Ni Trưởng Phổ Minh Và Kinh Khemaka

09/11/20152:40 SA(Xem: 5974)
Ni Trưởng Phổ Minh Và Kinh Khemaka

Mạn đàm thêm về
NI TRƯỞNG PHỔ MINH VÀ KINH KHEMAKA
Tuệ Hạnh

Ngẫu nhiên được thiện hữu Nguyên Giác có nhã ý gửi cho kinh Khemaka dịch theo bản Anh ngữ của Bodhi Bhikkhu, mới nhận ra đây cùng nội dung với kinh Sai-Mađại sư Đàm-ma Da-Xá dịch vào khoảng thế kỷ 5 theo yêu cầu của Ưu bà di Phổ Minh. Nhân đây, xin được mạn đàm thêm một vài điều vây quanh những sử kiện về kinh này.

1. Kinh Sai-Ma[1] được liệt dẫn trong bộ Tạp A-Hàm q. 5, Kinh số 103; âm Hán theo Wade-Giles là Ts’ai-mo ching (差摩經). Kinh Khemaka được liệt dẫn trong bộ Saṃyutta Nikāya q. 22, Kinh dạy về các Uẩn, số 89: Khemaka. Saṃyutta Nikāya , Việt dịch là Tương Ưng Bộ, là bộ kinh thứ ba trong kinh tạng Pàli (Sutta-piṭaka: Trường bộDìgha-Nikàya’, Trung bộMajjhima-Nikàya’, Tương Ưng bộSaṃyutta-Nikàya’, Tăng Chi bộAnguttara-Nikàya’, và Tiểu bộKhuddaka-Nikàya’).  Cố Hòa thượng Thích Minh Châu đã dịch tất cả 5 Bộ kinh này sang Việt ngữ, tập thành bộ Đại Tạng ngữ hệ Pàli; trong Đại Tạng Kinh Việt Nam, được đánh số thứ tự từ 12 đến 16.  Các Bộ kinh này cũng được Hiệp Hội Văn Bản Pàli (Pali Texts Society) dịch sang Anh ngữ vào những năm hạ bán thế kỷ 19, khởi đầu cho một phong trào tu học của người Tây phương để đào tạo không ít những nhà nghiên cứu phiên dịch Phật gia nổi tiếng như Nyanatiloka Mahathera,[2] Lama Anagarika Govinda,[3] Ñanamoli Thera,[4] Nyanaponika Mahathera,[5]  Sumedho,[6] v.v. Sư Bodhi[7] tài danh, Phật gia nổi tiếng người Mỹ và là Chủ tịch hội Buddhist Publication Society, đã duyệt khảo và hiệu chỉnh toàn bộ 152 bài kinh của 2 Bộ Majjhima NikayaSamyutta Nikaya[8], (trong đó có kinh Khemaka), được giới hành giả và học giả tín trọng, dùng làm tư liệu tham cứu. Trong khi đó, theo hệ A-Hàm của Hán tạng, thì tương ứng với Tương Ưng BộTạp A-hàm, đã được cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch; Đại Tạng Kinh Việt Nam đánh số 17 đến 20.[9]

Như thế ta học được một điều là các Bộ Nikayas A-Hàm tuy tương ưng nhau, nhưng số thứ tự không đồng đều và số lượng kinh cũng có chênh lệch., đưa đến tình trạng kinh Khemaka và kinh Sai-Ma tưởng là khác nhau nhưng thật sự là một, đồng cùng nội dung.

2. Vấn đề cốt yếu là các bản kinh được cho là Nguyên thủy như vậy thường khi cần phải được có những thuyên giải (commentaries), mới có thể thấy tất cả các triết thuyết gọi là Đại thừa, nào tánh không, duy thức, nào “ưng vô sở trụ”, v.v., đều là dựng trên căn bản các kinh Nguyên thủy này cả. Trong thời gian gần đây, thiện hữu Nguyên Giác đã chuyển ngữ một số các kinh có ý nghĩa uyên thâm từ 2 Bộ Majjhima Samyutta Nikayas do đại sư Bodhi duyệt đính, như kinh Malunkyaputta, kinh Bahiya,  kinh Kalaka, v.v. cho thấy công trình này không phải là đưa Đại thừa xít lại gần với Nguyên thủy, mà chính là biểu lộ cho chúng ta thấy những ngọn lá xum xuê Đại thừa cứu cánh cũng là phát sanh từ gốc rễ cốt lõi Nguyên thủy của chính những lời Phật dạy vậy thôi;

3. Kinh Khemaka hay kinh Sai-Ma lại còn có một ý nghĩa trọng đại trong lịch sử truyền bá Phật Giáo Việt Nam buổi sơ thời. Như đã nhắc đến lần trước, kinh Sai-Ma do Đại sư Đàm-ma Da-Xá dịch vào khoảng thế kỷ 5 theo yêu cầu của Ưu bà di sau là Tỳ-kheo ni Phổ Minh chắc chắn phải được bà trân quí và phổ biến tại Giao Châu (miền Bắc Việt nam ngày nay) vào thời đó. Như thế, tiếp nối truyền thống kinh An ban thủ ý do Sáng tổ Khương Tăng Hội (thế kỷ 3) quảng bá, Phật Giáo Việt Nam buổi sơ thời chịu ảnh hưởng Nguyên thủy sâu đậm hơn là Đại thừa như ta tin tưởng xưa nay.

4. Nhân đây, chúng tôi xin được giới thiệu mục từ “Phổ Minh”, trích trong tác phẩmTừ Điển Phật Giáo Việt Nam: nhân danh – địa danh – kinh thư – sử kiện” do chúng tôi chủ biên, đang trong tiến trình sơ thảo; mong được đón nhận những đóng góp cũng như thẩm bình của chư thiện tri thức.

Tuệ Hạnh cẩn viết.

 

Phổ Minh, Ni. nd

Vị ni đầu tiên được biết đến trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, không rõ khuê danh, sống vào khoảng thế kỷ 5 dương lịch. Bà không có mục từ riêng trong Tì-kheo ni truyện, nhưng được nhắc đến 2 lần trong tiểu sử của Đàm-ma Da-xá (Dharmayasas, 曇摩耶舍,dịch là Pháp Xứng hay Pháp Minh), Cao Tăng Truyện 1 (ĐT 50, tr. 329c16-28).[10] Lần đầu, khi Luật sư Đại Tì-bà-sa[11] Đàm-ma Da-xá (*xt) đến Quảng Châu vào khoảng đầu đời Tống Nguyên Gia (424-453), ghé qua Quảng Châu, có một phụ nữ tên Trương Phổ Minh thỉnh cầu ngài truyền thọ ngũ giới, làm ưu-bà-di (cư sĩ nữ). Ngài vì bà này mà giảng về nguyên lý Nhân Quả và trao cho bà 1 quyển Sai-Ma kinh (Ts’a mo ching) do ngài dịch. Lần hai, sau khi Đàm-ma Da-xá trở về Tây Vực, thì đệ tửTrúc Pháp Độ (*xt) ở lại Quảng Châu hoằng pháp, có con gái của thứ sử Giao Châu Trương Mục (nhậm chức 464-468), tên là Phổ Minh, cùng con gái của Tiết độ sứ Đan Dương Y Nhan Thuần tên Pháp Hoằng, cung thỉnh Trúc Pháp Độ truyền giới Tì-kheo ni. Sau đó, cả hai trở về chùa cũ –  Pháp Hoằng về chùa Huyền Nghĩa, Phổ Minh về chùa Hoằng Quang – để truyền bá giáo phápTrúc Pháp Độ xiển dương. Như thế, theo Cao Tăng Truyện, ta biết rằng:

1. Ưu bà di Trương Phổ Minh cùng Phổ Minh con gái của thứ sử Giao Châu Trương Mục là một người; Phổ Minhpháp danh, không phải tên riêng;

2. Sự kiện Phổ Minh trở về chùa cũ để truyền bá Phật pháp có nghĩa là trước đó đã có một cộng đồng Phật tử người nữ sinh hoạt tại Giao Châu, cho đến khi Phổ Minh đi Quảng Châu thọ giới Tì-kheo ni rồi trở về chùa cũ tức chùa Hoằng Quang để phát huy thêm;

3. Trúc Pháp Độ xiển dương giáo lý Nam Tông, không đọc tụng kinh điển Phương Đẳng; chỉ lễ lạy Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, không lạy mười phương Phật; mang bình bát bằng đồng khất thực, không dùng vật dụng nào khác; quấn y vàng trịch vai; thêm vào đó, ni chúng phải thường hành pháp sám hối nghiệp tội. Như thế Phật phápPhổ Minh tiếp tục xiển dương tại Giao Châu là hoàn toàn theo truyền thống Nam Tông;

4. Kinh Sai-Ma do Đại sư Đàm-ma Da-Xá truyền trao cho Ưu bà di sau là Tỳ-kheo ni Phổ Minh chắc chắn phải được bà trân quí và phổ biến tại Giao Châu (miền Bắc Việt nam ngày nay) vào thời đó. Như thế, tiếp nối truyền thống kinh An ban thủ ý do Sáng tổ Khương Tăng Hội (*xt) quảng bá, Phật Giáo Việt Nam buổi sơ thời chịu ảnh hưởng Nguyên thủy sâu đậm hơn là Đại thừa như ta tin tưởng xưa nay.

5. Sinh hoạt theo truyền thống Nam Tông của cộng đồng Phật giáo tại Giao châu vào thế kỷ 5 như thế phù hợp với hành hoạt của Huệ Thắng (*xt) và Đạo Thiền (*xt) khi hai vị này trú xứ ở Kim Lăng vào cuối thế kỷ 5.

***

nd      = nhân danh

xt       = xem thêm


[1] Xin ghi nhận công đức cung ứng thông tin về kinh Sai-Ma này đến thiện hữu Trần văn Duy.

[2] Nyanatiloka Mahathera (người Đức, thế danh Anton Gueth, 1878-1957). Soạn: Buddhist Dictionary: Manual of Buddhist Terms and Doctrines;  Sư phụ của Nyanaponika Thera, Lama Anagarika Govinda, Nyanamoli, v.v.

[3] Lama Anagarika Govinda (Kingdom of Saxony, thế danh Ernst Lothar Hoffman, 1898-1985); biên soạn:  The Way of the White Clouds; Foundations of Tibetan Mysticism

[4] người Anh, thế danh Osbert Moore, 1905-1960, dịch: Visuddhimagga, (The Path of Purification, Thanh tịnh đạo luận) do Buddhaghosa (Phật Minh) soạn;  The Buddha's Words on Kamma: Four Discourses of the Buddha from the Majjhima Nikaya, v.v.

[5] người Đức gốc Do thái, thế danh Siegmund Feniger, 1901-1994); soạn dịch: 

The Heart of Buddhist meditation (1954); Abhidhamma Studies: Buddhist Explorations of Consciousness and Time (1998); Great Disciples of the Buddha : Their Lives, Their Works, Their Legacy (2003); Sư phụ của Bhikkhu Bodhi

[6] Ajahn Sumedho (Mỹ, thế danh Robert Karr Jackman, 1934- ), Viện trưởng Tu viện  Amaravati Buddhist MonasteryHempstead, England)

[7] Bhikkhu Bodhi (Mỹ, thế danh Jeffrey Block, 1944-  ); soạn dịch: In the Buddha's Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon, v.v.

[8] Wisdom Publications, 1995 and 2000

[9] Gần đây, lại còn có công trình phiên dịch Kinh Tạp a-hàm do Thích Đức Thắng Việt dịch; hiệu đính & chú thích: Thích Tuệ Sỹ

[10] xem bài: Phổ Minhsinh hoạt ni giới tại Việt nam thế kỷ 5, Tuệ Hạnh biên dịch.

[11] Mahā- Vaibhāṣika-Vinaya master



BÀI LIÊN QUAN:
Kinh Khemaka: Ưng Vô Sở Trụ (Nguyên Giác)
Kinh Sai-Ma 103 (Thích Đức Thắng)


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/04/2020(Xem: 7583)
24/02/2020(Xem: 4650)
02/11/2019(Xem: 4716)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.