Về ý nghĩa của Saṃsāra: vòng xoáy sanh tử luân hồi

04/06/20184:21 SA(Xem: 16472)
Về ý nghĩa của Saṃsāra: vòng xoáy sanh tử luân hồi

Tìm HiểuỨng Dụng Kinh Nguyên Thủy
VỀ Ý NGHĨA CỦA SAṂSĀRA:
VÒNG XOÁY SANH TỬ LUÂN HỒI
(Văn Bản ghi lại từ máy thâu một buổi nói chuyện tại Hội Thiền Tánh Không Nam California)
Tuệ Huy - Tô Đăng Khoa

 

vòng nước xoáyXin chào mừng quý vị đến với chương trình “Tìm Hiểu và Ứng Dụng Kinh Nguyên Thủy” của Hội Thiền Tánh Không Nam California. Ở đây, trong chương trình này, một trong những mục tiêu nhắm tới là khai triển và khảo sát sâu sắc một số khái niệm căn bản về Phật học. Trong khi tìm hiểu những khái niệm này, chúng ta không nhắm tới số lượng mà chỉ nhắm tới độ sâu và sự thấu triệt các khái niệm đó tới tận gốc. Thật ra, may mắn thay, những khái niệm căn bản trong đạo Phật cần hiểu cho thật thấu đáo cũng không nhiều. Vì thế, những khái niệm được chọn lựa trong chương trình “Tìm Hiểu và Ứng Dụng Kinh Nguyên Thủy” để phân tích sâu sắc rất quan trọng. Chúng thuộc về các khái niệm căn bản của Phật Học. Vì sao? Bởi vì, trừ khi nào chúng ta nắm vững những khái niệm này thì Phật học của chúng ta mới được đặt trên một nền tảng căn bản vững chắc, và từ nền tảng đó thì quý vị có thể đi thẳng vào kinh văn Nam Truyền (Nikaya) một cách dễ dàng không cần người môi giới thông dịch và diển giải. Bài hôm nay, chủ đề của chúng ta sẽ đi sâu vào để thấu triệt là khái niệm “Saṃsāra”.

Saṃsāra là tiếng Pāli, khi qua tiếng Việt Nam, quý Thầy dịch là “sanh tử luân hồi”. Tại sao chủ đề Saṃsāra này được coi là khái niệm căn bản? Thuật ngữ này mang ý nghĩa gì? Tại sao Đức Phật lại lựa Saṃsāra để cho chúng ta biết là chúng ta đang đâu?

Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhau khảo sát ví dụ này:

Ví dụ như quý vị muốn đi tới nơi nào: chẳng hạn như đi từ Los Angeles tới San Francisco. Khi chúng ta đi từ A tới B thì quý vị cần phải biết rõ: Thứ nhất là mình đang ở đâu? Thứ hai là phải viết rõ nơi mình muốn tới. Thứ ba là phải có bản đồ về lộ trình đi từ A tới B. Thứ tư là phải có phương tiện di chuyển thích hợp.

Như vậy, điều kiện quan trọng là nếu như bị đi lạc, mà không biết đường, khi hỏi người khác, thì việc đầu tiên người biết đường họ sẽ hỏi quý vị là: “Anh/chị đang ở đâu?”   Việc biết rõ ràng chúng ta đang ở đâu rất là quan trọng! Chúng ta phải biết mình đang ở vị trí nào thì từ đó mới có thể định hướng tìm bản đồ, và có thể đi tới nơi được. Tương tự như vậy, đức Phật dùng chữ Saṃsāra để chỉ các trạng thái đang là của chúng sanh; tức là vị trí của tất cả chúng ta đang ở đây: Saṃsāra.

Như vậy, câu hỏi hết sức quan trọng là: “Vì sao chữ “Saṃsāra” này được Phật chọn để chỉ có trạng thái đang là của chúng ta? Nhằm mục đích gì? Đó là điều chúng ta sẽ cùng nhau khảo sát bữa nay.

Trước hết, mục đích của việc thấu hiểu trạng thái đang là của mình để làm chi? Xin trả lời ngắn gọn trước: “Để thấy rằng nó rất là bi đát!”

Nếu thực sự thấu hiểu Trạng thái Saṃsāra rất là bi đát thì nhờ vậy thì lòng mong muốn giải thoát của mình mới khởi lên. Bởi vì, trong một bài kinh khác tên là Kinh “Tất Cả Pháp Lấy Căn Bản Nơi Thế Tôn”, Phật dạy rằng: “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản.” Dục ở đây là lòng khát khao muốn hướng mục đích. Đó là kết quả của trí tuệ thấy rõ trạng thái Saṃsāra mình đang ở nó rất là cực kỳ bi đát. Thì chính lúc đó mới có cơ hội để mình khởi lên lòng ham muốn thoát khỏi sự hiểm nguy này. Nếu không nhận rõ trạng thái bi đát thì sẽ nói: “Ồ! cảnh trần gian này quá tươi đẹp!” Và như vậy là ước mong muốn giải thoát nó không thể khởi lên được. Một khi mong muốn giải thoát khỏi chỗ này không có, thì chúng ta sẽ ở trong đây mãi mãi thôi. Như vậy, điều quan trọng mà chúng ta hy vọng bài này có thể đạt tới, mục đích bài này muốn nhắm tới là: Sau khi hiểu thuật ngữ Saṃsāra là gì rồi thì mình đối chiếu lại. Mình tự mình nhìn lại, kiểm chứng lại: Thấy rõ: “Sự thật này là đúng như vậy, tức là sự nguy hiễm của Saṃsāra”. Nhờ vậy, nó sẽ làm tăng trưởng được tinh tấn lựctín lực của mình đối với Phật pháp.

Trở lại một chút với câu chuyện của Đức Phật, có lẽ ai cũng biết rồi, ngài tự mình sống trong Saṃsāra, và sớm nhận ra Saṃsāra này nó nó có bốn biểu hiện là: sinh, lão, bệnh, tử. Và nếu đã rơi vào trong vòng xoáy này thì thoát ra được là việc cực kỳ khó khăn. Đức Phật là người không chấp nhận trạng thái của Saṃsāra cho nên trong Ngài phát lên lòng quyết tâm dõng mãnh đi tìm một phương pháp nào đó để chấm dứt trạng thái của Saṃsāra cùng những chi phối trong Saṃsāra tức là già, bệnh, chết. Nhờ lòng quyết tâm dũng mãnh đó, đức Phật tìm ra được một con đường thoát ra khỏi Saṃsāra. Nhờ vậy, toàn thể giáo pháp của đức Phật được Ngài khéo truyền lại cho chúng ta, tức là con đường hay phương pháp thoát ra khỏi Saṃsāra.

Cho nên Phật tử mấy ngàn năm sau muốn đi theo chân Phật thì điều kiện tiên quyết là phải sớm nhận ra trạng thái Saṃsāra nó bi thảm như thế nào. Ngày xưa Đức Phật là người đã trí tuệ cho nên ngài không cần ai chỉ cho ngài. Ngài tự thấy trạng thái sanh, lão, bệnh, tử là trạng thái không thể chấp nhận được. Ngài không phải vì kinh hãi mà ngài chỉ đơn thuần không chấp nhận nó. Ví thế, Ngài phát lòng quyết tâm dõng mãnh đi tìm con đường giải thoát.

Thật sự bản chất của con đường chỉ là lộ trình dẫn từ điểm A đến điểm B. Ở đây đối với con đường giải thoát thì: điểm A là Saṃsāra và điểm B là Nibbana tức là niết bàn. Phật ra đời chỉ là chỉ con đường này, chỉ phương pháp để đi từ Saṃsāra tới Nibbana mà thôi. Đó là nguyên nhân của đức Phật ra đời, rốt ráo chỉ là như vậy.

Với trí tuệ Chánh Đẳng Giác như vậy, khi Đức Phật thấy cần thiết lựa một thuật ngữ để mô tả trạng thái đang là của chúng sanh thì đương nhiên là Ngài phải khéo lựa từ. Và Ngài đã lựa chữ Saṃsāra để mô tả trạng thái đó.

Như vậy, muốn hiểu trạng thái của mình là như thế nào thì mình phải coi nghĩa đen trước khi Đức Phật mang vô Giáo Pháp để giảng dạy thì Saṃsāra mang ý nghĩa gì? Đây là câu hỏi quan trọng cần thẩm sát cẩn trọng. Chữ Saṃsāra trong tiếng Pāli là “vòng nước xoáy.” Đó chính là nghĩa đen của trước khi đi vào Giáo Pháp.

