Phước Nguyên
Trong nhà Thiền có lưu hành câu chuyện giữa Tổ Bách Trượng và Ngài Quy Sơn khá nổi tiếng. Chuyện thì dài, nhưng đại khái như vậy: có lần ngài Quy Sơn hội kiến Tổ Bách Trượng, trong “thiền cơ” đối thoại giữa hai ngài, có đoạn Tổ hỏi:
“Ông bươi tìm trong lò xem thử coi còn lửa hay không?”
Ngài Quy Sơn khều mãi trong lò, không thấy chi cả, thì đáp: “Thưa, không còn lửa”.
Tổ Bách Trượng đi đến cạnh lò, dùng cây đũa sắt bới sâu vào trong, tìm thấy một đốm lửa, ngài gấp ra đem đến đưa ngài Qui Sơn xem, Tổ hỏi: “Đây là gì hả?”
Điều cấm kị của các Thiền sư là phân tích và lý luận, nên ở đây, chúng ta hãy tạm khoan bàn đến thiền lý sâu xa của câu chuyện, mà chỉ nói đến tính chất văn chương của nó, đọc nó như một tác phẩm văn học, để tiếp cận được tính nghệ thuật của nhà Thiền.
Thiền ở Trung Hoa, trong truyền thuyết được nói là khởi điểm từ Lão tổ Bồ-đề-đạt-ma, cỡi sóng qua sông, từ Ấn Độ đến xứ Trung Hoa để “”; không rõ từ khi nào, có lẽ là từ lúc truyền đến đời Lục tổ Huệ Năng, thực thể sống động của Thiền, đạt đến đỉnh cao của tinh hoa nghệ thuật. Từ đó Thiền học uyển chuyển xuyên qua khắp ngõ ngách văn chương, tuôn đến tận cùng dòng chảy văn học và triết lý, do đây Thiền kết chặt với đời sống Trung Hoa, không chỉ giới Thiền gia, mà cả giới Thi ca nghệ sĩ, “” cũng là Thiền. Bất cứ tình huống nào, vật dụng gì, dưới lời nói, cử chỉ hay ánh mắt của Thiền sư, cũng đều có thể trở thành một “công án thiền”, ngụ chứa thiền cơ.
Chuyện tìm lửa trong tro tàn, nói thực tế, thì cũng không phải mới, nhưng dưới con mắt của nhà Thiền nó trở nên khá hấp dẫn, bởi vì tính chất giáo dục của nó. Tìm một đốm lửa trong bếp tro, nghe ra khá dễ dàng, nhưng không phải ai cũng có thể tìm thấy, như trong chuyện đã nói. Tìm một cái lẽ sống, giữa muôn trùng đổi thay, cũng không phải đơn giản:
“Bước vào chốn cũ lầu thư,
Tro than một đống, nắng mưa bốn tường” (Kiều).
Thổi tro tàn, để mong tìm ra một chút gì đó tốt đẹp còn sót lại, một chút niềm tin, một chút hy vọng thấy được ánh lửa của sự sống. Ranh giới giữa cái sống và cái chết, giữa niềm tin và thất vọng rất mong manh, có khi phải được kí thác bằng niềm tin, dù đó là niềm tin gì đi chăng nữa. Nhưng, , vẫn là niềm tin cần thiết nhất. Giữa đống tro tàn than vụn, mà có thể tìm thấy niềm tin ấy, cũng là một điều hiếm hoi:
“Trong tro, thấy một đống xương cháy tàn” (Kiều).
Thật ra, nhiều khi đời không được như ý, lắm lúc đi đến tận đáy cuả xã hội mới thấy được giá trị của sự sống, mới nghiệm ra những đạo lý nhân tình thế thái. Các nhà nho thường nói: “bỉ cực thái lai” hay “khổ tận cam lai”, trải qua một cuộc bể dâu, mới mong có hồi kết tốt đẹp, thành quả ngọt ngào chỉ có thể thành tựu khi vượt qua được những sóng gió trập trùng; kinh Phật khi miêu tả về trạng thái chấm dứt khổ đau, thường dùng thành ngữ: “tác biên tế khổ” – “đi đến tận cùng biên giới của khổ”, hạnh phúc an ổn nhất theo nhà Phật chỉ khi nào thật sự chứng nghiệm được chân lý về khổ đau, tìm ra được con đường và khởi hành trên con đường ấy để đưa đến chấm dứt tình trạng khổ đau.
Trong một bếp lò tàn, lửa ngún giữa tro than là điều thường thấy, đốm lửa đó, như cái nghiệp lực da diết bám đuổi lấy ta, vẫn âm thầm dưới lớp tro tàn, bất cứ hành vi thiện ác nào mà chúng ta đã gây tạo ra, đều phải nhận lấy một kết quả tương xứng, kết quả ấy có khi lặng lẽ chưa biểu hiện, có khi im lìm nhưng dữ tợn, có thể thiêu đốt cả thành quách núi đồi, đức Phật thường dạy: “” (Pháp cú 71); nên hành giả tu tập cũng giống như một người nhóm lửa, dẫu có lúc lửa đã tàn, than đã nguội, nhưng nếu khéo léo bới lửa, thì quá khứ hay hiện tại, vị lai hay hiện tiền, dù trải qua bất cứ hình thái sự sống nào đi nữa, thì từ trong bếp tro tàn ấy, vẫn có cơ may tìm thấy một chút lửa niềm tin chưa hề tắt lịm.
Phước Nguyên
- Từ khóa :
- thổi tro tàn
- ,
- Phước Nguyên
- ,
- phật học ứng dụng