3. Chánh Niệm Trong Thiền Việt Nam

05/01/20202:57 CH(Xem: 5609)
3. Chánh Niệm Trong Thiền Việt Nam

ĐỂ NGỘ TÔNG CHỈ PHẬT
NGUYÊN GIÁC
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2020

  

CHÁNH NIỆM

TRONG THIỀN VIỆT NAM

 

 

Bài này sẽ trình bày sơ lược về cách quý ngài Thiền sư Việt Nam thời cổ đã truyền dạy Phật pháp – trong đó, chánh niệm, tức tỉnh thức với tuệ quán, giữ một phần quan trọng trên đường đạo. Thứ tự thường được quý Thầy dạy là: cần tin sâu nhân quả, mới biết sợ sinh tử luân hồi để tu; khuyến tu tinh tấn, vì thời gian không chờ ai; nhận rõ Tứ Thánh Đế, để thấy cõi này không có gì vui, sơ suất là kiếp sau mịt mờ ba cõi sáu đường, và để nhận ra đường giải thoát; khuyến tấn giữ giới, vì đây là căn bản để không rơi vào ác đạo; sám hối, để ăn năn lỗi cũ và tránh lỗi mới; và nhận rõ đường đi giới-định-tuệ để giải thoát… trong đó, chìa khóa là chánh niệm tỉnh giác, vì trí tuệ là “chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng.” 

Tin sâu nhân quả. Trước tiên, phải thấy tin và sợ nhân quả mới ra sức tu hành. Sách Khóa Hư Lục (KHL) của ngài Trần Thái Tông, bản dịch của HT Thanh Từ, trong chương “Bốn Núi” cảnh giác rằng tranh đua gì trong thế gian này, dù tài văn hay tài võ kinh người, dù trai tài gái sắc cỡ nào, rồi cũng sẽ rơi vào luân hồi. Đó là lý do phải tìm pháp xuất thế gian. Trích lời KHL như sau:

Văn chương quét sạch ngàn quân, võ lược chiến thắng trăm trận. Trai cậy phong tư ném quả, gái khoe sắc đẹp nghiêng thành. Một trận cười nghiêng nước, hai trận cười đổ thành. Đua danh khoe đẹp, tranh lạ đấu trân, xem ra thảy đều luân hồi, đáo để khó trốn sanh hóa.” (1)

Khuyến Tu Tinh Tấn. Cũng trong Khóa Hư Lục, trong chương Tựa Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối” cho biết vua Trần Thái Tông rất mực tinh tấn, trong lòng thương cảm nhiều người kém căn lành, nên ngài ra sức “quên ăn mất ngủ” để đọc Kinh Luận, tuyển chọn pháp dạy người qua bờ kia. Ngài vừa là một tấm gương khuyến tu tinh tấn, vừa đưa ra những lời sách tấn. Trích sách KHL nêu trên:

Trẫm nhờ quyến thuộc nhà trời, ở ngôi chí tôn, nên việc dân gian, quốc chánh phiền rộn. Phồn hoa dụ dỗ bên ngoài, thị dục mê hoặc ở trong. Miệng thì chán ngán vị ngon, thân phải đeo mang vàng ngọc. Thấy nghe đuổi theo thanh sắc, ở ăn toàn chốn gác đài. Lại nữa, thói đời khinh bạc, nhân pháp suy vi, học giả mù độn, căn lành kém mỏng. Ngày thì căn trần va chạm, lưới nghiệp kéo lôi; đêm thì mê ngủ che đậy, dây lười trói buộc. Ngày đêm dính mắc, đâu không phải là lỗi chuốc họa gây thù. Trẫm vì lẽ đó, ôm ấp trong lòng, thương cảm xen lẫn, quên ăn mất ngủ. Nhân khi việc triều rảnh rỗi, xem khắp Kinh, Luận và các văn nghi lễ, tuyển chọn pháp có được tự lợi lợi tha, dùng để chỉ dạy cho người. Trăn trở suy đi nghĩ lại, xưa tạo nghiệp trọn do sáu căn.”

Nhận rõ Khổ Đế. Là thấy cõi dục như nhà lửa cần phải rời bỏ. Nếu không thấy Khổ Đế, sẽ không thấy hết Tứ Thánh Đế -- và như thế sẽ không nhận ra Tập Đế, Diệt ĐếĐạo Đế. Khổ là đau đớn, là bất như ý, là ngay cả các niềm vui có được cũng rất ngắn, là thấy ba cõi sáu đường đều là lửa cháy trùng trùng. Trong chương “Nói Rộng Sắc Thân” trong sách KHL nêu trên, chỉ rằng lối vào địa ngục cũng từ mắt, tai cũng mình dẫn đi:

Dầu cho văn chương cái thế, giả sử tài sắc nghiêng thành, chung cuộc đâu có đường khác, cuối cùng cũng chỉ một lối đi. Mắt bị sắc dẫn trèo lên cây kiếm; tai theo tiếng lôi tiến lên núi đao; lỗ mũi ngửi toàn mùi hôi hám; trong lưỡi ăn sắt nóng nuốt hoài; thân khiếp sợ nước đồng sôi nóng giội; ý chua cay vạc dầu sôi nung nấu. Nhân gian trọn một trăm năm, trong địa ngục mới là sáng tối. Nếu người tác gia đủ mắt, cần phải sớm gấp hồi quan chuyển thân nhảy khỏi vòng sanh tử, khoảng khảy tay cắt đứt lưới ái ân. Dù là nam hay nữ thảy đều tu được; dẫu rằng trí hay ngu trọn đều có phần. Nếu chưa đạt được Phật tâm, Tổ ý hãy trước nương trì giới tụng kinh.”

Cũng nên thấy, Khổ luôn luôn nằm sát với chúng ta, bất kể là mình đang ở trong hoàn cảnh nào. Thí dụ, một cô Hoa Hậu Thế Giới, có nhan sắc được ca ngợi đẹp nhất thế giới, có thể kiếm tiền hơn nhiều người, nhưng nội tâm cô tự biết các bất như ý mà người khác không thấy. Trên bàn điểm trang, cô nhìn vài chục thỏi son, và tự băn khoăn là nên chọn màu son nào (khởi tâm như thế, cũng là nhận ra các bất như ý, vì sợ mình nhạt màu môi); cô nhìn vài chục bộ áo dự tiệc, thắc mắc nên chọn áo nào (cũng là nhận ra các bất như ý, vì sợ bị chỉ trích kiểu này, kiểu kia); cô phải đối phó với rất nhiều cạm bẫy, lo sợ các ly rượu mời có thể có thuốc ngủ, và đủ thứ lo sợ khác. Đó là lý do chúng ta thỉnh thoảng đọc tin rằng ca sĩ Hàn quốc này, nữ tài tử Hoa Kỳ kia đột tử hay tự sát… Một Hoàng Đế, hay một Tổng Thống, cũng đầy những bất như ý.

Huống gì là trong đời thường chúng ta, người tu cũng đầy bất như ý, thí dụ: xe hư, nhà dột, kẹt tiền, mắt lòa, tai điếc, nhức răng, chân đau, khớp mỏi, hơi thở khó vào định, không đủ tiếng Anh hay tiếng Hán để đọc thêm kinh điển, trí nhớ kém dần, và vân vân. Tất cả các khổ trong cõi này là: sinh, già, bệnh, chết, oán thù gặp nhau, người thương xa nhau, muốn không được là khổ (Đức Phật nói gọn về Khổ Thánh Đế: dính vào, níu kéo năm uẩn là khổ). Trong khi Tập Thánh Đếnguyên nhân khổ: chỉ vì dục tham ái. Như vậy, ly thamDiệt Thánh Đế. Và Đạo Thánh Đếcon đường giải thoát, gồm Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mệnh, Chánh tinh tiến, Chánh niệm, Chánh định.

Khuyến tấn giữ giới. Vì giới chính là thuyền bè để vượt qua dòng sông sinh tử. Giới cho cư sĩ có 5 điều: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối hay lời gây hại, không uống rượu và các chất say. Có thể nhớ bằng nhóm chữ: tránh phạm sát dâm đạo vọng tửu. Vua Trần Thái Tông viết trong chương “Luận về thọ giới” của sách Khóa Hư Lục nêu trên, trích: “Thờ Phật làm thầy, trước phải y theo giới luật. Cổ đức nói: “Qua sông phải dùng bè, đến bờ chẳng cần thuyền.” Đây là cổ nhân dùng giới luật làm thuyền bè.”

Sáu thời sám hối. Vua Trần Thái Tông khuyên học nhân nên sáu thời, tức là suốt ngày (lịch xưa chia một ngày làm sáu thời) hãy sám hối. Tức là, ăn năn lỗi trước, tránh phạm lỗi sau. Chương “Tựa Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối” trong Khóa Hư Lục viết: “Muốn tẩy sạch thân tâm mà không dùng sám hối, khác nào muốn tiện lợi qua lại mà chẳng dùng xe, thuyền. Thế mới biết công dụng sám hối rất là to... Đức Phật chúng ta trí nguyện rộng lớn, mở cửa phương tiện, tùy lối chỉ đường về, đúng bệnh cho thuốc. Biết huyễn cấu của chúng sanh từ vọng mà sanh, khuyên họ một niệm kính thành qui y sám hối, khiến thân tâm thanh tịnh, trong sạch như xưa. Gió yên thì sóng lặng, bụi sạch thì gương sáng. Sao thế? Vì trước khởi tâm ác, như mây che mặt trăng, sau sanh tâm thiện, như đuốc sáng tan bóng tối. Ôi! công dụng sám hối lớn lao há chẳng vậy sao?

Sám hối sáu căn. Cụ thể, Vua Trần Thái Tông dạy pháp sám hối sáu căn, vì thế giới này tập khởi là từ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), và nhiễm hay tịnh cũng từ sáu căn.

Khóa Hư Lục viết về tội căn mắt, trích: “Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành… Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang… Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái…” 

Khóa Hư Lục viết về tội căn tai, trích: “Những điều hiếu trung, che tai bỏ mặc. Hoặc nghe tiếng xuyến, bỗng nảy lòng dâm; Nghe nửa câu kinh, liền như tai ngựa…”

Khóa Hư Lục viết về tội căn mũi, trích: “Theo dõi hương trần, Long thần chẳng nể; Chỉ thích mùi xằng, trọn không chán mỏi. Mặt đào má hạnh, lôi kéo chẳng lìa…”

Khóa Hư Lục viết về tội căn lưỡi, trích: “Giết hại chúng sanh, vì ba tấc lưỡi. Nói dối bày điều, thêu dệt bịa thêm; Hai lưỡi bỗng sanh, ác khẩu dấy khởi. Chửi mắng Tam Bảo, nguyền rủa mẹ cha…

Khóa Hư Lục viết về tội căn thân, trích: “Chấp cho là thật, quên mất Pháp thân; Sanh dâm, sát, trộm, bèn thành ba nghiệp…”

Khóa Hư Lục viết về tội căn ý, trích: “Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo dối sanh; Não loạn tâm thần, đều do ba độc…

Khuyến tu giới định tuệ. Vua Trần Thái Tông nói rằng cả ba chi giới định tuệ đều quan trọng, vì có giới mới lìa cõi dữ và giữ được sức định, từ đây mới có tuệ. Trong hai chương “Luận về giới định tuệ” và “Luận gương tuệ giáo” trong sách Khóa Hư Lục viết, trích:

Noi theo đường tắt của chư Phật, chỉ có kinh mà thôi. Song trong kinh nói ra không ngoài giới, định, tuệ... Vì thế dùng giới trừ ác thú, dùng định trừ dục giới, dùng tuệ trừ tất cả cõi. Nương theo giới định tuệ này mà tu, tức là đường tắt của chư Phật, chẳng phải xa vậy.” (chương “Luận về giới định tuệ”)

Tuệ sanh từ sức định. Nếu tâm định thì gương tuệ sanh, nếu tâm loạn thì gương tuệ diệt. Cũng như chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng. Nếu chẳng mài giũa thì tỳ vết bụi nhơ phủ tối. Đã bị bụi nhơ phủ thì ánh sáng làm sao mà sanh? Cho nên trí tuệ do định hiện, định tuệ nương nhau không thể thiếu một.” (chương “Luận gương tuệ giáo”)

Khuyến tấn Niệm Phật. Trong chương “Luận về Niệm Phật” trong sách Khóa Hư Lục, vua Trần Thái Tông không hế nhắc tới danh hiệu bất kỳ vị Phật nào (dù là Phật Thích Ca hay Phật A Di Đà). Bản văn cũng không hề nói tới phương pháp Tín-Hạnh-Nguyện thường nói trong nhiều pháp Niệm Phật. Có nghĩa là, Niệm Phật trong Thiền Trúc Lâm không phải là pháp của Tịnh Độ. Khóa Hư Lục viết, trích:

Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm. Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.

Bậc trung trí ắt nương niệm Phật. Chú ý chuyên cần, niệm niệm chẳng quên, tự tâm thuần thiện. Niệm thiện đã hiện, niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm, nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo. Lúc mạng chung được vui Niết-bàn - thường lạc ngã tịnh - là Phật đạo vậy.

Bậc hạ trí thì miệng siêng niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sanh về nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sanh về nước Phật. Sau được chư Phật dạy bảo chánh pháp, chứng được bồ-đề, cũng vào quả Phật.”

Thiền tập. Tất cả các Thiền sư tại Việt Nam đều dạy Thiền tập. Phương pháp có khi dị biệt nhau, nhưng đều nhằm xa lìa tham sân si.

Thiền sư xưa nhất được ghi trong lịch sử Việt Nam là ngài Khương Tăng Hội (? - 280). Ngài sinh tại Giao Chỉ và được xem là thiền sư đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Trong pháp An Ban Thủ Ý, ngài Khương Tăng Hội nói về pháp niệm hơi thở, theo bản dịch của GS Lê Mạnh Thát, trích: “Hơi thở ra, hơi thở vào tự hiểu; hơi thở ra, hơi thở vào tự biết. Đương lúc ấy là hiểu, về sau là biết. Hiểu là hiểu hơi thở dài ngắn. Biết là biết hơi thở sinh diệt thô tế chậm nhanh.”

Trong khi đó, vị khai sáng dòng Thiền Vô Ngôn Thôngphương pháp dạy như Bồ Đề Đạt Ma: ngồi thiền, hướng mặt vào vách tường, lặng lẽ và giữ tâm vô sở trụ. Thiền sử Việt Nam ghi rằng ngài Vô Ngôn Thông (759 – 826), là một Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây mấy năm liền sư chỉ quay mặt vào vách toạ thiền và không ai biết tông tích của Sư. Vị trụ trì nơi đây là Cảm Thành thầm biết sư là cao tăng đắc đạo nên hết sức kính trọng. Sắp sửa tịch, sư gọi Cảm Thành đến nói kệ:

Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh; Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ…” (dịch: Tất cả các pháp đều từ tâm sinh khởi ra; [nếu khi] tâm không chỗ sinh, [thì] pháp không chỗ trụ…”

Khi đối chiếu Tạng Pali, sẽ thấy câu đầu là Kinh SN 35.23 (Sabba Sutta: The All), Đức Phật dạy, theo bản dịch HT Minh Châu: “...này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.” Trong khi nói “tâm không chỗ sinh” là ý trong Trường Bộ DN 11 (Kinh Kevaddha) khi (...here’s where name and form cease with nothing left over—with the cessation of consciousness) (HT Minh Châu dịch: Ở đây danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn -- Khi thức diệt, ở đây mọi thứ đều diệt tận.) (2)

Có một cách nói gọn hơn, từ Kinh Kim Cương là "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" (không để tâm trụ vào bất kỳ nơi nào [dù là 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới] thì Niết bàn diệu tâm sẽ hiển lộ). Vua Trần Thái Tông khi đọc kinh Kim Cương đến câu đó thì ngộ đạo.  Có hai Kinh trong Tạng Pali – Kinh SN 48.9, Kinh SN 48.10 -- trong nhóm Kinh Tương Ưng Bộ, ghi rằng vô sở trụ là cách vào sơ thiền, vào nhị thiền, vào tam thiền, vào tứ thiền… nhẫn tới chứng quả A La Hán. Tương tự, trong Kinh Sn 3.12 bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu, viết rằng sau khi Đức Phật giải thích về một số câu hỏi, thì “the minds of 60 monks, through lack of clinging, were fully released from fermentation” (tâm của 60 vị sư, nhờ tâm không trụ vào bất kỳ pháp nào, đã được hoàn toàn giải thoát khỏi các lậu hoặc). (3)

Như vậy, có cách nào để Thiền tập cụ thể, nói cách đơn giản hơn? Có trình bày đơn giản hơn, là qua bài Phú Cư Trần Lạc Đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau đây, chúng ta sẽ trích, tổng hợp từ các bản của Thầy Thích Thanh Từ và Thầy Nhất Hạnh dịch. (4)

Trước tiên, ngài Trần Nhân Tông dạy là phải Thiền tập tới khi, ít nhất là vào sơ Thiền. Hội Thứ Nhất viết, trích:

Mình ngồi thành thị; Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; Nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm…”

Mấy câu vừa dẫn cho thấy rằng trong tâm không còn niệm tham ái nữa, nghe tịch lặng ngay cả khi tiếng xôn xao (tịch lặng: ngôn ngữ đạo đoạn, có thể suy đoán là đã vào nhị Thiền, khi không còn chữ hay tiếng nào hiện lên trong tâm, bất kể duyên sự nào, rời tầm và tứ).

Trong Hội Thứ Hai, ngài Trần Nhân Tông viết rằng chỉ cần nhận ra lòng (nhận ra bản tâm, tức là tánh không, tánh vô tự tánh của tâm) và như thế, không còn thấy cái gì là mình hay người (vì thực tướng đều là vô tướng). Trích:

Biết vậy! Miễn được lòng rồi; Chẳng còn phép khác. Gìn tính sáng tính mới hầu an; Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác. Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương; Dừng hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác.

Hội Thứ Ba trong bài cũng nhấn mạnh nghĩa Không trong tâm, trích: “Nếu mà cốc, Tội ắt đã không. Phép học lại thông…” (cốc: chữ cổ, có nghĩa là Không).

Trong Hội Thứ Tư, cũng nhấn mạnh nghĩa Không trong tâm, trích: “Tin xem: Miễn cốc một lòng; Thì rồi mọi hoặc…” (hoặc: lậu hoặc, phiền não)

Nhưng tới 2 câu cuối của Cư Trần Lạc Đạo mới là thần chú của Thiền Tông. Ngài Trần Nhân Tông viết:

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”

(Trong nhà có báu thôi tìm kiếm; Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền.)

Cũng có thể tóm gọn bằng 4 chữ thôi: “Đối cảnh vô tâm.” Đây là cẩm nang Thiền Tông VN. Đối là gặp, là thấy nghe hay biết… Cảnh là cái được thấy, cái được nghe… Đối là cơ duyên cho sự kiện và thời gian… Cảnh là không gian… Đối cảnh là thấy nghe hay biết trong cái bây giờ và ở đây. Vô tâm là không khởi  tâm lành dữ, không khởi tâm ưa ghét. Có nghĩa là: khi đối cảnh, thì chỉ có cái được thấy và cái được nghe, và không hề có ai thấy, không hề có ai nghe. Đó chính là Kinh Bahiya. Và khi “Đối cảnh vô tâm” cũng có nghĩa là sống với cái hiện tiền, tức là sống với dòng vô thường lưu chảy qua thân tâm mình, cũng là buông hết cá quá khứ (cái đã qua), không mơ tưởng gì tương lai (cái chưa tới) và không níu giữ gì hiện tại (vì cái hiện tại tức khắc liền trở thành quá khứ) -- nơi đó dứt bặt tất cả các lao xao suy nghĩ, vì các lao xao suy nghĩ chỉ là sản phẩm của ngũ uẩn quá khứ. Đó chính là nhóm Kinh Tập, với Kinh Sn 4.15, trong đó có bài Kệ 949: Hãy để lụi tàn những gì đã qua, hãy để mặc kệ những gì chưa tới, không dính mắc tới những gì hiện tại, ngươi sẽ sống trong an tĩnh hòa bình. (5)

Lúc đó là giải thoát. Là phương pháp chánh niệm tỉnh giác của Thiền Tông Việt Nam.

GHI CHÚ:

(1) Khóa Hư Lục: https://thuvienhoasen.org/p27a6693/muc-luc

(2) Kinh SN 35.23: https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau

Kinh DN 11: https://suttacentral.net/dn11/vi/minh_chau

(3) Thiền Tông Như Bè Pháp Qua Sông: https://thuvienhoasen.org/a32627/thien-tong-nhu-be-phap-qua-song

(4) Bản của Thầy Thanh Từ: https://thuvienhoasen.org/images/file/OkQepJ1G0QgQAG8-/tamtotruclam.pdf

Bản của Thầy Nhất Hạnh: https://thuvienhoasen.org/a18391/hoi-thu-nhat

(5) Kinh Sn 4.15: https://thuvienhoasen.org/a30608/sn-4-15-attadanda-sutta-kinh-ve-bao-luc

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/12/2015(Xem: 11178)
11/12/2018(Xem: 13832)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.