Bài kệ “trước có nay không”

01/12/20143:16 CH(Xem: 9955)
Bài kệ “trước có nay không”

VỀ BÀI KỆ "TRƯỚC CÓ NAY KHÔNG"
trong kinh Đại Bát Niết Bàn

CHÁNH VĂN:
(1) Hỏi: Bài kệ “trước có nay không”, nghĩa kia thế nào?

Đáp: Căn cứ theo nghĩa kinh Niết-bàn. Trước có là trước có Phật tánh, nay không là nay không Phật tánh.

GIẢNG:

Ở đây dẫn kinh Niết-bàn để hỏi ngài Thần Hội. Trong kinh Niết-bàn có câu: “trước có nay không”, nghĩa đó thế nào? Ngài Thần Hội đáp: Căn cứ theo kinh Niết-bàn, trước có là có Phật tánh, nay không là không Phật tánh.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Đã nói trướcPhật tánh, vì sao lại nói nay không Phật tánh?

Đáp: Nay nói không có Phật tánh là bị phiền não che đậy không thấy, do đó nói không. Trước không nay có, trước không là trước không có phiền não, nay có là ngày nay có đủ phiền não. Dù cho đại kiếp phiền não như hằng sa cũng là nay có. Cho nên nói ba đời có pháp thì không có lẽ đó, nghĩa là Phật tánh không tiếp nối trong ba đời.

GIẢNG:

Trước có nay không là trước có Phật tánh, nay không thấy được Phật tánh. Theo kinh Niết-bàn tất cả chúng ta ai cũng có Phật tánh sẵn nên nói trước có. Tại sao trước có nay lại không? Tại vì hiện tại chúng ta bị phiền não che đậy không thấy được Phật tánh nên nói nay không. Chúng ta tu cốt làm sao cho phiền não sạch hết thì Phật tánh mới hiện ra.

Trước không nay có, trước không là trước không có phiền não, nay có là ngày nay có đủ phiền não.

Cũng trong kinh Niết-bàn có câu kệ: “trước có nay không, trước không nay có”. Vậy trước có là có cái gì? Nay không là không cái gì? Ở đây nói “trước không nay có”. Vậy trước không cái gì? Nay có cái gì? Trước không là trước không có phiền não, nay có là ngày nay có đủ phiền não. Bởi vì trước chưa có nghiệp luân chuyển trong lục đạo, lúc đó không có phiền não nên nói trước không. Nay có vì nay đang lăn lộn trong trần tục, đầy dẫy phiền não, theo nghiệp luân chuyển thành ra có.

Dù cho đại kiếp phiền não như hằng sa cũng là nay có. Cho nên nói ba đời có pháp thì không có lẽ đó, nghĩa là Phật tánh không tiếp nối trong ba đời.

Câu này nghe rất khó hiểu. “Dù cho đại kiếp phiền não như hằng sa cũng là nay có”, bao nhiêu thứ phiền não chồng chất vô số cũng là nay có. “Cho nên nói ba đời có pháp thì không có lẽ đó, nghĩa là Phật tánh không tiếp nối trong ba đời”, ba đời có pháp tức là ba đờiPhật tánh, điều này không thể có. Tại sao? Vì Phật tánh không nối tiếp trong ba đời, nếu thế Phật tánh có bị diệt không? Cho nên câu hỏi kế:

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Vì sao Phật tánh không nối tiếp ba đời?

Đáp: Vì Phật tánh thể là thường, chẳng phải pháp sanh diệt.

GIẢNG:

Nghe nói Phật tánh không tiếp nối trong ba đời, chúng ta ngỡ rằng Phật tánh mất. Không phải. Ngài Thần Hội nói Phật tánh thể là thường, chẳng phải pháp sanh diệt. Câu đáp quá gọn khiến chúng ta khó hiểu.

Phàm các pháp chia ra quá khứ, hiện tại, vị lai là pháp sanh diệt. Vì sanh diệt nên nó đã thuộc quá khứ, đang có trong hiện tại hay sẽ sanh trong vị lai. Nói quá khứ, hiện tại, vị lai là nói ba thời, tất cả pháp có trong ba thời đều gọi là pháp sanh diệt. Còn Phật tánh từ trước tới nay không bao giờ đổi thay nên làm gì có ba thời. Những gì có tướng sanh diệt mới có ba thời, còn cái không sanh diệt thì vượt ngoài thời gian. Đây là một lẽ thật.

Chúng ta tu cầu giải thoát sanh tử là cầu thể nhập được Phật tánh của mình. Phật tánh không bị thời gian chi phối, nên nó giải thoát sanh tử. Còn thân này và những thân tiếp nối của chúng ta trong vòng luân hồi sanh tửquá khứ, hiện tại, vị lai. Phật tánh khôngquá khứ, hiện tại, vị lai. Phật tánhPhật tánh, thường hằng bất sanh bất diệt.

Nếu chúng ta thể nhập được pháp thường hằng bất sanh bất diệt đó, còn gì luân hồi sanh tử nữa, nên gọi là giải thoát sanh tử. Không nên hiểu giải thoát sanh tử để về cõi tiên, cõi Phật nào đó. Ngay nơi con người của mình, những gì thuộc về sanh diệt, đó là pháp vô thường. Cái không sanh diệtpháp chân thường, không sanh diệt thì làm gì có sanh tử, nên nói giải thoát sanh tử. Chúng ta tu phải nhận chân được pháp không sanh không diệt có sẵn nơi chính mình. Hiểu vậy mới thấy được cội gốc của sự tu.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Cái gì là pháp sanh diệt?

