Phần 03

04/06/201112:00 SA(Xem: 8449)
Phần 03

THIỀN SƯ VIỆT NAM

Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh 1992


Thiền Sư VIÊN CHIẾU
(999 - 1090)-(Đời thứ 7, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Mai tên Trực, quê ở Phước Đường, Long Đàm, là con người anh bà Linh Cảm thái hậu vợ vua Lý Thái Tông. Thuở nhỏ Sư rất thông minh và hiếu học, nghe ở chùa Mật Nghiêm trong bản quận có vị trưởng lão giỏi về tướng số liền đến nhờ xem. Trưởng lão xem xong bảo:
- Ngươi có duyên với Phật pháp, nếu xuất gia sẽ là vị thiện Bồ-tát, bằng không thì việc thọ yểu khó giữ.

Cảm ngộ lời đoán này, Sư từ giã cha mẹ đến ấp Tiêu Sơn thọ giáo với Trưởng lão Định Hương. Ở đây phục dịch nhiều năm để thâm nghiêm thiền học. Sư thường trì kinh Viên Giác tinh thông pháp tam quán. Một đêm, trong thiền định, Sư thấy Bồ-tát Văn Thù cầm dao mổ bụng Sư, rửa ruột và trao cho diệu dược. Từ đây, những sở tập trong tâm rõ ràng khế hợp, sâu được ngôn ngữ tam-muội, giảng kinh thuyết pháp thao thao.

Về sau, Sư tìm đến phía tả kinh đô Thăng Long dựng một ngôi chùa để hiệu là Cát Tườngtrụ trì ở đó. Học giả bốn phương tìm đến tham vấn rất đông.

Có vị tăng hỏi:- Phật với Thánh nghĩa ấy thế nào?

Sư đáp:- Trùng dương cúc nở dưới rào,
 Trên cành oanh hót thanh tao dịu dàng.
 (Ly hạ trùng dương cúc, 
 Chi đầu thục khí oanh.)
Tăng thưa:- Cảm tạ Thầy chỉ dạy, học nhân chẳng hội, xin lại nêu bày ra?
Sư đáp:- Ngày thì vầng nhật chiếu,
 Đêm đến ánh trăng soi.
 (Trú tắc kim ô chiếu,
 Dạ lai ngọc thố minh.)
Tăng hỏi:- Đã được chân chỉ của Thầy, còn huyền cơ thì dạy thế nào?
Sư đáp:- Bưng thau nước đầy không chú ý,
 Một lúc sẩy chân hối ích gì.
 (Bất thận thủy bàn kình mãn khứ, 
 Nhất tao tha điệt hối hà chi.)
Tăng hỏi:- Tất cả chúng sanh từ đâu mà đến? Sau khi chết đi về đâu?
Sư đáp:- Rùa mù dùi vách đá,
 Trạnh què trèo núi cao.
 (Manh qui xuyên thạch bích,
 Ba miết thướng cao sơn.)
- Tâm và pháp cả hai đều quên, tánh tức chân; thế nào là chân?
Sư đáp:- Hoa núi mưa sa, thần nữ khóc,
 Tre sân gió thổi, Bá Nha đờn.
 (Vũ trích nham hoa thần nữ lệ, 
 Phong xao đình trúc Bá Nha cầm.)
*
* *

Sư có soạn “Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn”, vua Lý Nhân Tông đưa bản thảo cho sứ thần sang Trung Hoa dâng vua Triết Tông nhà Tống. Vua Triết Tông trao cho các vị Cao tọa pháp sư ở chùa Tướng Quốc xem. Xem xong, các Ngài tâu vua Tống rằng:

- Đây là nhục thân Bồ-tát ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi đâu dám thêm bớt chữ nào.

Vua Tống liền sắc sao lại một bản, bản chính trả lại cho vua ta. Sứ thần về kinh tâu lại, triều đình càng kính nể và khen thưởng Sư.
*
* *
Tháng 9 năm Quảng Hựu thứ sáu (1090) đời Lý Nhân Tông, Sư không bệnh gọi môn đồ vào dạy:

- Trong thân ta đây, xương lóng gân mạch, bốn đại hòa hợp, ắt phải vô thường. Ví như ngôi nhà khi hoại, nóc mái, xà ngang đều rơi rớt. Tạm biệt các ngươi, hãy nghe ta nói kệ:
 Thân như tường vách đã lung lay,
 Đau đáu người đời luống xót thay.
 Nếu đạt tâm không, không tướng sắc,
 Sắc không ẩn hiện, mặc vần xoay.
 (Thân như tường bích dĩ đồi thì
 Cử thế thông thông thục bất bi.
 Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
 Sắc không ẩn hiển nhậm suy di.)

Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ 92 tuổi, 56 tuổi hạ.

Tác phẩm gồm có:
 - Tán Viên Giác Kinh.
 - Thập Nhị Bồ-tát Hạnh Tu Chứng Đạo Tràng.
 - Tham Đồ Hiển Quyết 1 quyển.
 - Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn.
?
Phiên âm: THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT

Nhất nhật, đường tiền tọa thứ, hốt hữu tăng vấn:
- Phật chi dữ Thánh, kỳ nghĩa vân hà?
Sư vân:Ly hạ trùng dương cúc, 
 Chi đầu thục khí oanh.
Tiến vân: Tạ! Học nhân bất hội, thỉnh tái chỉ thị.
Sư vân:Trú tắc kim ô chiếu,
 Dạ lai ngọc thố minh.
Tăng hựu vấn:Dĩ hoạch sư chân chỉ
 Huyền cơ thị như hà?
Sư vân:Bất thận thủy bàn kình mãn khứ.
 Nhất tao tha điệt hối hà chi!
Tiến vân: Tạ!
Sư chỉ vân:Mạc trạc giang ba nịch,
 Thân lai khước tự trầm.
Tăng hựu vấn: Thiếu thất, Ma-kiệt tối huyền, tự cổ vu kim thùy kế tương vi chủ?
Sư vân:U minh càn tượng nhân ô thố,
 Khuất khúc khôn duy vị Nhạc, Hoài.
Hựu vấn:Như hà thị đại đạo,
 Căn nguyên nhất lộ hành?
Sư vân:Cao ngạn tật phong tri kính thảo,
 Bang gia bản đãng thức trung lương.
Hựu vấn:Nhất thiết chúng sanh tòng hà nhi lai,
 Bách niên chi hậu tòng hà nhi khứ?
Sư vân:Manh qui xuyên thạch bích,
 Bả miết thướng cao sơn.
Hựu vấn: “Thanh thanh thúy trúc tận chân như.” Như hà thị chân như dụng?
Sư vân:Tặng quân thiên lý viễn,
 Tiếu bả nhất âu trà.
Tiến vân:Nhậm ma tức “không lai hà ích”?
Sư vân:Thùy thức Đông A khứ,
 Đồ trung tái bạch đầu.
Hựu vấn:Dã hiên nhất thâm hộ,
 Thùy thức đẳng nhàn xao?
Sư vân:Kim cốc tiêu sơ hoa thảo loạn,
 Nhi kim hôn hiểu nhậm ngưu dương.
Tiến vân:Vi thập ma như thử?
Sư vân:Phú quí kiêm kiêu thái,
 Phiên linh bại thị lâu.
Hựu vấn: Long nữ hiến châu thành Phật quả,
 Đàn na xả thí phúc như hà?
Sư vân:Vạn cổ nguyệt trung quế,
 Phù sơ tại nhất luân.
Tiến vân:Nhậm ma tức lao nhi vô công?
Sư vân:Thiên thượng như huyền kính,
 Nhân gian xứ xứ thông.
Hựu vấn:“Độ hà tu dụng phiệt,
 Đáo ngạn bất tu thuyền.”
 Bất độ thời như hà?
Sư vân:Hạc trì ngư tại lục,
 Hoạch hoạt vạn niên xuân.
Tiến vân: Nhậm ma tức “tùy lưu thủy hoạch diệu lý”ù?
Sư vân:Kiến thuyết Kinh Kha lữ,
 Nhất hành cánh bất hồi.
Hựu vấn:Kim khoáng hỗn giao nguyên nhất khí,
 Thỉnh Sư phương tiện luyện tinh hình.
Sư vân:Bất thị Tề quân khách,
 Na tri hải đại ngư?
Tiến vân:Quách quân nhược bất nạp
 Gián ngữ diệc hề vi?
Sư vân:Nhược dục tiên đề ẩm,
 Hưu vi xảo họa xà.
Hựu vấn: Xà tử ư lộ thỉnh Sư cứu hoạt.
