Tam Tự Quy Y Là Gì ?

18/09/20201:00 SA(Xem: 26164)
Tam Tự Quy Y Là Gì ?

“TAM TỰ QUY Y” LÀ GÌ ?
Thích Nữ Hằng Như

 

quy y tam bao
Bản giới điệp cấp cho Phật tử sau khi quy y tam bảo

Trong thời gian qua có đôi lần, thiền sinh yêu cầu chúng tôi giải thích cụm từ Tam Tự Quy Y Là Gì? ”. Nay thuận duyên chúng tôi gửi đến các bạn bài viết về đề tài quy y nầy. Muốn hiểu ý nghĩa của “Tam Tự Quy Y ” trước hết chúng ta cần biết rõ “Tam Quy Y ” là gì?

 

I. “TAM QUY Y” HAY “QUY Y TAM BẢO” LÀ GÌ?

Quy nghĩa là “quay về, trở về” hay “hồi chuyển (tâm ý)”. Y là “nương tựa”. Quy Y cũng có nghĩa là “Kính vâng” hay “Phục tùng”. Tam là chỉ ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. “Tam Quy Y ” hay “Quy Y Tam bảo” nghĩa là quy kính, nương tựa nơi ba ngôi quý báu đó là Phật, Pháp và Tăng.

Nói đến sự quý báu, người đời thường xem trọng vàng bạc, ngọc ngà, châu báu, danh vọng, quyền cao chức lớn… Họ cho đó là những thứ quý báu,  vì không phải người nào cũng có thể sở hữu. Tuy nó được xem là quý giá, nhưng nó chỉ là vật ngoài thân. Giá trị của nó luôn thay đổi, trồi sụt, lên xuống tùy theo kinh tế thị trường. Vả lại vàng bạc châu báu đó không cứu nổi con người thoát khỏi cảnh già, bệnh, chết… ngược lại chính nó là nguyên nhân gây nên phiền não lo lắng cho người sở hữu nó. Thời gian hưởng thụ thích thú những thứ này thì ít, mà thời gian lo sợ có ngày phải cầm bán hay lo sợ bị mất mát vì trộm cướp .v.v… thì nhiều. Riêng Phật, Pháp, Tăng có đủ năng lực giúp cho con người thoát mọi phiền não khổ đau, không phải chỉ một đời mà còn giá trị cho nhiều đời về sau nữa… cho nên những người tu theo đạo Phật một lòng tôn kính xem Phật, Pháp, Tăng là ba viên ngọc quý báu gọi chung là Tam bảo.

            -  Viên ngọc quý báu thứ nhất là Đức Phật.

               Phật phiên âm từ tiếng Phạn là Buddha. Người Trung Hoa dịch là Giác giả, nghĩa là đấng hoàn toàn giác ngộtừ bi vô hạn.  Suốt 45 năm kể từ ngày thành đạo, Đức Phật đã không ngừng nghỉ việc hoằng pháp hướng dẫn chúng sinh đến chỗ thoát khổ giác ngộ như Ngài. Người đời suy tôn Phật là đấng tự giác, giác tha viên mãn, là vị Cha lành của tất cả chúng sinh, là vị Đại Đạo Sư của mười pháp giới. Người ta một lòng tôn thờ Ngài qua các đức hiệu: Như Lai (là thể bất sanh, bất diệt, bất động gọi là “Như”. Tuy thể không sanh không diệt, nhưng tùy lợi ích chúng sinh, mà Ngài hằng tùy duyên ứng hiện (đến) giáo hóa chúng sinh nên là “Lai”), Ứng Cúng (bậc xứng đáng được Người Trời cúng dường), Chánh Biến Tri (hiểu biết chân chánh trùm khắp không giới hạn), Minh Hạnh Túc (bậc đạo đức đầy đủ Tam minh), Thiện Thệ (khéo léo vượt qua các cõi trong tam giới), Thế Gian Giải (hiểu thấu tất cả các pháp ở thế gian), Điều Ngự Trượng Phu (chinh phục tất cả mọi loài, mọi người trên thế gian), Thiên Nhân Sư (là thầy của Trời  và Người), Phật (giác ngộ, sáng suốt trùm khắp), Thế Tôn (trong tam giới, ai ai cũng tôn kính Ngài).

