Phần Một: Phong Trào Phật Giáo Miền Trung – Huế: Thời Kỳ Chấn Hưng ( 1932 - 1954)

21/11/20193:37 CH(Xem: 2096)
Phần Một: Phong Trào Phật Giáo Miền Trung – Huế: Thời Kỳ Chấn Hưng ( 1932 - 1954)

PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN TRUNG – HUẾ
TỪ CHẤN HƯNG ĐẾN DẤN THÂN
Chu Sơn


PHẦN MỘT:
PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN TRUNG – HUẾ:
THỜI KỲ CHẤN HƯNG ( 1932 - 1954)

Chương I. Phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Trung – Huế từ 1932 đến 1945.
Chương II. Phật giáo miền Trung – Huế tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp
Chương III. Phật giáo miền Trung – Huế từ 1948 đến 1954
Chương IV. Nhìn lại một chặng đường

Một chút ngữ nghĩa, ngôn từ: Phong trào Phật giáo miền Trung – Huế có gốc từ An Nam Phật Học Hội. An Nam Phật Học Hội có gốc gác từ An Nam – một phần lãnh thổ bị chia cắt, một triều đình bị đặt tên, lệ thuộc bởi chính sách bành trướng của đế quốc phương Bắc hàng ngàn năm (trước kỹ nguyên độc lập) và mưu đồ chia để trị của thực dân đế quốc thời cận đại. Phật giáo miền Trung – Huế xuất phát từ thực tế hình thành và phát triển hai trung tâm Phật giáo Đại thừa ở Đàng Trong là Bình Định và Thuận Hóa từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh đến thời đất nước bị tái chia cắt, miền Nam trở thành tiền đồn của Thế giới Tự do và một quốc gia riêng biệt – Thiên Chúa giáo trong mưu đồ cát cứ của chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ.
Một chút tình hình Phật giáo quốc tế tác động vào Việt Nam từ đầu thế kỷ (XX). Người phương Tây (châu Âu Thiên Chúa giáo) bắt đầu tìm đường đi Ấn Độ từ cuối thế kỷ XV sau chuyến hải hành “tìm ra châu Mỹ” của Christopher Colombus năm 1492. Đến đầu thế kỷ XVII những công ty thương mạị của Bồ Đào Nha, của Hòa Lan, của Anh rồi của Pháp lần hồi được thiết lập, đặt đầu cầu xâm nhập châu Á và tìm đường đi Trung Quốc qua hai căn cứ tiền tiêu là Ma Cao và Đông Dương. Châu Á rúng động trước sức mạnh xâm nhập của các đế quốc thực dân phương Tây và sự bành trướng của văn minh Ki Tô giáo. Trong quá trình giao tiếp, xung đột và chiến tranh giữa các nước thực dân đế quốc và các nước bị  xâm lược châu Á, bên cạnh những đổ vỡ to lớn được tạo tác nên bởi chiến tranh giữa các thế lực thù địch, còn có những phát hiện, nghiên cứu, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau giữa các truyền thống văn hóa, các nền văn minh. Phật giáo nói riêng lần hồi được một số ít nhà nghiên cứu, văn nhân, nghệ sĩ trong các đoàn quân viễn chinh, các cộng đồng cư dân đi thuộc địa và khách tham quan du lịch tìm hiểu, nghiên cứukhám phá những giá trị thâm viễn, to lớn của nó. Những câu chuyện kể, những bài báo, những cuốn sách của các nhà Phật  phương Tây đầu tiên này đã giúp cho giới học thuật của Tây phương bắt đầu chú ý, lần hồi công nhận Đông phương là một trong những cội nguồn văn minh văn hóa nhân loại, chứ không phải là những xứ “man di mọi rợ, bụt thần ma quỉ” như nhận định của một số các giáo sĩ thừa sai. Những sách báo của các tác giả phương Tây này, và sự bành trướng giáo điều của Thiên Chúa giáo cấu kết với chủ nghĩa thực dân đã thức tỉnh các tăng sĩ chân chính, các phật tử có ít nhiều Tây học, thôi thúc họ nhìn nhận lại Chánh pháp theo một nhãn quan mới thích ứng với sự phát triển trí tuệ và nhu cầu của nhân loại thời hiện đại, qua đó mà mạnh mẽ tiến hành công cuộc chấn hưng.
Công cuộc chấn hưng Phật giáo là một phong trào có tính quốc tế, nó khởi đầu tại Ấn Độ từ những năm cuối của thế kỷ XIX,  nó tác động đến Tích Lan (Srilanka), Miến Điện, Trung Hoa, Nhật Bản, rồi Việt Nam từ thập niên 1, 2  của thế kỷ XX.
