- Chương 5. Cấu Trúc Biện Chứng Pháp Trung Quán
- Chương 6. Những Phản Đối Chống Lại Mối Quan Tâm Của Biện Chứng Pháp
- Chương 7. Sự Vận Dụng Của Biện Chứng Pháp
- Chương 8. Quan Niệm Của Trung Quán Về Triết Học Như Là Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa
- Chương 9. Tuyệt Đối Và Hiện Tượng
- Chương 10. Biện Chứng Pháp Và Giải Thoát
- Chương 11. Tuyệt Đối Và Như Lai
- Chương 12. Trung Quán Và Một Số Hệ Thống Biện Chứng Pháp Phương Tây
- Chương 13. Tuyệt Đối Luận Của Trung Quán, Duy Thức Và Phệ-Đàn-Đa (Vedānta)
- Chương 14. Đánh giá hệ thống Trung Quán
- Phụ Lục. Chú giải về 20 dạng Tánh Không (śūnyatā)
- Trở Về Tập 1
T. R. V. MURTI
TRIẾT HỌC TRUNG TÂM CỦA PHẬT GIÁO
NGHIÊN CỨU
TRIẾT HỌC TRUNG QUÁN
A STUDY OF THE MĀDHYAMIKA SYSTEM
TẬP II
BIỆN CHỨNG PHÁP NHƯ LÀ HỆ THỐNG TRIẾT HỌC &
TRUNG QUÁN VÀ CÁC HỆ THỐNG TRIẾT HỌC LIÊN QUAN
THÍCH NHUẬN CHÂU dịch
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation
CHƯƠNG 11
TUYỆT ĐỐI VÀ NHƯ LAI
1.NHƯ LAI – TRUNG GIAN TẤT YẾU GIỮA TUYỆT ĐỐI VÀ HIỆN TƯỢNG
Như đã trình bày trong chương trước, Như Lai là nguyên lý trung gian giữa Tuyệt đối, siêu việt tư duy (không; śūnya), và hiện tượng giới. Nhu cầu của vai trò trung gian được cảm nhận trong tất cả các Tuyệt đối luận. Triết học Phệ-đàn-đa phải cầu viện đến Tự tại chủ (Īśvara), tách biệt với Brahman, giải thích cho nguyên nhân khải thị chân lý. Trong Trung quán và Duy thức, chức năng nầy được thực hiện bởi Như Lai (Tathāgata).
Tánh không (śūnyatā) không nhất thiết phải được gọi là tánh không; Thực tại hay Chân lý không được cấu thành theo phương thức là ta có nhận biết nó hay không. Nếu nhận thức của chúng ta cấu thành nên thế giới, thì thực tại sẽ phải nằm trong mối tương quan với người nhận biết nó và hoàn cảnh nó được nhận thức. Nếu thừa nhận điều nầy có nghĩa là chấp nhận cách ngôn của Protogoras,[1] ‘Con người là thước đo vạn vật,’ với nhiều hàm ý của nó. Trong trường hợp nầy thì không có điều gì là sai trái cả, vì mọi hiếu biết được cho là đúng với con người là trong một ngữ cảnh đặc thù. Nhưng Chân lý là phi nhân cách, là đúng đối với tất cả và trong mọi thời gian. Bát-nhã và Tánh không là Bản tế (bhūtakoṭi) hay Pháp tánh (dharmatā), là bản chất nội tại của mọi hiện tượng. Đó là Như như (Tathatā)–tức là ‘cái đó’ (thatness), bất biến trong mọi thời gian (tathābhāvo'vikāritvaṁ). [2] Nó không trở nên tồi tệ khi khôngđược nêu ra (công nhận là Chân lý); nó cũng chẳng trở nên khá hơn khi được nêu ra. [3] Không phải vì một phần thiết yếu của Chân lý mà nó được nhận biết rồi tuyên bố đó là chân lý.
Người bị giới hạn trong phạm vi hiện tượng giới thì không thể nào nhận biết được Tuyệt đối; mọi kinh nghiệm của anh ta đều ở trong và thông qua những phạm trù tư duy vốn là tục đế (saṃvṛti), tức vô minh (avidya). Tuyệt đối không thể nào nhận biết được chân lý; vì chính nó là Chân lý. Hơn nữa, nó cũng không thể tuyên bố chân lý; vì điều nầy đỏi hỏi ngoài tri thức ra, cần phải có những công cụ truyền thông thích đáng và phù hợp. Chỉ những ai hưởng được dạng hiện hữu lưỡng nguyên, đặt một chân trên thế giới hiện tượng và chân kia đứng trong Tuyệt đối, thì người ấy mới có thể nhận ra được Tuyệt đối và khai thị về Tuyệt đối cho người khác. Do đó có sự khác biệt giữa Như như (Tathatā), tức Thực tại hay Chân lý tuyệt đối với Như Lai (Tathāgata) người thực chứng chân lý.[4] Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhiều nơi trong Bát thiên Bát-nhã tụng (Aṣṭasāhasrikā) và các bản kinh khác, được xem là mẹ của chư Phật.[5] Từ vô lượng kiếp, chư Phật vì tâm đại bi, từ địa vị thù thắng đã thị hiện để khải thị chân lý cho tất cả chúng sinh (chư thiên, loài người, và các chúng sinh các cõi giới thấp hơn).
Bản chất Tuyệt đối–tánh không, thì không bao hàm tác dụng khai thị, một chức năng lúc nào cũng kết hợp với Đức Phật–Như Lai (Tathāgata). Tuyệt đối là thực tại phi nhân cách, nằm ẩn tàng bên dưới mọi hiện tượng. Như Lai là Nhân cách thù thắng (Exalted Personality), tức Thế tôn (Bhagavān),[6]siêu việt tất cả mọi giới hạn và có những đức tính trang nghiêm. Dù tánh không, không nhất thiết mang hàm ý là Như Lai, Tuy nhiên, nó cũng không đánh mất thể tính bằng cách thị hiện là người, là chư thiên. Đó là bản chất ‘lưu xuất’ của cái Thiện. Theo thuật ngữ mang đầy ý nghĩa của trường phái triết học Tân-Platon (Neo-Platonic), Như Lai là sự xuất lộ (emanation)[7] của Tuyệt đối.
Có hai luận điểm có thể phản bác quan niệm nầy:
- Không nhất thiết phải có một hữu thể lưỡng nguyên, vì bất kỳ người nào nỗ lực hành trì thì đều có thể nhận ra Tuyệt đối.
- Hữu thể lưỡng nguyên sống giữa Tuyệt đối và con người sống trong hiện tượng giới, là điều không đứng vững về mặt luận lý; ta chỉ có thể là chúng sinh trong cảnh giới Tuyệt đối hay là trong hiện tượng giới, không thể cùng lúc là cả hai.
Có thể nào chúng ta không cần đến sự khải thị hoàn toàn, mà vẫn có được sự nhận biết Tuyệt đối thông qua các phương tiện luận lý thuần thúy chăng? Một người đã bị hạn cuộc trong hiện tượng giới dĩ nhiên sẽ không có phương tiện tri thức nào để có thể hiểu những gì bên ngoài phạm vi đó. Các giác quan của anh ta, ngay cả lý trí (buddhi), đều bị chi phối bởi vô minh (avidyā). Mọi tri thức của anh ta đều nằm trong và thông qua các phạm trù tư duy lý trí (Lý tính; Reason), và lý trí thì thuộc về tục đế (saṃvṛti). Cũng không thể là ý thức biện chứng, vì động lực nội tại của chính nó, không giúp ta nhận biết được Tuyệt đối chăng? Phải chăng chính sự xung đột của Lý tính, vai trò biện chứng của chính đề và phản đề hóa giải được mói xung đột và dẫn chúng ta siêu việt Lý tính? Lớp vỏ cứng của lý trí (buddhi; reason) có thể bị đập vỡ nhờ những áp lực nội tại, mà có khi bị vỡ do những áp lực bên ngoài. Như đã được trình bày, những xung đột nầy là toàn diện và không thể nào tránh khỏi trong triết học, vì những hệ thống triết học với những quan điểm phân kỳ, luôn luôn nổi dậy và kêu đòi chúng ta phải công nhận chúng là chân thực và là hình ảnh duy nhất của thực tại. Xung đột càng mãnh liệt thì kết thúc càng nhanh. Bát-nhã sẽ xuất hiện như là kết thúc cho tiến trình này.