        Quy y Phật có nghĩa là quay về nương tựa vào vị Đại Giác Ngộ, nhờ vào sự hướng dẫn của Ngài để chúng ta chuyển đổi nhận thức, khơi dậy bản tánh thiện lành, buông tham sân si, quay về với tự tánh sáng suốt vốn sẵn có trong mỗi con người chúng ta. Học Phật là học theo con đường tập hợp phước đức và phát huy trí tuệ. Phước đứctrí đức ấy nhằm mục đích đưa chúng ta đến tự giác, giác tha, xây dựng  một cuộc sống hiện tại an lạc cho mình và cho mọi người chung quanh, đồng thời chuẫn bị cho kiếp sống tương lai muôn phần tốt đẹp hơn.

      - Viên ngọc thứ hai của Tam bảo là Pháp.

        Pháp dịch từ tiếng Phạn là Dharma. Đây là những lời dạy chân thật của bậc phước trí vẹn toàn. Pháp Phật toàn bích, toàn thiện ở phần đầu, phần giữa và phần sau nên Pháp ấy vô giá trong mọi lúc mọi thời. Là phương pháp giảng dạy có hệ thống tùy theo căn cơnguyện lực của chúng sanh mà có pháp cao hay pháp thấp. Nhưng chung quy pháp nào cũng nhằm dẫn dắt, giúp chúng sinh điều phục mọi cám dỗ thế gian vượt qua những hệ lụy khổ đau của ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy.

Quy Y Pháp, thực hành theo lời dạy của Đức Phật sẽ đoạn tận mọi phiền não, khổ đau, vượt thoát màn vô minh, khai mở tâm trí sáng suốt, sống đời an vui hạnh phúc. Như đã trình bày, Phật dạy rất nhiều pháp, đủ mọi trình độ, căn cơ…  từ tục đế bát nhã tới chân lý tối hậu, đã được chư Tổ kết tập thành ba tạng Kinh, Luật, Luận.

     -  Viên ngọc thứ ba của Tam bảo là Tăng hay Tăng già:

        Tăng già phiên âm từ tiếng Phạn là Sangha, người Trung Hoa dịch là “hòa hợp chúng”, hay “đoàn thể hòa hợp”. Tăng giàthuật ngữ dùng để chỉ các tu sĩ Phật giáo, là những người đệ tử của Phật, ly khai gia đình, hiến trọn đời cho đạo pháp. Họ cùng sống chung để tu hành, học hỏi và luôn giữ giới luật của Phật. Họ sống hòa thuận nâng đỡ lẫn nhau trên mọi mặt theo đúng tinh thần Chánh pháp. Nhìn chung, Tăng già là một đoàn thể có tổ chức, có lý tưởng, có nhiệm vụ cao cả nhất thế gian. Là đoàn thể đáng kính vì các thành viên của đoàn thể này đã phát nguyện sống cuộc đời tỉnh thức và luôn mang hoài bảo mang Pháp Phật đến với mọi người.

         Quy y Tăng là kính nể, tôn trọng, thực hành những lời dẫn dắt của  chư Tăng, vì các vị ấy là người đang đi theo con đường của Phật. Sau khi Phật nhập diệt, Tăng già tiếp tục thay Ngài hoằng truyền Chánh pháp cứu độ chúng sanh một cách chánh trực.

        Tóm lại Phật, Pháp, Tăng là những viên đá quý thể hiện phẩm hạnh tối cao vượt qua tất cả những báu vật trên thế gian. Phật, Pháp, Tăng có thể giúp chúng ta giải tỏa những nỗi khổ đau và thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Cho nên quy y Tam bảo có nghĩa là chúng ta quay về nương tựa vào Tam bảo, tìm kiếm sự bảo vệ từ Tam bảo bằng cách học hỏithực hành theo đúng lời dạy của Tam bảo để sớm được giải thoát ra khỏi mọi đau khổ.

 

II. PHÂN LOẠI TAM BẢO

        Trong quyển Phật Học Phổ Thông bài “Quy Y Tam Bảo”,  cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã chia Tam Bảo thành ba bậc.  Thứ nhất  là Đồng thể Tam  Bảo, thứ hai là Xuất thế gian Tam Bảo và  thứ ba là Thế gian trụ trì Tam Bảo.

        1. Đồng Thể Tam Bảo:  Gồm 3 đồng thể, đó là: Đồng thể Phật bảo, Đồng thể Pháp bảoĐồng thể Tăng bảo. Đồng thể Phật bảo, ý nói tất cả chúng sinh cùng chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt. Đồng thể Pháp bảo nhằm chỉ tất cả chúng sinh cùng chư Phật đồng một pháp tánh bình đẳng, từ bi. Đồng thể Tăng bảo là nhằm chỉ tất cả chúng sinh đồng một thể tánh thanh tịnh; “sự lý”  hòa hợp.

