Từ Lời Phật Dạy Trong Kinh Trường Bộ Nghĩ Về Việc Cầu, Cúng Thần Tài.

15/03/20186:02 SA(Xem: 15858)
Từ Lời Phật Dạy Trong Kinh Trường Bộ Nghĩ Về Việc Cầu, Cúng Thần Tài.

TỪ LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TRƯỜNG BỘ
NGHĨ VỀ VIỆC CẦU, CÚNG THẦN TÀI.

Chúc Phú

Hết thảy do hành nghiệp, cầu Trời ích lợi gì?[1]

 
1.     Đề dẫn và định danh.

cung-than-taiCầu cúng thần tài là một trong những tín niệm phổ biến của nhiều thể thức tôn giáoẤn Độ, xuất hiện từ thời cổ đại và tồn tại cho đến ngày nay. Đứng trước thực trạng đó, Đức Phật đã mở một lối đi riêng qua lời khẳng định trong kinh Trường Bộ:

Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng. Như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rể, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến cho người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến cho tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng, thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri thần tài. Còn Sa-môn Gotama tránh xa các tà mạng kể trên[2].

Trong đoạn kinh trên, vấn đề trọng yếu nằm ở câu cuối. Đó là sự kiện Đức Phật không cho phép cầu Siri thần tài (sirivhāyanaṃ)[3]. Vậy, thực sự vị đó là ai?

Siri thần tài được định danh với nhiều tên gọi như thần May mắn (siridevatā)[4], nữ thần Śrī, nhưng tên gọi phổ biến nhất chính là nữ thần Lakṣmī (लक्ष्मी)[5], vợ của thần Vishnu[6]. Dấu hiệu xưa nhất của vị nữ thần लक्ष्मी (Lakṣmī) có mặt trong Atharvaveda (VII.115.2)[7]. Trong kinh Tiểu Bộ, vị nữ thần này cũng xuất hiện trong ba truyện tiền thân (Jataka) mang số 40, 284, 382.

 Trong Hán tạng, vị nữ thần này được phiêm âm hoặc dịch nghĩa trong vô số tên gọi như Lạc-khất-sử-mính (洛乞史茗 = Lakṣmī), Thất-lợi (室唎 = Śrī)[8], Ma-ha-thất-lợi (摩訶室利 = Mahā Śrī), Cát-tường thiên nữ (吉祥天女), Đại cát tường thiên nữ (大吉祥天女), Công đức thiên (功德天)[9]…Tuy đa dạng về tên gọi nhưng thực chất cũng chỉ là tên khác của Siri thần tài, theo ghi nhận trong kinh Trường Bộ.

2.     Nguồn gốc và tập tục thờ cúng thần tàiẤn Độ.


Trong tín niệm đa thần của Ấn Độ, có nhiều vị nữ thầncông năng ban phúc phát lộc cho những ai phát tâm quy ngưỡng. Trong số đó phải kể đến thiên nữ Thất-lợi (室唎= Śrī), phối ngẫu của Vishnu và thiên nữ Tỳ-ma (毘摩天女= Parvati), phối ngẫu của thần Shiva. Ngoài ra còn có Biện tài thiên nữ (辯才天女 = Sarasvatī) là phối ngẫu của Phạm thiên (Brahma). Cả ba vị nữ thần này thống hợp nhất thể với ba vị thần  Brahma, Vishnu và Shiva[10] và đều có chức năng đóng vai trò thần tài cho bất cứ ai phát tâm cầu nguyệnthờ cúng.