Khả năng không thực tế cho sự xuất hiện ngẫu nhiên của Bát-nhã là điều có thể được thừa nhận. Có lẽ, quan niệm về Bích-chi Phật (Pratyeka Buddha) như là con người, tự mình đạt đến giác ngộ, mà không cần đến sự khải thị của chư Phật, là có nền tảng triết học nầy.[8]
Có những mối quan tâm có ý nghĩa là tại sao những quan niệm trên không thể được chấp nhận trong hình thức nguyên si, chưa bị thay đổi. Xung đột trong Lý tính đã xảy ra, và ý thức biện chứng đã sẵn sàng hoạt động trong mình rồi. Tuy nhiên, đó không phải là tiến trình tự động một cách máy móc.[9] Nếu như vậy, thì bắt buộc bất kỳ người nào như là đối tượng trong tiến trình, và thậm chí cho dù họ là gì, người đó vẫn có Bát-nhã và đạt đến Tuyệt đối; đó là tiến trình cá nhân không thể bị chậm trễ hay tiến nhanh hơn dù với mức độ nào. Điều nầy sẽ loại trừ tính tất yếu cần phải học hay dạy triết học. Tuy nhiên, trường hợp nầy không đúng như vậy.
Tất cả những điều nầy tương phản với phương thức học tập của chúng ta, là thường học từ thầy. Ngay cả đối với các sự thật tự nhiên và các châm ngôn (axioms) thì vẫn cần có thầy để hướng dẫn chúng ta tập trung vào đó. Ý thức biện chứng chắc chắn là có mặt, nhưng đó chính là bậc đã giác ngộ mới có thể làm cho chúng ta hiểu ra ý nghĩa. Đức Phật không tạo ra ý thức biện chứng; mà ngài chỉ là người giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa viên mãn của nó. Trường hợp Bích chi Phật có thể là một ngoại lệ, vì họ tác động đến sự giác ngộ của mình mà không cần sự giúp đỡ của thầy. Nhưng ở đây ta cũng có thể nói rằng trong những kiếp trước, họ đã nhận được những khai thị thiết yếu rồi.[10]
Còn có một phản biện khác, không thừa nhận Như Lai như một người lưỡng cư, sống cùng lúc trong cả hiện tượng giới và bản thể là không đúng về mặt luận lý. Nhân cách là không thích hợp với cảnh giới giải thoát và ngược lại. Hoặc là người đó sống trong hiện tượng giới cho đến khi nào đạt được niết-bàn, hoặc là anh ta ở trong cảnh giới Tuyệt đối. Không có tình trạng trung gian, và cũng không thừa nhận có một hữu thể đóng vai trò trung gian. Trong khoảnh khắc đạt được trí Bát-nhã, người ấy thể nhập toàn diện vào Tuyệt đối. Không có khoảnh khắc nào để người đó tuyên bố là mình đã giải thoát; vì không lưu lại bất kỳ một dạng ghi chép nào. Về mặt luận lý, thậm chí anh ta cũng không biết mình đã giải thoát, vì khi đang trong vòng trói buộc, sẽ là sai lầm khi tự cho rằng mình đã giải thoát, và khi đã giải thoát, anh ta không còn ở trong cảnh ràng buộc nữa để nhận biết mình đã giải thoát, vì ngay lúc đó anh ta đã hiện thân trong cảnh giới Tuyệt đối. Giải thoát trong trường hợp đó là một tiến trình vô thức. Nếu đó thực sự là tình trạng muốn nói, tại sao người phản bác biết rằng có cảnh giới Tuyệt đối. Vì trong chừng mực nào đó, người ấy có thể trở thành Tuyệt đối, nhưng anh ta không biết gì về Tuyệt đối, thậm chí, chừng nào anh ta còn ở trong hiện tượng giới. Không những tự thân anh ta không biết, mà còn bị người khác ngăn trở không cho anh biết nữa. Vì trên phương diện giả thiết (ex hypothesis), những vị đã giải thoát khác cũng chia sẻ cùng một nan đề tương tự, do đó một Tự tại chủ (Īśvara) hay Như Lai là không được thừa nhận. Phản biện mắc vào một nghịch lý: phủ nhận khả tính nhận thức Tuyệt đối của những ai đang hiện hữu một phần trong thế giới hiện tượng; nhưng tự thân người phản biện chỉ có thể làm được khi khả tính nhận thức Tuyệt đối được sở hữu bởi chính người đó.
Giải thoát, vô ngã, là điều phải được công nhận về mặt nhân cách. Không phải là khi đã đạt được giải thoát rồi là ngay tức khắc bị thu hút toàn diện vào Tuyệt đối. Dù có giải thoát, nhưng trong chính hành giả vẫn còn cảm nhận mối quan hệ mật thiết với đồng loại hữu tình và giúp cho họ thoát khỏi luân hồi. Giải thoát không có nghĩa là cự tuyệt tính cách người; cũng không có nghĩa là hoàn toàn bị trói buộc bởi tính cách người. Người đó chỉ có thể là Đức Phật, là Con người Giải thoát.
Chúng ta được nghe kể lại về sự Giác ngộ của Đức Phật Cồ-đàm (Gautama) [11] và sự do dự lúc đầu chưa muốn giảng pháp, về sau vì tâm từ bi đối với chúng sinh,[12] nên ngài mới giảng dạy, là bằng chứng cho sự hiện hữu và tính tất yếu của Con người Giải thoát trong Hiện tượng giới (Free Phenomenal Being).
2.QUAN NIỆM VỀ THẦN TÍNH (GODHEAD)
Tuyệt đối hay tánh không là thực tại tính phổ quát, không mang tính cách người về thế giới. Mặc dù được đồng nhất trong thể tính với Tuyệt đối, Đức Phật chủ yếu là Con người. Ngài là đối tượng của sự thờ phụng và kính ngưỡng. Phật tánh chân thật chỉ có thể thực chứng trong ý thức tôn giáo thích nghi và trong truyền thống được công nhận. Chúng ta có thể chứng minh về mặt luận lý rằng, trong điều kiện tốt nhất, nhu cầu phải có nguyên lý trung gian giữa Tuyệt đối và hiện tượng. Để có được tính chất và phương thức của nguyên lý trung gian, chúng ta phải quay trở lại với tôn giáo.
Đức Phật là Thế tôn (Bhagavān), là God,[13] có đầy đủ năng lực và viên mãn. Ngài có được năng lực vi diệu, oai nghiêm, danh đức, trí tuệ và công hạnh.[14] Ngài đã chuyển hoá sạch mọi tham dục, nghiệp chướng, cùng hai chướng ngại là phiền não chướng (kleśāvaraṇa) và sở tri chướng (jñeyāvaraṇa).[15]Ngài là bậc toàn trí (sarvajña) và nhất thiết chủng trí (sarvākārajña), là bậc chánh biến tri về Tuyệt đối, xuất thế gian (tức trí Bát-nhã), cũng như hiểu biết toàn diện về pháp thế gian. Trí
1. Bất nhị trí (advaya-jñānam): trực giác viên mãn thuần túy về Tuyệt đối, không có sự chia chẻ thành ‘hữu’ và ‘vô.’
2. Đại viên cảnh trí (ādarśa-jñāna): trí huệ tương tợ như tấm gương, mọi vật đều được phản chiếu trong đó.
3. Diệu quan sát trí (pratyavekṣanājñāna): trí huệ quán sát phân biệt được các pháp, từng phần riêng biệt mà không phá hủy điều gì.
4. Bình đẳng tánh trí (samatājñāna): trí huệ nhận biết tính đồng nhất, bình đẳng giữa mình và người khác đều có Phật tánh.
(5) Thành sở tác trí (kṛtyanuṣṭhānajñāna): trí huệ năng động, luôn theo đuổi việc làm lợi lạc cho chúng sinh.[16]
Hai trí huệ đầu tiên, đặc biệt là Bất nhị trí, là thuộc về Pháp thân (dharmakāya) Phật; trí huệ thứ ba và trí huệ thứ tư loài thuộc về Thọ dụng thân hay Báo thân (saṃbhoga; body of bliss); và trí huệ thứ năm thuộc Ứng hóa thân (nirmānakāya; apparitional body), ứng hiện để làm việc làm lợi lạc cho chúng sinh. Bên cạnh nhất thiết trí, Đức Phật còn có những điều viên mãn khác như Mười lực (daśabala; ten Powers), [17] Bốn vô úy (catvāri vaiśāradyāni; four confidences), Ba mươi hai tướng tốt (dvātriṁśat mahākaruṇāḥ; thirty-two mercies),[18] v.v...
Cưu-ma-lợi-la (Kumārila) với những lập luận mạnh mẽ và không kém phần tinh tế, cho rằng chỉ có Thực tại phi nhân cách (Impersonal) và Ngôn ngữ vĩnh hằng (Eternal Word) tức Phệ-đà (Veda) mới có thể là Nhất thiết trí, chứ không phải bất kỳ người nào. Con người là phải bị chi phối bởi tham dục và tính khí cá nhân.[19] Năng lực nhận thức cũng bị hạn chế. Thông qua tu tập, Đức Phật có thể đạt được chân trívề hiện tượng giới nhiều hơn những người khác, nhưng điều đó không bao giờ có thể dẫn đến Nhất thiết trí được.[20] Cũng không có người nào có thể biết được tất cả những chi riết vi tế da dạng của vạn vật và từng phần của nó. [21] Điều nầy làm nẩy sinh câu hỏi: Loại tri thức nào có nghĩa là nhất thiết trí: là cái biết về biệt tướng hay cộng tướng: tri thức đó hoạt động tương tục hay đồng thời?[22] Đức Phật, Vardhamāna, Kapila cùng nhiều người khác tuyên bố đạt Nhất thiết trí; nên khó xác định ai đã thực sự đạt được và ai chưa.[23] Có điều chắc chắn là các vị ấy đã mâu thuẫn lẫn nhau, và không có hai người nào trong số đó có thể xác thực. Cưu-ma-lợi-la (Kumārila) kết luận: Bậc thấu thị (seer) nhìn thấu cõi siêu nhiên, do đó vẫn không hiện hữu; bất kỳ người nào muốn biết điều gì đó, đều phải thông qua Ngôn ngữ vĩnh hằng (Eternal Word) tức Phệ-đà (Veda). [24]
Tuy nhiên, phản bác sự hiện hữu của con người toàn trí không phải là điều hợp lý. Một sự kiện không thể bị từ chối bởi vì nó không được nhận biết bởi mọi người. Có những bằng chứng xác quyết về Nhất thiết trí của Đức Phật; bởi vì, đi theo con đường Đức Phật dạy, con người thoát khỏi luân hồi sinh tử. Phần lớn những phản bác chống lại, thừa nhận nhất thiết trí đều dựa trên giả định rằng, đó là sự thủ đắc một khả năng mới, hay đó là tiến trình gian khổ tăng trưởng kiến thức. Mặt khác Nhất thiết trí gạt ra khỏi tâm thức những nhược điểm tình cờ đã len lỏi vào trong đó. Tự thân lý trí thì trong sáng và thu hút thực tại một cách tự nhiên. [25] Bằng sự quán chiếu phi thực tại tính của các pháp, tức vô ngã tính (nairātmya-bhāvanā), thì lý trí mới có thể rỗng không tất cả khiếm khuyết tức phiền não (kleśa). Nhờ vào loại bỏ các yếu tố chướng ngại nên Nhất thiết trí tự nhiên chiếu sáng, vì không gì ngăn che tầm nhìn của nó.[26] Những người phủ nhận Nhất thiết trí thực ra là phủ nhận khả năng lý trí thoát khỏi phiền não; về mặt luận lý, lẽ ra họ cũng phải phủ nhận luôn cả giải thoát.
Có thể cho rằng khi con người thoát khỏi phiền não, tự bản thân (ipso facto) người đó cũng mất hết năng lực tưởng tượng (ideation), và không thể thông hiểu chân lý. Bởi vì, lý trí (buddhi) đã dừng bặt tác dụng đối với sự giác ngộ của Đức Phật. Ngài trầm tư trong quán chiếu về Tuyệt đối, ngài ở trong tự quán (self-contemplation). Ta biết thậm chí chính Đức Phật không nói một lời từ khi ngài chứng quả bồ-đề cho đến khi ngài nhập niết-bàn.[27] Những lời dạy của ngài được truyền bá như thế nào?
Vài câu trả lời đã được đưa ra bởi các Luận sư Trung quán. Long Thụ phát biểu trong Bốn bài tán ca (Catuḥ Stava):[28] ‘Dù Thế tôn không nói một lời nào, nhưng tất cả môn đệ đều hài lòng với giáo lý của ngài.’ [29] Nguyệt Xứng (Candrakīrti) gợi ý rằng Thế tôn nói ra chỉ một lần vào lúc ngài chứng đắc Bồ-đề, và những lời đó tùy sở cầu và căn cơ của thính chúng, đã quét sạch vô minh nơi họ một cách thiết thực.[30] Đức Phật được ví như viên Như ý bảo châu (cintāmani)[31] hay Như ý thọ (kalpataru), cả hai đều theo sở nguyện khác nhau của chúng sinh mà đáp ứng cho họ được như ý. [32] Tương tự, sự đa dạng trong giáo pháp Thế tôn là do sự sai biệt căn cơ và sự thuần thục của người tìm cầu chân lý (vineyavaśāt).[33]Về phần Đức Thế tôn, động cơ ban đầu để ngài truyền bá chân lý, là do đại nguyện (pranidhāna) của ngài, đem mọi điều thiện lành đến cho tất cả chúng sinh mà ngài đã phát ra trước khi ngài thành tựu Phật quả. Ý hướng từ bi của Đức Phật vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến ngài ngay cả sau khi thành Phật, giống như trục quay bánh xe của người thờ gốm vẫn còn quay khi chiếc bình đã nặn xong.[34]
Bên cạnh Nhất thiết trí và những điều viên mãn khác, điều làm cho Đức Phật trở thành một vị Thần thánh đáng yêu đó là tâm đại bi (mahā karuṇā), hành xử và sự quan tâm đều an trú trên sự lợi lạc không chỉ của loài người khổ đau mà chung cho tất cả mọi loài. Tâm từ bi của ngài rất lớn vì không có giới hạn, tình thương yêu của ngài dành cho muôn loài, người xứng đáng cũng như người không xứng đáng, đặc biệt là đối với các chúng sinh ở cõi thấp kém, không phải trong một thời gian ngắn mà trong vố số kiếp; Phẩm tính tâm từ bi của ngài rất mãnh liệt và thuần khiết. Tình thương của ngài còn lớn hơn tình thương của người cha đối với đứa con trai duy nhất, tình thương đó không mong được đền đáp, được nhận biết hay được tôn trọng.[35] Thánh Thiên (Ārya Deva) phát biểu ‘Không việc làm nào của chư Phật mà không có ý định, trong mọi hơi thở của ngài, đều vì lợi lạc cho chúng sinh.’[36]
Tâm đại bi nầy không phải là một dạng đa cảm (sentimental), lớn lao nhưng mù quáng. Tâm đại bi phát sinh từ thực chứng tính phổ quát và bình đẳng (samata) của muôn loài.
