Tôi Đọc Đại Tạng Kinh

25/10/20232:42 CH(Xem: 1814)
Tôi Đọc Đại Tạng Kinh
TÔI ĐỌC ĐẠI TẠNG KINH
Thích Như Điển
Viên Giác Tùng Thư
Tôi đọc Đại Tạng Kinh- Thích Như ĐiểnPDF icon (4)Tôi đọc Đại Tạng Kinh

Lời dẫn nhập

Hôm nay ngày 6 tháng 6 năm 2021, nhằm ngày 26 tháng Tư năm Tân Sửu, Phật lịch 2565, tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, nhân mùa An Cư Kiết Hạ, tôi chắp bút viết lời dẫn nhập của quyển sách thứ 69 này, gởi đến chư Tôn Đức và quý độc giả xa gần thưởng lãm.

Ở tuổi 72 theo Tây lịch và 73 theo cách tính của người Việt Nam mình mà tôi còn có cơ hội để ngồi vào bàn giấy mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ để viết, để đọc v.v… đó là một hạnh phúc vô cùng to lớn đối với cá nhân tôi. Xin niệm ân Tam bảo đã cho con được sức khỏe này, vốn là một món quà vô giá mà không món quà nào có thể sánh được, bởi “sức khỏe là vàng”. Nếu người không có sức khỏe, không có nghị lực, không đặt ra mục tiêu thì đường đi sẽ chẳng bao giờ đến đích.

Mỗi ngày tôi thường có một câu chuyện ngắn sau bữa điểm tâm cho Tăng chúng nghe. Có lần tôi bảo rằng: “Tất cả chúng ta đều bình đẳng về thời gian, dầu cho nam hay nữ, tăng hay ni, người lớn hay trẻ thơ... mỗi ngày đều có đúng 24 tiếng đồng hồ như nhau, không hơn không kém. Tuy nhiên, có nhiều người làm được rất nhiều việc trong khoảng thời gian 24 tiếng đó, mà cũng có lắm người để phí thời gian một cách vô ích, cuối cùng chẳng được gì. Giống như ánh sáng mặt trời, lúc nào cũng bình đẳng soi chiếu khắp nơi trên địa cầu, nhưng những nơi nào bị rừng già hay bóng đêm che phủ thì không thể nào hấp thụ được ánh sáng ấy. Như Đức Phật đã từng dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh’, điều ấy không sai, nhưng có người thì hiển lộ trong kiếp này, mà cũng có rất nhiều người Phật tánh ấy chưa đơm hoa kết trái trong hiện kiếp, phải chờ đến kiếp sau hay nhiều kiếp sau nữa, Phật tánh ấy mới hiển bày.”

Kể từ năm 1984 đến nay (2021) là 37 năm, cứ đến mùa hạ, sau Đại lễ Phật Đảnchư Tăng Ni tại chùa Viên Giác đều kiết giới an cư. Và trong khoảng thời gian dài như thế, có những năm Giáo Hội Âu Châu tổ chức thì khi nhiều có đến hàng trăm vị về đây an cư, khi ít nhất cũng trên 10 vị, cả Tăng lẫn Ni chúng thường trú và ngoại trú cùng tham dự.

Thời khóa biểu an cư ở trường hạ nào cũng đều giống nhau, thường là như sau.

Sáng sớm thức dậy tọa Thiền và trì tụng Thần chú Thủ-lăng-nghiêm; sau giờ điểm tâm là giờ chấp tác hay học bài; 11 giờ 30 cúng quá đường.

Trong mùa an cư kiết hạ, quý Phật tử tại gia thường cúng dường trai tăng. Đây là cơ hội để người Phật tử tại gia gieo duyên với Tăng bảo, và sau lễ tác bạch, tôi thường đáp từ bằng những câu chuyện trích từ kinh sách, để tán thán hay huấn thị, hướng dẫn...

Sau giờ quá đườngđi lên Chánh điện kinh hành nhiễu Phật, cuối cùng hồi hướng. Nếu hôm nào có cúng hương linh thì một số quý Thầy lo chu toàn việc này.

Từ 12:30 đến 2 giờ, là giờ nghỉ trưa của đại chúng. Buổi chiều học tập hay ôn bài. Một số các chú, các cô sa-di, sa-di-ni lo chuẩn bị công phu chiều và sau đó là dược thực (ăn nhẹ).

Khoảng 20 giờ đại chúng vân tập lên Chánh điện để tụng kinh, lễ bái, ngồi thiền; 21:30 chấm dứt việc chung, ai về phòng nấy nghỉ ngơi dưỡng sức để tiếp tục cho ngày hôm sau.

Cứ thế và cứ thế, “tam nguyệt an cư, cửu tuần cấm túc” trôi qua đúng như quy củ Thiền môn xưa nay, theo tinh thần Tứ phần luật đã phân định.

Vào chiều ngày 14 và ngày cuối tháng (30 hoặc 29 âm lịch) chư Tăng Ni đều làm lễ Sám hối, và sáng hôm sau ngày rằm hoặc mồng một là lễ Bố Tát tụng giới của chư tỳ-kheo. Chư ni lễ Phật, lễ Tổ rồi đi tụng giới riêng; chư Tăng vẫn ở tại Chánh điện giáo giới cho Cư sĩ thọ giữ 5 giới, xong đi ra; đến sa-di, sa-di-ni thọ giữ 10 giới đi vào đảnh lễ và nghe giới do Giới sư tuyên đọc. Kế tiếp, vị Thầy chính sẽ đọc lời tựa của giới bổn và vấn hòa làm pháp Yết-ma. Sau khi làm pháp Yết-ma xong, vị Thầy chính chia ra nhiều vị để cùng tụng 250 giới gồm: 4 pháp Ba-la-di, 13 pháp Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 pháp Xả đọa, 90 pháp Đọa, 4 pháp Hướng bỉ hối, 100 pháp Chúng học và 7 pháp Diệt tránh.

Cuối cùng, tụng Bát-nhã, hồi hướng. Sau đó vị Thầy chính cần căn dặn gì thì đại chúng lắng nghe, hoặc chúng có Phật sự gì cần thưa thỉnh thì trình lên chư Tăng hiện diện để trao đổi với nhau.

Vào lúc 17 giờ chiều ngày mồng Một hay Rằm, tại chùa Viên Giác thường tụng giới Bồ Tát cho cả cư sĩ và tăng sĩ cùng tham dự. Vì đa phần các Phật tử Việt Nam ở Đức khi thọ giới Bồ Tát thường hay thọ 10 giới trọng và 48 giới nhẹ. Đây còn gọi là “đạo tục thông hành giới”, nên chư tăng ni và cư sĩ có thể cùng nghe hay tụng giới chung trong một đạo tràng.

Khi đúng 3 tháng, trước hay sau Đại lễ Vu Lan là lễ Tự Tứ, mãn hạ. Xưa nay chùa Viên Giác vẫn là một đạo tràng kiết giới An Cư Kiết Hạ cho Tăng Ni không phân biệt tông phái, nên những ngày kiết giới An Cư hay Tự Tứ đều có rất đông Tăng Ni trong tổ chức DBO (Deutsche Buddhistische Ordengemeinschaft) - Cộng đồng Tăng lữ Đức, thường về chùa Viên Giác để cùng kiết giới và sau đó về lại trụ xứ của mình để tâm niệm an cư, đến ngày Tự Tứ lại về Chùa Viên Giác để nhận thêm một tuổi hạ.

Kể từ năm 1984 đến năm 2019, nghĩa là trong 35 năm An Cư Kiết Hạ ấy, vào mỗi buổi tối, tôi và Đại chúng Chùa Viên Giác đều hành trì pháp môn lễ bái hồng danh Phật trong các Kinh như Kinh Ngũ Bách Danh, Kinh Tam Thiên Phật Danh và Kinh Vạn Phật. Nhưng cũng có những bộ kinh chúng tôi lạy từng chữ một, như Kinh Pháp Hoa và Kinh Đại-bát Niết-bàn. Mỗi đêm chúng tôi lạy khoảng 300 đến 350 lạy. Đến trước mùa An Cư Kiết Hạ năm 2019, chúng tôi đã lạy xong tất cả những Kinh này để đón mừng sinh nhật lần thứ 70 của tôi, cũng như 55 năm xuất gia học đạohành đạo (1964 – 2019).

Kể từ mùa An cư này, Thầy trò chúng tôi phát tâm trì kinh chứ không lễ bái kinh nữa. Vì tuổi của tôi đã lớn, nên chọn phương pháp ngồi tụng kinh thích hợp hơn và có lẽ vào lúc cuối đời, tôi sẽ chọn pháp môn niệm Phật để đón nhận một sự ra đi an lạc của thân cũng như tâm.

Sau Phật Đản năm 2019, chúng tôi đã bắt đầu trì tụng Kinh Đại Bảo Tích gồm 9 cuốn, do cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch từ chữ Hán trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh sang tiếng Việt, được in với chữ lớn đậm, dễ đọc. Cũng nhờ công đức của hàng ngàn Phật tử khắp nơi trên thế giới đã ấn tống 1.000 bộ (mỗi bộ 9 quyển) nên chúng ta mới có cơ duyên trì tụng.

Lạy từng chữ thì lâu, chứ tụng thì mỗi đêm thường tụng được 40 đến 50 trang. Đến giữa năm 2020, Đại chúng chùa Viên Giác đã tụng xong 9 quyển Kinh Đại Bảo Tích và tôi đã bắt đầu hướng dẫn Đại chúng tụng bộ Kinh Đại Bát-nhã 24 quyển, do cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt và cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu hiệu đính. Kinh này nguyên thủy bằng tiếng Sanskrit, nằm trong số Kinh điển mà ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang đời Đường bên Trung Hoa, vào đầu thế kỷ 7, đã sang Ấn Độ du học và mang về Trường An. Ngài đã được Vua Đường Thái Tông hộ trì bằng cách thỉnh Ngài đến cung Ngọc Hoa để dịch kinh viết sách.

Đa phần ngài Huyền Trang chủ trì dịch ra chữ Hán, kế đó có các vị học giả do đức vua đích thân tuyển chọn sẽ đọc lại và trau chuốt về văn phong. Sau khi hoàn tất, bản dịch được khắc lên gỗ để in thành nhiều bản, khó khăn hơn rất nhiều so với thế kỷ 20 - 21 dùng máy in công nghiệp để in ra rất nhanh và đẹp.

So ra tiến trình dịch thuật và in ấn ngày xưa nhiêu khê vô cùng, nhưng nhờ có chư Tổ sư nhiều đời đã không bỏ lỡ công cuộc truyền thừa, luôn xem “hoằng pháp thị gia vụ”, nên ngày nay chúng ta mới có được những bản kinh được trực dịch từ tiếng Sanskrit sang tiếng Hán và từ Hán sang Việt. Quả thậtchúng ta sinh vào thế kỷ 20, 21 này vẫn còn nhiều phước báu khi được tiếp cận với nguồn Pháp bảo vô cùng phong phú. Do vậy, chúng ta lúc nào cũng phải niệm ân Tam Bảo. Nếu khôngGiáo Pháp truyền thừa thì chúng ta sẽ không hiểu được Phật, mà không hiểu được lời Phật dạy thì không thể dựa vào đâu để tu tập. Cho nên phải nói rằng công đức của ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang rất lớn. Từ đó suy ra, nếu không có những Hòa Thượng như Ngài Trí Tịnh, Ngài Trí Nghiêm, Ngài Thiện Siêu dịch từ chữ Hán ra tiếng Việt, thì chúng ta cũng sẽ khó mà tiếp cận được với loại ngôn ngữ khó nhất nhì thế giới này. Công đức này, chúng ta là người Phật tử Việt Nam phải cúi đầu đảnh lễ tri ân quý Ngài.

Đến mùa An Cư năm 2021, thầy trò chúng tôi đã trì tụng đến tập thứ 6 của Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Từ đây đến cuối mùa An Cư sẽ còn trì tụng nhiều tập kế tiếp nữa. Tất cả những Kinh điển nói trên đều dịch từ bản Hán ngữ trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō - 大正新脩大蔵経). Do vậy, đọc hay tụng những kinh văn này vẫn là một phần rất quan trọng khi chúng ta đi sâu vào Đại Tạng.

Đường vào Đại Tạng Kinh mênh mông bát ngát như một đại dương rộng lớn, nhưng nếu người lữ hành có tấm bản đồ mang theo bên mình thì chúng ta sẽ không bị lạc lối giữa cảnh trời cao bể rộng ấy. Nếu người ra đi mà không biết phương hướng thì sẽ dễ bị lầm đường lạc lối. Nay chúng ta đã có Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng; có giới, định, tuệ thì lo gì khó khăn trở ngại khi chúng ta lặn ngụp vào đại dương Kinh, Luật, Luận ấy? Nói rộng thì mênh mông, không gì có thể đo lường, nhưng nếu nói gọn thì tinh yếu chỉ dạy trong Tam tạng Thánh giáo của Đức Phật chỉ nằm gọn trong những câu sau:

Hãy bỏ tất cả các việc ác,
Làm tất cả các việc lành,
Tự làm thanh tịnh tâm ý của mình,
Đó là lời chư Phật dạy.

Đi vào Đại Tạng Kinh Đại Thừa, người ta thường bắt đầu từ các quyển Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng Nhất A-hàm và Bộ Bản Sanh. Đây là những tập căn bản, tương ứng với kinh bên Nam Truyền là Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ KinhTiểu Bộ Kinh.

Sau đó đi vào Kinh, Luật, Luận thì giữa Nam Truyền và Bắc Truyền khác nhau rất nhiều. Phần tôi, sẽ chỉ lược nói qua những gì chúng tôi đã đọc, đã dịch, đã nghe, đã thâu thập để giới thiệu đến quý vị xa gần.

Dĩ nhiên, mỗi người đều có cách đọc tụng Đại Tạng kinh khác nhau, chẳng ai giống ai cả, nhưng chung quy thì việc làm cho lời Phật dạy được nối tiếp lâu dài trên thế gian này vẫn là nhiệm vụ của chúng ta, những người đi sau, nối gót theo con đường hoằng pháp của các bậc Tổ Đức đời trước đã hành trì. Làm được như vậy là một sự hy hữu lắm rồi.

Năm 2003, sau khi khai sơn sáng lậpTrụ Trì chùa Viên Giác 25 năm (1978 – 2003), tôi đã quyết định trở về ngôi Phương Trượng và giao lại việc điều hành ngôi Tổ Đình này cho quý Thầy đệ tử xuất gia lo liệu. Đây là một quyết định đúng đắn, vì mục đích của tôi là có được nhiều thời gian hơn để dịch kinh, viết sách và nhất là đọc Đại Tạng kinh. Và tâm nguyện ấy của tôi đã được các đệ tử tôn trọng, hỗ trợ cho tôi từ đó đến nay. Các vị đã không cô phụ sự kỳ vọng của thầy mình.

Trong 5 năm, từ năm 2003 đến 2008, Thầy Hạnh Tấn đã đảm nhận chức Trụ Trì ngôi Tổ Đình Viên Giác. Từ năm 2008 đến năm 2017, trong vòng gần 10 năm, Thầy Hạnh Giới tiếp nối đảm nhận vai trò Đệ nhị Trụ Trì. Và từ năm 2017 đến nay (2021) Thầy Hạnh Bổn đảm nhận vai trò của Đệ tam Trụ Trì ngôi đại tự này.

Từ năm 2003 đến 2012, suốt 10 năm đó, mỗi năm từ 2 đến 3 tháng tôi có thời gian để tịnh tu nhập thất, viết sách, dịch kinh tại núi đồi Đa Bảo gần Sydney, nơi bào huynh của tôi là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc sáng lập, và mỗi lần đến Úc như thế tôi đã dẫn theo nhiều đệ tử đi cùng để phụ phần đánh máy những kinh sách nào tôi đã dịch ra. Cho nên trong thời gian 10 năm ấy tôi đã cho ra đời được 20 tác phẩm và dịch phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Quả thật là “bất khả tư nghì” không có giấy bút nào để viết lên lời cảm tạ cho đủ. Tạ ân đất trời, tạ ân Tam Bảo, tạ ân Cha mẹ, Thầy Tổ, huynh đệ, tạ ân đàn-na thí chủ, tử đệ v.v… Ân nghĩa thì nghìn trùng, làm sao chúng ta có thể quên đi những nghĩa ân này được.

Cũng chính trong thời gian trên, cá nhân tôi đã quyết định tham gia dịch một phần của Đại Tạng Kinh và phần này sẽ giới thiệu chi tiết với quý vị trong những chương sau.

Chúng ta được biết là sau khi đậu Tiến Sĩ Văn học tại Đài Loan, Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh mong muốn xây dựng một bộ Đại Tạng thuần bằng tiếng Việt, nên năm 1994 một mình một bóng Thầy đã âm thầm về lại Việt Nam tìm người phiên dịch, cũng như ra ngoại quốc tìm nguồn tài chánh hỗ trợ của các chùa và các Phật tử. Đến năm 2000, nghĩa là sau hơn 6 năm vận động, những bộ kinh căn bản A-hàm đã được in ra, và Hòa Thượng Tuệ Sỹ cũng như một số chư Tôn Đức đã đóng góp phần mình vào giai đoạn đầu này không ít. Rồi từ đó cho đến khi Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh viên tịch tại Đài Loan năm 2015, thì Ngài đã cho in được 187 tập tất cả. Còn 16 tập sau cùng từ tập 188 đến tập 203 sẽ được xuất bản trong năm 2022.

Dĩ nhiên, những bộ Kinh, Luật và ngay cả Luận như Trung Quán Luận, Đại Trí Độ Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận v.v… cũng đã được quý Hòa Thượng dịch xong trước đó nhiều năm, Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chỉ cho biên tập chung vào trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh để trở thành một Tạng Việt ngữ như hiện nay. Tuy chưa hoàn chỉnh lắm, nhưng cũng là một cố gắng không nhỏ của một vị Đại Sư đã đem chuông đi đánh xứ người và mang về một thành quả to lớn như vậy, là một điều mà ít ai dám nghĩ tới. (Xem thêm lời bạt của cùng tác giả viết cho việc xuất bản 16 tập sau cùng, từ tập 188 đến tập 203 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, sẽ rõ được ngọn ngành cũng như tâm nguyện của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh.)

Những tập kinh đầu tiên in ấn rất đẹp, bìa cứng mạ vàng, gởi đi từ Đài Loan của những năm đầu thế kỷ thứ 21. Chúng tôi vô cùng hoan hỷ vì từ đây chúng ta có thể đọc thẳng Đại Tạng bằng tiếng Việt, chứ không cần phải qua trung gian bằng chữ Hán nữa. Thế nhưng kinh sách vẫn nằm đấy, chỉ xem quatrầm trồ nhìn ngắm, khen tặng chứ tôi cũng chưa dám giở ra từng trang để đọc, vì lẽ thấy bộ kinh đồ sộ quá. Tuy rằng thuở ấy chỉ mấy chục tập ban đầu được in, chứ không phải một Đại Tạng Kinh đồ sộ như bây giờ.

Chúng ta cũng biết rằng từ trước thế kỷ 7, nghĩa là trước khi Ngài Huyền Trang sang Ấn Độ du học thì tại Trung Quốc đã có nhiều Đại Sư đến từ Ấn Độ như Ngài Ma Đằng, Ngài Trúc Pháp Lan là những người đầu tiên dịch Kinh Tứ Thập Nhị Chương từ chữ Phạn sang chữ Hán. Rồi sau đó có Ngài An Thế Cao, Ngài Nghĩa Tịnh, Ngài Huệ Viễn v.v… cả hàng trăm danh tăngcư sĩ như vậy vẫn chưa hoàn thành một Đại Tạng Kinh giá trị gồm cả Kinh, Luật và Luận, mà phải chờ cho đến khi Ngài Huyền Trang từ Ấn Độ trở về Trung Hoa, thì việc phiên dịch Tam Tạng Kinh điển mới được hệ thống hóa lại, và 3 tạng kinh này mới từ từ được chỉnh đốn sau đó.

Trải qua các triều đại từ Đường, Tống, Nguyên, Minh rồi Nhà Thanh, cả hơn 1.400 năm như thế, chỉ mới có những bộ Đại Tạng như Vĩnh Lạc hay Càn Long ra đời. Và phải chờ đến bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh được xuất hiện tại Nhật Bản thời Thiên Hoàng Taisho (Đại Chánh năm thứ 11, nhằm năm 1922). Đến năm Thiên Hoàng Showa (Chiêu Hòa năm thứ 9), nhằm năm 1934; nghĩa là suốt 13 năm lịch sử sau Đệ nhất thế chiến (1914 – 1918) và trước Đệ nhị thế chiến (1939 – 1945), Đại Chánh Tạng này đã hình thành và ngày nay các học giả khắp đông tây đều căn cứ vào bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh này để phiên dịch, chú giải, diễn giảng v.v... Quả là một kỳ công suốt gần 2.000 năm lịch sử của chữ Hán mới có được một bộ Hán Tạng như vậy.

Còn Việt Nam chúng ta qua bao nhiêu năm thời kỳ Bắc thuộc, chúng ta vẫn dùng chữ Hán trong mọi sinh hoạt như thi cử, hành chánh của triều đình, ngoại giao v.v… mặc dầu chúng ta đã có chữ Nôm và chữ quốc ngữ, nhưng cho đến đầu thế kỷ 21 này mới có một Đại Tạng, tuy chưa được tiêu biểu lắm, dĩ nhiên phải còn chỉnh sửa, hiệu đính nhiều lần nữa, nhưng đó cũng là một niềm tự hào của dân tộc Việt khi so với các nước lân bang như Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng, Mông Cổ v.v…

Riêng phần tôi, năm nay (2021) viết tác phẩm thứ 69 này, nhưng phải trải qua nhiều giai đoạn như đánh máy, dò lỗi chính tả, chỉnh sửa v.v… cũng phải mất một thời gian khá lâu để năm 2022 mới xuất bản được.

Ngày 22 tháng 2 năm 2022, cũng là ngày kỷ niệm đúng 50 năm, tính từ ngày tôi rời xa đất Mẹ thân yêu để sang Nhật Bản du học năm 1972. Năm 1977 tôi đến Đức và ở đây cho đến hôm nay. Và đây cũng chính là tác phẩm viết để kỷ niệm một chặng đường tu học, hành trì suốt 50 năm ở ngoại quốc.

Xin chư Tôn Đức và quý thiện hữu tri thức khi đọc tác phẩm này, nếu thấy nơi nào còn thiếu sót, sơ hở, sai trái thì hoan hỷ chỉ giáo cho, để tác phẩm này khi tái bản sẽ hoàn hảo hơn.

Chân thành niệm ân tất cả quý Ngài và quý vị.

Viết xong Lời Dẫn Nhập này vào lúc 11:30 ngày 6.6.2021 tại Thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức quốc nhân mùa An Cư Kiết Hạ, Phật lịch 2565.

Tác giả Thích Như Điển
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
22/04/2011(Xem: 56053)
20/06/2013(Xem: 48913)
16/05/2012(Xem: 38955)
30/09/2012(Xem: 24554)
11/04/2013(Xem: 15613)
04/07/2017(Xem: 10413)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.