Bây giờ chúng ta thử hình dung hình ảnh vòng nước xoáy này ở trong đầu để mình cùng tư duy, thẩm sát cùng nhau. Bây giờ, thử tưởng tượng trong một biển nước lớn với một khối nước khổng lồ có một vòng xoáy và chúng ta không biết bơi, nhưng chúng ta bị lọt vào vòng xoáy đó và nó xoay liên tu bất tận. Như vậy thử hỏi trạng thái của người bị rơi vào vòng nước xoáy đó có cảm thọ như thế nào? Ở mức độ căn bản thì chỉ có 3 cảm thọ: thọ lạc, thọ khổ và thọ bất lạc bất khổ. Nếu như chúng ta bị lọt vào vòng nước xoáy thì cảm thọ chúng tacảm thọ gì? Khổ, lạc hay là bất lạc bất khổ? Đương nhiên câu trả lời phải là trạng thái khổ.

Nếu cứ tưởng tượng một vòng như vậy là một kiếp và khi lọt vô đó thì nó xoắn như vậy bao nhiêu vòng là bấy nhiều kiếp sống. Một người không biết bơi mà rơi vào vòng nước xoáy thì tâm thức của người đó sẽ bị cảm thọ khổ, tâm thức sẽ hốt hoảng và hoang mang. Đa phần chúng ta qua mỗi vòng xoay bị sanh lão bệnh tử rồi lại sanh lão bệnh tử. Mỗi một lần chúng ta đi một chu kỳ như vậy thì ở giữa 2 chu kỳ, ký ức bị xóa sạch bởi vì chúng ta không có thiên nhãn minh, không nhìn thấy được rằng mình đã bị sanh, sanh, tử, tử muôn lượng kiếp.

Nói chung là hầu hết chúng ta đều “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” và thường chấp nhận một cách bạc nhược, đầu hàngđiều kiện đối với trạng thái sanh tử luân hồi của chúng ta. Đại đa số tất cả chúng ta đều bị rơi vào tình trạng như vậy cả.

Tóm lại, điều chúng ta nhận thấytrạng thái sinh tử luân hồi này của chúng ta - ở mức độ vĩ mô - thì nó là xoắn giữa sanh-tử rồi lại sanh-tử vô lượng kiếp. Chữ vô lượng kiếp này có vài ví dụ trong Kinh xin kể ra để chúng ta hình dung thử coi nói vô lượng là cở nào? Ví dụ thứ nhất: “nước mắt mà chúng ta đã đổ ra trong kiếp sống này và trong suốt những kiếp sống khác còn nhiều hơn cả biển ở ngoài đại dương”. Bây giờ chúng ta thử nghiệm xem: một kiếp sống này, bao nhiêu chuyện buồn mình khóc đổ ra nước mắt chắc được một thùng phi là cùng, vậy thì bao nhiêu kiếp cho đong đầy cả biển Thái Bình Dương? Thử hình dung xem chúng ta chúng ta bị giam cầm ở trong Saṃsāra này bao lâu rồi? Đó là một ví dụ khiến cho chúng ta nếu mà tư duy phải nên kinh hãi. Ví dụ thứ hai là khi các nhà chú giả họ giải thích thuật ngữ “A-tăng-kỳ kiếp”. Chữ “A-tăng-kỳ kiếp” này được giải thích như thế này: một A-tăng-kỳ kiếp là 1 nhân 10 lũy thừa 140 kiếp! Tức là con số 1 đi đầu, sau đó có 140 con số không phía sau (chín số 0 theo sau đã là một tỷ). Như vậy, một A tăng kỳ kiếp là một nhân 10 lũy thừa 140 kiếp mà không phải là kiếp nhân sinh của chúng ta mà là kiếp của trái đất. Khoa học nói rằng trái đất này đã có tuổi thọ cở từ 10 tỉ năm. Bây giờ chúng ta đã sống qua được 5 tỷ năm của nó rồi. Thấy như vậy thì thời gian A-tăng-kỳ kiếp này, quý vị hình dung là một con số rất là lớn. Và chúng ta bị sanh tử luân hồi trong suốt khoảng thời gian đó. Còn nhiều ví dụ nữa, nhưng cũng không cần thiết liệt kê ra hết ở đây làm gì. Hai ví dụ trên cũng vừa đủ để chúng ta thấy rằng ở trạng tháisinh tử luân hồi của chúng ta là rất lâu xa.

Trong bài Kinh Biển, Tương Ưng Sáu Xứ, Đức Phật dạy như thế này:

“Biển, biển”, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu nói như vậy. Cái ấy, này các Tỷ-kheo, không phải là biển trong giới luật các bậc Thánh. Cái ấy (của kẻ phàm phu), này các Tỷ-kheo, là một khối nước lớn, là một dòng nước lớn. Con mắt là biển của người, tốc độ của nó làm bằng các sắc. Ai điều phục được tốc độ làm bằng các sắc ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là Bà-la-môn đã vượt khỏi biển mắt, với những làn sóng, nước xoáy, các loại cá mập, các loại La-sát, đến bờ bên kia và đứng trên đất liền” ---Trích Kinh Biển, Tương Ưng Sáu Xứ.

Bây giờ chúng ta phải nghiệm lại lời dạy của bài Kinh này. Đức Phật chỉ ra rằng Biển và các con sóng cùng với các dòng nước xoáy chính là 6 căn và 6 trần, tức là 12 xúc xứ trong giới và luật của bậc Thánh. Như vậy tuy rằng mình đang đứng trên cạn (theo cái nhìn của phàm phu) nhưng thực ra trong cái nhìn của Bậc Thánh thì mình đang sống trong đại dương của con mắt và các hình sắc, đại dương của âm thanh, đại dương của mùi vị, đại dương của những xúc chạm, đại dương của pháp. Kiểm nghiệm lại có phải đúng như vậy không? Chính những sắc, thanh. Hương, vị, xúc, pháp này nó cũng tạo nên một vòng xoáy; nó xoáy tâm thức mình ở trong đó. Nếu như thân này lỡ lọt vô vòng xoáy nước ở trên biển Thái Bình Dương thì nó mất tự chủ; còn thức này nếu bị rơi trong vòng xoáy của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì nó cũng bị mất tự chủ; nó cũng bị trôi dạt, nó cũng bị cuốn trôi, nó bị nhấn chìm, y chang như là thân nó bị ở trong khối nước vậy. Đó là một trạng thái bi đát cần phải nhận thức rõ như vậy.

Từ ví dụ khối nước, chúng ta được đức Phật báo cho biết rằng: chúng ta đang ở trong đại dương của sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp. Đó là ví dụ rất quan trọng, cho nên chúng ta phải biết rằng vẫn có những trường hợp “chết đuối trên bờ” mà giai thoại Thiền còn gọi là “Bình Địa Lục Trầm”. “Chết đuối trên bờ” là khi tâm thức của ta không có được sự bình thản, không có i sự tự chủ, không có độc lập vì đã đánh mất tự chủ trong sự chạy theo sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp. Xin mở ngoặc nói thêm lý do là vì sao Tâm Thức chạy theo 6 trần? Bởi vì nó còn tham, sân, si. Giống như nguyên lý nam châm, khi nào từ trường thay đổi thì bất cứ vật nào còn từ tính sẽ bị lay chuyễn theo sự thay đỗi của từ trường. Quý vị thử tưởng tượng mình là những cây đinh, những cục sắc còn nhiều từ tính (dụ cho còn nhiều tham sân si). Khi từ trường (dụ cho sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp) thay đổi, thì các cây đinh, cục sắc sẽ đó sẽ bị cuốn theo. Cho đến khi nào mà chúng ta khử hết các chất từ trong người chúng ta thì giống như chúng ta trở thành một miếng plastic, không còn là cục sắc nữa, thì lúc đó sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp từ trường thay đổi thì kết cục plastic - miếng nhựa đó nó vẫn đứng yên; đó là tâm thức của vị A-la-hán. Bởi vì những thứ dụ như từ trường ở trong tâm của họ tức là ở đây là tham, sân và si đã được đoạn tận, tham ái đã được đoạn tận, cho nên sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp thay đổi, thân đó không có bị cuốn theo nữa.

Đó cũng là phương pháp tu rốt ráo qua ví dụ từ trường từ tính. Nó đưa đến nhận thức rốt ráo cốt lõi tu hành là tu bát thánh đạo để đoạn tận Tham Sân Si.

Cho nên chúng ta hiện bây giờ đang ở trong đại dương của sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp. Bất cứ lúc nào nếu như trong tâm thức của chúng ta vẫn còn nhiều tham, sân và si thì tình trạng Saṃsāra xảy ra và chúng ta mất tự chủ. Chúng ta đã mất tự chủ không phải là một sớm một chiều mà chúng ta đã đánh mất sự chủ tự chủ này 4 A-tăng-ký kiếp rồi.

Hôm nay, chúng ta thẩm sát cẩn trọng lời Phật dạy, ta tự nhìn lại mình, thì mới thấy rằng mình đang lọt vô tình huống bi đát. Nhưng mà may mắn thay:  Ồ! Đã có một vị thoát ra khỏi tình huống bi đát rồi và để lại phương pháp thoát ra! Từ đó chúng ta mới nỗ lực để tìm hiểu ứng dụng Kinh Nguyên Thủy để ứng dụng các lời giáo huấn hay là bản đồ chỉ đường của vị từ phụ, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni để lại cho chúng ta có thể thoát ra khỏi được Saṃsāra này giống như là phương pháp của ngài chỉ cho mình vậy.

 

Như vậy, mục tiêu thứ nhất là đối chiếu nghĩa đen giờ chúng ta đã tạm xong. Bây giờ chúng ta đi sâu thêm một chút xíu nữa là chúng ta đặt câu hỏi là các nguyên lý vật lý nào tạo ra dòng nước xoáy? Vì sao dòng nước xoáy nó được hình thành?

Giờ chúng ta quay trở lại hình ảnh dòng nước xoáy trên biển hay là trên dòng song để khảo sát xem nguyên lý vật lý nào khiến cho vòng xoáy tồn tại? Chúng ta thấy rằng để một dòng nước xoáy tồn tại, nó cần phải có hai dòng chảy ngược chiều nhau. Thí dụ như một cơn gió từ hướng đông thổi qua, nó đụng với lại một con gió ngược chiều lại thì hai cơn gió nó xoắn với nhau, nó thành một vòng xoáy. Nguyên lý vật lý để tạo nên một dòng xoáy là nó phải có hai lực ngược chiều nhau, nếu chỉ có một dòng chảy thì nó không tạo nên dòng xoáy được.  Nguyên lý này rất quan trọng, muốn chấm dứt Saṃsāra, thì phải nhận diệnchấm dứt một trong hai dòng đối lưu này.

Như vậy trên phương tâm thức được mô tả qua 12 nhân duyên thì hai lực đối lưu nào đang giam cầm chúng sanhtrong vòng xoáy Saṃsāra? Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng cần thấu triệt.  

Phật dạy trong Kinh Nước Mắt, Tương Ưng Bộ Kinh:

 “Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc..”

Như vậy, Trong trạng thái sanh, lão, bệnh, tử: sự bắt đầu không thể chỉ và sự kết thúc cũng không thể biết được! Nhưng Đức Phật dạy rằng không thể có sự chấm dứt sanh tử luân hồi nếu như không chấm dứt vô minhái dục. Như vậy, qua bài Kinh này Ngài giúp chúng ta nhận diện ra hai lực đối nghịch, tức là Vô MinhÁi Dục.  Ngày nào còn 2 dòng chảy ngược chiều này thì ngày đó chúng ta còn sanh tử luân hồi. Vô Minh xô tới, Ái Dục kéo lui, khiến cho chúng ta loay hoai mãi trong Saṃsāra

Tại sao Vô Minh nói Vô Minh là lực xô tới? Trong 12 nhân duyên, vô minh duyên hành. Vì vô minh thúc đẩy chúng sanh, xô chúng sanh đi tới để tạo ra nghiệp; vì vô minh cho nên nó xô đẩy chúng ta làm những nghiệp của thân, khẩu và ý. Như vậy, là vô minh là lực xô tới, thôi thúc chúng ta hành những ác nghiệp về thân khẩu ý. Còn ái dục: quay trở lại để tìm kiếm. Vì thọ duyên ái, cho nên ái thực sự sự quay trở lại để tìm kiếm các cảm thọ lạc do các các dục mang tới; vì thế cho nên gọi là ái dục. Ái dục thực sự là cảm giác thỏa mãn khi có thọ lạc.

Như vậy, vô minh là lực xô tới để thôi thúc chúng sanh tạo nghiệp và ái dục là lực quay ngược trở lại trong trong vòng 12 nhân duyên để tìm kiếm những cảm thọ cũ. Như vậy, là hai lực này tạo ra vòng xoáy. Chính vì lý do này cho nên đức Phật nói rằng: không thể có sự chấm dứt luân hồi cho những chúng sanh nào còn vô minhái dục. Câu này rất quan trọng. Thực sự, điều mà Đức Phật dạy chúng ta tuy thật sâu xa, khó nhận biết, nhưng chính nhờ ví dụ dòng nước xoáy này, nếu chúng ta biết khéo tư duy, khéo tư niệm chúng ta sẽ nghiệm ra sự thật: Đây chỉ là nguyên lý vật lý rất căn bản: Nếu như ngày nào mà còn 2 lực đối nghịch thì ngày đó còn vòng xoáy. Nếu như ngày nào mà chúng ta còn vô minh và còn ái dục thì ngày đó chúng ta còn sanh tử luân hồi. Nguyên lý cực kỳ đơn giản và dể hiểu nhưng không phải ai ai cũng nhận ra nếu không biết khéo Văn Tư Tu trên lời Phật dạy. Mọi thứ tuân theo đúng nguyên lý như vậy thôi.

