Quyển Hạ

21/11/201012:00 SA(Xem: 10455)
Quyển Hạ


TỊNH TỪ YẾU NGỮ

Nguyên tác: Thiền sư Nguyên Hiền - Việt dịch: Thích Minh Thành
Nhà Xuất Bản: Tôn Giáo 2005

QUYỂN HẠ
Sa-môn Nguyên Hiền 
ở chùa Dũng Tuyền, Cổ Sơn trước tác
 

1. Ngăn cấm sát sinh

Trong nhà Phật, giới sát là đứng hàng đầu. Chẳng những đạo Phật mà các đạo khác cũng xem trọng giới này. Bởi lẽ, cái yêu quý nhất của con người và loài vật là mạng sống, còn điều đau khổ nhất không gì hơn cái chết. Cho nên, điều ác lớn nhất, tội lỗi nặng nhất là sát sinh.

Từng nghe rằng: “Đức lớn của trời đất là sinh, điều ác lớn nhất của con người là sát sinh”. Ông trời có đức hiếu sinh, nên biết chắc rằng Ngài ghét sát sinh. Bảo toàn mạng sống chúng sinh là việc đứng đầu mọi điều lành, sát sinh là việc đứng đầu mọi điều ác. Nhân từ là lòng người, cho nên biết giết hại sinh mạng chẳng phải lòng người. Sao lại có thể không xem trọng giới sát?

Hơn nữa, con người đã lấy nhân từ làm tâm, tâm lượng trùm khắp hư không, đâu có chỗ nào không đến được; xuyên suốt trước sau, đâu có khi nào dừng nghỉ. Bảo rằng trời đất và vạn vật một thể, chính là nói tâm này, lòng nhân từ này. Cho nên, bậc Thánh của nhà Nho cho rằng: “Nếu có thể xét chỗ tột cùng của “sự Trung hòa” thì đạt được cảnh giới viên mãn, trời đất vạn vật đều được chỗ thích nghi và sinh trưởng”.

Người có tâm thành khẩn tha thiết thì có thể thấu rõ bản tánh của chính mình, có thể thấu rõ bản tánh của chính mình thì mới có thể thấu rõ bản tánh của con người, thấu rõ bản tánh của con người mới có thể thấu rõ bản tánh của vạn vật. Điều này chẳng phải viển vông không thực tế. Lòng nhân từ một thể vốn đã như thế, nhưng Thánh nhân sửa trị thiên hạ lại không tránh khỏi việc dùng thức ăn tươi sống là tại sao? Đó là việc bất đắc dĩ.

Tôi từng khảo xét trong kinh Phật. Trong kiếp đầu tiên con người sống thật thà chất phác, không dối trá nên trời sinh đất đai màu mỡ, lúa thóc tốt tươi, giúp cho nhu cầu ăn uống hàng ngày được đầy đủ. Sau này, sự dối trá dần dần tăng trưởng, đất đai màu mỡ và lúa thóc trước kia đều không sinh nữa. Con người phải khó khăn mới có được thức ăn. Do cái đói bức bách, nên gây ra việc giết hại, dùng mạnh hiếp yếu, dùng trí lấn ngu, bắt các loài cầm thú ăn thịt, cũng giống như cầm thú ăn nuốt lẫn nhau thôi. Ban đầu chỉ vì ngăn chặn cái đói, nhưng sau cùng trở nên tham đắm mùi vị của thịt tanh mỗi ngày một sâu. Đồ tể giết mổ, hàng thịt dẫy đầy, mỗi ngày một nhiều. 

Bậc Thánh vì thương xót sinh vật, nên mới lập ra “lễ” để ngăn chặn. Nên bảo rằng: “Giữa mùa Xuân không cho phá tổ đập trứng loài chim, cá còn nhỏ không cho đánh bắt. Cúng tế theo lễ, phải hiến cúng theo quy định; yến tiệc theo lễ, cũng phải có số lượng quy định. Đại phu không được vô cớ giết hại trâu dê, kẻ sĩ chẳng được vô cớ giết hại heo chó”. Điều đó lẽ nào chẳng phải là bản ý của Thánh nhân? Tuy không thể ngăn chặn hết xu hướng sát sinh, nhưng cũng phần nào ngăn ngừa được việc lạm sát. Cho nên nói, đó là “điều bất đắc dĩ của Thánh nhân”. 

Loài vật và ta hình dáng tuy khác, nhưng tri giác vốn đồng, tham sống sợ chết nào khác con người! Nay chỉ vì để ta có một bữa ăn ngon miệng mà khiến chúng phải chịu đau đớn cùng cực. Như thế, về mặt tình và lý có thỏa đáng chăng? Lấy thân mạng quý trọng của chúng để đáp ứng cho lòng tham hưởng thụ phù phiếm của ta, về mặt tình và lý có thỏa đáng chăng? Giết mạng chúng để mong kéo dài mạng sống của ta. Giết thân chúng để bồi đắp thân ta. Giết cha mẹ, vợ con chúng để bảo dưỡng cha mẹ, vợ con ta. Như thế, về mặt tình và lý có thỏa đáng chăng? Chẳng cần phải đợi xét lại mình, cứ thử nghĩ trong tâm trạng còn sống mà bị dao bén cắt thịt, nước sôi nung nấu xem. Ta có thể nhẫn tâm ăn nuốt trước tình cảnh hoảng sợ kêu gào, đau đớn oán hận của chúng hay sao? Nếu cho là có thể nhẫn tâm ăn nuốt thì tâm họ chẳng phải tâm người nữa rồi! Mạnh Tử nói: “Người quân tử chỉ muốn thấy vật sống, chẳng nỡ thấy nó chết. Nghe tiếng kêu thương chẳng nỡ ăn thịt chúng”. Việc ấy, lẽ nào lại là tình thương của đàn bà con nít?

Còn như xét kỹ để cứu vãn lỗi lầm của thời cận đại, có nhiều điều không thể khuyên ngăn được. Thói đời bạc ác, ưa chuộng xa xỉ, đuổi theo sự ham muốn của cái miệng và bao tử đến tột cùng. Giăng lưới săn bắt những loài thú quý hiếm dưới nước, trên cạn. Trong một bữa ăn giết hại cả trăm sinh mạng. Lỗi lầm này thật đáng đau xót!

Để tang cha mẹăn thịt uống rượu, giống như vui mừng thiết đãi yến tiệc, giết hại sinh mạng nhiều vô số. Chỉ một việc này, nói xa thì đã rất trái với lễ của bậc Thánh thuở xưa, bàn gần thì đã phạm quy luật của trời đất; ngoài kết thêm oán hận căm thù, trong diệt mất lòng nhân hiếu. Đó là nhà Nho hay chẳng phải nhà Nho? Là điều lành hay chẳng phải điều lành? Mỗi khi có người nhắc nhở, đều tìm mọi lý lẽ để che đậy lỗi lầm của mình.

Ôi! Chẳng sợ quy chế của bậc Thánh, chẳng sợ pháp luật của Đế vương, chẳng sợ điều ác, bất nhân bất hiếu, mà chỉ sợ lời dị nghị phù phiếm của người đời. Đó là sự nhận định gì?

Than ôi! Kẻ phàm ngu vốn đã theo tập tục, nhưng bậc hào kiệt lẽ nào làm theo mà chẳng chịu suy xét sao? 