Sư vân: Nhữ thị hà phương nhân?
Tăng viết:Bản lai sơn nhân.
Sư vân:Tốc hồi cựu nham ẩn,
 Mạc kiến Hứa Chân Quân.
Hựu vấn: Hải tạng thao thao ưng bất vấn,
 Tào Khê trích trích thị như hà?
vân:Phong tiền tùng hạ thê lương vận,
 Vũ hậu đồ trung thiển trọc nê.
Tiến vân: Nhậm ma tức bất dị kim thời dã?
Sư vân:Ly hạ trùng dương cúc,
 Chi đầu noãn nhật oanh.
Hựu vấn:Chiêu chiêu tâm mục chi gian,
 Lãng lãng sắc thân chi nội.
Nhi lý bất khả phân, tướng bất khả đổ, vi thập ma bất đổ?
Sư vân:Uyển trung hoa lạn mạn,
 Ngạn thượng thảo ly phi.
Tiến vân:Tuế hàn quần miêu lạc,
 Hà dĩ khả tuyên dương.
Sư vân:Hỉ quân lai tự đạt,
 Bất diệc thả hoan ngu.
 Tiến vân:Hạnh văn kim nhật quyết
 Tòng thử miễn hốt vô.
Sư vân:Thiển nịch tài đề xuất,
 Hồi đầu vạn trượng đàm.
Hựu vấn: “Niết-bàn thành nội thượng do nguy.” Như hà thị bất nguy chi xứ?
Sư vân:Doanh sào liêm mạc thượng,
 Mấn phát vi thiều hành.
Tiến vân:Nhược tao thời bách cận,
 Lưỡng xứ thị hà vi?
Sư vân:Trượng phu tùy phóng đãng,
 Phong nguyệt thả tiêu dao.
Hựu vấn:“Nhất thiết chúng sanh
 Giai ngôn thị Phật.”
 Thử lý vị minh,
 Thỉnh Sư thùy thị.
Sư vân:Khuyến quân thả vụ nông tang khứ,
 Mạc học tha nhân đãi thố lao.
Tiến vân:Hạnh mông Sư hiển quyết,
 Chung bất hướng tha cầu.
Sư vân:Khả lân tao nhất yết,
 Cơ tọa khước vong xan.
Hựu vấn:Kỷ niên đa tích nang trung bảo,
 Kim nhật đương trường địch diện tiền.
Sư vân:Chỉ đãi trung thu nguyệt,
 Khước tao vân vũ xâm.
Tiến vân:Tuy văn Sư ngữ thuyết,
 Thử lý vị phân minh.
Sư vân:Tiếu tha đồ bảo trụ,
 Nịch tử hướng trung lưu.
Hựu vấn: Như hà thị nhất pháp?
Sư vân:Bất kiến xuân sinh kiêm hạ trưởng,
 Hựu phùng thu thục cập đông tàng.
Tiến vân: Nhậm ma tức thành Phật đa dã?
Sư vân:Tổ Long khu tự chỉ,
 Từ Phúc viễn đồ lao.
Hựu vấn: “Kiến tánh thành Phật”, kỳ nghĩa như hà?
Sư vân:Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát,
 Phong xuy thiên lý phức thần hương.
Tiến vân: Học nhân bất hội, nguyện Sư tái chỉ.
Sư vân:Vạn niên gia tử thụ,
 Thương thúy tủng vân đoan.
Hựu vấn:Ma-ni dữ chúng sắc,
 Bất hợp bất phân ly.
Sư vân:Xuân hoa dữ hồ điệp,
 Cơ luyến cơ tương vi.
Tiến vân: Nhậm ma tức thùy tha hỗn tạp?
Sư vân:Bất thị Hồ tăng nhãn,
 Đồ lao sính biện châu.
Hựu vấn: Như hà thị xúc mục bồ-đề?
Sư vân:Kỷ kinh khúc mộc điểu, 
 Tần xuy lãnh tê nhân.
Tiến vân: Học nhân bất hội, cánh thỉnh biệt dụ.
Sư vân:Tủng nhân thính cầm hưởng,
 Manh giả vọng thiềm thừ.
Hựu vấn:Bản tự hữu hình kiêm hữu ảnh,
