3. Đánh Giá Đúng Đắn Đối Tượng của Tham Dục

22/11/20162:37 SA(Xem: 9902)
3. Đánh Giá Đúng Đắn Đối Tượng của Tham Dục

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

VI

TẦM NHÌN  THÂM SÂU VỀ THẾ  GIỚI


 

3. ĐÁNH  GIÁ  ĐÚNG  ĐẮN  ĐỐI  TƯỢNG  CỦA  DÍNH MẮC

          

            1. Tôi nghe như vầy. Một thời Thế Tôn đang cư ngụ tại thành Xá Vệ (Sāvatthi ) ở Rừng Kỳ Đà ( Jeta’s Grove) thuộc Vườn Cấp-Cô-Độc ( Anathanpindika).

            2. Lúc ấy, vào buổi sáng, một số Tỷ-kheo đắp y, cầm bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ : ‘ Vẫn còn quá sớm để đi khất thực tại thành Xá Vệ. Có lẽ chúng ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo.’ Thế rồi các Tỷ-kheo đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạotrao đổi những lời thăm hỏi với các du sĩ. Khi cuộc nói chuyên xã giao đã xong, các Tỷ-kheo  ngồi xuống một bên. Các du sĩ nói với họ rằng:

            3. - Này các hiền hữu, Sa môn Gotama mô tả sự hiểu biết trọn vẹn về các dục lạc giác quanchúng tôi cũng vậy; Sa môn Gotama mô tả sự hiểu biết trọn vẹn về các sắc phápchúng tôi cũng vậy; Sa môn Gotama mô tả sự hiểu biết trọn vẹn về các cảm thọchúng tôi cũng vậy. Này các  hiền hữu, vậy ở đây có sự khác biệt nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Giáo pháp và những lời giáo huấn của Sa-môn Gotama và chúng tôi ?”(1)

            4. Các Tỷ-kheo ấy không chấp thuận cũng như không phản đối những lời hỏi của các du sĩ. Các Tỷ-kheo không nói gì cả, chỉ đứng dậy và ra đi, nghĩ rằng: ‘Chúng ta sẽ đến trình bày với Thế Tôn để hiểu ý nghĩa những lời nói này. ’ 

            5. Khi các Tỷ-kheo đi khất thực  ở thành Xá Vệ và đã trở về, sau khi ăn xong các vị ấy đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ ngài và ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn về những gì đã xảy ra. [ Thế Tôn nói:]

            -  Này các Tỷ kheo, những người du sĩ ngoại đạo nói như vậy cần phải được hỏi lại như thế này : ‘ Này các hiền hữu, nhưng thế nào là vị ngọt, thế nào là sự nguy hại, thế nào là sự vượt thoát các dục lạc giác quan ? Thế nào là vị ngọt, thế nào là sự nguy hại, thế nào là sự vượt thoát các sắc pháp ? Thế nào là vị ngọt, thế nào là sự nguy hại, thế nào là sự vượt thoát các cảm thọ ? ’Nếu các du sĩ ngoại đạo được hỏi như vậy, họ sẽ không trả lời được, và hơn thế nữa, họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì sao vậy ? Bởi vì đó không phải là lãnh vực của họ. Này các Tỷ-kheo, ta không thấy ai trong thế giới này với chư thiên, Ác-ma, và Phạm thiên, trong quần chúng này với các Sa môn,và Bà-la-môn, chư thiênloài người, mà có thể cho câu trả lời thỏa đáng ngoại trừ Như Lai hay các đệ tử của Như Lai hoặc những ai đã từng được học hỏi  các vị ấy.

[ Các dục lạc giác quan ]

            7. (i) -  Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt thuộc các dục lạc giác quan ? Này các Tỷ-kheo, có năm pháp làm tăng trưởng các dục lạc giác quan. Thế nào là năm ? Các sắc pháp do mắt nhận biết đáng được mong ước, được khao khát, dễ chịu, đáng yêu thích, liên kết với sự ham muốn thuộc giác quan, khêu gợi sự thèm khát . Âm thanh do tai nhận biết…Mùi thơm do mũi nhận biết… Hương vị do lưỡi nhận biết…Các đối tượng của  xúc chạm do thân nhận biết,  đáng được mong ước, được khao khát, dễ chịu, đáng yêu thích, liên kết với sự ham muốn thuộc giác quan, khêu gợi sự thèm khát. Đó là năm pháp làm tăng trưởng các dục lạc giác quan. Như vậy,  khoái lạc và niềm vui phát sinh tùy thuộc vào năm pháp làm tăng trưởng các dục này là vị ngọt thuộc các dục lạc giác quan.

            8. (ii) - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các kỷ năng mà một người trong bộ tộc làm nghề sinh sống - dù là kiểm tra, kế toán, tính toán, làm nông  trại, buôn bán, chăn nưôi,  bắn cung, phục vụ hoàng gia, hay bất cứ ngành nghề nào có thể được – người ấy phải đương đầu với nóng, lạnh, bị thương tổn do tiếp xúc với ruồi muỗi, gió, nắng, và những loài bò sát; người ấy có nguy cơ bị chết đói hay chết khát.  Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quannguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả  là do  dục lạc giác quan gây ra.

            9. -  Trong lúc người bộ tộc này làm việc, cố gắng nỗ lực cần cù như vậy, nếu tài sản không đến với người ấy, người ấy sẽ buồn rầu, đau khổ, than van, khóc lóc đấm ngực , ngây dại kêu gào : ‘ Nỗ lực của ta thật vô ích, công lao động của ta không có kết quả !’. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quannguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả  là do  dục lạc giác quan gây ra.

            10. Nếu người bộ tộc trong lúc cố gắng nỗ lực làm việc cần cù như vậy, tài sản đến với người ấy, người ấy trải nghiệm đau đớn và buồn khổ khi bảo vệ tài sản này :’ Làm sao các vua chúa hay kẻ trộm không chiếm đoạt tài sản của ta,  lửa không làm cháy, nước không cuốn trôi, hay các kẻ thừa kế đáng ghét không cướp đoạt ?’ Và trong khi người ấy bảo vệcanh giữ tài sản của mình, vua và kẻ trộm vẫn tìm cách chiếm đoạt chúng, hay lửa thiêu cháy, hay nước cuốn trôi, hay những kẻ thừa kế đáng ghét vẫn chiếm đoạt chúng. Và người ấy sẽ buồn rầu, đau khổ, than van, khóc lóc đấm ngực , ngây dại kêu gào:’’ Ta đã mất hết tài sản rồi ! ’ Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quannguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả  là do  dục lạc giác quan gây ra.

            11. - Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân…. Vua chúa tranh chấp với vua chúa, Sát-đế lỵ tranh chấp với Sát-đế lỵ, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ; mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ, cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha; anh em tranh chấp với anh em, anh em tranh chấp với chị em, chị em tranh chấp với anh em, bạn bè tranh chấp với bạn bè. Và ở đây, trong các cuộc tranh chấp, xung đột, tranh cãi họ tấn công nhau bằng tay đấm, đá, gậy, hay dao, do đó đã gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quannguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả  là do  dục lạc giác quan gây ra.

            12. - Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân….đàn ông dùng kiếm và lá chắn và đeo cung tên, họ dàn trận hai bên, với tên bay và  kiếm vung lên lóe sáng nhắm vào nhau, và họ bị cung tên gây thương tích, rồi họ chặt đầu nhau bằng kiếm, từ đó gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quannguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả  là do  dục lạc giác quan gây ra.

            13.  Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân….đàn ông dùng kiếm và lá chắn và đeo cung tên, họ công phá  những thành lũy trơn tuột, với tên bay và  kiếm vung lên lóe sáng nhắm vào nhau, họ bị cung tên gây thương tích và bị đổ nước sôi tung tóe và bị chà đạp bằng đá tảng, rồi họ chặt đầu nhau bằng kiếm, từ đó gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quannguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả  là do  dục lạc giác quan gây ra.

