Tiểu Luận Về Kinh Na Tiên Tỳ Kheo

24/02/20233:29 SA(Xem: 2597)
Tiểu Luận Về Kinh Na Tiên Tỳ Kheo
TIỂU LUẬN VỀ KINH NA TIÊN TỲ KHEO
Tăng Sinh Thích Hoằng An, (Khóa VI)

DÀN BÀI

A. DẪN NHẬP                                                                  
B. NỘI DUNG                                                                    
I. PHẦN NGOẠI THUYẾT                                            
I.1.Sự xuất hiện của vua Milinda và ngài Nagasena     
I.2.Nagasena chứng quả giải thoát                             
II. PHẦN NỘI THUYẾT                                                      
II.1.Phẩm ngã thể                                                            
II.2.Phẩm hành trình                                                
III.3.Phẩm khởi  thủy thời gian                                    
3.a. Duy thức                                                        
3.b. Tự nhiên luận và tự ngã trong thân                       
3.c. Vua Milinda nhìn nhận sai lầmquyết định niềm tin Phật giáo
II.4. Phẩm Niết Bàn                                                   
C. KẾT LUẬN           

 

A. DẪN NHẬP:

     Trong các bộ sách luận lý Phật giáo thì có một số bộ sách được đưa vào kinh tạng, vì có giá trị lớn lao cho hoằng dương chánh pháp Phật giáo. Trong đó có thể đề cập đến như Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo,…Ở đây người viết chỉ đề cập đến một vài phẩm ở Kinh Na Tiên Tỳ Kheo.

     Bản Kinh Na Tiên Tỳ Kheo được hai phái Nam truyền và Bắc truyền đưa vào tạng bộ. Bản kinh này tồn tại dưới hai văn bản gốc, bản Sankrit: Nàgasenabhiksu – sutra (Kinh Na Tiên Tỳ Kheo) và bản Pali: Milindapanca (Những câu hỏi của vua Milinda). Như trong Đại Chánh Tạng có lưu giữ hai bản chữ Hán cùng tên đề kinh là “Kinh Na Tiên Tỳ Kheo” nhưng không rõ tác giả, số Vol.32, No. 1670A và Vol.32, No. 1670B. Như trong kinh tạng Nam truyền hệ thống Nikaya xếp kinh này vào Kinh Tiểu Bộ với cái tên là “Milinda Vol.32, No. 1670A Vấn Đạo”. Như vậy Phật giáo Bắc phương lấy tên tỳ kheo Na Tiên làm chủ đề, còn Phật giáo Nam phương lấy tên vua Milinda làm chủ đề.

     Kinh Na Tiên Tỳ Kheo bản kinh sinh động về cuộc đối đáp giữa đức vua Milinda và đại đức Nagasena. Bằng kinh nghiệm thực chứng, bằng trí tuệ siêu việt, bằng phương pháp sử dụng Vi diệu phápđại đức Nagasena đã đưa vua Milinda từ chỗ chấp trước, chấp chặt vào luận kiến, tự ngã, dần dần nhận ra mọi sai lầm vọng kiến đảo điên, rồi phát tâm hoan hỷ quyết định lộ trình tu tập giải thoát. Mặc dù bài luận sau đây chỉ đề cập đến vài phẩm đầu của kinh nhưng cũng sẽ làm nổi bậc các vấn đề như: ngài Nagasena đã chứng quả như thế nào, vua Milinda vướng mắc điều gì và được ngài Nagasena điểm hóa như thế nào…


B. NỘI DUNG:

I.   PHẦN NGOẠI THUYẾT:

  1. 1.  Sự xuất hiện của vua Milinda và ngài Nagasena:

Trong phần ngoại thuyết,đề cập đến vấn đề phát đại nguyện giữa hai thầy trò, vì lời thệ này nên đây là nhân duyên để tái sinh và hội ngộ trùng phùng giừa hai nhân vật lịch sử.

