Thể loại văn học Phật giáo

12/11/20163:30 SA(Xem: 6774)
Thể loại văn học Phật giáo

THỂ LOẠI VĂN HỌC PHẬT GIÁO
Thích Nhuận Đàm

văn học Phật giáo1. Xưa nay, việc phân loại văn học Phật giáo với tư cách là một tác phẩm văn học dường như chưa được sự quan tâm đúng mức của chư vị tổ sư tiền bối, dẫn đến dù cho Phật giáo đã thành lập được Tam tạng thánh điển nhưng vẫn không rõ những điều được tập thành kia thuộc thể loại nào của văn học và cách hiểu cũng như giảng giải ra làm sao. Khi chúng tôi nêu ra quan điểm này chắc chắn sẽ có ý kiến cho rằng đây là một việc làm không cần thiết; bởi vì văn điển Phật giáo đã có Tứ tất- đàn (Catvāri siddhānta) đâu cần phân loại, xưa nay không phân loại mà đã bao vị tổ sư ngộ đạo, nên nay đưa ra việc phân loại phỏng có ích gì? Nếu cho rằng ý kiến trên là đúng thì sẽ có những hệ lụy vô cùng nguy hiểm, vì chúng ta sẽ không có một công thức chung hay một chuẩn mực nào đó trong việc hiểu và giảng giải Phật điển. Vì đã có rất nhiều trường hợp hiểu và giảng giải sai lời Phật dạy, khi không hiểu được bản chất văn học của Tam tạng thánh điển. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn bàn đến việc phân chia thể loại trong văn học Phật giáo.

2.  Nếu xem toàn bộ Tam tạng thánh điển Phật giáo là những sáng tác văn học thì nền văn học này mang tính giáo huấn1 (văn học giáo huấn). Có lẽ vì điểm này mà chư vị tổ sư tiền bối với lòng tôn kính những lời dạy của Đức Phật cũng như những vị đi trước nên đã không phân loại các văn bản kinh điển dưới góc độ một tác phẩm văn học. Chúng ta cần lưu ý, rằng việc nắm rõ bản chất thể loại văn họcbước đầu tiên và quan trọng trong việc hiểu và giảng giải ý nghĩa một tác phẩm văn học. Phân loại văn học là nấc thang thứ nhất để tiến lên nhận thức hình thức thể loại tác phẩm.

Thuật ngữ tương đương của những loại văn học là thể loại văn học. Thể loại là dạng thức, là hình thức tồn tại cụ thể của văn bản văn học. Khái niệm loại, người phương Tây gọi là genre, có gốc La-tinh (genus), nghĩa gốc là biểu thị khái niệm loài trong hệ thống phân loại sinh vật, nghĩa là giống loài. Người Trung Quốc gọi là dạng thức văn học. Thơ ca, tiểu thuyết (tản văn), ký, kịch, chính luận là bốn loại, chủng loại dạng thức tác phẩm. Dưới loại là thể, người phương Tây cũng dùng từ genre để chỉ thể; ở dạng này người Trung Quốc gọi là thể tài, chỉ hình thức cụ thể; thông thường được xem là thể hay kiểu, dạng của thể loại văn học.

Vậy, thể loại (hoặc loại) là đơn vị lớn hơn, rộng hơn thể (kiểu, dạng, văn học Trung Quốc thì còn dùng thêm thuật ngữ thể tài); thể nằm trong loại. Mỗi loại bao gồm một số thể; và, bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng thuộc một loại nhất định và quan trọng hơn hết là luôn tồn tại trong một hình thức thể nào đó2 . Việc phân chia thể loại có nhiều truyền thống khác nhau; nhưng truyền thống phương Tây hiện vẫn được nhiều nhà lý luận chấp nhận. Gọi là phương Tây tức chỉ những nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Hy-La. Xuất phát từ hiện thực cuộc sống, ở phương Tây, Aristoteles trong Nghệ thuật thi ca đã phân chia văn học làm ba loại: … Loại thứ nhất là tự sự, thứ hai là trữ tình, thứ ba là kịch3 . Cách chia ba này căn cứ vào sự lựa chọn đề tài, phương thức cấu tứ, phương thức thể nghiệm tình cảm và thủ pháp biểu hiện, tạo dựng hình tượng của tác phẩm văn học để phân thành loại văn học kịch, loại tự sự, loại trữ tình. Và, cách chia ba này được lưu hành rộng rãi ở các nước Âu Mỹ.

Theo đó, loại tự sự là sự tái hiện đời sống thông qua việc miêu tả sự kiện; trong mỗi sự kiện ấy luôn có sự thâm nhập một cách sâu sắc tư tưởng, tình cảm của tác giả vào các hành động bên ngoài của nhân vật, làm cho không còn phân biệt được nhau nữa; và, lúc này tác giả không còn xuất hiện nữa. Lúc này tác giả dường như chỉ có một việc là kể lại các sự kiện vận động và tự nó kết thúc. Loại này bao gồm các thể: Thơ tự sự, tiểu thuyết, ngụ ngôn… Loại trữ tình gồm các tác phẩm thông qua sự bộc lộ tình cảm của tác giả mà phác hoạ hiện thực. Trong trường hợp này, tác giả trực tiếp tham gia vào việc bộc bạch những  cảm xúc, tình cảm, thái độ của mình trước hiện thực đời sống. Với loại này, nếu là thơ thì dừng lại ở nhân tố nội tại ở cảm giác và các ý nghĩ trong giai đoạn tìm tòi và sau đó thẩm thấu ngược vào bên trong, đem mọi vật từ hiện thực bên ngoài chuyển vào bản thâncuối cùng chuyển tất cả các sắc thái tình cảm, cảm xúc, tâm tư vào thơ; loại này thường không có cốt truyện, dung lượng thường là ngắn. Nếu văn xuôi thì cũng có những loại như thơ trữ tình; được gọi là văn xuôi trữ tình… Loại kịch, gồm các tác phẩm đem nhân vật đặt lên sân khấu để chúng tự biểu hiện qua hành động của chúng. Loại này cũng gần giống loại tự sự khi những sự kiện vốn là sự thống nhất các yếu tố chủ quan và khách quan đang phát triển; các sự kiện này không hẳn là bên ngoài, không phải tự nhiên xuất hiện mà là có sự chuẩn bị. Các yếu tố này, khi chúng ta nhìn thấy, đó là cả một quá trình xuất hiện, phát triển của một ý chí, tính cách mang tính cá nhân. Các tính cách này luôn được bộc lộ ra bên ngoài thông qua các biểu cảm tinh thần khi các xung đột thực tế luôn diễn ra. Chính điểm này, loại này luôn có cốt truyện hoàn chỉnh, luôn có yếu tố trữ tình, đặc biệt luôn có yếu tố xung đột. Loại này bao gồm hài kịch, chính kịch, bi kịch…

Truyền thống văn học Trung Quốc việc phân loại văn học giai đoạn sớm nhất chỉ có hai loại là thơ và văn xuôi (tản văn). Tào Phi có thể được xem là nhà lý luận văn học đầu tiên của Trung Quốc. Trong thiên Điển luận-Luận văn, ông cho rằng: “Văn có gốc giống nhau mà ngọn khác nhau. Văn, tấu, nghị thì lời phải nhã, văn thư, luận cần có lý, văn minh lỗi trọng sự thật, văn thơ phú thì phải đẹp”4 . Tuy nói là bốn loại, nhưng kỳ thật cũng thuộc hai loại thơ và văn xuôi. Sau Tào Phi, văn học Trung Quốc đã có sự phát triển và ý thức về sự phân loại theo đó cũng được tăng lên. Kể từ thời Tống, Nguyên về sau, dầu cho tiểu thuyết và kịch có nhiều phát triển nhưng các văn nhân phong kiến vẫn không xem trọng và thường gạt ra ngoài hàng văn chương nên cũng không được dự vào hàng phân loại. Đến cuối đời Thanh, do việc dịch thuật nhiều kịch và tiểu thuyết văn học nước ngoài nên kịch và tiểu thuyết Trung Quốc lúc này mới được xem trọng. Lúc bấy giờ, các sách vở, báo chí Trung Quốc phổ biến thừa nhận văn học có bốn loại: Thơ ca, văn xuôi, tiểu thuyết và kịch. Và, như vậy thì sự phân loại này là sự kết hợp, ảnh hưởng từ truyền thống văn học phương Tây5 .

Vậy, việc phân loại văn học là gì theo phương Tây hoặc theo Trung Quốc cũng xoay quanh ba hoặc bốn loại và trong mỗi loại có một số thể (dạng thức) văn học khác nhau? Nhưng các thể loại văn học của các nền văn học trên thế giới cũng đều không ra khỏi các điều vừa nêu trên.

Đối với văn học Phật giáo thì sao? Lâu nay chúng ta hay nghe thuật ngữ: 12 hoặc 9 thể tài văn học Phật giáo hoặc 12 hoặc 9 phần giáo pháp. Do vậy mà, 12 hoặc 9 phần [thể tài] này được cho là thể loại văn học Phật giáo. Việc đánh đồng khái niệm thể loại và thể văn học làm một đã tạo nên những lý giải sai lầm. Thuật ngữ thể tàithuật ngữ của người Trung Quốc khi chỉ một dạng thể của một thể loại văn học. Do đó sẽ là rất sai lầm khi cho rằng thể tài là thể loại. Văn học Phật giáo gồm những gì? Một cách tổng quát, văn học Phật giáo gồm hai bộ phận. Thứ nhất, đó là các văn bản được tập thành ba tạng Kinh, Luật, Luận và được lưu giữ bằng các ngôn ngữ Sanskrit, Pali, Hán, Tây Tạng… Bộ phận thứ hai là các sáng tác của các vị luận sư, tổ sư; những vị Tăng, Ni, nam nữ cư sĩ Phật giáo chưa được đưa vào Tam tạng kinh điển. Trong giới hạn bài viết này, chỉ đề cập đến văn bản văn học Phật điển ở bộ phận thứ nhất. Lâu nay, các văn bản văn học Phật giáo thường được cho rằng có mười hai thể loại hay mười hai thể tài [sic]. Sanskrit gọi là dvādaśāṅgabuddhavacana, Hán dịch: thập nhị bộ Kinh (十二部經) hoặc Thập nhị phần thánh giáo (十二分聖教) 6 . Mười hai bộ kinh hoặc mười hai phần thánh giáo gồm7 :

1. Sūtra: Phiên âm: Tu-đa-la, dịch: Trường hàng 長行, Khế kinh 契經: Những lời Đức Phật dạy cho hàng đệ tử tu tập để đi đến giác ngộ, giải thoát.

2. Geyyā: Phiên âm: Kỳ-dạ, dịch: Trùng tụng 重頌, còn dịch: Ứng tụng: ghi lại lời Đức Phật dạy theo thể tản văn.

3. Veyyākaraṇa: phiên âm: Hòa-già la-na, dịch: Ký biệt 記別 hoặc Thọ ký受記: Ghi lại việc ấn chứng của Đức Phật cho các vị đệ tử. Chẳng hạn, Đức Phật ấn chứng cho các đệ tử Thanh văn và Bồ-tát sẽ làm Phật trong tương lai.

4. Gāthā: phiên âm: Già-đà, dịch: Phúng tụng hay Cô khởi 孤起: Sự (truyền tụng) ghi lại lời Đức Phật dạy theo thể thơ, kệ.

5. Udāna: phiên âm: Ưu-đà-na, dịch: Tự thuật, Tự thuyết hoặc Vô vấn tự thuyết. Sự ghi chép lại những điều do Đức Phật tự nói ra trong những nhân duyên (trường hợp) đặc biệt.

6. Nidāna: phiên âm: Ni-đà-na, dịch: Nhân duyên 因 緣: Nói về sự gặp gỡ, giáo hóa giữa Đức Phật Thích-ca với chư Phật quá khứ cũng như các vị đệ tử khác.

7. Avadāna: Phiên âm: A-ba-đà-na, dịch: Thí dụ 譬喻. Những pháp của Phật nói rất mầu nhiệm, người căn cơ thấp kém khó có thể lĩnh hội, nên Đức Phật dùng thí dụ để giảng nói pháp nghĩa.

8. Itivṛttaka: phiên âm: Y-đế-mục-đà-già, dịch: Bổn sự 本事. Sự ghi chép lại những điều được nghe từ Đức Phật nói, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

9. Jātaka: phiên âm: Xà-đà-già, dịch: Bổn sanh 本生: Sự ghi chép lại chuyện tiền thân của Đức Phật theo lời Đức Phật kể.

10. Vaipulya: Phiên âm: Tỳ-phật-lược; dịch: Phương quảng 方廣. Sự ghi chép lại những cuộc thảo luận của các vị Thánh đệ tử được Đức Phật xác nhậnphù hợp với Phật ý, chánh pháp.

11. Abbhutadharma: phiên âm: A-phù-đà-đạt-ma, dịch: Vị tằng hữu 未曾有. Ghi chép lại những sự việc hy hữu (hiếm có) trong đời, như chuyện các Đức Phật quá khứ… do Đức Phật kể lại.

12. Upadeśa: phiên âm: Ưu-ba-đề-xá, dịch: Luận nghị. Sự ghi chép lại những điều luận giải về Chánh pháp của Đức Phật và các bậc A-la-hán.

Sự phân chia kinh điển thành mười hai thể loại như trên không có tính cố định và duy nhất. Có cách phân loại khác là chỉ có 9 thể tài kinh điển và được đề cập rải rác trong các kinh điển Phật giáo8 . Chín thể tài ấy gồm: 1/ Tu-đa-la (Sūtra) 2/ Kỳ-dạ (Geyyā), 3/ Hòa-già-la (Veyyākaraṇa), 4/ Già-đà (Gāthā), 5/ Ưu-đà-na (Udāna), 6/ Ni-đà-na (Nidāna), 7/ Tỳ-phật-lược (Vaipulya), 8/ Vị tằng hữu (Adbhutadharma), 9/ Luận nghị (Upadeśa).

Chín thể tài này so với 12 thể tài kể trên thì bị thiếu 3 thể tài: Jātaka, Itivṛttaka, Avadāna. Ở một số nơi khác cũng liệt kê 9 loại thể tài nhưng cũng có sự không đồng nhất một vài loại thể tài với 9 thể tài vừa kể ở trên. Nhưng dù thiếu hay như thế nào đi chăng nữa thì cái gọi là thể tài vừa nói trên không thể mô tả được thể loại của tất cả các văn bản Phật điển; nếu không muốn nói cách phân loại này chỉ giới hạn ở bộ phận Kinh tạng (Sūtra - piṭaka), còn Luật tạng (vinaya - piṭaka) và Luận tạng (abhidharma - piṭaka) tuyệt nhiên không được nhắc đến. Đó là chưa nói đến việc phân loại Kinh tạng thành 12 hoặc 9 thể tài kinh điển trên còn nhiều vấn đề bất cập. Vì việc phân chia thành 12 hoặc 9 thể tài kinh điển có phải xuất phát từ truyền thống Phật giáo Ấn Độ hay đó là sự phân chia theo truyền thống văn học Phật giáo do người Trung Quốc chủ trương. Một câu hỏi được đặt ra đó là căn cứ vào đâu để phân loại các thể tài (tạm gọi là thể tài, bởi thuật ngữ này không đúng). Các Sūtra, Geyyā, và Gāthā có thật sự đúng nghĩa khi cho rằng Sūtra: là văn trường hàng; Geyyā: là tản văn còn Gāthā là thơ kệ; căn cứ này xuất phát từ đâu?

Cần lưu ý rằng tất cả các kinh điển Phật giáo lần đầu tiên được kết tập theo truyền thống Phật giáo Ấn Độ đều được biên tập theo dạng văn vần; ở một vài trường hợp còn gọi là thơ cổ Ấn Độ. Văn vần này được gọi là ‘sloka, trong Phật giáo thường gọi là thi kệ. Một ‘Sloka gồm 2 dòng, 4 pāda (bốn cú); mỗi pāda gồm 8 âm tiết. Như vậy, mỗi bán ‘Sloka gồm 16 âm tiết và một ‘Sloka hoàn chỉnh có 32 âm tiết. Hai bộ sử thi lớn của Ấn Độ Mahābhārata và Rāmāyana đều được viết thể thể văn vần ‘Sloka. Nền văn học đầu tiên của Phật giáo Đại thừa là nền văn học Bát-nhã (prajñāpāramitā) cũng được kết tập theo thể văn vần ‘Sloka; và, chúng taBát thiên tụng Bát-nhã (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā), Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã (Pancavimsatsāhasrikā Prajñāpāramitā) cũng được kết tập theo dạng văn vần ‘Sloka. Nhưng khi dịch sang Hán ngữ tất cả đều được chuyển thành tản văn hay văn trường hàng; đó là một sự thay đổi rất lớn so với nguyên bản xuất phát từ Ấn Độ. Các Gāthā (thơ kệ) lần đầu tiên không phải xuất hiện trong Phật giáo, nó nằm trong những câu xướng mang tính tôn giáo được các tín đồ của đạo thờ lửa (Zoroastrian - Bái hỏa giáo) sử dụng và sự xuất hiện sớm nhất của nó có thể nhận biết là trong Rig Veda. Vậy thì, với cái gọi là thể tài kinh điển Phật giáo được nêu ở trên nên được hiểu như thế nào cho hoàn toàn đúng với tinh thần đây là một văn bản văn học? Chúng tôi cho rằng, đây là sự tự phân loại theo lối suy nghĩ của người Trung Quốc chứ không thực sự đúng với tinh thần Phật giáo Ấn Độ. Ở đây không bàn sâu về vấn đề nguồn gốc việc phân chia thể loại văn bản văn học Phật điển; những điều được nêu ra ở đây mục đích là để chúng ta thấy được rằng: cần phải có những suy nghĩ vượt qua những lối mòn định kiến có nguồn gốc từ Trung Quốc về văn học Phật giáo. Nếu không như vậy thì chúng ta sẽ mãi chạy theo lối mòn dùng những suy nghĩ, tư tưởng của người Trung Quốc để đọc và hiểu về kinh điển Phật giáo. Đó là một sự thiếu sót không hề nhỏ.

Như đã nêu ở trên, một văn bản văn học khi trở thành một tác phẩm văn học thì cần phải có các yếu tố không thể bỏ qua, đó là đề tài tác phẩm, chủ đề tác phẩm. Đề tài và chủ đề trong một tác phẩm văn học là gì?

Đề tài của tác phẩm là một phương diện nội dung của tác phẩm, là đối tượng đã được nhận thức, là kết quả lựa chọn, tư duy của tác giả9 và được gắn liền với dụng ý, thế giới quan, lập trường tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ của tác giả10. Có thể nói, đề tài là khái niệm trung gian giữa thế giới hiện thực được thẩm mỹ hóa trong tác phẩmhiện thực cuộc sống. Để xác định đề tài, người ta căn cứ trên hai phương diện: bên ngoài và bên trong. Ở phương diện bên ngoài đó là sự liên hệ thuần túy đến phạm vi hiện thựctác phẩm phản ánh. Ở đây, sự xác định đề tài thường dựa trên cơ sở các phạm trù lịch sử-xã hội. Và, như vậy thì khi nói đến đề tài tác phẩm, không chỉ nói đến một đề tài mà là một hệ thống đề tài liên quan nhau, bổ sung cho nhau để tạo thành đề tài của tác phẩm. Chủ đềvấn đề cơ bản, vấn đề trung tâm được tác giả nêu lên, đặt ra qua nội dung cụ thể tác phẩm văn học. Nếu đề tài giúp ta xác định: tác phẩm viết về cái gì? thì chủ đề là đáp án câu hỏi: vấn đề cơ bản của tác phẩm là gì? Nói cách khác, chủ đềtư tưởng hạt nhân cơ bản của nội dung của tác phẩm11, là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm và cho là quan trọng nhất.

Từ hai yếu tố này sẽ dẫn đến việc ta lựa chọn phương thức nào để thể hiện đề tài và chủ đề đó. Cái gọi là phương thức này, lý luận văn học gọi là thể của thể loại [loại] văn học như đã được đề cập ở trên. Cho nên, 12 hoặc 9 thể tài kinh điển Phật giáo, theo chúng tôi nên được gọi là đề tài trong văn học Phật giáo. Khi ấy trong mỗi đề tài sẽ có nhiều chủ đề khác nhau. Còn, dạng thức thể hiện các đề tài, chủ đề ấy trong văn học Phật giáo chỉ bao gồm các thể văn vần (‘Sloka), Sử thi (Anh hùng ca), truyện cổ tích. Và cuối cùng văn học Phật giáo sẽ chỉ có 3 loại đó là Kinh, Luật và Luận. Điều này đã được Thiền sư Nhất Hạnh đề cập đến trong Những con đường đưa về núi Thứu. Tác giả cho rằng: Trong kho tàng văn học Phật giáo có ba thể tài (ba thể loại): Kinh là thể tài thứ nhất của văn học Phật giáo; Luật là thể tài thứ hai (nền văn học vinaya tức luật, cũng rất giàu có) và phần thứ ba là Luận (Abhidharma)12.

3.  Vậy, phân loại thể loại văn họcgiá trị gì trong việc tiếp nhận văn học? Trong lý luận văn học, việc phân loại thể loại văn họcvai trò rất quan trọng không những đối với người sáng tác mà cả người tiếp nhận. Đối với người sáng tác, mỗi thể loại khi đã hình thành nghĩa là đã khơi một dòng cảm xúc cho những người đến sau. Người đến sau ở đây không ai khác chính là những văn sĩ, những người sáng tác nghệ thuật. Những người này, khi cảm xúc tràn đầy, suy nghĩ đầu tiên là viết cái gì, viết như thế nào… thì ngay lúc ấy vấn đề lựa chọn thể loại được đặt ra. Ví dụ, khi đã chọn được là thể loại thơ rồi thì lại chọn tiếp theo thể thơ nào? cổ phong hay đường luật, lục bát hay thơ văn xuôi?… cứ thế tiếp diễn đến khi hoàn thành tác phẩm thơ của mình. Thể loại không phải là yếu tố nằm ngoài nhà văn mà nằm trong ý thức nghệ thuật, trong cơ cấu cảm xúc của tác giả, đặc điểm này gọi là “tư duy thể loại”. Chính đặc điểm tư duy thể loại này đã giúp cho tác giả nhanh chóng tìm ra được sự ăn nhịp giữa chất liệu đời sốngngôn ngữ thể loại. Do vậy, người sáng tác ở những lần đầu buộc phải thuộc rất nhiều thơ, thuộc nhiều thể loại văn học của các tác giả lớn đi trước.

Đối với người thưởng thức, phê bình; để có thể cảm nhận được tất cả những giá trị thẩm mỹ cũng như tiếp cận được chính xác nội dung tác phẩm thì người thưởng thức, phê bình cần phải tuân theo quy tắc thể loại, không thể thưởng thức hoặc phê bình một cách lệch pha. Ví dụ, để thưởng thức một bài thơ thì chúng ta phải biết đặc điểm của thể loại thể, chú ý đến vẻ đẹp âm thanh, nhịp điệu [tính nhạc trong thơ], tình cảm, ý tứ sâu xa. Đọc một thiên tiểu thuyết thì chúng ta cần phải biết đến nhân vật, cốt truyện, tâm lý, các chi tiết ngoại hình, mối quan hệ nhân vật với hoàn cảnh, kết cấu của trần thuật… Cho nên không thể dùng con mắt thơ để đọc tiểu thuyết hoặc ngược lại, nếu làm như vậy thì sẽ không lĩnh hội được vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm, đôi khi còn dẫn đến những sự cố ngây ngô buồn cười.

