Thư Viện Hoa Sen

Milinda Vấn Đạo Người Dịch: Tỳ Khưu Indacanda

27/03/20226:31 SA(Xem: 5357)
Milinda Vấn Đạo Người Dịch: Tỳ Khưu Indacanda
TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 45
MILINDA VẤN ĐẠO

LỜI GIỚI THIỆU


Milindapañhapāḷi là một tác phẩmgiá trị trong nền văn học Phật Giáo Theravāda. Milinda là tên của một vị vua, còn từ pañha có nghĩa là “câu hỏi.” Như vậy, tựa đề Milindapañha được dịch sát nghĩa sang tiếng Việt sẽ là “Những câu hỏi của Milinda;” chúng tôi chọn tựa đề tiếng Việt cho tác phẩm Milindapañhapāḷi là “Milinda Vấn Đạo.”

Theo sự sắp xếp ở bản Lược Đồ Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt (trang xviii), thì Milindapañhapāḷi là tập thứ 45 (TTPV 45), thuộc về Tiểu Bộ, Tạng Kinh. Cũng cần giải thích rõ rằng: Tiểu Bộ là bộ thứ năm của Tạng Kinh, bốn bộ trước là Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, và Tăng Chi Bộ. Lịch sử hình thành Tiểu Bộ xét ra có phần phức tạpTam Tạng của các quốc gia theo truyền thống Theravāda có số lượng đầu sách của Tiểu Bộ không được thống nhất. Tiểu Bộ của Tam Tạng Thái Lan có 15 đầu sách: Khuddakapāṭha, Dhammapadapāḷi, Udānapāḷi, Itivuttakapāḷi, Suttanipātapāḷi, Vimānavatthupāḷi, Petavatthupāḷi, Theragathāpāḷi, Therīgāthāpāḷi, Jātakapāḷi, Niddesapāḷi, Paṭisambhidāmaggapāḷi, Apadānapāḷi, Buddhavaṃsapāḷi, Cariyāpiṭakapāḷi. Hai đầu sách Nettipakaraṇa và Peṭakopadesa được thấy ở Tiểu Bộ của Tam Tạng Tích LanTam Tạng Miến Điện. Tuy nhiên, Tam Tạng Miến Điện còn có thêm một tập nữa là Milindapañhapāḷi, nâng tổng số đầu sách thuộc Tiểu Bộ lên thành 18. Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt tuy sử dụng nguồn Pāḷi và sự sắp xếp theo hệ thống Buddha Jayanti Tripitaka Series của xứ quốc giáo Tích Lan, nhưng riêng ở Tiểu Bộ có thêm vào tập Milindapañhapāḷi theo sự chọn lựa của truyền thống Miến Điện.

Tập Kinh Milindapañhapāḷi - Milinda Vấn Đạo thuật lại cuộc đối thoại giữa đức vua Milinda và vị tỳ khưu Nāgasena. Tập Kinh này giải thích về một số điểm khúc mắc trong Giáo Pháp và còn là một tài liệugiá trị về khía cạnh ngôn ngữ. Tuy nhiên, danh tánh của tác giả cũng như thời điểm thực hiện không thể xác định được, có tài liệu phỏng định rằng tác phẩm này đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 1 theo Tây lịch. Một cách xác định khác là căn cứ vào việc văn bản này có đề cập đến tu viện Asoka ở thành phố Pāṭaliputta để đưa đến kết luận rằng việc thực hiện tác phẩm này đã được tiến hành sau thời kỳ đức vua Asoka, nghĩa là sau thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Thêm vào đó, một điểm mốc khác được xác định chắc chắc là văn bản này đã được thực hiện trước thế kỷ thứ 5 theo Tây lịch, là thời điểm vị Chú Giải sư Buddhaghosa thực hiện các bộ Aṭṭhakathā (Chú Giải), bởi vì các Chú Giải ấy đã có đề cập đến văn bản Milindapañhapāḷi.

Căn cứ vào dòng chữ cuối của bản Kinh, được biết rằng vị đại trưởng lão tên Doṇi sống ở thành phố Doṇi thuộc xứ Laṅkā đã nghe và viết lại thành sách đúng theo sự sắp xếp của nó. Có sự nhận định rằng tập Kinh này tuy đã được ghi lại ở xứ Tích Lan nhưng vẫn có xuất xứ từ Ấn Độ, bởi vì các địa danh được đề cập trong văn bản này hoàn toàn là các địa danh ở Ấn Độ, và không có địa điểm nào của Tích Lan được nói đến. Tuy nhiên, cũng không thể truy nguyên được nguồn gốc là bằng cách nào và vào lúc nào tập Kinh này đã được truyền đến hòn đảo Tích Lan. Một điểm khác nữa đáng được lưu ý là bản dịch tiếng Trung Quốc tên Nāgasenabhikṣusūtra, có thời điểm thực hiện được biết vào khoảng thế kỷ thứ 4, đã được tìm thấy. Bản dịch này ngắn gọn hơn và có một vài điểm khác biệt so với văn bản Pāḷi, điều ấy đưa đến giả thuyết cho rằng văn bản đầu tiên của Milindapañha đã được thực hiện chỉ có bấy nhiêu, sau đó được truyền sang Trung Quốc rồi được dịch sang tiếng bản xứ, còn văn bản Pāḷi tồn tạiẤn Độ đã được tiếp tục phát triển thêm trong khoảng thời gian về sau để có được văn bản như ngày hôm nay; để khẳng định điều này, cần phải có thêm nhiều chứng cớ khác nữa. Ngoài ra, còn có tác phẩm Milindaṭīkā - Sớ Giải về Milinda đã được thực hiệnTích Lan bởi vị Trưởng Lão Mahātipiṭaka Cūḷābhayathero, nghĩa là vị trưởng lão tên Cūḷābhaya có danh hiệu là Mahātipiṭaka (Đại Tam Tạng). Sớ Giải này đã giải thích một số điểm khó hiểu ở trong văn bản chính và có tên gọi là Madhuratthappakāsinī.  

Tập Kinh này đã được dịch sang tiếng Việt từ tài liệu có nguồn gốc tiếng Hán, và gần đây từ những tài liệu tiếng Anh, nhưng những văn bản này rất ngắn gọn. Đặc biệt có bản dịch của Hòa Thượng Giới Nghiêm với tựa đề ‘Mi Tiên Vấn Đáp’ là đầy đủ nhất, tuy nhiên chúng tôi thiển nghĩ rằng Hòa Thượng đã chọn lối dịch giảng, thay vì bám sát nguyên bản. Bản dịch này đã được Thượng Tọa Giới Đức hiệu đính lại cũng theo tinh thần trên. Nếu muốn tham khảo thêm tài liệu tiếng Anh thì nên xem bản dịch đầy đủ của của Giáo Sư I. B. Horner đã được Hội Pali Text Society in vào năm 1969 gồm có hai tập.