Toàn cõi xứ Diêm Phù Đề dường như chìm trong im lìm, không còn vị trưởng lão nào dám ở lại trong tự viện để đối đáp qua sự cật vấn của vua Milinda. Toàn bộ kinh điển Phật giáo còn đó nhưng vua không tài nào tìm ra đường lối, mọi nghi ngờ, nghi lầm còn tồn đọng trong suy tư… Các vị A la hán không có trên đời hay sao? Bậc siêu nhiên, bậc hiền triết đâu hết cả rồi…

Trong lúc thời giam lặng lẽ trôi qua như thế, hơn trăm vị A la hán ( các vị koti) trên dãy núi tuyếtHimalayahùng vĩ đang yên vị trong hỉ lạc thiền định, trưởng lão Assagutta với thiên nhĩ thông, quán chiếu thế gian thấy được sự tình như vậy. Thật cấp bách, không thể ngồi yên. Ngài đã triệu tập tất cả các vị Koti nhưng không ai có thể đứng ra nhận lãnh trách nhiệm hung biện với đức vua Milinda. Cuối cùng các vị A la hán đã thỉnh cầu thiên tử Nagasena trên cung trời Đao Lợi, người có nhân duyên đặc biệt với vua Milinda.

Ngài Nagasena đã tái sanh vào người vợ của Bà la môn tên là Sonuttara. Đại đức Rohana thực thi hành phạt vì lỗi nhập diệt tận định trong khi không quan sát tình hình sự việc của đại chúng. Hình phạt là nội trong bảy năm mười tháng phải khất thực giáo hóa gia đình Bà la môn Sonuttara và đưa vị tái sanh Nagasena xuất gia. Đại đức Rohana bằng tâm lực nhẫn nhục ba la mật, công hạnh viên mãn trong bảy năm mười tháng đã không nhận được chút thực phẩm hay lời nói nào, toàn là chửi rủa, ném đá. Nhưng một ngày, khi Bà la môn vắng nhà, ngài đi khất thực ngang qua nhà Bà la môn đã nhận được một lời nói “Ngài hãy đi đi”, nên ngài hoan hỷ. Dù bị Bà la môn đưa ra cật vấn, nhưng chính sự chân thật giản dị, hiền mến không phạm vào giới điều, nên ông Sonuttara đã quy ngưỡng  cúng dường. Đây là nhân duyên để họ gửi gắm người con trai bảy tuổi Nagasena cho đại đức Rohana.

Sa di Nagasena dưới sự chỉ dẫn của ngì Rohana đã trải qua gần hai mươi năm tu tập Vi diệu pháp_bộ khó nhất trong kinh tạng, rồi thọ giới lên bậc trên. Từ đây đại đức Nagasena đi trên lộ trình giải thoát của mình và chấn hưng Phật giáo.

  1. 2.  Nagasena chứng quả giải thoát:

Qua hai bản kinhKinh Tỳ Kheo Na Tiên” do Đoàn Trung Còn dịch xuất bản năm 1971 và “Kinh Na Tiên Tỳ Kheo” do Cao Hữu Đính dịch xuất bản năm 1971, thì ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Phần ngoại thuyết ở bản kinhKinh Na Tiên Tỳ Kheo” và bản kinhKinh Tỳ Kheo Na Tiên” gần như tương tự nhau, ngưng khác biệt so với bản kinhKinh Mi Tiên Vấn Đáp” do hòa thượng Giới Nghiêm dịch từ bản Pali. Khác biệt rõ nét nhất là chi tiết về việc chứng quả của Ngài Nagasena.