Đáp: Ba đời là pháp sanh diệt.

GIẢNG:

Cái gì là pháp sanh diệt?

Cái gì còn thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là pháp sanh diệt. Tất cả các pháp thế gian đều căn cứ trên ba thời mà lập, cái đó thuộc quá khứ, cái kia thuộc hiện tại, cái nọ thuộc vị lai v.v… Căn cứ trên pháp sanh diệt mà lập, nên nói ba thời là pháp sanh diệt.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Phật tánh cùng phiền não là đồng hay chẳng đồng?

Đáp: Đồng, tuy là đồng nhưng phiền não sanh diệt có đến đi, Phật tánh không có đến đi. Vì Phật tánh thường, giống như hư không. Sáng tối có đến đi, hư không không có đến đi. Do đó Phật tánh không có đến đi, ba đời không có pháp chẳng sanh diệt.

GIẢNG:

Câu hỏi này rất khó:

Phật tánh cùng phiền não là đồng hay chẳng đồng?

Trả lời làm sao cho đúng? Đây, chúng ta hãy xem Thiền sư trả lời:

Đồng, tuy là đồng nhưng phiền não sanh diệt có đến đi, Phật tánh không có đến đi.

Đồng thì đồng mà một cái thuộc sanh diệt có đến đi, một cái không sanh diệt nên không có đến đi. Vì sao?

Phật tánh thường, giống như hư không. Sáng tối có đến đi, hư không không có đến đi. Do đó Phật tánh không có đến đi, ba đời không có pháp chẳng sanh diệt.

Ngài nêu thí dụ rất rõ, Phật tánh với phiền não đồng, nhưng một cái thuộc sanh diệt, một cái không thuộc sanh diệt, giống như hư không và sáng tối.

Chúng ta thấy sáng tối có rời hư không chăng? Như vậy sáng tối đồng hư không hay chẳng đồng? Đứng về mặt hiện hữu thì cái tối cái sáng đâu có rời hư không, nó hòa nhập vào hư không nên nói đồng. Đồng mà không đồng. Tại sao? Tối sáng có sanh diệt còn hư không không có sanh diệt.

Cũng vậy, phiền nãosanh diệtPhật tánh khôngsanh diệt. Đồng vì Phật tánh không rời phiền não, phiền não không ngoài Phật tánh, nhưng một bên sanh diệt, một bên không sanh diệt. Phật tánh không có đến đi, còn phiền não có đến đi có sanh diệt, nên phiền não thuộc về ba thời. Phật tánh không thuộc ba thời nên không sanh diệt.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Phật tánhphiền não đã đồng, vì sao lại riêng đoạn phiền não chẳng phải cội gốc?

Đáp: Thí như vàng cùng với quặng đồng thời sanh. Khi được người thợ bỏ vào lò đúc nấu chảy, vàng và quặng mỗi loại tự khác nhau. Vàng thì trăm lần nấu trăm lần tinh luyện, quặng nếu nấu lại sẽ biến thành tro đất. Kinh Niết-bàn nói: “Vàng ấy dụ cho Phật tánh, quặng dụ cho phiền não.” Các kinh luận Đại thừa chỉ rõ phiền nãokhách trần, do đó không được là cội gốc. Nếu cho phiền não là cội gốc, phiền nãotối tăm làm sao được sáng suốt? Kinh Niết-bàn chỉ nói dùng sáng phá tối, không nói dùng tối phá được sáng. Nếu tối phá sáng thì lẽ ra kinh luận phải cùng truyền. Kinh luận đã không truyền, pháp này từ đâu mà lập? Nếu cho phiền não là cội gốc, không nên đoạn phiền não mà cầu Niết-bàn.

GIẢNG:

Câu hỏi này cũng rất khó. Phật tánh với phiền não đã là đồng, tại sao chúng ta đoạn phiền não mà không đoạn Phật tánh? Như vậy phiền não không phải là cội gốc sao? Đã đồng thì Phật tánh là cội gốc, lý đáng phiền não cũng là cội gốc, vì đồng. Tại sao một cái đoạn, một cái không đoạn?

Thí như vàng cùng với quặng đồng thời sanh. Khi được người thợ mỏ cho vào lò đúc nấu chảy, vàng và quặng mỗi loại tự khác nhau. Vàng thì trăm lần nấu trăm lần tinh luyện, quặng nếu nấu lại sẽ biến thành tro đất.

Một ví dụ rất là cụ thể, quặng với vàng. Vàng có khi nào ở riêng không? Nó ở trong mỏ, trong mỏ thì có quặng lẫn vàng. Nhưng khi người ta nấu, vàng ra vàng quặng ra quặng. Nếu nấu lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, càng nấu vàng càng tinh luyện, càng sạch càng sáng; trong khi đó quặng càng nấu càng thành tro đất. Như vậy đồng thì có đồng, nhưng một bên bị nấu nhiều lần thì bại hoại, còn một bên càng nấu càng tốt đẹp. Cũng vậy, Phật tánh trong chúng ta càng tu luyện thì càng sáng, phiền não càng dẹp bỏ thì càng mất.

Kinh Niết-bàn nói: Vàng ấy dụ cho Phật tánh, quặng dụ cho phiền não. Các kinh luận Đại thừa chỉ rõ phiền nãokhách trần. Do đó, không được là cội gốc.