       2. Xuất thế gian Tam Bảo: Gồm 3 ngôi xuất thế gian, đó là: Xuất thế gian Phật bảo là chỉ cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư Phật trong mười phương ba đời đã tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian. Xuất thế gian Pháp bảo là chỉ cho Chánh pháp của Phật, có công năng làm cho chúng sinh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, như Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyênLục độ v.v...  Xuất thế gian Tăng bảo là chỉ cho các vị thánh Tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như đức Quan-Thế-Âm, Đại Thế-Chí, Văn-Thù, Đại Ca-Diếp, A-Nan v.v…

     3. Thế gian trụ trì Tam Bảo: Gồm ba ngôi trụ trì, đó là Thế gian trụ trì Phật bảo như Xá lợi của Phật, các loại tôn tượng, hình ảnh Đức Phật được tôn thờ trong  chùa chiền, thiền viện hay tại các tư gia Phật tử trong dân gian. Thế gian trụ trì Pháp bảo, chỉ ba tạng giáo điển: Kinh, Luật, Luật, viết hay in trên giấy, trên vải, trên lá buông, băng DVD, trên social media networks ..v.v… Thế gian trụ trì Tăng bảo chỉ các vị Tỳ kheo hiện tiền tu hành chân chánh, đạo đức trong sạch, giới luật trang nghiêm .

 

                                                    III.  LỄ QUY Y TAM BẢO

“Lễ Quy Y Tam Bảo”nghi lễ hợp thức hóa cho một hay nhiều người trở thành đệ tử của Phật, gọi chung là “Phật tử”. Lễ này thường được tổ chức tại Chùa hay Thiền viện, gồm những nghi thức: Niệm hương, bạch Phật, Tán hương cúng dườngđảnh lễ Tam bảo. Trong buổi lễ quy y, ngoài nghi thức sám hối, có nghi thức quan trọng là lễ phát nguyện: “Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Khi đã thành tâm phát nguyện trước Tam bảo thì vị này đã là Phật tử chính thức, được thầy bổn sư trao truyền năm giới:  “Một là suốt đời không sát sanh, hai là không trộm cắp, ba là không tà dâm, bốn là không nói dối, năm là không uống rượu”. Tùy sự phát tâm của mỗi Phật tử,  họ có thể tự hứa thọ hai giới hay ba giới hoặc trọn năm giới … để tuân thủ trong đời sống hằng ngày. Nhưng thông thường các Phật tử được khuyên là cố gắng giữ trọn năm giới. Tại sao vậy? Tại vì người giữ trọn năm giới là người có nếp sống đạo đức. Người sống đạo đức là người sống an lạc vì không làm khổ mình và khổ người.

Sau khi quy y Tam bảothọ giới, vị thầy bổn sư sẽ phát cho người đệ tử một giấy chứng nhận Quy Y Tam Bảo, trên đó có ghi ngày tháng quy ypháp danh. Pháp danh là tên trong đạo do thầy bổn sư ban cho. Pháp danh được xử dụng trong gia đình tâm linh, nghĩa là giữa thầy trò và các bạn đạo với nhau. Giấy chứng nhận Quy Y Tam bảo cũng giống như tờ giấy khai sanh, đánh dấu từ ngày này người Phật tử tham dự vào một cuộc sống mới về tâm linh, có một hướng đi mới nương vào Tam Bảo tu tập  cầu giác ngộ giải thoát.

 

 

                          IV. NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA

          Đã quy y Tam bảo, chính thức trở thành đệ tử của Phật, chúng ta cần phải  tìm hiểu về Đức Phật, người đã khai sáng đạo Phật.  Chúng ta tìm hiểu cuộc đời của Ngài từ khi mới đản sinh cho đến ngày rời bỏ cuộc sống xa hoa trong hoàng cung như thế nào? Tại sao từ một vị Thái Tử văn võ song toàn, vợ đẹp con xinh, trước mặt là chiếc ngai vàng trị vì thiên hạ đang chờ đợi, mà vị Thái Tử ấy lại buông tất cả, chọn cuộc sống lang thang của người khất sĩ rày đây mai đó?

        Là đệ tử chúng ta cần tìm hiểu xem đoạn đường tu tập của Ngài ra sao? Ngài đã tự thắng bản thân của Ngài như thế nào?  Và sau khi thành đạo Ngài đã làm gì cho chúng sanh?

