Vị Sa-môn Khất Sĩ

23/09/20191:01 SA(Xem: 9771)
Vị Sa-môn Khất Sĩ

VỊ SA-MÔN KHẤT SĨ
Trần Tuấn Mẫn

khat thuc
Chư Tăng Huyền Không Sơn Thượng, Huế trì bình khất thực

I. Khái quát

Sa-môn (Samana), Tỳ-kheo (Bhikkhu) hay Bí-sô (Bhiksu) là những danh xưng chỉ cho vị tu sĩ Phật giáo. Đối với một người theo đạo Phật, Đức Phật là vị Sa-môn đầu tiên, được gọi là vị Đại Sa-môn (Mahasamana). Hình ảnh Đức Thế Tôn thường được minh họa bằng tranh tượng với hình ảnh Ngài mang bình bát khất thực, mặc y hoại sắc, chân trần, rất đơn giản, rất nghiêm trang, thong dong, tự tại. Ngài khai sáng Phật giáo, lập Tăng đoàn Tỳ-kheo và đệ tử của Ngài được gọi là Sa-môn Thích tử (Sakyaputtaya Samana).

Thực ra, Sa-môn, Tỳ-kheo hay Bí-sô vốn có ý nghĩa giống nhau, nhằm chỉ những vị tu sĩ rời bỏ gia đình, sống nghèo nànkhất thực qua ngày. Người ta tìm thấy hình ảnh những vị này thấp thoáng trong vài bộ Áo nghĩa thư (Upanisad) được soạn khoảng sáu, bảy thế kỷ trước Tây lịch. Đếm ra có được 17 bộ trong 108 bộ Upanisad có nói đến việc từ bỏ đời thường (Sannyasa), đó là những vị tu sĩ được gọi là Bhikkhu, Sanyasin, Avahate, Paramahamsa. Sukumar Dutt trong Buddhist Monks and Monasteries of India (London, 1962) nêu dẫn thêm: “Những người biết đến Phạm thiên, từ bỏ ham muốn về con cái, giàu sang, của cảitrở thành Khất sĩ (Bhisacaryam Caranti)”.

Ông giải thích thêm một số từ trong Upanisad: Sannyasin là người loại bỏ mọi sự đời; Parivarajaka là người lang thang, không nhà cửa, không bà con thân thuộc; Bhiksu hay Bhikkhu (Bìsô, Tỳ-kheo) là những người không sở hữu, sống bằng khất thực. Vị ẩn sĩ, Khất sĩ còn được gọi là Sadhu (trong Ấn giáo), Sufi (trong Hồi giáo). Tuy vậy, giáo lý Phệ-đà (Veda) hay Bà-la-môn thời ấy không hề nhắc đến lối tu hành khổ hạnh, từ bỏ vật chất, sống nghèo khổ, khất thực để được thể nhập với Đại ngã. Do đó, có người cho rằng số bộ Upanisad nêu trên có thể được viết sau thời Phật giáo. Mặt khác, trong thời Đức Phật cũng có nhiều vị Sa-môn, Ba-lamôn không phải Phật giáo, được nổi tiếng như Pakadha Kaccayana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nathaputta (xem Trường bộ kinh, kinh Đại Bát Niết-bàn, số 16).

Ở châu Âu thời Trung cổ, nhiều thầy dòng Thiên Chúa giáo nghĩ rằng Chúa Jesus giáng sinh trong máng cỏ, sống trong gia đình nghèo khổ, nên các vị ấy chủ trương sống nghèo khổ, từ chối của cải vật chất, sống gần gũi người nghèo, sống bằng khất thực. Rất nhiều dòng tu theo chủ trương này được thành lập: dòng Franciscain, dòng Camelite, dòng Dominicain, dòng Augustinian… Điển hình là Thánh François d’Assise (1182- 1226), thuộc gia đình đại phú, con của một đại thương gia, đã chọn lối sống nghèo khổ, cùng các vị đồng tu đi khất thực. Nói chung, đây là những thầy thuộc dòng Khất sĩ (Mendicants Friars)…

Trong khi đó, vị Sa-môn hay Tỳ kheo của Phật giáo có nhiều nét nổi bật về giáo lý, về giáo luật, về phương pháp tu hành mang nhiều ý nghĩa về ba lĩnh vực này.

II. Minh họa vị Sa-môn Khất sĩ của Phật giáo

Thực ra, như trên đã nói, Sa-môn nghĩa là Sa-môn Khất sĩ, nghèo nàn, giản dị, tách biệt với đời, lang thang đây đó. Phong thái nhẹ nhàng của vị Sa-môn hay Tỳ-kheo Khất sĩ đơn độc du hành được miêu tả qua bài kệ của vị Đại sư Trung Hoa, Bố Đại Hòa thượng (布 袋和尚):

Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Thanh mục đổ nhân thiểu,
Vấn lộ bạch vân đầu
.

