Chương 4 – Bài giảng đầu tiên của Đức Phật

09/06/20183:47 CH(Xem: 4743)
Chương 4 – Bài giảng đầu tiên của Đức Phật


DUY
ÊN HỢP
TINH T
ÚY CỦA ĐẠO PHẬT

 

Chương 4 – Bài giảng đầu tiên của Đức Phật
4.1 Yếu tố cốt lõi trong bài giảng đầu tiên

4.2 Phương pháp phục hồi bản Kinh Chuyển Pháp Luân SN 56.11
4.3 Các thuật ngữ quan trọng trong bản phục hồi SN 56.11
4.4. Kinh Như Lai giảng về “Sự luân chuyển gồm ba quá trình sinh ra mười hai yếu tố”
4.5 Tương quan giữa “Sự luân chuyển gồm ba quá trình sinh ra mười hai yếu tố” và Duyên Hợp

CHƯƠNG 4 
BÀI GIẢNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC PHẬT

 

Này các vị, sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố như thế, trước đây ta chưa từng đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt về nó. Khi đó, ta chưa là bậc-giác-ngộ-không-so-sánh.

(bản phục hồi SN 56.11)

Ở chương ba, ta đã khảo sát chi tiết về Tứ Diệu Đế để đi tới một kết luận về “bốn điều về dūkkha”. Ta đã biết “bốn điều về dūkkha” có tính gợi mở dẫn dắt nhiều hơn, chứ nó không là yếu tố cốt lõi của bản Kinh Chuyển Pháp Luân. Trong chương bốn, chúng ta sẽ khảo sát để tìm ra yếu tố cốt lõi này; đồng thời phục hồi bản Kinh Chuyển Pháp Luân dựa trên nhiều dữ kiện đã có.

4.1 YẾU TỐ CỐT LÕI TRONG BÀI GIẢNG ĐẦU TIÊN

1) Tên kinh SN 56.11

Bản kinh SN 56.11 (Kinh Chuyển Pháp Luân phiên bản tiếng Pali – Tương Ưng Bộ – 56.11) hiện có tên là Dhammacakkappavattanasutta – Sự khởi động và luân chuyển của bánh xe Pháp. Nguyên nhân của cách đặt tên bản kinh như vậy có lẽ là do từ parivaṭṭaṃ vốn có nghĩa liên quan tới “sự luân chuyển”. Nó liên hệ tới hình ảnh luân chuyển như của bánh xe (cakka) chẳng hạn, và do đó, các nhà biên tập kinh điển đã đưa ra một cái tên kinh như vậy. Vì thế nên nội dung chính của bản kinh có thể liên quan tới “sự luân chuyển”.

2) “tiparivaṭṭaṃ dvādasākāraṃ” là gì?

Bản thân cụm từ “tiparivaṭṭaṃ dvādasākāraṃ” trong bản kinh SN 56.11 được người viết chuyển ngữ là “sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố”. Trong bản kinh SN 56.11 nó được trình bày theo cấu trúc như sau:

Thánh đế về Khổ này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước đến nay các Như Lai chưa từng được nghe… quang sanh. Thánh đế về Khổ đã được liễu tri này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh.

Như vậy, cấu trúc bản kinh SN 56.11 có hai điểm nói rõ về “sự luân chuyển” là: “cần phải liễu tri” và “đã được liễu tri”. Ngoài ra, ta không thể tìm được sự luân chuyển thứ ba. Nếu xem cụm từ “Thánh đế về Khổ này” là một sự luân chuyển thì nó ít nhiều tối nghĩa, vì một cấu trúc từ như vậy không cho thấy được sự luân chuyển ở chỗ nào.

Tình trạng tối nghĩa như vậy làm ta ít nhiều gặp khó khăn khi truy tìm công thức:

4 (diệu đế) x (sự luân chuyển) = 12.

Ngoài ra, ta thấy trong cụm từ ba chuyển và mười hai hành tướng” – tiparivaṭṭaṃ dvādasākāraṃ”chỉ nói tới hai con số và 12. Điểm này làm tăng tính thuyết phục cho nhận xét rằng, sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố là yếu tố cốt lõi của bản kinh.

3) Lời thốt lên của Ngài Kondañña

Trong bản kinh SN 56.11, ta thấy Ngài Kondañña chỉ thốt lên sau khi nghe Thế Tôn giảng về sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố. Điểm này làm tăng tính thuyết phục cho nhận xét rằng, sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố là yếu tố cốt lõi của bản kinh.

4) SN 56.12 và các phiên bản khác

Bản kinh SN 56.12 ngay sau SN 56.11 rất ngắn. Nó chỉ chứa nội dung về sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố.

Trong nghiên cứu đối chiếu của mình, ông Norman Joseph Smith phân 17 bản thành 8 loại và phân tích cấu trúc của 8 loại, trong đó 7 loại chứa nội dung về sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố, 1 loại không chứa nội dung này (đây là 1 phiên bản Hán chỉ chứa mỗi nội dung về trung đạo, không có các phần khác – xem phụ lục 2).

Điểm này làm tăng tính thuyết phục cho nhận xét rằng, sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố là yếu tố cốt lõi của bản kinh.

5) Bánh xe pháp (Dhammacakka) tượng trưng điều gì?

Trong nghệ thuật của đạo Phậthình tượng “sự luân chuyển của bánh xe pháp” (S: Dharmachakra / P: Dhammacakka). Có hai phiên bản của hình tượng này: bản có 8 căm xe và bản có 12 căm xe. Ở đây, người viết không đề cập tới phiên bản 8 căm xe, mà chỉ nói về phiên bản 12 căm xe.

Có một quan niệm phổ biến cho rằng phiên bản 12 căm xe tượng trưng cho sự luân chuyển của 12 nhân duyên. Nhưng trong tất cả 17 phiên bản khác nhau của Kinh Chuyển Pháp Luân không hề có một chữ nào liên quan tới 12 nhân duyên – dvādasānidāna hay duyên hợp – paticcasamuppāda.

Ở một khảo sát khác (xem phần phụ lục 3), người viết đã chứng minh công thức 12 nhân duyên là muộn sinh và tự mâu thuẫn. Một công thức như vậy, lại không được nhắc tới trong bài giảng đầu tiên của Đức Phật, hẳn nhiên không thể tượng trưng cho sự luân chuyển của bánh xe pháp.

Như vậy, suy luận rằng phiên bản 12 căm xe tượng trưng cho sự-luân-chuyển-của-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố, chính là điều được đề cập trong bài giảng đầu tiên của Đức Phật, ít nhiều phù hợp hơn. Điểm này làm tăng tính thuyết phục cho nhận xét rằng, sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố là yếu tố cốt lõi của bản kinh.

6) Kết luận

Từ năm nhận xét vừa nêu trên, người viết đi tới một kết luận rằng, trong bản kinh SN 56.11, sự-luân-chuyển-của-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố là điểm cốt lõi của bản kinh. Và do đó, cấu trúc bản kinh SN 56.11 như hiện nay là nhầm lẫn.

Sau khi kết luận như vậy, người viết quyết định bắt tay vào phục hồi lại bản kinh SN 56.11 dựa trên các nguồn tài liệu người viết hiện có, cộng thêm sự suy luận của bản thân. Và bản phục hồi này là kết quả của quyết định đó.

4.2 PHƯƠNG PHÁP PHỤC HỒI BẢN KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN SN 56.11

1) Tất cả tài liệu tham khảo làm cơ sở cho việc phục hồi bản kinh SN 56.11 được liệt kê ở dưới bản kinh đã phục hồi. Nội dung của bản phục hồi dựa trên những dữ kiện đã nêu trong chương này và những chương trước.

2) Cấu trúc của bản kinh phục hồi dựa vào bản Pāli SN 56.11. Do đó, những thuật ngữ trong bài sẽ được dùng theo tiếng Pāli. Một số từ quen thuộc như Thế Tôn, Vườn Nai, giác ngộ… người viết không chuyển ngược lại sang tiếng Pali. Một số từ theo người viết là dễ gây ngộ nhận, người viết giữ nguyên gốc Pali như diṭṭhi, kammanto, dukkhā…

3) Những từ, cụm từ theo người viết là cốt lõi, là quan trọng cần nắm rõ để hiểu được nội dung bản kinh thì người viết in đậm khi nó xuất hiện lần đầu tiên, và hầu hết đều kèm theo chú thích.