Ở bản “Kinh Tỳ Kheo Na Tiên” và “Kinh Na Tiên Tỳ Kheo” chi tiết về ngài Nagasena chứng quả như thế này. Nagasena theo học trưởng lão A la Hán Ca-duy-việt, tại nơi tu viện vô cùng nghiêm ngặt về khất thực, không được nói pháp, im lặng và không được khất thực thức ăn giàu dinh dưỡng. Nhưng một ngày, đại tín nữ thỉnh Nagasena thọ thực, ngài đã thọ dụng đồ vật tốt. Do lòng tín tâmcung kính hết mực thỉnh thuyết pháp của bà tín nữ, mong rằng ngài Nagasena sẽ đem lại lợi ích tâm linh cho bà, nên ngài đã thương tưởng, đã thuyết Vi diệu pháp, ngay tại chỗ ngồi ngài Nagasena và bà ấy đã đạt quả Dự Lưu, một lời nói-một mũi tên trúng hai đích. Nhưng việc làm này phạm vào nghiêm cấm của tu viện, là nguyên nhân ngài Nagasena bị trục xuất. Sự việc này đánh mạnh vào tâm lý nơi thân ngũ uẩn ngài Nagasena, thân rúng động. Hơn nữa trước khi nhập tu viện, ngài Át-pha-viết đã lấy thí dụ trong kinh nói: “Như khi sàng gạo lấy gạo trắng, nếu có gạo đen tất là không tốt, phải lựa ra… chỉ riêng Na Tiên là đen, vì chưa đắc quả A la hán”, điều này tác động đến tự ngã, tâm lý nơi thân ngũ uẩn rất mạnh. Hai sự kiện này thôi thúc ngài Nagasena lui vào rừng ngày đêm thiền quán tu tập. Cuối cùng, ngài chứng Diệt đế, chứng quả A la hán. Ở đây, ta thấy sự việc này tương tự việc chứng quả của ngài Anan lúc trước khi tham gia kết tập kinh điển lần thứ nhất, việc chưa chứng quảbị bắt lỗi là chấn động mạnh và động lực để chứng quả; hơn nữa, thí dụ về hạt gạo rút ra trong kinh do ngài Át-pha-việt nói thì tương tự với vài chi tiết trong Kinh Pháp Hoa. Có thể nói đây là cách sắp xếp theo lối hành văn Bắc truyền.

       Ở bản kinh “ Mi Tiên Vấn Đáp”, có sự sắp xếp từ việc giảm dần sự ngã mạn nơi Nagasena, cùng với sự thực hành các pháp ba la mật. Chứng ngộ không phải ở việc thông làu tam tạng mà phải ở chứng nghiệm, tuệ quánthiền định. Do đó, từ sự cảm kích về sự giáo giới của bậc trưởng lão, cảm động châu thân cùng với sự nỗ lực ngày đêm, như thật tuệ quán vềVi diệu pháp đã dẫn đến sự chứng ngộ A la hán nơi ngài Nagasena. Đây là pháp thuần túy ở truyền thốngNam tông.

       Rõ ràng việc xây dựng nhân vật ở các văn bản trên đã dựa vào pháp truyền thống.

       Trong khi đề cập đến việc chứng quả của ngài Nagasena, ta thấy xuất hiện một chi tiết và một nhân vật lịch sử – ngài Tissaputta và tu viện Asoka nơi ngài Nagasena tu tập. Vị này là học giả thông tạng bộ Nikaya bằng tiếng xứ đảo Lanka, vì muốn học hỏi kinh tạng bằng tiếngMagadhađể dễ dàng đối chiếu so sánh hai nền Phật giáo. Như vậy tu viện Asoka và vị Tissaputta này góp phần cho bản kinhgiá trị. Có thể sự kiện ngài Nagasena sẽ được ghi chép trong Đại lịch sử đảo Srilanka.

II. PHẦN NỘI THUYẾT:

II.1.Phẩm ngã thể:

Đối với bậc A la hán như ngài Nagasena khi tác ý thiện niệm thann thiện đối với vua Milinda thì lời nói phát ra sẽ có tính chất thân thiện và làm hài lòng tâm ý vua. Do vậy, đối với phàm phu có thể dùng cụm từ “bày tỏ vẻ thân thiện”, trong khi ở đây là bậc A la hánbản kinh chép ngài Nagasena đã “tỏ bày vẻ thân thiện” đến vua thì có thể là không thích hợp cho lắm. Những lời nói, hành động, tác ý ở bậc A la hánchân thật không thiên lệch này nọ, không phải bày ra hay tỏ vẻ ngượng ngạo…Như ngay từ khi bước chân vào nơi hội trường được chuẩn bị bởi hội chúng Tăng già, chính vua đã tự nhận mình đã thua cuộc, chính vua đã rung động châu thân khi nghe tới danh xưng Nagasena, thì làm sao có sự nhịp nhàng trong cách ứng xử của nhà vua trong cuộc tương phùng này, phải chăng do tác động bởi năng lực từ bi, hỷ xả từ ngài Nagasena mà vua Milinda đã tỏ vẻ thân thiện. Đây là đoạn kinh diễn bày sự hài hòa giữa nhà vua và ngài Nagasena.