Long Thụ phát biểu trong Catuḥstava: ‘Phật và chúng sinh vốn từ xưa nay không có sai biệt giữa ta và người, đó là tính bình đẳng.’ [37] Là một với Pháp giới mà tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Chư Phật đã thể chứng tính nhất như nầy, và đó là sứ mệnh thiêng liêng dẫn dắt chúng sinh thấy được chân lý căn bản nầy. Như Lai tạng (Tathāgata-garbha)[38] hiện hữu bình đẳng trong mỗi chúng sinh, là điều cần được hiển bày.
Tánh không (śūnyatā) và tâm Đại bi là hai yếu tính của Thần thánh (God) trong Phật giáo Đại thừa. Tánh không (śūnyatā) là Bát-nhã, là trực giác bất nhị, khi đạt được điều nầy, thì Như Lai không khác với Tuyệt đối. Như như (Tathatā), Không (śūnya), Đại bi (Karuna) đều cảm nhận nỗi trầm luận của thế gian đau khổ, nên đó là việc làm không ngưng nghỉ đem lại lợi lạc cho thế gian, là cúi xuống để cảm thông. Điều đó phát xuất từ tâm đồng cảm, tâm bình đẳng của Đức Phật với muôn loài. Khi đồng nhất với Bát-nhã ba-la-mật-đa, Đức Phật chính là Tuyệt đối, và thuộc về lĩnh vực Chân thật nghĩa hay Đệ nhất nghĩa (paramārtha). Khi có bi tâm (karuṇā) và do vì tính bình đẳng với muôn loài, nên Đức Phật ở trong lĩnh vực hiện tượng, tức tục đế (saṃvṛti). Thế nên Đức Phật là là một hữu thể lưỡng cư, một chân đặt trên Và chính vì điểm nầy nên ngài là thể hiện chức năng hòa giải giữa hai lĩnh vực nầy.
Trong Đại hùng bảo điện của ngôi chùa Phật giáo, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī) và Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) là biểu tượng cụ thể hai phương diện nầy của thần tính (god-head). Khó lòng tìm thấy trong những tôn giáo khác một quan niệm nào thuần khiết hơn. Trong Phật giáo Mật tông (Tantric Buddhism), hai vị Bồ-tát nầy biểu hiện cho Bát-nhã (Prajñā) và Phương tiện (Upāya), tương ứng với thần Thấp-bà (Śiva) [39] và Tánh lực nữ thần (Śakti)[40] trong Mật giáo (Tantra)[41] của đạo Bà-la-môn. Phương diện nhị nguyên của Phật tánh được phản ánh trong hàng Bồ-tát có lý tửởng chính là Đức Phật. Ảnh hưởng của các ngài thấm nhuần khắp thế gian.
3.TAM THÂN PHẬT
Nhị nguyên tính của Đức Phật, một mặt đồng nhất với Tuyệt đối, tức tánh không, mặt kia đồng nhất với hành động hết lòng vì lợi lạc cho chúng sinh, đã cung ứng nền tảng triết học cho quan niệm thần luận về Tam thân Phật (Trikāya of Buddha). Ba thân hay ba phương diện của Đức Phật là:[42]
(1) Pháp thân (Dharma-kāya: thân vũ trụ (cosmical body)–bản chất tinh yếu–đồng nhất với Tuyệt đối.
(2) Báo thân/Thọ dụng thân (Saṃbhoga-kāya): thân phước báo (body of bliss).
(3) Ứng/Hóa thân (Nirmāṇa-kāya): Thân thị hiện (assumed body).
Về Pháp thân, Đức Phật hoàn toàn thể nhập đồng nhất tính với Tuyệt đối, tức Pháp tánh (dharmatā), tánh không (śūnyatā), và bình đẳng (samatā) với tất cả chúng sinh. Chính vì nhất thể với Tuyệt đối nên Đức Phật trực giác Chân lý, vốn là chức năng thiêng liêng để khai thị cho chúng sinh trong hiện tượng giới. Đây là suối nguồn của năng lực tiềm ẩn mà ngài cụ thể hóa trong cõi thế hữu hạn nầy.
Báo thân/Thọ dụng thân (Saṃbhoga-kāya) là biểu hiện cụ thể thân tự thọ dụng (svasam-bhoga) và cho những bậc thượng căn, tức tha thọ dụng thân (parasam-bhoga) là năng lực và đức tinh trang nghiêm của thần tính (god-head).
Để phát huy đại nguyện cứu độ chúng sinh, Đức Phật không ngừng thị hiện trong nhiều hình tướng sai biệt để thành tựu mục đích ý nguyện nầy, đó là Ứng/Hóa thân (Nirmāṇa-kāya).
Kinh kệ Bát-nhã ba-la-mật-đa thường xuyên yêu cầu chúng ta nhìn Đức Phật như là Pháp thân, chứ không phải như trong hình tướng công nhiên mà chúng ta thường thấy.[43] Pháp thân chính là yếu tính, là thực tại của vũ trụ, hoàn toàn siêu việt mọi dấu vết nhị nguyên. Nó chính là thực tại tính của pháp giới, nên gọi là tự tính thân (svābhāvika kāya).[44] Tuy nhiên, sẽ không hoàn toàn chính xác khi xem pháp thân là nguyên lý siêu hình học trừu tượng–tức tánh không hay Như như (Tathatā; Suchness). Pháp thân[45] vẫn là một Con người, có vô lượng công đức và năng lực, v.v... được gán cho nó.[46]
Báo thân/Thọ dụng thân (Saṃbhoga-kāya), được gọi như thế là vì biểu tượng (hữu thể được đánh giá qua) cho sự hưởng thụ trọn vẹn Chân lý của Đại thừa, nên nói: ‘Thụ dụng trọn vẹn Chân lý hay có niềm hoan hỷ trong Chân lý.’[47] Thọ dụng thân là phản ánh của Pháp thân trong thế giới thường nghiệm bằng hình tướng cụ thể. Đức Phật xuất hiện ở đây như là Đấng tối cao an trú trên cõi trời Sắc cứu cánh (Akaniṣtha) có vô số Bồ-tát vây quanh. Ngài có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.[48] Thân nầy là quả báo của những đức hạnh từ những kiếp trước.
Các kinh điển Đại thừa thường mô tả Đức Phật trong phần mở đầu là Báo thân nầy. Thập vạn tụng Bát-nhã kinh (Śatasāhasrikā Prajñāpāramitā) [49] có thể được trích dẫn như là ví dụ cho thân nầy. Mỗi trang kinh đều mô tả mỗi thân phần của Đức Phật, về hào quang phóng ra trên đỉnh đầu, về tay chân và thậm chí cả các ngón, có thể vươn đến tận cùng của thế giới.[50] Theo quan điểm của các Luận sư Trung quán, [51] chỉ hàng Bồ-tát Thập địa mới có thể thụ nhận Báo thân. Báo thân/Thọ dụng thân (Saṃbhoga-kāya) là đức tướng trang nghiêm (vibhūti; glory) của Thế tôn, là ví dụ điển hình trong Chí Tôn Ca(Bhagavad Gītā) (Chương XI).
Ứng/Hóa thân (Nirmāṇa-kāya), thường được dịch là thân biến hóa (apparitional body), thực ra đó là thân thị hiện của Đức Phật để thành tựu đại nguyện cứu độ chúng sinh thoát khổ. Ứng hóa thân của phước đức trong thế giới thường nghiệm là Gautama (Đức Phật Thích-ca Mâu-ni) hay những thân trước và các đức Như Lai kế tiếp chính là Hóa thân Phật.[52] Sự thị hiện của Đức Phật trên thế gian không phải là ngẫu nhiên, không phải là cơ hội may mắn của con người tình cờ gặp đấng giác ngộ. Đó là sự giáng trần có chủ ý của Thần linh, ngài tự thị hiện như hình tướng con người; biểu hiện 12 nhân duyên (twelve principal) của vô số hành vi từ khi sinh ra cho đến khi nhập niết-bàn, đều là những điều khiến cho chúng sinh phát khởi niềm tin, mục đích là tạo nên cảm giác thân thiện với mọi chúng sinh.[53] Đức Phật Cồ-đàm (Gautama) là một trong vô số Đức Phật; và các Bồ-tát là những hình thức khác được chọn lựa của Thánh linh để cứu giúp loài người và các loài khác.
Như Haribhadra phát biểu: ‘Khi có chúng sinh nào cần đến sự giải thích giáo lý hay những sự trợ giúp khác, thì Thế tôn, bằng nguyện lực đã phát, sẽ đáp ứng thành tựu cho chúng sinh đó bằng cách thị hiện trong hình tượng nầy hoặc hình tướng khác.’[54]Đức Phật là Thiên hựu (Providence) luôn luôn quan tâm sâu sắc đến chúng sinh. Một số điểm riêng biệt liên quan đến quan niệm Tam thân Phật không thể giải thích trên phương diện luận lý, vì điều ấy chỉ được khai thị cho bậc thượng căn và được truyền đạt lại cho chúng sinh từ những vị đó.
Trong tín ngưỡng Tiểu thừa, Đức Phật Cồ-đàm là một con người thù thắng, khác với những người bình thường bởi tính ưu việt và tự mình tu tập chứng ngộ. Trước khi chứng ngộ, Ngài chẳng phải là một vị thần. Tính lịch sử của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là không thể thiếu được cho tín ngưỡng đó. Trong truyền thống Đại thừa, dù Đức Phật Cồ-đàm là con người lịch sử, nhưng ngài không chỉ là Đức Phật, sự thị hiện của ngài trong thế gian là một trong vô số sự sắp đặt có chủ định của Thần linh. Tín ngưỡng Đại thừa tránh được nan đề phải dựa vào một nhân vật lịch sử đặc thù như là người sáng lập tôn giáo đó.
4.TỰ TẠI CHỦ (ĪŚVARA) VÀ ĐỨC PHẬT
Sẽ rất thú vị khi so sánh quan niệm của triết học Phệ-đàn-đa về Tự tại chủ (Īśvara)[55] với quan niệm về Đức Phật. Trong cả hai hệ thống triết học này, cảnh giới Tuyệt đối, tức Brahman hay tánh không, được xem là cảnh giới tối cao và là thực tại duy nhất. Vì cảnh giới Tuyệt đối siêu việt tư duy và các hình thái thường nghiệm, nên không thể nào đạt đến nhận biết–rằng Tuyệt đối là thực tại–vì chúng sinh bị hạn cuộc trong hiện tượng giới. Bản thân Tuyệt đối không thể tự tuyên bố như vậy được. Thế nên có nhu cầu, như đã chỉ ra từ trước, có một trung gian để khải thị Tuyệt đối. Tự tại chủ (Īśvara) và Như Lai thể hiện chức năng thiết yếu nầy. Dù đã giải thoát, Tuy nhiên, các ngài đều ở trong hiện tượng giới (māyika);[56] các ngài là sự hóa hiện tự tại của Tuyệt đối. Tự tại chủ (Īśvara) hay Như Lailà nguyên lý thấp hơn của Tuyệt đối. Tuyệt đối được thực chứng trong trí huệ vô thượng, trong ngữ cảnh ý thức triết học. Tự tại chủ (Īśvara) hay Như Lai là là đối tượng thờ phụng lễ bái trong bối cảnh ý thức tôn giáo. Giải thoát hay niết-bàn chỉ có thể đạt đến bằng Phi nhị nguyên trí (advaita-jnana) hay Bất nhị trí (advaya-jnana). Do bao hàm ý nầy, cả hai tín ngưỡng đều xem việc thờ phụng lễ bái chỉ là phụ thuộc đối với trí huệ. Tín ngưỡng phụ thuộc vào triết học, nhưng không có sự đối kháng giữa hai vấn đề nầy.
Tín ngưỡng phù hợp nhất với Tuyệt đối luận của Trung quán hay Phệ-đàn-đa có thể được đánh giá là Phiếm thần luận (Pantheism). Đó không phải là Nhất thần giáo, trong đó có sự khác biệt Tuyệt đối giữa Thần và người như ta thấy trong tín ngưỡng Semitic.[57] Có tính đồng nhất Bất khả tư nghì giữa giữa con người (các chúng sinh) và Tự tại chủ (Īśvara) hay Như Lai; cả hai thực sự đều là Tuyệt đối; sự khác biệt chỉ là bên ngoài, và thuộc về hiện tượng giới; Tuy nhiên, vẫn đủ để duy trì ý thức tôn giáo.[58] Không cần phải giả định rằng nếu sự khác nhau giữa người thờ phụng và đối tượng được thờ phụng là không tuyệt đối, thì tín ngưỡng sẽ không dẫn đến kết quả tốt đẹp. Dù Đức Phật có phải là thực tại tuyệt đối hay không, thì cũng chẳng liên quan việc thờ phụng có kết quả tốt đẹp hay không.[59]
Tuy nhiên, ta không nên bỏ qua sự khác nhau giữa Tự tại chủ và Như Lai. Đối với Tự tại chủ không những được gán cho chức năng khải thị Chân lý (Phệ-đà); sáng tạo, duy trì, phá hủy và các chức năng sáng tạo vũ trụ khác (jagad-vyāpāra)[60] cũng được thực hiện bởi ngài.[61] Nghiệp trong đạo Phật đóng vai trò của Tự tại chủ (Īśvara) trên phương diện nầy.
Tự tại chủ (Īśvara) khải thị Chân lý tuyệt đối cho hiện tượng giới thông qua những cách thức truyền thông lạ thường, có lẽ ngay từ khởi nguyên sáng tạo vũ trụ; ngài không hiên thân thành con người vì chủ định nầy. Ngài luôn luôn là đấng Chủ tể tự tại và giải thoát (sadaiva muktaḥ, sadaiva Īśvaraḥ). Tuy nhiên, Như Lai bước xuống từ bình diện thần thánh, thị hiện giữa loài người, thích nghi với mọi phương thức sinh hoạt, có được sự cảm thông giữa loài người và khải thị chân lý thông qua những phương pháp truyền thông thông dụng. Thực tế, Như Lai là con người hoàn mãn, được mang thần tính vì đoạn trừ sạch sẽ phiền não (kleśa-jñeyāvaraṇa-nivṛttiḥ).[62]
Đặc điểm nổi bật nhất của Thần tính trong Phật giáo đó là tâm đại bi (mahākarunā), luôn luôn sẵn sàng hy sinh để cứu độ chúng sinh. Việc làm với nỗ lực không ngừng đưa chúng sinh đến an lạc và giải thoát đã khiến cho Như Lai trở thành một trong những Thần thánh có tình thương bao là và rất khả ái. Điều đó trở thành một trong những Thần tính thuần khiết và cao thượng nhất. Không phải Tự tại chủ (Īśvara) không được quan niệm như là vị Thần nhân hậu và khả ái, nhưng lý tưởng đại bi (mahākarunā) và giải thoát toàn diện (sarvamukti)[63] lại không được biểu hiện một cách mạnh mẽ và mật thiết như trong Phật giáo.
[1]*Triết gia Hi lạp thời kỳ tiền Socrate, khoảng (490–420 Ttl.). Phát biểu nổi tiêng của ông là ‘Man is the measure of all things–Con người là thước đo vạn vật.’ Triết gia Plato giải thích không có gì là chân lý Tuyệt đối.
[2] tathābhāvo' vikāritvaṁ sadaiva sthāyitā, sarvadānutpāda eva hy agnyādīnāṁ paranirapekṣatvād akṛtrimatvāt svabhāva ity ucyate. MKV. p. 265.
[3]yā dharmānāṁ dharmatā sā deśyamānāpi tāvaty eva, adeśyamānāpi tāvad eva. ASP. p. 196. Xem thêm p. 307.
Tham khảo Đạo can kinh (Śālistamba Sūtra): utpādād vā tathāgatānāṁ anutpādād va tathāgatānāṁ sthitaivaiṣā dharmāṇāṁ dharmatā. Trích trong MKV. p. 40; Thập địa kinh (Daśabhūmikā, VIII (p. 65); BCAP, p. 588; Bhāmatī, II, ii, 19 (p. 526). Xem Tương ưng bộ kinh (Sam.N.) II, p. 25 cho bản tiếng Pāli tương đương.
[4] alitā tathatā yadvat pratyutpannāpy anägatā;
sarvadharmās tatthā-dṛṣṭās tenoktaḥ sa tathāgataḥ. CSV. p. 32.
sarvākārāviparīta-dharma-daiśikatvena parārtha-sampadā tathāgatāḥ. AAA. p. 62.
[5]Prajñā pāramitā tathāgatānāṁ janayitrī. ASP. p. 254.
ato nirjātās tathāgatāḥ. ibid.
buddhasya mātre. . . . Abhisamayālaṅkāra Kārikā, VI, i.
[6]*s: bhagavat; p: bhagavā; bhagavant. Hán phiên âm bạc-già-phạm 薄伽梵.
[7] * Hán: lưu lộ 流露
[8] Long Thụ dường như cũng thừa nhận khả tính nầy trong phát biểu: saṃbuddhānām anutpāde śrāvakāṇāṃ punaḥ kṣaye |
jñānaṃ pratyekabuddhānām asaṃsargāt pravartate || MK_18,12
若佛不出世 佛法已滅盡 諸辟支佛智 從於遠離生⑫
Nếu Phật không xuất thế, Phật pháp đã diệt tận.
Trí các Bích-chi-Phật, Từ nơi xa lìa sanh. [12]
[9] Điều này có lẽ là một dạng phát sinh ngẫu nhiên, giống như adhītyasamutpāda đã bị Đức Phật quở trách nặng nề.
Học thuyết Kì-bà (Ājīvaka-theory) tán đồng tiến trình phát triển tâm linh tự động nầy. Xem tác phẩm của Barna: Pre-Bud-dhistic Indian Philosophy, pp. 316 ff.
[10] Chính Nguyệt Xứng (Candrakīrti) đã phát biểu: tathāpi pūrvajanmāntara-dharmatattva-śravanabalād eva... svāyambhuvaṁ jnānaṁ bhavati. M KV. p. 378.
Thánh Thiên (Ārya Deva) gợi ý điều nầy liên quan đến đời sống tương lai: iha yady api tattvajño nirvāṇaṁ nādhigacchati;
prāpnoty ayatnato'vaśyaih punar-janmāni karmavad. CŚ. VIII 22.
[11] Xem phần đầu trong (Mahāvagga), Luật tạng Nam truyền (Vinaya Piṭaka)
[12] ataś ca pratyudāvṛttaṁ cittaṁ deśayituṁ muneḥ;
dharmaṁ matvāsya dhaxmasya mandair duravagāhatām.
MK. XXIV, 12 and MKV. p. 498.
...yah saddhannam adeśayed; anukampām upādāya taṁ namasyāmi Gautamam. MK XXVII, 30.
[13]*Cách gọi nầy thuần túy của người Tây phương, trên nền tảng văn hóa, tâm linh của họ mà nhìn Đức Phật như vậy. Tác giả (Murti) dùng thuật ngữ này đễ dẫn dắt người đọc vào đề tài ông đang muốn trình bày. Chúng ta nên hiểu God chỉ trong ngữ cảnh nầy mà thôi.
[14] ‘aiśvaryasya samagrasya rūpasya yaśasah śriyaḥ;
jñānasyātha prayatnasya ṣaṇṇāṁ bhaga iti śrutiḥ."
so'syāstīti samagraiśvaryādimān Bhagavān.
"kleśa-karma tathā janma kleśajūeyāvṛtī tathā;
yena vaipakṣikâ bhagnās teneha Bhagavān smṛtaḥ." AAA. p. 9.
[15]* Hán: nhĩ diệm 爾焰. Kệ trong Kinh Lăng-già (Laṅkāvatāra): Phiền não cập nhĩ diệm, thường thanh tịnh vô tướng.
[16] Obermiller, The Doctrine of Prajñā pāramitā , p. 45. Acta Orienialia, Vol. XI.
[17] Mahāvyutpatti. pp. 2-4 (B. Budd. Edn.).
[18]* Hán: Tam thập nhị đại bi 三十二大悲.
[19] Śloka Vārttika. p. 74 (Chou. Edn.)
Tham khảo: doṣaḥ santi na santīti puṁvācyeṣu hi śaṁkyate;
śrutau kartur abhāvān nu dośaśaṁkaiva nāsti naḥ. TS. p. 585.
[20] TS. p. 826-27.
yatrāpy atiśayo dṛṣṭah sa svārthānatilanghanāt;
dūrasūkṣmādi-dṛṣṭau syān na rupe śrotravṛttitā.
Ślo. Vārt 114 of the Codanāsūtra.
[21] TS. p. 821.
[22] TS. p. 844.
[23] sugato yadi sarvajñaḥ kapilo neti kā pramā;
athobhāvapi sarvajñau matabhedas tayoḥ katham. TS. p. 822.
[24] tasmād atīndriyārthānāṁ sāksād draṣṭā. na vidyate;
vacanena tu nityena yaḥ paśyati sa paśyati. TS. p. 828.
[25] prabhāsvaram idaṁ cittaṁ tattvadarśana-sātmakam ;
prakṛtyaiva sthitaṁ yasmān malās tv āgantavo matāḥ. TS p. 895.
[26] pratyakṣīkṛta-nairātmye na doṣo labhate sthitim;
tadviruddhatayā dipre pradīpe timiraṁ yathā.
sākṣātkṛtiviśesāc ca doṣo nāsti savāsanaḥ;
sarvjñatvam ataḥ siddhaṁ sarvāvaraṇa-muktitaḥ. TS. Verses 3338-9.
[27] yām ca rātriṁ, śantamate tathāgato'nuttarāṁ samyak-sambodhim abhisambuddhaḥ, yāṁ ca rātrim anupādāya parinirvāsyati, atrāntare tathāgatenaikam apyakṣaram nodāhrtaṁ na vyābrtaṁ nāpi pravyāharati nāpi pravyāharisyati. MKV. pp. 366 và 539.
[28]* hán: Tán ca tứ thủ 讚歌四首
[29] nodāhṛtaṁ tvayā kiṁcid ekam apyakṣraṁ vibho;
kṛtsnaś ca vaineyajano dhanna varṣeṇa tarṣitaḥ.
Catuḥstava của Long Thụ (Nāgārjuna) trích trong BCAP. p. 420.
[30] MKV. p. 366.
[31]*Hán: Như ý bửu, Như ý bảo châu; e: wish-fulfilling precious stone
[32] cintāmaṇiḥ kalpatarur yathecchāparipūraṇaḥ;
vineya-praṇidhānābhyāṁ jinabimbaṁ tatbekṣyate. BCA. IX, 36.
[33] *Hán: tùy thuận điều phục đệ tử 隨順調伏弟子
[34]ye buddhasya bhagavato vineyāḥ, tadupādhiphalaviśeṣapratilambhahetu kuśala-karma paripākāt; tadvaśāt. pranidhānavaśāc ca, yat pūrvaṁ bodhisat-tvāvasthāyām aneka-prakāraṁ bhagavatā sattvārtha-sampādanaṁ praṇihitaṁ tasyākṣepavaśāt. kulālacakra-bhramaṇākṣepa-nyāyenābhogena pravartanāt. BCAP. p. 419.
[35] mahākarunāṁ evāśritya, priyaikaputrādhikatara-premapatra-sakala-tribhuvana-jano, na lābha-satkāra-pratyupakārādi-lipsayā. MKV. pp. 592-3,
[36] ‘na ceṣtā kila buddhānām asti kācid akāraṇā;
niḥśvāso'pi hitāyaiva prāṅināṁ sampravartate.’ CŚ. (l01) Fragments.
śarīra-vāca-manasāṁ pravṛttiḥ svārthā muner nāsti na cāpyanarthā; mahà-kṛpāviṣ'to-viśuddha-buddheḥ parodayāyaiva punaḥ pravṛttiḥ.
Catuḥśatikā. p. 407, Fragments pd. by MM. H. P. Śāstri.
[37]buddhānāṁ sattvadhātoś ca yenābhinnatvam arthataḥ; ātmanaś ca pareśāṁ ca samatā tena te matā. BCAP. p. 590.
[38]*Hán: 如来臟; e: the germ of Buddhahood
[39]* Śiva; Hán phiên âm: thấp-bà 濕婆, nghĩa là Thần Cát tường (The Auspicious One), còn gọi là Mahadeva (Great God), là một trong những vị thần chính của Ấn Độ giáo. Ngài là vị Thần tối cao trong tín ngưỡng Shaivism, có ảnh hưởng lớn nhất trong Ấn Độ giáo đương thời. Ngài là một trong 5 vị thần chính của truyền thống tín ngưỡng Smarta, và là vị Thần phá hủy (Destroyer) hay Thần Biến đổi (Transformer) trong bộ ba các Thần thuộc Ấn Độ giáo (Hindu Trinity). Thần Thấp-bà còn được xem là Thần bảo hộ cho Yoga và nghệ thuật.
[40]*Hán: tánh lực nữ thần 性力女神. Trong tiếng Sanskrit, Śakti có gốc là śak, có nghĩa là sức mạnh, quyền lực. Là nguồn lực ban sơ của vũ trụ, đại biểu cho nguồn lực sinh động, được cho là chuyển động khắp trong toàn thể vũ trụ theo thế giới quan Ấn Độ giáo. Śakti là ý niệm, hay nhân cách hóa nữ thần sáng tạo sinh lực, có khi chỉ cho Mẫu thần vĩ đại (Great Divine Mother) trong Ấn Độ giáo. Không những Śakti biểu tượng cho sự sáng tạo, mà còn là tác nhân của mọi biến dịch. Trong tín ngưỡng Shaktism and Shaivism, Śakti là được tôn thờ như Đấng hiện hữu tối cao (Supreme Being). Śakti hợp nhất năng lực nữ tính sinh động của Thần Thấp bà và được đồng nhất với Thần Mahadevi hay Thần Parvati.
[41]* Hán phiên âm: đát-đặc-la 怛特羅.
[42] svābhāvikaḥ sāmbhogiko nainnāṇiko' paras tathā;
dharmakāyaḥ sakāritraś caturdhā samudīrītaḥ. AAA. p. 26.
Xem thêm Đại thừa Trang nghiêm kinh (Mahāyāna Sūtrālaṅkāra), pp. 45 ff.
[43] ye māṁ rūpeṇa cādrākṣur ye māṁ ghoṣeṇa anvayuḥ
mithyāprahāṇa-prasṛtā na māṁ drakṣyanti te janāḥ
dharmato Buddhā draṣṭavyā dhārmakāyā hi nāyakāḥ dharmatā cāpy avijñeyā na sā śakyā vijānitum
Kinh Kim Cang (Vajracchedikā). p. 43, trích trong MKV. p. 448; BCAP. p. 421. Tạm dịch: Nên quán sát chư Phật tương ưng với Pháp, chư Pháp thân là Đạo sư. Pháp tính không thể được nhận thức, mà cũng không có khả năng nhận thức.
Cưu-ma-la-thập dịch:
若以色見我, 以音聲求我,是人行邪道 不能見如來
Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.
Huyền Trang dịch: 諸以色觀我, 以音聲尋我,彼生履邪斷 不能當見我,
應觀佛法性, 即導師法身,法性非所識, 故彼不能了.
Chư dĩ sắc quán ngã, dĩ âm thanh tầm ngã, bỉ sinh lý tà đoạn, bất năng đương kiến ngã. Ưng quán Phật pháp tánh, tức tôn sư pháp thân, pháp tánh phi sở thức, cố bỉ bát năng liễu.
‘...Uktaṁ hy etad Bhagavatā: dharmakāyā Buddhā Bhagavantaḥ. mā khalu punar imaṁ bhikṣavaḥ satkāyaṁ kāyaṁ manyadhvaṁ dharma-kāya pariniṣpattito mām bhiksavo drakṣyanty eṣa ca Tathāgatakāyaḥ. ASP. p. 94. mukhyato dhannakāyas tathāgataḥ. AAA. p. 181. Xem thêm trang 205, 521 ff.
[44]*Hán: 自性身.
sarvākārāṁ viśuddhiṁ ye dhārmāḥ prāptā nirāsravāḥ;
svābhāviko muneḥ kāyas teṣām prakṛti-lakṣaṅaḥ. AAA. p. 523.
[45] Kinh Hoa Nghiêm (Avataṁsaka Sūtra), do Suzuki dịch, mô tả Pháp thân như sau: ‘Pháp thân, thông qua sự biểu hiện của chính nó trong tam giới, hoàn toàn thanh tịnh và không dục nhiễm. Pháp thân tự hiển bày đây, đó, và khắp nơi theo tiếng gọi của đại bi (karuṇā). Pháp thân không phải là thực tại tính riêng biệt, không phải là một giả hữu, mà là phổ quát và thuần tịnh. Không từ đâu đến, không đi về đâu; nó không tự khẳng định mình, cũng không là đối tượng của hoại diệt. Nó thường hằng và thường thanh tịnh. Nó là thể Nhất như, không có mọi tướng quyết định. Pháp thân không có biên tế, không phương vị, nhưng biểu hiện trong tất cả thân. Sự giải thoát tự tại của Pháp thân là bất khả tư nghì, sự thể hiện tâm linh trong hiện tượng hữu hình là bất khả tư nghì... Vũ trụ biến dịch, nhưng Pháp thân thường hằng. Nó tự tại đối với mọi mâu thuẫn và đối lập. Tuy nhiên, nó hoạt dụng trong hiện tượng giới để dẫn dắt tất cả đến niết-bàn.’