Tư liệu khả tín về một trong ba vị thần tài được ngài Huyền Tráng (602-664)  xác tín trong tác phẩm Đại đường tây vức ký, quyển hai:

Từ thành Bạt-lỗ-xa đi hơn 50 dặm về phía Đông Bắc thì đến núi cao. Núi này có một tảng đá xanh mang hình dáng phu nhân của vua trời Đại-tự-tại (Shiva), là Tỳ-ma-Thiên nữ (毘摩天女). Nghe phong tục địa phương kể rằng, tượng Tỳ-ma Thiên nữ này do thiên nhiên tác tạo và rất linh thiêng. Dân chúng các nước thuộc Ấn Độ, dù gần hay xa, dù sang hay hèn, thảy đều cùng đến cầu phước, cầu thọ, tuỳ tâm thỉnh nguyện. Bất kỳ ai muốn thấy được hình tượng Thiên nữ thì lòng phải chí thành, tâm phải chuyên nhất, nhịn ăn bảy ngày, nếu thấy được tôn nhan thì sở nguyện sẽ viên thành[11].

Theo huyền thoại và truyền thuyết Ấn Độ, thiên nữ Lakṣmī, cũng còn gọi là Śrī[12], được sinh ra từ sự khuyấy động biển sữa (The churning the milk ocean), trong quá trình tìm kiếm bình nước bất tử (amṛta: अमृत), giữa các vị chư Thiên và chúng A-tu-la (Asura). Lakṣmī là thiên nữ chủ về sắc đẹp, tình yêu và sự thịnh vượng[13].

Trong truyền thống Ấn giáo, việc kính lễ thiên nữ Lakṣmī có thể thực hiện hằng ngày. Tuy nhiên, đại lễ tôn vinh nữ thần Lakṣmī diễn ra trong tết Diwali hay còn gọi là Dīpāvali được diễn ra vào tháng Kartika theo lịch Ấn Độ, hiện còn được sùng phụng cho đến ngày nay[14].

Thần chú về thiên nữ Lakṣmī rất phong phú và đa dạng tùy theo tập tục, vùng miền, tuy nhiên điểm chung nhất là sự tôn kính, kính lễ (namo) thiên nữ Lakṣmī[15].

3.     Vài cứ liệu về thiên nữ Lakṣmī của Ấn giáo trong Phật giáo Bắc truyền.

Trong quá trình du nhập và phát triển tại Trung Hoa, các nhà hoằng pháp buổi đầu đã vận dụng chú ngữ làm phương tiện bổ trợ. Một trong những đại diện tiêu biểu cho phương cách giáo hóa đặc thù này chính là ngài Đàm-vô-sấm (385-433).

Theo Cao Tăng Truyện, ngài Đàm-vô-sấm vốn người trung Ấn Độ, mười tuổi đã đọc thông nhiều thể loại thần chú. Ông rành rẽ các loại chú thuậtđạt được nhiều thành tựu trong lãnh vực này. Cụ thể, ông đã gia tâm trì mật chú để mạch nước có thể xuất hiện từ tảng đá khô (枯石生泉). Do thành tựu nhiều thể loại chú thuật nên ở Tây-vức ông được tôn xưng là Đại chú (大呪師).

Di sản dịch phẩm kinh điển do Đàm-vô-sấm để lại khá nhiều, trong số chúng có bản kinh Kim-quang-minh, gồm bốn quyển[16]. Với sơ khảo bước đầu cho thấy, bản kinh Kim-quang-minh có nhiều dấu hiệu kỳ đặc, pha tạp nhiều yếu tố ngoài Phật giáo. Vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày trong một khảo cứu khác.

Ở đây, riêng về bài thần chú cầu thần tài, nằm trong phẩm Công đức Thiên (功德天品)[17] trong bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm, hoặc hoặc ở phẩm Đại cát tường Thiên nữ tăng trưởng tài vật (大吉祥天女增長財物品) trong bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh (635-713)[18].

Bản thần chú của ngài Đàm-vô-sấm thì khuyết, thiếu ở phần đầu, bản của ngài Nghĩa Tịnh đầy đủ hơn nhưng do vừa phiên âm, vừa dịch nghĩa nên ít phổ biến. Tồn bản thần chú cầu thần tài trong kinh Kim Quang Minh theo chúng tôi hiện được sử dụng cho đến ngày nay được trích  xuất từ Kim Quang Minh sám pháp bổ trợ nghi (金光明懺法補助儀)[19], được tập thành vào thời Tống Nhân Tông (1010-1063), do ngài Từ Vân sám chủ, húy là Tuân Thức (遵式: 964-1032)[20], bậc cao tăng thời Bắc Tống (960-1127).