Xưa, Hoàng Sơn Cốc có làm bài tụng:

"Thịt ta, thịt chúng sinh
Thân khác, thể chẳng khác
Vốn đồng một bản tánh
Chỉ khác biệt thân hình.
Khổ não chúng phải chịu
Thơm ngon sướng miệng mình
Chớ bảo Diêm vương phán
Tự xét thấy thế nào?"

Bài kệ này đã nói cùng tận ý nghĩa của việc ngăn cấm sát sinh.

Còn như thuyết nhân quả báo ứng là lẽ tất nhiên, chắc chắn khó lẩn tránh. Không chỉ trong kinh Phật nói tường tận, sử truyện ghi chép, mà rõ ràng nơi mắt thấy tai nghe, không phải điều lừa dối. Người quân tử dừng việc ác chẳng phải vì sợ hình phạt, làm việc nhân từ không phải vì mong cầu quả báo, mà chẳng qua chỉ làm toàn vẹn tâm mình mà thôi. Mong bậc cao minh hãy suy xét điều này!
 

2. Khuyên phóng sinh

Từng nghe rằng: “Chư Phật và chúng sinh đồng một tâm thể. Chư Phật dùng tâm tham ái của chúng sinh mà chuyển thành lòng từ bi, cho nên lòng từ bi của các Ngài rất rộng lớn. Chúng sinh đem lòng từ bi của chư Phật lấp kín lại thành tâm tham ái, cho nên tâm tham ái của chúng sinh rất sâu dày”.
Sự tham ái sâu dày thì không vật gì mà chẳng yêu thích, nhưng yêu thích nhất là bảo vệ mạng sống của riêng mình. Lòng từ bi rộng lớn thì không vật gì chẳng thương xót, nhưng thương xót lớn nhất là hành vi cứu vớt mạng sống của chúng sinh.

Thế nên, bậc quân tử ngày xưa ưa thích phóng sinh. Bởi vì, trên hợp với lòng đại từ của chư Phật, dưới thỏa mãn tâm mến tiếc thân mạng sâu dày của chúng sinh. Sự rộng lớn của việc làm lành không gì sánh bằng.

Động lòng thương xót trước cảnh sát hại, sự thê thảm độc hại được bày ra, trăm phương ngàn kế giăng câu bắt lấy, hoặc nhốt chặt trong lồng, trong chuồng; hoặc sinh mạng treo trên dao bén. Hồn phi phách lạc, mẹ con ly tán. Miệng kêu gào tức tưởi biết nói cùng ai, mắt đẫm lệ cầu xin cứu vãn. Giống như tù nhân sắp bị hành quyết, bức bách vì cận kề cái chết; cũng như mọi người đang an ổn mà bỗng nhiên bị đánh cướp.

Tình trạng đau đớn ai oán ấy thật chẳng biết nói thế nào! Cho nên, chư Phật vì đối với nỗi đau khổ này mà ngăn cấm sát sinh, khuyên bảo phóng sinh

Hao tổn tiền của không bền của ta để chuộc lại mạng sống rất quý giá của chúng, hoặc ít chỉ một hai con vật, hoặc nhiều thì đến muôn ngàn sinh mạng, giúp cho chúng đổi nguy khốn thành an ổn, sắp chết được sống lại, trời cao biển rộng mặc tình dạo đi, nắng ấm gió hòa ra sức bay lượn trong hư không quang đãng. uy bảo rằng sự bố thí một ít tiền của chẳng đáng bao nhiêu, nhưng ơn cứu mạng thật rộng lớn vô cùng

Ở đây không bàn đến việc những sinh vật ấy sẽ làm Phật ở đời vị lai, hay đã là cha mẹ nhiều đời của chúng ta, nhưng vì tri giác vốn chung đồng nên xét theo lý rất khó mà nhẫn tâm. Cũng không bàn đến việc bị quả báo ở đời này, hay bị nợ nần sau khi chết, nhưng một khi đã ra tay giết hại, thì tự nhiên nơi lòng khó mà quên được.

Nhìn cỏ cây rơi rụng héo tàn còn thảm thương bi cảm, thấy mây mù bủa giăng âm u thì buồn bã không vui, huống gì là mạng sống của chúng sinh. Do đó nên biết, chân tâm trùm khắp cả hư không mười phương, bậc chí nhân thẳng dòng xuyên suốt nơi vạn vật. Lẽ nào có cùng một dòng máu đỏ, mà thật không có lòng thương xót hay sao?

Cúi mong ai nấy thường thực hành việc cứu vớt, chuộc mạng sinh vật, khiến cho mạch nước nhân đức luôn luôn tuôn chảy. Hướng dẫn rộng rãi bạn bè để ngọn gió từ bi dào dạt mọi nơi, cuối cùng được trở về với bản tâm chân thật viên mãn của chính mình. Làm được như vậy thì chư Phật rất khen ngợi!
 

3. Giải nghi giới sát

Hỏi: Vật vốn chẳng phải vật, sinh vốn vô sinh, chỉ cần thấu rõ tâm tánh tức là thành tựu vạn vật. Gieo mình xuống hố thẳm, cắt thịt cho chúng sinh vẫn còn thuộc về hữu vi. Thế thì phóng sinh ốc hến không chỉ thêm nhọc nhằn phí sức hay sao? 

Đáp: Cứu xét tận cùng chỗ chí lý, tuy không sinh không tử, nhưng theo tình thì mọi vật cũng đều ham sống sợ chết.

Mọi thứ có hình tướng đều là “tánh không chân thật”, ở nơi sự tướng đều chứa đựng lý tánh. Nếu chấp vô vi chê bai hữu vi thì sự luận bàn về vô vi chỉ để giúp cho tâm keo kiệt thêm tăng trưởng. Chấp vô sinh mà chê bai phóng sinh thì những lời nói về vô sinh chỉ để hỗ trợ cho tâm tham lam tàn ác mà thôi.

Ăn thịt đã không trở ngại sự chân tu, phóng sinh há lại trái ngược với diệu lý?

Gieo mình xuống vực, cắt thịt cứu chúng sinh thì sự chấp về thân đều quên; xả thân cho cọp đói, cho chim ưng ăn thì lòng từ bi càng thêm rộng lớn. Vận dụng lòng từ bi mà công đức hữu vi tỏa sáng, trừ chấp thân mà ý chỉ vô sinh âm thầm phù hợp.

Nay xem trọng thân mình, khinh thường mạng sống sinh vật, rõ ràng chỉ quý trọng mạng mình, vì ham sống mà giết hại thân mạng chúng sinh. Như thế, lại còn ngụy biện rằng không có sinh tử nữa ư? Thế thì còn hơn cả kẻ bất nhân!

Hỏi: Trong kinh có nói: “Không sinh không diệt”, nếu là không sinh thì không diệt, mà có sinh thì có diệt. Như thế, sát sinh nào có ngại gì?

Đáp: Kinh nói: “Tướng không của các pháp vốn tự không sinh cũng không diệt. Không sinh nên thường lặng lẽ, không diệt nên thường chiếu soi. Thường lặng lẽ, thường chiếu soi gọi là Thường Tịch Quang”. Đó là tâm mầu nhiệm của mọi người. Tại sao lại đem lời chí lý làm thành lý luận vô ích? Kẻ ngu nói càn đến thế, thật đáng buồn thay! 