Về nội dung, tập Kinh Milindapañhapāḷi - Milinda Vấn Đạo ghi lại những câu hỏi của đức vua Milinda về Giáo Pháp của đức Phật Gotama và các câu trả lời của vị tỳ khưu Nāgasena. Theo văn bản, đức vua tên Milinda ở thành Sāgala, thuộc xứ Jambudīpa (Ấn Độ) là người thông minh, có ý cầu học, đã thường tìm đến các nhà triết học, các giáo chủ đương thời để học hỏi. Tuy nhiên, những câu trả lời của các vị này đã không làm cho đức vua được thỏa mãn. Các vị A-la-hán trong Phật Giáo cũng không ngoại lệ, và kết quả là các vị tỳ khưu, dẫu là bậc Thánh hoặc còn là phàm nhân, đều phải ẩn cư để khỏi phải đối diện với những câu hỏi hóc búa của vị vua này. Cuối cùng, vị thiên tử Mahāsena đang cư ngụ ở cung điện Ketumatī đã được thỉnh cầu hạ sanh vào thế giới loài người để làm công việc tế độ đức vua Milinda. Vị Thiên tử đã đồng ý và đã được sanh ra trong gia đình người Bà-la-môn tên Sonuttara, sau đó lớn lên là đứa bé trai Nāgasena. Vào lúc bảy tuổi, được cha thuê thầy dạy học, và đứa bé đã học được rành rẽ ba bộ Vệ Đà chỉ sau một lần nghe qua. Sau đó, đã được đại đức Rohaṇa tế độ và cho xuất gia làm Sa-di, cho học Tạng Vi Diệu Pháp. Và vị Sa-di Nāgasena chỉ với một lần đọc đã thông thạo tất cả Tạng Vi Diệu Pháp ấy. Vào năm hai mươi tuổi, Nāgasena đã được thọ giới trở thành vị tỳ khưu và được thầy tế độ gởi đến tu viện Vattaniya để học với ngài Assagutta. Tại đây, đại đức Nāgasena đã thành tựu Thánh quả Nhập Lưu. Rồi sau đó, đại đức Nāgasena đã được gởi đến tu viện Asoka ở Pāṭaliputta để học với ngài Dhammarakkhita. Sau đó, trong sự chứng minh của ngài Dhammarakkhita, đại đức Nāgasena đã học Tam Tạng, lời dạy của đức Phật, về phần văn tự chỉ với một lần đọc trong ba tháng, rồi thêm ba tháng nữa chú tâm về phần ý nghĩa. Sau đó, nhờ vào sự sách tấn của ngài Dhammarakkhita, đại đức Nāgasena đã đạt được phẩm vị A-la-hán cùng với các tuệ phân tích ngay trong đêm ấy. Sau đó, nhận lời thỉnh mời của các vị A-la-hán ở cao nguyên Rakkhita núi Hi-mã-lạp, đại đức Nāgasena đã rời tu viện Asoka và đã đi đến nơi ấy bằng thần thông, và đã nhận lời việc đối đáp với đức vua Milinda. Các câu hỏi của đức vua Milinda đề cập đến nhiều lãnh vực của Phật Giáo, và các câu trả lời thông minh của vị tỳ khưu Nāgasena giúp cho người đọc có thể hiểu thêm về lời dạy của đức Phật.

Về hình thức sắp xếp, phần Nigamanaṃ - Đoạn Kết ở cuối tập Kinh có ghi như sau: “Các câu hỏi của đức vua Milinda được truyền đạt ở trong tập sách này gồm có hai trăm sáu mươi hai câu hỏi, được chia thành hai mươi hai phẩm, thuộc về sáu chương, như vậy là đầy đủ. Tuy nhiên còn có bốn mươi hai câu hỏi chưa được truyền đạt. Tổng cộng tất cả các câu hỏi đã được truyền đạt và chưa được truyền đạt là ba trăm lẻ bốn câu hỏi. Hết thảy tất cả được gọi tên là: ‘Các câu hỏi của đức vua Milinda.’” Ở đây, sáu chương đã được nêu ra là: Sự Liên Hệ Trong Quá Khứ, Câu Hỏi của Đức Vua Milinda, Câu Hỏi về Hành Tướng, Câu Hỏi Đối Chọi, Câu Hỏi (giảng bằng sự) Suy Luận, Câu Hỏi Giảng về Các Ví Dụ; còn các con số 22 phẩm (vagga) là và 304 câu hỏi vẫn là điều đang làm phân vân các nhà nghiên cứu. Về 42 câu hỏi chưa được truyền đạt, phần Mātikā - Các Tiêu Đề ở chương Opammakathāpañhā - Câu Hỏi Giảng về Các Ví Dụ giới thiệu 105 ví dụ, nhưng chỉ có 67 ví dụ được trình bày dưới dạng câu hỏi, và các câu hỏi chưa được trình bày là 38 chứ không phải 42.

Nói tóm lại, đây là một sự kiện có thật đã xảy ra ở tu viện Sankheyya, thuộc kinh đô Sagala của nước Bactria. Và các công trình nghiên cứu đã xác định rằng đức vua Milinda chính là vị vua người gốc Hy Lạp (Greek) tên Menander đã cai trị xứ Bactria ở vùng Tây Bắc của Ấn Độ (India) vào khoảng thế kỷ thứ 2 theo Tây lịch. Còn lai lịch của vị tỳ khưu Nāgasena không tìm ra được, có thể vì các sử liệu chỉ tập trung ghi lại các sinh hoạt của triều đại vua chúa.