(Outlines of Mahāyāna , pp. 223-4.)
[46] Xem AAA. pp. 523 ff. (History of Buddhism, Vol. I pp. 128-9) của Buston nói rằng:
‘Trong tiếng Sanskrit, thân mang tầm vóc vũ trụ gọi là Pháp thân (dharmakāya). Chữ kāya phái sinh từ ngữ cán √ci: tập hợp, gom lại (to collect), tích lũy (accumulate). Dharmakāya có nghĩa là sự tích tập mọi nguyên tố không bị ảnh hưởng (bởi những tác nhân nhiễm ô). Do đó, trong Nhị đế phân biệt luận (Satyadvaya-vibhanga): Sỡ dĩ gọi Pháp thân là vì gom chứa tất cả các thành tố, là nền tảng của mọi công đức Bất khả tư nghì. Và là bản tính của mọi hiện tượng, thể tính của những gì phù hợp Luận lý.’
[47] Buston, Vol. I, p. 129.
[48]AAA. p. 526: dvātriṁśal lakṣanāśītivyañjanātmā muner ayam; sāmbhogiko matah kāyo mahāyānopabhogataḥ.
Liệt kê đầy đủ những tướng tốt nầy có nêu ra trong AAA. pp. 526 ff. Buston, Vol. I, pp. 131-2.
[49]*Hán: 十萬誦般若經.
[50] Śata sāhasrikā. pp.2 ff
[51] Đây là quan điểm của Pháp Hữu (Dharmamitra), Luận sư Trung quán, như chúng ta đọc được trong tác phẩm của Buston Vol. I (pp. 131 ff.) nhan đề Prasphuṭapāda, còn được lưu hành tại Tây Tạng.
[52]yena Śākyamuni-tathāgatādirūpeṇāsaṁsāraṁ sarvaloka-dhātuṣu sat-tvānāṁ samīhitam arthaṁ samaṅkaroty asau kāyaḥ, prabandhatayānuparato nainnāniko buddhasya bhagavataḥ...tathā coktam:
karoti yena citrāṇi hitāni jagataḥ samam;
ābbavāt so'nupacchinnaḥ kāyo nairmāṇiko muneḥ. AAA. p. 533.
[53] Xem Buston, pp. 133 ff. Uttaratantra of Asanga. pp. 254 ff. Bản dịch của Obermiller. Acta OrienialiaVoL IX, 1931).
[54]yasya sattvasya yasmin kāle dharma-deśanādikaṁ kriyamāṅam ayātipa-thyam bhavati, tadā tasjrārthakaraṇāya pūrva-praṇi-dhānasamṛddhyā tatpratibhāsānurūpenākārenārthakriyākārī Bhāgavān iti . . . tathā coktam:
paripākaṁ gate hetau yasya yasya yadā yadā
hitaṁ bhavati kartavyaṁ prathate tasya tasya saḥ. AAA. p. 525.
[55]* Được gọi là Tự tại chủ (自在主, s:Īśvara), Đại tự tại chủ (大自在主, s: Maheśvara). Tên gọi khác của Thần Thấp-bà (Śiva), dịch ý là cát tường, thiện. Tự tại chủ là một uyển ngữ được dùng để gọi vị thần đầy uy quyền trong Ấn Độ giáo này.
[56] samyak sambudho'pi māyopamaḥ svapnopamaḥ; samyaksambuddhatvam api māyopamaṁ svapnopamam. ASP. p. 39.
mayopamāj jināt punyaṁ sadbhāvo'pi kathaṁ yathā. BGA. IX, 9.
tad evam avidyātmakopādhi-paricchedāpekṣam eveśvarasye-śvaratvaṁ sarvajñatvaṁ sarvaśaktitvaṁ ca na paramārthato vidyayāpāstasarvopādhi-svarūpa ātmanīśitrīśitavya-sarvajñatvādi-vyavahāra upapadyate. Br, Sūtr, Bhāṣya,II. i’ 14.
syāt parameśvarasyāpīcchâvaśān māyāmayam rūpaṁ sādhakānugrahārtham. Br, Sūtr, Bhāṣya I, i, 20.
[57] * Thuộc các quốc gia Á-Phi, Bắc Phi và tây nam châu Á
[58] satyaṁ neśvarād anyaḥ saṁsārī . . . tathchāpi dehādi-samghātopād-hi-sambandha-vivekakṛteśvara-saṁsāri-bheda-mithyābuddhiḥ. Br, Sūtra Bhāśya, I. i. 5.
evam avidyā-kṛta-nāmarūpānurodhīśvaro bhavati . . . sa ca svātmabhūtān eva ghatākṭākāśā-sthānīyān ... jīvākhyyāṅ vijñānātmanaḥ pratiṣṭe vyavahāra-viṣaye. Ibid. II, i, 14.
[59]āgamāc ca phalaṁ tatra samvṛtyā tattvato'pi vā;
satyabuddhe kṛtā pūjā saphaleti kathaṁ yathā. BGA. IX, 40.
Xem BCAP. p. 380.
[60]*Hán: vũ trụ sáng tạo đích công năng 宇宙創造的攻能.
[61] Tự tại thiên (Īśvara) không chỉ là cội nguồn của giáo điển (śāstrayoni), mà còn là đấng sáng tạo và duy trì thế giới hiện tượng (vyāvahārika) chung cho cả muôn loài; còn linh hồn (jīva) là tác nhân của thế giới tồn tại bên ngoài (pratibhāsika) vốn mang tính riêng biệt và chủ quan. Ngài cũng là đấng duy trì trật tự đạo đức. Chẳng phải Brahman là người siêu việt thiện ác, cũng chẳng phải linh hồn (jīva), vốn không hòa lẫn với cái ác, cũng không thể làm Quy phạm cho cái thiện được
[62] Nhất thiết trí (sarvajñātā), Nhất thiết chủng trí (sarvākarajñatā) cùng những năng lực viên mãn khác tích tụ là để phá trừ phiền não. Đức Phật, đối với những ý định thông thường, vốn trước đó cũng đã từng bị ràng buộc (pūrva bandhakoti), dù bấy giờ ngài đã phá trừ mãi mãi. Tự tại thiên (Īśvara) trong hệ thống triết học Phệ-đàn-đa (Vedānta) và Du-già (Yoga) không bao giờ bị trói buộc như vậy. Trong Kỳ-na giáo cũng thế, Đại Hùng (Mahāvīra) và Kevalins cũng những người khác, được cho là đạt đến Nhất thiết trí , v.v... như là kết quả của chuyển hoá nghiệp (kṣāyika-jñāna, v.v...). Điểm phân biệt Đại thừa với Kỳ-na giáo là Như Lai không chỉ là con người, mà tự thị hiện thành con người, và trải qua những công phu thực tiễn v.v....như trong vai trò một bậc Đạo sư. Đó là sứ mệnh đản sanh làm người của bậc chánh biến tri (samyak sambuddhattva).
[63] Có một số tham khảo mơ hồ và thiếu không rõ ràng về học thuyết Giải thoát toàn diện (Sarvamukti; Universal Freedom) là lý
tưởng trong triết học Phệ-đà. Linh hồn (jīva) giải thoát đạt đến Īśvarabhāva hay Śākṣibhāva trước khi trở nên chìm vào trong Brahman (bhāyaś cānte viśvamāyānivṛttiḥ). Xem trong Siddhāntaleśa Saṅgraka, IV, 5, về thảo luận đề tài tự giải thoát (ekamukti) hay Giải thoát toàn diện(sarva-mukti).