Ai muốn chấm dứt sanh tử luân hồi thì là phải tu pháp môn Tứ niệm xứ để chấm dứt vô minh. Tu tập 7 giác chi để chấm dứt vô mình. Hoạc là phải tinh tấn đoạn trừ những ái dục thì lúc đó mới chấm dứt được sanh tử luân hồi.

Đó là nguyên lý căn bản, Phật ra đời hay không ra đời nguyên lý này cũng vậy! Chúng ta Minh hay vô minh, nguyên lý vòng xoáy này cũng vậy. Quá khứ, hiện tại, vị lai gì nguyên lý này cũng vậy. Ta có hiểu nó hay không hiểu nó, nguyên lý này cũng vậy: tức là: Ngày nào ta còn vô minhái dục thì ngày đó ta còn bên trong vòng xoáy sanh tử luân hồi. Nguyên lý vật lý của nó là bắt buộc là phải như vậy tức là phải chấm dứt những lực nào tạo ra vòng xoáy. Mọi thứ đều có nguyên nhân.

Bây giờ xin tóm tắt lại những các điểm chính yếu.

  1. Thứ nhất là nghĩa đen của chữ Saṃsāra là dòng nước xoáy. Nhưng đây là một ẩn dụ Phật dạy thêm rằng tâm của chúng ta cũng đang ở trong vòng nước xoáy của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Điều này rất là quan trọng.  
  2. Điều thứ hai là chúng ta bị giam trong dòng nước xoáy này một thời gian rất lâu xa: bốn A tăng kỳ kiếp! Trong thời gian đó nước mắt đổ ra nhiều hơn cả đại dương.
  3. Điều thứ ba là dòng nước xoáy này có nguyên nhân. Nguyên nhân cùa nó là 2 lực đối nghịch duy trì sự tồn tại của dòng nước xoáy. Hai lực đó, đức Phật đã chỉ thẳng ra cho chúng ta là: vô minhái dục.
  4. Muốn chấm dứt vòng xoáy sanh tử luân hồi, cần phải cẩn trọng thẩm sát, văn tư tu trên lời Phật dạy. Chọn lựa pháp môn nào cho thích hợp, nhắm tới chấm dứt vô minhái dục để tu thì mới mong thoát khỏi Sanh Tử Luân Hồi.

Tóm lại, ý nghĩa khái niệm Saṃsāra là như vậy. Thuật ngữ này là thuật ngữ căn bản của Đạo Phật được chính Đức Phật khéo chọn lựa ra cùng với ẩn dụ tinh xảo của vòng nước xoáy nhằm mục đích nói cho chúng ta thấu triệt trạng thái đang là vô cùng bi đát của chính chúng ta để chúng ta biết sợ hãitinh tấn tu theo tam tuệ Văn Tư Tu để tự mình giải thoát khỏi vòng nước xoáy Saṃsāra. Hiểu thấu sự bi đát của Saṃsāra, chúng ta sẽ thấy hoan hỷ có được cơ hội để học tập phương pháp làm thế nào để thoát ra khỏi Saṃsāra do Đức Phật dạy và từng bước, từng bước, đi tới đích đến tức là Nibbana, Đây cũng là một thuật ngữ quan trọng không kém, nằm ngoài phạm vi của lý luậnngôn ngữ. Nhưng đó là chủ đề trong bài nói chuyện khác. Chủ đề Về Ý Nghĩa của Saṃsāra xin chấm dứt ở đây. Cám ơn quý vị đã đến chú tâm lắng nghe chương trình tu học của Hội Thiền Tánh Không trong loạt bài Tìm HiểuỨng Dụng Kinh Nguyên Thủy.

 

Tuệ Huy-Tô Đăng Khoa đọc lại và hiệu đính

Mùa Phật Đản 2018.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/12/2014(Xem: 12449)
15/02/2019(Xem: 9830)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.