Nguyên văn chữ Hán: 一钵千家饭, 孤身万里游。 睹人青眼在, 问路白云头.

Dịch nghĩa:
Một bát cơm ngàn nhà,
Đơn thân vạn dặm xa,
Mắt xanh người nhìn ít
Hỏi đường mây trắng qua.

Bài kệ thi vị và đầy thiền vị trên chỉ là sự minh họa về hình ảnh vị Sa-môn khất thực. Tuy nhiên, ý nghĩa bên trong của việc khất thực quan trọng hơn nhiều. Kinh Sa-môn quả (Trường bộ) ghi lời Đức Phật về một vị Sa-môn: Cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh”.

Kinh Pháp tập nêu lời dạy của Đức Phật khi Ngài đi khất thực:
1. Không tham đắm vị ngon,
2. Phá trừ ngã mạn,
3. Từ bi, bình đẳng, gây lợi ích cho chúng sinh.

Không tham đắm vị ngon nghĩa là không tham ái, thích các món ăn ngon, và dĩ nhiên là không tham đắm vào những cảm thọ, vào “tôi và của tôi”; phá trừ ngã mạn là từ tốn, hiền hòa, không cho mình là giỏi là hay hơn người; từ bi, bình đẳng, gây lợi ích cho chúng sinh là đến với mọi người, mọi nhà, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị xã hội, đến để giảng pháp, để tạo điều kiện cho mọi người làm công đức, biết gạt bỏ bớt những gì là “tôi và của tôi”…

Kinh Bảo ngũ nêu mười điều mà vị Sa-môn Bồ-tát phải ghi nhớ khi đi khất thực:
1. Nhiếp thụ các loài hữu tình,
2. Khất thực theo thứ lớp, không phân biệt giàu nghèo,
3. Không mệt mỏi, không nhàm chán việc khất thực,
4. Biết đủ, cụ thể là không khất thực thật nhiều, mong được món ngon hơn,
5. Phân chia thức ăn đã nhận được làm bốn phần: để ăn, để chia cho các vị đồng tu, cho người bần cùng, và cho chúng sinh trong đường ác,
6. Không tham luyến thức ăn,
7. Ăn vừa đủ để có sức khỏe,
8. Thể hiện các phẩm chất tốt
9. Phát triển thiện căn,
10. Lìa bỏ ngã chấp.

Kinh Đại bảo tích ghi lời Phật dạy Tôn giả Đại Ca diếp về việc khất thực của Tỳ-kheo, đại ý như sau: Vị Tỳ-kheo Khất sĩ phải giữ bốn thệ nguyện: không dua vạy, không yêu cầu được cho thức ăn, không nhờ Tăng chúng cho ăn, luôn giữ oai nghiêm. Khi khất thực, Tỳkheo không quan tâm đến vị ngon hay dở, khất thực theo thứ tự từng nhà, không quan tâm đến người cúng dườngthức ăn cúng dường; nếu không khất thực được gì thì cũng không buồn phiền; vì bệnh mà không đi khất thực được thì nên nghĩ rằng mình sống cô độc, Chánh pháp là bạn, nên suy gẫm Chánh phápthực hành thiền định; mưa bão lũ lụt lâu ngày không đi khất thực được, phải chịu đói thì nên an trú trong từ tâm, nghĩ rằng các chúng sanh mang nghiệp ác phải sinh vào đường ác và phải chịu đói khổ hàng trăm năm chứ không chỉ đói vài ngày như mình.

Trong kinh Duy-ma-cật có đoạn: “Dù không ăn mà vẫn đi khất thực, dù phá tướng hòa hợp mà vẫn bốc cơm ăn, dù không muốn nhận mà vẫn nhận món ăn của người, dù nghĩ rằng không có làng xóm mà vẫn vào làng xóm, thấy sắc mà như người mù, nghe tiếng mà như nghe tiếng vang, ngửi mùi mà như gió thổi, nếm vị mà không phân biệt, xúc chạm vật mà như thể hiện trí tuệ, biết các pháp là huyễn ảo, vô tự tính, vô tha tính”.

Ngài Duy-ma-cật còn nói: “Đối với cơm bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì cơm cũng bình đẳng”.

Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 47sách Tỳ-ni thảo yếu quyển 6 ghi rằng khi đi khất thực, Tỳ-kheo phải đi dọc hai bên đường, tay trái ôm bát, theo thứ lớp mà khất thực, không để ý thức ăn ngon hay dở, chỉ nhằm nuôi dưỡng mạng sống, nuôi dưỡng khí lực.

Các kinh trên đã nêu khá đủ về thái độ, tác phong đạo đức của vị Tỳ-kheo Khất sĩ. Vị Tỳ-kheo còn nhắm đến lợi ích cho chúng sanh. Đó là: Tạo duyên cho người ta bố thí, quên  “ta và của ta”, được nhiễm gương sáng về phong cách đạo hạnh của vị Tỳ-kheo, được thấm nhuần Phật pháp, ưa thích đời sống giản dị, thanh bần.