Qua vấn đáp giữa vua Milinda và ngài Nagasena về cái gọi là “Nagasena” ta có sự nhận định như vầy. Trong khi vua Milinda phân tích từng li từng tí về ba mươi hai thể trược …,ta nhận thấy rằng không phải vua không biết rằng “ Nagasena” là do nhân duyên giả hợp của chúng cùng với ngũ uẩn, danh sắc mà thành ra cái tên gọi là “Nagasena”. Milanda đã chỉ ra ba mươi hai thể trược không phải là “Nagasena”, tất cả đều không. Một khi nhân duyên hòa hợp giữa các thể này cùng với thức xảy ra thì có danh xưng “Nagasena”. Thuyết nhân duyên này đối với học giả nghiên cứu như vua Minlinda là quá rõ ràng, hẳn phải biết. Nhưng với sự nhạy bén, sành sỏi, lợi khẩu trong tư duy của vua Milinda, ông ta có thể đặt ra những câu hỏi như thế này, nếu đối phương trả lời” hoặc “không”,hoặc “vừa có vừa không”…đều rơi vào các chấp tà kiến của ngoại đạo như đã được đề cập trong Kinh Phạm Võng. Do vậy, đối với tư duy thông thường đều bị mắc kẹt vào ngã chấp này. Chính câu “…vậy Nagasena ở đây là người nào?” đã đánh mạnh vào tâm lý người đối diện, bao vị luận sư thời đó đều khó thể vượt qua những câu hỏi dồn vào đường cùng như thế này. Vì vậy, ngài Nagasena là người thích hợp trả lời câu hỏi này. Bằng biện chứng logic hùng hồn, phản vấn bằng ví dụ về chính cổ xe mà vua Milinda đã dùng để đi đến đây, bằng việc đảo ngược tình thế khiến cho đối phương phải lúng túng trả lời. Vì bậc trí nhờ câu hỏi, nhờ thí dụsáng tỏ vấn đề. Đây chỉ là bước khởi đầu để vua Milinda nhận ra sự sắc bén, tài hoa của ngài Nagasena, hơn thế nữa là Vi diệu pháp. Ở đây ngài Nagasena đã thấu rõ tâm ý nên vua Milinda dường như được tắm trong dòng sông mát đầy hương vị.

   “ Thưa ngài Nagasena, ngài được bao nhiêu năm tu ?”, đây là câu hỏi mà vua Milinda muốn biết trong ý niệm nơi ngài Nagasena có dính mắc, chấp chặt vào tuổi đạodanh sắc hay không ?(Một số hàng xuất gia bị dính chặt không xả ly được.) “ Ngài sẽ trò chuyện với trẫm phải không?”, rõ ràng đức vua Milinda đã hạ mình là người trò chuyện, là người thưa chuyện với đối phương_ ngài Nagasena sẽ là người giải đáp những vướng mắc, nghi ngờ về giáo lý Phật Đà, những sợi dây trói buộc trong lúc tư duy thiền định mà vua Milinda chưa gở ra được. Ngài Nagasena đã mở đường lối khai tuệ giác cho vua Milinda, muốn dứt trừ vòng luân hồi, không còn tái sanh thì trước hết phải như thật tác ý đúng chánh pháp, như thật tuệ quán chánh pháp, tu các thiện pháp. Tất cả cá điều này dựa trên nền tảng căn bảntu tập Giới-Định-Tuệ. Tất nhiên hành giả tu tập phải hiểu rõ ràng về từng mục đề. Sự thông suốt các mục đề là điều cần thiết trong tu tập.

 II.2.Phẩm hành trình:

“ Chính tôi đã là đứa nhỏ, trẻ thơ, bé bỏng, nằm ngữa, chính tôi hiện nay đã trưởng thành, tất cả các sự việc ấy được tổng hợp chung lại nương gá vào chính xác thân này.”

       Như vậy, tâm thức trước và tâm thức sau cùng nương vào thân xác này, nhưng tâm thức sau này duyên nơi, y cứ nơi tâm thức trước mà hiện hành. Do đó, người trưởng thành không phải là trẻ nhỏ, cũng không phải là người nào khác, mà do nương gá vào thân trẻ nhỏ nên thân trưởng thành có mặt nơi đây.

       Nếu như không có sự tương tục giữa tâm thức trước và tâm thức sau thì không có sự hiện diện tâm thức nơi người trưởng thành. Cái nghi lầm của vua Milinda là nơi thân vua người trưởng thành khác với trẻ thơ, do đó kẻ đi tái sinh là người khác không phải người trưởng thành hay trẻ nhỏ. Người đời nếu rơi vào kiến chấp này thì rất nguy hiểm, bởi lẽ không chịu nghiệp mình tạo thì mặc phó cho đời và tạo bao tội lỗi.

Tâm thức này nương gá vào thân xác này nên mọi thọ thân đều phải nhận chịu. Do đó khi chưa chấm dứt thân này thì phải chịu khổ nơi thân. Nếu có tu tập mặc dù thân thọ khổ mà tâm không bị các khổ này chi phối. Như vậy vì dứt trừ ái luyến nên tâm không nhận chịu thọ khổ. Tuy nhiên thân vẫn nhận chịu khổ vì còn thân vậy.

 Người nào không tái sanh, có phải người ấy biết rằng ‘ta sẽ không tái sanh’?”

Đối với vấn đề tái sanh, thì thời ngài Nagasena xuất hiện nhiều bậc Thánh nên có thể khẳng định sự việc “không tái sanh”,nhưng thời nay tự mình khẳng định “không tái sanh” là việc không tưởng vì người ấy chưa thật chân nhận định rõ ràng nhân nào, duyên nào đưa đến việc “không tái sanh”, hoặc dù nhận biết được điều này nhưng không chấm dứt hoàn toàn nhân ấy, duyên ấy, hoặc nếu tự xưng thì rơi vào đại vọng ngôn vì không ai chứng giám định.

Người nào không tái sanh, người ấy nhận biết thọ thuộc về thân, không nhận biết thọ thuộc về tâm.”. chấm dứt nguyên nhân thọ khổ về tâm nên không có sự nhận biết thọ khổ thuộc về tâm.

 Đối với A la hán không có sự bám níu hay sự ghét bỏ. Và các vị A la hán không hủy diệt điều chưa chín tới.”

“ Tôi không thích sự chết, tôi không vui thích sự sống.”. Đây là sự không tham ưu nơi đời, như vài chi tiết trong Kinh Tăng Chi Bộ cũng đã đề cập diễn tả.

II.3. Phẩm khởi  thủy thời gian:

3.a. Duy thức:

Trong phẩm Khởi thủy thời gian có đề cập đến những kiến thức liên quan đến Duy thức.

Thông thường học về Duy thức phổ thông hiện nay đơn thuần thuộc về phương diện khái niệm. Như ở phẩm này ngài Nagasena đã giải thích và chỉ ra cho vua Milinda thấy được sự dính mắc vào kiến thức luận lý học Phật học mà không thoát ra nỗi, bởi lẽ những khái niệm danh pháp là trừu tượng, khó hiểu. Ngài Nagasena xác nhận rằng hành giả phải trải qua tu tập thiền định quán chiếu về các khái niệm, tư duy về nó, suy tầm về nó; sau khi qua nhiều lộ trình tu tập thiền định sẽ phát sinh trí tuệ nhờ khéo léo minh sát thiền tuệ, sau rồi rốt ráo giải thoát. Vậy học Duy thức là phải trải qua thể nghiệm tu tập thiền định chứ không phải chỉ ở khái niệm, lý thuyết suông. Đây tuy không phải mới mẻ gì nhưng là thực trạng chung xảy ra trong cuộc sống xã hội ngày nay.