         Có tìm hiểu rõ ràng về bậc Giác Ngộ. Người Phật tử mới vững lòng tin nơi Tam bảohết lòng nương tựa vào Tam bảo, lo tiến tu để đạt được cứu cánh thoát khổ giác ngộ như bậc Vô thượng đã sáng lập ra đạo Cả.

         Muốn đạt mục đích thoát khổ thì người Phật tử ít ra cũng phải thông suốt pháp học và pháp hành theo đúng Chánh pháp. Cho nên dù không ai bắt buộc nhưng người Phật tử tại gia cũng có nhiệm vụ, là ngoài việc tìm học giáo lý từ Tăng già, còn phải áp dụng bài học đó vào đời sống hằng ngày của mình, giữ gìn năm giới đạo đức mà  mình đã thọ nhận trong buổi Lễ Quy Y Tam bảo. Năm giới này chính là năm chiếc áo giáp bảo vệ không để chúng ta phạm những lỗi lầm trầm trọng cản trở bước tiến tu của chúng ta.  

        Ngoài ra, người Phật tử cũng cần biết sinh hoạt của Quy Y Tam bảo có hai phương diện. Đó là diện “Sự” và diện “Lý”.

 

                                                         A. “SỰ” QUY Y TAM BẢO

        Đã quy y Tam Bảolãnh thọ năm giới rồi, thì chúng ta phải thực hành Tam Quy bằng sự tướng cung kính, vâng theo Tam Bảo, gọi là “Sự Quy Y Tam bảo”.

      - Sự Quy Y Phật: Hằng ngày chúng ta phải luôn tưởng nhớ hạnh tu của Đức Phật bằng cách niệm đức hiệu Ngài, chúng ta nên thường chiêm ngưỡng tôn tượng, hình ảnh của Ngài. Chúng ta luôn thành tâm đảnh lễ  Đức Phật để tỏ lòng cung kính và nguyện suốt đời học hỏi, tu tập theo lời Phật dạy. Đó là hành động quy y Phật, mà thuật ngữ gọi là “Sự Quy Y Phật”.

     - Sự Quy Y Pháp: Hằng ngày tụng đọc kinh, luật, luận, sớm hôm hai thời công phu tìm hiểu nghĩa lý thâm huyền của Pháp bảo. Nếu chưa hiểu rõ ý nghĩa thâm sâu chỉ tụng đọc suông cũng có ích lợi, vì khi tụng đọc kinh điển, tâm trí chúng ta không khởi nghĩ đến những việc xấu ác. Nhờ vậy mà tâm chúng ta được an lành, thanh tịnh. Đó là “Sự Quy Y Pháp”.

     - Sự Quy Y Tăng: Chúng ta thường nghe nói: “trọng Phật phải kính Tăng”. Cho nên chúng ta thành tâm thờ Phật bao nhiêu thì chúng ta phải thật lòng kính Tăng bấy nhiêu, vì hiện tại Đức Phật đã nhập diệt, nếu không có những vị Tăng nối tiếp mạng mạch Phật giáo thì đạo từ bi và trí tuệ sẽ không còn.  Vì thế, khi người Phật tử nhìn thấy một vị có tướng “đầu tròn áo vuông, chân chính tu hành, giữ gìn giới luật…”  thì khởi tâm kính quý, nể trọng, xem vị đó như là đại diện của Đức Phật. Hành động như vậy là “Sự Quy Y Tăng”.

 

                                  B. “LÝ” QUY Y TAM BẢO hay “TAM TỰ QUY Y”

            “Lý Quy Y Tam Bảo” hay “Tam Tự Quy Y” nghĩa là người Phật tử ngoài “Sự Quy Y Tam Bảo”, bày tỏ lòng ngưỡng kính của mình đối với Tam Bảo qua các nghi lễ Phật giáo, tụng kinh, niệm Phật, người Phật tử chân chính cần dành thời giờ tu tập thiền định, nhận ra ba ngôi Tam bảo bên trong chính mình, chứ không phải lúc nào cũng bái lạy cầu tìm Tam Bảo ở bên ngoài, mà phải “Lý Sự” viên thông, khế hợp cả hai một cách hài hòa. Chúng ta có thể hiểu “Sự” là hình thức bên ngoài, là tu cái tướng, còn “Lý” là quay về bên trong, là tu cái tánh.

