Chương 9: Bố Thí Ba-la-mật-đa

11/09/201212:00 SA(Xem: 7554)
Chương 9: Bố Thí Ba-la-mật-đa

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 2
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Trung)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 9: Bố Thí Ba-la-mật-đa

c” Tiến trình tu tập các Ba-la-mật-đa

1” Cách tu tập các hạnh Bồ-tát nói chung

(a) Tu tập các Ba-la-mật-đa để tăng trưởng phẩm chất mà quý vị sẽ có khi thành Phật

(i) Cách tu tập Ba-la-mật-đa bố thí

(a’) Bố thí là gì?

(b’) Cách bắt đầu nuôi dưỡng đức bố thí

(c’) Phân loại bố thí

(1’) Vì sao mọi người nên thực hành đức bố thí

(2’) Các Phân loại bố thí theo mối quan hệ đến các cá nhân

(3’) Các phân loại bố thí thực tế

(a’’) Pháp thí

(b’’) Vô úy thí

(c’’) Tài vật thí

(1’’) Thực tế bố thí về Tài vật

(a)) Cách tiến hành tài thí

(1)) Người nhận bố thí

(2)) Động lực bố thí

(a’)) Loại động lực đòi hỏi

(b’)) Loại động lực phải loại trừ

 

 

–––––––––\–––––––––

 

c” Tiến trình tu tập các Ba-la-mật-đa

Phần này bao gồm hai nội dung:

1. Cách tu tập hạnh Bồ-tát nói chung (chương 9 – 15)

2. Cụ thể, cách thức tu tập hai Ba-la-mật-đa sau cùng (quyển 3)

 

1” Cách tu tập các hạnh Bồ-tát nói chung

Phần này bao gồm hai mục:

1. Tu tập các hạnh để tăng trưởng phẩm chất mà quý vị sẽ có khi đạt thành một vị Phật (chương 9 – 14)

2. Bốn cách thu nạp đệ tử để giúp người khác trở nên chín chắn (chương 15)

 

(a) Tu tập các Ba-la-mật-đa để tăng trưởng phẩm chất mà quý vị sẽ có khi trở thành một vị Phật

Phần này bao gồm sáu nội dung:

1. Cách tu tập Ba-la-mật-đa bố thí (chương 9 – 10)

2. Cách tu tập Ba-la-mật-đa trì giới (chương 11)

3. Cách tu tập Ba-la-mật-đa nhẫn nhục (chương 12)

4. Cách tu tập Ba-la-mật-đa tinh tấn (chương 13)

5. Cách tu tập Ba-la-mật-đa thiền định (chương 14)

6. Cách tu tập Ba-la-mật-đa trí huệ (chương 14)

 

(i) Cách thức tu tập bố thí Ba-la-mật-đa

Phần này bao gồm bốn nội dung:

1. Bố thí là gì?

2. Cách bắt đầu sự nuôi dưỡng bố thí Ba-la-mật-đa

3. Phân loại bố thí Ba-la-mật-đa (chương 9 – 10)

4. Tóm tắt (chương 10)

 

(a’) Bố thí là gì?

 

Bồ-tát Địa Kinh dạy rằng:[1]

 

Bản chất của bố thí là gì? Đó là ý định đi kèm sự vô chấp dửng dưng của các Bồ-tát đối với tất cả các vật sở hữuthân thể của họ, và phát khởi từ động lực đó, các hành động bố thí liên quan đến thân và khẩu được cho ra.

 

Do đó, bố thícông đức về thái độ rộng lượng và các hành vi về thân và khẩu được thúc đẩy bởi điều này. [365]

Việc đem lại sự hoàn tất của Ba-la-mật-đa bố thí không phải là loại bỏ sự nghèo khó của người khác bằng cách tặng quà cho họ.

 

Nếu không thì chư Phật đã không thể thành tựu được Ba-la-mật-đa bố thí vì vẫn còn có vô số người nghèo. Do đó, khía cạnh thân và khẩu của sự bố thí không phải là chủ yếu, cái chủ yếu chính là khía cạnh tinh thần {khía cạnh ý}. Đó là bởi vì quý vị thành tựu Ba-la-mật-đa bố thí sau khi quý vị đã phá bỏ sự chấp thủ chi li đối với mọi thứ mà quý vị sở hữuthân thể, tài sản, và các cội rễ của công đức – và quý tạo duyên cho tâm thức bố thí chúng cho chúng sinh từ tận đáy con tim. Không những thế, mà còn hồi hướng quả {công đức} của việc bố thí này cho họ. Do đó. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[2]

 

Nếu bố thí sẽ toàn hảo {tức là Ba-la-mật-đa}

Bằng việc loại bỏ nghèo khốn của chúng sinh

Thì do chúng sinh vẫn còn túng bấn

Sao chư Phật thành tựu được Ba-la-mật-đa này?

 

Nói rằng bố thí được toàn mãn {tức là Ba-la-mật-đa}

Qua thái độ bố thí cho cả chúng sinh

Tất mọi thứ mà ngươi sở hữu, kể luôn các quả của bố thí đó

Cho nên, bố thí là một trạng thái của tâm.

