ĐƯỜNG ĐẾN AN BÌNH THẬT SỰ
Nguyên tác: Many Ways to Nirvana
Nhà xuất bản: Penguin Compass - 2005
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Sưu tập và hiệu đính: Renuka Singh
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 23/02/2011
Contents
Tác Giả Và Người Sưu Tập. 3
Lời Người Dịch. 6
Tri Tạ. 9
Giới Thiệu. 11
Bốn Pháp Ấn Của Đạo Phật 21
Chiến Thắng Những Cảm Xúc Tiêu Cực. 63
Tự Tiến Bộ Qua Sáu Toàn Thiện. 104
Trau Dồi Hành Xả. 135
Bốn Chân Lý Cao Quý. 166
Tám Đề Mục Chuyển Hoá Tâm.. 186
Những Không Gian Tâm Linh. 220
Nghiệp - Hạnh Phúc - Tâm.. 245
Nhân Loại Tiến Đến Một Thế Giới Hoà Bình. 263
LỜI NGƯỜI DỊCH
Người Phật tử chúng ta khi nghe nói đến hai chữ niết bàn thường nghĩ đến Câu Thi Na, nơi Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni lìa bỏ xác thân tứ đại và như vậy nó cùng đồng nghĩa như thông thường chúng ta hiểu là chết.
Mặc dù Phật tử biết rằng niết bàn có nhiều loại:
1- Hữu dư y niết bàn
2- Vô dư y niết bàn
3- Vô trụ xứ niết bàn
4- Tự tính thanh tịnh niết bàn
Nhưng chúng ta vẫn cứ nghĩ như thế. Vì vậy trong tác phẩm này tôi không muốn dịch theo sát nghĩa Many Ways to Nirvana là Những Nẽo Đường Đến Niết Bàn mà tôi lại dịch là Đường Đến An Bình Thật Sự. Vì sao vậy?
Vì niết bàn có nghĩa sự chấm dứt, diệt đế. Nhưng chấm dứt điều gì? Đấy là chấm dứt phiền não, hay phiền não không sinh khởi nữa, có nghĩa là chúng ta tự do với chúng, không còn bị phiền não chi phối nữa. Niết bàn theo chiết tự từ Phạn ngữ, ni có nghĩa là không, và vana hay bana có nghĩa là xiềng xích, như vậy niết bàn nghĩa gần nhất là không có xiềng xích, một hành giả tự do hay tự tại với phiền não hay không bị phiền não chi phối nữa. Nên tôi muốn dịch tựa đề của tác phẩm này là Đường Đến An Bình Thật Sự.
Theo Hòa Thượng Từ Thông, Đức Phật không phải đến Câu Thi Na mới niết bàn, mà Đức Phật niết bàn ngay khi chứng đạo. Vậy niết bàn cũng có nghĩa là chứng đạo. Có phải mục tiêu của Đạo Phật là để chấm dứt phiền não hay tự tại với phiền não hay không và khi đạt đến sự tự tại thì chúng ta còn đòi hỏi gì nữa, chứng đạo hay không chứng đạo? Nhưng chúng ta vẫn còn bị ám ảnh bởi chữ niết bàn là diệt đế có nghĩa là chết. Tuy thế, quả là thể trạng Diệt Đế có một loai chết, đấy là cái chết của phiền não. Đấy là niết bàn. Niết bàn là hạnh phúc tối thượng (kinh Pháp cú). Để đạt đến thể trạng niết bàn, hàng Thinh Văn cần cái chết của phiền não để chứng quả Vô Sinh (mà trong Thành Duy Thức nói là tương đường với Đệ Bát Địa) ; và hàng Bồ Tát tự tại với phiền não đề Độ Sinh, ở đây là tương đương với Bất Động Địa, hàng thứ tám của Thập Địa, mà trong Duy Biểu Học nói là: A lại gia phóng khí, tức là mạt na đã buông a lại gia ra, nên vướng mắc và chấp trước đều không còn, nên được tự do, tự tại. “Thức thứ bảy hết che lấp và trở thành một cái thức gọi là bình đẳng tánh, bình đẳng trí.”Trong Thiền Tông, có chuyện vị thiền sư nói với các thiền sinh rằng: Phiền não như con khỉ trong chuồng, thấy con khỉ bên ngoài kêu chóe chóe thì nó cũng kêu chóe chóe. Có một vị thiền sinh nói rằng, nếu con khỉ bên trong ngủ thì sao? Vị thiền sư bước xuống tòa, đển vổ vai vị thiền sinh và nói: Chúng ta gặp nhau rồi đấy. Con khi bên trong tượng trưng cho nội phiền não, hay nhân phiền não. Con khỉ bên ngoài tượng trưng cho ngoại phiền não, hay duyên phiền não. Nếu nhân phiền não đã hết thì các duyên hay phiền não bên ngoài không thể dấy động, nên được bất động với phiền não, tự tại với phiền não, và cũng tự tại với sinh tử. Nên tác phẩm này được dịch với tựa đề là Đường Đến An Bình Thật Sự .
Mong rằng người đọc những lời vàng ngọc này của Đức Đạt Lai Lạt Ma để soi sáng, nhận rõ và cất bước trên Đường Đến An Bình Thật Sự.
Nam mô A Di Đà Phật
Ẩn Tâm Lộ ngày 26/02/2011
Tuệ Uyển