Nguyên văn bài thần chú cầu thần tài trong bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm cũng như của Nghĩa Tịnh không có phần đảnh lễ Tam Bảo (南無佛陀南無達摩南無僧伽). Riêng bản tập thành của ngài Tuân Thức thì gia thêm phần này. Toàn văn bài chú ấy như sau:

南無佛陀南無達摩南無僧伽南無室利摩訶提鼻耶怛儞也他波利富樓那遮利 三曼陀達舍尼摩訶毘訶羅伽帝三曼陀毘尼伽帝摩訶迦利野波禰波羅波禰薩利嚩栗他三曼陀修鉢梨帝富隸那阿夜那達摩帝摩訶毘鼓畢帝摩訶彌勒帝婁簸僧祇帝 醯帝簁僧祇醯帝三曼陀阿咃阿㝹婆羅尼[21].

Phiên âm:

Nam mô Phật đà namĐạt ma nam mô Tăng già nam mô thất lợi ma ha đề tị da đát nễ dã tha ba lợi phú lâu na già lợi tam mạn đà đạt xá ni ma ha tì ha la già đế tam mạn đà tì ni già đế ma ha ca lợi dã ba nễ ba la ba nễ tát lợi phạ lật tha tam mạn đà tu bát lê đế phú lệ na a dạ na đạt ma đế ma ha tì cổ tất đế ma ha di lặc đế lâu bá tăng kì đế ê đế si tăng kì ê đế tam mạn đà a tha a nâu bà la ni.

Bài thần chú này về sau được thâu nạp vào trong Chư kinh nhật tụng tập yếu, quyển Hạ[22], và từng bước đi vào thời khóa tụng kinh buổi sớm (晨朝課誦) của nhiều chùa, viện Phật giáo Bắc truyền, trong đó có cả Phật giáo Việt Nam, với tên gọi là bài chú Thiện thiên nữ (善天女咒).

Có thể nói, do đặc thù của Phạn ngữđa âm còn ngôn ngữ Trung Hoa là đơn âm, nên khi phiên dịch những bài thần chú từ Phạn sang Hán thì đã có nhiều khác biệt, tùy theo quy ước của các nhà phiên kinh. Riêng về bài chú Thiện thiên nữ, ngay câu đầu tiên là lời kính lễ thiên nữ Đại cát tường. Nói cách khác, đó vốn là bài chú liên quan đến thần tài Lakṣmī của Ấn giáo.

Theo tác phẩm Cổ Phạn văn Phật giáo chú ngữ toàn tập, tác giả Giản Phong Kỳ (簡豐祺) đã nỗ lực khôi phục Phạn ngữ bài chú này. Nguyên tác như sau:

namo buddhāya, namo dharmāya, namo saṃghāya. namo śri-mahā-devīya, tadyathā: oṃ paripūruṇa carye samanta darśanī mahā vihāra gate, samanta vidhānagate, mahā kārya pratiṣṭhāpane, sarvārtha samanta suparipūruṇe, āyāna dharmate mahā vikurvite, mahāmaitrī upasaṃhite, hite susaṃgṛhīte, samanta artha anupālane svāhā[23].

Nếu trừ đi câu đảnh lễ Tam Bảo đầu tiên được thêm vào, so với hai bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm và của ngài Nghĩa Tịnh, thì câu: 南無室利摩訶提鼻 nguyên tác Phạn ngữ chính là namo śri-mahā-devīya. Nghĩa là, Kính lạy đại thiên nữ Śri.

Cũng câu thần chú này, nhưng có vài thay đổi chi tiết trong Nghi quỹ Hồng Ca Đà Dã (吽迦陀野儀軌)[24], do ngài Kim Cang Trí (671?-741)[25] trước thuật, đó chính là:

唵麼賀室唎提婆毘娑婆賀

(Án, ma hạ thất lợi đề bàsa bà hạ)

Căn cứ vào dòng ghi chú phía trên câu thần chú này, ở Nghi quỹ Hồng Ca Đà Dã, đã cho thấy đây là câu chú triệu thỉnh thiên nữ Cát tường (吉祥天女). Vị nữ thần có thể ban cho chúng sanh nhiều thứ như: bệnh tật thì sẽ được chóng lành, đói khát thì được no đủ, nghèo khổ thì có y vật, của báu…. Đặc biệt, trong phần quán tưởng khi niệm thần chú, phải tưởng đến hình ảnh lưu xuất từ biển sữa (乳海), giống như nguồn cội của thiên nữ Lakṣmī trong thần thoại của Ấn giáo.

Cùng mang nội dung liên quan đến thiên nữ Cát tường, bản kinh Phật thuyết Đại cát tường thiên nữ thập nhị danh hiệu (佛說大吉祥天女十二名號經)[26] do ngài Bất Không (705-774) phiên dịch. Bản kinh đã quảng diễn mười hai tên gọi khác nhau của vị thiên nữ này và những khả năng tương ứng với từng tên gọi. Đặc biệt, trong bài thần chú cũng chuyển tải một cách phiên âm mới của thiên nữ Lakṣmī là Lạc-khất-sử-mính (洛乞史茗).

4.     Hiệu năng của chú ngữ và tham chiếu với lời Phật dạy.

Có nhiều bằng chứng cho thấy, nếu lòng thành khấn nguyện và trì tụng bài chú cầu thần Cát tường hoặc nữ thần Lakṣmī đúng pháp, tất sẽ tạo nên nhiều lợi lạc tức thời. Thực tế năng lực gia trì thần chú của ngài Đàm-vô-sấm ghi nhận trong Cao Tăng Truyện được gói gọn trong bốn chữ Sở hướng giai nghiệm (所向皆驗), đã phần nào chứng tỏ hiệu năng của thần chú nói chung và chú thần tài nói riêng.

Không những thế, trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương đã ghi nhận lời phát nguyện mang tính bảo chứng của thiên nữ Đại Cát Tường, rằng:

Bạch Thế Tôn! Nếu có người trì tụng thần chú này đúng như vậy để triệu thỉnh con, con nghe được lời cầu thỉnh, tức sẽ đến bên và khiến cho sở nguyện kẻ kia thành tựu[27].

Dẫu rằng cần phải khảo cứu lại tính thuần túy Phật giáo của bản kinh này, nhưng qua đó đã cho thấy nếu như trì tụng thần chú thần tài, cầu thỉnh thiên nữ Đại Cát Tường, tất sẽ có nhiều điều hoạch đắc.

Theo Phật tổ lịch đại thông tải, quyển 18, vào niên hiệu Thiên Thánh năm thứ tư (1026), triều Tống Nhân Tông, lúc ấy trời đại hạn, ngài Tuân Thức (遵式) cùng các vị Sa-môn dùng kinh Kim Quang Minh để cầu đảo thì mưa gió liền gội nhuần. Nhân đó, ngài Tuân Thức đã trước thuật Kim Quang Minh Sám Pháp bổ trợ nghi (金光明懺法補助儀)[28].

Từ thực tế kinh nghiệm của các bậc cổ đức trong chốn tùng lâm, mỗi khi cần tu bổ thiền lâm, hoặc lúc bị khuyết thiếu các vật dụng cần dùng thì các ngài tổ chức trì tụng chú Thiện thiên nữ. Người viết chưa thống kê đầy đủ về vấn đề này nên chưa rõ hiệu năng thực tế, nhưng được biết rằng, vào mỗi sớm mai, chú Thiện thiên nữ vẫn được trì tụng trong phần lớn các chùa, viện Phật giáo Bắc truyền.

