- 01. Thức Biến
- 02. Duy Thức
- 03 Luận Tân Duy Thức
- 04 Kinh Bốn Mươi Hai Chương
- 05 Đại ý Kinh Vu Lan
- 06 Đại ý Kinh Dược Sư
- 07 Phát Tâm Bồ-đề
- 08 Tám Trai Giới
- 09 Tám Trai Giới Theo Kinh Tạng Pàli
- 10 Y Kinh Giải Nghĩa, Tam Thế Phật Oan
- 11 Tổ Cáy
- 12 Ngôi Chùa Việt Nam
- 13 Cây Nêu Ngày Tết
- 14 Bồ-tát Thường Bất Khinh
- 15 Khuyến Tu
- 16 Người Tại Gia Tu Phật
- 17 Gia Đình Hạnh Phúc
- 18 Pháp Thoại Đầu Xuân
- 19 Vài Nhận Xét Về Nghi Lễ Phật Giáo
- 20 Giữ Vững Đạo Tâm
- 21 Nói Chuyện Với Phật Tử Huynh Trưởng
- 22 Đạo Phật ở Huế
- 23 Vì Hạnh Phúc Cho Mọi Người
- 24 Tưởng Niệm:
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Nhà Xuất Bản TP. HCM, 2003
VÀI NHẬN XÉT VỀ NGHI LỄ TRONG PHẬT GIÁO
Nghi lễ là một bộ phận sinh hoạt không thể thiếu được trong Phật giáo. Tuy nhiên, sinh hoạt đó gần như chiếm hết thì giờ trong đời sống người xuất gia hiện nay! Nếu nghi lễ không được đặt để trong khuôn khổ chính đáng của Phật pháp, không được dùng với mục đích mượn hình thức để tuyên dương Phật pháp, dẫn kẻ sơ cơ vào đạo, dùng nghi lễ để điều hòa tình cảm và lý trí, làm sao cho con người được nhịp nhàng tiến bộ như người xưa chế ra nó, thì nghi lễ sẽ thiếu năng lực đưa người vào chánh đạo, và có tác động xấu đến tâm lý, sẽ gây ngộ nhận đối với quần chúng. Nghi lễ khi đã không đi đúng quỹ đạo làm phương tiện phụng sự đạo pháp, chắc rằng người đời sẽ mãi cho đạo Phật là mê tín, dị đoan, thoái hóa, ru ngủ quần chúng.
Nói như thế, nhưng Phật giáo có nên bỏ hẳn nghi lễ được không? Theo tôi, không thể được. Vì tất cả các tôn giáo, đoàn thể giữa thế gian này không ai là không dùng nghi lễ để phục vụ cho tín ngưỡng của mình. Nếu Phật giáo bỏ phần đó tức là đã bỏ rơi một số người muốn quay về với Chánh pháp. Hơn nữa, đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, dùng bốn vạn tám ngàn pháp môn phương tiện để đưa người đến bờ giải thoát. Đức Phật, ngoài giảng dạy trực tiếp cho các Tỷ-kheo, Tỷ kheo-ni, các nam nữ cư sĩ, Ngài còn lấy tâm truyền tâm cho Tôn giả Ca-diếp gọi là "Niêm hoa vi tiếu". Kinh luận Phật giáo Đại thừa thường hay nhắc câu chuyện: Một hôm, trong hội chúng đông đảo, đức Thế Tôn không nói gì khi Ngài ngồi trên Pháp toà, im lặng như Chánh Pháp. Thính chúng ai nấy cũng im lặng. Lúc ấy Thế Tôn nhẹ nhàng đưa một cành hoa lên trước đám đông, hội chúng không ai hiểu gì trước cử chỉ có ý nghĩa của đức Thế Tôn. Chỉ có Tôn giả Ca-diếp im lặng mỉm cười và Thế Tôn mỉm cười hoan hỷ. Câu chuyện lấy tâm truyền tâm chỉ có một nụ cười trực ngộ giải thoát là như vậy, cho nên trong Phật giáo, ngoài phần tâm truyền phải có phần công truyền thì mới tùy cơ giáo hóa chúng sinh được. Trong phần công truyền, hình thức nghi lễ là một, và thực tế nó đã có một nhiệm vụ lớn lao, cảnh tỉnh đa số quần chúng mà căn cơ chỉ duyên cảm để tin Phật trước khi cần hiểu để theo.
Nghi lễ Phật giáo có công năng tốt đẹp như thế, vậy thì tư cách của người thi hành nó phải như thế nào để quần chúng Phật tử và người đời khỏi hiểu lầm là Phật giáo lợi dụng hình thức nghi lễ để buôn bán thánh thần? Theo tôi, nghi lễ ngày nay cần chú ý các mặt sau đây:
- Tư cách người thi hành lễ phải xứng đáng, để gây sự tôn kính và tin tưởng Tam Bảo trong lòng mọi người.
- Tránh mọi hình thức rườm rà, thiếu trang nghiêm trong khi hành lễ. Phải giữ điều cần yếu khi hành lễ là Thành tâm và Kính Phật.
- Không xen lẫn những hình thức nghi lễ của ngoại đạo vào Phật giáo, hoặc đem nghi lễ Phật giáo thi thố ở những nơi tà đạo. Nghĩa là phải nhận thức đại cương về các nghi lễ, trong đó thứ nào nên tránh và thứ nào nên theo. Thiết nghĩ, chúng ta nên chia ra các mục sau đây trong nghi lễ Phật giáo.
1. Thờ tự
Thờ tự có nhiều ý nghĩa. Thờ với tính cách tri ân như thờ cha mẹ, sư trưởng. Thờ với tính cách tôn kính như thờ các vị anh hùng hiền triết trong lịch sử. Đối với người xuất gia, khi làm lễ thọ giới pháp của Phật chế, trước hết, họ phải làm lễ lạy tạ cha mẹ, từ đó về sau trên danh nghĩa là một người "nhân thiên nhãn mục", không còn trở lại bái phục quân vương, phụ mẫu nữa. Tuy nhiên, người xuất gia cũng luôn luôn tưởng niệm các vị ân nhân, nhất là ân cha mẹ và cầu nguyện hết thảy đều được siêu sanh Lạc độ. Duy nhất, với tính cách vừa tri ân vừa tôn kính đối với bậc Đạo sư chỉ đường thoát khổ, người xuất gia nên thờ Tam Bảo mà thôi. Nhưng Tam Bảo theo quan niệm Bắc tông và Nam tông khác nhau. Theo quan niệm Nam tông thì chỉ thấy Phật trong một đời. Khi ngài nhập diệt rồi thì Phật thân đã an trú trong cảnh Niết-bàn, nhưng họ tin vào Phật, họ tín ngưỡng, tôn thờ như Phật còn tại thế. Vậy nên, các nước theo Nam tông như Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến điện, Tích Lan... họ thờ Phật là cốt để tri ân Đấng giáo chủ ban bố Chánh Pháp cho chúng sinh đã qua đời, hơn là để mong cầu cảm ứng. Trái lại, theo quan niệm Bắc tông, với pháp nhãn đạt quang, thấy Phật khắp cả mười phương, thông suốt tương tục vô thỉ vô chung, ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai không gián đoạn tâm Phật trong mỗi người thờ Phật như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật bản, Đại Hàn, Mông Cổ... Vì vậy, họ thờ Phật vừa để kỷ niệm, mà cũng vừa cầu sự cảm ứng gia hộ cho đệ tử trên bước đường tu tập. Họ quan niệm: Phật thường trú thế gian, nên một khi tượng Phật đã tôn thờ trên toà sen tức xem như Phật còn tại thế, Ngài luôn luôn nhìn thấy hành động của đệ tử mà cảm ứng đạo tâm, hiển hiện Phật lực để an ủi, khuyên răn và gia trì hộ niệm.
Thế nhưng, ở Việt nam chúng ta ngày nay vấn đề thờ tự đã trở nên phức tạp nhiều. Một ngôi chùa đúng lý để thờ Tam Bảo hoặc thờ Tam Thế Phật nhưng nơi lại thờ luôn Quan Thánh, Ngọc hoàng, Thánh mẫu, Thập điện như nhiều chùa thuộc khu vực miền Nam và miền Trung. Thờ luôn cả thánh mẫu thì nhiều nhất là các chùa miền Bắc. Đó là chưa nói thờ nhiều hình tượng khác không dính dáng gì đến đạo Phật. Thế gian, một số người cho rằng, bất cứ tượng nào, hễ lọt vào mắt nhà chùa cũng trở nên linh thiêng, đưa vào chùa thờ được cả, thậm chí còn có cả ông địa nữa. Tệ hại hơn có người không thờ tại chùa, lại bày vẽ a tòng những nơi thờ thiếu trang nghiêm, có vẻ tà mị yêu quái, mê tín dị đoan...
Đau lòng thay! Một ngôi chùa đáng lý để làm nơi tập Chúng tu hành, hoằng dương Chánh pháp, lại biến thành một ngôi chùa riêng độc quyền chiêm ngưỡng, hoặc lấy đó làm nơi cúng kiến để nuôi thân. Dầu có nơi khá hơn, trong chùa cũng thờ Phật, nhưng lại thiếu tấm lòng thành kính, tôn trí những hình tượng Phật và Bồ-tát không có tướng hảo trang nghiêm, lại còn treo những ảnh tượng hình thù kỳ quái ở hai bên bàn thờ, cắm những tờ bùa, câu chú trước điện Phật. Thật là một điều tội lỗi lớn, như trong kinh Tạo Tượng đã nói. Với những ngôi chùa như vậy, mục đích là chỉ biết cúng kiến, nào đâu phải vì vấn đề giải thoát sanh tử đại sự, tập Chúng tu học cầu mong giải thoát. Thảm thương thay! Một lối thờ cúng như vậy lại làm cho Đạo Phật suy yếu biết dường nào.
2. Cúng kính
Đã có thờ tất nhiên có cúng. Vì nhớ ân, trọng nghĩa mà cúng, vì linh khí kẻ mất người còn giao cảm nhau mà cúng. Nhưng với người xuất gia thì thường chỉ cúng Tam Bảo mà thôi. Ngoài ra, vì sự lợi tha và báo hiếu, người xuất gia có thể cúng vọng tiến linh, cúng thí thực, cô hồn, kỳ an, kỳ siêu. Tuy nhiên, trong những cách cúng nói trên, một số người đã quá lạm dụng nghi lễ, biến nó trở nên phức tạp và cầu kỳ, khiến cho quần chúng cảm thấy nhà Sư là ông thầy cúng nhiều hơn là một vị tu hành để truyền bá Chánh pháp. Dưới mắt Phật tử và quần chúng đối với các nhà Sư trên, hầu như mục đích của nhà Sư là cúng, cho đến chí nguyện của nhà Sư cũng chỉ cúng mà thôi.
Trong thời trước, tôi thấy thế gian biết cúng một chuyện thì nhà Sư biết cúng trăm chuyện, thế gian biết một vị thần thì nhà Sư biết đến trăm vị thần. Ngoài lối cúng kiến nói trên, nhà Sư còn thạo cúng đất, cúng sao, cúng nam thương, yểu tử, cúng giải đàn oan, sai phan, sai phướng, cúng ngũ hành, thổ địa, hạ khoán, sai muội, cúng thánh, cúng thần, cúng tiên nương, Tôn giả, bổn mạng, bà mẫu... Lại còn cúng tốt vườn, tốt đất, tốt nhà, tốt bếp, cúng đưa ông Táo về trời... Bởi vậy chốn Già-lam mất hẳn tính cách trang nghiêm thanh tịnh, không thể tập Chúng tu hành, tuyên dương chánh giáo. Ngược lại, chùa trở thành nơi tập trung mọi sự cúng kính vì lẽ này hay kế nọ. Thậm chí có nơi còn khuyên tín đồ thờ cúng, lạy lục quỷ thần hơn lạy Phật, mà quên đi rằng: Người Phật tử đã quy y Tam Bảo là phát nguyện: Quy y Phật, thề không quy y thiên thần quỷ vật. Nếu không tỉnh ngộ, chánh pháp vì vậy càng xa, tà pháp càng gây hoạ cho người. Thật xót thương thay!
3. Lễ phục
Theo Phật chế, ba pháp y là áo mặc duy nhất của Tăng đồ, và khi thọ giới, Tăng-già đã nguyện mặc y phấn ảo, một y trong ba y để làm trang phục hoạt dung hàng ngày như thuyết pháp, hành lễ, thọ trai... Vì đó là y phước điền, y giải thoát, không gì hơn nữa, miễn là giới đức tinh nghiêm thì đó là sự trang sức, là lễ phục đẹp nhất để cúng dường Tam Bảo vậy.
Nay vì quốc độ, và tùy theo phong tục khác nhau, Phật giáo Bắc tông đã cải hóa theo thế nghi, tạo thành một lối lễ phục rườm rà hơn trước. Khi đến Việt Nam, nó lại cải hóa thêm một lần nữa.
Một chuyện đau lòng mà vào thời tôi đã chứng kiến, đó là sự phục sức lai hóa đến mức khó chịu. Thế nhưng nó vẫn cứ là cái mẫu lai tạp của thời đại trong Phật giáo. Những nhiễu y viền kim tuyến, nhưng đôi giày Tàu gắn bông đỏ, được mang vào một cách trịnh trọng và tỏ vẻ sang trọng hào nhoáng trong mỗi kỳ đại lễ. Trong những lễ này, dẫu ai tu hành cho mấy mà thiếu cái y kim tuyến, đôi giày Tàu thì cũng phải nhường chỗ cho người có nó đứng làm chủ lễ. Lẽ tất nhiên, khi mang chiếc y đẹp thì nó bắt người mang phải nhớ nó hơn nhớ Phật, chú trọng mình hơn trọng người khác. Vì vậy, buổi lễ thiếu hẳn tinh thần cao quí vốn có của nó. Nhớ lại lời di huấn của Phật: Pháp dục diệt thời ca-sa biến vị ngũ sắc, thì hiện trạng y phục này thật đáng buồn! Tôi nghĩ, những lễ phục, nhạc điệu đơn thuần mà đứng đắn, điều hòa mà tôn nghiêm có lẽ giữ cho buổi lễ tăng phần trang trọng lợi lạc hơn.
4. Truyền giới
Lễ truyền giới cũng là lễ thường xuyên và thiết yếu của Tăng-già như lễ truyền giới Tam qui, Ngũ giới, Bát quan trai giới, Cụ túc giới và Bồ-tát giới, nhưng cũng phải theo quy tắc đã chỉ dạy trong các bộ Đại học Hoằng giới, Yết-ma Chỉ nam, Thọ giới Nghi Quỷ hoặc trong Luật tạng; và người truyền cũng như người thọ phải thành tâm thành kính, biết tôn trọng giới thể mới được. Nếu không thì lễ thọ giới chỉ là một kiểu mẫu thời trang, trong đó người truyền không biết truyền gì, còn người thọ không biết thọ gì, thế mà vẫn truyền, vẫn thọ.
Khi sắp Niết-bàn, đức Phật đã ân cần dặn dò: "Giới Ta còn thì như Ta còn, giới Ta còn thì đạo ta còn". Như thế, truyền giới là lễ rất quan trọng định đoạt sự nghiệp còn mất của Phật giáo.
Tóm lại, theo tôi: Nghi lễ có công dụng gần quần chúng, làm phương tiện tiên phong để truyền bá đạo Phật. Thế nhưng, một khi vai trò tiên phong đã không đi đúng pháp, không hướng người theo chánh pháp thì chỉ dẫn người vào ma đạo mà thôi. Vậy để văn hồi địa vị cao cả của đạo Phật, tất cả Tăng giới phải chỉnh đốn hết thảy mọi mặt mà trong đó có cả nghi lễ. Về nghi lễ, phải chỉnh đốn như thờ tự đơn giản, sự cúng kính phải trang nghiêm, gạt bỏ những lối thờ cúng thần đạo ra ngoài, lễ phục cũng như tư cách người thực hành nghi lễ, đều phải chỉnh đốn đúng Luật và trang nghiêm mới mong gây được thiện cảm và tín tâm trong lòng người muốn quay về với đạo.
Tôi hy vọng những điều nhận xét trên đây được chư Tăng, Ni đồng cảm và nếu thấy sai thì nên sửa chữa. Tôi cũng mong Giáo hội sẽ sớm đưa ra các nghi thức hành lễ chung cả Tăng tín đồ toàn quốc áp dụng, hầu đem lại lợi lạc cho Phật giáo vậy.