Nguyên tác: The Way of the White Clouds
Tác giả: Lama Anagarika Govinda.
Dịch giả: Nguyên Phong
Nhà xuất bản Hồng Đức
2 – Hoa sen trên tuyết
Gió lạnh rít từng cơn, mây đen vần phủ kín bầu trời xứ Tholing. Thỉng thoảng một tia chớp lóe lên soi rõ một ngôi chùa đổ nát nằm chơ vơ trên đỉnh đồi.
Ngày xưa ngôi chùa này đã từng ngôi quốc tự của xứ Tholing, một tiểu quốc nằm ở phía đông Tây Tạng những định mạng đã biến xứ này thành một miền hoang vu, không người cư ngụ và ngôi chùa cũng bị bỏ hoang từ nhiều thế kỷ nay.
Con đường mòn dẫn lên ngôi chùa đã bị cỏ mọc kín, cổng tam quan chỉ còn trơ lại mấy chiếc cột xiêu xẹo. Chiếc sân gạch bát tràng màu đỏ nay bị rêu rong bám kín trở nên một màu nâu sẫm, rải rác những pho tượng hộ pháp bị thời gian làm hư hại, đầu một nơi, mình một nẻo.
Hậu liền cũng sụp đổ gần hết chỉ còn chánh diện hoang tàn với vài pho tượng Phật là còn nguyên vẹn.
Một tiếng sấm nổ vang làm rung rinh cả mái chùa, nhiều viên ngói bị thổi bật lên rơi xuống sân vỡ nát. Chiếc xà ngang đã mục vẫn cố gắng chống đỡ mái chùa từ bao lâu nay không thể chịu đựng hơn nữa bèn nghiêng oằn xuống khiến những viên gạch còn lại đồng loạt chuyển động kêu lách cách…
Sàn chánh điện trước được lót bằng một lớp ván dầy nhưng lâu ngày không người săn sóc đã mục nát, rêu rong bám xanh rì…
Giữa những đám rêu đó có một bông hoa nhỏ bé vươn lên, một bông hoa kỳ lạ màu trắng tinh khiết. Không ai biết nó từ đâu đến, tại sao lại mọc giữa đám rong rêu bẩn thỉu như vậy!
Bông hoa vô danh run rẩy trước cơn cuồng phong mỗi ngày một mạnh, nó lo lắng nhìn lên cây xà ngang đã nghiêng hẳn xuống. Chỉ một cơn gió mạnh nữa thôi, cây xà sẽ gẫy gục và toan mái chùa sẽ sụp đổ đè nát tất cả những vật ở phía dưới…
Bông hoa vô danh nhìn lên bức tượng đức Bồ Tát Quán Thế Bồ Tát, xin ngài rủ lòng thương xót cứu cho chốn này thoát khỏi tai nạn bị hủy diệt…
Lời cầu khẩn chí thành đã cảm ứng đến đức Quán Thế Âm Bồ Tát nên ngài hiện ra trên tòa sen:
– Hỡi bông hoa nhỏ bé kia, há ngươi không biết rằng trong cõi thế giới này tất cả đều lưu chuyển biến dịch, không có gì có thể gọi là thường trụ bất biến. Có sinh ắt phải có diệt, có thành ắt phải hoại. Ngôi chùa này đã đến giai đoạn sắp bị hủy hoại thì cũng là luật vô thường mà thôi. Kiếp sống của bông hoa cũng như vậy, không thể ra ngoài bốn thời kỳ “thành, trụ, hoại, không” Thay vì lo lắng kéo dài kiếp sống, người hãy cố gắng ý thức tính chất vô thường và nhận thức thực tướng của sự vật.
Bông hoa vô danh cúi đầu đảnh lễ và thưa:
– Bạch đức Bồ Tát, con cầu nguyện không phải cho chính con. Từ khi còn là hạt giống nằm dưới kẽ nứt trong vách ván, con vẫn được nghe các vị tăng tụng kinh, nhất là bộ Bát Nhã Ba La Mật nên con ý thức được trên đời có sinh ắt có diệt, tất cả thế gian đều chỉ là huyễn không có thực. Ngay cả những bộ kinh điển quý báu chứa đựng trong chiếc hòm gỗ bên cạnh bàn thờ vì là vật hữu hình nên hữu hoại, trước có sau không, nay còn mai mất, không thể bền vững lâu dài. Nhưng con biết bộ kinh quý báu này đã được cất giữ nơi đây từ nhiều thế kỷ chưa truyền ra bên ngoài nên con cầu nguyện rằng hãy để cho những bộ kinh đó làm tròn xứ mạng mà chúng được giao phó. Mặc dù lúc này đa số nhân loại đang bị màn vô minh che phủ, chìm đắm trong dục vọng điên cuồng nhưng vẫn có một số ít người chỉ bị một chút bụi bám vào mắt. Chỉ cần một chút ánh sáng soi rõ có thể làm họ quay đầu tỉnh ngộ… Vì lý do này nên con cầu xin chư Phật rủ lòng thương xót cho truyền bá bộ kinh quý báu này ra ngoài cho thế gian…
Đức Bồ Tát Thế Âm nghe xong rất lấy làm hài lòng. Ngài quay lại đảnh lễ đức Phật Thích Ca và nhắc lại lời cầu khẩn của bông hoa vô danh. Đức Phật Thích Ca nở một nụ cười hoan hỉ:
– Lành thay, bông hoa nhỏ bé kia đã nói tất cả tâm thành của một trái tim Bồ Tát. Nó đã biết quên mình mà chỉ nghĩ đến người khác. Ngôi chùa này đáng lẽ phải bị hủy hoại, tất cả những kinh điển chất chứa nơi đây đáng lẽ ra phải chịu chung số phận nhưng ta chấp thuận lời phát tâm của bông hoa bé nhỏ mà cho phép những kinh điển đó được truyền tụng thế gian cho đến khi mục đích của những bộ kinh đó được viên mãn.
Đức Phật Thích Ca vừa dứt lời, các vị Hộ Pháp chư tôn Bồ Tát đồng thanh tuyên bố:
– Chúng ta sẽ giữ gìn ngôi chùa này khỏi nạn hủy diệt cho đến khi nó làm trọn phận sự mà đức phật Thích Ca giao phó.
Chỉ một thoáng giây, trời đất bỗng trở nên quang đãng lạ thường, cơn bão đã tan hết, vầng trăng lưỡi liềm tỏa nhẹ ánh sáng xuống xứ Tholing. Một mùi hương thơm ngát từ đồi Tsaparang thoảng đi khắp mười phương thế giới. Đức bồ Tát Quán Thế Âm mỉm cười với bông hoa vô danh:
– Lành thay, con đã phát một hạnh nguyện vô ngã, lợi tha rất lớn, từ nay ta đặt tên cho con là Tuyết Liên Hoa, một giống sen vô cùng qúy báu chỉ mọc tại xứ Tây Tạng và những kẻ nào ngửi được mùi hương của con cũng đều phát tâm linh tấn tu hành để thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.
** *
Lạt Ma Ngawang Kalzang nhập thất đã hơn mười hai năm trong một hang đá hẻo lánh. Không ai biết ngài là ai, không ai nghe đến tên ngài. Ngài chỉ là một trong hàng ngàn tu sĩ sau một thời gian tu học trong tu viện đã phát nguyện tu nhập thất.
Thế gian đã quên ngài nhưng ngài không quên thế gian. Ngài đã đạt đến trạng thái tâm vô phân biệt, không còn thấy thế gian và ngài có sự sai khác nữa. Nếu có quên thì có lẽ ngài đã quên chính mình, đã đạt đến trạng thái Vô Ngã (egolessness) hòa đồng với bản thể của mọi vật, mình và mọi vật đều là một.
Trong lúc tu thiền, chỉ có một vài thú rừng đến quấn quýt chung quanh còn ngoài ra tất cả hoàn toàn vắng lặng. Gần như không ai đặt chân đến khe núi hiểm trở hoang vu này vì đường vào khe núi đã bị đá đổ xuống lấp kín lối vào. Đêm hôm đó, một luồng sét ở đâu bỗng xẹt trúng tảng đá, đánh bật nó qua một bên…
Hôm sau, một người chăn dê đi ngang qua khe núi. Đang mải miết đi, bỗng anh nghe thấy tiếng mõ nhịp đều đặn, thỉnh thoảng lại điểm một tiếng chuông. Lúc đầu, người chăn dê hoảng sợ, vì tại sao giữa chốn hoang vu thế này lại có tiếng mõ? Mà âm thanh nghe sao lâng lâng thoát tục không giống như những tiếng mõ thông thường. Trí tò mò thúc giục anh lần bước theo tiếng mõ vào khe núi cho đến khi đến trước một hang động thì âm thanh chợt im bặt.
Người chăn dê vội vã chạy về làng báo tin. Dân làng không ngờ trong khe núi hiểm trở hoang vu lại có một vị Lạt Ma ẩn tu từ bao năm nay. Truyền thống Tây Tạng rất kính ngưỡng những bậc tu hành như vậy nên cả làng vội vã kéo đến qùy cả dưới chân ngài.
Bất cứ ai đến gần ngài cũng đều kinh nghiệm được một sự bình an vô tả… Ngay cả những người nổi tiếng nóng nảy cũng thấy lòng mình dịu lại và họ biết chắp tay cung kính ngồi yên chờ đến khi ngài giơ tay ban phép lành cho họ.
Tiếng đồn về vị Lạt Ma có khả năng mang lại sự bình an này truyền đi rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn, không những dân chúng trong làng mà cả những làng mạc kế cận đều đổ xô đến khe núi hiểm trở. Dĩ nhiên không phải người nào cũng có thể trèo lên những vách đá gần như dựng đứng như vậy nên người ta đã xin ngài vui lòng qúa bộ về làng để tất cả đều có cơ hội chiêm ngưỡng và hưởng một chút lợi lạc về những bài pháp của ngài.
Lạt Ma Kalzang hiểu rằng đã đến lúc ngài phải trở lại thế gian để phổ độ chúng sinh theo đúng tôn chỉ Đại Thừa.
Trong làng chỉ có một ngôi chùa rất nhỏ nên dân chúng mời ngài tạm trú tại đó cho đến khi tìm được một ngôi chùa rộng lớn và xứng đáng hơn. Tại đây ngài bắt đầu những bài thuyết pháp ngắn nhưng dễ hiểu và gần như ai có diễm phúc nghe ngài thuyết giảng cũng đều phấn khởi phát tâm tu hành.
Vì ngôi làng này có tên là Tomo nên người ta đã gọi ngài là Tomo Geshe Rinpoche hay hòa thượng làng Tomo (chữ Geshe có thể tạm dịch là hòa thượng, một chức vị rất được tôn kính. Rinpoche có nghĩa là sư trưởng, người đứng đầu một tu viện).
Tin một hòa thượng nổi tiếng xuất hiện tại làng Tomo truyền về thủ đô Lhassa. Đức Đạt Lai Lạt Ma, người cầm quyền tối cao kiêm lãnh đạo tinh thần xứ Tây Tạng lập tức cho triệu ngay một phái đoàn tăng sĩ đi điều tra xem thực hư thế nào. Phái đoàn đã đến gặp Tomo Geshe, nghe vị này thuyết pháp và trở về báo cáo với đức Đạt Lạt Ma rằng hòa thượng làng Tomo quả thật là một vị cao tăng chân chính. Họ đề nghị phải tìm cho ngài một ngôi chùa khác to lớn, xứng đáng với địa vị của một vị tu hành như vậy.
Những các ngôi chùa lớn đều có các vị trụ trì, việc xây cất một ngôi chùa mới cũng phải mất một thời gian nên hội đồng tăng sĩ đã đề nghị tu bổ một ngôi chùa cổ đã bị bỏ hoang từ nhiều thế kỷ nay để ngài về đó trụ trì.
Khi Tomo Geshe bước chân đến trước đồi Tsaparang, ngài chợt nhìn thấy một đám mây ngũ sắc rất lớn bao phủ chúng quanh ngọn đồi, chính giữa đám mây có một bông hoa sen với những cánh trắng tinh khiết đang tỏa ra những ánh sáng chói lọi như cầu vồng. Linh ảnh này hiện ra rõ rệt trước mắt Tomo Geshe và những tu sĩ trong phái đoàn, họ đứng lặng yên chiêm ngưỡng cảnh tượng huy hoàng này cho đến khi nó biến mất.
Tomo Geshe bèn cho vẽ lại hình ảnh này trên bức tường chánh điện của ngôi chùa, về sau rất nhiều chùa khác cũng đã họa lại bức tranh này. Bức “Hoa sen và những đám mây ngũ sắc” là một trong những bức họa nổi tiếng nhất của Tây Tạng ngày nay.
Khi khởi công tu bổ lại ngôi chùa, người ta đã tìm thấy được một chiếc hòm gỗ trong để nhiều bộ kinh rất cổ được bọc bằng lụa quý: Khi vừa mở bộ kinh này ra, hòa thượng Tomo bỗng thấy một ánh hoà quang sán rực bay vút lên trời tỏa ra khắp mười phương, ngài hiểu ngay rằng mình đã được giao phó một trọng trách việc hoằng dương giáo pháp, không riêng tại Tây Tạng mà còn nhiều nơi khác…
Sau một thời gian trụ trì tại đây, ngài đã lên đường đi khắp các nước chung quanh dãy Tuyết Sơn. Bất cứ nơi nào đi qua, ngài cũng đều truyền bá những tư tưởng chân chính, cao thượng và khuyến khích việc tu học cho những ai muốn cất bước tìm đường ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.