       Ai cũng biết,  trong nghi thức các khóa lễ,  bắt đầu chúng ta thường lễ Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Cuối khóa lễ thường tụng Tam Tự Quy Y: “ - Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo đạo cả, phát vô thượng tâm. - Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sinh thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển. – Tự  quy y Tăng, xin nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng hết thảy không ngại”.                                      Vậy tự quy y quy y như thế nào?

       - Tự Quy Y Phật: Quy y Phật, Pháp, Tăng là quy y bên ngoài, còn “tự quy y” là trở về nương tựa Tam bảo nơi mỗi người. Tự là mình. “Tự quy y Phật” là trở về nương tựa Phật của chính mình, nghĩa là mình trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình.  

      Đức Phật đã từng nói “chúng sanh, ai cũng có Phật tánh” nhưng tại sao chúng ta không thấy Phật tánh? Đó là do chúng ta đã huân tập quá nhiều tập khí, lậu hoặc từ ngày này sang ngày khác vào trong tâm của chúng ta. Những tập khí lậu hoặc đó là những thói quen tốt có, xấu có, là những tư tưởng so sánh, phân biệt, thương ghét, giận hờn, tham, sân, si…  Những thứ này trong nhà Phật gọi là màn vô minh. Màn vô minh này mỗi ngày một dày đặc hơn, làm lu mờ thể tánh sáng suốt vốn có sẵn trong mỗi con người khiến cho con người sống trong mê lầm, tối tăm, phiền não. Màn vô minh này giống như đám mây đen dừng lại che lấp mặt trăng khiến cho không gian đang sáng bỗng dưng tối sẫm lại, nhưng khi có cơn gió mạnh thổi tan mây thì ánh sáng của mặt trăng lại xuất hiện chan hòa xuống muôn loài như cũ. Vô minhPhật tánh cũng thế. Hễ Vô minh biến đi thì Phật tánh hiển lộ.

       “Tự quy y Phật” là quay về quy y với chính mình, làm hiển lộ ông Phật trong tâm mình. Làm cách nào để Phật tánh hiển lộ? Căn bản Phật là bồ đề, là giác, là tri, là biết. Khi sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; ngay lúc đó có liền cái biết rõ ràng mà không một niệm dính mắc. Đó là cái biết khách quan trong sáng, là Phật. Còn cái biết sanh diệt thích cái này, ghét cái kia là cái biết chủ quan, hư dối, là phàm phu.

        Về lời nguyệnTự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh hiểu rõ đạo cả phát vô thượng tâm”. Vô thượng tâm là tâm Bồ đềPhật tánh. Tự thân chúng ta không nhận ra được “Phật tánh” của chính mình, thì lời nguyện này chỉ là lời nguyện suông trống rỗng chẳng ích lợi gì cho mình, nói chi cho người khác.

     - Tự Quy Y Pháp:  Là chân lýĐức Phật đã chứng ngộ rồi dạy lại cho chúng sinh. Chúng ta tụng đọc, thuộc lòng pháp Phật dạy, đó là “Sự Quy Y Pháp”. Bây giờ “Tự Quy Y Pháp” là trở về nương tựa pháp Phật ngay tại mình. Đức Phật dạy các pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ v.v…  Chúng ta phải “thể nhập” những pháp đó vào chính đời sống của chúng ta. Nghĩa là chúng ta nhận ra những bài học này Đức Phật dạy cho chính chúng ta. Chúng ta phải áp dụng những bài học này trên chính bản thân của chúng tatu tập để tự mình cứu lấy mình.

         Ví dụ như bài học về Tứ Diệu Đế là bài học nêu lên bốn chân lý: Khổ đế, Tập đế, Diệt đếĐạo đế. Học Tứ Đế, chúng ta biết rằng tất cả mọi người không ai là không khổ. Ta cũng khổ. Muốn thoát khổ thì phải biết nguyên nhân của khổ là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến … là những tác nhân tạo thành quả khổ gọi chung là Tập đế. Dẹp bớt những nguyên nhân này thì khổ đau sẽ dần dần giảm. Khi tiêu diệt được Tập đế thì quả khổ đau sẽ không còn. Ngay đó gọi là Diệt đế. Diệt đế là kết quả do công phu tu tập thực hành Đạo đế. Đạo đếba mươi bảy phẩm trợ đạo, trọng yếuBát thánh đạo gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Thực hành tám điều đó sẽ đưa chúng ta tới địa vị của những bậc hiền thánh, hết khổ được vui. Cho nên Đạo đếnhân tu để diệt hết khổ đế. Khổ đế không còn thì gọi là Diệt đế, là cảnh giới Niết Bàn.     