Đi sâu vào ngũ uẩn biến hành, ta thấy qua đối thoại đề cập về nó thì từng đề mục tu tậpbàn luận đến pháp mười hai nhân duyên. Vậy trong quá trình tư duy, hành giả phải áp dụng mười hai nhân duyên để hiểu rõ những cảnh sắc xen tạp vào ngũ biến hành, xúc, tác ý, thọ… Xét qua quá trình nhân duyên diễn tiến của tâm sở, hành giả không còn dính mắc vào các tâm sở trói buộc. Ngài Nagasena bằng lý thuyếtkinh nghiệm thực tu đã giúp vua Milinda thấu hiểu rõ ràng lộ trình phát khởi của ngũ biến hành tâm. Điều quan trọng là nhận rõ các tâm sở qua hành tướng của ngũ biến hành tâm. Do đó, mọi vọng tưởng đảo điên nghi lầm ở vua Milinda sẽ được dập tắt bởi chính vua, chỉ tự mình vua Milinda làm được vì sự nghi ngờ, các thọ tưởng, các sự hơn thua nằm ngay tự tâm của vua Milinda. Việc vua Milinda phải làm là tháo gở các chấp sai lầm tà kiến điên đảo này. Việc chấm dứt các mắc xích sai lầm này sẽ mở ra phương trời mới, tự tại giải thoát.

3.b. Tự nhiên luận và tự ngã trong thân:

Luận về tự nhiên luận, điều này đã gặp ở các kinh nói về tà kiến của ngoại đạo như Kinh Phạm Võng của Trường Bộ Kinh, kiến chấp này là một trong số tà kiến ngoại đạo.

Chính vì chìm theo tự nhiên luận mà vua Milinda đã tư duy dính mắc cho rằng Tự ngã quyết định mọi tiến trình, chính vì tư duy sâu về tự ngã nên cho rằng có cái gọi là bản thể tự nhiên luận tức là cuộc sống này là như thế, vì do tự nhiên sẵn bày.  Vì tự ngã sẵn có mà tự nhiên tồn tại vĩnh viễn thì tự ngã tồn tại vĩnh viễn.

Thường kiến luận cho rằng có tự ngã.

Vua Milinda nhận lầm tự ngã tồn tạilục thức khi tiếp xúc với trần cảnh. Cho rằng lục thức tồn tại tự ngã, khi lục thức tiếp xúc với trần cảnh liền nhận biết, lục thức dụ cho sáu cửa, khi sáu cửa mở ra vì có tồn tại tự ngã nên liền biết cảnh. Nhưng đây là sai lầm vì rằng không phải lúc nào thức tiếp xúc với trần cảnhnhận thức được trần cảnh, ví dụ như đặt trước mặt lưỡi nếu thọ, tưởng, hành…chưa xảy ra, chưa tiến hành thì làm sao nhận biết được vị ấy dù thiệt thức có mặt.

Vua Milinda đã nhận lầm tiến trình của tâm thức và sáu căn, sáu trần, sáu thức. Theo ngài Nagasena vì có xảy ra tiến trình của tâm nên khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, lúc ấy năm biến hành như đã đề cập ở trên diễn tiến thì các tâm sở nương gá vào đó mà phát khởi. Do đó mà nhận biết được căn, trần cảnh và thức, nhưng phải có mặt của nhất tâmmạng căn.

Như vậy ở đây ta nhận thấy vua Milinda đã đặt các chủ kiến của mình khi truy tầm trên đối tượng. Vì truy tầm như vậy nên cho rằng tự ngã tồn tại không biến mất. Ngờ đâu bát nhã hiện tiền, trần cảnh tiêu tan thì tự ngã duyên nơi đó mà không còn, hỏi chi nó tồn tại hay là vĩnh cửu. Nhận thức cao hơn nữa, thì luận về tâm như Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có đề cập tới. Tâm là do duyên hợp mà thành, tâm không thể sờ thấy, là hư ảo, huyễn không thật thì lấy gì làm tự ngã, hơn nữa tự ngã lại là một phần tâm sở nơi tâm thức.

Vua Milinda đã đi từ ngoài vào trong, từ việc thủ chấp ,năm uẩn, năm biến hành, các tâm sở đến thủ chấp tự ngã nơi tâm. Trước thì thủ chấp các tà kiến khởi lên do truy tầm các thọ tưởng… ,sau thì chấp nơi tâm mình làm tự ngã khi đối trần cảnh.

3.c.Vua Milinda nhìn nhận sai lầmquyết định niềm tin Phật giáo.

Trong các đề mục mà vua Milinda hỏi, rõ ràng vua đã nắm rõ các đề mục này như lục thức, xúc, thọ, tưởng…và muốn ngài Nagasena xác định lại.

Qua các đề mục và sự đối đáp, ta bắt gặp một lối giải thích của ngài Nagasena hết sức khéo léo và đi sâu vào tâm thức vua Milanda. Đó là đề mụchành tướng của tác ý”. Tác ý là khởi ý, hoặc là tự tác hoặc tha tác. Thí dụ về thuốc độc, chủ nhân và đồng hành đem cho người khác uống kết quả là cùng nhau đọa lạc. Đây chỉ cho cái ý trước đây vua Milinda đã sai rồi cùng quần thần dò xét, vấn nạn các bậc trưởng lão Phật giáo (dụ cho đem thuốc độc). Kết quả làm cho Phật giáo suy yếu dần, các trưởng lão phải ẩn mình trong rừng sâu, thiện pháp không được xiển dương nơi nhân gian. Đây là việc làm đọa lạc cho vua và quần thần.

Còn thí dụ về người đem nước ngọt. Chính ngài Nagasena la người mang pháp lành này trao cho vua Milinda, thân tâm được khoan khoái, nhẹ nhàng như tắm gội trong dòng suối mát mẻ đầy pháp vị. Do đó vua thoát khỏi mọi sai lầm. Sự tác ý này, đề mục này được giải đáp rất sâu sắc đi sâu vào tâm khảm của vua.

Rõ ràng qua đối thoại về “hành tướng của tác ý”, đức Nagasena đã dẫn dắt sự tu tập cho vua Milinda. Vua dần dần nhận ra thiện ác của mình và những sai lầm trước đây. Điều này tạo ra sự hứng khởi khi đối diện với ngài Nagasena và vua Milinda quyết định niềm tin, phát tâm tu tập giải thoát như ngài Nagasena. Chỉ có những hành giả muốn tu tập giải thoát mới hỏi những câu hỏi này, và đó là hành trang cần thiết trong quá trình thiền định, phát triển tuệ quán, giác ngộ.

II.4. Phẩm Niết Bàn:

Trên là phân tích chỉ rõ các hành tướng của từng mục đề, ở đây đề cập đến sự diệt tận, đạt quả Niết Bàn.

Trước đây vua Milinda còn chấp vào các khía cạnh tâm sở, khi chấp vào thọ tưởng thì nghĩ tưởng rằng có thể phân biệt được, chia chẽ được, nhưng bản chất các pháp thọ, tưởng, hành, xúc, tác ý… là các pháp gom chung thành bản thể này nên khó có thể đem ra phân tích chi li để thấy sự khác biệt giữa chúng được. Ví như món ăn không thể phân biệt từng vị một.  Mặc dù các tâm sở không thể đem ra chia tách nhưng qua việc ngài Nagasena phân tích ở phẩm 2 và 3, có thể nhận định rằng đi sâu vào thiền địnhnhận biết hành tướng của chúng một cách rõ ràng. Chính nhờ sự đi sâu vào các mục đề thiền mà hành giả phát triển tuệ quán, đoạn trừ các tai hại nguy hiểm trên lộ trình tu tập. Vì hiểu biết chúng mới rời bỏ chấp trước, rời bỏ ái luyến dính chặt vào đối tượng. Nếu không nhận biết được thì vô minh, vì mê mờ chúng. Từ đây diệt tận làNiết Bàn.