Hỏi: Sinh vật bị định nghiệp nên khó tránh khỏi cái chết, cần gì phải phóng sinh?

Đáp: Hễ có sự sống thì có cùng chung bản tánh và mọi loài đều sợ chết. Nếu cho rằng mạng sống của sinh vật khó tránh khỏi cái chết thì đem nấu nướng là lẽ đương nhiên. Và con người cũng sống không được bao lâu, nên có thể tru di hay sao?

Những tù nhân ở trong ngục nhất định phải chết, bị hình phạt để lấy khẩu cung, cũng phải lần lượt qua mùa Thu hoặc mùa Đông mới đem hành quyết. Người bệnh lâm nguy trên giường, thầy thuốc còn muốn giữ mạng sống của họ trong sớm chiều. Những người ấy nhất định chết mà còn hy vọng được sống, huống chi con vật đang sống mà lại nỡ lòng sát hại chẳng xót thương!

Hỏi: Người có lòng nhân từ nên cứu tế rộng rãi nhân dân, sao chỉ lo từ bi nhỏ bé ở nơi sinh vật cỏn con?

Đáp: Việc có lớn nhỏ, tâm không có lớn nhỏ. Bắt voi hay bắt thỏ, Sư tử đều dốc toàn sức lực; một trận mưa thấm nhuần khắp cả cỏ cây, rừng rậm chẳng khác nhau. Tâm chẳng phải là to lớn, lẽ nào lại chê điều thiện nhỏ mà không làm? Tâm chẳng phải nhỏ bé, sao lại thấy điều thiện nhỏ mà cho là không phải to lớn?

Như lời ông nói thì những việc đào ao thả cá, gỡ lưới cứu cầm thú đều là những việc nhỏ nhặt, mà chỉ quý việc lành lớn lao thôi sao?

Hỏi: Phóng sinh vốn là từ bi, nay chẳng thả gà, heo, ngỗng, vịt mà chỉ phóng sinh chim, cá, lươn. Tại sao không bình đẳng như thế?

Đáp: Ở nhân gian có hai loại súc sinh, một là chịu quả báo nhất định bị giết như gà, heo… Hai là chịu quả báo không nhất định bị giết như chim, cá…

Loài súc sinh chịu quả báo nhất định bị giết thì không thể cứu; loài chịu quả báo không nhất định bị giết thì có thể cứu được. Đó là do chúng sinh gây nghiệp khác nhau, chẳng phải lòng từ bi không bình đẳng.

Hỏi: Mời khách dự yến tiệc, nếu không sát sinh rất trái với tình người, nhất định dẫn đến sự chê bai, thì biết làm thế nào? 

Đáp: Khổng Tử hỏi kẻ dưới, đâu cho rằng việc trái ngược với mọi người là điều bị chê bai. Mạnh Tử có tài hùng biện, bị người chê bai mà chẳng cho rằng việc xấu hổ.

Bởi vì, ta giữ điều phải đâu ngại gì người khác cho là quấy. Huống chi chánh trí của chư Phật thấy suốt sự lợi hại rộng lớn của muôn đời. Vọng tình của người đời chỉ thấy sự được mất nhỏ bé trong một lúc. Nếu thuận theo vọng tình của chúng sinh, tuy tránh khỏi lời chê bai nhất thời mà phải chịu nỗi khổ lớn trong muôn kiếp. Nếu thuận theo chánh trí của chư Phật, tuy có bị lời chê bai hiện giờ, nhưng nhất định được niềm vui chân thường trong muôn kiếp.

Lời đức Phật dạy không nên làm trái ngược, còn lời của mọi người đâu đáng bận lòng. Đây là điều người trí nên chọn lựa!

Hỏi: Cá, tôm, lươn, tép, mạng sống của chúng rất nhỏ bé. Trong một ngày những con vật ấy bị giết số nhiều không thể tính kể, nếu giết chúng mà có tội, thì mọi người đều rơi vào ba đường ác cả sao?

Đáp: Có những người giết chúng mà chưa rơi vào ba đường ác, bởi vì phước lành của họ còn mạnh mẽ nên tạm thời được khỏi. Nếu quả báo lành đã hết, nhất định sẽ rơi vào trầm luân.

Hơn nữa, các loài vật tuy nhỏ nhưng đều có tánh Phật, giết một sinh vật nhỏ bé cũng là giết một Phật tử.

Mọi người phần nhiều xem thường sinh mạng nhỏ bé, nên giết hại nhiều chúng sinh. Giết cả mấy ngàn sinh mạng cũng chưa đủ cung cấp cho nhu cầu của một bữa ăn, khiến chúng đau đớn đến chết để làm thơm ngon hương vị trong một bữa cơm, oán hận trong muôn kiếp, như thế làm sao ăn cho được!

Hỏi: Trì trai không ăn thịt có hơn phóng sinh chăng?

Đáp: Đức Phật sở dĩ dạy mọi người trì trai vì muốn ai nấy đều mở rộng lòng từ bi. Cho niềm vui gọi là từ, giải trừ đau khổ gọi là bi. Nay trì trai mà không phóng sinh, sao gọi là cho niềm vui, sao gọi là giải trừ đau khổ? Thế nên, tuy không ăn thịt cũng gọi là đại phá trai.

Vả lại, đức Phật có ba Tụ tịnh giới

1. Nhiếp luật nghi giới

2. Nhiếp thiện pháp giới

3. Nhiêu ích hữu tình giới

- Không ăn thịtNhiếp luật nghi giới

- Phóng sinhNhiếp thiện pháp giới

- Dạy người răn chừa việc sát hại, nên phóng sinhNhiêu ích hữu tình giới

Ngày nay đã chẳng phóng sinh, mà còn dạy bảo người không cần phóng sinh, thì cũng gọi là đại phá giới.

Than ôi! Đức Phật của chúng ta còn cắt thịt trên mình cho chim Ưng ăn để cứu mạng Bồ câu. Còn chúng tađệ tử Phật mà không thể xả bỏ tiền của huyễn hóa để chuộc mạng sống cho sinh vật, thì bao giờ mới thành Phật?

Hỏi: Ngoại đạo nói: “Hồn của súc sinh khác với hồn người. Hồn người sau khi chết không diệt, hồn súc sinh sau khi chết thì tiêu diệt”. Do đó, mặc tình giết hại và cho rằng không có tội báo. Như thế là sao?

Đáp: Máu cùng đỏ thì vốn đồng bản tánh, bản tánh vốn không hai, lẽ nào loài vật lại khác với con người? Cho nên, chúng cũng có đầy đủ sự ham muốn về ăn uống, giới tính, lòng tham sống sợ chết, rõ ràng là đồng với con người, chỉ bởi do nghiệp lực chiêu cảm nên thân hình mới khác nhau thôi, đâu có thể do thân hình chúng khác với con người mà bảo rằng linh hồn có khác.

Có người nói: “Con người có thể hiểu đạo lý, còn cầm thú thì không thể. Vì vậy, linh hồn của chúng khác với con người”. Nhưng, Giác Đoan() nói được, Nguyên Quy hiện điềm, Thần Long bảo hộ chánh pháp, bầy Hạc nghe kinh, chúng đều là súc sinh nhưng lại có sự thông minhthần lực còn hơn con người, thế thì dựa vào đâu bảo rằng “linh hồn không bằng người, sau khi chết hồn liền tiêu diệt?”.

Sở dĩ chúng không thể hoàn toàn giống như con người là do nghiệp ác ngăn trở. Vả lại, đức Phật ngăn cấm sự giết hại không phải ở chỗ chuyên bàn luận về việc hồn chúng có tiêu diệt hay không, mà chỉ xét về nỗi khổ đau đớn của chúng, nên chẳng nhẫn tâm giết hại. 

Ngay cả cỏ cây đang mọc xanh tốt, người quân tử còn không nỡ chặt bẻ, huống gì có cùng một dòng máu đỏ! Vì vậy, những lời nói trên chính là tà thuyết của ngoại đạo ngụy biện để mặc tình thỏa mãn việc ăn uống mà thôi.

Hỏi: Đất đai ở phương này nhiều rau cỏ có thể không sát sinh. Nếu sinh ở vùng ven biển, biên giới mỗi ngày đều lấy trâu, dê, cá, tôm... làm thức ăn thì làm sao ngăn cấm?

Đáp: Người hiện nay sinh ở vùng biên giới thấp hèn là bị quả báo do đời trước làm ác không tin Tam Bảo, tạo nhiều nghiệp sát, nhất định đi vào trong ba đường ác. Nếu có thể biết sai lầm của mình, sửa đổi tu hành, niệm Phật sám hối, mới mong tránh khỏi tai ương về sau.

Nếu tình thế cực kỳ khó thay đổi, chỉ cần lúc sáng sớm lễ Phật niệm Phật, hoặc trì kinh chú nguyện, những sinh mạng bị người kia giết hại nhờ vào sức mạnh của Phật nên mau chóng được siêu sinh.

Người ấy nếu chí thành tha thiết, cố gắng thực hành không biết mệt mỏi, thì nghiệp báo có thể tiêu tan, đời sau sinh về chỗ tốt lành.

Hỏi: Trong kinh nói: “Ăn thịt chúng sinh chính là ăn thịt người thân mình”. Phần nhiều mọi người sợ hãi, nhưng lại không tin và bảo rằng: “Chúng sinh nhiều như thế, lẽ nào những con vật mình ăn đều là người thân thuộc sao?”.

Đáp: Chúng sinh từ thuở xa xưa đến nay, xoay vần trong sáu nẻo, không có lúc nào dừng nghỉ, bỏ thân rồi nhận thân đầy khắp quả đất, thì có chúng sinh nào chẳng phải là thân thuộc. Đã đều là thân thuộc thì những con vật hiện nay mình ăn thịt đều là quyến thuộc của mình, còn nghi ngờ gì nữa!

Hỏi: Con người đáng quý trọng, thú vậtthấp hèn. Thế nên giết mạng một con vật, tại sao đức Phật lại bảo là điều đại ác? 

Đáp: Cái quý trọng nhất của chúng sinh là sinh mạng, điều bi thảm nhất ở thế gian là giết hại, cho nên đó là việc ác lớn nhất. 

Vả lại, con người vừa khởi một tâm niệm giết hại liền chất chứa vào mảnh ruộng của tâm thức, mãi làm hạt giống trong vòng luân hồi nhiều kiếp. Chúng sinh bị giết hại, khởi một tâm sân cũng liền tích góp vào mảnh ruộng của tâm thức, mãi làm hạt giống oán hận ở nhiều kiếp. Đời đời kiếp kiếp nhân duyên hội ngộ tất sẽ báo thù, phục hận lẫn nhau. 

Kinh Lăng-nghiêm nói: “Giết hại thân mạng chúng sinh, hoặc ăn thịt chúng thì trải qua số kiếp nhiều như cát bụi sẽ ăn giết lẫn nhau. Ví như bánh xe xoay vần trên dưới thay đổi không có ngừng nghỉ”.
Than ôi! Nên cố gắng tự răn chừa!

Hỏi: Trời sinh cầm thú để nuôi dưỡng con người phải không?

Đáp: Người xưa có nói: “Trời lẽ nào lại vì cọp, sói sinh ra thịt; vì ong, muỗi sinh ra con người sao?”.

Do bởi người, vật đều tùy theo nghiệp lực mạnh yếu, ăn nuốt giết hại lẫn nhau. Đó chính là tự mình làm, tự mình chịu, chẳng phải trời khiến như thế. 

Hỏi: Giết súc vật để chúng tránh khỏi nỗi khổ trong loài súc sinh, khiến chúng được siêu sinh làm người phải không?

Đáp: Đó là lời nói tà ma. Quả báo đau khổ của loài súc sinh chưa hết mà bị giết hại thì chúng sẽ làm súc sinh trở lại, phải chịu sự đau khổ giết hại thêm một lần nữa. Nếu quả báo của chúng hết, không đợi giết sẽ tự chết, như heo, dê tự bệnh mà chết.

Thuở xưa, có người vì việc hôn nhân giết nhiều sinh vật. Khi bệnh chết, đi vào cõi U Minh, thấy heo, dê kêu oan: “Chúng tôi làm ác đọa vào loài súc sinh, chịu quả báo chưa hết mà bị giết hại oan uổng, nay phải chịu làm súc sinh trở lại. Chính ngươi khiến chúng ta chịu sự đau khổ của dao bén thêm một lần nữa”. Người ấy vô cùng sợ hãi, phát nguyện ấn tống năm ngàn quyển kinh Kim Quang Minh để giúp chúng được siêu sinh. Giây lát heo, dê… đều bay lên hư không.

Vị quan ở Âm ty đưa tay lên nói: “Các sinh vật bị oan nhờ sức mạnh của kinh đều được siêu sinh rồi”.

Người ấy sống lại, như sở nguyện ấn tống kinh, ban phát cho mọi người.
(Xuất phát từ truyện cảm ứng trong kinh Kim Quang Minh).

Hỏi: Các loài chúng sinh rất nhiều, nay chỉ thả được mấy con cá, lươn, mấy trăm con sò, ốc, sao gọi là từ bi được?

Đáp: Các loài bò bay, máy cựa đều có tánh Phật, lấy mắt phàm tục nhìn chỉ là con vật rất nhỏ, dùng mắt Phật xem thì đồng là Phật tử.

Nếu cứu một mạng sống của con vật tức cứu một Phật tử, chư Phật trong mười phương thảy đều vui theo. Hơn nữa, chúng sinh sắp chết mà được cứu sống nhất định rất vui mừng, thì đem góp vào mảnh ruộng tâm thức, mãi làm duyên hoan hỷ muôn đời. Ta khởi một tâm niệm thương xót cứu hộ cũng liền gieo trồng vào mảnh ruộng tâm thức, mãi làm hạt giống từ bi trong muôn kiếp.

Tuy chỉ cứu mạng một con vật lại đầy đủ hai loại công đức rất lớn, huống gì cứu nhiều sinh mạng!

Hỏi: Nếu ai nấy đều không sát sinh thì cầm thú đầy khắp thế gian như: chó sói, beo cọp rất hung hăng dữ tợn, con người không giết chúng, chúng sẽ ăn thịt người. Tại sao lại dạy mọi người không sát sinh?

Đáp: Đức Phật nói: “Nếu người đầy đủ công đức của lòng từ, tất cả đao binh, nước lửa đều không thể tổn thương, tất cả các ác thú độc trùng không thể làm hại”. Bởi vì chỉ có lòng từ cùng cực trong thiên hạ mới có thể giáo hóa tâm hung bạo cùng cực trong thiên hạ.