Một điều cần phải thấy rằng, từ thực tế lịch sử đã chứng tỏ, những lợi lạc do thần chú, cụ thể ở đây là chú thần tài đưa đến là nhất thời và không có giá trị vững chãi, nếu không nói là chứa đựng nhiều nỗi sợ hãi, bất an. Câu chuyện về mối tương quan thầy trò giữa Thư-cừ-mông-tốn và ngài Đàm-vô-sấm được ghi nhậnCao Tăng truyện là một ví dụ cụ thể[29].

Vốn có cơ tâm, nên khi biết được khả năng chú thuật của Đàm-vô-sấm, Hà Tây Vương Thư-cừ-mông-tốn (河西王沮渠蒙遜: 368-433) đã triệu kiến ngài và tiếp đãi trọng hậu nhằm chủ ý phò trợ cho đế nghiệp của mình. Khi vương vị lung lay, ông cho rằng thờ Phật không thiêng (事佛無應) nên đã bức ép các vị Sa-môn dưới năm mươi tuổi hoàn tục. Không những vậy, khi hay tin Ngụy-lỗ-thác-bạt-đảo (魏虜託跋燾: 408-452) cầu thỉnh Đàm-vô-sấm vì khả năng chú thuật của ngài thì Thư-cừ-mông-tốn không vui. Thậm chí, ông còn tỏ ra buồn bực vì Đàm-vô-sấm nhiều lần xin phép đi Tây-vức tìm lại phần sau của kinh Niết-bàn. Lo sợ quân cơ bị tiết lộ, ưu tư về khả năng chú thuật của Đàm-vô-sấm có thể tạo thuận lợi cho kẻ thù, nên Thư-cừ-mông-tốn đã âm thầm sai thích khách giết hại ngài trên đường đi, vào niên hiệu Nghĩa Hòa (義和) năm thứ ba (433), khi đó ngài Đàm-vô-sấm mới được 49 tuổi.

Trước khi đại nạn xảy ra, ngài Đàm-vô-sấm đã cơ cảm về cái chết của mình, thế nên vào ngày khởi hành, ngài đã rơi lệ mà bảo chúng rằng: Nghiệp cũ của Sấm sắp đến. Chư vị Thánh hiền cũng không thế cứu vậy.[30]

Với một bậc thầy về chú thuật, được tôn xưng là bậc Đại chú (大呪師), thế nhưng vẫn không thể vượt qua được nghiệp cũ của mình, thế mới hay việc vận dụng nhuần nhuyễn các thể loại thần chú, mà ở đây là chú thần tài không thể vượt qua nghiệp quả, quả đúng như sự ghi nhận trong Tỳ-nại-da:

Mạng người khi nghiệp tận,
Chú thuật hoặc y phương,
Đều không thể cứu được,
Thần tiên hoặc thánh hiền,
Đành xuôi tay, buông bỏ.[31]

Tương tự, câu chuyện được ghi lại trong kinh Tạp Bảo Tạng là một minh họa sống động về việc cầu khẩn thần tài, lược truyện như sau.

Có hai anh em nghèo khó nhưng tính cách khác nhau. Người em thì siêng năng làm lụng để được giàu có, còn người anh vì muốn nhanh giàu có nên không chịu làm gì mà chỉ cầu vị trời Tỳ-ma, chủ về thần tài.

Một thời gian sau, vị trời Tỳ-ma liền hóa hiện thành người em đến thăm anh. Người anh liền cáu gắt, nói: sao em không lo trồng tỉa mà đến đây làm gì. Người em đáp, tôi muốn học theo anh, trai giới cầu nguyện, mong mau được giàu to.

Người anh bảo: Không cày bừa gieo giống, siêng năng làm lụng thì làm sao mà giàu to được?