Hành giả tu tậpđi vào diệt tận thì ta cảm nhận nơi họ sự an lạc giải thoát. Nếu chỉ nghe qua sự an lạc ấy, nghe qua phương pháp tu, con đường đưa đến diệt tận, thì người nghe chỉ cảm nhận chứ không thật sự thọ nhận, không đạt được điều gì nơi tự tâm, nơi tu tập giải thoát. Đó chỉ là cái bóng dáng, chỉ là ảo ảnh mà thôi chớ không phải chân thật, chỉ khi nào hành giả bước chân lên con đường ấy, thực hành theo pháp gở bỏ mọi xích trói, dần đi vào diệt tận. Và phải tinh tấn ngay bây giờ, thực hiện ngay bây giờ. Vì sao? Để đạt được năng lực diệt tận vậy, như củi khô thì có thể đốt cháy, như hành giả đúng thời mới đi vào các tầng định ( rời bỏ mọi hữu lậu thì tuệ bắt đầu bừng sáng). Kẻ ngu xa lìa chánh pháp thì có xu hướng tiến về những pháp bất thiện, trong con người ta, trong thân ngũ ấm này có vô số kẻ như thế vì luân hồi bao kiếp vậy. Người tu tập phạm hạnh xa rời ác hạnh, các chấp trước, xu hướng về Niết Bàn đoạn trừ lậu uế. Khi vua Milinda nhận ra điều này từ lời khai thị của ngài Nagasena thì thấy được sự nguy hiểm cho mình nếu chần chừ, nếu chỉ là khách xem hoa pháo bông, là người đứng trước cửa ngôi nhà Phật pháp mà không chịu vào… Từ đây sự thúc đẩy thực hành tu tập phạm hạnh ở nơi vua Milinda càng ngày càng bùng phát.

Chỉ người nào thực hành toàn diện chánh pháp thì mới đạt được diệt tận, Niết Bàn. Còn người nào không thực hành chánh pháp thì luôn chỉ là người ngoài cuộc, bên lề của diệt tận, Niết Bàn mà thôi.

C. KẾT LUẬN:

       Ngài Nagasena là bậc trưởng lão lãnh đạo Phật giáo làm cho toàn bộ Tăng đoàn xứ Ấn Độ bấy giờ phát triển mạnh mẽ. Với sự kiện vua Milinda quy ngưỡng Phật giáo, các chùa chiền, thờ tự, đặc biệt nền giáo lý Phật Đà, kinh tạng được xiển dương phò trợ. Cuộc đối thoại trên là kho tàng quý giá trong nền Phật giáo luận lý hóa độ nhân sinh. Chính vua Milinda sau này đã xuất gia vì thấy sự ràng buộc của đời sống thế tục. Chỉ khi nào rời bỏ các dục thì sự tư duy thiền quán, tu tập giải thoát mới đưa đến diệt tận, Niết BànRốt cuộc ông cũng chứng A la hán. Ngài Nagasena, vua Milinda là hai nhân vật điển hình cho Phật giáo, đúng như đức Phật đã nói cho ngài Moggalliputtassa lời huyền kí:

       “Khi năm trăm năm đã trôi qua kể từ khi sự viên tịch Niết Bàn của Ta những người này sẽ tái sanh.”

       “ Pháp và Luật nào được thực hiện một cách vi tế và đã được thuyết giảng bởi Ta, hai người này sẽ làm cho Pháp và Luật ấy được tháo gỡ, được rõ ràng bằng phương thức hỏi đáp và sự đúng đắn về ví dụ so sánh, rồi sẽ hệ thống lại.”

 Hết

Tác giả bài viết: Hoằng An

Xem Thêm:

● MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDA PANHA), Giới Nghiêm
 Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến
● KINH NA TIÊN TỲ KHEO, Cao Hữu Đính
 Kinh Tỳ Kheo Na Tiên, Thiện Nhựt
● Về niên đại Hán dịch của kinh Na Tiên Tỳ kheo (Đào Nguyên
Milinda Vấn Đạo Người Dịch: Tỳ Khưu Indacanda



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/06/2012(Xem: 79611)
02/10/2012(Xem: 49628)
09/10/2016(Xem: 10224)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.