 

Do đó, nội dung của pháp tu tập Ba-la-mật-đa bố thí kéo theo việc phát khởi nhiều cách chủ ý khác nhau để cho đi

tăng cường sự bố thí này một cách vững chắc, ngay cả khi quý vị có khi thực sự không cho ai một vật gì.

 

(b’) Cách bắt đầu nuôi dưỡng đức bố thí

Việc đơn thuần dẹp bỏ tính bủn xỉn liên quan đến tài sảnthân thể của quý vị thì không phải là bố thí Ba-la-mật-đa bởi vì tính bủn xỉn thuộc về sự tham chấp và như nếu thế ngay cả hai hàng A-la-hán Tiểu thừa cũng đã hoàn toàn dẹp bỏ được tính đó cùng các hạt giống của nó. Do vậy, điều nhất thiết ở đây là không những quý vị phải dẹp bỏ tính keo kiệt bủn xỉn, vốn ngăn trở quý vị thực hành bố thí, mà còn phải phát triển từ đáy tim mình ý định cống hiến những người khác tất cả những gì quý vị đang sở hữu. Để làm việc này, quý vị phải thiền lên các sai lầm của tham chấp và lợi ích của bố thí. Do đó, tôi sẽ bàn thảo các điều này.

 

Nguyệt Đăng Kinh (Candra-pradīpa-sūtra) dạy như sau:[3]

 

Những kẻ non dại ấy bám chấp

Vào thân thể thối hư này

Và sức sống vội vàng, mà vốn cả hai đều không độc lập

Và tựa như mộng như trò huyễn ảo. [366]

Nên, những người hạ trí đấy tạo nhiều điều kinh khiếp

 

Rơi vào sự khống chế của tội lỗi

Rồi sẽ bị mang đi bởi cỗ xe của thần chết

Vào địa ngục bất kham nhẫn chịu .

 

Điều này nói lên rằng quý vị phải nên ngừng tham chấp bằng cách quán thân này là bất tịnh, cuộc sống vội vàng này tựa như một dòng thác chảy xuống từ đỉnh núi. Cả thân thể lẫn cuộc đời đều là một cái ngã phụ thuộc bởi vì chúng bị nghiệp lực chi phối, và cả hai đều sai lầm như một giấc mơ hay một trò huyễn ảo. Hơn nữa, nếu quý vị không kết thúc tham chấp thì quý vị sẽ bị nó khống chế, khiến làm nên sai lầm to tát và sa vào các cõi khổ đau.

 

Vô Biên Môn Đà La Ni Mật Ngữ (Ārya-ananta-mukha-nirhāra-dhāraṇī) cũng dạy rằng:[4]

 

Nguyên nhân chúng sinh tranh chấp nhau

Chính là bám chấp vào tự ngã

Vậy hãy từ bỏ điều ngươi tham ái

Xóa bỏ thèm muốn này là Mật ngôn[5]

 

Bồ-tát Học Luận dạy rằng:[6]

 

Thân tôi và tâm tôi

Thay đổi từng sát na

Nếu, với thân vô thường,

Lấm bụi hồng trần này

Tôi đạt thành giác ngộ

Vốn trường tồnthanh tịnh

Thì chẳng phải là tôi

Thành tựu điều vô giá?

 

Bổn Sinh Kinh (Jātaka-mālā) dạy rằng:[7]

 

Thân thể này không có tự ngã, đang hư hoại, mà cũng chẳng có bản chất

Đau khổ, bạc hạnh, thường xuyên bất tịnh

Phải chăng mang lại lợi lạc cho chúng sinh

Mà không hoan hỷ thịnh tình

Thì chẳng là một bậc thiện tri

 

Mặc dù quý vị bỏ nhiều nỗ lực chăm sóc thân thể mình, vốn chẳng có bản tánh, quý vị sẽ phải lìa bỏ nó. Bằng cách thành tâm bố thí nó cho những người khác, quý vị sẽ viên thành đa phần mục tiêu của mình và của tha nhân. Sau khi đã tư duy: ”Mình sẽ là dại dột nếu không luyện tâm để làm việc này”, hãy làm tất cả những gì có thể để phát sinh ý định bố thí thân quý vị và các thứ tương tự cho người khác. Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy rằng:[8]

 

Bằng cách bố thí tất cả,

Tôi vượt qua phiền não

Nên, tâm đạt niết-bàn

Cuối cùng cũng bỏ lại

Hết mọi thứ trên đời

Nên tốt nhất bố thí

Cho tất cả chúng sinh. [367]

 

Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[9]

 

Nếu ngươi thấy của cải vô thường

Và tự động tâm đại bi khởi sắc

Ngươi sẽ hiểu với lý lẽ xác tín

Những của cải mình có trong nhà

Vốn thật là thuộc về người khác

 

Chẳng gì đáng ngại với những thứ cho đi

Chính của cải trong nhà mới làm ngươi sợ hãi

Rằng nó chưa đủ, nó tầm thường, hay phải thường xuyên gìn giữ

Nếu khi ngươi bố thí nó cho người ngoài,

Thì những sợ hãi trên chẳng bao giờ ám hại được ngươi

 

Với bố thí, ngươi đạt phúc hạnh trong nhiều kiếp tới

Thiếu cho đi, khổ đau khơi dậy ngay cả trong đời này

Của cải tài lộc ví tựa sao băng sa

Dù chẳng được cho đi, chúng vẫn sẽ ngừng có mặt.

 

Tài vật không được đem cho bị chuyển hoá và sẽ ra đi

Qua bố thí chúng lưu lại trở thành kho tàng trân quý

Của không đáng giá sẽ trở nên giá trị

Khi ngươi {dùng vào} nỗ lực cứu giúp chúng sinh.

 

Thiện tri thức tán dương bố thí

Kẻ dại khờ thích tích luỹ giàu sang

Qua ôm níu, chẳng lộc tài nào giữ được

Bởi cho đi, diệu hạnh vẫn tăng cường

 

Bố thí các thứ, ngươi không còn ôm chấp các phiền não,

Không còn nuôi dưỡng phiền não khốn cùng trên đường hạ tiện

Các thánh giả dạy bố thíđạo pháp tuyệt hảo

Ngược lại với điều đó là đường hướng xấu xa.

 

Nếu quý vị dâng hiến từ tận đáy con tim tất cả cội nguồn của thiện hạnh, bất luận lớn nhỏ thế nào, cho mục đích thành tựu lợi íchhạnh phúc bao quát, của toàn bộ chúng sinh, cả trong tạm thời hay rốt ráo, và sau đó khi cho đi một điều gì đó, thì công đức quý vị nhận được sẽ dính dáng đến từng chúng sinh. Do đó quý vị dễ dàng hoàn tất việc tích luỹ công đức. Bảo Hành Vương Chính Luận thuyết rằng:[10]

 

Nếu công đức nhận về

Do cúng dường dâng hiến

Được đổi thành sắc tướng

Thì bao công đức đó

Hơn cả cát sông Hằng

Nó sẽ chẳng thể nào

Chứa vừa trong thế giới.

 

Đấy là điều Phật ban

Cũng có một chứng minh,

Chúng sinh là vô vàn

Nên lợi ích nguyện ban

Công đức cũng vô hạn [368]

 

Hơn nữa, không nên chấp thủ vào những hành trang và sở hữu, vốn đã ngăn không cho quý vị tăng cường khả năng bố thí, vốn đã làm mạnh sự keo bẩn của quý vị, vốn đã làm ngưng phát triển hay làm suy giảm khuynh hướng bố thí của quý vị. Đừng mang theo những thứ hành trang này hoặc tham chấp, đừng nhận những món quà vật chất, ngay cả khi người khác trao tặng cho quý vị. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng: [11]

 

Bồ-tát xả buông mọi sở hữu

Vốn làm tăng tính keo bẩn

Hoặc giảm đi lòng rộng lượng

Những thứ giả trá vốn trở thành chướng ngại.

 

Bồ-tát không nên thu nạp

Châu báu, của cải hoặc cả giang san

Nếu chúng hại đến lòng độ lượng

che khuất đạo giác ngộ Ba-la-mật-đa.

 

Nếu quý vị hành động theo cách này thì sự keo kiệt sẽ có thể khiến quý vị cảm thấy tham chấp vào của cải. Nếu đúng thế thì hãy xả ly bằng cách quán: “Thánh nhân đạt giác ngộ sau khi đã bố thí mọi thứ sở hữu. Trước đây, khi nhớ lại ước nguyện theo gương các ngài, mình đã bố thí thân thể mình, mọi thứ của cảitoàn bộ thiện hạnh Ba-la-mật-đa cho tất cả chúng sinh. Nếu mình vẫn còn bị tham chấp vào của cải, thì mình cũng sẽ hành xử như một con voi bị mặt trời hành hạ, đi xuống sông để tắm, rồi lên đất khô và lăn lộn trên đất dơ. Sau đó, lại thấy mình phủ đầy đất cát, nó quay ra tắm nước và làm cùng một hành động trở lại”. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[12]

 

Nhớ đến hành động thánh nhân cao cả

Gắng sức noi gương và quán chiếu hạnh nguyện của ta

Hãy thấu hiểu các ý tưởng tuyệt vời sau

Mọi chấp thủ vào của cải đều ly xả.

 

“Ta bố thí thân này cho mọi chúng sinh

Rồi ta buông xả công hạnh của sự bố thí ấy.

Cuộc sống của ta, bám chấp vào ngoại cảnh,

vô nghĩa, như con voi đang tắm nước”.

 

Nếu quý vị có thể khởi tâm hoan hỷ mãnh liệt như khi quán chiếu lợi ích vô vàn của việc bố thí cũng như phát khởi sự sợ hãi tràn ngập khi nghĩ về các khiếm khuyết của tính keo bẩn thì thái độ rộng lượng sẽ đến với quý vị một cách tự nhiên. [369] Do đó, hãy khởi ý nghĩ bố thí tất cả cho những người khác vào giai đoạn cuối của việc nuôi dưỡng lòng bi mẫn hoặc khi kết thúc việc quán chiếu những câu chuyện về cuộc đời của đức Phật, chư Bồ-tát và vv... Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy cách thực hiện điều này:[13]

 

Ta sẽ bố thí mà không cảm thấy mất

Thân thể ta và tài sản của ta

Cũng như trọn cả công hạnh quá khứ, hiện tạivị lai

lợi lạc cho cả mọi loài chúng sinh.