Ở đây giải thích rộng thêm cho chúng ta hiểu được ý nghĩa đó. Kinh Niết-bàn dụ vàng là Phật tánh, quặng là phiền não. Còn các kinh luận Đại thừa như kinh Lăng Nghiêm chỉ rõ phiền nãokhách trần. Khách là người khách, trần là bụi.

Trong kinh Lăng Nghiêm Phật nói rất rõ về ý nghĩa khách trần này. Như chủ nhà trọ có khách tới ở trọ qua đêm, đến sáng khách sửa soạn đi. Ông chủ nhà trọ luôn luôn ở tại nhà, chỉ khách mới đến rồi đi. Trần là bụi, như sáng nắng rọi vào nhà xuyên qua mấy kẽ hở, chúng ta nhìn thấy bụi lăng xăng. Hư không bất sanh bất diệt nhưng bụi trong hư không thì quấy động lăng xăng. Cũng vậy phiền não là khách tức có rồi mất, là trần là bụi, luôn luôn quấy động lăng xăng nên không được nói là cội gốc. Hư không và chủ nhà dụ cho Phật tánh, thường hằng không sanh diệt nên gọi là cội gốc.

Nếu cho phiền não là cội gốc, phiền nãotối tăm làm sao được sáng suốt?

Phiền não gốc là tối, thì làm sao sáng được, nên phiền não không phải là cội gốc.

Kinh Niết-bàn chỉ nói dùng sáng phá tối, không nói dùng tối phá được sáng.

Xưa nay chúng ta chỉ nghe dùng sáng phá tối, chớ không nghe dùng tối phá sáng. Thí dụ trong nhà đang tối, khi mở đèn liền sáng, đó là sáng phá tối. Nói tối phá sáng được không? Nhiều người cho rằng tắt đèn là tối phá sáng. Nói như vậy không đúng. Tắt đèn thì sáng không có mặt tối mới hiện, chớ không phải tối phá được sáng. Ta để cây đèn ở đó, chừng nào tối đến phá cho cây đèn tắt mới gọi là tối phá sáng. Chỉ vì tắt đèn không có mặt sáng nên tối mới tới. Như vậy tối không phá sáng, chỉ có sáng phá tối. Đèn tắt là tại ta tắt nên ánh sáng không có mặt, chớ đâu phải bóng tối tới phá.

Nếu tối phá sáng thì lẽ ra kinh luận phải cùng truyền. Kinh luận đã không truyền pháp này từ đâu mà lập? Nếu cho phiền não là cội gốc, không nên đoạn phiền não mà cầu Niết-bàn.

Lẽ này rõ ràng như vậy.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Vì sao kinh nói không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn. Xét tánh phiền não vốn tự không đoạn?

Đáp: Nếu cho tánh phiền não tức là Niết-bàn, thì không nên khuyên chúng sanh tu đủ sáu ba-la-mật, đoạn tất cả ác tu tất cả thiện, vì phiền não là cội gốc tức là bỏ gốc theo ngọn. Kinh Niết-bàn nói: Tất cả chúng sanh, xưa nay Niết-bàn. Vô lậu Trí tánh vốn tự đầy đủ. Thí như tánh cây, tánh lửa đồng thời mà sanh, người lấy cây gỗ dùi mãi, lửa cùng với cây đương thời đều từ đó ra. Kinh nói: Cây đó dụ cho phiền não, lửa dụ như Phật tánh. Kinh Niết-bàn nói: Dùng lửa trí tuệ đốt cháy củi phiền não. Kinh nói: Trí tuệPhật tánh. Nên biết các kinh đã nói đầy đủ trong đoạn văn này, biết rõ phiền não chẳng phải cội gốc.

GIẢNG:

sao kinh nói không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn. Xét tánh phiền não vốn tự không đoạn?

Ngài giải thích, nếu cho tánh phiền não tức là Niết-bàn thì trong kinh Phật không nên dạy chúng sanh tu đủ sáu ba-la-mật, đoạn tất cả ác tu tất cả thiện, vì phiền não là cội gốc Niết-bàn. Nếu đoạn phiền não tức là đoạn cội gốc, như vậy không bao giờ kinh dạy chúng ta tu phải đoạn phiền não. Nhưng kinh đã dạy đoạn thì biết phiền não không phải là cội gốc.

Kinh Niết-bàn nói: Tất cả chúng sanh xưa nay Niết-bàn. Vô lậu Trí tánh vốn tự đầy đủ.

Trong kinh Niết-bàn nói rõ tất cả chúng sanh xưa nay Niết-bàn. Vô lậu Trí tánh vốn tự đầy đủ. Nếu tất cả chúng sanh xưa nay Niết-bàn thì chúng ta cũng được Niết-bàn, tại sao bây giờ còn lăn lộn trong luân hồi sanh tử? Đây là câu hỏi cần phải suy gẫm cho kỹ, biết cho rõ.

Vô lậu Trí tánh tức là Trí vô lậu vốn tự đầy đủ. Tất cả chúng ta ai cũng sẵn đủ Trí vô lậu. Trí vô lậu là trí gì? Vô lậu là không rơi rớt trong luân hồi, không bị phiền não lôi dẫn trong sanh tử. Trí đó phá tất cả phiền não, nhà Phật thường gọi là Trí vô sư. Đã có Niết-bàn, đã có Trí vô lậu, tại sao ngày nay chúng ta còn phiền não, còn luân hồi?

Đây, Ngài ví dụ:

Thí như tánh cây, tánh lửa đồng thời mà sanh, người lấy cây gỗ dùi mãi, lửa cùng với cây đương thời đều từ đó ra.

Ví dụ này rất kỳ đặc. Như trong cây khô có sẵn hai tánh chất: một là gỗ, hai là lửa. Nếu ta lấy cây dùi, dùi nhanh và mạnh thì lửa trong gỗ phát ra. Vậy thì gỗ với lửa có đồng thời hay khác thời? Có gỗ là có lửa, lửa và gỗ không tách rời nhau. Tuy nhiên gỗ không đốt được lửa, còn lửa thì đốt hết gỗ. Nhưng gỗ mình thấy được, còn lửa lúc chưa cháy ta không thấy được.

Thân này là thân trong luân hồi sanh tử, gốc từ phiền não gây tạo. Thấy thân luân hồi sanh tử, ta biết là thân luân hồi sanh tử, mà không biết ngay trong cái luân hồi sanh tử này có chứa sẵn Niết-bàn và Vô lậu trí. Tuy không thấy nhưng khéo tu thì nó phát ra, ví như cây khô khéo dùi, khéo cọ nó sẽ phát ra lửa. Một khi lửa phát ra rồi, cây đó bị thiêu rụi. Cũng vậy một khi Trí vô lậu sanh rồi, thân sanh tử này không còn tiếp nối nữa, đó là an trú Niết-bàn.

Chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, hai cái không tách rời nhau, cái này có là cái kia có. Nhưng lửa hay tiêu diệt cây, chớ cây không thể tiêu diệt lửa. Cây dụ cho thân, lửa dụ cho Phật tánh. Tánh Phật hiện bày, dứt hết dòng nghiệp thì không còn thân, chớ thân không đuổi Phật tánh đi được. Ai có thân đều có Phật tánh, do đó không thể nói “tôi ngu độn tu hành không được”. Chỉ có thể than phiền “tôi bị phiền não che lấp nên không thấy Phật tánh”.

Kinh nói: Cây đó dụ cho phiền não, lửa dụ như Phật tánh. Kinh Niết-bàn nói: Dùng lửa trí tuệ đốt cháy củi phiền não.

Như vậy cây là chỉ cho phiền não, lửa là chỉ cho Phật tánh, cả hai có đồng thời. Nhưng lửa trí tuệ hay đốt được củi phiền não, chớ củi phiền não không đốt được lửa trí tuệ. Thế mà chúng ta cứ vỗ đầu than “tôi ngu quá”. Cái ngu đó đâu thể tiêu diệt trí tuệ của mình, chẳng qua tại vì chúng ta huân tu còn kém nên bị phiền não che đậy. Nếu huân tu mạnh, đạo lực sẽ phá dẹp hết phiền não, khi ấy trí tuệ tự sáng. Nên nói dùng lửa trí tuệ đốt cháy củi phiền não.

Thế nào là dùng lửa trí tuệ đốt cháy củi phiền não? Dễ như trở bàn tay, mỗi tối chúng ta đọc “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không là gì? Là Trí tuệ Bát-nhã. Ngũ uẩn gồm có sắc uẩn là thân, thọ, tưởng, hành, thức là tâm. Thấu suốt được thân tâm này không thật, tánh không, duyên hợp giả có, đó là trí tuệ. Soi thấu được như vậy phiền não mới hết, phiền não hết thì giải thoát sanh tử, nên nói độ tất cả khổ ách. Đêm nào chúng ta cũng đọc thuộc lòng nhưng không dùng được, nên thấy lúng túng hoài.

Bởi chúng ta chỉ thấy thân giả trong lúc đọc kinh nghe kinh, còn mọi sanh hoạt ứng xử trong cuộc sống thì thấy thật hết. Một tháng có mấy tiếng đồng hồ biết giả, thời gian còn lại thì thật hết, nên rồi cũng phiền não, cũng than thở, đủ thứ chuyện khổ lụy. Chúng sanh phiền não vì tưởng giả là thật. Nếu khẳng định thân này giả, có ai nóng giận chửi mình, lúc đó ta xử sự ra sao? Thân này giả, đánh còn không quan trọng huống nữa là chửi. Đánh chửi gì cũng là đồ giả thôi, có dính dáng gì đến cái chân thật của mình. Như vậy nghe chửi đỏ mặt là thấy thân giả chưa? Chưa. Giả mà nghĩ thật nên gọi là vô minh, si mê. Còn giả biết đúng là giả thì không có gì phải khổ lụy hết. Nhờ dùng Trí tuệ Bát-nhã soi thấy rõ ràng thân giả, tâm sanh diệt giả nên phiền não tự tiêu diệt. Vì vậy nói dùng lửa trí tuệ đốt cháy củi phiền não.

Kinh nói: Trí tuệPhật tánh. Nên biết các kinh đã nói đầy đủ trong đoạn văn này, biết rõ phiền não chẳng phải cội gốc.

Rõ ràng kinh nói trí tuệPhật tánh. Thế nên biết rõ phiền não là pháp sanh diệt, chớ chẳng phải cội gốc. Trở về cội gốc là trở về Niết-bàn, trở về trí vô lậu.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Vì sao kinh Niết-bàn, phẩm Phạm Hạnh thứ mười lăm nói: Trước có là trước có phiền não. Nay không là nay không có Đại Bát Niết-bàn. Trước không là trước không Đại Bát-nhã. Nay có là nay có phiền não?

Đáp: Vì đối với sắc thân năm ấm, nên nói phiền não là gốc.

GIẢNG:

Ở đây dẫn kinh Đại Bát Niết-bàn để hỏi. Nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ trong kinh và không được nghe lời giải thích của ngài Thần Hội sẽ không hiểu được. Trong kinh nói“trước có là trước có phiền não, nay không là nay không có Đại Bát Niết-bàn”, nghĩa là trước có phiền não, nay không Niết-bàn. “Trước không là trước không Đại Bát-nhã, nay có là nay có phiền não”, nghĩa là trước không Bát-nhã, nay có phiền não. Như vậy làm sao tu? Nói trướcphiền não, không có Niết-bàn, rồi lại nói trước không Bát-nhã, nay có phiền não. Nghe như mâu thuẫn vậy.

Ở đây Ngài trả lời rất gọn. Nói trướcphiền não là đối trên thân năm ấm mà nói. Bởi vì nếu trước không có phiền não thì làm gì có thân năm ấm? Nên nói trướcphiền não là nói thân này từ phiền não mà sanh. Khi đã mang thân và lại tiếp tục tạo nghiệp nữa thì không thấy được Niết-bàn, nên nói nay không Niết-bàn. Trước không Đại Bát-nhã là căn cứ vào thân năm ấm hiện đời mà nói. Vì trước không có Trí tuệ Bát-nhã nên si mê tạo nghiệp mới thọ thân này, nên nói trước không là không Đại Bát-nhã. Nay có là có phiền não, vì có thân năm ấm nên có phiền não. Ngài đã gom gọn lại nên nói phiền não là gốc. Đó là y cứ trên thân này mà nói, phiền não là gốc sanh ra thân năm uẩn tứ đại này. Hiểu như vậy mới thấy do trước có gốc phiền não nên hiện tại cũng có.

CHÁNH VĂN:

Lại kinh nói: “Phật bảo: Thiện nam tử! Vì hóa độ chúng sanh mà nói như thế, cũng vì hàng Thanh văn, Bích-chi Phật mà nói như thế.”

GIẢNG:

Sở dĩ Phật nói trước có là có phiền não, nay không là không Niết-bàn v.v… là căn cứ vào chúng sanh, dùng phương tiện hóa độ đánh thức người chưa biết tu. Cũng vì hàng Thanh văn, Bích-chi Phật mà nói. Bởi hàng Thanh văn, Bích-chi Phật chưa thể ngộ tột chỗ cứu kính, nên Phật nói rõ trước do phiền não mà sanh ra thân này, có thân lại tiếp tục tạo nghiệp v.v… nên không nhận ra được Phật tánh. Chớ thật ra không phải trước không có Phật tánh hay Niết-bàn. Phật tánh lúc nào cũng sẵn có, chẳng nói trước sau.

CHÁNH VĂN:

Lại phẩm Kiều-trần-như thứ ba mươi sáu, Phạm chí hỏi Phật: Thân và phiền não cái nào có trước? Phật nói: Thân có trước cũng không đúng, phiền não có trước cũng không đúng(1), phải nhân phiền não mới có thân.

GIẢNG:

Căn cứ trong đoạn văn đức Phật giải thích cho ngài Kiều-trần-như, có Phạm chí hỏi “thân và phiền não cái nào có trước”, Phật trả lời, nói thân có trước cũng không đúng, phiền não có trước cũng không đúng. Tại sao? Vì nhân phiền não mới có thân, có thân lại sanh phiền não. Vậy nhân phiền não mới có thân, nhân thân mới có phiền não. Như vậy phiền não từ đâu ra? Từ thân ra. Thân từ đâu có? Từ phiền não có. Thế thì cái nào có trước, cái nào có sau? Hai cái không tách rời nhau, vì vậy Phật trả lời nói thân có trước cũng không đúng, phiền não có trước cũng không đúng. Nghĩa là hai cái không tách rời, bởi có cái này nên có cái kia, bởi có cái kia nên có cái này.

Xét trên thân hiện tại thì phiền não có trước. Nhưng xét trên thân vị lai thì phiền não có sau, vì có thân tạo nghiệp rồi mới có phiền não. Đồng thời cũng do tạo nghiệp gây phiền não nên mới có thân nữa. Như vậy lẩn quẩn loanh quanh, không biết đâu là đầu, đâu là cuối, do đó Phật không nói cái nào trước, cái nào sau cả.

CHÁNH VĂN:

Nghiệm xét văn kinh này, nên biết phiền não và thân là gốc, không thể nói là đối với Phật tánh vậy.

GIẢNG:

Căn cứ trên vòng luân hồi sanh tử thì phiền não và thân là gốc, chớ không phải Phật tánh.

CHÁNH VĂN:

Lại kinh nói: Vì có Phật tánh nên được gọi là thường. Vì thường nên được gọi là cội gốc, chẳng phải trước không nay có. Quyển thứ mười lăm nói: Phật tánh đó không đắc không sanh. Vì cớ sao? Vì chẳng phải sắc chẳng phải không sắc, không dài không ngắn, không cao không thấp, không sanh không diệt. Do không sanh diệt nên được gọi là thường. Vì là thường nên gọi là cội gốc.