Thuở xưa, thời vua Hán Quang Vũ, ở Hoằng Nông có nhiều cọp. Thái thú ra lệnh cho dân đào hố làm bẫy, dùng cung nỏ để trị nó mà tai nạn cọp dữ càng nhiều. Đến khi Lưu Côn làm Thái thú bảo rằng: “Tai nạn cọp này do chính trị tàn bạo gây nên”. Ông ra lệnh lấp hầm hố, bẻ cung nỏ, chỉ chăm lo thực hành chính sách nhân từ với dân. Cọp bèn cùng nhau bỏ đi qua sông.
Lưu Côn tuy chưa phải người biết đạo, nhưng với một tâm niệm nhân từ mà có thể sửa đổi được cọp dữ. Huống gì người học đạo từ bi của đức Phật!

Bởi vì người là chủ của sinh vật, nếu người tàn nhẫn hung bạo đều trở thành từ bi thì những vật độc hại dữ tợn cũng đều biến thành lân, phụng. Đó là đạo lý cảm ứng tự nhiên.

Chỉ lo người không từ bi, chớ đừng lo vật không trở thành lân, phụng.

Hỏi: Phàm cúng tế máu thịt cho thần linh thì được phước, nếu không sát sinh lấy gì để cúng tế?

Đáp: Đức Phật nói: “Tạo nhân lành được phước, gây nhân giết hại thì mắc tội”. Kẻ ngu không lo làm lành chỉ lo sát sinh cúng tế để mong được phước nơi thần linh, như thế chẳng những không được phước trái lại còn mắc tội. Huống chi, người cúng tế có thể làm thức ăn chay, tụng kinh hồi hướng thì thần và ta đều được phước lành, cần gì sát sinh mới gọi là cúng tế!

Hỏi: Có ý phóng sinh tức là chấp tướng; không sát sinh, không phóng sinh, vô tâm với tất cả mới hợp với đạo?

Đáp: Đó là lời nói của thầy tà, trong nhà Phật gọi là cái không vô ký.
Đức Phật dạy mọi người phát đại nguyện lực cứu khổ chúng sinh. Nếu khôngđại nguyện lực, tất cả mọi việc làm lợi ích chúng sinh đều không thể thành tựu.

Thuở xưa, ông bà bảy đời của Bảo Văn Vương Mẫn Trọng không sát sinh, mà ưa thích phóng sinh. Đến đời Mẫn Trọng có kẻ tà kiến, dạy rằng: 

- Không sát sinh không phóng sinh, phó mặc vô tâm mới là tuyệt diệu, không cần chấp tướng

Mẫn Trọng nghi ngờ mới hỏi Thiền sư Pháp Hoa. Ngài liền quở trách

- Ông lầm to rồi! Sao lại rơi vào chấp Không như thế? Mấy khúc cây trước mặt đều vô tâm, vậy nắm lấy những khúc cây ấy có thể cứu khổ chúng sinh được chăng? Ông hãy mau sám hối tội lỗi tà kiến ấy đi.

Mẫn Trọng sợ hãi bèn trở lại phát tâm phóng sinh trăm vạn sinh mạng súc vật. Do gặp năm đói, ông đem lúa gạo đổi lấy mấy chục đấu ốc, hến, tụng kinh trì chú rồi thả chúng xuống giữa dòng sông. Đêm ấy, ông nằm mộng thấy Bồ-tát Văn-thù hiện thân kim sắc an ủi rằng: “Ta nhớ kiếp xưa cũng từng sinh trong loài ốc, hến. Ông chỉ nên vững tâm cứu khổ chúng sinh”.
Mẫn Trọng càng thêm tin tưởng. Cảm thấy kỳ diệu, ông bèn viết văn khuyên đời.

Hỏi: Nhân từ với dân, rồi sau mới thương yêu loài vật. Nay không lo thương yêu con người trước mà thương yêu con vật trước là tại sao?

Đáp: Nhân từ với dân thì dễ, còn thương yêu loài vật thì khó.
Người có thể thương yêu con người mà không thương yêu loài vật thì có, nhưng chưa có ai thương yêu loài vật mà không thương yêu con người.

Thế nên, Bồ-tát Hoa Nghiêm nói: “Ta còn chẳng nỡ làm khổ một con kiến, huống gì con người!”.

Vua Thành Thang giở lưới cứu chim thú, lòng thương trải rộng đến muôn dân cho nên nhân đức trùm khắp thiên hạ.

Thuở xưa, Trung Sơn Vương đi săn bắt được một con nai. Người đánh xe tên là Ba Tây thương xót con nai ấy nên thả nó. Trung Sơn Vương tức giận, bèn đuổi Ba Tây. Sau đó ông mới tỏ ngộ: “Ba Tây còn không nỡ hại con nai, hắn sao có thể nhẫn tâm hại con ta được”.

Về sau, cất nhắc Ba Tây lên làm Thái Phó. Đến khi ông lên ngôi vua dùng Ba Tây làm tướng, ra sức thực hành chính sách nhân từ, cả nước thái bình thịnh trị.

Như thế, ai bảo rằng kẻ thương yêu loài vật không thể thương yêu con người!

Hỏi: Bố thí cho kẻ bần cùng và sửa cầu, làm đường, công đức ấy lẽ nào không hơn thả mấy trăm con chim, cá, lươn, rùa?

Đáp: Nhân quả đều theo loại, nên bố thí được quả báo giàu có; không sát sinh được quả báo trường thọ. Giả sử thực hành muôn việc phước, nhưng nếu không dứt trừ sát sinh, đời sau tuy được giàu sang nhưng ắt đoản mạng, chết yểu, nhiều bệnh tật, có phước mà không thể hưởng được.

Hỏi: Đức Phật nói: “Người ưa thích sát sinh thì chắc chắn chịu quả báo đoản mạng”. Hiện đời, hoặc có kẻ ưa giết hại mà sống lâu là tại sao?

Đáp: Đức Phật nói sự báo ứng của thiện ác có hai loại: 

1. Quả báo: đời này tạo nghiệp thiện ác, đời sau chịu quả báo khổ vui. 

2. Hoa báo: đời này gây nghiệp thiện ác, đời này liền chịu sự báo ứng khổ vui. 

Hiện nay, hoặc có người ưa sát sinh lại được sống lâu vì phước đời trước của họ sâu dày chưa tiêu hết, nên tạm thời tránh khỏi hoa báo mà thôi.
Quả báo trong ba đường ác, há có thể tránh khỏi hay sao! 

Hỏi: Gắng sức thực hành phóng sinh có thể thành Phật hay chăng?

Đáp: Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Nếu làm cho chúng sinh vui mừng, tức là làm cho tất cả Như Lai vui mừng. Tại sao? Vì các đức Như Lai lấy tâm đại bi làm thể tánh, vì chúng sinhkhởi tâm đại bi, do lòng đại biphát tâm Bồ-đề, do nơi tâm Bồ-đề mà thành tựu đạo giác ngộ chân chính”.

Chúng sinh thương yêu nhất là thân mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu vớt được thân mạng chúng sinh thì có thể thành tựu tâm của chư Phật.

Đức Như Lai lúc tu nhân làm Trưởng giả Lưu Thủy cứu mười ngàn con cá. Ngài còn vì chúng thuyết pháp niệm Phật, bầy cá đều sinh lên cõi Trời. Trưởng giả rốt cuộc thành tựu quả vị Phật. Nên biết, nhân duyên phóng sinh nhất định thành Phật. Những điều lành nhỏ bé khác không thể so sánh được.

Hỏi: Người đời tu tập công đức trì trai, nhưng xong việc liền sát sinh khai trai. Như thế có hao tổn công đức chăng?

Đáp: Phàm trì trailấy lòng từ bi làm công đức. Nếu cố ý sát sinh khai trai là phá hoại công đức của lòng từ bi, mắc tội báo lớn.

Hàn Sơn Tử có làm bài thơ:
“Hôm qua mới thiết trai,
Bữa nay giết súc vật.
Một phen tạo thiên đường,
Trăm lần tạo địa ngục”.

Ý nói tâm lành trì trai chưa mãn một phần, nghiệp ác sát sinh đã đầy trăm phần. Đây là điều trong kinh Phật nói: “Tình nhiều, tưởng ít, đi vào loài súc sinh”. Những kẻ ấy trở lại bị quả báo giết hại.

Hỏi: Đức Phật nói: “Kẻ sát sinh ăn thịt ắt đọa vào loài súc sinh”. Do đâu thấy được như thế?

Đáp: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chỉ do tâm tạo”. Nên biết, mỗi niệm bi trí hạnh nguyện tạo ra thân Bồ-tát, mỗi niệm trì giới tu thiện tạo ra thân trời người, mỗi niệm sát sinh ăn thịt, tạo ra thân địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Nguyệt Linh nói: “Chim Hoàng Yến xuống nước hóa thành con hào là vì nó luôn ham thích ăn hào, nên thân hình theo tâm biến đổi, bất chợt rơi vào nước hóa thành con hào”. Việc này đều có thấy trong sách Nho.

Nội Hàn Hồng Mại nói: “Ông đích thân thấy người mổ heo lúc lâm chung nằm dưới đất kêu như heo”. 

Người xưa nói: “Kẻ dâm dục mạnh mẽ trở thành phụ nữ, cực kỳ hung bạo trở thành cọp”. 

Trình Tử nói: “Tận mắt thấy người dân trong thôn hóa thành cọp, tự dẫn cọp vào nhà ăn thịt những con heo”.

Những việc như thế xưa nay rất nhiều, do đó nên tin lời Phật vì biết có chứng tích rõ ràng.

Người và cầm thú vốn đồng tánh Phật, sở dĩ người khác cầm thú chỉ ở trên hình tướng và tâm ý. Nếu người không có tâm từ bi, chỉ hay sát sinh ăn thịt, thật là kẻ mang hình người mà lòng dạ sói lang cầm thú, đâu cần phải đợi đến đời sau mới thấy.

Hỏi: Ăn thịt bán trong chợ thì ta đâu có sát sinh, vậy có tội lỗi gì?

Đáp: Dù chẳng phải chính ta sát sinh, nhưng ăn thịt của chúng cũng đồng với việc giết hại. Bậc cao đức thuở xưa nói: “Người khắp trong thiên hạ đều gây nghiệp sát, nhưng nếu ta trì trai trong một ngày thì ta không có dự phần vào nghiệp ấy”. Nếu như không có ai mua thịt thì người đồ tể cũng không sát sinh. Đồ tể là nhân của sát sinh, người mua là duyên tạo ra việc sát sinh. Nhân duyên đầy đủ mới thành nghiệp sát.

Kinh Lăng-già nói: “Vì lợi mà giết hại chúng sinh, do tiền của mà giăng bẫy con vật. Cả hai đều gây tạo nghiệp ác, khi chết đọa vào địa ngục kêu than”.

Trong Luật còn không cho Tỷ-kheo mặc da thú, gấm lụa, huống gì ăn thịt.

Nhưng nhân duyên có nặng nhẹ, nên chịu quả báo cũng có nặng nhẹ. Như việc giết hại, trộm cướp ở thế gian, tuy tội có phân chia người cầm đầu và kẻ tòng phạm, nhưng tất cả đều bị bắt vào ngục.

Kinh Lăng-nghiêm nói: “Thân tâm cả hai đều thanh tịnh, Ta nói người ấy tiến thẳng đến giải thoát”.

Hỏi: Trong kinh nói: “Một ngày trì trai thì trong sáu mươi vạn năm được dư thừa lương thực, còn có năm loại phước báu: 1. Ít bệnh hoạn; 2. Thân an ổn; 3. Ít dâm dục; 4. Ít ngủ nghỉ và 5. Được sinh lên cõi Trời, biết rõ việc đời trước”. Trì trai một ngày rất ít mà công đức nhiều như thế là tại sao?

Đáp: Đức Phật nói: “Công đức của tâm từ bi rất lớn. Một ngày trì trai thì cả ngày đều là tâm từ bi, cho nên được phước báo rất nhiều, huống gì trường trai!”.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Xem những hạt giống mà tất cả chúng sinh gieo trồng rất nhỏ, nhưng lại thu hoạch quả trái rất lớn. Như trong mùa Xuân chỉ gieo một hạt giốngmùa Thu lại thâu hoạch muôn hạt”.

Nhân quả, thiện ác cũng như thế. Nên biết khởi một tâm niệm từ bi là cội gốc phước đức của sự an vui chân thường muôn kiếp, huống gì mỗi niệm tiếp nối nhau!

Hỏi: Phóng sinh chuộc mạng, người có tiền của mới làm được, kẻ không tiền của biết làm sao?

Đáp: Người giàu sang gắn bó với lòng dân và phong tục, vừa cử động thì mọi người ưa thích nghe theo. Nếu họ thực hành phóng sinh, truyền bá tinh thần từ bi rộng rãi thì thật sự có thể đổi thay phong tục.

Nếu khôngtiền của, khó mà cứu chuộc sinh mạng, nên thường phát nguyện khuyên bảo những người khác thực hành rộng rãi

Hoặc có người không cần phảitiền của để mua chuộc sinh mạng, chỉ nên tìm cách bảo toàn mạng chúng. Hoặc thấy người khác phóng sinh khen ngợi, vui theo, thì sự lợi ích ấy cũng rất to lớn!

4. Sát sinh bị ác báo, phóng sinh được thiện báo 

* Vào đời Tống, Thái thú ở Ngô Hưng là Dương Tập Chi, mỗi khi đãi khách thường ưa sát sinh. Ban đầu lúc còn giữ chức Lang Trung ở tỉnh Tấn Tây, ông có nuôi hai con ngỗng. Một đêm nọ, nằm mộng thấy con ngỗng ngậm quyển kinh. Ông lấy xem, thấy đều nói về tội phước báo ứng. Sáng hôm sau, quả nhiên có quyển kinh ấy trên bàn. Từ đó ông dứt hẳn sát sinh.

* Đời Đường, Hà Trạch Giả người ở Dung Châu, từng có quyền hành trông coi Quảng Châu Tứ Hội. Ông bảo tôi tớ nuôi hàng ngàn gà, vịt để mỗi ngày giết chúng làm thịt. Hà Trạch chỉ có một đứa con, nên rất yêu quý. Một hôm, tôi tớ đang nấu hai con gà, lúc đợi nước sôi thì bỗng thấy quỷ lôi kéo đứa con của Hà Trạch bỏ vào vạc nước sôi ấy. Đứa bé vùng vẫy muốn thoát thân, nhưng rốt cuộc bị nấu chín cùng với hai con gà.

* Đời Đường, có ba anh em Vương Tuân bị bệnh nặng cùng một lúc. Trước nhà có tổ chim khách, chúng bay lượn kêu hót ồn náo từ sáng đến chiều. Ba anh em họ rất ghét chúng. Đến khi lành bệnh, họ bèn giăng lưới bắt chim, cắt lưỡi rồi thả. Sau đó, ba người đều bị bệnh nơi miệng, không thuốc gì chữa khỏi, dần dần trở nên nghèo túng, cho đến phải đi ăn xin.

* Húy Kỷ ưa sát sinh, lại có tài bắn cung. Cha ông làm Tri phủ trông coi vùng Ba Châu, Húy Kỷ giăng lưới ở công sở rồi lên lầu xem chừng. Bỗng thấy bầy quạ chạm vào lưới. Húy Kỷ mừng rỡ chạy xuống, thì bị gai đâm trúng gây tổn thương. Lúc ấy, chợt nghe tiếng nói trong hư không: “Ông vốn được sống lâu, nay do sát sinh nên bị tổn thọ”. Quả nhiên, hơn một tháng sau Húy Kỷ qua đời.

* Nước Bái, có một kẻ sĩ có ba người con, tuổi đã xấp xỉ hai mươi, nhưng đều bị câm. Một hôm, có người đi ngang trước cửa, bảo rằng: “Ông thử xét lại xem tại sao như thế?”. Chủ nhà im lặng hồi lâu rồi nói: “Trước kia tôi đi ra ngoài, thấy một tổ chim có chim mẹ cùng hai chim con. Tôi bèn lấy cỏ sắc đâm chết chúng. Hôm nay nghĩ lại thật hối hận”. Nghe thế người ấy nói: “Như vậy là đúng rồi!”.

* Thời Hậu Hán, Dương Bảo năm 7 tuổi, lên Hoa Sơn chơi, chợt thấy một con chim sẻ đang bị bầy kiến vây cắn đau đớn khốn khổ. Dương Bảo thương xót đem bỏ vào rương nhỏ, hái hoa kim châm cho nó ăn. Trải qua mười ngày, con chim ấy mới dần khỏe lại, Dương Bảo bèn đem thả nó. Bỗng một hôm, Dương Bảo nằm mộng thấy có người mặc áo vàng cầm hai chiếc vòng ngọc tặng cho, nói rằng: “Tôi sẽ giúp ông được làm bậc Tam công, sống lâu đến chín mươi ba tuổi”. Về sau, quả nhiên đều đúng như vậy.

* Thời nhà Lương, có một bà lão làm nghề dệt vải, gia cảnh đơn chiếc. Hôm nọ, bỗng có một con cọp chạy vào nhà, đưa chân hướng đến bà. Bà lão vô cùng hoảng sợ chẳng biết làm thế nào. Thấy dáng vẻ cọp như đang cầu cứu, vì bị thương do gai đâm. Bà bèn nắm lấy chân nó, dùng dùi gạt ra. Khi xong việc, cọp bỏ đi. Hơn một tháng sau, cọp ấy trở lại ngậm một cái túi, trong đó có mấy thoi bạch kim để tạ ơn.

* Niên hiệu Thái Hòa, có người tên Quang Lộc Trù định mổ bò. Lúc người đồ tể cầm dao đến bên cạnh, con bò liền quỳ xuống lạy không chịu đứng dậy, nhưng rốt cuộc người đồ tể cũng giết nó. Một lát sau, người đồ tể bỗng nhiên điên loạn bỏ chạy. Từ đó, mỗi ngày ông ta chỉ ăn cỏ và kêu tiếng giống như bò, thường nằm trong vũng bùn, dùng đầu húc mọi thứ. Trải qua thời gian sau rồi chết.

* Đời Đường, niên hiệu Hiển Khánh, tại một tiệm ăn nọ, có người con dâu mới sinh được một đứa con. Vào ngày đầy tháng, bà con đến chúc mừng. Người con dâu muốn giết một con dê để làm tiệc đãi khách. Con dê ấy nhiều lần quỳ lạy cô nhưng cô chẳng quan tâm, cứ làm thịt nó. Sau đó đem thịt bỏ vào nồi, rồi ôm con trông coi nồi thịt. Bỗng nhiên nồi vỡ, nước sôi tung tóe, tro lửa văng lên người mẹ con cô, rốt cuộc cả hai đều chết.

* Năm đầu niên hiệu Thuần Hy, ở Thai Châu Kính Sơn, có một người đồ tể tên Triệu Nhi, làm nghề mổ heo. Bỗng một hôm, nằm mộng thấy cả ngàn con heo nói được tiếng người. Chúng bảo rằng: “Chúng tôi bị giết chịu đau đớn vô cùng. Nay tội nghiệp của ông đã đầy, hãy mau đền mạng đi!”. Sáng hôm sau, Triệu Nhi định mổ heo, bất chợt bị điên cuồng, kêu gào rồi chết.

* Đời Thục, ông Dân Quý Thiệu ưa ăn thịt chó, trước nay giết chó rất nhiều. Một hôm, ông ta nuôi được một con chó mực. Vì uống rượu say nên đến tối mới trở về nhà. Con chó ấy sủa rân, Thiệu tức giận lấy búa đập nó. Lúc đó, có một đứa bé từ trong nhà chạy ra, bị cái búa đập trúng vào đầu, chết liền tức khắc.

* Đời Đường, quan Nội thị Từ Khả Phạm thích ăn thịt lừa. Trước tiên buộc con lừa vào cột, rồi đốt lửa xung quanh, đợi đến khi nó mệt mỏi khát nước thì dùng ngũ vị hòa chung với nước cho uống, sau đó mới làm thịt. Về sau, may mắn được vua Hy Tông ban cho tỉnh Tứ Xuyên. Ngay khi ấy ông mắc bệnh, lúc ngủ đều thấy lừa ăn thịt mình, lại thích đốt lửa dưới giường, rót dầu dấm nóng vào thân mình, không bao lâu thì chết.

* Kỳ Cư Triệu là người trông coi miếu ở Kiến Khương. Khi ông bị bệnh, có người bảo uống máu nai sẽ khỏi bệnh. Triệu bèn mua ba, bốn con nai, buộc chúng vào gốc cây, dùng ống sắt đâm vào thịt để lấy máu. Mỗi ngày, những con nai phải chịu đau đớn khôn cùng. Về sau, ông bị nổi mụt nhọt đầy mình, phải dùng ống trúc rót nước nóng vào. Trải qua hai tháng rồi chết.

* Ở vùng Lâm Xuyên Đông Dư, có người vào núi bắt được vượn con đem về nhà. Vượn mẹ bèn tìm đến nhà ấy. Người kia buộc vượn con trên cây để cho vượn mẹ thấy. Vượn mẹ tay bụm hai má hướng về người kia buồn khóc cầu xin. Nhưng rốt cuộc, người kia chẳng những không thả mà còn giết chết vượn con. Vượn mẹ bi thảm kêu gào rồi chết. Người kia mổ bụng vượn mẹ thì thấy ruột đứt từng đoạn. Không bao lâu, cả nhà ấy đều bị bệnh dịch mà chết.

