Bài 7: Bốn thể dạng vô biên của tâm thức

30/11/20193:47 CH(Xem: 6001)
Bài 7: Bốn thể dạng vô biên của tâm thức

THIỀN ĐỊNH
MỘT PHƯƠNG PHÁP BIẾN CẢI TÂM LINH
Đức Đạt-lai Lạt-ma
và Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

***

Bài 7

Bốn thể dạng vô biên của tâm thức

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ:

           

            "Bốn thể dạng hay phẩm tính vô biên của tâm thức" là bốn phép luyện tập thiền định nêu lên trong một số bài kinh, đặc biệt hơn hết là kinh Brahma-vihara Sutta (Samyutta Nikaya/Tương ưng bộ kinh, SN 46.54), Brahma là  vị Trời trong Ấn giáo, vihara là nơi an trú hay thường trú và cũng có nghĩa là một ngôi chùa, một tự viện. Vào thời đại của Đức Phật thì vihara có nghĩa là nơi dừng chân hay tạm trú của Tăng đoàn. Bài kinh Brahma-vihara trên đây đôi khi cũng được gọi là Metta Suttam (Bài kinh về Lòng nhân ái hay Từ tâm). Ngoài ra cũng có một bài kinh khác nói đến khái niệm này và cũng mang cùng một tựa là Brahma-vihara Sutta (Anguttara Nikaya/Tăng chi bộ kinh, AN 10.208). Xin lưu ý là tựa các bài kinh là do người sau đặt thêm để chỉ các bài giảng của Đức Phật. Nhà sư Sangharakshita mượn tựa của cả hai bài kinh trên đây - là Brahma vihara - để gọi "Bốn phẩm tính của tâm thức". Kinh sách Tây phương gọi bốn phẩm tính này là Four Immeasurables/Quatres ìncommensurables, kinh sách Hán ngữ thì gọi là "Tứ vô lượng tâm" (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Phẩm tính thứ nhất trong số bốn phẩm tính này là maitri có nghĩa là tình thương yêu, lòng nhân ái hay nhân từ; ba phẩm tính kia là: karuna/lòng từ bi; mudita/niềm hân hoan và upeksha/sự thanh thản, bình lặng hay thanh thoát. Sở dĩ mạn phép dài dòng là để giúp chúng ta theo dõi dễ dàng hơn bài giảng dưới đây của nhà sư Sangharakshita.     

 

Bốn brahma-vihara

 

Maitri hay tình thương yêu

 

            Brahma-vihara thứ nhất gọi là maitri (tiếng Pa-li là metta) có nghĩa là tình thương yêu. Chữ maitri là tiếng Phạn, bắt nguồn từ chữ mitra có nghĩa là bạn hữu. Theo kinh sách maitritình thương yêu (thương mến, quý mến) thật chân tình đối với một người bạn tâm giao và thân thiết. Các chữ "bạn hữu" (ami) (friend ) và "tình bằng hữu" (amitié) (friendship) trong tiếng Pháp ngày nay cũng chỉ nói lên một chút gì đó gọi là "âm ấm" thế thôi, riêng đối với chữ "tình bằng hữu" thì cũng chỉ được xem như là một cảm tính khá hời hợt. Thế nhưng tại các nước Á đông thì lại khác, maitri hay "tình bằng hữu" (mạn phép xin nhắc lại kinh sách Hán ngữ dịch chữ này là "từ") là một cảm tính rất sâu sắc, tích cực, thường được định nghĩa như là niềm ước vọng thiết tha không đè nén được, đó là cách ước mong kẻ khác được thật nhiều hạnh phúc và an vui, sự mong cầu đó không những chỉ liên quan đến lãnh vực vật chất mà cả tâm linh. Kinh sách và Giáo Huấn của Đức Phật luôn cổ vũ chúng ta hãy phát động cảm tính "bằng hữu" ấy đối với tất cả chúng sinh. Cảm tính đó được thu gọn trong câu : "Sabbe satta sukhi hontu", có nghĩa là "Cầu xin tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc!", và đó cũng là ước vọng của tất cả những người tu tập Phật giáo nói chung. Nếu chúng ta phát động được cảm tính đó một cách thành thực - có nghĩa là không phải chỉ là cách hình dung trong tâm trí mình cảm tính đó mà phải tạo ra cho mình một sự cảm nhận thật sự về cảm tính đó - thì đấy mới đúng là cách mà mình thực hiện được cảm tính thương yêu đó [bên trong chính mình] (thiền định về tình thương yêu chúng sinh không phải chỉ có nghĩa là tập trung tâm thức hướng vào cảm tính đó mà phải cảm nhận được nó, hòa nhập với nó và trở thành chính nó).

            Đối với Phật giáo việc phát động maitri (lòng từ tâm, tình thương yêu) không phải là một chuyện tùy vào sở thích mình. Một số người có thể nghĩ rằng mình sẵn lòng thương yêu kẻ khác, thế nhưng nếu không thương được thì cũng chẳng sao, con người mình là như thế, chẳng làm gì khác hơn được. Thế nhưng Phật giáo không nhìn mọi sự theo cung cách đó. Phật giáo có một số các phép luyện tập được quy định thật rõ ràng dựa vào các kỹ thuật thật chính xác nhằm mục đích giúp người tu tập phát huy maitri tức là tình thương yêu, phẩm tính này đôi khi cũng còn được gọi là maitri bhavana (tiếng Pa-li là metta bhavana) (chữ bhavana trong tiếng Pa-li và tiếng Phạn có nhiều nghĩa, trong trường hợp này thì có nghĩa là sự "phát huy" [tình thương yêu]. Chữ bhavana cũng có nghĩa là "thế giới", "bầu không gian" hay "biên thùy", do đó thuật ngữ maitri bhavana thường được dịch là "tình thương yêu vô biên"). Những người từng luyện tập về bốn brahma vihara thường cho biết là phép luyện tập này không phải dễ. Thật vậy quả hết sức khó phát động tình thương yêu, thế nhưng nếu kiên trì thì chúng ta cũng sẽ thành công, và khi nào hòa nhập được với cảm tính đó thì chúng ta sẽ cảm nhận được một sự toại nguyện thật sâu xa (phát động tình thương yêu là đi ngược lại với các tác động bản năng. Các xu hướng tự nhiên của các bản năng sinh tồn, truyền giống và cả sợ chết tạo ra cho mình các thái độ ích kỷ, tham lam, ganh tị, ghen tuông, hận thù, độc ác, hung dữ, v.v., đó là các phản ứng tự nhiên nhằm bảo vệ chính mình. Các xu hướng và xung năng đó ấn chứa bên trong mỗi cá thể con người, đó là nguyên nhân sâu xa mang lại tất cả mọi sự xung đột và khổ đau trên toàn thể thế giới. Phát động tình thương yêu đối với kẻ khác, dù họ hung dữ đến đâu, giàu sanghạnh phúc đến đâu cũng vậy, sẽ là cách giúp mình không chế và hóa giải các xung năng đó bên trong chính mình. Sự luyện tập maitri sẽ mở rộng tâm hồn mình, biến mình thành một con người dễ rung cảm và bén nhạy hơn, an vui và thanh thoát hơn. Nếu mở rộng tâm thức mình hơn nữa để yêu thương từng con côn trùng nhỏ bé, từng chiếc lá mong manh thì đấy sẽ là thể dạng vô biên của maitri, thể dạng đó kinh sách gọi là maitri bhavana hay tình thương yêu vô biên, một thứ tình thương yêu cùng khắp và quên cả chính mình).

           

Karuna hay lòng từ bi

 

            Brahma-vihara thứ hai là karuna tức là lòng từ bi. Thật hiển nhiên lòng từ bi mật thiết liên hệ đến tình thương yêu (maitri). Mỗi khi trông thấy cảnh khổ đau của những người mà mình yêu quý thì tình thương yêu (maitri) nơi con người mình sẽ hóa thành lòng từ bi (karuna). Nếu các bạn yêu quý một người nào đó và bất chợt trông thấy người này đang lâm vào cảnh khổ đau thì tức khắc tình thương yêu của các bạn sẽ chuyển thành cảm tính từ bi không sao đè nén được. Theo Phật gíáo thì karuna hay lòng từ bi là một xúc cảm thiêng liêng hơn bất cứ một xúc cảm nào khác, và đó cũng là xúc cảm chủ yếu nhất của chư Phật và chư Bồ-tát. Avalokiteshvara (Quán thế âm/觀世) có nghĩa là vị "Thánh Nhân từ trên cao Nhìn Xuống" (với một tấm lòng từ bi bao la) và cũng là "biểu tượng" tiêu biểu nhất của lòng từ bi. (Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV là hoá thân của Bồ-tát Quán thế âm, trên dòng truyền thừa của các vị Đạt-lai Lạt-ma khởi đầu từ thế kỷ XV.  Dù rằng Quán thế âm là một nhân vật huyền thoại, thế nhưng lòng từ bi của Đức Đạt-lai Lạt-ma rất thật, thật từ trong từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói, và cả tâm hồn Ngài, và biết đâu lòng từ bi đó cũng có thể rất thật trong con tim và tâm thức của mỗi người trong chúng ta). Bồ-tát Avalokiteshvara (Quán thế âm) hiện ra dưới nhiều hình tướng khác nhau, một trong số các hình tướng đó có mười một đầu và một nghìn cánh tay. Mặc dù hình tướng đó có vẻ kỳ quái, thế nhưng về mặt biểu tượng là một hình ảnh rất mạnh. Mười một đầu giúp vị Từ Bi phóng nhìn ra mười một hướng của không gian, có nghĩa là khắp nơi không sót một phương hướng nào, và một nghìn cánh tay là để trợ giúp chúng sinh không hề mệt mỏi.     

            Có một câu chuyện lý thú giải thích sự tạo dựng biểu tượng dặc thù đó của Bồ-tát Quán thế âm. Câu chuyện không nhất thiết là một "huyền thoại" đơn thuần mà được dựa vào các khía cạnh tâm lý mang tính cách thiêng liêng. Một hôm Bồ-tát Avalokiteshvara (Quán thế âm) trong khi thiền định về khổ đau của chúng sinh, chợt nhìn vào thế giới và trông thấy những người chết non, bị hỏa hoạn, đắm tàu, bị hành quyết, một số khác thì khổ đau trước cảnh tang chế, thua thiệt, ốm đau, nghèo khổ, đói khát... Lòng từ bi bao la bùng lên và ngập tràn con tim của Ngài, mãnh liệt đến độ không sao đè nén được, lòng từ bi đó khiến đầu Ngài nổ tung thành thật nhiều mảnh. Mười một mảnh hóa thành mười một chiếc đầu để nhìn vào mười một hướng của không gian, các mảnh còn lại hóa thành một nghìn cánh tay để giúp đỡ tất cả chúng sinh đang khổ đau. Hình ảnh tuyệt đẹp đó của vị Bồ-tát Avalokiteshvara với mười một đầu và một nghìn cánh tay biểu trưng cho thực chất của Lòng từ bi, nói lên một con tim ngập tràn xót thương trước cảnh đớn đau và khổ nhọc của toàn thế giới (xin mạn phép nhắc lại: Quán thế âm tuy là một huyền thoại thế nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma là một con người rất thật, lòng từ bi của Ngài cũng rất thật. Đại Thừa và kinh sách Đại Thừa không nhất thiết là do Đức Phật trực tiếp thuyết giảng thế nhưng Đại Thừa đã giúp được không biết bao nhiêu con người hóa giải được khổ đau của mình và xoa dịu được tâm hồn mình qua hàng bao thế kỷ và cả ngày nay. Có thể hiểu Đại thừa Phật giáohiện thân của Đức PhậtGiáo Huấn của chính Ngài).   

            Ngoài ra lòng từ bi của người bồ-tát cũng còn được biểu trưng bằng một cách khác  qua dáng dấp xinh đẹp của một người phụ nữ, đó là Bố-tát Tara (dịch âm là Đà-la, một vị nữ thần linh trong Kim Cương Thừa), tên có nghĩa là "Vị cứu nạn" hay "Ngôi sao sáng". Có một câu chuyện huyền thoại tuyệt đẹp cho biết nữ thần Tara được sinh ra từ những giọt nước mắt tuôn trào của Bồ-tát Quán thế âm khi Ngài chứng kiến cảnh khổ đau và cơ hàn của thế giới.    

            Chúng ta có thể nghĩ rằng các huyền thoại đó chỉ là những chuyện thêu dệt, khiến những người uyên bác (sophistic/sành sỏi, thông thạo) có thể phải mỉm cười. Các huyền thoại đó không nhất thiết chỉ đơn giản là những chuyện tạo dựng, cũng không phải là những chuyện mang tính cách biểu trưng nhằm nói lên một điều gì đó, mà hàm chứa một ý nghĩa rất thật và sâu xa, một biểu tượng, một hình ảnh lý tưởng, phản ảnh một cách cụ thể thực chất của lòng từ bi.       

            Đối với Phật giáo Mahayana (Đại thừa) có nghĩa là giáo huấn của "Cỗ Xe Lớn" thì điều quan trọng hơn cả, so với tất cả các điều quan trọng khác, là lòng từ bi. Trong một bài kinh Mahayana (tức là của Đại thừa Phật giáo, và cũng có nghĩa là không có trong Tam Tạng Kinh)cho biết Đức Phật từng khuyên không nên giảng dạy quá nhiều thứ cho người bồ-tát, là những người ước vọng sẽ trở thành Phật (lời nguyện của các vị bồ-tát nói chung là khi nào tất cả chúng sinh chưa được giải thoát khỏi khổ đau thì mình nhất định sẽ chưa thành Phật). Chỉ cần giảng dạy cho họ về lòng từ bi và họ cũng chỉ cần luyện tập duy nhất về lòng từ bi, thì bấy nhiêu đó cũng đã thừa đủ. Người bồ-tát không cần phải tìm hiểu gì cả về "quy luật tạo tác do điều kiện mà có" (conditioned co-production / interdependence / Lý duyên khởi), về Madhyamaka (Trung quán luận), Yogacara (Du-già hành tông hay Duy thức tông), về Abhidhamma (Tạng Luận) kể cả Con Đường Cao Quý gồm Tám Yếu Tố Đúng Đắn (Bát chánh đạo). Người bồ-tát chỉ cần duy nhất nghĩ đến lòng từ bi, và bên trong con tim mình cũng chỉ có lòng từ bi, thì bấy nhiêu đó cũng đã thừa đủ. Trong một số các bài kinh khác, Đức Phật cũng có nói nếu chúng ta phát động được lòng từ bi trước sự khổ đau của chúng sinh thì các điều đạo hạnh, các phẩm tính khác, các thành quả tâm linh khác, và cả sự Giác Ngộ cũng sẽ theo nhau hiện ra với mình. 

            Những gì trên đây được thể hiện trong một câu chuyện khá cảm động của Phật giáo Nhật bản. Đó là câu chuyện về một người thanh niên tiêu tiền không cần đếm. Sau những cuộc vui chơi thỏa thích, không còn xu nào dính túi, anh ta cảm thấy chán ghét tất cả mọi thứ, kể cả chính mình. Mang nặng tâm trạng đó trong lòng, anh ta nghĩ rằng chỉ còn cách đi tu mà thôi. Anh ta bèn tìm một ngôi chùa Zen để xin xuất gia. Thật ra trong thâm tâm, anh ta không muốn trở thành người tu hành, thế nhưng chẳng có một lối thoát nào khác cả, nên đành phải tìm đến một ngôi chùa Zen là vì vậy. Tôi cứ nghĩ rằng anh ta sẽ phải quỳ gối trên tuyết trước sân chùa trong ba ngày liền như các kẻ khác - như nguời ta thường thuật lại - để xin được xuất gia, thế nhưng vị trụ trì tiếp anh ta ngay tức khắc. Vị này là một nhà sư trọng tuổi, dáng dấp thật kỳ dị và lạ lùng, kiên nhẫn lắng nghe anh ta thuật lại hoàn cảnh của mình, và sau đó thì cất lời: "Tốt lắm..., vậy anh hãy suy nghĩ xem bên trong anh có một thứ gì đó đáng giá hay không?" Anh chàng này ngẫm nghĩ một lúc và nói với vị trụ trì: "Vâng, tôi chơi cờ tướng cũng không đến nỗi nào tệ lắm". Vị trụ trì bèn sai người hầu đi tìm một vị sư khác mà mình quen biết, vị này là một ông lão đã lớn tuổi, trước đây từng xuất gia trong một thời gian khá lâu. Vị trụ trì bèn quay sang người hầu cận và bảo người này hãy mang ra cho mình một thanh kiếm. Thanh kiếm được mang ra và đặt ngay trước mặt vị trụ trì. Vị trụ trì nói với người thanh niên và cả vị sư già như sau: "Hai người hãy đánh một ván cờ. Người nào thua thì ta sẽ chém đầu!". Cả hai đều nhìn vào vị trụ trì và thấy vị này rất nghiêm nghị, không có vẻ gì là đùa bỡn cả. Anh thanh niên đi ngay một nước.

            Lão sư già cũng là một tay cờ có hạng, bèn đi một nước. Người thanh niên đi thêm một nước thứ hai. Lão sư già cũng đi thêm một nước. Sau một lúc thì anh chàng thanh niên cảm thấy mồ hôi chảy dài trên lưng, thấm xuống tận gót chân mình. Trước sự thắng thế đó của lão sư già, anh chàng trẻ tuổi tập trung tinh thần thật mạnh, dồn tất cả sinh lực của mình vào ván cờ để phản công trở lại. Anh ta thở phào nhẹ nhõm: "À há! Ván cờ xoay chuyển không đến nỗi tệ!". Anh ta nghĩ rằng nhất định mình sẽ thắng, bèn cất đầu lên và bất chợt nhìn thấy gương mặt của vị sư già. Như tôi đã nói trên đây ông ta là một người trọng tuổi, một người tu hành lâu năm, có thể đã từ hơn hai mươi, ba mươi hay bốn mươi năm, đã từng chịu đựng thật nhiều khổ nhọc, phải vượt qua những lúc khó khăn, và cũng đã từng thiền định rất nhiều. Gương mặt mỏi mòn và khắc khổ. Người thanh niên trẻ chợt nghĩ: "Quả tôi là một con người vô tích sự! Kiếp sống này của tôi chẳng mang lại được một chút lợi ích nào cho kẻ khác. Vị sư già có một cuộc sống thật xứng đáng, nhưng lại sắp chết đến nơi". Một làn sóng từ bi thật mãnh liệt vụt dấy lên, tràn ngập tâm hồn người thanh niên. Anh ta cảm thấy vô cùng thương xót vị sư già đang ngồi trước mặt mình, chỉ vì tuân lịnh vị trù trì mà phải đánh cờ với mình, và sắp phải chết vì thua cờ. Một luồng xúc cảm từ bi tuyệt đẹp dâng lên tràn ngập con tim của người thanh niên trẻ, khiến anh ta vụt nghĩ: "Tôi không thể để cho chuyện này có thể xảy ra như thế được". Anh ta bèn cố tình đi sai một nước. Lão sư già đi thêm một nước. Anh ta lại cố tình đi sai thêm một nước nữa. Thật hết sức hiển nhiên anh ta sắp thua đến nơi, không còn cách nào chuyển được thế cờ nữa. Thế nhưng bất thần vị trụ trì xen vào: "Chẳng ai thắng cũng chẳng ai thua. Hòa!". Vị trụ trì quay sang người thanh niên: "Anh có nhận thấy hôm nay anh vừa học được hai bài học hay không? Bài thứ nhất là phép tập trung tâm thần, bài học thứ hai là lòng từ bi. Nhờ học được thế nào là lòng từ bi nên chính anh là người được lợi".

            Câu chuyện đó cũng như các kinh Mahayana (Đại thừa) nói chung nêu lên cho chúng ta thấy điều thiết thực nhất [trong việc tu hành] chính là Lòng Từ Bi. Người thanh niên trẻ tuổi trên đây có một một cuộc sống không ra gì, phung phí đời mình một cách vô ích, thế nhưng chỉ cần phát động được lòng từ bi thì cũng đủ mang lại thật nhiều hy vọng cho cuộc đời mình. Anh ta sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình thay vì để cho vị sư già phải chết: chẳng phải là lòng từ bi cao cả đó từng được vùi sâu trong đáy tim của một con ngườibề ngoài chẳng có một giá trị nào hay sao? Vị trụ trì đã nhìn thấy điều đó và nghĩ rằng: "Trước mặt mình là một vị Bồ-tát sắp thành", và mình đã làm những gì mà mình phải làm.  

            (Câu chuyện trên đây quả hết sức tế nhị, sâu sắc và kín đáo. Vị trụ trì sẵn sàng nhận người thanh niên hư hỏng làm đệ tử của mình nhưng không nói ra. Vị trụ trì và bạn của mình là vị sư già khắc khổ cùng nhau xét đoánthử thách người thanh niên trẻ, nhưng không để lộ ý định đó. Cả hai cùng tạo dịp để giảng dạy cho người thanh niên hai bài học về sự chú tâmmục đích tiên khởi nhất trong việc tu tập, và lòng từ bi là nguyên nhânđiều kiện chủ yếu nhất mang lại sự giác ngộ. Câu chuyện có vẻ dàn dựng và giả tạo thế nhưng phía sau là những gì rất thật: khả năng chú tâmlòng từ bi bên trong một con người hư hỏng rất thật, lòng từ bi và tấm lòng rộng mở bên trong vị trụ trì và vị sư già cũng rất thật. Dù rằng đã được trước tác hàng bao thể kỷ sau khi Đức Phật đã tịch diệt, thế nhưng các kinh sách Đại Thừa cũng rất thật, thật như tất cả những gì ẩn chứa bên trong những hành động từ bi ấy của hai vị sư già và cả người thanh niên trẻ tuổi. 

            Câu chuyện lại càng tế nhị, sâu sắc và kín đáo hơn nữa qua cách thuật chuyện của nhà sư Sangharakshita. Ông nghĩ rằng anh chàng thanh niên phải quỳ gối trên tuyết trước sân chùa ba ngày liền để được vị trù trì chấp nhận cho mình được làm đệ tử. Đó là cách gợi lại thật khéo léo một câu chuyện khác về vị tổ thứ nhất của thiền học Trung quốcBồ-đề Đạt-ma và vị tổ thứ hai là nhà sư Huệ Khả. Theo truyền thuyết thì Huệ Khả lúc đó đã 40 tuổi, lặn lội đến Thiếu Lâm Tự để xin yết kiến Bồ-đề Đạt-ma, thế nhưng Bồ-đề Đạt-ma không tiếp, Huệ Khả phải quỳ gối trên tuyết suốt đêm và sau cùng phải chặt cánh tay trái dâng lên Bồ-đề Đạt-ma để được vị này tiếp và nhận làm đệ tử. Một chi tiết khác cũng cho thấy một sự tương đồng giữa hai câu chuyện: vị trụ trì ngôi chùa Zen cũng có dáng dấp thật kỳ dị, nghiêm khắc và "hung tợn" tương tự như Bồ-đề Đạt-ma. Nhà sư Sangharakshita nêu lên một cách kín đáo các nét tương đồng đó giữa hai nhân vật nhưng không giải thích ý nghĩa ẩn chứa phía sau sự tương đồng đó.

            Huệ Khả phải quỳ gối trên tuyết - có sách thì nói là đứng trên tuyết - và chặt cánh tay trái của mình dâng lên Bồ-đề Đạt-ma thì mới được vị này tiếp, trong khi đó thì nhà sư Zen đón nhận người thanh niên ngay tức khắc. Thật vậy, những gì thêu dệt chung quanh nhân vật Bồ-đề Đạt-ma chỉ là các chi tiết nhằm mục đích tô điểm và thổi phồng, biến Bồ-đề Đạt-ma thành một nhà sư khác thường.  

            Kinh sách Trung quốc cho biết Bồ-đề Đạt-ma là một người Ấn-độ tóc tai rậm rịt, râu ria xồm xoàm, hai mắt trợn trừng, cách mô tả chi tiết đó là nhằm cho thấy Bồ-đề Đạt-ma đúng là người Ấn-độ, hay ít ra cũng không phải là người Trung quốc. Thế nhưng kinh sách thì lại bất nhất về các chi tiết khác như năm sinh, con đườngBồ-đề Đạt-ma vào Trung quốc, và thuộc thời kỳ nào trong lịch sử Trung quốc... Sự kiện Huệ Khả phải quỳ gối trên tuyết suốt đêm (hay ba ngày liền, tùy theo tư liệu) ngoài sân chùa và phải chặt cánh tay trái để tỏ lòng thành của mình để được Bồ-đề Đạt-ma tiếp là một sự thêm thắt và thổi phồng thật vụng về, bởi vì các hành động vô cùng hung bạo, thiển cậncực đoan của Huệ Khả và cả Bồ-đề Đạt-ma đều đi ngược lại với giáo lý Phật giáo. Đức Phật sau một thời gian tu khổ hạnh đã nhận thấy đó là một sự sai lầm, một hình thức cực đoan hủy hoại chính mình. Trong khi đó thì Huệ Khả chặt cánh tay của mình để biến mình thành một kẻ tàn phế).

            Đức Phật từng thụ phong cho nhiều người khiến các đệ tử uyên bác chung quanh Ngài không khỏi cảm thấy ái ngại, chẳng hạn như Đức Phật đã cảm hóa và cho gia nhập Tăng một tên cướp giết người không gớm tay là Angulimala, hoặc trước khi tịch diệt Ngài đã chính thức thụ phong tỳ-kheo cho một một ông lão già nua và ốm đau. Trở lại với các truyền thuyết về Bồ-đề Đạt-ma thì thật rõ ràng Bồ-đề Đạt-ma là một nhân vật tạo dựng nhằm mục đích "chính thống hóa" nguồn gốc Ấn-độ của học phái "Tchan" hình thành tại Trung quốc. Thế nhưng dù chỉ là những chuyện tạo dựng thế nhưng phía sau các thứ ấy cũng có một cái gì đó rất thật. Các phép thiền định Tchan tại Trung quốc và Zen tại Nhật bản từng giúp cho nhiều người tu hành đắc đạo, trong quá khứ và cả ngày nay. Mở rộng hơn nữa thì Đại thừa Phật giáo là cả một lâu đài nguy nga và tráng lệ xây dựng trên nền tảng Giáo Huấn nguyên thủy của Đức Phật, không ai có thể chối cải giá trị vô song của Đại thừa).    

 

Mudita hay niềm hân hoan

 

            Phẩm tính brahma vihara thứ ba là mudita tức là lòng hân hoan. Đó là niềm hạnh phúc  hiện lên với mình khi trông thấy kẻ khác được hạnh phúc. Trông thấy kẻ khác hạnh phúc thì mình cũng phải cảm thấy hạnh phúc như họ, thế nhưng thật đáng tiếc điều đó không mấy khi xảy ra. Chỉ có những người kém đạo đức thì mới cảm thấy sung sướng khi trông thấy bạn bè lâm vào cảnh bất hạnh. Tiếc thay thói thường là như thế. Vậy thì nếu có một người nào đó thuật lại với các bạn những điều không may của họ thì các bạn cũng nên nhìn vào thâm tâm mình xem sao. Thông thường các bạn sẽ cảm thấy một chút nhấp nháy khe khẽ của một niềm vui thích trong lòng - thế nhưng ngay sau đó tất nhiên là một thứ phản ứng khác quy ước hơn sẽ đè bẹp phản ứng trung thực đó của các bạn. Mọi chuyện đều xảy ra tương tự như thế cả (chúng ta sống với các phản ứng giả tạo, áp đặt bởi xã hộigiáo dục. Các cảm tính ích kỷ, ganh tị, tham lam, phát sinh từ bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết rất kín đáo và khó trị. Giáo dục, truyền thống, luật pháp, luân lý... thường không đủ sức đè bẹp các thứ bản năng đó mà chỉ có thể che dấu chúng với ít nhiều khéo léo và kín đáo mà thôi. Thiền định là một phương pháp cụ thểhiệu quả giúp chúng ta hóa giải từ cội rễ các sự thúc dục ích kỷ đó).  Nói chung niềm hân hoan là một thứ xúc cảm đặc thù của Phật giáo. Nếu các bạn không hề cảm thấy mình hạnh phúchân hoan, hoặc chỉ thoáng qua trong một vài dịp hiếm hoi nào đó, thì nhất định các bạn không phải là một người Phật giáo [đúng nghĩa của nó].   

 

Upeksha hay sự thanh thản

 

            Phẩm tính brahma vihara thứ tư là upeksha tức là sự thanh thản (hay thanh thoát). Chữ upeksha có nghĩa là một sự thanh thản (tiếng Pa-li là upekkha, là một thể dạng tâm thức bình lặng, thăng bằng và thanh thoát) hoặc nói một cách đơn giản hơn thì đó là sự an bình (peace). Thế nhưng thường thì chúng ta nghĩ rằng an bình là một thứ gì đó mang tính cách tiêu cực, chẳng hạn như tránh được sự ồn ào, không bị quấy rầy, hoặc trong trường hợp khi nói lên: "Tôi muốn mọi người để cho tôi yên". Thế nhưng sự an bình thật ra là một thứ gì đó vô cùng tích cực. An bình không những trên phương diện tích cực không thua kém gì so với tình thương yêu (maitri), lòng từ bi (karuna) và niềm hân hoan (mudita), mà theo quan điểm Phật giáo còn tích cực hơn cả ba phẩm tính đó rất nhiều. Upeksha không phải chỉ đơn giản có nghĩa là không có một thứ gì khác [quấy rầy mình] mà đúng hơn tự nó là một phẩm tính với đầy đủ ý nghĩa. Đó là một thể dạng tích cực tràn đầy rung cảm, rất gần với thể dạng phúc hạnh tối thượng, khác hơn với thể dạng an bình (peaceful/bình yên)chúng ta thường hiểu (upeksha là một cảm tính "thoát tục" và "an vui" thật mênh mông , một cảm tính phẳng lặng trong tâm hồn. Kinh sách Hán ngữ dịch chữ upeksha là "xả", không nói lên được cảm tính đó, chẳng qua vì trong Hán ngữ không có chữ nào tương đương với chữ upeksha trong tiếng Phạn hay upekkha trong tiếng Pa-li).


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/05/2012(Xem: 37902)
12/03/2013(Xem: 20651)
24/03/2013(Xem: 18619)
06/04/2015(Xem: 13086)
14/09/2015(Xem: 29433)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.