Ngay đó, người em liền bảo: Có phải nhờ trồng tỉa mới giàu có được sao? Nghe vậy người anh yên lặng, không nói được gì. Lúc ấy, vị trời Tỳ-ma liền hiện nguyên hình và dạy:

Ngươi phải biết, ngày nay ngươi phải tu hành, bố thí thì ngày sau mới hưởng được phúc quả giàu sang. Bởi nhiều kiếp ngươi không tu bố thí nên cứ mãi bần cùng. Dù ngày nay người siêng năng cầu khẩn ta để mong nhanh chóng giàu sang nhưng làm sao mà thành tựu được. Cũng như cây xoài vào mùa Đông, dù cầu khẩn cả ngàn vạn thiên thần cũng không thể đơm hoa, kết trái. Không tu nhân mà chỉ lo cầu ta để được giàu có là điều không không thể xảy ra vậy[32].

Sau khi dạy bảo xong, vị trời Tỳ-ma liền nói một bài kệ ngắn, với hai câu kết:

Hết thảy do hành nghiệp,
Cầu Trời ích lợi gì?[33]

Một trường hợp khác liên quan đến việc phụng thờ vị trời chủ về tài vật, hạy còn gọi là Cát tường thiên của Đề-bà-đạt-đa,được mô tả sống động qua câu kinh:

Chống nghịch Phật Thế Tôn,
Phụng thờ  trời Cát-tường,
Sẽ đọa ngục Vô gián,
Bức vây khổ tai ương.[34]

Không những vậy, trong kinh Ban chu Tam muội, một vị cưthọ trì năm giới thì không được lễ bái miếu thờ các vị Trời. Bài kệ sau đã cho thấy điều đó:

Ưu-bà-di muốn học thiền Tam-muội.
Hãy giữ gìn năm giới chớ hư hao
Kính thờ thầy như Phật hằng chỉ bảo.
Không bái lạy miếu Trời hoặc cúng thần.[35]

Bản kinh này xuất hiện khá sớm ở thời Hậu Hán do ngài Chi-lâu-ca-sấm dịch và được lưu hành khá rộng rãi ở thế kỷ thứ II. Chính vì vậy, bản kinh là một trong những luận cứ quan trọng trong một tờ nghị trạng của Trường Sử Vương Huyền Sách (長史王玄策), nhằm phản kháng vương quyền bắt Tăng, Ni lễ bái vương quan:

Hàng Ưu-bà-tắc giữ năm giới đã không được lạy Trời, huống hồ Tăng, Ni thọ cụ túc giới mà phải lễ bái hàng bạch y[36].

Trong kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức do ngài Huyền Tráng dịch, trong những điều kiện căn bản để không thọ ba đường ác, đó là tùy theo khả năng của mình mà tuân giữ giới pháp, và đặc biệt là không được thờ Trời. Kinh ghi: cho đến trọn cả cuộc đời không thờ vị Trời nào khác, mà chỉ nhất tâm quy y Phật, Pháp, Tăng (乃至盡形不事餘天,惟當一心歸佛,法,僧)[37].

Từ những cứ liệu minh giải ở trên đã cho thấy, chú thuật nói chung và chú thần tài nói riêng vẫn tạo nên những hiệu năng nhất định nhưng không có giá trị vững bền, vì chưa thống hợp với lời Phật dạy. Không những vậy, việc kính lễ thiên thần là điều không đúng phép, ngay cả một vị Ưu-bà-di, huống chi là một bậc xuất gia với chí xuất trần vi thượng sĩ.

5.     Nhận định.

Phật giáo xuất hiện giữa một rừng tín niệm đa thần, vốn đã bắt rễ sâu xa trong mọi giai tầng của xã hội Ấn Độthời kỳ cổ đại. Việc khẳng định một lối đi riêng không cầu khẩn, tế tự trời thần, là một tia sáng vạch thời đại của chính Đức Phật Thích Ca.

Xem ra, cùng tương sinh và tồn tại trong mối giao thoa giữa các tôn giáo cùng thời; đặc biệt là khi giáo đoàn chấp nhận nhiều thành phần xã hội được tham dự vào đời sống Tăng-già, là điều kiện thuận lợi để nảy sinh các tập tính tế tự xưa cũ, cụ thể là vận dụng chú thuật của Ấn giáo, kể cả việc thờ Trời.

Ngay trong thời Phật, việc vận dụng chú ngữ của Ấn giáo ngoài mục tiêu hoằng đạo thỉnh thoảng đã xảy ra và Đức Phật đã có những khuyến nghị, cấm chỉ. Những cổ tục này ngày càng xuất hiện nhiều hơn sau khi Đức Phật diệt độ và trong sinh hoạt Thiền gia ở những vùng đất mới, đặc biệt là kể từ khi có sự trỗi dậy và âm thầm tác động của xu hướng tân Vệ-đà.

Từ lời dạy cô động của Đức Phật trong kinh Trường Bộ ở tạng Nikāya, từ những bằng chứng tương đồng về lời dạy đó trong kinh văn Hán tạng, đã xác quyết rằng, việc cầu khẩn thần tài Siri và các danh xưng tương ứng như Cát tường thiên, Thiện thiên nữ cùng các bài chú ngữ… đều không đúng với giáo nghĩa thuần túy của Phật giáo.

Nói cách khác, trì tụng chú thần tài là không thuận hợp với Phật đạo, nếu không nói là gián tiếp hành pháp Bà-la-môn[38].



[1]大正藏第 04 冊 No. 0203 雜寶藏經,卷第九, 求毘摩天望得大富緣. Nguyên văn: 一切由行得,求天何所為

[2] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.23. Xem thêm, kinh Sa-môn quả, tr.75

[3] Xem tại: http://www.tipitaka.org/romn/

[4] Milindapañhapāḷi. Xem tại: http://www.tipitaka.org/romn/

[5] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield,VA: Nataraj Books, 2014, p.892

[6]George M. Williams. Handbook of Hindu Mythology. Santa Barbara, California: ABC-CLIO, Inc. 2003. p.196-198.

[7] The Atharva-Veda (Sanskrit text), Devi Chand M.A Trans. New Delhy: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, Reprinted 2014, p. 333.

[8]大正藏第 54 冊 No. 2135 梵語雜名

[9]大正藏第 04 冊 No. 0201 大莊嚴論經, 卷第四

[10] Donald Alexander Mackenzie. Indian Myth and Legend. London: The Gresham Publishing Company. 1913, p. 150-151.

[11]大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第二. Nguyên văn: 跋虜沙城東北五十餘里,至崇山.山有青石大自在天婦像, 毘摩天女也.聞諸土俗曰: 此天像者,自然有也.靈異既多,祈禱亦眾,印度諸國,求福請願,貴賤畢萃,遠近咸會.其有願見天神形者,至誠無貳,絕食七日,或有得見,求願多遂

[12] George M. Williams. Handbook of Hindu Mythology. Santa Barbara, California: ABC-CLIO, Inc. 2003. p.21.

[13]Donald Alexander Mackenzie. Indian Myth and Legend. London: The Gresham Publishing Company. 1913, p. 144, 149. See also, Mahābhārata. Krishna-Dwaipayana Vyasa trans. vol 1. 65-67

[14] Encyclopedia of Hinduism. Constance A. Jones and James D. Ryan. New York: Facts On File, Inc. 2007.p.135-136.

[15]Lakshmi Puja. Kanai L. Mukherjee ed. Nashville: Association of Grandparents of Indian Immigrants. 2012.p.92. Cf: Om Lakshmi devi khamasya.

[16]大正藏第 16 冊 No. 0663 金光明經.

[17]大正藏第 16 冊 No. 0663 金光明經. Nguyên văn bài chú thần tài (Công đức Thiên) như sau: 波利富樓那遮利三曼陀達舍尼羅佉摩訶毘呵羅伽帝三曼陀毘陀那伽帝摩訶迦梨波帝波婆禰薩婆哆㖃三曼陀脩鉢梨富隷阿夜那達摩帝摩訶毘鼓畢帝摩訶彌勒簸僧祇帝醯帝簁三博祇悕帝三曼陀阿咃阿㝹婆羅尼.