       Tóm lại, “Tự Quy Y Pháp” là  tự thân mình áp dụng cho được những Pháp căn bản do Phật dạy. Được như vậy, thì lời nguyệnTự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh thâm nhập ba tạng, trí huệ như biển” mới có giá trị được một phần nhỏ đối tam tạng kinh điển.

    - Tự Quy Y Tăng: Quy Y Tăng là nương tựa vào đoàn thể thanh tịnh lục hòa. Ý nghĩa của “Tự Quy Y Tăng” là cá nhân mình phải là một vị Tăng sống “lục hòa” tức là sống đúng theo nguyên tắc hòa hợp như sau: 1) Thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung), 2) Khẩu hòa vô tranh (Góp ý xây dựng trong tinh thần hòa hợp không tranh cãi),  3) Ý hòa đồng duyệt (Thông cảm, không đố kỵ chỉ trích phê phán), 4) Kiến hòa đồng giải (chia sẻ sự hiểu biết đặt trên nền tảng  lợi ích chung), Giới hòa đồng tu (cùng thực hànhtôn trọng giới pháp), Lợi hòa đồng quân (lợi hòa cùng chia).

       Khi mình đã  thực sự sống một đời tu hành đúng theo sáu nguyên tắc mà Đức Phật đã nêu trên, thì việc hoằng pháp sau này của mình sẽ không gặp trở ngại và lời nguyệnTự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh thống lý đại chúng hết thảy không ngại” mới có cơ hội thành tựu.

    

                                                                     V. KẾT

       Ý nghĩa của Quy Y Tam Bảotrở về nương tựa vào Phật Pháp Tăng. Nương tựa ở đây là học hỏi những gì Phật dạy để cãi sửa cuộc sống của chính mình ngày một tốt đẹp thiện lành hơn. Còn Tự Quy Y là mình phải tự quay về chính mình, tự kiểm điểm thân tâm của mình trên con đường tu tập hướng đến quả vị giác ngộ giải thoát, chứ không phải giao phó cuộc đời của mình vào những lời cầu nguyện Tam Bảo suông bên ngoài, bởi vì Đức Phậtvị Đạo Sư trao cho chúng ta pháp tu chúng ta phải tự mình học hỏithực hành. Đức Phật cũng giống như một vị Bác sĩ giỏi, chúng ta là người bệnh tìm đến Ngài. Ngài chẩn đoán và cho toa thuốc, nếu chúng ta không chịu mua thuốc và  uống thuốc thì bệnh sẽ không bao giờ hết.

       Cho nên, bước đầu học Phật, người Quy Y Tam Bảo cần nghiêm trì năm giới. Trong “Tăng Chi Bộ Kinh” có ghi lại lời dạy về các nguồn công đức có được của các vị Thánh đệ tử. Đó là ba nguồn nước thiện đến từ Quy Y Phật, Pháp, Tăng  sẽ mang hạnh phúc, an lạc cho người quy y. Và năm nguồn nước thiện dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc và an lạc…  đó là đoạn tận sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, đoạn tận đắm say rượu men, các chất ghiền nghiện.

        Tóm lại khi người Phật tử đặt trọn niềm tin vào Tam bảothực hiện những gì mình đã thọ nhận trong lúc quy y,  giữ tròn năm giới luật thì người đó đang có được tám nguồn công đức, là tám nguồn nước thiện, là thứ nước an lạc hỗ trợ làm nhân sanh quả Thiên, là quả dị thục an lạc đưa đến cõi Trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc vậy!

      

Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(Chân Tâm thiền thất, 18/9/2020)

 

Tài liệu:

- “Kinh Tăng Chi Bộ ” :  Chương VIII – Tám Pháp – IV. Phẩm Bố Thí (IX) (39) “Nguồn Nước Công Đức”, HT. Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali.

- Sách “Phật Học Phổ Thông” :  Bài “Quy Y Tam Bảo” – HT. Thích Thiện Hoa biên soạn.

- Sách “Những Lời Thầy Dạy” : Bài “Hòa Thượng Dạy Ni Chúng Trúc Lâm”, HT. Thích Thanh Từ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/08/2014(Xem: 27334)
24/05/2011(Xem: 24831)
18/10/2010(Xem: 41015)
18/10/2010(Xem: 44260)
18/10/2010(Xem: 40901)
05/07/2019(Xem: 8857)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.