Lời Nói Đầu

26/08/201012:00 SA(Xem: 13116)
Lời Nói Đầu

PHẬT DẠY LUYỆN TÂM
NHƯ CHĂN TRÂU

Soạn Giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
DIỆU PHƯƠNG xuất bản 2010

LỜI NÓI ĐẦU 

 Đây là cuốn sách thâu thập một số tài liệu nói về việc tu tâm. Trong tâm mỗi người đều có hình bóng một con trâu, tùy theo từng người mà con trâu đó thuần tính hay hung dữ, trắng trẻo hay đen thui. Để cho con “trâu tâm” thuần đen thì nó sẽ không ngừng gây phiền não và khổ đau cho cả mình lẫn người khác. Biết cách chăn dắt, huấn luyện thì trâu sẽ dần dần được thuần hóa. Khi đó trâu dù có lỡ đen cũng sẽ trở thành trắng. Bởi thế đức Phật từng dạy chúng sinhcần phải “luyện Tâm như chăn Trâu”.

Sách trích dẫn “Kinh Pháp Cú” ghi lại lời dạy của đức Phật nói về sự quan trọng của Tâm và Ý con người. Sau đó là hình ảnh con trâu được Ngài nhắc đến rất nhiều lần trong các bản kinh từ “Kinh Phóng Ngưu”, “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” đến ”Kinh Pháp Hoa” và đặc biệt là “Kinh Di Giáo” nơi mục chế tâm v.v…

Hình ảnh con trâu cũng được minh họa rất linh động qua văn thơ, qua công án và cách vấn đáp của các thiền sư trong thiền môn kể cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Con trâu còn xuất hiện ngay cả trong hội họa nữa. Bộ “THẬP MỤC NGƯU ĐỒ” là “mười bức tranh chăn trâu” mượn hình tượng một người mục đồng đi chăn trâu và một con trâu để nói về “thuật luyện tâm” của nhà Phật. Có hai loại tranh chăn trâu: Đại thừaThiền tông.

Trong phần tranh chăn trâu Đại thừa sách trích dẫn lời tiếng Anh và mười bức tranh trong cuốn “Manual of Zen Buddhism” của Daisetz Teitaro Suzuki và mười bài thơ chữ Hán của thiền sư Phổ Minh.

Trong phần tranh chăn trâu Thiền tông sách trích dẫn lời tiếng Anh trong cuốn “Zen Flesh, Zen Bones” sưu tập bởi Nyogen Senzaki và Paul Reps cùng với mười bức tranh của nghệ nhân mộc bản người Nhật là Tomikichiro Tokuriki. Mười bài thơ bằng chữ Hán của thiền sư Quách Am (cũng thường được gọi là Khuếch Am) cũng được ghi lại trong phần này.

Sau đó sách cũng trích dẫn mười bài thơ chữ Hán của thiền sư Cự Triệt rồi đến mười bài thơ chữ Hán của thiền sư Nhất Sơn Nhất Ninh. Cuối cùng là mười bức tranh chăn trâu của họa sư người Nhật Gyokusei Jikihara Sensei trưng bày tại thiền viện “Zen Mountain Monastery” ở New York (USA) cùng mười bài thơ tụng của Quách Am được chuyển dịch sang tiếng Anh bởi Kazuaki Tanahashi và John Daido Loori.

Trong sách, soạn giả sau khi đã chuyển ngữ tất cả các tài liệu tiếng Anh sang tiếng Việt, cũng đã chuyển dịch một số thành thơ “lục bát”. Riêng các bài thơ bằng chữ Hán soạn giả đã chuyển dịch thành thể thơ “tứ tuyệt” theo đúng với nguyên bản hoặc chuyển thành thể thơ “lục bát”. Thể thơ “lục bát” (sáu tám) với ngôn từ bình dị nhắm mục đích để độc giả dễ hiểu và dễ nhớ.

Các bài thơ tụng bằng chữ Hán nói trên đã từng được chuyển dịch thành thể thơ tiếng Việt bởi một số các vị tỳ kheocư sĩ. Soạn giả sau khi tham khảo các tài liệu này cùng với cuốn tự điển Hán Việt (online) của Thiều Chửu, đã thêm một số bản dịch thơ mới nữa của chính mình để ước vọng có thể đóng góp được một chút gì mới mẻ vào vườn hoa văn thơ Phật giáo của nước nhà vốn đã phong phú và khởi sắc.

Ước mong các độc giả, sau khi đọc xong cuốn sách, sẽ không quên lời Phật dạy mà luôn luôn nhớ chăn dắt con trâu tâm ý của mình trong cuộc đời hầu đem lại một niềm an lạchạnh phúc đến cho chính bản thân mình và cho cả mọi người chung quanh nữa. Con trâu trong đạo Phật, một ẩn dụ thật thi vị, rất thâm thúy và đầy sinh động. Nhìn theo khía cạnh này thời ta thấy Phật giáo quả là bình dịthiết thực vì không dạy gì khác ngoài việc “luyện tâm như chăn trâu”. Mong mỗi vị sẽ là một mục đồng chăn trâu giỏi, sau một thời gian ngắn có thể gạt bỏ hết mọi vọng tâm, vọng tưởng để thong dong tự tại cưỡi trên mình chú trâu trắng thuần tính, đủng đỉnh dạo khắp các cánh đồng cỏ thênh thang của kiếp nhân sinhnghêu ngao hát khúc nghê thường, hay thổi điệu sáo thiên thai trầm bổng du dương.

Nhưng xin thưa, thật ra khi mà cả mê lẫn ngộ đã tan theo tiếng sáo mục đồng, thời không còn trâu đen hay trâu trắng, trâu nhà Phật hay trâu thế gian nữa rồi…

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

DIỆU PHƯƠNG

(Xuân Canh Dần 2010)
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/07/2016(Xem: 18430)
05/10/2010(Xem: 79630)
14/05/2011(Xem: 37181)
27/06/2010(Xem: 36447)
06/08/2017(Xem: 11785)
14/05/2011(Xem: 104907)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.