[18]大正藏第 16 冊 No. 0665 金光明最勝王經, 卷第八. Nguyên văn bài thần chú tăng trưởng tài vật của thiên nữ Đại cát tường: 南謨室唎莫訶天女怛姪他鉢唎脯𠷈拏折囇三曼䫂達喇設泥 (去聲,下皆同爾)莫訶毘訶囉揭諦 三曼哆毘曇末泥莫訶迦哩也鉢喇底瑟侘鉢泥薩婆頞他娑彈泥蘇鉢喇底晡囇㢌耶娜達摩多莫訶毘俱比諦莫訶迷咄嚕鄔波僧呬羝莫訶頡唎使蘇僧近(入聲)哩呬羝三曼多頞他阿奴波喇泥莎訶.

[19]大正藏第 46 冊 No. 1945 金光明懺法補助儀.

[20]大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第十. Xem thêm, 大正藏第 49 冊 No. 2036 佛祖歷代通載, 卷第十八

[21]大正藏第 46 冊 No. 1945 金光明懺法補助儀, 第四召請誦呪方法(次當胡跪手執香爐燒眾名香.一心召請三寶及功德天等.起殷重心涕淚悲泣.一一想至道場.其辭出補助儀.應檢閱.口作是言)

[22]嘉興藏第 19 冊 No. B044 諸經日誦集要, 卷下

[23]簡豐祺. 古梵文佛教咒语全集 (修正版). 佛陀教育差会會, 印贈. 2007. p.250.

[24] 大正藏第 21 冊 No. 1251 吽迦陀野儀軌

[25]大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳卷第一

[26] 大正藏第 21 冊 No. 1252a 佛說大吉祥天女十二名號經

[27]大正藏第 16 冊 No. 0665 金光明最勝王經, 卷第八. Nguyên văn: 世尊!若人誦持如是神呪請召我時,我聞請已,即至其所,令願得遂

[28]大正藏第 49 冊 No. 2036 佛祖歷代通載, 卷第十八

[29]大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第二.

[30]大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第二. Nguyên văn: 臨發之日.讖乃流涕告眾曰.讖業對將至.眾聖不能救矣

[31]大正藏第 23 冊 No. 1442 根本說一切有部毘奈耶, 卷第四十五. Nguyên văn: 人命將盡時,呪藥不能救;神仙及諸聖,無能違拒者. Xem thêm, 大正藏第 12 冊 No. 0338 佛說離垢施女經.  Nguyên văn: 若墮惡趣,生死之難,雖有父母,不能救濟,亦無餘人,及財神呪,獨斯等類,乃能救脫.

[32]大正藏第 04 冊 No. 0203 雜寶藏經, 卷第九, 求毘摩天望得大富緣

[33]大正藏第 04 冊 No. 0203 雜寶藏經,卷第九, 求毘摩天望得大富緣. Nguyên văn: 一切由行得,求天何所為

[34]大正藏第 04 冊 No. 0193 佛本行經, 卷第六. Nguyên văn: 拒逆佛世尊,為祀吉祥天;若入無擇獄,恐連曳吾等.

[35]大正藏第 13 冊 No. 0417 般舟三昧經. Nguyên văn: 優婆夷欲學三昧,奉持五戒勿缺毀,承事善師視如佛,不得祠祀神

[36]大正藏第 52 冊 No. 2108 集沙門不應拜俗等事,卷第四, 右驍衛長史王玄策騎曹蕭灌等議狀一首. Nguyên văn: 五戒優婆塞尚不得禮天.況具戒僧尼而令拜俗

[37]大正藏第 14 冊 No. 0450

[38] 大正藏第 23 冊 No. 1442 根本說一切有部毘奈耶, 卷第三十一. Nguyên văn: 諸外道輩於晨朝時

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/10/2021(Xem: 5432)
16/06/2019(Xem: 10115)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.