Thư Viện Hoa Sen

Thiền Và Sức Khỏe : Đầu Tư Cho Chính Mình Để Được Hạnh Phúc

05/11/201012:00 SA(Xem: 79127)
Thiền Và Sức Khỏe : Đầu Tư Cho Chính Mình Để Được Hạnh Phúc

Giao lưu trực tuyến
THIỀN và SỨC KHỎE
Đầu tư cho chính mình để được hạnh phúc
bài: Kim Yến, ảnh: Hồng Thái

SGTT - Đó là thông điệp được hai khách mời: BS Đỗ Hồng Ngọc và TS.NSƯT Bạch Tuyết nhắc lại nhiều lần tại buổi giao lưu trực tuyến Thiền và sức khoẻ do báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp với hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức sáng ngày 21.1 tại toà soạn.

thienvasuckhoe-02-content

Thiền đang trở thành một trào lưu, một xu hướng hữu hiệu để giải toả những căng thẳng, những nỗi đau trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội… để tìm tới nguồn năng lượng mới cho con người. Có lẽ vì vậy mà cuộc trò chuyện giữa hơn 100 doanh nhân trẻ với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và nghệ sĩ Bạch Tuyết đã trở nên bất tận, với bao câu hỏi được đặt ra, bao kinh nghiệm cá nhân được chia sẻ, và điều nhận được thật dễ thấy, nó hiện lên thật rạng rỡ trên gương mặt mỗi người.

Thiền là làm, không nói

“Tôi đến với thiền sau một biến cố cá nhân”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả của nhiều tác phẩm đầy chiêm nghiệm về cuộc đời bắt đầu phần nói chuyện của mình bằng chính những trải nghiệm đau đớn của ông. Bác sĩ Ngọc kể: “Cách đây 13 năm tôi đang làm việc thì phải đưa đi cấp cứu vì cơn đột quỵ bất ngờ do xuất huyết não. Bác sĩ phải đục hai lỗ ở đầu để lấy máu ra. Khi tỉnh dậy, nằm trần truồng trên chiếc băng ca lạnh ngắt, tôi thấy tràn ngập một niềm vui. Bốn ngày sau tôi bắt đầu tập đi những bước đầu tiên như một em bé. Đúng là một phép lạ, không ngờ mình còn đi được. Đứng ở toalét nhìn vào gương, thấy cái đầu trọc lóc của mình sao… đẹp quá. Nhìn ra cửa sổ tôi thấy mây dường như xanh hơn, trời đẹp hơn. Đó là cảm xúc của một người bệnh tìm lại được cuộc sống tưởng chừng đã mất.

Tôi được các đồng nghiệp cho rất nhiều thuốc nhưng tôi biết là mình không cần dùng nhiều đến thế. Tôi bắt đầu tự điều trị cho mình. Trong thời gian này, tôi tìm hiểu phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, và đọc Bát nhã tam kinh. Trước giờ tôi đọc rất khó khăn mà vẫn không tiếp nhận được gì nhưng thật lạ sau cơn bạo bệnh tôi thấy mình hiểu rất dễ dàng. Từ đó tôi biết phương thuốc từ bên trong mình chính là kết hợp đọc Bát nhã tam kinh và hành thiền”.

Trước nhiều thắc mắc của doanh nhân: tập thiền nếu không đúng cách rất dễ tẩu hoả nhập ma? Nên tập bao nhiêu thời gian là vừa? Tập thiền có ảnh hưởng gì đến chuyện tình dục?... Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đơn giản hoá tất cả mọi lý thuyết về thiền bằng cách nói giàu hình ảnh: “Biết thở thì ai không biết, vấn đềquan sát hơi thở. Làm sao nhận biết hơi thở mình đang đi vào, đang đi ra. Tức là quan sát cái bụng. Cơ hô hấp chính của con người là cơ hoành, không phải ngực. Khi đưa cơ hoành thấp xuống, tức là đưa một lượng khí rất lớn xuống huyệt đan điền. Khi từng tế bào cũng biết thở, chúng ta có khả năng để tự chữa bệnh cho mình, tự làm mình hạnh phúc. Theo dõi hơi thở thì mình quên đi những điều khác, đó là bí quyết để xả stress. Hơi thở gắn với cảm xúc, với cái tâm, với công việc. Đó là cầu nối giữa thân và tâm, chỉ có chỗ đó là dễ kiểm soát nhất. Vô thường, vô ngã cũng nằm ở chỗ đó. Người thiền trong năm năm sẽ trẻ hơn người bình thường cùng tuổi 12 năm”.

Cũng theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nếu thiền không đúng cách rất dễ bị “tẩu hoả nhập ma”. Những điều nên tránh khi hành thiền là không nên nôn nóng quá, thở quá nhiều cũng bị choáng váng. Không nên lý thuyết suông, mà phải thực hành, “Thiền là làm, không nói. Cũng không nên đặt mục tiêu phấn đấu, hoặc cho rằng thiền là thần thông, huyền bí, phép lạ. Thiền không thay thế hoàn toàn cho bác sĩ, thuốc men. Thiền cũng không phải là lĩnh vực tôn giáo, hoặc một thứ thể dục thể thao, khắc khổ…”, bác sĩ Ngọc lưu ý.

Hãy bắt đầu bằng hơi thở

Gương mặt thanh thản với nụ cười trẻ trung và giọng nói truyền cảm, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã thực sự khiến cho tất cả những người hâm mộ chị phải ngỡ ngàng trước vẻ tươi tắn thanh xuân của chị và những câu vọng cổ bất ngờ chị gửi tặng mọi người. Bật mí bí quyết sống khoẻ, sống vui của mình, nghệ sĩ Bạch Tuyết nói: “Tết này tôi tròn 66 tuổi, ai cũng nghĩ tuổi đó là… hết đời rồi nhưng tôi luôn tự nói với mình không được quyền sống với thói quen cũ. Khi bác sĩ nói tôi không thể có con, tôi với chồng cũ đã phải chia tay, dù còn rất yêu nhau. Thất bại với cuộc hôn nhân đầu, tôi quyết định đi chơi khắp thế giới cho đã đời, và sau đó tính sẽ đi tu. Chẳng ngờ trong khi đi chơi tôi đã gặp một người bây giờ là cha của con tôi. Chỉ một tuần lễ sau lần gặp đầu tiên là tôi có bầu. Tôi đã tập thiền 31 năm nay. Nhiều người ngạc nhiên tại sao tôi là cải lương chi bảo mà còn đi học thiền làm gì? Khi chúng ta không thật với chính mình thì cái gì cũng sợ. Con người với bản ngã sẵn có thích được ve vuốt nhưng trong chừng mực nào đó nếu sự ve vuốt nhiều quá sẽ bị tật nguyền. Học thiền giúp ta có một cái nhìn cân bằng. Tôi muốn nói với các bạn rằng khi mình có niềm tin, mọi cái đều có thể xảy ra”.

Đại diện cho một số doanh nhân trẻ, ông Đoàn Đình Quốc, tổng giám đốc công ty Đình Quốc đặt ra câu hỏi: “Chúng tôi đa sốthế hệ doanh nhân trẻ với độ tuổi từ 30 đến 40, 80% có mục tiêu tạo dựng doanh nghiệp, chia sẻ trọng trách nặng nề với xã hội để giúp đất nước thoát khỏi đói nghèo, muốn thế phải sống nhanh, làm việc cật lực. Nhưng thiền lại dạy người ta sống chậm lại, vậy có gì mâu thuẫn giữa việc làm giàu cho cá nhân, cho đất nước, và trưởng thành về nội tâm, thay vì phải xả stress mỗi buổi chiều bằng cách ra quán nhậu?” Rất tâm đắc với câu hỏi này, nghệ sĩ Bạch Tuyết chia sẻ: “Doanh nhân làm nhiều lắm, nhưng không biết ăn được cái ngon, về nhà cũng không biết tắm sao cho thoải mái. Mình bị tật nguyền trong tâm hồn, trong ý tưởng mà mình không biết. Hãy bắt đầu bằng hơi thở, cầu nguyện cho mình đủ phước, đủ duyên, để vào thiền không khó khăn. Thiền không phải làm cho đời sống mình chậm lại, thiền là một sự năng động, đổi mới từng giờ từng phút. Bây giờ tôi có thể làm việc 20 tiếng một ngày mà không thấy mệt”.

Doanh nhân muốn “thở và cười” nhiều hơn

Bà Phương Nga, một doanh nhân đã viết tác phẩm Đưa con trở lại thiên đường tâm sự: “Khi tôi có đứa con bị bại não, sức khoẻ suy kiệt kinh khủng, tôi không thể ngồi được quá năm phút. Cùng cực quá, tôi bắt đầu học thiền chỉ để trong một ngày có được ba lần không lo lắng. Rồi tôi nâng dần thời gian thiền, thấy trong những lúc đó con tôi cũng đỡ hẳn. Như vậy là thiền tốt cả cho con tôi. Bây giờ tôi thấy trong lòng không còn cảm giác lo lắng, bất an, dù trong nhà không còn… một đồng nào”. Một bạn đọc tên Thức cũng cho biết đã tìm tới thiền sau khi biết bệnh mình hết thuốc chữa: “Cơ thể tôi vốn ốm yếu, đau bệnh thường xuyên. Xét nghiệm mới biết mình bị tiền ung thư máu, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Tìm tới một bác sĩ nổi tiếng, ông cho tôi loại thuốc độc dược diệt tiểu cầu.

Ra khỏi phòng khám, tôi nghĩ không thể chữa được theo kiểu này vì thể chất tôi rất yếu, làm sao kham nổi loại thuốc quá mạnh đó. Chợt nhớ một người bạn cách đây nhiều năm thời làm thanh niên xung phong đã dạy tôi cách thở. Thế là về nhà bỏ xe tôi lên giường tập thở liền. 15 ngày sau trở lại khám, bác sĩ nói bệnh của tôi đã đỡ nhiều. Tôi tiếp tục tập thở, sau một thời gian, xét nghiệm lại thấy tiểu cầu không phát triển”, anh Thức kể.

Ông Lê Bá Thông, tổng giám đốc công ty TTT, đồng thời cũng là người làm cầu nối cho khách mời với các doanh nhân tại buổi giao lưu Thiền và sức khỏe bất ngờ “tiết lộ” từng là tổng đạo diễn của một chương trình chăm sóc sức khoẻ Thở và Cười: “Thở và Cười muốn mang lại niềm vui, sự bình an và sức khoẻ cho doanh nhân nhưng rất tiếc vào thời gian mà doanh nhân cần được tiếp sức nhất thì chương trình bị gián đoạn đã gần hai năm. Tôi hy vọng buổi trò chuyện hôm nay sẽ khơi lại cơ duyên này, để chúng ta tiếp tục cùng nhau nhân rộng Thở và Cười với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nghệ sĩ Bạch Tuyết và báo Sài Gòn Tiếp Thị, giúp doanh nhân đến với thiền sớm hơn, tiếp sức cho doanh nhân trong trọng trách lớn lao với đất nước và đầu tư cho chính mình”. Ý kiến của ông Thông ngay sau đó đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả mọi người.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết không dừng được xúc cảm, vội đứng dậy chia sẻ: “Tôi thấy doanh nhân ngày nay khác xưa nhiều lắm. Các bạn còn rất trẻ nhưng đã biết tìm tới thiền để làm mới lại hết cơ thể mình. Khi chúng ta muốn sống có niềm tin thì phải học cách để biết niềm tin này có được từ đâu, để đừng sợ hãi. Mỗi người nên tự hỏi mục đích mình muốn gì khi đến với thiền. Tôi cực kỳ hạnh phúc khi gặp được quý vị hôm nay”.

bs-dohongngoc-content

“Khi từng tế bào cũng biết thở, chúng ta có khả năng để tự chữa bệnh cho mình, tự làm mình hạnh phúc.

Người thiền trong năm năm sẽ trẻ hơn người bình thường cùng tuổi 12 năm”

BS Đỗ Hồng Ngọc

ns-bachtuyet-content

“Doanh nhân làm nhiều lắm, nhưng không biết ăn được cái ngon, về nhà cũng không biết tắm sao cho thoải mái.

Mình bị tật nguyền trong tâm hồn, trong ý tưởng mà mình không biết”

Nghệ sĩ Bạch Tuyết

(Sài Gòn Tiếp Thị)

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: