Trần Nhu
CHÂN LÝ BÌNH ĐẲNG
“Chúng ta sinh ra đều bình đẳng” và tự do như nhau, giá trị như nhau. Dẫu câu nói đó có nghĩa như thế nào về mặt xã hội và lịch sử, nó thực sự ứng dụng đến đâu, ở hoàn cảnh nào trong mỗi quốc gia?
Nói nhân quyền, nhân bản, nhân sinh, từ ái đến mức nào? Hay chỉ là trò xảo thuật, hoặc tuồng kịch sân khấu, văn nghệ trình diễn, hoặc dùng nó làm phương tiện tuyên truyền mị dân.
Nhưng đối với Phật giáo, nó vẫn là một sự thực tuyệt đối hiển nhiên trong lĩnh vực tinh thần cũng như về mặt tâm linh.
Kinh nói “Đại nguyện bình đẳng phương tiện độ tất cả chúng sinh. Bình đẳng không hai, nguyện độ tất cả chúng sinh.” Đắc đại giải thoát, đắc đại tự tại cho đến định huệ bình đẳng đều là nghĩa này, chẳng phải là lời nói suông mà là thực tại có thể đạt được, là lý lẽ vĩnh hằng chẳng thể biến đổi. Đến kinh Pháp Hoa, Phật nói: “Như Lai ra đời khai ngộ Phật tri kiến, chứng nhập tâm bản nguyện”. Nghĩa là “Bình đẳng với ngài chớ không phải bắt chúng ta qụy lụy dưới chân ngài, van xin làm tôi mọi cho ngài”. Đây là thực nghĩa về giá trị nhân sinh theo kết quả hoán chuyển nhân bản.
Chúng sinh = Phật = Bình đẳng
Về câu nói “Tự do, bình đẳng” trước tiên là từ miệng Đức Phật Thích Ca nói ra. Về mặt lịch sử, xã hội, thì Ngài là người đầu tiên của nhân loại dẫn dắt loài người tranh thủ tự do, bình đẳng. Nhưng chúng ta cũng không quên rằng khi quy chiếu về hiệu năng, tâm Đức Phật và tất cả chúng ta là bình đẳng, nhưng không phải là đồng đẳng. Bởi do bản chất trong sạch trọn vẹn và chưa trong sạch. Còn nói về thể tánh của tâm, con người là Phật với đầy đủ tính năng của Phật, chỉ sai khác ở chỗ đã giác ngộ và chưa giác ngộ mà thôi.
Về mặt xã hội:
Quan trọng nhất trong các đổi mới mà Ngài đem lại cho cơ cấu xã hội loài người vào thời bấy giờ là sự phá tan hệ thống giai cấp rất tệ hại của truyền thống Bà-la-môn và giải phóng con người, đặc biệt là giải phóng phụ nữ. Với sự sáng suốt và lòng quả cảm hiếm có, Ngài vạch ra tính cách vô lý của những ràng buộc nghiêm khắc trong sự phân chia giai cấp và tình trạng nô lệ của con người. Với phụ nữ, Ngài phục hưng hai vấn đề tối quan trọng, ấy là trong tập tục mà tư tưởng đã thấm sâu tận xương tủy người Ấn thời bấy giờ. Ngài đã chuyển biến một xã hội lún sâu trong thành kiến mù quáng và lòng mê tín điên rồ thành một xã hội lành mạnh, dũng cảm, có đạo đức trong sạch trong tinh thần dân chủ và bình đẳng. Ngay từ trong giáo hội tăng già gồm đủ mọi tầng lớp xã hội, những người đến với Ngài từ mọi chủng tộc và mọi đẳng cấp đều bình đẳng như nhau, tuyệt đối không có phân cách những tầng lớp giai cấp khác nhau. Như ngài Upali là vị tăng trưởng vấn đề giới luật của giáo hội, trước khi xuất gia là người thợ cắt tóc; Ngài Sunita đắc quả A-la-hán trước đó làm nghề hốt rác, nghề sinh sống thời ấy được xem là hạ cấp nhất. Có những người làm thợ rèn, lại có người làm nghề coi nghĩa địa, có người đại trí thức uyên bác như ngài Anan, Ngài Mục Kiền Liên, ngài Ca Diếp, ngài Xá Lợi Phất… Trong giáo hội tỳ khưu ni, có nhiều vị trước đó làm nô lệ như Puna và Punika…
Thời Đức Phật, giai cấp Bà-la-môn vẫn giữ quyền thế dân Ấn Độ trong bàn tay của họ, dìm thấp người phụ nữ xuống hạng tôi đòi, nô lệ, người đàn bà không có quyền gì của mình, không có tự do ăn nói, mà phải tự giam hãm mình trong bốn bức tường trong nhà, và được xem như không xứng đáng được hưởng bất luận điều gì cao quý, phụ nữ không được xếp hạng ngang hàng với nam giới trong xã hội.
Cũng nên ghi nhận thêm rằng, Đức Phật cho phép thành lập giáo hội chư Tỳ-khưu-ni vào thời điểm mà người phụ nữ Ấn Độ được xếp vào hàng thấp kém, bị ngược đãi, bị nhục nhã.
Cái quyền của phụ nữ được tự do gia nhập vào giáo hội thánh thiện quả thật là trọng đại trong lịch sử tôn giáo. Cho đến tận ngày nay còn nhiều hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới như Thiên chúa giáo vẫn chưa chịu nhượng quyền cho hàng phụ nữ được bình đẳng với nam giới, mà còn đang ở giai đoạn vận động toà thánh La-mã chấp thuận cho phụ nữ có quyền trở thành linh mục, trong khi đó nhiều quốc gia Hồi giáo, phụ nữ vẫn là một thứ nô lệ tồi tệ, họ không có quyền đến trường học, họ bị đối xử như những con vật với những luật lệ tôn giáo hà khắc nhất.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Phật là người đầu tiên duy nhất trong số các vị giáo chủ của nhân loại đã tuyên bố quyền tự do bình đẳng và đã nâng cao hàng phụ nữ lên một vị trí xứng đáng, ngang hàng với nam giới bằng cách cho phép nữ giới gia nhập vào giáo hội tỳ khưu ni, mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử giải phóng phụ nữ[1]. 2,500 sau Đức Phật, cuộc vận động để giải phóng phụ nữ vẫn còn đang tiếp tục diễn ra trên khắp thế giới. Đệ nhất phu nhân, bà Hillary Rodhn Clinton và nhiều nhà hoạt động xã hội khác đang vận động mạnh mẽ cho quyền bình đẳng phụ nữ…
Đối với giáo lý nhà Phật, không có sự phân biệt giữa nam và nữ, tất cả đều cùng theo giáo lý và giới luật mà Đức Phật ban hành. Tất cả, không phân biệt giai cấp, màu da, ai cũng bình đẳng như ai, và ai cũng có thể thành đạt quả vị cao nhất: thành Phật. Ở các tôn giáo khác, dù tu hành có chứng quả vị thánh, lúc còn sống trên đời, họ phải nguyện làm tôi tớ cho Thượng-đế, đến lúc chết đi dù được ơn phước lên thiên đàng họ vẫn phải làm nô lệ, hầu hạ Thượng-đế. Vậy, thì khi còn sống đã phải làm nô lệ trọn kiếp để mong được ơn cứu rỗi; đến lúc chết sang thế giới bên kia vẫn lại kiếp nô lệ! Nghĩa là bị buộc chặc vào Thượng-đế vĩnh viễn, mà trong các thứ nô lệ thì nô lệ tinh thần là tệ hại và nguy hiểm nhất, cho dù làm nô lệ cho Thượng-đế cũng chẳng hay ho gì. Vậy, hãy bẻ gãy xiềng xích vô minh để được tự do.
Đức Phật đối với các hàng đệ tử của Ngài cũng không giống như những giáo chủ khác. Trong kinh Coran hay thánh kinh Kito giáo và Do-thái giáo, lời của Chúa phán tức chân lý tuyệt đối, đệ tử chỉ có việc tuân phục, không có quyền chối cãi, mặc dù tư tưởng của họ thấy trong thánh kinh có những điều không phù hợp với chân lý và thực tại. Đức Phật không thế, Ngài đối với các hàng đệ tử hết sức bình đẳng, nên bất cứ lời dạy nào của Ngài, nếu họ cảm thấy không hợp lý thì họ chất vấn Ngài đến kỳ cùng, khi nào họ được trả lời sáng tỏ chân lý mới thôi.
Malumkyaputta, một đệ tử của Phật đã tới bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn, có nhiều vấn đề Ngài còn bỏ qua mà chưa giảng dạy, thí dụ như thế gian này là vĩnh cữu hay không, hữu hạn hay vô hạn, linh hồn và thể xác là giống nhau hay khác nhau. Đức Phật sau khi chết còn tồn tại hay không tồn tại. Thái độ im lặng của Ngài làm cho lòng con không được toại nguyện. Vậy nay kính xin Ngài hoan hỷ chỉ dạy cho những điều ấy. Nếu không con xin bỏ đạo để trở về với cuộc đời thế tục. Bậc đạo sư là người chân chính thẳng thắn nói ra những điều mình biết, và xác nhận điều gì mình không biết, bởi vậy Ngài cứ thẳng thắn dạy bảo cho con.
Ngay sau đó Đức Phật dạy:
- Này Malumkyaputta! Trước đây có bao giờ ta nói nếu con theo ta, ta sẽ giảng dạy cho con những hiểu biết về siêu hình hay không?
- Bạch đức Thế Tôn không bao giờ như vậy.
- Hay là trước đây có khi nào con nói với ta con chỉ theo ta nếu ta giảng dạy cho con những hiểu biết về siêu hình hay không?
- Bạch Đức Thế Tôn, không bao giờ như vậy.
- Như thế, con còn phiền trách làm chi. Con nên hiểu rằng người nào muốn hiểu rõ chân lý huyền vi của vũ trụ và nhân sinh trước khi nghe ta giảng dạy thì người đó đã chết mất rồi. Cũng như một người kia bị bắn trúng mũi tên độc, thay vì để cho y sĩ rút mũi tên độc ra, băng bó vết thương, nhưng lại đòi trước hết phải cho y biết tên tuổi, hình dáng giai cấp và xứ sở của kẻ sát nhân đó mới chịu để cho cứu chữa. Vậy Malumkyaputta ơi!Người bị thương đó chắc chắn sẽ chết trước khi được nghe lời giải đáp.
Này Malumkyaputta! Ta sở dĩ không giảng dạy cho con những hiểu biết về siêu hình vì những điều đó không có lợi ích gì cho sự thoát khổ cuộc đời.Thay vào đó, ta đã trực tiếp giảng dạy cho con bốn chân lý huyền diệu (Tứ Diệu Đế),tám con đường sống chân chính (Bát Chính Đạo) và mười hai lý nhân duyên (Thập Nhị Nhân Duyên), vì đó là những nền tảng giáo dục nhân bản cần thiết của Phật giáo để cứu giúp mọi người diệt trừ được những mầm mống khổ đau và đạt tới đỉnh cao hạnh phúc tự do cũng như giác ngộ, giải thoát ở ngay cuộc đời này và hiện tại” .
Ở đây cũng xin lưu ý rằng Đức Phật tuy không đặt những vấn đề siêu hình, trừu tượng vì mất thì giờ, không mang lại những điều ích lợi thực tiễn cho con người. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên thành lập vũ trụ và nhân sinh, Đức Phật cũng đã đề cập tới trong kinh Trường A- hàm, Khởi khế- kinh, và đến kinh luận Đại thừa thì những vấn đề đó đuợc giảng giải rất rõ.
Lại có một hôm Đức phật ở nước Xá-Vệ, nơi tu viện thái tử Kỳ-Đà, trong vườn Lộc-uyển của ông Cấp Cô Độc có một đạo sĩ Bà-la-môn là Vacchagotta đến kính thăm Phật và cũng đặt bốn vấn đề siêu hình xin Đức Phật giải đáp, hoặc phủ nhận.
Đức Phật trả lời: Ta phản đối tất cả bốn vấn đề này và không chấp nhận bất cứ một vấn đề siêu hình nào.
Vacchagotta lại hỏi thêm: Vậy Đức Phật có một học thuyết riêng nào không?
Đức Phật đáp: Này Vacchagotta! ta hoàn toàn giải thoát và vượt qua tất cả các học thuyết.
Sau cùng, Vacchagotta phát biểu: Tuy vậy, Đức Phật đã giảng dạy giáo lý bằng nhiều cách khác nhau đều nhằm mục đích thực tế là cứu khổ độ sinh, vì vậy con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Kính xin Phật nhận con được quy y Ngài từ nay cho đến trọn đời, con xin được làm đệ tử của Ngài”.[2]
Đức Phật không độc đoán bắt buộc người ta phải theo một định luật nào và không muốn chúng ta phải ngoan ngoãn, mù quáng tin theo lời Ngài dạy. Chúng ta cứ việc đem lời Ngài giáo huấn ra mà suy nghĩ đúng, sai, thật, giả rồi mới hãy tin tưởng. Và ta có thể nhận thức rõ điều này xuyên qua các cuộc đàm thoại giữa Ngài với các đệ tử, thí dụ dưới đây là rõ nhất:
-“Này các vị tỳ khưu! Nếu bây giờ hiểu biết và bảo điều này, các con nói chăng, chúng ta tôn kính Đức bổn sư và tin kính Ngài, phải quý trọng những gì Ngài dạy?”
- Bạch Ngài không .
- Điều gì các con xác nhận, này chư đệ tử, có phải chăng chỉ là những điều các con nhận thức,trông thấy và nắm vững?
- Bạch Ngài đúng vậy.”
Rất nhiều trường hợp giữa Ngài và các đệ tử truy cứu chân lý bắt bẻ Ngài đủ mọi phương diện, như ở kinh Lăng Già, kinh Đại Bát Niết Bàn… Nếu những lời bắt bẻ của các đệ tử đối với Đức Phật ở trường hợp các tín đồ tôn giáo khác thì họ xem là dị thường hay phạm thượng, có tội lớn không thể tha thứ được. Nhưng với Phật giáo, thì những lời ấy chẳng có gì lạ lùng, hoặc phạm thượng cả.
Giáo lý của Ngài không phải là một học thuyết suông, Ngài chỉ cho chúng ta con đường đi đến chân lý. Nhưng sự cố gắng giác ngộ là ở nơi riêng của ta, do thực nghiệm mà có kết quả, chứ không dựa trên nền tảng tín ngưỡng vào một đấng cứu thế. Các tôn giáo khác cho rằng muốn đạt đến giải thoát tối hậu chỉ cần có đức tin mãnh liệt là đủ. Trái lại, Phật giáo dạy rằng: “Đức tin không phải là điều quan trọng nhất bởi vì đức tin không đủ giúp ta hiểu được sự thật”. Người ta có thể giữ vững đức tin, nhưng đức tin đó sai lầm thì sao? Chẳng lẽ cứ mù quáng nhắm mắt tuân theo? Mà chỉ có thành tâm và đức tin không thôi, không có sự hiểu biết có thể dẫn chúng ta đến sự cuồng tín quá khích, đôi khi gây ra đổ máu vô ích, có tội. Ở phương diện khác, tin mà không cần lý giải và cũng chẳng có ý thức lý luận, là một sự mù quáng rành rành, hay họ sợ làm như vậy có thể mất đức tin, hoặc họ bị ngăn cấm, hoặc họ lười biếng không chịu suy ngẫm để hiểu biết sự thật mà họ lại tìm cách tránh né cứ tin theo điều người khác nói.
Như vậy, thì tín ngưỡng của họ chỉ là sự tin cậy vào đấng giáo chủ. Thiên chúa giáo lại còn đi xa hơn nữa. Phải chăng họ muốn giữ độc quyền được đại diện cho Thiên chúa. Trong thánh kinh Tân Ước có đoạn rằng: “Chức vụ của Phao-lồ, tôi Phao-lồ giữa các dân tộc ngoại quốc vì lý do ấy tôi Phao-lồ vì anh chị em là dân tộc ngoại quốc, làm tù nhân của Đức Chúa Jesus Cơ Đốc, như anh chị em đã nghe về việc quản trị ân sủng Đức Chúa-trời ủy thác cho tôi ”.
Con đường Chúa chỉ dạy và con đường thực hành đạo, đôi khi diễn ra một cách khác, có lẽ người ta đã sửa đổi những lời dạy của Chúa thành một giáo lý khác với những phụ diễn siêu hình và độc đoán chăng? Theo bản tường trình mới của một nhóm học giả kinh thánh mà họ gọi là Hội nghiên cứu Jesus, thì Chúa Jesus là một người ít nói; “Jesus có lẽ không nói khoảng 80% những câu gán cho trong những phúc âm của Matthew, Mark, Luk và John”. Các học giả đã nói như thế trong một quyển sách dày 575 trang (He probably didn’t say 80% of the phrases attributed to him in Matthew, Mark, luk and John, a book says, by David Crumm, Knight Tides Newspapers). Nếu thật sự là như vậy, chúng ta khó có thể coi Hội thánh và Thiên-chúa như một. Nhưng tựu chung, chân lý vẫn chưa phải trong lời kinh vừa dẫn trên, mà chính là ở nguồn ánh sáng thực tế chiếu rọi khắp cảnh khổ đau, trầm luân của nhân loại, còn nếu ta căn cứ vào kinh điển của các tôn giáo Phương Tây thì rõ ràng tính chất của Phật giáo lại chẳng đồng với các tôn giáo đó, như họ cho rằng chân lý đã được mặc khải cho con người bởi Thiên chúa qua trung gian tiên tri và đấng cứu thế đã được ký thác trong thánh kinh. Ngược lại, Phật giáo cho rằng con người có thể tự giác ngộ được bản tâm của mình bằng cách cố vươn lên để thoát khỏi cái ta nhỏ nhoi, ti tiện và dùng mọi phương tiện để hoàn thiện mình. Nói cách khác, Phật giáo là một sự xiển dương tấn kích của lý trí và tâm hồn cho tới chỗ giác ngộ, giải thoát. Nhưng muốn giải thoát cần phải biết tự lực, tự tin, trong khi đó, các tôn giáo Âu Châu lại cho rằng con người không thể tự giải thoát được và muốn giải thoát phải cần sự cứu-rỗi của Thiên chúa. Phật giáo cho rằng con người vì chạy theo dục lạc ngoại cảnh và vô minh nên bị luân hồi sinh tử. Trái lại, các tôn giáo Phương Tây con người bị đọa lạc là vì tội tổ tông đã phạm giới răn của Thiên chúa mà ăn trái cấm, và họ tin tưởng rằng bao giờ con người cũng vẫn là con người, bao giờ Thượng đế vẫn là Thượng đế, con người không thể trở thành Thượng đế. Ngược lại, Phật giáo lại khẳng quyết con người nhờ sự tu hành, giác ngộ có thể thành Phật. Nói một cách rộng hơn, thì các bậc hiền nhân Đông Phương đều tin tưởng rằng con người chân chính luôn mơ ước có một đời sống phong phú sâu xa, khoáng đạt hơn, hùng dũng hơn cho tới chỗ tự giải thoát đối với chính mình là sự vượt tầm kích phàm nhân để tiến vào tầm kích siêu nhân, thần, thánh, Phật.
Nói chung, thì Phật giáo có quá nhiều điểm không tương đồng về cả hai phương diện triết lý và thực hành. Tuy nhiên, Phật giáo lại có thể “sống hoà đồng” với tất cả các tôn giáo khác bởi vì Phật giáo không chấp vào ngôn ngữ, danh tướng, không chấp “ngã”, vô ngã cái “của ta”, phủ nhận cái “của ta” đã là điều dễ dàng hoà đồng, phủ nhận cả thân thể cũng không phải là “của ta”. Sự thật, thì có cái gì là của ta đâu. Trong kinh Samyutta Nikaya, Đức Phật nói là: “Thân thể này không phải của ta, mà cũng không phải của người khác. Thân thể này có được là nhờ những nguyên nhân và điều kiện trong quá khứ.”[1] Quý vị quan tâm đến vấn đề phụ nữ trong Phật giáo, có thể đọc Women under primitive Buddhism của I.B Horner do trung tâm Narada, Seatle WA xuất bản, 6-1976.
[2]. Henry Clark Warren, Buddhism in Translation, trang 123, Harvard University Press, 1963.