 Hữu thời ảnh dã ly hình phủ?
Sư vân:Chúng thủy triều Đông hề vạn phái tranh lưu,
 Quần tinh củng Bắc hề thiên cổ qui tâm.
Hựu vấn: Như hà thị “nhất cú liễu nhiên siêu bách ức”?
Sư vân: Viễn hiệp Thái sơn siêu Bắc hải,
 Ngưỡng phao trụ trượng nhập thiềm cung.
Hựu vấn:“Duy thử nhất sự thật,
 Dư nhị tắc phi chân.”
 Như hà thị chân?
Sư vân:Trượng đầu phong dị động,
 Lộ thượng vũ thành nê.
Hựu vấn:“Bất hướng Như Lai thi diệu tạng,
 Bất cầu Tổ diệm tục đăng chi.”
 Ý chỉ như hà?
Sư vân:Thu thiên đoàn thử lệ,
 Tuyết cảnh mẫu đơn khai.
Hựu vấn: Như hà thị tối diệu chi cú? 
Sư vân:Nhất nhân hướng ngung lập,
 Mãn tọa ẩm vô hoan?
Hựu vấn:Cổ kim đại sự ưng vô vấn,
 Đặc địa Tây lai ý nhược hà?
Sư vân:Xảo ngôn lệnh sắc giả,
 Toản qui đả ngõa nhân.
Hựu vấn: “Tâm pháp song vong tính tức chân.” Như hà thị “chân”?
Sư vân:Vũ trích nham hoa thần nữ lệ,
 Phong xao đình trúc Bá Nha cầm.
Hựu vấn: Như hà thị tối diệu chi cú?
Sư vân:Hầu lý do tồn ngạnh,
 Thường cư bất khoái nhiên.
Hựu vấn: Hữu tu hữu chứng khai tứ bệnh,
 Xuất đầu hà khả thoát trần lung.
Sư vân:Sơn cao cánh đại dung trần trữ,
 Hải khoát năng thâm nạp tế lưu.
Hựu vấn:“Duy Phật dữ Phật nãi tri tư sự.” Như hà thị “tư sự”?
Sư vân:Giáp kính sâm sâm trúc,
 Phong xuy khúc tự thành.
Hựu vấn:Bất dụng bình thường, bất dụng thiên nhiên, bất dụng tác dụng nhi kim tác thập ma?
Sư vân:Bồng thảo thê đê yến,
 Thương minh ẩn cự lân.
Hựu vấn:Tứ đại đới lai do khoáng kiếp,
 Thỉnh Sư phương tiện xuất luân hồi.
Sư vân:Cử thế súc đồ tê thị bảo,
 Thực ư kinh cức ngọa ư nê.
Hựu vấn:“Chủng chủng thủ xả, giai thị luân hồi.” Bất thủ bất xả thời như hà?
Sư vân:Tòng lai hồng hiện thù thường sắc,
 Hữu diệp sâm si bất hữu hoa.
Hựu vấn: “Ngôn ngữ đạo đoạn” kỳ ý như hà?
Sư vân:Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo,
 Sơn nham đới nguyệt quá tường lai.
Hựu vấn:“Chư Phật thuyết pháp giai thị hóa vật. Nhược ngộ bản ý, thị danh xuất thế.” Như hà thị “bản ý”.
Sư vân:Xuân chức hoa như cẩm,
 Thu lai diệp tợ hoàng.
Hựu vấn: Như hà thị “trực tiệt nhất lộ”?
Sư vân:Đông tây xa mã tẩu,
 Trần thổ hiểu hôn phi.
Hựu vấn:Hữu pháp hữu tâm khai vọng thức,
 Như hà tâm pháp đãng câu tiêu?
Sư vân:Khả đoạt tùng sao trường uất uất,
 Khởi ưu sương tuyết lạc phân phân.
Hựu vấn:Tổ ý dữ giáo ý như hà?
Sư vân:Hứng lai huề trượng du vân kính,
 Khốn tức thùy liêm ngọa trúc sàng.
Hựu vấn: Tổ tổ tương truyền, hợp truyền hà sự?


Sư vân:Cơ lai tu tầm thực,
 Hàn tức hướng cầu y.
Hựu vấn:Thế nhân giai nhẫm ốc, Lậu nhân hà sở tại?
Sư vân:Kim ô kiêm ngọc thố,
 Doanh trắc mạn lao phân.
Hựu vấn: Như hà thị Tào Khê nhất lộ?
Sư vân:Khả lân khắc chu khách, 
 Đáo xứ ý thông thông.
 

Dịch nghĩa:
BÀY RÕ BÍ QUYẾT CHO NGƯỜI THAM VẤN
 

Một hôm ngồi trước Tăng đường, có vị tăng hỏi: 
- Phật và Thánh khác nhau thế nào?
Sư đáp:Trùng dương cúc nở dưới rào,
 Trên cành oanh hót thanh tao dịu dàng.
Tăng thưa: Cảm tạ Thầy chỉ dạy, học nhân chẳng hội, xin lại nêu bày ra.
Sư đáp:Ngày thì vầng nhật chiếu,
 Đêm đến ánh trăng soi.
Tăng lại hỏi: Đã được chân chỉ của Thầy, còn huyền cơ thì dạy thế nào?
Sư đáp:Bưng thau nước đầy không chú ý
 Một lúc sẩy chân hối ích gì?
Tăng thưa: Đa tạ!
Sư bảo:Chớ rửa sông to sóng,
 Chính mình đến chết chìm.
Tăng hỏi: Thiếu Thất, Ma-kiệt rất huyền diệu, từ xưa đến nay ai kế thừa làm chủ?
Sư đáp:Trời tối, sáng soi nhờ nhật nguyệt,
 Đất hiểm, phân ranh có núi sông.
Tăng hỏi:Thế nào là đại đạo,
 Cội nguồn một lối đi?
Sư đáp:Gió mạnh bờ cao biết cỏ cứng,
 Nước nhà lận đận thấy tôi trung.
Hỏi: Tất cả chúng sanh từ đâu tới,
 Sau khi trăm tuổi sẽ về đâu?
Đáp: Rùa mù dùi vách đá,
 Trạnh què trèo núi cao.
Hỏi:“Trúc biếc xanh xanh trọn là chân như”, thế nào là “dụng” của chân như?
Đáp: Tặng anh đi ngàn dặm,
 Cười trao một ấm trà.
Lại thưa: Thế là uổng công đến mà vô ích?
Đáp: Ai biết được người chủ (Đông A),
 Trên đường lại bạc đầu.
Hỏi: Dã Hiên một nhà kín, 
 Ai biết gõ dễ dàng.
Đáp: Kim Cốc tiêu điều hoa cỏ loạn,
 Mà nay sớm tối mặc ngựa dê.
Hỏi: Tại sao như thế?
Đáp: Giàu sang vẫn kiêu sa,
 Khiến thành lầu chợ hoại.
Hỏi: Long nữ dâng châu thành Phật quả,
 Đàn-na bố thí phước thế nào?
Đáp: Quế trong trăng muôn thuở,
 Héo tươi tại một vầng.
Lại thưa: Thế là nhọc mà không công?
Đáp: Trên trời như treo gương,
 Nhân gian nơi nơi tỏ.
Hỏi: Qua sông cần dùng bè,
 Đến bờ thuyền bỏ lại.
 Khi không qua thì thế nào?
Đáp: Hồ khô cá mắc cạn,
 Sống được muôn năm xuân.
Lại thưa: Thế là theo dòng mới được diệu lý?
Đáp: Thấy nói bạn Kinh Kha,
 Một đi không trở lại.
Hỏi: Quặng, vàng lẫn lộn nguyên một loại,
 Thỉnh Thầy phương tiện luyện cho tinh.
Đáp: Chẳng phải khách nước Tề,
 Đâu biết cá to biển.
Lại thưa: Ông Quách chẳng chịu nhận,
 Can gián cũng làm gì?
Đáp: Nếu muốn trước uống rượu,
 Khéo vẽ rắn làm gì?
Hỏi: Rắn chết trên đường xin Thầy cứu sống?
Sư bảo: Ông là người phương nào?
Tăng thưa: Vốn là người ở núi.
Sư bảo:Núi xưa về ẩn gấp,
 Chớ thấy Hứa Chân Quân.
Hỏi: Biển cả mênh mông trọn chẳng hỏi,
 Tào Khê giọt giọt là thế nào?
Đáp: Trước gió thông reo tiếng buồn bã,
 Mưa tạnh trên đường ít bùn lầy.
Lại thưa: Thế là chẳng khác thời nay?
Đáp: Dưới giậu trùng dương cúc,
 Đầu cành xuân ấm oanh.
Hỏi: Rõ ràng trong khoảng tâm mắt,
 Sáng chói ở trong sắc thân,
lý không thể phân, tướng không thể thấy, tại sao không thấy?
Đáp: Trong vườn hoa khoe sắc,
 Trên bờ cỏ xanh rì.
Hỏi: Năm lạnh các mầm thối,
 Lấy gì để khoe xinh.
Đáp: Mừng ông đã thấu suốt,
 Cũng chẳng vui hay sao.
Tăng nói:Hân hạnh nghe Thầy giải,
 Từ đây khỏi chợt không.
Sư đáp:Chìm cạn vừa ra khỏi,
 Quay đầu muôn trượng đầm.
Hỏi: “Trong thành Niết-bàn vẫn còn nguy”, thế nào là chỗ chẳng nguy?
Đáp: Xây tổ trên rèm cháy,
 Râu tóc cọng hoa lau.
Hỏi: Nếu gặp khi bức bách,
 Hai chỗ là làm gì?
Đáp: Trượng phu tùy thong thả,
 Gió trăng mặc tiêu dao.
Hỏi: “Tất cả chúng sanh đều nói là Phật,”
 Lý này chưa rõ xin Thầy chỉ dạy?
Đáp: Khuyên ông hãy gắng việc nông tang,
 Chớ học theo người đợi thỏ nhọc.
Tăng nói:Được nhờ Thầy chỉ rõ,
 Trọn chẳng đến ai cầu.
Sư nói:Đáng thương người mắc nghẹn,
 Ngồi đói lại quên ăn.
Tăng nói:Nhiều năm cất giấu báu trong đãy,
 Ngày nay trước mắt thấy rõ ràng.
Sư nói:Chỉ đợi trăng thu sáng,
 Đâu ngờ mây mưa che.
Tăng nói:Tuy nghe Thầy thuyết giảng,
 Lý nầy vẫn chưa rành.
Sư đáp:Cười kẻ luống ôm cột,
 Chết đuối nằm giữa dòng.
Hỏi: Thế nào là một pháp?
Đáp: Chẳng thấy xuân sanh cùng hạ trưởng,
 Lại gặp thu chín và đông thâu.
Lại thưa: Thế là nhiều người thành Phật?
Đáp: Tổ Long chợt tự dừng,
 Từ Phúc xa luống nhọc.
Hỏi: “Kiến tánh thành Phật”, nghĩa này thế nào?
Đáp: Cây khô gặp xuân hoa đua nở, 
 Gió thổi hương thần thơm rất xa.
Tăng nói: Đệ tử chưa hiểu, xin Thầy chỉ lại.
Sư đáp: Muôn năm cây cà ấy,
 Xanh tươi thấu từng mây.
Hỏi: Ma-ni cùng các sắc,
 Chẳng hợp cũng chẳng lìa?
Đáp: Hoa xuân cùng bươm bướm,
 Lúc mến lúc chia lìa.
Hỏi: Thế là theo kia hỗn tạp?
Đáp: Chẳng phải mắt tăng Ấn,
 Luống nhọc trình biện châu.
Hỏi: Thế nào là chạm mắt Bồ-đề?
Đáp: Chim từng sợ cây cong,
 Người thổi mãi rau nguội.
Hỏi: Đệ tử chẳng hiểu, xin Thầy cho dụ khác.
Đáp: Kẻ điếc nghe đàn sáo,
 Người mù ngắm trăng lên.
Hỏi: Vốn tự có hình cùng có bóng,
 Có khi bóng cũng lìa hình chăng?
Đáp: Các sông về Đông chừ muôn dòng tranh chảy.
 Chúng sao chầu Bắc chừ ngàn xưa về tâm.
Hỏi: Thế nào là một câu sáng tỏ siêu trăm ức?
Đáp: Xa ném Thái Sơn qua biển Bắc,
 Ngước tung cây gậy đến cung trăng.
Hỏi: Chỉ một việc này là thực, còn hai ắt chẳng chân, thế nào là chân?
Đáp: Đầu gậy gió dễ động,
 Trên đường mưa thành lầy.
Hỏi: “Chẳng hướng Như Lai cầu diệu tạng,
 Không mong đuốc Tổ nối ngọn đèn.”
 Ý chỉ câu này thế nào?
Đáp: Trời thu hoàng oanh hót,
 Trong tuyết mẫu đơn xinh.
Hỏi: Thế nào là câu tuyệt diệu?
Đáp: Một người xây vách đứng,
 Cả nhà uống chẳng vui.
Hỏi: Cổ kim việc lớn thôi không hỏi,
 Chỉ chuyện Tây lai ý thế nào?
Đáp: Người nói khéo mặt lành,
 Kẻ dùi rùa đập ngói.
Hỏi: “Tâm pháp đều quên, tánh tức chân”, thế nào là chân?
Đáp: Hoa núi mưa sa, Thần nữ khóc,
 Tre sân gió thổi, Bá Nha đàn.
Hỏi: Thế nào là câu tuyệt diệu?
Đáp: Trong cổ vẫn còn nghẹn,
 Thường ở chỗ bất an.
Hỏi: Còn tu còn chứng sanh bốn bệnh,
 Xuất đầu sao được thoát lồng trần?
Đáp: Núi cao lại lớn dung chứa bụi, 
 Bể cả càng sâu nhận các dòng.
Hỏi: “Chỉ Phật với Phật mới biết việc này”, thế nào là việc này?
Đáp: Đường hẹp trúc um tùm, 
 Gió thổi thành khúc nhạc.
Hỏi: Chẳng dùng bình thường, chẳng dùng thiên nhiên, chẳng dùng tác dụng, thì nay phải làm sao?
Đáp: Cỏ bồng chim én đậu,
 Biển cả náu cá kình.
Hỏi: Tứ đại đeo mang đã nhiều kiếp, 
 Thỉnh Thầy phương tiện thoát luân hồi?
Đáp: Tất cả súc sanh tê giác quí,
 Ăn toàn gai góc, ngủ trong bùn.
Hỏi: “Các thứ thủ xả đều là luân hồi”, khi không thủ không xả thì sao?
Đáp: Xưa nay sam tía sắc thường khác,
 So le cành lá chẳng có hoa.
Hỏi: “Đường ngôn ngữ dứt” là ý thế nào?
Đáp: Gió thổi tiếng còi xuyên trúc đến,
 Đầu non mang nguyệt vượt tường sang.
Hỏi: “Chư Phật thuyết pháp đều nhằm giáo hóa mọi người, nếu ngộ bản ý gọi là xuất thế”, sao gọi là bản ý?
Đáp: Xuân dệt hoa như gấm,
 Thu sang lá tợ vàng.
Hỏi: Thế nào là một đường thẳng đứt?
Đáp: Đông Tây xe ngựa chạy,
 Sớm tối bụi mù bay.
Hỏi: Có pháp, có tâm mở vọng thức,
 Làm sao tâm pháp thảy tiêu vong?
Đáp: Vượt được tùng cao che rợp rợp,
 Đâu lo sương tuyết rớt bời bời.
Hỏi: Ý Tổ cùng ý kinh thế nào?
Đáp: Hứng lên xách gậy chơi đường núi,
 Nhọc tức xổ rèm nằm chõng tre.
Hỏi: Tổ Tổ truyền nhau là truyền việc gì?
Đáp: Đói đến cần tìm ăn,
 Lạnh về phải mặc áo.
Hỏi: Người đời đều thuê nhà,
 Nhà dột ở chỗ nào?
Đáp: Quạ vàng cùng thỏ bạc,
 Đầy vơi chớ bận lòng.
Hỏi: Thế nào là một con đường Tào Khê?
Đáp: Đáng thương kẻ khắc thuyền.
 Đến chốn ý lăng xăng.
 

Thiền Sư CỨU CHỈ
(Đời thứ 7, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Đàm, quê ở làng Phù Đàm, phủ Chu Minh. Thuở nhỏ Sư rất ham học, đọc suốt các sách Tam giáo. Một hôm, Sư tự than :

“Khổng và Mặc câu chấp về lẽ có, Lão và Trang đắm đuối về lẽ không, những sách thế tục chẳng phải phương pháp giải thoát. Chỉ có Phật giáo chẳng kể có hay không, có thể liễu thoát sanh tử, nhưng phải siêng năng tu trì giữ giới thanh tịnh và tìm thiện tri thức ấn chứng mới được.”

Nhân đó Sư xả tục xuất gia, tìm đến Ấp Sơn, chùa Cảm Ứng xin làm đệ tử Trưởng Lão Định Hương.
Giờ tham thỉnh, Sư hỏi:- Thế nào là nghĩa cứu cánh ?
Trưởng Lão im lặng giây lâu, hỏi lại Sư:- Hiểu chưa ?
Sư thưa:- Chưa hiểu.
Trưởng Lão bảo:- Ta đã cho ngươi nghĩa cứu cánh.
suy nghĩ.
Trưởng Lão bảo:- Lầm qua rồi!
Ngay câu nói này, Sư thấu triệt ý chỉ. Nhân đó Trưởng Lão đặt tên Sư là Cứu Chỉ.
*
* *
Sau, Sư lên chùa Quang Minh, núi Tiên Du (Bắc Ninh) ở luôn trong đó chuyên tu hạnh Đầu-đà, trọn năm không bước chân xuống núi. Tiếng đồn tới kinh đô, vua Lý Thái Tông cho mời mấy phen mà Sư không đến. Đích thân vua ba lần đến chùa Sư thưa hỏi. Thái sư Lương Văn Nhậm rất kính trọng Sư.
*
Khoảng niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1059), Tể tướng Dương Đạo Gia lập chùa Diên Linh trên núi Long Đội, Yên Lãng thỉnh Sư trụ trì. Cố từ chối mà không được, Sư đành hạ sơn. Ngày ra đi, Sư nói: “Ta chẳng trở lại đây nữa.” Cầm thú trong núi kêu buồn suốt ba tuần mà chưa dứt.
*
* *
Trụ trì chùa Diên Linh được ba năm, khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), Sư sắp tịch, bèn gọi môn đồ đến dạy:
- Phàm tất cả các pháp môn vốn từ tánh của các ngươi, tánh tất cả các pháp vốn từ tâm của các ngươi. Tâm pháp nhất như, vốn không hai pháp. Phiền não trói buộc, tất cả đều không. Tội phước phải quấy, tất cả đều huyễn. Không cái nào chẳng phải quả, chẳng phải nhân. Không nên ở trong nghiệp mà phân biệt báo, không nên ở trong báo mà phân biệt nghiệp, nếu có phân biệt thì chẳng tự tại. Tuy thấy tất cả pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tất cả pháp mà không có chỗ biết. Biết tất cả pháp lấy nhân duyên làm gốc. Thấy tất cả pháp lấy chánh chân làm tông. Tuy chuyên nơi thật tế mà rõ thế gian đều như biến hóa. Rõ thấu chúng sanh chỉ là một pháp, không có hai pháp. Chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo, ở trong cõi hữu vi hiện bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tướng vô vi là do hết dục, dứt ngã, quên niệm mà nhận lấy vậy.
Sư nói kệ:
 Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên,
 Thần thông các tướng biến hiện tiền.
 Hữu vi vô vi từ đây có,
 Thế giới hà sa không thể lường.
 Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không,
 Mỗi mỗi xem ra chẳng tướng hình.
 Muôn đời ngàn đời nào sánh được,
 Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời.
 (Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch
 Thần thông biến hóa hiện chư tướng
 Hữu vi vô vi tùng thử xuất
 Hà sa thế giới bất khả lượng.
 Tuy nhiên biến mãn hư không giới
 Nhất nhất quan lai một hình trạng.
 Thiên cổ vạn cổ nan tỷ huống
 Giới giới xứ xứ thường lãng lãng.)
Nói xong, Sư ngồi yên thị tịch.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/11/2019(Xem: 8343)
20/12/2021(Xem: 2256)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.