Vài Nét Về Tịnh Độ Chân Tông

22/01/20184:00 SA(Xem: 9178)
Vài Nét Về Tịnh Độ Chân Tông

VÀI NÉT VỀ TỊNH ĐỘ CHÂN TÔNG
Nguyễn Xuân Chiến

 

          1.- LỜI THƯA

Trong khi chúng tôi đang chuẩn bị cho bài viết này, thì một số anh em thiện hữu đến thăm chơi. Trà nước như lệ thường, bỗng nhìn thấy tiêu đề hiện rõ trên màn hình: “VÀI NÉT VỀ TỊNH ĐỘ CHÂN TÔNG” có vài bác không hiểu nội dung đã vội lên tiếng càm ràm:

          - A di đà Phật! Chậc, lại đặt bày thêm món chi mà lạ rứa, khiến cuộc đời loạn càng thêm loạn. Chừng bao nhiêu pháp môn chưa đủ hay sao?

          Tôi thưa:

          - Không phải rứa mô? Chúng ta là những người đang đi tìm, nên không thể nói kênh kiệu như vậy. Trong tác phẩm TÔN GIÁO LÀ GÌ? Ngài Vivekananda tuyên bố như thế này: Tôi mong ước rằng, trên cuộc đời này làm thế nào để có thêm mười ngàn tông phái nữa để tất cả chúng sanh được rộng rãi lựa chọn tùy theo ý thích và tập quán của mình.

          Thói thường, người ta cố chấp và không được nhìn xa trông rộng, cứ ngỡ rằng, con đường mình đang đi là đệ nhất, niềm tin của mình là đúng đắn đến mức tuyệt vời. Cho nên khi nghe người khác đi một lối riêng không giống mình, thì tỏ ra khó chịu. Thật ra, đường đi tới Chân lý vốn có hàng muôn triệu lối vào. Càng nhiều lối vào thì chúng sanh càng dễ thích ứng, dễ thỏa mãn tâm tư, nguyện vọng từng cá nhân. Đối với ngài Vivekananda thì tôn giáo nghĩa là Bao Dung.

          Con người bình thường vốn đã không được lựa chọn cha mẹ để sanh ra ta, không được lựa chọn quốc độ để sinh sống, không được lựa chọn màu da để phô trương bản thân. Ví dụ: Nếu tôi được sinh ra ở Mỹ màu da trắng bóc như trứng gà luộc chín và có một tấm giấy thông hành do chính phủ Hợp Chúng Quốc cấp, thì tôi có thể đi rong chơi tưng bừng khắp thế giới không sót chỗ nào. Bây giờ tôi chỉ là người Việt Nam và giấy thông hành do nhà nước ta cấp thì ta chỉ được đi loanh quanh trong nước mà đi đến đâu phải khai báo tạm trú tạm vắng. Ô hô ai tai! Ngoài ra, con người bất kể kẻ mô, lại không được lựa chọn dòng dõi cao quý hay thấp hèn, gia tộc được kính nể hay ghét bỏ… để oai trấn võ lâm, dương danh giang hồ.

Tất cả các điều này tạo nên số phận của mỗi người – nhưng khi bắt đầu bước vào con đường tâm linh, thì con người có quyền tự do hoàn toàn để lựa chọn pháp môn hoặc tông phái của mình!                          

Có thể vì bí mật của “cơ duyên” hoặc là vì một định mệnh tâm linh, hoặc có thể vì một lý do nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người nói chung và người Phật tử nói riêng – mà dân tộc Việt Nam chúng ta tìm hiểu và tiếp cận Chân tông rất trễ muộn.  

 

2.- TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO.

 

Học giả Sakaiya Taichi trong tác phẩm Mười hai người lập ra nước Nhậtnhận xét:

Trong số 12 người nêu trên, thì Thái tử Thánh Đức Shotoku đã để lại sự nghiệp hiển hách trên nhiều lãnh vực. Song, cái ảnh hưởng của thái tử đối với nước Nhật ngày nay đáng nhấn mạnh nhất là sự nghiệp truyền bá Đạo Phật, bởi chính thái tử cũng vừa là một tín đồ vừa là một nhà nghiên cứu nhiệt tâm… Về sau, Thái tử Thánh Đức (Shotoku) được xem là "một thiên tài" trong Hoàng gia và được phần đông dân chúng Nhật thờ phụng như một vị Thần. Như vậy, tiếng nói và chủ trương của một bậc vĩ nhân sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn rộng.

Thánh Đức thái tử đã lập luận rằng, Chân lý ở ngay trong các sinh hoạt hàng ngày, đó chính là đạo Phật, và đó cũng là tinh thần nhập thế của Đại thừa Phật giáo.

Từ nền tảng bất biến ấy, từ tinh thần nhập thế của Đại thừa Phật giáo,  ngài Thân LoanChân tông đã xuất hiện!

Trong bài: TỊNH ĐỘ CHÂN TÔNG VÀ NGÀI THÂN LOANTiến sĩ Hisao Inagaki (Đạo Viên Cửu Hùng), đã cho chúng ta biết:

Chân tông bao gồm nhiều tầng lớp người thế gianxuất thế gian. Tóm lại, trước bất cứ việc gì, tín đồ Chân tông nương theo sức bổn nguyện của Đức Phậtđược giải thoát. Từ“giải thoát” theo Chân tông có 3 tầng bậc.

Thứ nhất, những người phàm phu như chúng ta có thể cùng với Đức Phật A Di Đà là bậc đã siêu vượt thế gian dung hợp thành một thể, khiến cho tự thân thoát ly sáu nẻo luân hồi, vì chúng ta lãnh thọ lòng tin từ nơi Đức Phật, cho nên chúng ta luôn luôn tưởng niệm đến ân sâu vô lượng của Đức Phật đối với chúng ta.

Thứ hai, sau khi chúng ta qua đời, nhất định sẽ vĩnh viễn giải thoát cõi ta bà, lục đạo này, và vãng sanh cõi Tây phương Cực lạc. Vãng sanh Tịnh độ, trên cơ bản không khác gì Niết bàn thành Phật đạo.

Thứ ba: Tịnh độđại bảo tàng công đức vô lượng, vì thế người được sanh vào cõi Tịnh độ không những thọ nhận pháp hỷ vô tận, mà còn có thể dùng thân Bồ tát rộng độ tất cả chúng sanh, cuối cùng, chúng ta sẽ chứng đắc Phật đạo Vô thượng.

Ba tầng bậc này có thể phân chia theo thời gian từ quá khứ đến vị lai. Nhưng quan trọng nhất là cần phải hiểu rõ việc thành Phật không phải vị lai hoặc quá khứ, mà là chứng nghiệm chân lý ngay trong“hiện tại”. Saichi trong một bài thơ viết rằng:

Ôi ! Saichi, ai là Phật?
Ngài không phải là ai khác mà chính là tôi,
Ai là người sáng lập ra Chân tông Tịnh độ?
Ngài không phải là ai khác mà chính là tôi.
Gì là kinh điển và luận trước?
Đó cũng không phải là ai khác mà chính là tôi.

Đối với ngài Thân Loan (Shinran), lòng tin không những là “món quà miễn phí” của Đức Phật A Di Đà ban cho mọi người, cũng chính là tự thân của Đức Phật A Di Đà. Thân Loan (Shinran) trong một bài tán viết rằng:

Người hoan hỷ tín tâm vô ngại, là Phật pháp,
Phật pháp cũng là đức Như Lai,
Đại tín tâm tức là Phật tánh,
Phật tánh tức là Như Lai

Đây có nghĩa là, LÒNG TIN BAO GỒM TẤT CẢ. Sau khi chúng ta lãnh thọ lòng tin, việc chúng ta thành Phật đã được khẳng định.

Giáo lý chính thống khẳng định rằng: muốn giải thoát phải đi qua GIỚI, ĐỊNH, TUỆ. Nhưng, con người phàm phu không thể đi nổi, không thể thực hành được. Chúng ta chỉ còn một cách là đi theo con đường LÒNG TIN mà thôi! Chính ngài Suzuki khi giới thiệu Thán Dị Sao, đã khẳng định:

Là những chúng sanh mê muội và muôn đời lầm lạc, điều cần thiết duy nhất cho sự giải thoát của chúng ta:chính là Niềm tin.

Đây không chỉ là quan điểm mới của giáo lý Tịnh độ mà Shinran (Thân Loan) viết trên giấy tờ mà thôi, thông qua lòng tin, Shinran và Đức Phật A Di Đà đã dung hợp thành một thể. Các giáo đồ Chân tông khác cũng giống như Shinran vậy. Nên nói, lòng tin là tâm hoan hỷ vui mừng, vì lòng tin chính là hoan hỷ tiếp nhận, lãnh thọ sức cứu độ của Đức Phật A Di Đà.

Đức Phật A Di Đà dùng hình thức “Nam mô A Di Đà Phật” để gần gũi thân cận chúng ta. Một khi chúng ta lãnh thọ 6 chữ danh hiệu này, 6 chữ sẽ biến thành lòng tin. Nói cách khác, 6 chữ Thánh hiệu là tất cả công đức của Đức Phật A Di Đà, lòng tin cũng chính là Đức Phật A Di Đà.

Than Loan
Ngài Thân Loan

3.- CHÍ NGUYỆN XUẤT GIA CỦA NGÀI THÂN LOAN

          (Ngài THÍCH NHẬT TỪ đã giảng ở chùa Giác Ngộ, vào ngày 24/02/2005 như sau:)

Hòa thượng Thân Loan là một vị cao tăng trong thời hiện đại. Ngài xiển dương Tịnh Độ Chân tông rất thành công, tạo ra sinh khí mới cho phong trào thể nhập Phật giáo trong xã hội. Cuộc đời của ngài rất bất hạnh. Khi mới lên chín tuổi, cha mẹ của ngài đều qua đời. Ngài không có anh em, và trở thành mồ côi. Ngài có sẵn căn tu. Sau khi làm lễ an táng cha mẹ xong, ngài xin gặp Hòa thượng Từ Trấn, xin đi tu. Vào thời điểm đó, Hòa thượng Từ Trấn đã trên tám mươi tuổi.

Hòa thượng nói với Thân Loan như sau:

Con còn nhỏ quá, ăn cơm còn chưa xong, sao đi tu được. Con hãy xuống núi mà về, kẻo trời tối nguy hiểm”.

Ngài Thân Loan trả lời Hòa thượng như sau:

Bạch Hòa thượng, con đến đây để tham kiến ngài hai việc. Trước hết con xin hỏi ngài, con người tại sao chết? Thứ hai, thông qua cái chết, tại sao tình thâm giữa cha mẹ và con cái lại chia lìa nhau? Vì muốn tìm hiểu được hai nguyên lý này, con đến đây xin được tu học. Nếu ngài có yêu cầu hay ra điều kiện gì, con đều làm cả”.

Nghe xong, Hòa thượng Từ Trấn rất đỗi vui mừng, biết rằng đây là một hạt giống tốt cho Phật giáo. Thế nhưng, Hòa thượng vẫn giả vờ từ chối và nói tiếp:

Con còn nhỏ quá, hỷ mũi chưa sạch. Thôi hãy về đi, muốn gì thì ngày mai lên đây bạch với thầy”.

Ngài Thân Loan khẩn cầu như sau:

Ngay ngày tang lễ cha mẹ con, Hòa thượng đã đến và dạy chúng con một điều: vô thường không chờ đời ai. Con rất tâm đắc câu nói đó. Vì vậy, nếu hôm nay Hòa thượng bảo con trở về thì không biết ngày mai con có giữ được tâm xuất gia nữa không? Hơn nữa, tuổi ngài cũng đã cao. Hôm nay ngài còn sống, nhưng ngày mai cũng có thể ngài về cõi Phật. Cho nên, hôm nay con sẽ không về nhà! Nếu ngài không cho con vào chùa, con sẽ ngủ ngoài hành lang. Nếu ngài không cho, con ngủ ngoài hành lang, con sẽ ngủ bên vệ đường. Con sẽ ở đây cho đến khi nào ngài đồng ý mới thôi!”.

Lúc ấy Hòa thượng Từ Trấn không còn cách nào khác, cho tập họp tăng chúng trên chánh điện và làm lễ xuống tóc cho Thân Loan xuất gia.

Đây là câu chuyện có thật, nói về một người có nhận thức sáng suốt, biết tìm kiếm những cơ hội tốt và làm cho hạt giống xuất gia được chín muồi.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao một đứa bé mới chín tuổi, lại biết cách lý luậnthuyết phục một vị cao tăng cho phép mình đi tu.

Người xuất gia có căn tu trải qua nhiều kiếp cũng tương tự như vậy. Ngài Thân Loan có thể kiếp trước là một người tu, hạt giống xuất gia của ngài đã nảy mầm trong tình huống đau buồn do cha mẹ qua đời. Trong nỗi khổ đau quá lớn đó, ngài đã đến với nhà Phật và trở thành một vị cao tăng. Điều cần học hỏi ở đây, là ngài đã biết cách biến nỗi mất mát, khổ đau thành hành động, tìm ra con đường giải thoát cho chính mình. 

 

4.- TIỂU SỬ NGÀI THÂN LOAN

(Trích trong cuốn sách: “Sur le vrai Bouddhisme de la Terre Pure”, của Jean Eracle, Editions du Seuil, 1994. Nhất Tâm dịch)

* * *

Trong lịch sử Phật-giáo Nhật-bản, Thân Loan thánh nhân hiển nhiên là một nhân vật phi thường và được sùng kính nhất. Mặc dù Ngài thường tự gọi mình là “gã đầu trọc ngu dốt” với giọng điệu khiêm tốn pha lẫn chút ít hài hước.

Ngài hạ sinh tại Hino, gần thủ phủ Kyoto vào năm 1173. Xuất thân từ một gia đình danh giá thuộc giai cấp quý tộc vào thời ấy: dòng họ Fujiwara, ngài có thể trở thành một quan viên cao cấp trong triều đinh Nhật-bản. Ngay từ thuở ấu thơ, ngài đã biểu lộ một thiên hướng mạnh mẽ về những thực tại siêu việt, đồng thời cũng luôn luôn bày tỏ những cảm quan bén nhạy đối với bản chất vô thường tạm bợ của tất cả sự vật chung quanh. Năm lên chín tuổi, ngài trở thành đứa trẻ mồ côi cha lẫn mẹ, và được người thúc phụ đem về cưu mang.                  

Thúc phụ của ngài đã nhìn thấy những biểu hiện khác thường của cháu mình, nên  đã  quyết định cho phép ngài xuất gia dưới sự chăm sóc của thượng tọa Jien. (Từ Trấn). Pháp danh của ngài khi mới bước vào chùa là Hanen.                    

Suốt hai mươi năm tu học trên núi Tỷ-duệ (Hiéi), Thân Loan tiếp nhận một sự rèn luyện nghiêm ngặt về giáo thuyết lẫn thực hành, trong một không gian bao la của những văn bản Phật-giáo, những tác phẩm kinh viện, cũng như bước vào những cánh cửa bí mật của tông phái Thiên Thai đầy quyền lực. Tông phái này được đại sư Dengyô (Đạo Nguyên) truyền thừa từ Trung-hoa và phát triển tại Nhật-bản vào ba thế kỷ trước.

Ngài nỗ lực hướng dẫn bản thân theo phương thức tu tập Sáu Ba-la-mật của Bồ-tát đạo như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền địnhtrí tuệ, y như lề lối thông thường của các tu sỹ thời ấy. Ngài tự khép mình khổ hạnh, tích lũy công đứctri thức, để một ngày nào đó sẽ thu đạt sự chứng ngộ tối thượng của chư Phật. Ngài tự thể nghiệm biết bao ngõ ngách u tối của vô minh, biết bao độc tố của tham dụcgiận dữ thường tác động đến thân tâm ngài một cách liên tục.                 

Ngài cũng tự hiến mình cho vô số phương thức tu tập khác, nhưng vẫn không hề gặt hái chút ít thanh bình tâm linh. Vô vọng.

Năm hai mươi chín tuổi, ngài từ bỏ tu viện trên núi Tỷ-duệ, và du hành đến Yoshimitsu nơi mà Thượng nhân Genku đang hóa đạo dưới danh hiệu Pháp Nhiên (Honen Shônin).

Pháp Nhiên xuất hiện như là một con người khoan hòa nhân hậu, mặc dù ngài vốn là vị đạovô cùng thông thái. Ngài bỏ công đến hơn năm lần để nghiền ngẫm kho tàng bao la của tam tạng kinh điển Phật học.

Được đào tạo từ nền triết học và kỹ thuật tâm linh của phái Thiên Thai, ngài đã khám phá và phát hiện ra một trong những phương thức tu tập của tông phái này, đó là Xưng Niệm Phật. Nghĩa là, chỉ cần xướng lên danh hiệu đức Phật A Di Đà với lòng tin trọn vẹn, cũng đủ đưa hết thảy chúng sanh giải thoát khổ đau. Và tất nhiên, trong lúc thực hành niệm Phật thì người ta phải kiên trì loại bỏ tất cả những đường lối thực hành khác, dù là của đạo Phật. Đối với những người niệm Phật, thì tất cả pháp môn khác đều trở nên vô dụng, không còn ích lợi thiết thực nữa.

Sau đó, Pháp Nhiên dứt khoát bước ra khỏi tu viện của phái Thiên Thai, lui về ẩn dật tại một căn lều cỏ nơi thôn dã hẻo lánh cạnh Kurodani, gần thành phố Yoshimitsu. Cuối cùng, ngài dành trọn vẹn cuộc đời mình cho pháp môn niệm Phật vô cùng giản dị này, rồi truyền dạy cho rất đông đệ tử đến gõ cửa hỏi đạo.

Chàng trai trẻ Thân Loan tức khắc trở thành người học trò khiêm cung và siêng năng của Thầy. Pháp Nhiên đặc biệt gởi gắm niềm tin nơi người học trò có khả năng tiếp nối sự nghiệp tâm linh của mình. Ngài cho phép  Thân Loan  được noi theo mẫu mực cùng nhân cách của mình, cũng như chỉ dạy Thân Loan nghiên cứu tác phẩm quan trọng và đắc ý nhất, đó là: “Tuyển tập đặc biệt về Niệm Phật, căn cứ vào Bản Nguyện A Di Đà” (Senjaku Hongan Nemboutsou Shu) do chính Pháp Nhiên sáng tác (Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập).

Giữa những người anh em cùng học, Thân Loan hiển nhiên là người thấu suốt lời dạy của Thầy nhất. Một hôm, Thân Loan nói với các vị huynh đệ đồng môn rằng:

 “Đức tin của tôi và đức tin của Thầy đều hoàn toàn giống y như nhau!”

Rất phẫn nộ vì một thái độ có vẻ tự phụ như vậy, các huynh đệ đem lời phát biểu ấy trình lên sư phụ Pháp Nhiên, để chờ xem ngài giải quyết thế nào?

Nhưng, Thượng nhân Pháp Nhiên trả lời giản dị như sau:

“Đức tin của ta là do A Di Đà ban cho, niềm tin của Thân Loan cũng do A Di Đà ban cho. Vậy, có gì khác nhau đâu?

Nếu chúng ta có được một đức tin do những nỗ lực cá nhân thì chúng ta đã thiết lập một niềm tin khác, tùy thuộc vào những công đức tu hành riêng tư của mình. Nhưng thật ra, đức tin của chúng ta được phát xuất từ tấm lòng Đại Bi của Phật, qua sự xác lập bởi Bản Nguyện A Di Đà, do đó đức tin ấy chắc chắn giống hệt như nhau...”

Vừa lúc ấy, sư phụ Pháp Nhiên cho phép Thân Loan lấy vợ. Chủ ý của ngài muốn chứng tỏ rằng, bất cứ kẻ nào có một đức tin bền chắc như kim cương, thì kẻ ấy không cần thiết phải thực hiện nếp sống từ bỏ gia đình, cũng chẳng cần giữ mình trinh bạch, khổ hạnh, mà vẫn được tái sanh nơi Cõi Sạch của đức Phật A Di Đà.

Sau đây là chủ trương của Ngài Pháp Nhiên:

“Một con người rất đỗi bình thường, dù đàn ông hay phụ nữ, trẻ hay già, thông thái hay ngu độn, đạo đức hay tội lỗi, nếu đem lòng tin chân thậtxưng niệm danh hiệu A Di Đà thì thảy đều được cứu độ triệt để bởi năng lực vượt lên trên mọi tư duymô tả của Bản Nguyện. Song song với việc thực hành niệm Phật, người ta chỉ cần hướng dẫn cuộc sống thường ngày bằng cách tuân thủ lụat pháp xã hội hoặc lề thói của quốc gia mà mình đang sinh sống.

Nếu người ta kiên trì xưng niệm Phật để thành tựu lòng tin chuyên nhất  trong sự  tuyên dương Bản Nguyện A Di Đà, thì người ta chắc hẳn cảm nhận nội tâm được chuyển hóa, và cuộc sống được biến đổi - những khuynh hướng bi mẫn và giác ngộ, sẽ thay thế tất cả những thói hư tật xấu mà mình từng đeo đẳng trong nhiều kiếp quá khứ”.

Một quan niệm cách mạng như vậy được phổ biến rộng rãi, tất nhiên đã gây nên những làn sóng chống đối dữ dội. Do áp lực của những tu viện nổi tiếng cũng như giới tăng lữ uy tín, triều đình và Thiên-hoàng tỏ ra phẫn nộ và trách cứ. Họ buộc tội Pháp Nhiênđệ tử đồng bọn đã phá hủy nền tảng đạo đức xã hội, làm tổn hại đến quyền lực triều đình.

Thật ra, các tu viện lớn hồi đó thường đóng vai trò chính trị trong các tổ chức triều đình, và đương nhiên trở nên giàu có, bỗng thấy rằng họ sẽ trở thành vô dụng nếu tông phái Niệm Phật phát triển to rộng, quyền lực của họ sẽ bị đổ vỡ và con đường danh lợi của họ sẽ bị tan hoang. Họ phản ứng mạnh mẽ. Lập tức, Pháp Nhiên và các đệ tử bị tước lột tăng tịch, rồi bị trục xuất khỏi thành phố, có thể bị kết án tử hình.

Thân Loan bị đày sang Kokobu thuộc huyện Echigo (ngày nay là tỉnh Niigata). Đó là năm 1207.

Pháp Nhiên và các đệ tử bị chính quyền triều đình phân tán thành những bộ phận rời rạc. Nhưng, tai họa này vô tình tạo ra những điều kiện tốt đẹp nhất cho việc quảng bá giáo lý Niệm Phật dễ dàng thành công, trong những miền đất lạc hậu, hoang sơ của đất nước Đại Hòa vào thời ấy.

Năm năm sau, năm 1211, triều đình ban hành sắc lệnh ân xá, cho phép Pháp Nhiên trở về Kyoto, nơi mà ngài sẽ từ bỏ thế gian vào năm 1212 với tuổi thọ bảy mươi chín tuổi.                 

Dẫu được ân xá, Thân Loan vẫn lưu trú tại Echigo cho đến vài năm sau để tiếp tục truyền bá giáo lý Niệm Phật, cũng như để củng cố những nhóm đệ tử do ngài sáng lập.                 

Về sau, ngài định cư lâu dài tại Inada, gần Hidachi, huyện Kasama (thuộc tỉnhIbaraki). Cuộc sống của ngài vẫn còn xa lánh thế nhân, nhưng nhiều nhân vật với những thân thế và địa vị cao thấp khác nhau đã đến ra mắt tỏ ý cầu học. Ngài đã ban cho họ nhiều lời giáo huấn thích hợp về pháp môn Niệm Phật.

 

          5.- TÁC PHẨM KIỆT XUẤT VÀ QUAN TRỌNG NHẤT

 

Năm 1224, Thân Loan công bố tác phẩm kiệt xuất và quan trọng nhất của ngài: “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tinChứng ngộ trong pháp môn Tịnh-độ” (tiếng Nhật là: Ken Jôdo Shinjitsu Kyôgyôshô Monrui).

Tác phẩm này quan trọng đến nỗi các tín đồ Niệm Phật đã lấy ngày phát hành làm ngày khai sinh truyền thống và nền tảng của pháp môn Tịnh-độ Chân-tông, (tiếng Nhật là: Jodo-Shinshu).

Cuốn sách “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ”, hiển nhiên là một tổng hợp thực sự các văn phẩm Phật giáo Tịnh-độ. Sách gồm sáu chương, khéo léo kết hợp và dung hóa nhuần nhuyễn những dẫn chứng từ các kinh luận cổ điển, những đề án luận giải, cùng những chiêm nghiệm nội quán của tác giả.             

Sau một bài đề tựa vô cùng hấp dẫn, Thân Loan giải thích tại sao mình phải căn cứ vào bản kinh Vô Lượng Thọ để làm nền tảng chính yếu trong việc sáng tác bộ luận thư này. Đây là Chương I.

Tiếp theo, Thân Loan chứng minh pháp Niệm Phật đã đúc kết trong bản thân Ngài đến những vô lượng vô số phương thức tu tập. Đây là Chương II.

lòng tin chắc thật, bền vững như kim cương không những chuyển hóa tâm hồn chúng ta, mà còn đánh động đến Trái Tim Thuần Khiết của A Di Đà (chân như tâm). Đây là Chương III.

Kinh điểnsự luận giải của Đại-thừa Phật-giáo thường đề xướng một sự chứng ngộ cùng tột, viên mãn, - có nghĩa là đạt đến Niết-bàn tối thượng. Và hình thức chứng ngộ này còn hàm chứa ẩn nghĩa rằng: Dẫu chư vị Bồ-tát đã hoàn toàn thoát khỏi mạng lưới rối rắm của nghiệp lực, nhưng các Ngài vẫn tự nguyện tái sinh giữa lòng thế gian khốn khổ, để giải thoát tất cả chúng sanh bởi lòng thương yêu rộng lớn, cao thượng và không phân biệt sẵn có của mình. Đây là Chương IV.                           

Trong hai chương cuối của “Hợp tuyển”, Thân Loan đã bác bỏ những quan điểm thiên lệch về A Di Đà và cõi Tịnh-độ của đức Phật này.

Thân Loan cũng chứng minh rằng: Bằng đức tin rực rỡ như ánh sáng vô hạn lượng và vĩnh cửu như sức sống không cùng tận, chư Phật vì mục đích cứu vớt chúng sanh, đã biểu lộ sự viên mãn cao độ của Phật-tánh rốt ráoThân Loan còn xác định rằng: Cõi Đất Trong Sạch của A Di Đà không phải là một thế giới vật chất được tìm thấy giữa các thiên hà xa xôi, mà chỉ là một trạng thái thanh bình hạnh phúc thực sự của Tâm Linh, vượt lên trên tất cả tư duydiễn tả của thế gian tầm thường.

Không thể nào cảm nhận những ẩn nghĩa trong giáo huấn của Thân Loan, nếu chúng ta không thấu suốt những bí mật sâu thẳm trong ba bộ kinh đại-thừa: Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, và A Di Đà.

Trong ba bộ kinh nêu trên, qua sự khảo cứu dày công của Thân Loan, thì bộ kinh Vô Lượng Thọ chứa đựng những giáo lý cốt tủy, trọng yếu, và chính xác. Còn hai bộ kinh Quán Vô Lượng ThọA Di Đà thì đóng vai trò bổ túc ý nghiã cho bộ kinh Vô Lượng Thọ mà thôi.

Để biện minh cho sự lựa chọn này, Thân Loan dẫn chứng phần mở đầu của bản kinh Vô Lượng Thọ. Qua đoạn kinh này, người ta thấy đức Thích Ca hiển thị thần thông vĩ đại trước mắt thị giả A-nan. Như là: các căn vui vẻ, sắc mặt thanh tịnh sáng rỡ vòi vọi, thân tướng oai nghiêm khả kính, cao diệu vô lượng, không thể diễn tả hết được. Điều này khiến A-nan kinh ngạc vô cùng, bèn thốt lời ca ngợi với trạng thái ngất ngây hớn hở:

“Hôm nay, Đấng Đại Tịch Tịnh đang an trụ trong Diệu Pháp Duy Nhất và Huyền Nhiệm. Hôm nay, Đấng Kiệt Xuất Của Thế Gian đang an trụ trong cảnh giới thiền định của chư Phật. Hôm nay, Đấng Mắt Sáng Của Thế Gian đang an trụ trong Đại Nguyện Cưú Độ Chúng Sanh. Hôm nay, Đấng Diệu Hoa Của Thế Gian đang an trụ trong Đạo Lý Tối Thượng Siêu Việt. Hôm nay, Đấng Chúa Tể Chư Thiên xuất hiện để truyền đạt mọi thể tánh bình đẳng của Chư Phật một cách viên mãn.”

        A-nan vừa dứt lời, thì đức Thích Ca đáp:

“Sự hiển thị thần biến ấy chính là phương tiện khéo léo của đại bi tâm không giới hạn, mà Đấng Toàn Giácthương xót chúng sanh trong ba cõi, đã xuất hiện nơi thế gian, đem những giáo nghĩa về chân lý đưa ra ánh sáng công khai để dạy dỗ tất cả, trong ý nguyện cứu độ chúng sanh bằng những diệu dụng của Như Thật Đạo.”

Phần tiếp theo của bản kinh Vô Lượng Thọgiáo lý về đức Phật A Di Đà cùng cõi tịnh-độ thanh bìnhan lạc của Ngài.                                      

Nội dung thuyết giảng của bản kinh Vô Lượng Thọ gồm hai phần:

Phần thứ nhất: Đức Thích Ca thuật lại câu chuyện thuở xa xưa từ vô lượng vô biên kiếp sống đã qua. Thời ấy, có một vị Phật quá khứ danh hiệuThế Tự Tại Vương, dưới pháp tòa của Ngài có một vị đệ tử xuất sắc đứng đầu tăng chúng gọi là Bồ-tát Pháp Tạng.

Bồ-tát Pháp Tạng thỉnh cầu đức Phật trình bày về vô số cõi Phật đầy rẫy trong khoảng bao la của vũ trụ, và mong mỏi đức Phật chỉ dạy cho mình cách thức tu tập để cấu tạotrang hoàng một cõi Phật tuyệt đối trong sạch, thuần khiếtrực rỡ.

Nhận lãnh những lời huấn thị từ kim khẩu đức Phật Thế Tự Tại Vương, tức khắc Pháp Tạng nhập vào thiền định một thời gian vô cùng dài lâu, khoảng năm tỷ năm (tức là năm đại kiếp).

Sau khi ra khỏi thiền định, bồ-tát Pháp Tạng đối diện đức Phật Thế Tự Tại Vương xin được tuyên đọc Bốn Mươi Tám Lời Thệ Nguyện Vĩ Đại, gọi là Bản NguyệnTrong các lời nguyện này, Pháp Tạng đã xác định những phẩm chất tốt đẹp của cõi nước thanh tịnh mà mình kiến tạo, những ai hội đủ điều kiện để tái sinh nơi cõi nước ấy thì sẽ hưởng dụng những tiện ích ưu thắng nào, và cuối cùng là những điều kiện để đi sang cõi nước ấy mà sinh sống.

Như vậy, Bản Nguyện đã được thành lập trước sự chứng nhận của đức Phật. Pháp Tạng ghi nhận lời huyền ký về quả vị Phật của mình ở tương lai. Và trên nền tảng thể hiện Bản Nguyện, Pháp Tạng đã dấn thân hiến mình cho vô lượng vô số phương thức tu tập Bồ-tát đạo, trải qua vô số thân mạng và kiếp sống.

Phần thứ hai của bản kinh Vô Lượng Thọ: khởi đầu từ việc đức Thích Ca công bố rằng: vị Bồ-tát Pháp Tạng đã thành tựu quả vị Phật-đà, danh hiệuA DI ĐÀ từ mười đại kiếp lâu xa cho tới nay, tại thế giới trong sạch của Thanh BìnhHạnh Phúc.

          Tất cả sự kiện vừa kể, đã chứng tỏ Bản Nguyện của Bồ-tát Pháp Tạng đã được thực hiện đầy đủ như thế nào.

Trong tác phẩm “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ” được sáng tác bằng Hán-ngữ, thánh nhân Thân Loan đã lựa chọn SÁU trong số Bốn Mươi Tám Lời Nguyện Vĩ Đại của Bồ-tát Pháp tạng như là phần thiết lập nòng cốt của bản kinh Vô Lượng Thọ.

          Lời Nguyện thứ 12 và 13 phù hợp với thể tánh của đức Phật A Di Đà bằng cái nhìn thuộc về không gian như là “ánh sáng không thể đo lường được” - và bằng cái nhìn thuộc về thời gian như là “sự sống không cùng tận, không giới hạn”.

Khái niệm “ánh sáng không thể đo lường được” đồng nghĩa với tia sáng chói lọi rực rỡ không thể nào bị ngăn che nổi - mặt khác, còn có ý nghĩa: ”trí tuệ không hạn định nổi”.

          Khái niệm “sức sống không cùng tận” phù hợp với một đời sống vĩnh cửu không thể nào hạn định được, và giải nghĩa rằng đức Phật A Di Đà tự kéo dài tuổi thọ của mình để dẫn dắt chúng sanh: điều này cho biết tại sao đời sống vô hạn thì đồng nghĩa với Đại Bi vô hạn.

          Chính vì sự thành tựu của hai lời thệ nguyện vĩ đại này, bồ-tát Pháp Tạng đã thành tựu địa vị Phật-đà với danh xưng “Ánh Sáng Vô Lượng” tức AMITÂBHA - và “Thọ Mạng Vô Lượng” tức AMITÂYUS. Cả hai danh xưng này được chứa đựng trong danh hiệu A Di Đà, nghĩa là VÔ LƯỢNG.

          Thân Loan đã đặt HAI lời nguyện này vào Chương Thứ Năm của tác phẩm “Hợp Tuyển”, và nỗ lực tuyên dương A Di Đà như là “vị Phật chân thật”, đức Phật của Chân Lý Tuyệt Đối. (thuật ngữ Phật-học gọi là Pháp Thân Phật).

           Đây là Hai Lời Nguyện ấy:

LỜI NGUYỆN THỨ 12: Lúc tôi thành Phật, nếu ánh sáng còn bị giới hạn, ít nhất là không soi chiếu thấu trăm triệu tỷ cõi Phật, thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

LỜI NGUYỆN THỨ 13: Nếu lúc tôi thành Phật, thọ mạng của tôi còn bị hạn chế, ít nhất không kéo dài đến trăm ngàn tỷ tỷ tỷ năm, thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

Chương Thứ Ba của “Hợp Tuyển” được đặt nền tảng trên Lời Nguyện Thứ 17, Thân Loan xác định phương pháp thực hành mầu nhiệm trong việc chứng minh danh hiệu A Di Đà chứa đựng tinh túy và phẩm cách của tất cả chư Phật.

LỜI NGUYỆN THỨ 17:

Khi tôi thành Phật, vô số chư Phật khắp mười phương trong vũ trụ thảy đều tuyên dươngxưng tán danh hiệu tôi, nếu không phải vậy thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

          Chương Thứ Ba của “Hợp Tuyển” còn xác định lòng tin đặt nền tảng trên Lời Nguyện Thứ 18, mà chúng ta suy diễn bằng cách nắm giữ những dòng giải thích của Thân Loan:

LỜI NGUYỆN THỨ 18:

Khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới hết lòng tin mộ muốn tái sanh trong cõi nước tôi, bằng cách xưng niệm danh hiệu tôi ít lắm là mười lần - nếu không được tái sanh thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác. Ngoại trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp.

Nơi chương thứ tư của “Hợp tuyển”, Thân Loan đã xác định khái niệm về chứng ngộ. Giai đoạn sơ chứng dành cho các bậc bồ-tát sơ địa được dựa vào Lời Nguyện Thứ 11. Giai đoạn quả chứng dành cho bậc bồ-tát đại địa được dựa vào Lời Nguyện Thứ 22. Và sau đây là Hai Lời Nguyện ấy:

LỜI NGUYỆN THỨ 11:

Khi tôi thành Phật, nếu hàng Trời Người trong cõi nước tôi không an trụ nơi Chánh Định hoặc giải thoát hoàn toàn, thì tôi thề sẽ không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

LỜI NGUYỆN THỨ 22:

Khi tôi thành Phật, các Bồ-tát từ cõi khác đã được sanh về tịnh-độ của tôi, rốt ráo đều đắc quả Nhất Sanh Bổ Xứ (chỉ  còn tái sanh để tu một kiếp nữa thì thành Phật). Trừ những người có bản nguyện riêng, tự tại hóa hiện, vì chúng sanh mà phát thệ nguyện rộng lớn, thực hành các công đức, độ thoát mọi loài, du hành khắp các thế giới thể hiện công hạnh Bồ-tát, cúng dường chư Phật ở khắp mười phương, khai hóa vô lượng chúng sanh, làm cho tất cả đều trụ vững nơi đạo tràng vô thượng chánh giác, vượt trội công hạnh của các bậc thông thường, hiện tiền tu tập tánh đức của Bồ-tát Phổ Hiền - nếu không được như vậy thì tôi thề sẽ không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

Thân Loan không những chỉ khởi xướng một sự diễn dịch được đặt nền tảng trên kinh Vô Lượng Thọkinh A Di Đà, mà còn căn cứ vào những văn bản quan trọng khác của truyền thống Đại-thừa.

 

          6.- TRI ÂN BẢY BẬC TỔ SƯ TIỀN BỐI

 

Trong những dòng chữ đầu tiên của cuốn luận thư: ”Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ”, Thân Loan hết lòng tri ânghi nhận những kinh luận cũng như diễn giải của 7 vị tổ sư tiền bối, như:

Hai vị tổ sư phát xuất từ Ấn-độ:

Long Thọ Bồ-tát (thế kỷ I, II)
Thiên Thân Bồ-tát (thế kỷ IV)

Ba vị tổ sư Trung-hoa là :

Đàm Loan Tổ-sư (476 - 542)
Đạo Xước Tổ-sư (562 - 645)
Thiện Đạo Tổ-sư (613 - 681)

Cuối cùng là hai vị tổ sư Nhật-bản :

Nguyên Tín (942 - 1017) tức Genshin Shônin
Pháp Nhiên (1133 - 1212) tức Hônen Shônin.

Thân Loan cũng quả quyết xác nhận rằng, sự diễn giải của ngài tùy thuộc vào một kinh nghiệm tâm linh vô cùng sâu thẳm, và điều này là một thành tố quan trọng, đã cho phép Thân Loan được phóng khoáng trong  sự lựa chọn những nghĩa lý phù hợp với các văn bản mà ngài đòi hỏi khả năng lập thuyết của văn bản ấy. Và kinh nghiệm tâm linh này được kiểm chứng bởi nhiều văn bản vốn lưu truyền tự xa xưa, hoặc là Kinh hoặc là Luận, mà những nhà học giả chống đối có thể thẩm tra tính cách chính xác của kinh nghiệm tâm linh ấy, kể từ thế kỷ 13 cho đến ngày nay. Tác phẩm “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ” đã được Thân Loan rút gọn thành cuốn“Sưu tập những Nội Quán về pháp môn Tịnh-độ”, cũng được viết bằng Hán-ngữ.

Rốt cuộc, mặc dù bận rộn với vô số họat động truyền bá giáo lý Niệm Phật, và bắt buộc phải sống rày đây mai đó, nhưng Thân Loan cũng đã hoàn tất lắm công trình đáng kể: nhiều tác phẩm bằng Hán-ngữ và Nhật-ngữ, nhiều khảo luận súc tích, nhiều bản ký sự, sưu tập thi kệ và cả vô số thư từ cho những đệ tử ở nơi xa.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, cuốn “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ” (GIÁO HÀNH TÍN CHỨNG) và cuốn “Sưu tập những Nội quán về pháp môn Tịnh-độ” (TỊNH ĐỘ LOẠI TỤ SAO) mới đúng là phần cốt tủy đích thật của giáo lý Thân Loan.

Trong giai đoạn cuối cùng của kiếp sống, Thân Loan thánh nhân trở về Kyoto, nơi mà ngài đã từng thay đổi chỗ ở rất nhiều lần - và ngài hân hoan mở rộng vòng tay đón nhận những người đến gõ cửa, rồi giáo dục họ bằng pháp môn Niệm Phật.

Năm 1263, tại thủ phủ Kyoto, ngài thản nhiên day mặt về hướng Tây, nằm nghiêng trong tư thế “sư tử ngủ” như phong cách chư Phật nhập Đại Niết Bàn, rồi từ giã thế giantrở về Cõi Sạch A Di Đà, để lại vô vàn kính ngưỡng cho rất nhiều đệ tử.

Hình ảnh cao đẹp của ngài vẫn còn sống động trong lòng nhân dân Nhật-bản cho đến thời đại ngày nay.

 

7.- NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA CHÂN TÔNG

(Trích: Phật Pháp Căn Bản Trung Cấp) 

 

TỔ KHAI SÁNG

“Chân tông Tịnh độ” có nghĩa là “tinh túy của giáo lý Tịnh độ”.

Ngài Thân Loan (Shinran: 1173-1262) là Tổ khai sáng Tịnh Độ Chân Tông, nhưng cách gọi như thế e không được đúng với bản nguyện của Ngài, vì chính Ngài không có ý định trở thành là Tổ khai sáng một tông phái. Đúng hơn, Ngài chỉ là người mở đường cho Chân Tông (một lối tu tập thích hợp cho Phật tử tại gia) thì có lẽ thích hợp hơn. Điều này chính Ngài Thân Loan cũng có xác nhận là không thâu nhận đệ tử. Ngài căn cứ vào những lời dạy của đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni theo đúng truyền thống Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa cũng như Nhật Bản để làm sáng giá cho Phật giáo.

Ngài sanh trưởng trong một gia đình quyền thế thuộc dòng dõi Fujiwara (Đằng Nguyên), hệ phổ Hinokei (Nhựt Giả Da), Ngài xuất gia năm lên 9 tuổi và tu hành tại núi Tỷ Duệ. Nhưng tại đó Ngài vẫn cảm thấy còn nhiều nghi vấn chưa được giải đáp thỏa đáng. Năm lên 29 tuổi, Ngài tự ý rời khỏi núi Tỷ Duệ và trong khoảng thời gian đó được xem như một chuyển biến quan trọng nhất trong đời tu hành của Ngài. Trước khi rời khỏi núi, Ngài đến vùng Yoshimizu (Kiết Thủy) thuộc Kyoto thuyết giảng pháp môn niệm Phật và cũng chính tại đó, Ngài đã gặp được Ngài Pháp Nhiên. Từ đó trở đi sự hình thành của giáo đoàn niệm Phật bắt đầu, đã khiến cho nhiều người trong cựu giáo đoàn không mấy có cảm tình, đã tìm cách gây áp lực, ngăn cản người niệm Phật. Ngài Pháp Nhiên (Honen: 1133-1212) phải lánh sang vùng Dosaku (Thổ Tạ); còn Ngài Thân Loan thì bị lưu đày đến vùng Ichigo (Việt Hậu). Một thời gian sau, tình sư đệ vĩnh viễn cách ngăn. Ngài Thân Loan khi lưu lạc tại Ichigo đã thay đổi cách sinh hoạt một cách quan trọng đáng kể. Đó là việc Ngài kết hôn với ni cô Huệ Tin, tạo lập nếp sống gia đình và sinh con đẻ cái.

Chính trong giới Phật Giáo lúc bấy giờ cũng chưa hề nghĩ tới việc cải cách như vậy có thể thực hiện được, vì quá đột ngột, mới mẻ. Song Ngài Thân Loan vẫn bạo dạn vượt qua tất cả, đề xướng ra Phật giáo tại gia. Công việc được tiến hành trong thời gian 5 năm và cũng chính trong thời gian đó thầy bổn sư Pháp Nhiên tạ thế. Ngài suy tính muốn trở về lại Kyoto. Tuy nhiên, năm 42 tuổi, Ngài cùng với vợ con là Tín Liên di chuyển tới vùng Hitachi (Thường Lục).

          Lúc đó tại vùng Quảng Đông-Tokyo là thời kỳ thuộc chính quyền Kamakura mới vừa thành lập. Giai cấp võ sĩ có thế lực mạnh chi phối tất cả, nên sinh hoạt của giới bình dân gặp rất nhiều khó khăn. Cũng chính tại đó, Ngài thực hiện được công cuộc truyền đạo một cách đáng kể. Lúc 52 tuổi, Ngài viết bộ "Giáo Hành Tín Chứng" (Kyogyo Shinsho) gồm 6 cuốn. Tín đồ Tịnh Độ Chân tông đều dựa vào bộ sách ấy để hành trì và tôn quý như kinh điển chính. Khi bộ sách hoàn thành được xem như ngày thành lập Chân Tông vậy.

          Gót chân hoằng hóa của Ngài tại vùng Quảng Đông ngót gần 25 năm, và rồi năm trên 60 tuổi, Ngài mới trở lại Kyoto.

ĐỨC PHẬT TÔN THỜ

          Chân Tông thờ hình Đức Phật A Di Đà (bức họa hay tôn tượng) là vị Phật chính. Ngài Thân Loan cũng thường hay viết danh hiệu ấy cho các đệ tử thọ trì. Danh hiệu đức Phật A Di Đà có ba hình thức khác nhau là: “Nam mô A Di Đà Phật” gồm trong 6 chữ. “Quy mạng tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” gồm 10 chữ và “Nam Mô Bất Khả Tư Nghì Quang Phật” 8 chữ. Nhưng danh hiệu 10 chữ và 8 chữ đã được bao hàm trong danh hiệu 6 chữ, chúng ta chỉ nương vào sự cứu độ của đức Phật A Di Đà để thọ trì danh hiệu 6 chữ cũng đầy đủ vậy

GIÁO LÝ

          Phương pháp dạy đạo của Ngài Thân Loan có phần khác biệt với lề lối thông thường, vì Ngài nhắm thẳng vào giới Phật tử tại gia hơn. Trong thâm tâm Ngài tự cho rằng không có gì khác biệt giữa Tăng và Tục cả. Điều này có thể suy ra được từ chữ Toku (trong chữ Gotoku: ngu ngốc) có ngay nơi tự tánh. Sự thật, ngay khi rời khỏi núi Tỷ Duệ, Ngài đã nghĩ tới giữa Tăng và người thế tục không còn có sự khác biệt nhau nữa. Bỏ nhà cửa, bỏ cả sự ham muốn, vượt qua mọi chướng duyên để xuất gia vào trong núi sâu rừng thẳm chưa hẳn đã là Tăng.

Dù chủ trương như thế, Ngài vẫn không rời xa Phật pháp. Con người sống ở đời chỉ có hai điều ham muốndanh dự và cái lợi chi phối, phải đắm chìm trong bi thương, oán hận. Trong sinh hoạt của nhân thế, không có sự thống khổ nào bằng, từ lúc mới sinh ra cho đến khi được bảo bọc lớn khôn, đầy đủ. Vì thế đức Phật dạy rằng con người phải tự tìm lấy một phương cách để sống trong sự chân thật.

          Ngài Thân Loan đã hình thành được nhiều nét thật đặc sắc trong việc giáo huấn. Sau đây là 5 điểm chính yếu:       

1. PHẬT GIÁO TẠI GIA:

Trong trường kỳ lịch sử Phật giáo, Ngài Thân Loan chỉ mong làm sao để cụ thể hóa những công việc trọng đại này, một mình Ngài không thể nào làm nổi mà phải nhờ các nhà chuyên môn Phật học trợ lực, cũng như nhờ sự tiếp tay của Thánh Đức Thái Tử (Shotoku Taishi: 574-622) qua bộ sách "Tam Kinh nghĩa sớ" với một số ý niệm rõ ràng cho hàng Phật Tử hấp thụ được dễ dàng. Thánh Đức Thái Tử luận rằng, trong các sinh hoạt hàng ngày, đó chính là đạo Phật, và đó cũng là tinh thần nhập thế của Đại thừa Phật giáo. Nhờ tiệp dung được tư tưởng phóng khoáng này của Đại thừa nên con người hiện hữu của Ngài Thân Loan chính là con người thật như thế. Thường thường trong giới học Phật cứ nghĩ rằng, chỉ có người xuất gia mới là đệ tử chân chính của đức Phật, con người tín đồ tại gia thua kém xa về nhiều mặt. Nhưng Ngài Thân Loan lại cho rằng, xuất gia không những chỉ trên hình thức mà còn phải có tâm niệm xuất gia nữa mới là điều đáng quý. Ngài chủ trương con người chưa hẳn được cứu độ, vì bị phiền não che lấp bản tánh.

Muốn được cứu độ phải thích ứng trong sự giáo huấn, và đó cũng chính là hạnh nguyện hay bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Như thế, ta không nên phân biệt giữa người xuất gia với người tại gia, cũng như người hiền và người ác, song chỉ có sự cứu độ bình đẳng nên Ngài Thân Loan không đưa ra lập trường của kẻ chỉ đạo mà chỉ đưa vào bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Hành giả không cần biết đến thân thế, sự nghiệp làm gì mà chỉ nên tiếp xử với bằng hữu, với người đồng hành hay với tất cả mọi người trong bình đẳng chân chính.

          Vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, khu phố, thôn xóm, cần có sự hỗ trợ tương kính lẫn nhau trong tin yêu hòa hợp, nhất là làm thế nào cho tâm tư thể hiện được tinh thần hòa kính ấy.

2.       NGUYỆN NHỜ THA LỰC

          Phải nương vào nguyên lực của Phật A Di Đà cầu được độ thoát với ý niệm hương thượng, không thể sai lầm được, ví như một vật từ dưới thấp được nâng lên cao. Đó không phải là con đường cao cả của sự cứu độ là gì? Tha lực ở đây xin đừng hiểu lầmtrông cậy hoàn toàn vào sự may rủi không đâu!

Theo Ngài Thân Loantha lực chính là “hồi hướng nguyện lực” như trong lời thề nguyền của đức Phật A Di Đà mà hàng ngày đã thể hiện nơi ta. Tha lực ấy cũng chính là trí tuệ Phật, là lòng từ bi vô lượng tỏa rạng nơi ta, cho nên trong số chúng ta đâu cần xác định rõ các chủ thể chân thật, sau mới không có sự giao động, nhờ đó sự tự giác sẽ phát sinh.

3.-  LÒNG TINYẾU TỐ CHÍNH

          Như đã nói, muốn có được tự giác phải có lòng tin thật kiên cố như kim cương mới được. Muốn thành Phật chúng ta phải so sánh công đức không thể nghĩ bàn của đức Phật A Di Đà đối với chúng sanh. Từ đó, chúng ta mới tin theo lời nguyện ấy được. Lòng tin là chất liệu cần thiết làm hành trang để đạt đến giác ngộ tối thượng. Các tông phái Phật giáo đều chỉ dạy rằng, muốn thành tựu Phật quả, chúng ta không thể không lập hạnh nguyện sâu bền. Đối với nguyện lực này, Ngài Pháp Nhiên đưa ra việc niệm Phật cầu được vãng sanh, đưa vào những lời nguyện của đức Phật A Di Đà làm minh chứng.Niệm Phậtxưng niệm danh hiệu, niệm được nhiều chừng nào, kết quả sẽ tốt đẹp chừng ấy.              

Nhưng niệm Phật không phải chỉ có việc trì chú không thôi, cũng lại chưa hẳn miệng chỉ đếm niệm được một số danh hiệu Phật là đủ. Ngài Thân Loan phân tích rõ nội dung của việc niệm Phật như sau: niệm Phật là phải phát lòng tinxưng danh hiệu cho thật rõ ràng mới được. Đức Phật A Di Đà phát nguyện cứu độ chúng sanh, nên chỉ có công đức niệm Phật mới hồi hướng được như trong lời nguyện của đức Phậttiêu biểu nhất là Nam mô A Di Đà PhậtVì bị phiền não che lấp chân tâm, nên chúng ta không thể thấy rõ Phật tánh được. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy ta cách xưng danh hiệu đức Phật A Di Đà để làm hiển lộ Phật tánh nơi mỗi người. Nếu niệm với sự thành tâm, chắc chắn sẽ được vãng sanh. Cái công đức trì danh niệm Phật ấy là của chính chúng ta, chứ không phải hoàn toàn do quyền năng của Phật. Vì thế, Ngài Thân Loan chủ trương, niệm danh hiệu Phật A Di Đà là điều rất dễ hiểu.

Danh hiệu Phật A Di Đà có thể niệm ở bất cứ nơi đâu, cũng như trong khi làm bất cứ công việc gì, trong sinh hoạt hàng ngày cũng đều niệm được cả, quý hồ là phải ghi nhớ mà niệm luôn luôn để được gần gũi đức Phật.                  

Điều đó chứng tỏ rằng cái giá trị thực tiễn của người Phật tử tại gia lại càng cần thiết hơn nữa.

          Lòng tin tưởng niệm danh hiệu Phật để trí tuệ Phật hiển lộ, vì việc tu hành của chúng ta là làm sao cho cái giá trị Phật tánh ấy được phát triển mãi. Căn cứ vào đó, Ngài Thân Loan cho rằng, nếu tin tưởng, chắc chắn sẽ được thành Phậtngoài ra không còn cần phải hướng tâm niệm cao thượng nào khác.

4.     HIỆN TẠI KHÔNG LUI SỤT

          Trở lên bên trên là xác định lòng tin. Khi muốn đạt đến sự giác ngộ tối thượng, thì ngay trong đời này phải phát lòng tin mãnh liệt. Ngài Thân Loan căn cứ vào lòng tin, nêu ra những việc lợi ích thiết thực ngày trong đời này, nếu con người muốn vượt lên cao hơn.

          Tông Tịnh Độ chỉ dạy phương pháp cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc sau khi lâm chung. Hành giả phải nương vào mục đích tối thượng này, chắc không thể sai lầm vậy. Trong bộ "Giáo Hành Tín Chứng", Ngài Thân Loan nêu ra 10 điều lợi ích thiết thực ở ngay trong đời hiện tại. Chẳng hạn, muốn được sự cứu độ của Phật, chính ta phải phát lòng tin trong sáng để xác định là chủ thể đã có sự tự giác. Làm như vậy cũng chứng tỏ rằng có sự tiến triển được ghi nhận rất thực tiễn.

5.  BÀI TRỪ MÊ TÍN :

Như trên đã nói về sự lợi ích hiện tạiliên quan tới những điểm then chốt cần phải suy nghĩ. Vì thế Ngài Thân Loan luôn nhấn mạnh tới những sự lợi ích ở ngay trong đời này. Vấn đề vật chất hay phước báu không do sự mong cầu Phật Thánh mà được. Do đó, Ngài cương quyết bài trừ mê tínnhấn mạnh, nếu muốn cầu cho tai họa tiêu, phước báu đều hoàn toàn có sự sai lầm. Thậm chí đến những sự tin nhảm thần núi, thần sông, thần cây cỏ, ngày tốt xấu, coi bói, xem tướng, nói về vận mạng v.v... Ngài đều phủ nhận tất cả.

Ở đời hễ khi nào điều bất hạnh xảy đến, con người lại tin vào Thần linh, bói toán. Nếu đạt được như nguyện, tức chuyển họa thành phước, sự mê tín lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Nhưng ta quên rằng, điều đó đang phá hoại một phần lớn đời sống của ta thật tai hại vô cùng. Còn như đối với hạnh phúc, nếu cho rằng cầu nguyện Thần Thánh được sự ban phước, thì sự cố gắng của con người, cũng như vấn đề giáo dục trở thành không còn cần thiết nữa. Ngược lại nó càng làm cho con người trở nên đọa lạc trầm luân! Điều mà ai cũng nhận thấy rằng, sự mê tín làm cho con người không còn một lối thoát. Chính đó là lý do tại sao, Ngài Thân Loan cương quyết bài trừ mê tín vậy.

Phật giáo dựa theo lý nhân duyên, và chính ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi thiện ác của mình: cho dù có gặp khốn khổ cũng phải cố gắng vượt qua để chứng tỏ nỗ lực của mình. Chỉ có sự quyết tâmnỗ lực ấy mới củng cố được niềm tin thêm vững vàng mà thôi.

          Khi nghe niệm Nam mô A Di Đà Phật, ta phát khởi lòng tin, bao nhiêu chướng nạn mê lầm đều tiêu tan để đạt đến mục đích tối thượngcon đường giải thoát. Ngài Thân Loan tin rằng, con người có thể sanh về cõi Tịnh Độ chắc chắn, nếu muốn báo ân Phật chỉ còn một cách hữu hiệu là niệm danh hiệu Phật cầu cho nhân loại hòa bình, cho những lời Phật dạy được truyền bá rộng rãi. Muốn được như vậy, cần đòi hỏi ở sự nỗ lực nơi mỗi chúng ta nhiều hơn. (Trích: Phật Pháp Căn Bản Trung Cấp) 

Nguyễn Xuân Chiến
Thư Viện Hoa Sen

Bài đọc thêm:
Tìm Hiểu Giáo Nghĩa Của Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản
Tịnh Độ Tông Nhật Bản
Tịnh Độ Chân Tông Thực Hành
Ngài Thân Loan Và Chân Tông Tịnh Độ
Tịnh Độ Chân Tông Và Ngài Thân Loan




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/01/2015(Xem: 4820)
29/01/2015(Xem: 5424)
22/10/2010(Xem: 59399)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.