Có hai điểm lưu ý cần được nêu lên ở đây là việc đức vua Milinda đã từng đi đến tham vấn sáu vị Giáo chủ ngoại đạo Pūraṇa Kassapa, Makkhalī Gosāla, Nigaṇṭha Nātaputta, Sañjaya Bellaṭṭhiputta, Ajita Kesakambalī, Kakudha Kaccāyana; điều này xét ra không được hợp lý vì những vị giáo chủ này sống cùng thời với đức Phật. Như vậy, nếu các giáo phái này còn tồn tồn tại đến thời kỳ của đức vua Milinda thì cũng chỉ có thể là các hậu duệ của sáu vị này. Điều khác nữa là có nhiều trích dẫn của tỳ khưu Nāgasena cho biết là lời dạy của đức Phật nhưng không thể tìm ra được ở Tam Tạng Pāḷi đang sử dụng hiện nay; do đó chúng tôi chỉ ghi lại những phần trích dẫn mà chúng tôi có thể kiểm tra được dựa vào kết quả nghiên cứu của Cố Giáo Sư I. B. Horner qua bản dịch tiếng Anh Milinda’s Questions 2 tập của người.

Văn bản Pāḷi trình bày ở đây đã được phiên âm trực tiếp từ văn bản Pāḷi-Sinhala ấn hành tại Sri Lanka vào năm 1962, Phật lịch 2505 do công sức hiệu đính của Ngài Trưởng Lão Aggamahāpaṇḍita Ānandametteyya Mahāthera. Tập sách này còn có đính kèm luôn cả phần Sớ Giải Milindaṭīkā cũng bằng mẫu tự Sinhala.

Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, chúng tôi đã ghi nghĩa Việt của các câu kệ ngôn bằng văn xuôi nhằm diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của văn bản gốc, và được trình bày bằng dạng chữ nghiêng để làm nổi bật sự khác biệt. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này, đống thời tạo sự thuận tiện cho công việc hiệu đính trong tương lai. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: TT. Bửu Hiền - Trụ Trì Chùa Pháp Bảo Mỹ Tho, Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Đại Học Peradeniya - Sri Lanka, ĐĐ. Tâm Đăng - Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Đại Học Kelaniya - Sri Lanka, Sư Cô Thích Nữ Tâm Đạo - Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Đại Học Pune - India, Cô Phạm Thu Hương (Hồng Kông), Phật tử Hựu Huyền (Đà Nẵng), Phật tử Hoàng Thị Lựu và gia đình ( Đà Nẵng). Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tinthành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát.

Một điều thiếu sót lớn nếu không đề cập đến sự nhiệt tình giúp đỡ của Phật tử Tung Thiên đã sắp xếp thời gian để đọc lại bản thảo một cách kỹ lưỡng và đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷtán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt được tồn tại và phát triến, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.

Nhân đây, cũng xin thành kính tri ân công đức của Ngài Hòa Thượng Ven. Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, tu viện trưởng tu viện Sri Jayawardhanaramaya Colombo 8 - Sri Lanka, Ven. Kaluthara Wanaratana, tu viện trưởng tu viện Sri Vinayalankaramaya, Colombo 10 - Sri Lanka, Sư Cô Từ Tâm, Siddhartha Compassion School, Bodh Gaya - India, đã cung cấp trú xứ và các vật dụng cần thiết giúp cho chúng tôi có thể tập trung toàn thời gian cho công việc thực hiện tập Kinh này.

Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.

Kính bút,

ngày 12 tháng 06 năm 2011

Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)

PHẦN NGOẠI THUYẾT

SỰ LIÊN HỆ TRONG QUÁ KHỨ 

CÁC CÂU HỎI CỦA MILINDA

I. Đại Phẩm

CÁC CÂU HỎI VỀ TƯỚNG TRẠNG 

II.  Phẩm Hành Trình

III. Phẩm Sở Hữu Tứ

IV. Phẩm Niết Bàn 

V. Phẩm Đức Phật

VI. Phẩm Trí Nhớ

VII. Phẩm Xác Định Các Pháp Vô Sắc  

VIỆC HỎI VÀ TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CỦA MILINDA

PHẦN MỞ ĐẦU CÁC CÂU HỎI ĐỐI CHỌI

CÁC CÂU HỎI ĐỐI CHỌI

I. PHẨM NĂNG LỰC CỦA THẦN THÔNG

1. - Câu hỏi về việc không thọ nhận cúng dường

2. - Câu hỏi về bản thể Toàn Tri của đức Thế Tôn

3. - Câu hỏi về sự xuất gia của Devadatta

4. - Câu hỏi về hiện tượng dao động dữ dội của trái đất

5. - Câu hỏi về sự bố thí mắt của đức vua Sivi

6. - Câu hỏi về sự nhập vào bào thai

7. - Câu hỏi về sự biến mất của Chánh Pháp 

8. - Câu hỏi về sự cắt đứt pháp bất thiện 

9. - Câu hỏi về tính chất không việc gì cần phải làm thêm nữa

10. - Câu hỏi về sự nhận thức đối với năng lực của thần thông

II. PHẨM KHÔNG BỊ CHIA RẼ

1. - Câu hỏi về các điều nhỏ nhặt và tiểu tiết

2. - Câu hỏi về câu trả lời nên được đình chỉ

3. - Câu hỏi về việc sợ hãi hay không sợ hãi sự chết

4. - Câu hỏi về sự thoát khỏi cái bẫy của Thần Chết

5. - Câu hỏi về sự chướng ngại trong việc thọ nhận của đức Thế Tôn

6. - Câu hỏi về việc có nhiều tội ở hành động ác của người không biết

7. - Câu hỏi về việc quản trị hội chúng tỳ khưu

8. - Câu hỏi về việc hội chúng không bị chia rẽ

III. PAṆĀMITAVAGGO - PHẨM ĐÃ BỊ ĐUỔI ĐI

1. - Câu hỏi về Giáo Pháp tối thượng

2. - Câu hỏi về sự ban phát điều lợi ích đến tất cả chúng sanh

3. - Câu hỏi về việc biểu lộ vật được che giấu sau lớp vải

4. - Câu hỏi về bản thể của lời nói gay gắt

5. - Câu hỏi về bản thể suy tư của cây cối

6. - Câu hỏi về quả báu lớn của món thí thực

7. - Câu hỏi về sự cúng dường đức Phật

8. - Câu hỏi về việc bị thương bởi miếng đá ở bàn chân

9. - Câu hỏi về vị Sa-môn cao quý hạng nhất

10. - Câu hỏi về việc nói lời ca ngợi

11. - Câu hỏi về sự không hãm hại và sự trấn áp 

12. - Câu hỏi về việc đã giải tán các vị tỳ khưu

IV. PHẨM VỀ TRÍ TOÀN TRI

1. - Câu hỏi về quả thành tựu của nghiệp có năng lực lớn hơn thần thông

2. - Câu hỏi về Pháp và Luật được che giấu hay không được che giấu

3. - Câu hỏi về tính chất nặng nhẹ của lời nói dối

4. - Câu hỏi về quy luật tự nhiên đối với đức Bồ Tát

5. - Câu hỏi về việc tự kết liễu bản thân

6. - Câu hỏi về lợi ích của tâm từ

7. - Câu hỏi về sự bằng nhau của thiện và bất thiện

8. - Câu hỏi về hoàng hậu Amarā

9. - Câu hỏi về sự không sợ hãi của bậc Lậu Tận

10. - Câu hỏi về bản thể Toàn Tri của đức Như Lai

V. PHẨM THÂN THIẾT

1. - Câu hỏi về sự thân thiết

2. - Câu hỏi về việc hạn chế bao tử

3. - Câu hỏi về sự ít bệnh của đức Thế Tôn

4. - Câu hỏi về vị làm sanh khởi đạo lộ chưa được sanh khởi

5. - Câu hỏi về Lomasakassapa

6. - Câu hỏi về Chaddanta và Jotipāla

7. - Câu hỏi về Ghaṭīkāra

8. - Câu hỏi về lời nói là Bà-la-môn và là vua

9. - Câu hỏi giảng về vật thực do việc ngâm nga các bài kệ

10. - Câu hỏi về trạng thái không nỗ lực trong việc thuyết giảng Giáo Pháp

11. - Câu hỏi về trạng thái không có thầy của vị thầy

CÁC CÂU HỎI SUY LUẬN

I. PHẨM ĐỨC PHẬT

1. - Câu hỏi về việc sanh lên của hai vị Phật 

2. - Câu hỏi về việc dâng cúng tấm vải của bà Gotamī

3. - Câu hỏi về việc thực hành đúng đắn của hàng tại giaxuất gia

4. - Câu hỏi về sự sai trái trong đường lối thực hành

5. - Câu hỏi về việc trở lại đời sống tại gia tầm thường

6. - Câu hỏi về sự nhận biết cảm thọ của vị A-la-hán

7. - Câu hỏi về chướng ngại của sự chứng ngộ

8. - Câu hỏi về giới hạnh tồi

9. - Câu hỏi về việc có sinh mạng và sự sống của nước 

II. PHẨM KHÔNG CHƯỚNG NGẠI

1. - Câu hỏi về pháp không chướng ngại

2. - Câu hỏi về người tại gia chứng A-la-hán

3. - Câu hỏi về sự thất niệm của vị A-la-hán 

4. - Câu hỏi về vật thể không có ở thế gian

5. - Câu hỏi về vật không sanh ra do nghiệp 

6. - Câu hỏi về vật sanh ra do nghiệp và không sanh ra do nghiệp 

7. - Câu hỏi về thây chết của Dạ-xoa

8. - Câu hỏi về sự quy định điều học

9. - Câu hỏi về sự chiếu sáng của mặt trời

10. - Câu hỏi thứ nhì về sự chiếu sáng của mặt trời

III. PHẨM VESSANTARA

1. - Câu hỏi về việc bố thí con của Vessantara

2. - Câu hỏi về việc hành khổ hạnh 

3. - Câu hỏi về thiện hay bất thiện mạnh hơn

4. - Câu hỏi về việc hồi hướng đến quyến thuộc đã quá vãng

5. - Câu hỏi về giấc mơ

6. - Câu hỏi về việc chết không đúng thời

7. - Câu hỏi về điều kỳ diệubảo tháp

8. - Câu hỏi về sự lãnh hội Giáo Pháp 

9. - Câu hỏi về tính chất không bị xen lẫn khổ của Niết Bàn

10. - Câu hỏi về hình thể và vị trí của Niết Bàn

11. - Câu hỏi về sự chứng ngộ Niết Bàn

12. - Câu hỏi về nơi chứa đựng Niết Bàn

IV. PHẨM SUY LUẬN

1. - Câu hỏi (giảng bằng sự) suy luận 

2. - Câu hỏi về pháp từ khước 

CÁC CÂU HỎI GIẢNG VỀ CÁC VÍ DỤ

CÁC TIÊU ĐỀ

I. PHẨM LỪA

1. - Câu hỏi về tính chất của loài lừa

2. - Câu hỏi về tính chất của loài gà trống

3. - Câu hỏi về tính chất của loài sóc

4. - Câu hỏi về tính chất của loài beo cái 

5. - Câu hỏi về tính chất của loài beo đực

6. - Câu hỏi về tính chất của loài rùa

7. - Câu hỏi về tính chất của cây tre

8. - Câu hỏi về tính chất của cây cung 

9. - Câu hỏi về tính chất của loài quạ

10. - Câu hỏi về tính chất của loài khỉ

II. PHẨM BIỂN CẢ

1. - Câu hỏi về tính chất của dây bầu

2. - Câu hỏi về tính chất của cây sen

3. - Câu hỏi về tính chất của hạt giống

4. - Câu hỏi về tính chất của cây sālā xinh đẹp

5. - Câu hỏi về tính chất của chiếc thuyền

6. - Câu hỏi về tính chất của cái neo thuyền 

7. - Câu hỏi về tính chất của cột buồm

8. - Câu hỏi về tính chất của người thuyền trưởng

9. - Câu hỏi về tính chất của người làm công

10. - Câu hỏi về tính chất của biển cả

III. PHẨM ĐẤT

1. - Câu hỏi về tính chất của đất

2. - Câu hỏi về tính chất của nước

3. - Câu hỏi về tính chất của lửa

4. - Câu hỏi về tính chất của gió

5. - Câu hỏi về tính chất của núi

6. - Câu hỏi về tính chất của hư không

7. - Câu hỏi về tính chất của mặt trăng

8. - Câu hỏi về tính chất của mặt trời

9. - Câu hỏi về tính chất của vị Sakka

10. - Câu hỏi về tính chất của vị Chuyển Luân

IV. PHẨM MỐI

1. - Câu hỏi về tính chất của loài mối

2. - Câu hỏi về tính chất của loài mèo

3. - Câu hỏi về tính chất của loài chuột

4. - Câu hỏi về tính chất của loài bò cạp

5. - Câu hỏi về tính chất của loài chồn

6. - Câu hỏi về tính chất của loài chó rừng già

7. - Câu hỏi về tính chất của loài nai

8. - Câu hỏi về tính chất của loài bò

9. - Câu hỏi về tính chất của loài heo

10. - Câu hỏi về tính chất của loài voi

V. PHẨM SƯ TỬ

1. - Câu hỏi về tính chất của loài sư tử 

2. - Câu hỏi về tính chất của loài ngỗng đỏ

3. - Câu hỏi về tính chất của loài sếu cái 

4. - Câu hỏi về tính chất của loài bồ câu nhà 

5. - Câu hỏi về tính chất của loài chim cú

6. - Câu hỏi về tính chất của loài chim gõ kiến

7. - Câu hỏi về tính chất của loài dơi

8. - Câu hỏi về tính chất của loài đỉa

9. - Câu hỏi về tính chất của loài rắn

10. - Câu hỏi về tính chất của loài trăn

VI. PHẨM NHỆN

1. - Câu hỏi về tính chất của loài nhện

2. - Câu hỏi về tính chất của đứa bé đeo bầu vú 

3. - Câu hỏi về tính chất của loài rùa

4. - Câu hỏi về tính chất của khu rừng 

5. - Câu hỏi về tính chất của cây cối

6. - Câu hỏi về tính chất của cơn mưa

7. - Câu hỏi về tính chất của ngọc ma-ni

8. - Câu hỏi về tính chất của người thợ săn

9. - Câu hỏi về tính chất của người câu cá 

10. - Câu hỏi về tính chất của người thợ mộc 

VII. PHẨM CHUM NƯỚC

1. - Câu hỏi về tính chất của chum nước

2. - Câu hỏi về tính chất của sắt đen

3. - Câu hỏi về tính chất của cái lọng che

4. - Câu hỏi về tính chất của thửa ruộng

5. - Câu hỏi về tính chất của thuốc giải độc 

6. - Câu hỏi về tính chất của vật thực

7. - Câu hỏi về tính chất của người cung thủ

ĐOẠN KẾT


mi-tien-van-dap-milinda-panha-gioi-nghiemXem Thêm:

● MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDA PANHA), Giới Nghiêm
 Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến
● KINH NA TIÊN TỲ KHEO, Cao Hữu Đính
 Kinh Tỳ Kheo Na Tiên, Thiện Nhựt
● Về niên đại Hán dịch của kinh Na Tiên Tỳ kheo (Đào Nguyên)
● Khung Cảnh Lịch Sử Quanh Bộ Kinh Milinda Vấn Đạo (Trần Trúc Lâm)





Tạo bài viết
10/08/2011(Xem: 45632)
18/04/2016(Xem: 28153)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: