KHOÁ TU PHẬT THẤT
Thích Chân Tính
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội 2004
Nội quy Khóa tu Phật thất
Để khóa tu Phật thất thành tựu được năm điều : LỤC HÒA, NGHIÊM TỊNH, TINH TẤN, NHẤT TÂM, AN LẠC; Phật tử tham dự phải chấp hành nội quy sau đây :
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính thưa quý Phật tử !
Với mong ước làm thế nào để đưa vấn đề tu tập của hàng Phật tử ngày càng đi vào nề nếp, quy củ theo đúng chánh pháp của Phật, đồng thời để tạo điều kiện cho Phật tử tại gia cắt bớt trần duyên, hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật, nên khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp ra đời.
Để quý Phật tử tham dự khóa tu Phật thất đạt được kết quả mỹ mãn, Ban Tổ chức yêu cầu Phật tử phải nắm vững chương trình tu học, tuân thủ nội quy và các oai nghi.
Quý Phật tử phát tâm vào đây là để niệm Phật - thành Phật, thì phải học và tu theo hạnh của Phật. Muốn được vậy phải giữ gìn năm giới cấm thật chu đáo. Nếu không giữ được một giới nào thì làm sao gọi là Phật tử ? Người đời không theo đạo Phật mà còn biết giữ đúng tư cách như không uống rượu, không hút thuốc, không trộm cắp thay huống hồ gì là Phật tử.
Chúng ta đến với đạo Phật là vì muốn vượt lên trên cuộc đời tầm thường của thế nhân để đạt được chân thiện mỹ. Nếu chúng ta vào đạo rồi mà vẫn tiếp tục cuộc đời trôi nổi cũ hay còn tệ hơn cuộc đời thường của thế nhân thì đó chỉ làm hoen ố đạo chớ không phải là người mộ đạo.
Cho nên là Phật tử thì phải có tinh thần trách nhiệm nuôi dưỡng, hiếu thuận với cha mẹ, kính thờ sư trưởng, tu tập thập thiện, phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, tinh tấn tu hành, cố gắng giữ giới để xứng đáng với danh nghĩa của người có đạo đức, nhằm đem lại hạnh phúc cho mình và cho chúng sinh. Một xã hội mà mọi người đều thực hiện năm giới cấm ấy thì đó là một xã hội gương mẫu văn minh nhất thế giới vậy. Muốn có đạo đức thì phải theo học với các bậc đức hạnh thanh cao siêu thoát, mà Đức Phật là đấng trọn lành tiêu biểu cho nền đạo đức toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.
Có đạo đức, con người mới có lòng từ bi, sáng suốt công bình, gia đình mới có hạnh phúc chân thật, xã hội mới được thực sự văn minh cả về hai phương diện vật chất và tinh thần. Người muốn học hỏi đạo lý và đức hạnh của Phật thì trước phải quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới. Sau đó người Phật tử phải tinh tấn trau giồi đức hạnh và học hỏi các phương pháp tu giải thoát bằng cách cải thiện mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày như sau :
1/ Hết lòng tôn kính Phật, Pháp, Tăng là những bậc thầy cao quý, hộ trì ngôi Tam Bảo để Phật Pháp trường tồn, thường niệm Phật để tâm được an định.
2/ Nghiêm trì giới luật mà mình đã thọ để khỏi gây tạo nghiệp ác, tránh quả báo về sau.
3/ Tập ăn chay kỳ, chay trường để trưởng dưỡng lòng từ bi, vừa bớt tính hung hăng, hiếu sát và để bảo vệ sức khỏe, ít bệnh hoạn.
4/ Dứt bỏ những tính hung dữ, gian tham, trộm cắp, dối trá, để trở nên con người hiền lành ngay thẳng chân chính.
5/ Loại bỏ các thói hư tật xấu như cờ bạc, hút sách, ăn chơi phung phí v.v..., phải biết giữ tiết độ trong việc ăn mặc và ngủ nghỉ, tập theo lối sống đơn giản, giảm bớt những nhu cầu vật chất không cần thiết, không cầu kỳ, không lập dị, không xa hoa, không buông lung.
6/ Không lười biếng ỷ lại mà phải siêng năng sốt sắng, đảm đang, tinh tấn tu học với ý chí tự lập tự cường, kiên nhẫn chịu đựng để vượt qua mọi gian lao trở ngại.
7/ Làm việc phải có tinh thần trách nhiệm, việc làm phải nhẹ nhàng khéo léo, sạch sẽ, gọn gàng.
8/ Hành động, cử chỉ, lời nói phải luôn luôn ôn hòa nhẹ nhàng, khiêm tốn không cống cao ngã mạn, khinh người.
9/ Đối với mình thì khắc kỷ chế ngự vọng tâm, đối với người thì đại lượng bao dung và nhiệt tâm giúp đỡ. Khuyên mọi người chung quanh đều hướng về đường lành, trau giồi đạo đức, phát huy trí tuệ, dẹp bỏ các hủ tục mê tín dị đoan.
10/ Thường nghiên cứu kinh điển để có thể hiểu biết và thực hành đúng chánh pháp của Đức Như Lai.
11/ Mỗi tháng nên đến chùa ít nhất hai ngày sám hối để sám trừ tội chướng, ăn năn lỗi trước, tránh chừa lỗi sau.
12/ Học thuộc các nghi thức tụng niệm thông thường để hòa được chúng khi tụng chung. Ngoài ra nếu có hoàn cảnh thuận tiện, mỗi tuần hay mỗi tháng nên danh ra một ngày để về chùa thọ Bát Quan Trai, để học hỏi thêm những giáo lý cao siêu hơn và được gần gũi với chư Tăng trọn một ngày trong không khí trong lành thanh tịnh, khiến cho tâm hồn hưởng được những phút giây nhẹ nhàng an lạc, mà ở tại nhà thế tục không tìm thấy được.
Tu học và thực hành được những điều trên đây là người dám làm cuộc cách mạng bản thân, bỏ tà quy chính, cải ác tùng thiện, mới xứng đáng là người Phật tử thuần thành và chân chính, để từng bước tiến lên hạnh xuất gia giải thoát.
Giữ uy nghi lúc đi, đứng, nằm, ngồi
Giữ thân khẩu ý thanh tịnh
Chấp hành đúng nội quy và thời khóa tu tập
Luôn hoan hỷ và hòa nhã đối với mọi người
Hạn chế nói chuyện với nhau
Không nói chuyện thế sự
Không lớn tiếng nói cười
Không ra khỏi phạm vi chùa
Hạn chế tiếp xúc với người ngoài
Không trang điểm phấn son và đeo nữ trang
Không được ăn, ngủ ngoài giờ đã quy định
Không được hút thuốc, ăn trầu
Đến giờ ngủ nghỉ phải im lặng, không được đi lại gây náo động.
Ngoài các điều nêu trên, Phật tử còn phải tuân thủ những điều được hướng dẫn dưới đây :
3 giờ 30 | Báo thức | |
4 giờ 00 | - 5 giờ 30 | Công phu niệm Phật |
6 giờ 00 | - 6 giờ 30 | Điểm tâm sáng |
7 giờ 00 | - 8 giờ 30 | Nghe pháp |
9 giờ 00 | - 10 giờ 30 | Công phu niệm Phật |
11 giờ 00 | - 11 giờ 45 | Ăn trưa |
12 giờ 00 | - 13 giờ 30 | Nghỉ trưa |
14 giờ 00 | - 16 giờ 00 | Công phu niệm Phật |
16 giờ 00 | - 18 giờ 00 | Tắm giặt |
18 giờ 00 | - 18 giờ 30 | Ăn chiều |
19 giờ 00 | - 20 giờ 30 | Công phu niệm Phật |
21 giờ 00 | - 21 giờ 30 | Ngồi tịnh |
21 giờ 30 | Ngủ nghỉ |
I. TRƯỚC KHI ĐẾN ĐẠO TRÀNG
Phật tử muốn tham dự khóa tu cần phải :
Phải đến đúng ngày giờ đã quy định. Nếu đến trễ, Ban Tổ chức không nhận đăng ký.
Không được ăn phi thời.
Các Phật tử tham dự khóa tu phải chấp hành đúng nội quy, thời khóa tu tập cùng những hướng dẫn vừa nêu. Nếu ai vi phạm lần một nhắc nhở, lần hai sám hối trước đại chúng, và kỷ luật không được tham dự khóa tu kế tiếp.
BAN TỔ CHỨC KHÓA TU PHẬT THẤT