Đi khất thực là một phương cách để tu dưỡng, để độ sinh. Để tránh bị hiểu lầm về phẩm hạnh của Sa-môn và để ngăn ngừa sự nhiễm ô đối với những vị còn sơ cơ trên bước đường tu, luận Hiển dương Thánh giáo nêu năm nơi mà vị Sa-môn không nên đến khất thực: nơi vui chơi ca hát, nơi mua bán dâm, nơi bán rượu, nơi cung đình và nơi giết hại, buôn bán súc vật.

III. Đôi lời bàn luận

Đã hơn 25 thế kỷ qua kể từ thời Đức Phật, hình ảnh vị Tỳ-kheo hàng ngày đi khất thực vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia châu Á. Hoàn cảnh sinh hoạt của Phật giáo thay đổi theo thời gian. Thời đại mới của khoa học và kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến thể cách hành đạo nhưng tinh thần của truyền thống khất thực vẫn không mất đi, kể cả đối với Phật giáo Nguyên thủyPhật giáo Đại thừa: Nhà chùa nói chung vẫn giữ nếp thanh bần và vị Tỳ-kheo vẫn giữ cốt cách giản dị, không lưu giữ tiền bạc, của cải. Các Tỳ-kheo của Phật giáo Đại thừa hoặc Nguyên thủy tuy đã hạn chế nhiều hoặc ngưng hẳn việc khất thực hàng ngày nhưng để giữ gìn ý nghĩa khất thực, mỗi Tỳ-kheo đều có y bát riêng, sử dụng trong các buổi trai phạn suốt ba tháng an cư kiết hạ mỗi năm.

Ngày nay, theo đà văn minh của nhân loại, nhiều vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, đạo đức, môi sinh… nổi lên. J.J. Rousseau có thể rất đúng khi viết cuốn sách Contrat Social (Khế ước Xã hội) rằng xã hội càng văn minh thì đạo đứchạnh phúc của con người càng bị suy giảm. Do đó mà Phật giáo cần phát triển, hoằng pháp cần mở rộng cũng như nhiều tổ chức, nhiều tôn giáo khác nhằm giúp con người sống hạnh phúc, an bình. Do đó mà chùa chiền được xây dựng, trùng tu để quy tụ Phật tử, giúp họ đến với nếp sống hiền hòa của đạo Phật.

Đã có nhiều tự viện từ thời Đức Phật và càng lúc càng nhiều ở khắp nơi theo với thời gian. Điều này thật đáng mừng, đáng trân trọng. Nhưng cũng cần nhớ rằng đây là vì lòng mến mộ Phật giáo mà các thí chủ, gồm các vua chúa, hoàng gia, chính khách, đại gia… tự nguyện đứng ra thiết lập tự viện chứ các Tỳ-kheo không yêu cầu. Các thí chủ không vì mục đích chính trị hoặc kinh doanh, thu lợi nhuận bằng nhiều hình thức hoặc quảng cáo cho mình. Thỉnh thoảng người ta thấy có vị Tỳ-kheo kêu gọi chư tôn đức hay Phật tử xây chùa hay tu sửa chùa cho mình, hay đề nghị Phật tử mua sắm một số phương tiện sinh hoạt cho cá nhân mình. Điều này cũng như vị Sa môn Khất sĩ yêu cầu được cúng dường thức ăn, vật dụng cho mình. Như thế là phạm luật khất thực, phạm ý nghĩa thanh bần, điều mà Đức Phật ngăn cấm.

Mong sao. Tinh thần Sa-môn Khất sĩ vẫn được mãi mãi tồn tại trong Tăng-già tại các khắp tự viện Phật giáo trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:
- Kinh Trường bộ (Đại bát Niết-bàn, Sa-môn quả); Kinh A-hàm, q.7; Kinh Bảo ngũ; Kinh An lạc; Kinh Duy-ma-cật; Tỳ-ni thảo yếu q.6; Luận Hiển dương Thánh giáo.
- Dukuma Dutt, Buddhist Monks and Monasteries of India, G. Allen & Unwin, London, 1962.
- Thích Chơn Thiện, Tăng-già thời Đức Phật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2000.
- Trần Tuấn Mẫn, Vấn đáp Phật giáo, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2017.
- M.W. McLeod, The Way of the Mendicant.
- Hạnh Chơn, Truyền thống Khất thực, thuvienhoasen.org.
- Pháp Vương Tử, Khất thực
- một phép tu truyền thống của đạo Phật, phatgiao.org.vn.

 

Trần Tuấn Mẫn | Văn Hóa Phật Giáo Số 328 ngày 1-9-2019 |Thư Viện Hoa Sen nhập lưu 22-9-2019

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/12/2021(Xem: 4091)
02/02/2024(Xem: 924)
06/08/2017(Xem: 10446)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.