4) Người viết cố gắng không dùng từ Hán – Việt trong chừng mực có thể, bởi ưu điểm của từ Hán – Việt là ngắn gọn và nghĩa rộng nhưng chính vì tính chất nghĩa rộng của nó nên dễ gây rối rắm trong quá trình tìm hiểu nghĩa. Vì vậy, người viết trong đa số trường hợp dùng cách nối các từ đơn lại bằng dấu gạch ngang, để diễn đạt nghĩa của một thuật ngữ. Ví dụ: bậc-giác-ngộ-không-so-sánh; cái-thấy-không-phân-biệt…

5) Để giữ được tính chất khách quan của bản phục hồi, người viết không dùng những từ như khổ, tham muốn, đoạn diệt… mà dùng những từ ít nhiều trung tính hơn như dukkhā, dính-mắc, vắng-mặt… Người viết không quyết định cách dùng như vậy một cách tuyệt đối; việc lựa chọn từ ngữ phù hợp tùy thuộc vào người đọc.

6) Đặc điểm của các bản kinh nói chung là đều ít nhiều có tính chất tôn giáo, nên chỗ này chỗ kia sẽ xuất hiện những từ ngữ, những câu văn mang tính ca ngợi, suy tôn, những chuyện thần thông thiên giới v.v. Tính chất tôn giáo không nằm trong mục đích của bản phục hồi này, nên người viết lược bỏ những chỗ như vừa nêu.

Nếu như tính chất tôn giáomục đích làm tăng trưởng niềm tin về đạo pháp, thì người viết tự thấy mình đã có đầy đủ niềm tin vào những lời dạy của Đức Phật. Nên những tính chất tôn giáo như vừa nêu, chúng có thực hay không, điều đó không quan trọng với người viết. Bởi niềm tin của người viết với những lời dạy của Đức Phật không cần đến những tính chất như thế.

7) Bản phục hồi được người viết ghi chú thành sáu phần, giúp người đọc tiện lợi hơn khi quan sát cấu trúc bản kinhdiễn tiến nội dung câu chuyện. Những chỗ mở ngoặc trong bản phục hồi là để bổ sung nghĩa cho phần ngay trước nó.

 

4.3 CÁC THUẬT NGỮ QUAN TRỌNG TRONG BẢN PHỤC HỒI SN 56.11

B

ba-quá-trình

bậc-giác-ngộ-không-so-sánh

C

cái-thấy

cái-thấy-có-phân-biệt

cái-thấy-không-phân-biệt

con-đường-đưa-đến-dukkhā-vắng-mặt

con-đường-với-tám-yếu-tố

D

dính-mắc

dukkhā

dukkhā-vắng-mặt

N

nguyên-nhân-của-dukkhā

S

sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố

Hình 15: Di tích chùa cổ tại Vườn Nai – nơi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên


4.4 KINH NHƯ LAI GIẢNG VỀ SỰ-LUÂN-CHUYỂN-GỒM-BA-QUÁ-TRÌNH-SINH-RA-MƯỜI-HAI-YẾU-TỐ

(1) Mở đầu

Tôi nghe như vậy.

Một thời, Thế Tôn trú tại Vườn Nai [24], gần Bārāṇasi. [25]

(2) Trung đạo

Tại đó, Thế Tôn nói với năm vị tỳ-kheo:

– Này các vị, có hai điều cực đoan mà một vị tỳ-kheo không nên dính-mắc [26]. Đó là hai cực đoan gì? Là mong muốn được đắm mình trong cảm giác thỏa mãn của các giác quan, bởi nó thấp kém, tầm thường, không cao qúy, không liên quan gì tới mục đích (của một vị tỳ-kheo). Hoặc là mong muốn được hành hạ thân xác, bởi nó gây đau đớn, không cao qúy, không liên quan gì tới mục đích (của một vị tỳ-kheo).

– Này các vị, có một trung đạo vốn không dính-mắc, được các bậc Như Lai –  những bậc-giác-ngộ-không-so-sánh [27] – tìm ra. Nó làm phát sinh cái-thấy [28], làm phát sinh cái-thấy-có-phân-biệt[29]; nó đưa tới sự-bình-an, đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt [30], đưa tới giác ngộ hay còn gọi là tới Niết-bàn [31].

