- Lời Kính Thưa Trong Kỳ Tái Bản
- Chương 1: Từ Bỏ Ưu Phiền Và Hướng Đến An Vui
- Chương 2: Căng Thẳng Là Nguồn Gốc Của Bệnh Trong Thân Và Tâm
- Chương 3: Năng Lực Kỳ Diệu Của Con Người
- Chương 4: Hướng Về Đời Sống Khỏe Mạnh Và Hạnh Phúc
- Chương 5: Thực Hành Đời Sống Lành Mạnh Và Hạnh Phúc
- Chương 6: Mỗi Người Chúng Ta Là Một Thế Giới Kỳ Diệu
- Chương 7: Sống Lành Mạnh Và Hạnh Phúc Là Phép Lạ Lớn Nhất Của Con Người
- Chương 8: Câu Thần Chú Mở Cánh Cửa Huyền Diệu Của Đời Sống
- Chương 9: Thực Hành Diệu Pháp Thiền Tịnh Để Sống Đời An Vui, Khỏe Mạnh Cùng Chữa Trị Các Thứ Bệnh Tật
- Chương 10: Đạo Phật Làm Cho Đời Tôi Tươi Sáng An Vui Và Hạnh Phúc Vô Cùng
Đạo Phật giúp chúng ta nhìn thấy căn nguyên của bệnh tật và chữa trị từ gốc. Đạo Phật nhấn mạnh đến tính cách vô thường, sự thay đổi trong đời sống, là một nguyên nhân tạo ra khổ đau. Sự thay đổi hay chuyển biến đó tác động vào đời sống thể chất (cơ thể của chúng ta) và tinh thần. Và vì sự thay đổi luôn luôn xảy ra nên chúng ta phải đối diện với cái khổ bất cứ lúc nào.
Về phương diện thể chất, đức Phật nói rõ bốn trường hợp chúng ta cảm nhận rõ rệt nhất sự khổ đau: Sinh, già, bệnh và chết. Khi người mẹ sinh con, áp lực đẩy hài nhi ra khỏi bụng mẹ tạo nên một sự đau đớn dữ dội cho người mẹ lẫn đứa con. Nếu chúng ta quá già nua tuổi tác thì cảm thấy buồn phiền vì sức khỏe yếu kém và hay bệnh tật. Những lúc bệnh tật thì già hay trẻ cũng đều đau đớn và khó chịu như nhau. Còn lúc cái chết xảy ra thì kẻ qua đời sợ hãi và người thân còn sống khổ đau vô cùng. Về tinh thần, những gì chúng ta muốn, chúng ta thích mà bị xa lìa, mất mát, điều gì chúng ta ghét mà phải cận kề thì chúng ta khổ đau. Khổ đau đó là do hậu quả của một sự căng thẳng, một áp lực khó chịu trong lòng chúng ta. Áp lực hoặc sự căng thẳng thể chất hay tinh thần đó là nguồn gốc của mọi bệnh tật. Vì thế, đức Phật dạy mọi hiện tượng đều do tâm mình tạo ra. Nếu tâm bất an, buồn rầu, bực bội, chán chường, tiêu cực gây nên bệnh tật thì tâm an vui, thoải mái, trong lành, tích cực, bao dung tạo ra sức khỏe và làm cho bệnh tật tiêu trừ. Do đó, đức Phật dạy chúng ta phương pháp thực hành sống đời an vui và khỏe mạnh.
Khả Năng Chữa Trị Bệnh Tật Nơi Chúng Ta
Những cuộc thí nghiệm càng lúc càng gia tăng về yếu tố tinh thần tác động vào sự lành mạnh hay đau yếu thân thể giúp cho chúng ta thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa hai bên thân và tâm. Để thấy rõ những gì xảy ra trong thực tế, chúng ta hãy nghe bác sĩ Herbert Benson, chuyên viên về tim của trường đại học Y Khoa Harvard kể câu chuyện về khả năng chữa trị bệnh tật của bệnh nhân như sau:
Mike là một thương gia thành công ở vùng New York. Một hôm trong một chuyến du hành thương mại anh ta đi đến một quán ăn ở Paris. Chẳng may chỗ anh ta ngồi bốn bức tường châu lại như một cái vòm làm anh có cảm tưởng mình bị úp trong đó. Người trong phòng càng lúc càng đông. Anh ngồi ngược với cửa ra vào. Khói thuốc càng lúc càng gia tăng với số người. Một cơn sợ hãi khoảng hẹp (claustrophobia) dữ dội xuất hiện. Anh thở ngáp cá, bao tử thắt lại và biết rằng nếu anh không đi ra khỏi nơi đó thì anh có thể chết. Anh xin lỗi các bạn ngồi ăn rồi đi nhanh ra khỏi phòng. Đến một chiếc trụ bên vệ đường, anh ta đứng tựa và thở hổn hển.
Kể từ đó anh phát ra chứng sợ hãi chỗ hẹp. Chứng này càng lúc càng gia tăng làm cho anh sợ hãi cả đi cầu thang máy, ngồi phía sau các xe không có cửa sau, v.v… Sau đó nhờ người bạn chỉ dẫn, anh ta cầu nguyện và thực hành thiền, theo dõi hơi thở, làm cho tinh thần thoải mái và từ đó bệnh tình thuyên giảm, đời sống trở lại tốt đẹp.
Ông Norman Cousin là người bị ung thư và các bác sĩ cho biết ông sẽ không còn sống bao lâu. Ông ta không chấp nhận điều đó và thực hành chương trình tự chữa trị lấy qua đời sống an vui, thoải mái và tươi mát. Sau đó ông ta lành bệnh, viết sách nói về sự tự chữa trị bệnh ung thư và trở thành một người nổi tiếng. Khi làm việc cho trường đại học UCLA ở California, người ta gởi đến ông một bệnh nhân ung thư vì một lý do đặc biệt là bà này không chịu mổ cắt ung thư nơi ngực dù bệnh đang ở trong thời kỳ nguy kịch. Ông Cousin cho bà thử phương pháp làm gia tăng nhiệt độ của bàn tay. Nữ bệnh nhân tỏ ra một người có khả năng đặc biệt trong việc này. Bà đã làm cho bàn tay tăng đến 14 độ (fareinheit). Sau khi được hướng dẫn thực hành các phương pháp thiền quán, bà trở về lại nhà thương. Các bác sĩ khám nghiệm và thấy vùng ung thư hoàn toàn biến mất.
Sự yên vui, thoải mái, tỉnh thức và niềm tin có thể tạo nên những kết quả kỳ diệu cho sức khỏe. Ngược lại sự lo lắng, sợ hãi hay giận dữ cũng có thể tạo ra những bệnh tật cho ta. Ngoài ra, có những trường hợp sự giận dữ hay hung hăng thái quá có thể tạo ra những cái chết bất ngờ.
Tự Giết Mình Bằng Sự Tức Giận
Bác sĩ Deepak Chopra kể lại câu chuyện anh Arthur Elliott, một luật sư trên 30 tuổi đến phòng cấp cứu bệnh viện vào buổi tối vì anh ta cảm thấy bị đau buốt nơi ngực. Bác sĩ trực khám và thấy không có triệu chứng gì của bệnh tim cả và vì anh không có bệnh tim trước đây nên bác sĩ này cho rằng anh ta chỉ bị vọp bẻ nơi bắp thịt ngực cùng dặn ngày mai anh trở lại để làm một cuộc khám nghiệm toàn diện.
Anh trở về nhà một cách miễn cưỡng. Một giờ sau đó, một cơn đau ngực tái phát và anh lại chạy vội đến nhà thương. Bác sĩ Deepak khuyên nhủ anh vài lời nhưng tinh thần anh ta rất căng thẳng. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ thấy không có gì đáng ngại nhưng cũng quan sát nhịp đập của tim anh qua tâm động đồ (máy chiếu lên màn ảnh hay ghi trên giấy đồ biểu nhịp đập của tim.) Cũng không thấy có dấu hiệu gì bất thường cả.
Sáng hôm sau, để cho chắc chắn hơn, viên bác sĩ này lại nhờ các đồng nghiệp quan sát kỹ kết quả trên tâm động đồ của anh và thấy có một sự sai biệt rất nhỏ. Bác sĩ Deepak thông báo với anh Elliott: “Đó có thể là bắp thịt tim của anh bị tổn thương rất nhỏ giữa hai thời kỳ bị đau vào tối hôm qua.” Bác sĩ định nói thêm là điều này cũng không có gì nguy hại cho anh ta vì quả tim lành mạnh thường có khả năng làm cho vết thương nhỏ ấy lành nhanh chóng. Tuy nhiên, anh ta vội la lên: “Điều này thật quá sức! Các anh chẳng coi tôi ra cái gì cả. Các anh chỉ quan tâm khi tôi bị chết mà thôi. Các anh không thể chạy chối vào đâu được. Tôi sẽ làm cho các anh trả đúng mức những điều các anh làm!” Nói khác đi người luật sư này muốn kiện các ông bác sĩ về tội hành nghề không chu đáo. Anh ta liền bốc điện thoại gọi ngay cho đồng nghiệp của mình và tinh thần mỗi lúc một thêm căng thẳng. Huyết áp của anh lên cao quá mức, các bác sĩ chỉ cho anh thuốc giảm áp huyết cùng an thần. Tuy vậy, không gì thay đổi tình trạng được cả.
Một giờ sau đó, khi miệng vẫn đang tiếp tục nói trong điện thoại, anh bị một cơn đau ngực dữ dội và anh chết sau đó do bắp thịt tim bị toét, có thể do những chấn động dữ dội của mạch máu vào tim.
Điều đáng chú ý là mạch máu anh ta không bị chất cholesterol đóng, anh lại không hút thuốc, không bị chứng áp huyết cao, bắp thịt tim cho tới trước lúc đó không bị bệnh hoạn hay hư hại gì cả. Như thế, anh chết không phải vì bệnh mà vì cái nhìn sai lầm về điều đang xảy ra. Cái nhìn sai lầm ấy tạo nên sự tức giận đưa đến cơn kích động làm cho anh chết.
Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy rõ đó là sự chấp dính vào các điều không có thật. Những điều ấy xuất hiện rồi thay đổi mà đức Phật gọi chung là các pháp hữu vi: những màu sắc, dáng vóc, âm thanh, mùi, vị, những cảm giác của thân thể cùng các hiện tượng bên trong hay bên ngoài chúng ta đều do các yếu tố kết hợp với nhau mà thành tùy theo các điều kiện xuất hiện nên gọi là duyên hợp. Chúng luôn luôn thay đổi, chuyển biến tùy theo các điều kiện thuận hay nghịch xuất hiện. Do đó, chúng ta phải thấy rõ tính cách năng động, chuyển biến không ngừng và đừng dính mắc vào cái thấy sai lầm về tính cách cố định của sự vật theo cái thấy biết bị giới hạn của chúng ta vì chúng:
“Như mộng, huyễn, bọt, bong,
Như sương cũng như điển…”
Kinh KimCang
Niềm Tin Có Khả Năng Làm Lành Bệnh
Trong giới y sĩ, câu chuyện chữa trị đặc biệt do bác sĩ Bruno Kloper kể lại đã trở thành một câu chuyện phổ biến trong giới này và trở thành một ví dụ của sức mạnh của niềm tin. Bác sĩ Kloper chữa trị cho một bệnh nhân, ông Wright, bị bệnh ung thư hạch bạch huyết. Người ông ta bị sưng lên với những cục bướu ung thư nhiều lúc lớn bằng quả cam và chảy ra hơn cả lít nước trắng đục. Mọi người đều biết ông ta không còn sống lâu nữa.
Ông Wright vẫn còn muốn sống. Ông nghe có một loại thuốc trị ung thư mới tên là Krebiozen đang được thử nghiệm. Ông ta muốn dùng loại thuốc đó. Ban đầu bác sĩ không đồng ý vì điều kiện thí nghiệm thuốc mới đòi hỏi bệnh nhân phải sống ít nhất vài tháng trong khi các bác sĩ cho rằng ông ta chỉ sống được vài tuần. Nhưng vì sự thiết tha năn nỉ mà bác sĩ mềm lòng nên chích thuốc này cho ông.
Mười ngày sau khi chích thuốc, ông ta hoàn toàn như hết bịnh. Sau đó tin tức từ báo chí cho biết loại thuốc thí nghiệm nói trên không có hiệu quả thì bệnh tình của ông ta lại trở nên trầm trọng như trước. Các bác sĩ nhận thấy sự liên hệ kỳ lạ này nên quyết định một cuộc thí nghiệm đặc biệt. Bác sĩ ông ta quyết định cho chích một thứ dung dịch không phải thuốc nhưng vô hại và nói với ông Wright đây là loại thuốc trị ung thư Krebiozen được cải tiến và liều thuốc chích mạnh gấp đôi. Để cho sự mong muốn được chích thuốc gia tăng, viên bác sĩ hoãn giờ chích thuốc lại và cho bệnh nhân với dáng vẻ vô cùng trịnh trọng.
Cũng như trước đây, chỉ vài ngày sau là các cục bướu nơi ngực ông Wright xọp xuống, nước thôi chảy và khỏe dần. Cũng như lần trước, ông lại rời bệnh viện với thân thể lành mạnh không còn những triệu chứng như trước. Điều làm cho nhân viên bệnh viện ngạc nhiên là ông Wright không được chích thuốc và chỉ được chích nước lạnh khử trùng.
Ông sống khỏe mạnh được hai tháng thì tin tức về loại thuốc kia được báo chí phổ biến một thông cáo của hiệp hội Y Khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) như sau: “Cuộc thí nghiệm toàn quốc về loại thuốc Krebiozen chứng tỏ loại thuốc này vô dụng trong việc chữa trị ung thư.” Vài ngày sau ông lại xuất hiện ở bệnh viện, lần này ông ta hoàn toàn tuyệt vọng với những bướu ung thư nổi lên như trước. Chỉ hai ngày sau, ông ấy qua đời.
Trường hợp một tu sĩ Thần Đạo (Shinto) của Nhật Bản lại có kết quả ngược lại chuyện trên. Một toán bác sĩ ở trường đại học y khoa Kyushu ghi lại một trường hợp nghiên cứu về sự lành bệnh đặc biệt của một bệnh nhân với tên H. trong tài liệu nghiên cứu. Bệnh nhân bị ung thư nơi cổ họng và được các bác sĩ cắt chỗ ung thư. Vài tháng sau, ông ta trở lại cho biết bị đau vùng cổ họng. Bác sĩ khám và thấy vùng phát âm nơi cổ ông bị ung thư, họ đề nghị mổ. Nhưng ông ta là một người lãnh đạo tinh thần và phải thuyết giảng cho tín đồ nên không chịu giải phẫu vì sẽ không còn nói được. Sau khi về nhà, ông thăm một người cấp trên và ông này nói: “Ông là một bảo vật của giáo hội chúng ta.” Câu nói đó làm ông cảm xúc rất nhiều và quyết định tiếp tục thuyết giảng.
Nhiều năm sau đó bác sĩ khám lại và thấy ung thư nơi vùng cổ hoàn toàn biến mất. Ông ta qua đời ba mươi năm sau kể từ ngày ông khám nghiệm bị ung thư do một chứng đau lưng.
Những Khả Năng Kỳ Diệu Của Con Người
Chúng ta hãy quan sát những gì tích cực đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Nhiều người Mỹ trong phong trào khám phá khả năng kỳ diệu của con người cho rằng sự sợ hãi chỉ là hậu quả của cái nhìn sai lầm về thực tại. Do đó, họ nhấn mạnh sự sợ hãi FEAR là những chứng cứ, những hiện tượng được nhận biết một cách sai lầm (False Evidence Appears Real.) Như trước đây chúng ta sợ phỏng tay khi chạm vào lửa cho nên hễ thấy lửa là sợ, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể bước qua lửa được. Đến khi đọc kinh Pháp Hoa nơi phẩm Phổ Môn nói rõ nếu chúng ta nhất tâm niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì rớt xuống lửa không phỏng chúng ta không dám tin là có thật.
Thân thể chúng ta có sự thông minh cùng nhiều khả năng kỳ diệu mà chúng ta chưa biết. Bác sĩ Herbert Benson thuộc viện đại học Harvard đã cử phái đoàn đến vùng Hy Mã Lạp Sơn để nghiên cứu khả năng kỳ diệu của các tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng thực hành pháp môn Tam Muội Hỏa. Những vị thầy này ngồi nơi vùng băng tuyết cả ngày mà không bị lạnh. Họ đã sử dụng những năng lực mà người thường không biết đến.
Một phương pháp để vượt qua những chướng ngại trong đời sống được nói đến trong kinh Phổ Môn: Niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát để được ngài ban cho mọi điều an lành. Nếu kẻ nào bị rớt xuống hầm lửa mà niệm danh hiệu ngài thì không bị phỏng.
Các vị thiền sư thường nhấn mạnh đến tính cách vô ngã nên giải thích là khi niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát đến mức độ tâm ở trong trạng thái đại định thì không còn cái ngã, cái tôi nữa. Lúc đó tuy thân có bị phỏng nhưng không có cái “tôi bị phỏng.” Hoặc các ngài nhấn mạnh đến lửa ở trong phẩm Phổ Môn là lửa tham. Khi hoàn toàn chú tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm đến thì lửa tham thôi đốt tâm ta.
Có những vị khác lại nhấn mạnh đến tính cách tròn đầy, viên dung, giữa lý và sự. Các hiện tượng tương đối và tuyệt đối cùng biểu lộ một lúc. Khi tâm ở trong trạng thái an định thì thân sẽ không bị phỏng khi bước đi trên than hồng.
Nhiều vị tăng sĩ Tây Tạng và Tích Lan thực hành bước qua than lửa mà không bị phỏng. Chúng ta biết trong phẩm Phổ Môn, thuộc kinh Pháp Hoa, đức Quán Thế Âm dạy tình thương yêu, lòng từ bi, có sức mạnh kỳ diệu và hãy luôn luôn sống trong năng lực của lòng thương yêu rộng lớn đó:
“Chân quán, thanh tịnh quán
Trí tuệ quán rộng lớn
Bi quán và từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng…
Ánh hào quang thanh tịnh
Chiếu xuyên màn u tối
Tiêu diệt lửa tai ương
Chẳng nơi nào không hiện.”
Về phương diện khoa học, nhiều bác sĩ hiện nay xác nhận tình thương yêu là một năng lực bảo vệ cơ thể và chữa trị bệnh tật. Niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm để khai mở lòng từ bi, tình thương yêu rộng lớn. Nhất tâm niệm danh hiệu Ngài tức là chúng ta ở trong trạng thái tâm an định. Khi có sự định tâm và sự khai mở lòng thương yêu trong sáng đó thì cơ thể chúng ta phát ra một năng lực kỳ diệu nên chúng ta sẽ không bị phỏng khi bước qua lửa.
Nếu chúng ta một lần bước qua lửa mà không bị phỏng thì chúng ta hiểu rõ một cách cụ thể cùng tin chắc về khả năng kỳ diệu của con người trong nhiều lãnh vực khác, nhất là khả năng sống đời an vui, giác ngộ và hạnh phúc bao la trong cuộc sống này.
Đức Phật dạy chúng ta về tính cách vô thường, vô ngã, bất tịnh và khổ đau của những ai thích bám víu vào những sự hiểu biết sai lầm, cho những ý tưởng thoạt đến thoạt đi, cho những vui, buồn, thương, ghét, giận hờn, sợ hãi là cái tôi (ngã) của mình, là con người thật sự của mình mà không biết các hiện tượng ấy chuyển biến không ngừng (vô thường) do những yếu tố bên ngoài và bên trong kết hợp (duyên khởi) mà xuất hiện nên nó không phải có cá tính riêng biệt, không thay đổi như vậy (vô ngã). Những khổ đau của thân và tâm do những sự xáo trộn làm vẩn đục trạng thái trong lành (bất tịnh) cho thân và tâm tạo ra khổ đau cho chúng ta. Nhưng vô thường, vô ngã, bất tịnh và khổ đau ấy là đặc tánh của những ý tưởng sai lầm, những tâm tư xao động và khổ đau trong tâm mê mờ. Do đó, trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy hãy thấy rõ những hiện tượng sinh diệt và vô thường ấy là những thứ thoáng hiện, thoáng mất, thực chất không có thật, chẳng khác gì cơn mộng hay ảo ảnh, bọt nước, như sương, như điện chớp.
Các sự lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, khổ đau tuy không phải là sự chân thật nhưng chúng tạo nên một áp lực nặng nề nơi chúng ta. Khi chúng ta thực hành đạo Phật trong đời sống hàng ngày và khai mở được tình thương yêu rộng lớn của đại từ, thấy được tánh cách trong sáng rỗng lặng, tỏa chiếu và tràn đầy của mọi hiện tượng thì lòng chúng ta tràn đầy một niềm an vui kỳ diệu. Vì sao? Vì tánh tự nhiên sẵn có nơi chúng ta hay chân tâm, Phật tánh vốn rộng lớn, an vui, trong lành và tinh sạch như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rõ:
“Chúng sanh vốn có sẵn Phật tánh chứ chẳng phải từ nơi khác đem đến. Ví như có người trong chiếc áo có sẵn viên ngọc như ý mà chẳng hay biết. Chẳng khác nào mình có bảo vật trong kho tàng mà chẳng tự biết để đến nỗi phải chạy để tìm miếng ăn nuôi sống hàng ngày.”
Sống với tâm trong sáng, rộng lớn, an vui, là sống với cái chân thường, chân ngã, chân lạc và chân tịnh của chân tâm, tâm chân thật, của Phật tánh, tánh trong sáng, rộng lớn bao la, tràn đầy an vui kỳ diệu, tràn đầy niềm hạnh phúc sâu thẳm nơi chúng ta. Điều ấy đức Phật nhấn mạnh trong kinh Đại Niết Bàn và khuyến khích chúng ta hãy tiến lên trên con đường thực hành hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Nói khác đi là thực hành Bồ Tát Đạo trong đời sống hàng ngày.