Trong Phật giáo, hiện tượng đọc nhầm thể loại diễn ra tương đối nhiều; chúng ta hay dùng các quy tắc, kiến giải của luận để đọc kinh, dẫn đến hiểu sai ý nghĩa kinh. Ví dụ, chúng ta vẫn thường hay nói và được nghe: Tứ diệu đế hoặc Bát chánh đạo. Luôn cho rằng, Tứ diệu đế là bốn chân lý vi diệu, Bát chánh đạo là tám con đường chân chánh; cách hiểu này là cách hiểu của luận. Trong kinh Phật không có thuật ngữ nào là Tứ diệu đếBát chánh đạo; các thuật ngữ này chính xácTứ Thánh đế (catvāry āryasatyāni) và Bát Thánh đạo (Ārya ‘ṣṭāṅga mārgaḥ). Theo đó, Tứ Thánh đế là bốn sự thật mà chỉ bậc Thánh mới có thể như thật liễu tri hoặc tuệ tri; hoặc, đây là bốn sự thật mà bất cứ ai muốn đạt đến, chứng ngộ, thể nhập thánh vị cũng cần phải như thật liễu tri hoặc tuệ tri. Bát Thánh đạo (Ārya ‘ṣṭāṅga mārgaḥ) là tám con đường, tám phương hướng dẫn dắt chúng sanh trở thành một vị thánh. Kinh Tương Ưng Bộ, thiên Đại phẩm, Tương ưng đạo, Đức Phật đã dạy rất rõ về Bát Thánh đạo này.

Do vậy cần phải đặt ngôn từ văn học trong quy luật thể loại thì mới hiểu đúng nghĩa của nó. Nếu người đọc càng hiểu rõ đặc điểm thể loại bao nhiêu thì mức độ lý giải, cảm thụ càng sâu sắc bấy nhiêu. Ví dụ, người thích đọc tiểu thuyết võ hiệp mà không quan tâm đến các thể loại khác thì khả năng lý giải sẽ rất hạn chế. Lại nữa, quan niệm về thể loại của người đọc có một sự ảnh hưởng lớn tới năng lực thưởng thức, phê bình. Ví dụ, một người thích đọc thơ lục bát, thơ Đường luật thì sẽ bị dị ứng với thể loại thơ siêu thực, tượng trưng…

4.  Chính những điều này đã cho chúng ta thấy ý nghĩavai trò của việc phân loại thể loại văn học; tuy nó không phải là tất cả đối với một tác phẩm văn học, nhưng nó lại là bước đầu tiên và cơ bản nhất trong việc sáng tác cũng như đọc, hiểu nội dung, ý nghĩa của một tác phẩm văn học. Trong trường hợp này, một văn bản kinh Phật khi đã đặt vào vị trí một tác phẩm văn học cũng cần phải tuân theo các quy tắc ấy. Phải dùng và sử dụng đúng các quy tắc thể loại mà nó đang được thể hiện để đọc và hiểu nó; không nên dùng con mắt luận để đọc kinh hoặc ngược lại.

Chú thích:
1. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004)., Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế Giới, tr.1951.
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, (2006)Từ điển Thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo Dục, tr.300.
3. Aristote, Nghệ thuật thơ ca, Lưu Hiệp, Văn tâm Điêu long, Nxb Văn Học, 1999, tr.23.
4. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004), Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế Giới, tr.1598.
5. Trần Đình Sử (chủ biên) (2008), Lý luận Văn học, tập 2, Nxb Đại Học Sư Phạm, tr.239.
6. T25n1509: 大智度論釋 (Đại Trí Độ luận thích), q. 33, p-0306c16-19: 薩摩訶薩欲聞十方諸佛所說十二部經:修多 羅、祇夜、受記經、伽陀、優陀那、因緣經、阿波陀那、如 是語經、本生經、廣經、未曾有經、論議經.
7. Thích Quảng Độ (dịch) (2000), Phật Quang đại từ điển, tập 5, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, tr.5506; Nguyên Hiển (2015), Từ điển Phật học Tuệ Quang, tập 2, Nxb Phương Đông, tr.2150.
8. T26n1521_p0069b26-b28… 善說九部經法。所謂修多 羅岐夜授記伽陀憂陀那尼陀那如是諸經斐肥儸未曾有經.
9. Trần Đình Sử (chủ biên) (2008), Lý luận Văn học., tập 2, Nxb Đại Học Sư Phạm, tr.220.
10. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển Thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo Dục, tr.112.
11. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển Thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo Dục, tr.61.
12. Thích Nhất Hạnh (2013), Những con đường đưa về núi Thứu, Nxb Phương Đông, tr.6.

(Văn Hóa Phật Giáo số 260 ngày 1-11-2016)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
31/10/2010(Xem: 55283)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?