 

Quý vị chú tâm vào ba vật: thân thể, tài sản và gốc rễ công hạnh của quý vị và một cách tinh thần bố thí cho tất cả chúng sinh. Nếu quý vị đoạn diệt lòng tham xem mọi thứ là tài sản của riêngliên tục tạo duyên cho chính mình thái độ bố thí tất cả cho tha nhân thì quý vị sẽ được gọi là Bồ-tát. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[14]

 

“Tất cả những thứ này là của người

Ta không tự hào rằng chúng thuộc về ta”.

 

Kẻ nào thường xuyêný nghĩ kinh ngạc này

Và noi theo phẩm chất của đức Phật toàn hảo

Được gọi là một vị Bồ-tát –

Đức Phật – đấng tối cao bất khả tư nghì đã thuyết.

 

Hiện nay, vì quyết tâm của quý vị chưa chín chắn và còn yếu ớt nên quý vị chưa thực sự bố thí xương thịt mình {thân thí} vv... mặc dù là trong ý nghĩ, quý vị đã bố thí thân quý vị cho mọi chúng sinh. Tuy nhiên, theo Bồ-tát Học Luận, nếu quý vị không tu tập thân thí và đời sống của quý vị bằng ý nghĩ thì quý vị sẽ không thể quen với việc này và như thế, sẽ không thể bố thí thân thểđời sống của quý vị. Do đó, hãy tu tập ý nghĩ bố thí này ngay từ bây giờ.

Nếu quý vị sử dụng thực phẩm, y phục, nhà cửa vv..., mà quý vị đã thành tâm bố thí cho tất cả chúng sinh và quý vị làm như vậy vì lòng tham cho lợi ích cá nhân mà quên đi ý nghĩ: ”Tôi sẽ sử dụng chúng vì lợi ích của người khác” thì quý vị đã phạm trọng giới {vi phạm nặng}. Nếu quý vị không khởi lòng tham nhưng lại quên ý nghĩ chú trọng đến tất cả chúng sinh hoặc nếu quý vị sử dụng các tiện ích đó cho một cá nhân cụ thể vì lòng bám chấp thì quý vị phạm phải khinh giới {vi phạm nhẹ}. [370]

 

Về các tài sản vật chất mà quý vị đã bố thí cho người khác, Bồ-tát Học Luận cho rằng[15] khi quý vị sử dụng các thứ này vì tư lợi khi ý thức hoàn toàn rằng chúng là tài sản của người khác thì quý vị đang ăn cắp và khi tổng giá trị đã đạt đến mức đầy đủ thì quý vị phạm nghịch tội trong biệt giải thoát giới. Trả lời cho vấn đề này, một số người lại nói rằng bởi vì quý vị đã bố thí thực phẩm vv... của mình cho tất cả chúng sinh, thì tổng giá trị một phần của một người sẽ không thể nào đầy đủ được và như thế quý vị không phạm nghịch tội. Số người khác nói rằng điều này không đúng bởi vì quý vị đã bố thí tài sản của quý vị như một tổng thể cho từng chúng sinh một. Một số người nữa lý luận rằng mặc dù việc bố thí cho tha nhân của quý vị đã diễn ra trong ý nghĩ, nhưng cá nhân các chúng sinh không sở hữu các tài sản này nên chẳng phạm nghịch tội.

 

Ẩn ý chính của lời tuyên thuyết này trong Bồ-tát Học Luận là quý vị phạm nghịch tội (với giả thiết rằng yêu cầu đối với tổng giá trị đã được thỏa mãn) khi quý vị thành tâm bố thí thực phẩm vv... cho một chúng sinh và người này biết được điều này, đã sở hữu thực phẩm được bố thí nhưng ngay lúc đó quý vị lại tiếm dụng của bố thí cho mục đích cá nhân. Do đó, lập luận của những người khác là sai.

 

Sẽ không có sai sót trong việc sử dụng một số tài sản của chúng sinh khác nếu trong lúc sử dụng các tài sản này, quý vị nghĩ “Tôi làm như vậy vì lợi lạc của họ”. Bồ-tát Học Luận dạy rằng:[16]

 

Sẽ không phạm tội nếu khi sử dụng tài sản của người khác ngươi có nghĩ rằng: “Ta đang chăm sóc cho thân thể ta vốn do người khác sở hữu với các tài sản này vốn do người khác sở hữu”. Các nô lệ không có tài sản vật chất riêng để mà sinh tồn.

 

 

Có thể quý vị nghĩ: ”Tôi đã phạm tội vì sau khi đã bố thí các vật dụng này cho các chúng sinh, tôi sử dụng chúng mà không được phép của họ”. Bồ-tát Học Luận dạy rằng:[17]

 

Một người tôi tớ làm việc cực nhọc thay cho người chủ có thể sử dụng vật dụng của chủ mà không xin phép khi tâm thức của người chủ không rõ ràng do bệnh tật vv... mà không bị phạm tội.

 

Đừng làm mất tín tâm và nghĩ rằng: “Bố thí tất cả bằng ý nghĩ trong khi không thực sự bố thí mọi thứ cho chúng sinh cũng đồng nghĩa với nói dối, và do đó, là không có thực chất”. Bồ-tát Học Luận dạy rằng:[18]

 

Một số người gần gũi với một vị Bồ-tát tu tập {bố thí} theo cách này sẽ không thể hiểu biết thấu đáo và sinh ra mất tín tâm. Điều này thật không xác đáng bởi vì họ đã quá quen thuộc với một người, vốn có hạnh bố thí vĩ đại và tuyệt vời. [371] Việc họ ngờ vực phương pháp tu tập này là sai trái.

 

(c’) Phân loại bố thí

Phần này có ba nội dung:

 1. Cách thức mỗi người nên tu tập

 2. Phân loại bố thí theo hành giả cụ thể

 3. Phân loại bố thí thực thụ (Chương 9-10)

 

(1’) Cách thức mỗi người nên tu tập

Nhiếp Đại Thừa Luận của ngài Vô Trước dạy rằng quý vị phải tu tập hạnh bố thí kết hợp với sáu phạm trù tối thượng sau. Nền tảng tối thượng (1) có nghĩa là quý vị tu tập hạnh bố thí trên cơ sở sở Bồ-đề tâm; ví dụ như quý vị hành động sau khi được thúc đẩy từ động cơ của tâm Bồ-đề. Các vật bố thí tối thượng (2) một cách tổng quát có nghĩa là quý vị bố thí tất cả những gì có thể cho, và thậm chí khi tiến hành các hành vi bố thí cụ thể, quý vị không từ bỏ ý nghĩ bố thí tất cả. Mục đích tối thượng (3) là khi quý vị bố thí cho mọi chúng sinhhạnh phúc tức thờilợi ích tối hậu của họ. Phương tiện thiện xảo tối thượng (4) là khi việc bố thí thấm nhuần tuệ giác siêu phàm không phân biệt {phi danh định}; các vị Bồ-tát mới tu tập nên xem đây là tuệ giác hiểu biết sự thiếu vắng tự tính của các sự vật {các pháp}. Hồi hướng tối thượng (5) có nghĩa là quý vị hồi hướng công đức bố thí để hoàn thành giác ngộ. Thanh tịnh tối thượng (6) có nghĩa là quý vị đoạn trừ cả phiền não chướng {các chướng ngại do phiền não gây ra} lẫn sở tri chướng {các chướng ngại do hiểu biết gây ra}.

 

Trong Bát Thiên Tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh[19] dạy rằng quý vị phải tu tập hạnh bố thí trong mối liên hệ với sáu Ba-la-mật. Ví dụ như khi quý vị bố thí Pháp, uy lực sẽ cực kỳ lớn nếu quý vị tu tập cả sáu Ba-la-mật-đa. Quý vị có giới hạnh khi quý vị không để mình vướng vào các mối bận tâm của các bậc Thanh VănDuyên Giác. Quý vị có nhẫn nhục khi chịu bất kỳ gian khổ nào trong lúc cầu mong các phẩm tính của toàn trí và khi quý vị chịu nhẫn nhục lúc bị người khác ngược đãi. Quý vị tinh tấn khi khao khát mong cầu sự tăng trưởng mãi của đức bố thí. Quý vị có thiền định khi cống hiến cho sự viên mãn toàn giác công đức mà quý vị nuôi dưỡng bằng nhất tâm không bị trộn lẫn với các mối bận tâm của Tiểu Thừa. Và quý vị có trí huệ khi hiểu biết rằng người bố thí, vật bố thí và người được bố thí cũng đều tựa như trò huyễn thuật.[20]

 

(2’) Phân loại bố thí theo hành giả cụ thể

Nói chung, các Bồ-tát tại gia bố thí của cải vật chất và các Bồ-tát xuất gia bố thí giáo pháp. [372] Bồ-tát Giới Kinh dạy rằng:[21]

 

Này Xá-lợi-phất, Bồ-tát xuất gia chỉ giảng một đoạn kệ bốn dòng cũng có công đức vượt xa hơn Bồ-tát tại gia cúng dường các cõi Phật trang phủ đầy châu báu, nhiều như cát sông Hằng lên các vị Như Lai, A-la-hán, Phật toàn giác. Này Xá-lợi-phất, Như Lai không cho phép những người xuất gia bố thí của cải vật chất.

 

Bồ-tát Học Luận nói ý chỉ của đức Phật ở đây là các bố thí vật chất sẽ trở thành chướng ngại cho việc tu học và các việc tương tự. Người xuất gia bị cấm không được bố thí của cải vật chất mà họ có được nhờ lao động, nhưng họ phải bố thí chúng nếu họ nhận được nhiều của cải nhờ trợ lực của phước đức trước đây và không được làm ngăn trở công hạnh của họ. Sha-ra-wa (Sharaba) cũng nói rằng:

 

Ta không nói với ngươi về lợi ích của việc bố thí mà ta đang nói với ngươi về các khiếm khuyết của tính bủn xỉn.

 

Thật không vui chút nào khi nghe thấy rằng người xuất gia làm tổn hại giới hạnh của mình vì cố gắng cùng cực kiếm của cải vật chất để mà bố thí.

 

(3’) Phân loại bố thí thực thụ

Phần này bao gồm ba nội dung:

1. Pháp thí {tib. ཆོས་ཀྱི་སྦྱིན་པ}

2. Vô úy thí {tib. མི་འཇིགས་པའི་སྦྱིན་པ}

3. Tài thí {tib. ཟང་ཟིང་གི་སྦྱིན་པ} (Chương 9-10)

 

(a”) Pháp thí

Pháp thí là các giảng dạy giáo pháp tối thượng một cách không sai sót, giảng dạy các nghệ thuật và các môn tương tự (các nghề nghiệp thế tục trong sạchthích hợp để học) và khuyên bảo người khác tuân thủ giới luật căn bản.

 

(b”) Vô úy thí

Vô úy thíbảo vệ chúng sinh khỏi sợ hãi về con người, như các vị vua và các tên ăn trộm, khỏi sợ hãi các chúng sinh phi nhân, như sư tử, cọp, cá sấu, và khỏi sợ tứ đại, như nước và lửa chẳng hạn.

 

(c”) Tài thí

Phần này được giảng giải theo hai nội dung:

1. Tài thí thực thụ (Chương 9-10) [373]

2. Tài thí chỉ qua ý nghĩ

 

(1”) Tài thí thực thụ

Phần này bao gồm ba nội dung:

1. Cách tài thí (Chương 9-10)

2. Phải làm gì nếu quý vị không thể bố thí (Chương 10)

3. Các biện pháp đối trị các chướng ngại ngăn trở bố thí

 

(a)) Cách thi hành tài thí

Đoạn này bao gồm bốn mục:

1. Những người nhận bố thí

2. Động lực bố thí

3. Cách bố thí (Chương 10)

4. Những vật bố thí (Chương 10)

 

 

(1)) Những người nhận bố thí

Có mười đối tượng: (1) những người bạn và người thân giúp đỡ quý vị, (2) những kẻ thù hãm hại quý vị, (3) những người bình thường không gây hại mà cũng chẳng giúp quý vị, (4) những người có phẩm chất tốt, có giới hạnh chẳng hạn, (5) những người có khuyết điểm, đã phạm giới chẳng hạn, (6) những người có vai vế thấp hơn quý vị, (7) những người ngang bằng quý vị, (8) những người có vai vế cao hơn quý vị, (9) những người giàu cóhạnh phúc, và (10) những ai khốn khó và bần cùng.

 

(2)) Động lực bố thí

Bao gồm hai phần:

1. Loại động lực đòi hỏi

2. Loại động lực cần loại bỏ

 

(a’)) Loại động lực đòi hỏi

Động lực của quý vị phải nên có ba thuộc tính: (1) sự tập trung vào mục đích, nghĩ rằng: ”Trên cơ sở của việc này, tôi sẽ hoàn tất tu tập bố thí Ba-la-mật-đa vốn là một tiền đề cho giải thoát vô thượng”; (2) một sự tập trung vào vật bố thí, nghĩ rằng: ”Ngay từ đầu, một Bồ-tát cho đi tất cả vật dụng sở hữu cho các chúng sinh; do đó, của cải vật chất mà tôi đang bố thí thuộc về người khác như thể họ đang nhận vật uỷ thác” và (3) một sự tập trung vào người nhận bố thí, nghĩ rằng: “Bởi vì những người này, dầu có hỏi xin bố thí hay không”, đều đem đến sự hoàn tất cho bố thí Ba-la-mật-đa của tôi cho nên họ là thầy tôi”. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[22]

 

Khi có người đến xin vật gì

Để tạo tiền đề cho toàn giác,

Các Bồ-tát xem tất cả sở hữu đều thuộc về người khác,

Bố thí như sự giao phó

Và xem người đó như vị thầy.

 

Về việc bố thí vật riêng lẻ, hãy thấu hiểu chi tiết trong Đồng Tử Vấn Kinh (Subāhu-paripṛcchā) và Ba-la-mật-đa Tập Luận về động lực của sự tập trung lên mục đích bố thí của quý vị, vốn là tư tưởng ”Tôi sẽ bố thí vật này vì mục đích này hay nọ”. Về động lực của sự tập trung lên người nhận đã được giải thích bên trên, thì quý vị nên áp dụng nó trong mọi tình huống bố thí; vì vậy, đó là động lực chung. [374] Các động lực cụ thể, sẽ hình thành khi quý vị bố thí cho người gây hại mình lúc mà quý vị đã xác lập một thái độ yêu thương; khi bố thí cho những kẻ đau khổ mà quý vị đã xác lập một thái độ từ ái; khi bố thí cho những ai có nhiều phẩm chất tốt đẹp mà quý vị đã xác lập thái độ hoan hỷ; và khi bố thí cho người giúp quý vị mà quý vị đã xác lập thái độ vô tư.

 

Hơn nữa, quý vị phải có tâm bình đẳng đối với tất cả người nhận, hãy bố thí cho chúng sinh, chẳng hạn như những người cầu xin và vv..., mọi kết quả công đức của việc bố thí, và đặc biệt, là hãy có lòng bi mẫn với các người nhận đang có hoàn cảnh khốn khổ. Ngài Nguyệt Xứng dạy rằng:

 

Một khi việc bố thí không có keo bẩn

Người cho phải bố thí một cách bi mẫn

Vật cho phải đi với tâm bình đẳng

Cho cả ai cao cả hoặc thấp hơn.

 

Quả của việc bố thí như thế

Đồng thời đến cho người lẫn ta .

Thánh chúng tán dương đức bố thí không keo bẩn

Cho những người cầu tìm bố thí.

 

 

Tán Dương Công Đức Vô Lượng dạy rằng:[23]

 

Thậm chí khi một số gặp kẻ khốn cùng và thấp kém

Họ chẳng quan tâm và, vì tham nhiều thành quả

Nên tìm đến người nhận bố thí có phẩm chất tốt cao.

Họ có một động lực cốt lõi;

 

Phật dạy dù là những người cho,

Họ cũng giống như những người nhận.

Do đó, hãy giữ tận tâm từ lòng bi mẫn

bố thí cho các người hỏi xin.

 

(b’)) Những động lực cần bị loại trừ

1. Động lực tin vào tà kiến. Không có động lực này có nghĩa là quý vị không bố thí trong lúc nghĩ rằng: ”Bố thí chẳng được lợi lạc gì cả”, ”Việc cúng tế máu nguy hại là tôn giáo”, ”Tôi đang bố thí bởi vì tôi tự áp dụng điều tốt và lợi lạc” hoặc: ”Chỉ riêng với sự hoàn tất bố thí, tôi sẽ thoát khỏi các bám chấp thế tục và siêu thế”.

 

2. Động lực kiêu mạn. Không có động lực này có nghĩa là quý vị không khinh rẻ người xin, quý vị không tranh đua với người khác và sau khi đã bố thí đều gì đó, quý vị không nghĩ một cách kiêu mạn rằng: “Ta rộng lượng biết bao, chẳng ai có thể làm được như vậy”. [375]

 

Nghiệp Chướng Thanh Tịnh Kinh (Karmāvaraṇa-viśuddhi-sūtra) giải thích rằng khi phàm phu bố thí, họ mất niềm tin nơi những người keo kiệt, bởi vì tâm sân hận và vì sẽ bị tái sinh vào địa ngục, nên, điều này gây chướng ngại cho việc bố thí. Khi những phàm phu này trì giữ giới luật, họ nói xấu những người phạm giới, do đó, họ mất niềm tin nơi nhiều chúng sinh và sẽ đọa sinh vào cõi thấp bởi sự mất niềm tin này; và khi những phàm phu này tu hạnh nhẫn nhục và những pháp tương tự, họ gièm pha những kẻ không nhẫn nhục và như vậy, gây chướng ngại cho việc trì giới của chính họ vv....

 

Do đó, quý vị phải làm theo lời dạy của Tán Dương Công Đức Vô Lượng {skt. Guṇāparyanta-stotra}:[24]

 

Vào lúc những người khác học theo ngươi, thật là hiền trí ngươi chẳng tự cao;

Ngươi ca ngợikính trọng những người có chút phẩm hạnh đẹp

Ngươi vì huân tập được nhiều phẩm chất tốt, ngươi cũng nắm bắt ngay cả một khuyết điểm nhỏ trong chính hành vi mình.

 

3. Động lực vì sự hậu thuẫn. Không có động lực này có nghĩa là quý vị không bố thí với hy vọng được tán dương hay được danh tiếng.

 

4. Động lực của sự nản chí. Không có động lực này có nghĩa là sau khi quý vị bố thí thì trở nên hoan hỉ thậm chí hơn cả lúc trước khi hành động bố thí, lòng quý vị tràn ngập niềm tin và sau đó chẳng hối tiếc gì sau khi đã bố thí; và ngay cả khi quý vị nghe về hạnh bố thí vô lượng của Bồ-tát, quý vị chẳng nản lòng mà còn tăng thêm hứng khởi và không xem nhẹ chính mình.

 

5. Động lực của sự lãnh đạm. Không có động lực này có nghĩa là quý vị bố thí với lòng bi mẫn khách quan, vô tư đối với kẻ thù, bè bạn và người thường.

 

6. Động lực mong được báo đáp. Không có động lực này có nghĩa là quý vị không bố thí với hy vọng người nhận bố thí sẽ giúp đỡ quý vị nhưng bởi vì quý vị thấy những chúng sinh này không có hạnh phúc, bị thiêu đốt bởi lửa dục, không có khả năng thoát khổ và bẩm sinh khốn cùng.

 

7. Động lực mong thành quả. Không có động lực này có nghĩa là quý vị không hy vọng về thành quả của một thân người tốt và giàu có trong các kiếp sau nhưng quý vị bố thí bởi vì quý vị thấy rằng tất cả các sự vật cấu hợp {pháp hữu vi} đều không có tự tính nhưng lại có thể dẫn đến giác ngộ vô thượng. Điều này không ngăn trở quý vị dự đoán các hậu quả ngắn hạn nhưng không cho quý vị lấy thân người và của cải trong kiếp luân hồi làm mục đích.[376]

 

Bênh cạnh các động lực này, quý vị phải bố thí mà không có động lực về sinh nhai sai trái, theo đó, quý vị nghĩ rằng ”Nếu tôi bố thí, thì người lãnh đạo vv... sẽ xem tôi như một người rộng lượng và tôi sẽ được tôn trọng”. Đừng bố thí vì sợ rằng mình sẽ nghèo hoặc với động lực lừa đảo người hỏi xin bố thí. Hãy bố thí khi quý vị không bị phân tâm, không có tâm oán ghét hay sân hận. Hãy bố thí khi quý vị không ở trong tâm trạng nản lòng do các hành vi sai trái của người hỏi xin bố thí. Ngay cả khi quý vị thấy khuyết điểm của kẻ đã dối gạt quý vị vv..., đừng bố thí với động lực tuyên cáo những sai sót này cho người khác. Cuối cùng, hãy bố thí với niềm tin không thể lay chuyển được là mỗi hành động bố thí riêng rẽ sẽ làm khởi phát một hậu quả riêng rẽ.



[1]BA185 Bbh, Wogihara 1971:114; D4037: Wi 61b4-5.

[2]BA186 BCA: 5.9-10.

[3]BA187 Candra-pradīpa-sūtra (tên khác của Samādhi-rāja-sūtra {tức Định Vương Kinh}), D127: Da 73b4-6; được dẫn trong śikṣāsamuccaya, Vaidya 1961b: 14; D3940: Khi 13b5-6.

[4]BA188 Sự trích dẫn của Ārya-ananta-mukha-nirhāra-dhāraṇī / Āryānanta-mukha-sādhaka-nāma-dhāraṇī {Vô Biên Môn Thành Tựu Nhân Mật Ngữ }, D525 (cf. Āryānanta-mukha-sādhaka-nāma-dhāraṇī-ṭīkā {Vô Biên Môn Thành Tựu Nhân Mật Ngữ Thích} của Jñanagarbha {tên dịch nghĩa Trí Tạng}.

[5]Đoạn này được đối chiếu theo bản dịch của ngài Sopa. Theo như bản Anh ngữ của Cutler chúng tôi thấy có chi tiết không rõ ý. Nguyên văn của đoạn này theo Bản Cuttler như sau:

 As to living beings who dispute with others,

 It is tightfistedness that is the root cause.

 So renounce that which you crave.

 After you give up craving, the formula will work.

 Tức là:

 Những ai tranh chấp với người

 Nguyên nhân chính là kẹo bẩn

 Nên khi từ bỏ điều ngươi tham muốn

 Thì phương tiện sẽ hoạt hoá.

[6]BA189 Śiksā-samuccaya Vaidya 1961b: 194; D3940: Khi 13b6-7.

[7]BA190 Jātaka-mālā 22; D4150: Hu 3b4-5.

[8]BA191 BCA: 3.11.

[9]BA192 PS: 1.49-54; D3944: Khi 221a3-4 {Đây là tác phẩm của ngài Āryaśūra tức Thánh Dũng}.

[10]BA193 Ra: 5.86-87; Hahn 1982:162-163.

[11]BA194 PS: 1.3-4; D3944: Khi 218b7-219al.

[12]BA195 PS: 1.5-6; D3944: Khi 219al-3

[13]BA196 BCA: 3.10.

[14]BA197 PS: l.llcd-12; D3944: Khi 219a6.

[15]BA198 Śiksā-samuccaya Vaidya 1961b: 79; D3940: Khi 80b3-4.

[16]BA199 Ibid.: Khi 80b4-5.

[17]BA200 Ibid.: Khi 80b5-6.

[18]BA201 Ibid.: Khi 80b6-7.

[19]Skt. Aṣṭa-sāhasrikā-prajñāpāramitā, nghĩa là Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa 80,000 câu tụng. Đây là tác phẩm của ngài Sư Tử Hiền (skt. Haribhadrā).

[20]Cách thức chung mà những hành giả tại gia lẫn xuất gia tu tập có hai phương diện. Phương diện đầu đề cập đến sáu phạm trù tối thượng. Phương diện thứ nhì là phương thức mà trong đó việc tu tập bố thí sẽ bao gồm tất cả các Ba-la-mật-đa khác. Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. C9. P272. Wisdom. 2008.

[21]BA202 Trích dẫn của Bodhisattva-prātimokṣa-catuṣka-nirhāra-nāma-mahāyānā-sūtra {Bồ-tát Giới Tứ Viên Mãn Đại Thừa Kinh} D248, từ trong Śiksā-samuccaya Vaidya 1961b: 80; D3940: Khi 81a7-b2.

[22]BA203 PS: 1.55; D3944: Khi 221a7-bl.

[23]BA204 Guṇāparyanta-stotra, D1155: Ka 197a4-5.

[24]BA205 Ibid.:Kal97b3.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/08/2010(Xem: 108772)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.