– Và này các vị, thế nào là trung đạo (làm phát sinh cái-thấy, làm phát sinh cái-thấy-có-phân-biệt; đưa tới sự-bình-an, đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt, đưa tới giác ngộ hay còn gọi là Niết-bàn; được các bậc Như Lai – những bậc-giác-ngộ-không-so-sánh – tìm ra)? Đó là con-đường-với-tám-yếu-tố, bao gồm: diṭṭhi – saṅkappo – vācā – kammanto – ājīvo – vāyāmo – sati – samādhi.

– Này các vị, đây là trung đạo, vốn không dính-mắc, được các bậc Như Lai –  những bậc-giác-ngộ-không-so-sánh – tìm ra. Nó làm phát sinh cái-thấy, làm phát sinh cái-thấy-có-phân-biệt; nó đưa tới sự-bình-an, đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt, đưa tới giác ngộ hay còn gọi là Niết-bàn.

(3) Bốn điều về dukkhā

– Này các vị, như vầy gọi là, người ta cho rằng dukkhā có mặt [32]: người ta cho rằng sinh là dukkhā, già là dukkhā, bệnh là dukkhā; buồn phiền, bi ai, đau đớn thể xác, sầu não, thất vọng, chúng là dukkhā; dính líu với những gì không ưa là dukkhā; cách biệt với những gì ưa thích là dukkhā; mong muốn mà không được toại nguyện là dukkhā. Tóm lạinăm-uẩn [33] vốn có tính chất dính-mắc là dukkhā.

– Này các vị, như vầy gọi là, người ta cho rằng nguyên-nhân-của-dukkhā có mặt: người ta cho rằng đó là sự dính-mắc. Nó kết hợp với sự ham thích, kết hợp với tham muốn dẫn đến sự tái sinh. Nó tạo ra sự mong cầu vui sướng chỗ này chỗ kia. Tóm lại, nguyên-nhân-của-dukkhā là dính-mắc vào khoái cảm của giác quan, là dính-mắc vào sự sinh [34], là dính-mắc vào sự diệt [35].

– Này các vị, như vầy gọi là dukkhā-vắng-mặt: là không còn sự dính-mắc, là không còn dấu vết của dính-mắc; là buông bỏ, là ra khỏi, không còn dựa vào dính-mắc.

– Này các vị, như vầy gọi là con-đường-đưa-đến-dukkhā-vắng-mặt [36], đó là con-đường-với-tám-yếu-tố, bao gồm: diṭṭhi – saṅkappo – vācā – kammanto – ājīvo – vāyāmo – sati – samādhi.

(4) Sự luân chuyển của ba quá trình sinh ra mười hai yếu tố

– Này các vị, như vầy gọi là, có cái-thấy về dukkhā có mặt như người ta nói. Nên có cái-thấy-có-phân-biệt về dukkhā có mặt như người ta nói. Đã có cái-thấy-không-phân-biệt về dukkhā có mặt như người ta nói. Chúng là ba-quá-trình [37] trước đây ta chưa từng nghe. Ba-quá-trình này làm phát sinh cái-thấy, làm phát sinh cái-thấy-có-phân-biệt; đưa tới sự-bình-an, đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt, đưa tới giác ngộ hay còn gọi là Niết-bàn.

– Này các vị, như vầy gọi là, có cái-thấy về nguyên-nhân-của-dukkhā có mặt như người ta nói. Nên vắng cái-thấy-có-phân-biệt về nguyên-nhân-của-dukkhā có mặt như người ta nói. Đã vắng cái-thấy-có-phân-biệt về nguyên-nhân-của-dukkhā có mặt như người ta nói. Chúng là ba-quá-trình trước đây ta chưa từng nghe. Ba-quá-trình này làm phát sinh cái-thấy, làm phát sinh cái-thấy-có-phân-biệt; đưa tới sự-bình-an, đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt, đưa tới giác ngộ hay còn gọi là Niết-bàn.

– Này các vị, như vầy gọi là, nên có cái-thấy về dukkhā-vắng-mặt. Nên có cái-thấy-có-phân-biệt về dukkhā-vắng-mặt. Đã có cái-thấy-không-phân-biệt về dukkhā-vắng-mặt. Chúng là ba-quá-trình trước đây ta chưa từng nghe. Ba-quá-trình này làm phát sinh cái-thấy, làm phát sinh cái-thấy-có-phân-biệt; đưa tới sự-bình-an, đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt, đưa tới giác ngộ hay còn gọi là Niết-bàn.

– Này các vị, như vầy gọi là, nên có cái-thấy về con-đường-đưa-đến-dukkhā-vắng-mặt. Con-đường-đưa-đến-dukkhā-vắng-mặt nên được thực hành. Con-đường-đưa-đến-dukkhā-vắng-mặt đã được thực hành. Chúng là ba-quá-trình trước đây ta chưa từng nghe. Ba-quá-trình này làm phát sinh cái-thấy, làm phát sinh cái-thấy-có-phân-biệt; đưa tới sự-bình-an, đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt, đưa tới giác ngộ hay còn gọi là Niết-bàn.

(5) Bậc giác ngộ

– Này các vị, sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố [38] như thế, trước đây ta chưa từng đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt về nó. Khi đó, ta chưa là bậc-giác-ngộ-không-so-sánh.

– Này các vị, sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố như thế, bây giờ ta đưa tới cái-thấy-không-phân-biệt về nó. Bây giờ, ta là bậc-giác-ngộ-không-so-sánh.

(6) Kondañña – Vị Đã Thấy

Thế Tôn đã nói như vậy. Khi Thế Tôn nói như vậy, tỳ-kheo Kondañña [39] đã nhận ra được sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố như thế, và đưa tới cái-thấy tinh khiết [40], không ô nhiễm về nó.

Lúc ấy, Thế Tôn hỏi tỳ-kheo Kondañña:

– Ông đã thấy (sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố) chưa? Ông đã thấy (sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố) chưa?

Tỳ-kheo Kondañña trả lời:

– Con đã thấy, thưa Thế Tôn.

Rồi tỳ-kheo Kondañña thành kính quỳ xuống bên bậc giác ngộ, và nói với bậc giác ngộ:

– Thưa Thế Tôn, con xin nhận lễ thọ giới [41].

Thế Tôn nói:

– Hãy đến đây, này tỳ-kheo! Dưới sự hướng dẫn của ta, hãy sống đời sống dukkhā-vắng-mặt, hãy sống đời sống thánh thiện.

Tóc và râu của tỳ-kheo Kondañña được cắt bỏ. Áo [42] được choàng quanh người ông, bát khất thực được đặt vào tay ông. Đây là cách mà tỳ-kheo Kondañña được nhận lễ thọ giới [43].

Rồi Thế Tôn nói:

– Tỳ-kheo Kondañña đã thấy! (sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố). Tỳ-kheo Kondañña đã thấy! (sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố).

Vì như vậy, trưởng lão Kondañña được gọi là “Kondañña – Vị Đã Thấy” [44].

4.5 TƯƠNG QUAN GIỮA SỰ-LUÂN-CHUYỂN-GỒM-BA-QUÁ-TRÌNH-SINH-RA-MƯỜI-HAI-YẾU-TỐ VÀ DUYÊN HỢP

Ở phần trước, ta đã biết sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố là yếu tố cốt lõi trong bản Kinh Chuyển Pháp Luân, bài giảng đầu tiên của Đức Phật. Ta cũng biết trước thời điểm này không lâu, Đức Phật đã đạt giác ngộ dưới cội cây bồ-đề. Tuệ giác (cái-thấy-không-phân-biệt) nào đã đưa Ngài tới giác ngộ?

Kinh Thánh CầuTrung Bộ số 26 (MN 26) chép suy nghĩ của Ngài khi vừa đạt tới giác ngộ như sau [45]:

Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccāyata Paticcasamuppāda – Y Tánh Duyên Khởi Pháp (tức Duyên Khởi hay Duyên Hợp – Kan); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. 

Như vậy, chính tuệ giác về Duyên Hợp (Duyên Khởi) đã đưa Ngài tới Giác Ngộ. Duyên Hợp (S: Pratītyasamutpāda / P: Paticcasamuppāda) trong kinh điển có dạng bốn vế như sau [46]:

Khi (những) cái này có mặt, cái kia có mặt

Với sự có mặt của (những) cái này, cái kia có mặt

Khi (những) cái này vắng mặt, cái kia vắng mặt

Với sự vắng mặt của (những) cái này, cái kia vắng mặt.

Nội dung của Duyên Hợp như trên có liên quan gì với điểm cốt lõi của bài giảng đầu tiên nói về sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố hay không? Ta hãy quay lại khảo sát các phiên bản của Kinh Chuyển Pháp Luân, kể cả bản phục hồi ở chương bốn.

Trong phiên bản Pāli SN 56.11, sau khi nghe Đức Phật giảng về sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố, ngài Kondañña đã thốt lên rằng: “bất cứ cái gì có bản chất sinh thì có bản chất diệt.” Ta thấy lời của ngài Kondañña tương đương với nội dung của Duyên Hợp.

Trong bản phục hồi ở chương bốn, sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố có thể được tóm tắt lại như sau:

(i) dūkkha có mặt.

(ii) nguyên nhân của dūkkha vắng mặt đồng thời dūkkha vắng mặt.

(iii) con đường đưa tới dūkkha vắng mặt.

Ta thấy rằng điều (iii) là để thực hành điều (ii), chúng tương đương với nhau. Bây giờ, ta đưa cặp “dūkkha” và “nguyên nhân của dūkkha” vào nội dung của Duyên Hợp:

Khi “dūkkha” có mặt, “nguyên nhân của dūkkha” có mặt

Khi “dūkkha” vắng mặt, “nguyên nhân của dūkkha” vắng mặt.

Ở đây, ta lại thấy thêm một lí do vì sao Đức Phật không chủ trương đi tìm “nguyên nhân của dūkkha”. Bởi theo Duyên Hợp, chừng nào “nguyên nhân của dūkkha” có mặt thì đồng thời “dūkkha” có mặt. Vậy nếu còn đi tìm “nguyên nhân của dūkkha”, còn bám víu vào nó thì làm sao để dūkkha vắng mặt được? Làm sao giác ngộ, làm sao giải thoát được?

Tiếp theo, so sánh nội dung theo Duyên Hợp như trên với điều (ii) vừa nêu, ta thấy chúng trùng khớp nhau. Kết hợp với lời của ngài Kondañña vừa nêu trên, ta đi tới kết luận:

Nội dung của sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố trong bản phục hồi Kinh Chuyển Pháp Luân trùng khớp với nội dung của Duyên Hợp trong Kinh Thánh Cầu, hay nói cách khác chúng là một. Nghĩa là, Duyên Hợp là tuệ giác của Đức Phật ngay trước khi giác ngộ; đồng thời Duyên Hợp cũng là điểm cốt lõi trong bài giảng đầu tiên của Đức Phật; Duyên Hợp chính là điều mà Đức Phật hay nói rằng “trước đây ta chưa từng nghe”. Như vậy, Duyên Hợp chính là tuệ giác của Đức Phật khi giác ngộ, là điểm cốt lõi trong những lời dạy của Đức Phật, là tinh túy của đạo Phật, không thể nhầm lẫn với những truyền thống tâm linh khác.

Trong Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi – Trung Bộ số 28 (MN 28), có một câu kinh như sau [47]:

 “Ai thấy được lý Duyên Hợp, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý Duyên Hợp”.

Câu kinh này một lần nữa đã nhấn mạnh cho ta thấy: Duyên Hợp chính là tinh túy của đạo Phật.

 

Chú thích chương 4

[24] Ngày nay là Sarnath, cáchVaranasi13km về phía đông – bắc, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ; địa danh Isipatana cũng chính là Vườn Nai.

[25] Ngày nay là thành phốVaranasinằm bên sông Hằng, còn gọi làBenares, thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Đây được xem là đất thánh của đạo Hindu, đạo Phật, đạo Jain.

[26] dính-mắc: tùy theo văn cảnh, tùy sở thích từng người đọc, có thể hiểu là: khao khát, ham muốn, ước ao, bám víu, chấp thủ, sở hữu…

P – taṇhā

E – craving, attach, desire, wish, possess, preserve, want…

[27] bậc-giác-ngộ-không-so-sánh: P – abhisambuddhā. Nghĩa đen của từ này chỉ “bậc giác ngộ không có ai vượt qua / bậc giác ngộ không có ai cao quí hơn”. Người dịch chọn cách dịch trung dung hơn như trên, hiểu theo nghĩa “bậc giác ngộ thì không so sánh, không tranh luận với ai ở đời; nên gọi là bậc-giác-ngộ-không-so-sánh”.

[28] cái-thấy: chỉ cái thấy / biết ban đầu một cách sơ bộ và thụ động về đối tượng, ít ảnh hưởng bởi suy nghĩ, giống như cái thấy / biết của trẻ sơ sinh.

P – cakkhu

E – vision, information

[29] cái-thấy-có-phân-biệt: khác với [28], chỉ kiến thức / quan điểm có được sau khi phân tích đối tượng bằng suy nghĩ có tính đúng – sai, tốt – xấu, hay – dở, khách quan – chủ quan v.v.

P – ñāṇa

E – knowledge, viewpoint, opinion, idea, prejudice…

[30] cái-thấy-không-phân-biệt: chỉ một trạng thái sâu sắc, vượt ra khỏi [28] và [29]. Kinh điển tiếng Việt hay dùng những từ tương đương như: “như thật nhận biết / liễu tri / thắng tri / tuệ giác / chánh tri kiến v.v.”

P – abhiñāṇa

E – insight, discernment… which means “see things as they are”.

So sánh về ba khái niệm [28] – [29] – [30]: lấy một ví dụ về quá trình học ngoại ngữ của một người.

Từ số [28] tương ứng với giai đoạn trẻ sơ sinh; người này tiếp nhận hết mọi loại ngoại ngữ một cách thụ động, không biết phân biệt, nên có thể tiếp nhận cả những từ ngữ xấu, vô nghĩa.

Từ số [29] tương ứng với giai đoạn bắt đầu đi học ngoại ngữ tại trường; người này học cách phân biệt đâu là nói đúng – nói sai, đâu là nói hay – nói dở, đâu là nói thậtnói dối v.v. Trước khi nói, người này phải suy nghĩ để lựa chọn từ ngữ, câu cú v.v.

Từ số [30] tương ứng với giai đoạn trưởng thành; người này đã học và sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo, trôi chảy. Khi cần là người này nói ngay mà không cần suy nghĩ tìm từ ngữ, không còn bị dính mắc vào từ ngữ.

[31] giác ngộ: người viết xem từ này đồng nghĩa với từ Niết-bàn; nghĩa của từ này tùy thuộc vào từng người đọc.

[32] dukkhā: người viết không dịch từ này; nghĩa của từ này tùy thuộc vào từng người đọc. Kinh điển tiếng Việt hay dịch từ này là: “khổ / phiền não v.v.”

[33] năm-uẩn: năm yếu tố tạo thành thân tâm con người; có tính chất dính mắc, bám víu; gồm sắc – thọ – tưởng – hành – thức.

P – pañcupādānakkhandhā

E – the 5 aggregates of clinging

[34] sinh: sinh ra, hiện hữu, tồn tại…

[35] diệt: chết, không hiện hữu, không tồn tại…

[36] con-đường-đưa-đến-dukkhā-vắng-mặt: chỉ được coi là làm xong khi thành tựu giác ngộ.

[37] ba-quá-trình: (1) có cái-thấy về dukkhā có mặt như người ta nói. (2) Nên có cái-thấy-có-phân-biệt về dukkhā có mặt như người ta nói. (3) Đã có cái-thấy-không-phân-biệt về dukkhā có mặt như người ta nói.

[38] sự-luân-chuyển-gồm-ba-quá-trình-sinh-ra-mười-hai-yếu-tố:

                 3 (quá trình) x 4 (điều về dukkhā) = 12 (yếu tố).

[39] Kondañña: Kiều – Trần – Như.

[40] tương tự với cái-thấy-không-phân-biệt.

[41] Nghi lễ gia nhập tăng đoàn.

[42] Y phục của một vị tỳ-kheo.

[43] Đoạn văn miêu tả nguồn gốc của lễ thọ giới.

[44] P – aññāsikoṇḍañño; E – Kondañña Who Knows

[45] Trung Bộ Kinh số 26 – MN 26: Kinh Thánh Cầu – Thích Minh Châu dịch.

[46] SN 12.21, Ud 1.1, Ud 1.2, Ud 1.3

iti imasmiṃ sati idaṃ hoti,

imassuppādā idaṃ uppajjati,

imasmiṃ asati idaṃ na hoti,

imassa nirodhā idaṃ nirujjhati.

[47] Trung Bộ Kinh số 28 – MN 28: Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi – Thích Minh Châu dịch.

Thế Tôn đã nói như sau: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi”.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/10/2015(Xem: 16314)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.