GIẢNG:

Như vậy xác định phiền não và thân, không cái nào có trước nhưng cả hai đều là cội gốc. Bởi do nó nên mới tạo nghiệp luân hồi sanh tử. Còn Phật tánh thường hằng, không sanh không diệt, vượt ngoài tất cả, không có tướng mạo gì hết. Nếu Phật tánhtướng mạo tức thuộc về sắc, mà sắc tướng thì duyên hợp vô thường. Phật tánh không phải vô thường, không phải duyên hợp, nên không phải sắc, cũng không phải không sắc. Khi tùy duyên ứng hiện thì Phật tánh có trong hình sắc. Phật tánh cũng không dài không ngắn, không cao không thấp, không sanh không diệt. Do không sanh diệt nên Phật tánh được gọi là thường, vì là thường nên là cội gốc.

Khi chỉ cho chúng ta nhận hiểu ra Phật tánh, các Thiền sư luôn luôn phá chấp, chấp Phật tánhhình tướng, Phật tánh thế này thế nọ v.v… đều không đúng. Phá dẹp hết các tướng đó thì Phật tánh mới hiện. Một lần nữa Ngài xác định vì Phật tánh thường nên là cội gốc, còn phiền não sanh diệt không phải là cội gốc.

CHÁNH VĂN:

Quyển thứ mười chín nói: Như trong nhà tối có bảy thứ báu mọi người đều không biết chỗ để, vì tối nên không thấy. Người có trí đốt đèn thật sáng, cầm đèn soi rọi, mọi người đều được thấy. Những người thấy bảy báu này đều nói nay có. Phật tánh chẳng phải ngày nay mới có, do phiền não tối tăm nên không thấy, bảo là trước không nay có. Cũng như người mù không thấy mặt trời mặt trăng, được gặp lương y trị lành bệnh liền được trông thấy, nên nói mặt trời mặt trăng trước không nay có. Vì mù nên không trông thấy, mặt trời mặt trăng vốn tự sẵn có.

GIẢNG:

Đoạn kinh này nói rất rõ. Tại sao nói trước không nay có? Ngài dùng hai ví dụ.

Ví dụ thứ nhất như trong nhà để sẵn của báu mà không có đèn, nên không ai thấy được của báu. Khi mở đèn sáng mọi người đều thấy của báu. Như vậy khi chưa có đèn, ta nói trong nhà không có của báu. Dù có mà không thấy cũng như không có, nên nói trước không. Lúc đèn bật lên liền thấy của báu nên nói nay có. Như vậy của báu đó trước không nay có hay trước đã có mà nay ta mới thấy? Trước đã có nhưng vì bị tối nên không thấy. Bây giờ nhờ đèn sáng ta mới thấy. Sự thật của báu đã có sẵn, chỉ ta mới thấy chớ không phải nó mới có.

Hiểu như vậy mới thấy ý nghĩa Phật tánh sẵn có nơi mình mà chúng ta quên. Do quên, lại bị vô minh phiền não che phủ liên tục khiến không thấy được. Khi tu chúng ta giác ngộ nhận ra mình có Phật tánh. Ngay khi nhận ra mới biết nó đã sẵn có, người không hiểu không nhận được như thế cứ tưởng như trước không nay có.

Ví dụ thứ hai như người mắt mù không thấy mặt trời, mặt trăng. Bây giờ được lương y trị sáng, thấy được mặt trời mặt trăng nên nói “nay tôi mới thấy mặt trời mặt trăng”. Nghe câu nói đó ta tưởng chừng như mặt trời, mặt trăng mới có. Sự thật mặt trời mặt trăng có sẵn từ bao giờ, nhưng vì mù không thấy. Đợi mắt sáng mới thấy mặt trời mặt trăng, chớ không phải mặt trời mặt trăng mới có. Chính chỗ này chúng ta cần phải thâm nhập.

Đức Phậtcon người như chúng ta, trước chưa giác ngộ, sau tu mới giác ngộ. Giác ngộ là nhận được Trí vô sư của mình, nên Ngài tuyên bố thành Phật. Trước đó trải qua bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp Ngài cũng là một chúng sanh mê lầm như chúng ta. Đến khi tu sạch hết phiền não, Phật tánh được hiển bày, Trí vô sư tự đầy đủ, đó là vì đã có sẵn.

Chúng ta cũng là con người tức cũng có sẵn Phật tánh, không khác Phật chút nào hết, thế mà tại sao đến bây giờ vẫn lạy Phật cả ngày cả đêm hoài? Vì Phật có và đã tìm ra được, còn ta có mà chưa tìm được nên phải lạy. Khi giác ngộ đức Phật tuyên bố Ngài giác ngộ không có thầy, tức trí tuệ ấy sẵn có, chỉ sạch hết phiền não thì nó hiện ra, chớ không do ai chỉ dạy được. Cho nên đứng về mặt sẵn có thì ta không thua Phật, nhưng giữa mê và tỉnh, quên và nhớ thì ta thua Phật. Do đó phải lạy Phật hoài để nhớ tỉnh, chớ không phải lạy Phật để Ngài ban cho mình tỉnh.

Người tu Phật nói nghe dường như ngạo nghễ vậy. Đối với bậc Giáo chủ tối cao tối thượng, lẽ ra lúc nào mình cũng phải tôn thờ, thế mà ta dám nói bằng Phật. Sự thật đó là đứng trên mặt Thể tánh sẵn có mà nói, ai ai cũng có tánh Phật nên nói bằng. Đây chính là ý nghĩa bình đẳng trong đạo Phật. Nhưng rất tiếc chúng ta bỏ quên, quên từ vô số kiếp lâu xa nên đến bây giờ nhắc lại vẫn không dám tin.

CHÁNH VĂN:

Quyển hai mươi lăm nói: Tất cả chúng sanh ở đời vị lai, quyết định được Vô thượng Bồ-đề, ấy gọi là Phật tánh. Tất cả chúng sanh hiện tại có đủ các phiền não kiết sử, thế nên không thấy, cho là trước không.

GIẢNG:

Trong kinh Đại Bát Niết-bàn quyển hai mươi lăm nói rằng: Tất cả chúng sanh ở đời vị lai, quyết định Vô thượng Bồ-đề, ấy gọi là Phật tánh. Quyết định chớ không phải nghi ngờ. Vậy thì tất cả chúng ta quyết định sẽ được Vô thượng Bồ-đề.

Nhưng làm sao để được? Tất cả chúng sanh hiện tại có đủ phiền não kiết sử, thế nên không thấy, cho là trước không. Vị lai thì sẽ được nhưng hiện tại không thấy. Tại sao hiện tại không thấy? Vì phiền não kiết sửche khuất nên không thấy. Phiền não từ đâu ra? Từ nội tâm ta, đã là nội tâm của mình thì ta làm chủ nó hay nó làm chủ ta? Nếu ta làm chủ nó thì cấm không cho nó ra, nó không ra tức không che khuất, khi ấy Phật tánh tự nhiên hiện chớ gì.

Như vậy chúng ta tu chậm, không kết quả có nên trách ai chăng? Trách Phật không thương, trách quí thầy không dạy, trách người này, người kia hay là trách ta không can đảm làm chủ mình? Như nghe một câu trái ý, nếu ta can đảm mạnh mẽ thì nhịn được thôi. Hoặc nhịn được lần đầu, nhưng có ai chê, bị người ta nói xấu vậy mà làm thinh như vậy là hèn nhát. Chừng đó làm sao? Nhịn hết nổi, vì sợ người ta chê hèn nhát, nên la om sòm. Đó là bị phiền não lôi kéo, mất quyền làm chủ rồi.

Thắng mình đã là khó, mà còn phải thắng cả dư luận chung quanh nữa. Bởi chung quanh thường xúi ta làm bậy. Như hai đứa trẻ đang sừng sộ với nhau, những người chung quanh nói khích đứa nào đánh trước làm cha. Nghe vậy đứa nào cũng muốn nhào vô đánh trước. Cho nên có khi câu chuyện chưa khởi sự mà tại chung quanh thúc thành ra sanh sự. Vì vậy sống ở đời rất khó tu là do chỗ đó.

Một khi chúng ta quyết chí tu thì phải can đảm, giữ vững lập trường đi theo Phật cho tới chừng nào được Vô thượng Bồ-đề. Muốn thế, những gì là phiền não, kiết sử phải chặt bỏ. Kế đến, những người chung quanh xúi giục ta làm bậy, đó là bạn của phiền não, mình phải tránh không để cho họ lôi kéo. Được vậy chúng ta tu mới đến nơi đến chốn. Nếu không như thế, chúng ta bị bên trong bên ngoài phủ vây, tu rất chậm tiến, khó đạt được kết quả mong muốn.

Như vậy hiện tại chúng ta không thấy Vô thượng Bồ-đề vì còn các thứ phiền não kiết sử, nên nói trước không. Bây giờ gỡ bỏ nó đi thì sẽ thấy được thôi.

CHÁNH VĂN:

Lại trong quyển mười chín nói: Có Phật không Phật, tánh tướng thường trụ, do các chúng sanh bị phiền não che lấp nên không thấy Niết-bàn, lại nói là không.

GIẢNG:

Trong kinh Đại Bát Niết-bàn quyển thứ mười chín nói rằng, dù có Phật hay không Phật, tánh tướng thường trụ. Tánh tướng gì thường trụ? Có Phật không Phật là Phật nào? Có Phật là có Phật ra đời, không Phật là không Phật ra đời. Nhưng Phật tánh hay Trí vô sư của mình, tánh tướng vẫn thường trụ, không có đổi thay.

Do các chúng sanh bị phiền não che lấp nên không thấy Niết-bàn lại nói là không.

Do phiền não che lấp nên chúng sanh không thấy Niết-bàn, chớ không phải không có Niết-bàn. Người ta cứ nói tu nhanh để nhập Niết-bàn, mà không biết nhập Niết-bàn là đi đâu? Hiện giờ ta có Niết-bàn hay không? Ở đâu? Chỗ này là chỗ rất thiết yếu của người tu, nếu không biết dễ sanh nghi ngờ, khó tu.

Người ta cứ ngỡ rằng Niết-bàn sau khi chết mới nhập, nhưng trong kinh đã nói có Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn. Hữu dư y là còn thân mà vẫn ở trong Niết-bàn. Vô dư y là thân này hoại rồi mới nhập Niết-bàn. Vì vậy các vị đệ tử Thánh của Phật như ngài Mục-kiền-liên, ngài Xá-lợi-phất v.v… khi chứng được quả A-la-hán là Niết-bàn hiện tại. Tuy các ngài còn đi lại, còn giáo hóa mà cũng đã an trụ trong Niết-bàn.

Chúng ta ngày nay phút giây nào tu được thanh tịnh, không một niệm khởi thì phút giây đó đã ló dạng Niết-bàn. Ló dạng thôi chớ chưa thấy rõ. Như vậy Niết-bàn đâu phải tìm kiếm xa xôi, chỉ dẹp sạch phiền não, làm sao cho tất cả các niệm khởi sanh diệt lặng đi thì Niết-bàn hiện ra. Bởi vì Niết-bàn là vô sanh, còn niệm khởi là hữu sanh. Hữu sanh lặng thì vô sanh hiện chớ có gì đâu. Vì vậy người hiểu lời Phật dạy sẽ thấy việc tu không phải là chuyện xa lạ, mà nó hết sức thực tế, gần gũi.

CHÁNH VĂN:

Nên biết Niết-bàn là pháp thường trụ, chẳng phải trước không nay có.

GIẢNG:

Niết-bàn sẵn đầy đủ nơi mình, không phải trước không, bây giờ mới có.

CHÁNH VĂN:

Phật tánh đó chẳng phải ấm, giới, nhập; chẳng phải trước không nay có, chẳng phải đã có rồi lại không.

GIẢNG:

Ở đây xác nhận rõ ràng Phật tánh không phải là Ngũ ấm, Thập bát giới, Thập nhị nhập. Vì thế không phải trước không nay có. Phật tánh là cái sẵn của mình, chẳng phải đã có rồi lại không. Ấm, giới, nhập là các pháp sanh diệt nên khi có khi không, chớ Phật tánh không sanh diệt, làm gì vắng mặt, làm gì mới sanh?

CHÁNH VĂN:

Do nhân duyên lành chúng sanh được thấy Phật tánh. Vì thấy được Phật tánh, nên biết trước tự có sẵn.

GIẢNG:

Khi chúng ta nhận ra được Phật tánh thì biết Phật tánh đã có tự thuở nào, chớ không phải mới đây.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Đã nói vốn tự có sẵn, vì sao không tự thấy phải nhờ nhân duyên?

Đáp: Giống như dưới đất có nước, nếu không ra công đào xới thì trọn không thể được nước. Cũng như ngọc ma-ni nếu không mài giũa trọn không sáng trong. Vì không trong sáng chẳng gọi là ngọc. Kinh Niết-bàn nói: Tất cả chúng sanh không nhờ chư Phật, thiện tri thức phương tiện chỉ dạy truyền trao, trọn không thể được. Nếu người tự thấy thì không có lẽ đó. Do không thấy nên nói trước không Phật tánh. Phật tánh đó chẳng phải trước không nay có vậy.

GIẢNG:

Câu đáp này giải cho chúng ta thấy rõ tuy có sẵn Phật tánh, nhưng phải tu mới được.

Hỏi: Đã vốn tự có sẵn, vì sao không tự thấy mà phải nhờ nhân duyên?

Đáp: Giống như dưới đất có nước, nếu không ra công đào xới thì trọn không thể được nước.

Dù biết mạch nước ở chỗ đó nhưng nước nằm ở dưới. Bây giờ muốn dùng nước thì phải ra công đào giếng mới có nước sử dụng. Đó là ví dụ thứ nhất.

Ví dụ thứ hai, cũng như ngọc ma-ni nếu không mài giũa trọn không trong sáng. Tại sao? Vì nó còn dính những thứ nhơ nhớp bên ngoài, nhờ mài giũa mới trong sáng. Nhưng nhớ không phải do mài giũa mà ngọc trở thành sáng. Ngọc đã sáng sẵn nhưng vì bụi phủ, nên phải mài phải giũa hết lớp dơ ấy đi, ngọc mới hiện trong sáng được. Vì không trong sáng chẳng gọi là ngọc, khi bị bụi phủ mờ bị tối, đâu gọi là ngọc được!

Kinh Niết-bàn nói: Tất cả chúng sanh không nhờ chư Phật, thiện tri thức phương tiện chỉ dạy truyền trao, trọn không thể được.

Như tất cả Tăng NiPhật tử nếu không nghe pháp, không học Phật thì chắc muôn đời muôn kiếp cũng không biết mìnhPhật tánh, có sẵn Niết-bàn v.v… Nhờ Phật dạy, nhờ thiện hữu tri thức giải thích cho nghe, nghe rồi hiểu, hiểu mới biết cái gì che mờ Phật tánh của mình. Biết phiền nãonguyên nhân làm trở ngại Niết-bàn, lâu nay chúng ta đã quen tập, bây giờ chừa bỏ, đó là tu. Tu mới sạch nghiệp, sạch nghiệp mới sáng được tánh Phật của mình. Đó là một lẽ thật.

Nếu người tự thấy thì không có lẽ đó.

Không ai tự nhiên mà thấy được, phải nhờ có thầy, có bạn, có kinh điển Phật để lại. Nhờ học hiểu được rồi tu mới thấy.

Do không thấy, nên nói trước không Phật tánh.

Sở dĩ nói trước không Phật tánhtại vì không thấy.

Phật tánh đó chẳng phải trước không nay có vậy.

Phật tánh đã sẵn có, nên chẳng phải trước không. Bởi sẵn mà chưa nhận nên nói chưa thấy, khi nào nhận được mới thấy mình có Phật tánh. Do đó nên nói nay có.


(1) Bản của Hồ Thích có tám chữ: thân cùng phiền não đều không thể được.

Trích Thần Hội Ngữ Lục:
http://thuvienhoasen.org/a22092/thien-su-than-hoi


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/11/2010(Xem: 85836)
25/11/2010(Xem: 74650)
27/06/2010(Xem: 39999)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.