* Trên đường qua nước Tề, Tùy Hầu thấy một con rắn bị kẹt trên hốc đá, trên đầu bị chảy máu. Ông bèn dùng cây khều nó ra, rồi đem thả xuống nước. Về sau ông đi qua chỗ của rắn, con rắn ngậm một viên ngọc hướng đến ông. Tùy Hầu không dám lấy. Đêm ấy, ông nằm mộng thấy đạp trúng một con rắn, giật mình thức giấc bèn được hai viên ngọc.

* Đời nhà Lương, Lưu Chi Hưởng làm quan ở Nam Quận, thường mộng thấy hai người họ Lý đến xin cứu mạng. Chi Hưởng không hiểu ý. Sáng hôm sau, ông thấy còn sót hai con cá chép chưa làm thịt. Chi Hưởng nghĩ rằng, đây là việc cảm ứng trong mộng nên liền thả chúng. Đêm ấy, ông chiêm bao thấy hai người đến tạ ơn, nói rằng: “Chúng tôi sẽ giúp ông tăng tuổi thọ thêm mười hai năm nữa!”.

* Niên hiệu Hàm Thông đời Đường, ở vùng quê tại Nhạc Châu, có người nọ thấy ao hồ khô cạn bèn bắt rất nhiều cá, rùa… làm thịt chở đến Giang Lăng để bán và thu được rất nhiều tiền, bèn mua vải vóc, vàng bạc rồi trở về nhà. Sau đó, bỗng nhiên toàn thân nổi nhọt đau đớn vô cùng. Ông phải nhảy xuống nước, hình dáng dần dần trở nên giống con rùa. Trải qua một năm, da thịt hư rữa mà chết.

* Năm thứ tám niên hiệu Thiên Bảo (749) đời Đường, ở Đương Đồ có người chuyên làm nghề bắt lươn, cá. Mùa Thu năm ấy, ông bắt được ba con lươn. Con ông đem chặt đầu lột da, định đem nấu canh. Lúc quay lại nhìn, lươn đều biến thành rắn bò đi. Đứa con bỗng nhiên sinh bệnh, hôm sau thì qua đời. Cả nhà bảy người lần lượt chết hết.

* Người ở Tú Châu thích ăn khô cá trạch. Vùng đó có Trần Ngũ bán khô rất ngon, mọi người tranh nhau đến mua. Về sau ông bị bệnh, chỉ lẩn quẩn trên giường, đau đớn mười ngày, toàn thân lở loét. Vợ ông bảo: “Thường ngày cách làm khô cá trạch của ông rất tàn ác, nay bệnh ông giống như lúc cá trạch bị chết”.

* Thời Đường, có ông Quý Chiêm mỗi ngày luôn tìm cầu những thức ăn ngon. Mỗi khi ông muốn ăn ba ba, thường buộc chân nó phơi giữa nắng trưa. Khi con ba ba khát thì cho uống rượu, rồi đem đi nấu. Một hôm, ông vừa mới kéo đầu ba ba, bỗng nhiên mất sức ngã lăn xuống đất, kêu lên: “Đám ba ba đòi tôi mau chóng đền mạng!”, sau đó rồi chết. Giây lát người đầu bếp trong nhà ông cũng chết theo.

* Mẹ của thầy thuốc Sa Trợ Giáo rất thích ăn cua nên sát sinh vô số. Năm thứ 17 niên hiệu Thiệu Hưng (1147) thời Bắc Tống, bà qua đời. Có đứa cháu mười tuổi, chợt thấy một bà lão toàn thân chảy máu, phá cửa rào đi vào, nói rằng: “Do trước kia bà ăn cua quá nhiều nên chịu quả báo bị đánh đuổi vào ngọn núi cua. Cháu nên vì ta ấn tống quyển Sinh Thần Chương rồi đốt”. Nói xong thì biến mất.

* Niên hiệu Kiến Nghiệp đời Tống, có một người đàn bà hành khất bị nổi một cục thịt trên lưng, lớn như cái chén, bên trong có một vật giống ổ tằm. Khi đi cục thịt ấy phát ra tiếng, vô cùng đau đớn. Một hôm, lúc đi xin ăn ngoài chợ, bà ấy tự nói rằng: “Suốt đời tôi thích nhất là nuôi tằm nên cùng với chị em dâu chia nhau mà nuôi. Bởi tôi trộm lấy một túi kén đem đi đốt. Một lát sau trên lưng nổi mụt, dần dần trở thành cục thịt như bây giờ”. Mấy năm sau, cục thịt vỡ ra, bà qua đời. 

* Đời Đường, Lục Hiếu Chánh ở Ung Châu, làm quan Phủ Tá ở Thấp Châu, tánh tình nóng nảy hay giết hại. Trước kia, trong phủ có một tổ ong, chúng bay lượn tụ tập ở trên cây phía Nam. Hiếu Chánh sai người dời đi nơi khác, nhưng đàn ong vẫn không chịu đi. Hiếu Chánh bèn bảo người đem nước sôi tạt cho chúng chết. Năm sau, bỗng có một con ong chích nọc độc vào lưỡi Hiếu Chánh. Lưỡi xưng đỏ lên bít cả miệng rồi chết.

* Luật sư Tu Chuẩn ở chùa Đại Từ thuộc Quận Thục, tánh tình rất nóng nảy. Trước sân chùa trồng trúc, thường có nhiều kiến bò theo lan can. Sư tức giận đốt hết trúc, bỏ kiến vào trong lửa đỏ. Về sau, bỗng nhiên trên mặt và khắp thân Sư nổi u nhọt. Sư đi chữa bệnh, thầy thuốc bảo: “U nhọt này không thể chữa được”, cuối cùng Sư qua đời.

* Pháp sư Tú Vinh ở chùa Kim Hoa tại Quận Thục. Vốn trong chùa có nhiều củi tùng bách, nên thường sinh ra vô số sâu róm. Sư tức giận, bảo người quét dọn, đem củi chất ngoài nắng. Trải qua hơn một tháng, chúng đều chết hết. Một hôm, bỗng có muôn ngàn sâu róm đến cắn Sư rồi bỏ đi. 

* Vua Đường Văn Tông thích ăn sò. Một hôm, có một con sò tách không ra. Nhà vua tự mình tách nó để ăn thì thấy bên trong có một tượng Quán Âm. Nhà vua kinh sợ, đem việc này hỏi Thiền sư Duy Chánh. Thiền sư trả lời: “Đó chính là làm phát khởi lòng tin của Bệ hạ thôi!”. Trong kinh có nói: “Người đáng dùng thân Phật, Bồ-tát để độ thì liền hiện thân Bồ-tát, nói pháp cho họ nghe”. Nhà vua nói: “Thân Bồ-tát đã thấy rồi, nhưng chưa nghe nói pháp”. Thiền sư Duy Chánh bảo: “Bệ hạ tin chăng?”. Nhà vua đáp: “Đâu dám không tin”. Sư nói: “Đã vì bệ hạ nói pháp rồi!”. Nhà vua vô cùng vui vẻ, bèn không ăn sò nữa. Sau đó, ban chiếu chỉ bảo khắp thiên hạ tạc tượng Quán Âm tôn thờ.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/12/2010(Xem: 32248)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :