh Không, do đó mỗi tư tưởng của chúng ta và mỗi hình tướng chúng ta thấy đều là tánh Không. Thấy được bản tánh của tất cả các pháp hay “thật tướng của tất cả các pháp” là tánh Không thì thấy được Pháp thân của chư Phật.

Các pháp không chỗ đến

Cũng không có tác giả

Cũng không từ đâu sanh

Chẳng thể phân biệt được.

Tất cả pháp không đến

Vì thế nên không sanh

Vì đã không có sanh

Nên cũng không có diệt.

Tất cả pháp không sanh

Tất cả pháp không diệt

Nếu rõ được như vậy

Chư Phật thường hiện tiền.

          (Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

Kinh Kim Cương, một kinh trong bộ Đại Bát-nhã, chuyên chỉ dạy về tánh Không, nói: “Thấy các tướng chẳng phải tướng (tức là thấy các tướng chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm) tức là thấy Như Lai”.

Khi thấy sóng chẳng phải là sóng, mà là nước của đại dương, bèn thấy ra đại dương toàn khắp. Khi thấy các bóng trong gương chẳng phải là bóng, bèn thấy ra gương trùm chứa tất cả các bóng.

Bản tánh của tâm chúng tathế giớiquang minh. Phật Tỳ-lô-giá-na dịch là Đại Nhật, Quang Minh Biến Chiếu, Đại Quang Minh Tạng. Mọi hiện tượng, thế giới, chúng sanh xuất sanh từ Phật Tỳ-lô-giá-na, nghĩa là xuất sanh từ quang minh, hiện hữu trong quang minh, và tan biến trong quang minh.

Tạng biển cõi sai khác vô biên

Ví như mây bủa giữa không gian

Bảo châu trải đất trang nghiêm diệu

Ở trong quang minh của chư Phật.

Tất cả cõi nước, tâm phân biệt

Phản chiếu hiện ra trong quang minh 

Chư Phật ở trong những cõi ấy

Nơi nơi thị hiện thần thông lực.

          (Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4).

Quan sát thấy chúng ta và các thế giới hiện ra phản chiếu trên nền tảng quang minh, đó là bắt đầu nhận biết nền tảng quang minh của mọi sự. Như hình ảnh trên truyền hình hay phim chiếu bóng, trước khi có hình ảnh hiện ra thì có nền tảng của các hình ảnh là một tấm màn sáng. Không có tấm màn sáng ấy thì không có hình ảnh hay “ảnh hiện” nào cả. Thế giới, thân tâm, cuộc đời của chúng ta chỉ là cuốn phim tùy theo nghiệp riêng của mình mà thấy, nhưng cái chung của muôn loài là tấm màn nền tảng ánh sáng ấy. Nền tảng quang minh luôn luôn hiện hữu dưới mỗi ảnh hiện hay ảnh phản chiếu của cuộc đời đang thấy trước mặt, hiểu biết được nền tảng của mọi ảnh hiệnsự giải thoát chung cho mỗi chúng ta.

Những ý tưởng và những hình ảnh của trí nhớ cũng như thế. Chúng là những ảnh hiện trên nền tảng quang minh của tâm thức. Ý tưởng lưu xuất từ quang minh, hiện hữu trong quang minh và tan biến trong quang minh. Biết được nền tảng của mọi ý tưởngquang minh, người ta tự do với những hình ảnh, ý tưởng, đó là giải thoát.

Bản tánh của tâm chúng tathế giớivô tự tánh, như huyễn, như mộng, như bóng, như vang… đó là điều các kinh đều nói. Có điều sự như huyễn này ở trong kinh Hoa Nghiêm mang tầm vóc vũ trụ, là “lực dụng tự tại” của Phật bổn nguyên:

Khắp cả mười phương cõi hư không

Ở trong có tất cả cõi nước

Như Lai thần lực thường gia trì

Khắp nơi hiện tiền đều thấy được.

Lực dụng tư tại trong mỗi trần

Tất cả vi trần cũng như vậy

Chư Phật, Bồ-tát đại thần thông

Tỳ-lô-giá-na đều hay hiện.

Tất cả quốc độ rông vô biên

Như ảnh như huyễn như ngọn lửa

Không đâu thấy được nguồn gốc sanh

Cũng không chỗ đi và chỗ đến.

Hoại diệt sanh thành xoay vần mãi

Trong cõi hư không chẳng hề dừng

Tất cả đều do nguyện thanh tịnh

Lực hạnh nghiệp bao la giữ gìn

          (Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4).

Thấy được tất cả những hiện tượng như huyễn như mộng, không gốc gác, từ nền tảng Như Lai thần lực theo duyên nghiệp mà sanh, với cái thấy ấy, người ta được giải thoát.

Với ba pháp tu tâm, chỉ, quán, và chỉ quán đồng thời, người ta dần dần tương ưng với ba phương diện của pháp giớithâm nhập pháp giới. Ngộ nhập ba phương diện ấy được đến đâu, người ta càng chứng ngộ được mình và pháp giới là một. Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác là như vậy.

(Văn Hóa Phật Giáo số 226)
Người đánh máy và gửi bài: Bốn Bể Là Nhà

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/03/2015(Xem: 28601)
14/11/2012(Xem: 49094)
14/03/2016(Xem: 17350)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.