            14.  Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân….đàn ông đột nhập nhà cửa, cướp  đoạt tài sản, phạm tội trộm cắp, phục kích các xa lộ, dụ dỗ vợ người khác, và khi họ bị bắt, các vua chúa có nhiều loại nhục hình để trừng phạt chúng…từ đó đó gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quannguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả  là do  dục lạc giác quan gây ra.

            15. -  Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân….con người buông lung trong các hành động sai trái về thân, khẩu và ý. Do đã làm những hành động sai trái ấy, vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, họ sẽ bị tái sinh vào những cõi dữ, đọa xứ, cõi thấp kém, địa ngục. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong đời tương lai (2), do dục lạc giác quannguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả  là do  dục lạc giác quan gây ra.

            16. (iii) - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự vượt thoát đối với các dục lạc giác quan ? Đó chính là sự diệt trừ khao khát thèm muốn, từ bỏ khao khát thèm muốn thuộc về dục lạc giác quan. Đây là sự vượt thoát đối với các dục lạc giác quan.

            17.  Các Sa-môn, Bà-la-môn nào không hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các dục lạc giác quan , thì những vị này tự thân không thể hiểu được đầy đủ các dục lạc ấy và cũng không thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng có thể hiểu biết về các dục lạc giác quan – điều đó không thể xảy ra.  Các Sa-môn, Bà-la-môn nào hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các dục lạc giác quan , thì những vị này  tự thân có thể hiểu được đầy đủ các dục lạc ấy và cũng có thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng được hiểu biết về các dục lạc giác quan – điều đó có thể xảy ra.

[ Sắc ]

            18. - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt thuộc sắc pháp ? Giả sử có một thiếu nữ thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ hay Bà-la-môn hay gia chủ, vào độ tuổi mười lăm mười sáu, không quá cao hay quá thấp, không quá gầy hay quá mập, da không đen quá hay trắng quá. Có phải nhan sắc và nét yêu kiều của nàng đang vào giai đoạn tột đỉnh ? – “ Thưa vâng, bạch Thế Tôn”- “Vậy thì niềm thích thúhoan hỷ phát sinh từ nhan sắc và nét yêu kiều ấy là vị ngọt thuộc sắc pháp.”

            19 (ii) - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hại  thuộc sắc pháp ? Một thời gian sau, người ta có thể thấy người phụ nữ ấy bây giờ đã tám mươi, chin mươi hay một trăm tuổi, già lão, cong như nóc nhà, lưng gập xuống, phải chống gậy, run rẩy, yếu ớt, tuổi trẻ không còn nữa, răng rụng, tóc bạc, tóc lưa thưa, đầu sói, da nhăn nheo, tay chân đầy vết nám . Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào ? Có phải nhan sắc và nét yêu kiều ngày xưa nay đã biến mất và sự nguy hại đã trở nên rõ ràng ? “- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”  - “ Này các Tỷ-kheo, đây là sự nguy hại thuộc về sắc pháp.”

            20.  Lại nữa, người ta có thể thấy người phụ nữ ấy bị đau đớn, bệnh nặng, hôi hám, nằm ngay trên nước tiểu và phân của bà, phải nhờ người này nâng lên, người kia đỡ xuống. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào ? Có phải nhan sắc và nét yêu kiều ngày xưa nay đã biến mất và sự nguy hại đã trở nên rõ ràng ?  “- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”  - “ Này các Tỷ-kheo, đây cũng  là sự nguy hại thuộc về sắc pháp.”

            21.  Lại nữa, người ta có thể thấy thi thể người phụ nữ ấy bị quăng vào nghĩa địa, đã chết một, hai hay ba ngày, thi thể trương phồng lên, xanh xám và thối rữa. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào ? Có phải nhan sắc và nét yêu kiều ngày xưa nay đã biến mất và sự nguy hại đã trở nên rõ ràng ?  “- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”  - “ Này các Tỷ-kheo, đây cũng  là sự nguy hại thuộc về sắc pháp.”

            22-29.  Lại nữa, người ta có thể thấy thi thể người phụ nữ ấy bị quăng vào nghĩa địa, bị xâu xé bởi các loài quạ, diều hâu, kên kên, chó, giả can, hay đủ loại côn trùng… một bộ xương dính thịt và máu, với các đường gân kết nối…, một bộ xương không còn thịt và dính máu, với các đường gân kết nối…, một bộ xương không còn thịt và máu, với các đường gân kết nối…, các khúc xương rời rạc rải rác khắp nơi – đây là xương tay, kìa là xương chân, đây là xương bắp đùi, đấy là xương sườn, đây là xương hông, đấy là xương lưng, đây là chiếc sọ…, các khúc xương trắng hếu màu vỏ sò…, các khúc xương chồng chất lên nhau…, những khúc xương cũ hơn một năm, bắt đầu mục và nát ra thành bụi. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào ? Có phải nhan sắc và nét yêu kiều ngày xưa nay đã biến mất và sự nguy hại đã trở nên rõ ràng ?  “- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”  - “ Này các Tỷ-kheo, đây cũng  là sự nguy hại thuộc về sắc pháp.”

            30. - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự vượt thoát  thuộc sắc pháp ? Đó chính là sự diệt trừ khao khát thèm muốn, từ bỏ khao khát thèm muốn thuộc về sắc pháp.  Đây là sự vượt thoát đối với các dục lạc giác quan.

            31.  Các Sa-môn, Bà-la-môn nào không hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các sắc pháp , thì những vị này tự thân không thể hiểu được đầy đủ các sắc pháp và cũng không thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng có thể hiểu biết về các sắc pháp – điều đó không thể xảy ra.  Các Sa-môn, Bà-la-môn nào hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các sắc pháp , thì những vị này  tự thân có thể hiểu được đầy đủ các sắc pháp ấy và cũng có thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng được hiểu biết về các sắc pháp – điều đó có thể xảy ra.

[ Cảm thọ]

            32. (i) - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt thuộc cảm thọ ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một tỷ kheo hoàn toàn xa lánh các dục lạc giác quan, xa lánh các pháp bất thiện, chứng và trú Sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc khởi sinh do xa lánh các dục, vẫn còn tầm và tứ. Trong lúc ấy, vị Tỷ-kheo không nghĩ đến việc làm hại mình, hại người hay hại cả hai. Trong lúc ấy, vị này chỉ có cảm thọ vô hại. Ta nói rằng vị ngọt tối thượng thuộc về cảm thọ chính là cảm thọ vô hại.

            33-35.  Lại nữa, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị Thiền… Với sự tàn lụi của hỷ …vị ấy chứng và trú Tam Thiền…Với sự xả bỏ lạc và khổ, vị ấy chứng và trú Tứ Thiền… Trong lúc ấy, vị Tỷ-kheo không nghĩ đến việc làm hại mình, hại người hay hại cả hai. Trong lúc ấy, vị này chỉ có cảm thọ vô hại. Ta nói rằng vị ngọt tối thượng thuộc về cảm thọ chính là cảm thọ vô hại.

            36. (ii)  Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hại thuộc cảm thọ ? Cảm thọvô thường, khổ, phải chịu sự biến hoại. Đây là sự nguy hại thuộc về cảm thọ.

            37. (iii)  Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự vượt thoát thuộc cảm thọ ? Đó chính là sự diệt trừ khao khát thèm muốn, từ bỏ khao khát thèm muốn thuộc về cảm thọ. Đây là sự vượt thoát đối với các cảm thọ.

            38.  Các Sa-môn, Bà-la-môn nào không hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các cảm thọ , thì những vị này tự thân không thể hiểu được đầy đủ các cảm thọ và cũng không thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng có thể hiểu biết về các cảm thọ – điều đó không thể xảy ra.  Các Sa-môn, Bà-la-môn nào hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các cảm thọ , thì những vị này  tự thân có thể hiểu được đầy đủ các cảm thọ ấy và cũng có thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng được hiểu biết về các cảm thọ – điều đó có thể xảy ra.

            Đây là những gì Thế Tôn đã dạy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

                        ( Trung BK I- Đại Kinh Khổ Uẩn-Kinh số 13, tr. 193-208 )

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/10/2015(Xem: 16307)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.