Tại Việt Nam Phong trào Chấn hưng Phật giáo nhen nhúm và hình thành tương đối chậm. Đến những năm đầu của thập niên thứ 2, thời điểm mà các phong trào đề kháng dân tộc theo ý thức hệ Nho giáo ( các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Đông Du, và cuộc nổi dậy dưới ngọn cờ vua Duy Tân do Thái Phiên, Trần Cao Vân lãnh đạo) hoàn toàn thất bại trước bạo lực của guồng máy cai trị thực dân đế quốc và sách lược xâm lăng văn hóa được chúng tiến hành một cách toàn diện ( bãi bỏ việc học hành thi cử theo hệ thống Hán Nôm do triều đình An Nam tổ chức, phát triển các trường Đạo, trường Tây, xây dựng các trường Pháp – Việt, các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng và cả đại học, tổ chức các kỳ thi theo hệ thống giáo dụcđào tạo thuộc địa, khuyến khích các gia đình quan lại, địa chủ tư sản cho con em qua Tây du học, xuất bản các thể loại báo chí bằng chữ Pháp, chữ Quốc ngữ...), các vị chân tu tại các chùa, các Phật tử quan lại nho học và hoàng tộc thức thời, các trí thức tân học còn nối rốn với cội nguồn quay về đạo Phật với hy vọng phục hưng ý thức hệ Việt – Phật nhằm xây dựng một lực lượng mới đấu tranh cho nền độc lậpvăn hóa dân tộc.
Sau Nam kỳ một vài năm, trước Bắc kỳ một vài năm, công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Trung kỳ nhen nhóm, phát triển không sôi nổi và đa màu sắc như ở hai đầu đất nước, nhưng ngay từ đầu đã có sự đồng thuận ăn ý giữa các vị khởi xướng ở hai trung tâm lớn là Thừa Thiên – Huế và Bình Định, nên công cuộc tiến hành tuy có chậm, nhưng lại có chiều hướng bền lâu. Bên cạnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng cũng là một trung tâm năng động nhưng có tầm vóc nhỏ hơn.
Tại Thừa Thiên – Huế, thiền sư Giác Tiên – trù trì chùa Trúc Lâm, rồi Diệu Đế, cùng các đệ tử Mật Khế, Mật Thể, Mật Nguyện, Mật Hiển và đặc biệt một tử trí thức, bác sĩ Lê Đình Thám, là kiến trúc sư, là những viên đá tảng, là rường cột của phong trào. Phong trào được sự hộ trì tích cực của Thiền sư Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên (bổn sư của Giác Tiên), thiền sư Tuệ Pháp ở chùa Thiên Hưng (giáo thọ của Giác Tiên), thiền sư Viên Thành ở chùa Tra Am (bạn thân của Giác Tiên), thiền sư Giác Nhiên ở chùa Từ Hiếu (sư đệ của Giác Tiên), thiền sư Phước Hậu ở chùa Trường Xuân, và các thiền sư cùng trang lứa hoặc đàn em như : Đắc Ân, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết, Trí Độ, Trí Thủ, Đôn Hậu và hai ni sư Diệu Hương, Diệu Viên. Phong trào còn được các phật tử tầng lớp trên hưởng ứng nồng nhiệt và hậu thuẫn tích cực.
Tại Bình Định, thiền sư Phước Huệ chùa Thập Tháp, Thiền sư Phổ Huệ chùa Tịnh Lâm là tôn sư và là cơ sở đào tạo, qui tụ những thiền sư khát khao công cuộc chấn hưng. Tuy nhiên, có lẽ thời bấy giờ vì lí do địa lí kinh tế, Bình Định không hội đủ các điều kiện để họ thực hiện tâm nguyện của mình. Một số vị như thiền sư Huyền Ý chùa Liên Tôn, thiền sư Trí Hải chùa Bích Liên, thiền sư Trí Độđệ tử của Trí HảiPhước Huệ – vào Sài Gòn tham gia tạp chí Từ Bi Âm của Hội Phật Học Nam Kỳ.
Thiền sư Phước Huệ được Thiền sư Giác Tiên mời ra Huế chủ trì công cuộc đào tạo và trực tiếp giảng dạy tại các Sơn môn, các Phật học đường. Từ năm 1929 đến năm 1937, thiền sư Phước Huệ đi về giữa Bình Định – Huế theo yêu cầu của phật sự và công cuộc chấn hưng của cả hai nơi. Cuối năm 1937, vì lí do sức khỏe, ông trở lại và ở hẳn tại quê nhà, cùng thiền sư Phổ Huệ và hội Phật học Bình Định xây dựng Phật học đường Long Khánh. Chẳng bao lâu Phật học đường Long Khánh trở nên nổi tiếng. Nhiều tăng sĩ ở Nam Kỳ, ở các tỉnh miền Trung đã qui tụ về Long Khánh để được tu học dưới sự chỉ dạy của hai vị thiền sư đạo cao đức trọng là Phước Huệ và Phổ Huệ. Năm 1935 các thiền sư Huyền Ý, Trí Hải, Trí Độ, sau bốn năm cộng tác với báo Từ Bi Âm của Hội Phật Học Nam Kỳ, đã trở lại Bình Định. Trong năm đó, thiền sư Trí Độ đi Huế, để rồi trở thành nhà hoạt động chấn hưng nổi tiếng của Hội An Nam Phật Học.
                                          Chương I
     
     Phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Trung – Huế
                                  từ 1932 đến 1945.
                                     
Hội An Nam Phật Học
Công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ – Huế  thực sự bắt đầu bằng sự kiện thành lập Hội An Nam Phật Học (năm 1932). Hội được thành lập do sự thúc đẩy, dàn dựng bởi hai nhân vật hàng đầu của phong tràothiền sư Giác Tiên và bác sĩ Lê Đình Thám, cùng một nhóm nhỏ những tăng sĩ, trí thức phật tử tràn đầy nhiệt huyết và ý thức trách nhiệm. Đây là tổ chức vòng ngoài của phong trào. Nó qui tụ những phật tử thuộc tầng lớp trên có nhiệt tâm, uy tíndanh vọng tại kinh đô Huế lúc bấy giờ. Hội viên là các ông Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Nguyễn Khoa Toàn, Viễn Đệ, Ưng Bình, Bửu Bác, Trần Đăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Quang Thiết, Trương Xứng, Tôn Thất Quyên, Nguyễn Xuân Tiêu, Hoàng Xuân Ba, Lê Bá Ý, Tôn Thất Tùng.
Hội được các thiền sư Giác Tiên, Giác Nhiên, Đắc Ân, Phước Hậu, Tịnh Hạnh làm Chứng minh đạo sư. Nòng cốt thực sự của hội là các tăng sĩ ưu tú đầy nhiệt huyết:Tịnh Khiết, Mật Khế, Mật Thể, Mật Nguyện, Mật Hiển, Trí Độ, Đôn Hậu, Trí Thủ, Thiện Siêu…, các ni sư Diệu Hương, Diệu Viên, và ni sư Diệu Không vào giai đoạn sau.
Mục tiêu của hội là học tập Phật pháp bằng nhận thứcphương pháp mới, đem áp dụng nó vào đất nước và thế giới trong hiện tại cũng như lâu dài về sau. Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (VNPGSL) đã giải thích tên gọi  của hội như sau:
Chữ học trong danh từ An Nam Phật Học, theo ông (Lê Đình Thám – Chu Sơn) còn có nghĩa là hành, tên chữ Pháp của hội in trên bìa Viên Âm là SEERBA nghĩa là Société d’Etude Et d’Exercice De La Religion Bouddhique En Annam!” (VNPGSL. Nguyễn Lang – tr 819).
Nhưng làm thế nào để thực hành các mục tiêu to lớn ấy trong tình hình mà đến năm 1942, mười năm sau ngày hội được thành lập, thượng tọa Thích Mật Thể, trong cuốn sách của ông (Việt Nam Phật Giáo Sử Lược), còn mô tả:
“Ôi! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu như đã tuyệt diệt. Bởi vậy các cảnh chùa trong nước đã thành cảnh gia đình riêng. Không có tính cách đoàn thể tôn giáo gì nữa. Họ sống trong Phật giáo hầu hết chỉ còn là “dốt” và “quên”. Quên để khỏi biết bổn phận – bổn phận chân chánh của tông đồ”.
Trước một tình hình không mấy sáng sủa như thế, hội khẩn trương hình thành một ban trị sự ở Trung ương với các chức danh: chánh, phó hội trưởng, chánh, phó thư ký và các ủy viên phụ trách các công việc như giám luật, ngân sách, giáo dục đào tạo ( ban giảng sư ), hoằng pháp, thanh thiếu niên, báo chí…, từng bước hình thành và phát triển các hội cấp dưới (tỉnh, huyện, làng, xã). Hội trưởng ban đầubác sĩ Lê Đình Thám, về sau là các ông Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bàng, Nguyễn Khoa Tân…Trụ sở của hội đặt tại chùa Từ Đàm. Thời kỳ đầu, ngoài Hội đồng Chứng Minh và Ban Hoằng  Pháp do các vị tăng già đảm trách, Ban Giảng Sư gồm cả tăng sĩ và cư sĩ, các ban ngành còn lại đều thuộc về các cư sĩ. Càng về sau nhiều chức vụ trọng yếu trong hội lần lược được thay thế bởi các tăng sĩ. Đây là thời kỳ chuyển tiếp từ An Nam Phật Học Hội, đến Hội Việt Nam Phật Học (1948), đến Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (1951), và sau cùng là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (1964).
Về các hội Phật Học cấp dưới gồm Tỉnh hội ở mỗi tỉnh, Chi hội ở mỗi huyện, Khuôn tịnh độ ( còn gọi là Khuôn hội, hay Niệm phật đường) ở mỗi xã, thôn. Năm 1949, Thiền sư Thiện Minh nhận nhiệm vụ của hội đi xây dựng hội cấp dưới ở các tỉnh Nam Trung bộ và Cao Nguyên. Theo Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (Lịch sử Phật giáo Xứ  Huế (LSPGXH) – nxb Tp Hồ Chí Minh) thì đến năm 1950, tại miền Trung có đã có 17 Tỉnh hội, 30 Chi hội và hàng ngàn Khuôn tịnh độ.
Riêng ở Thừa Thiên – Huế, vào thời điểm đó đã có 102 Khuôn tịnh độ.
Niệm phật đường hay Khuôn tịnh độ là một sáng kiến mới mẻ trong quá trình hình thành, xây dựng Giáo hội Phật giáo Thống nhất.
Khi mà chùa chiền và sư tăng chưa đủ để hoằng dương chánh pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tu tập của phật tửquần chúng liên cận, thì Niệm phật đường hay Khuôn tịnh độ là nơi thuận tiện nhất để họ cùng nhau sinh hoạt phật sự dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của những nhà sư được phái đi theo định kỳ từ Hội An Nam Phật Học hay từ các Tỉnh hội. Các nhà sư được phái đi này là những giảng sư đã được đào tạo từ các sơn môn, các tổ đình có truyền thống tu tập. Nhiệm vụ của các giảng sư là giảng dạy các giáo pháp căn bản phù hợp với trình độ nhận thức của quần chúng ở các thôn làng. Các giảng sư còn có nhiệm vụ đả phá tình trạng mê tín dị đoan, vận động xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu lỗi thời, xây dựng nếp sống lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hóa Việt – Phật, thích ứng với thời đại mới theo ba tiêu chí: Bi – Trí – Dũng. Trong trường hợp bị các thế lực ma chướng tấn công, hoặc bị xâm hại bởi thiên tai địch họa, cộng đồng tôn giáo cơ sở này còn là nơi để các thành viên nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau nhằm vượt qua các thử thách trước mắtlâu dài. Cũng có thể coi đây là một chính quyền cơ sở trong tình thế đặc biệt yêu cầu.
Ngay sau khi thành lập, Hội An Nam Phật Học nhanh chóng tiến hành các chương trình kế hoạch sau:
 1/ Chỉnh lý, xây dựng tăng chế: Đây là vấn đề giáo phápgiới luật. Giáo phápgiới luật được giảng dạy và ban bố bên Ấn Độ từ thời Đức Thích Ca bắt đầu công cuộc hoằng dương chánh pháp, hình thành giáo hội. Giáo phápgiới luật đã được chỉnh lí và hoàn thiện sau các lần kiết tập tại Ấn Độ và và các thời kì hội nhập tại Trung Hoa. Giáo phápgiới luật đã được người phật tử Việt Nam tiếp nhận từ các nhà sư đến từ Ấn Độ, Trung Quốc hàng ngàn năm trước và đã được Việt Nam hóa qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần. Nhưng sau mấy trăm năm suy thoái và đang bước vào thời kỳ “mạt pháp” (nhận định của Thích Mật Thể), tình hình Phật giáo Việt Nam, theo Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (đồng tác giả sách LSPGXH)  thì: trong mười chùa mới có được một chùa tu hành chân chính, trong mười tăng ni mới có một vị nghiêm chỉnh hành trì giới pháp. Do vậy việc chỉnh lí Tăng chế đòi hỏi cấp tốc thành lập một Hội Đồng Giám Luật ở trung ương (Thừa Thiên – Huế) gồm những vị tăng già đạo cao đức trọng nổi tiếng trong các sơn môn, được giáo chúng và xã hội tin trọng, để giám hộ giới hạnh của các cấp tăng ni“Ngoài Ủy ban trung ương còn có những Ban địa phương đặt tại các tỉnh. Những ban này gồm có năm vị gọi là luật sư. Mỗi tỉnh được chia  làm nhiều địa phận. Mỗi địa phận có một vị luật sư giám sát”( Nguyễn Lang – VNPGSL). Các luật sư, các ban luật sư ở các địa phương, và Hội đồng Giám luật ở trung ương hằng năm rà soát tư cách và khả năng tu hành của tăng giới, quyết định vị nào thích hợp thì tiếp tục ở lại chùa tu hành, vị nào không thích hợp thì trở về lại đời thường.
Công cuộc chỉnh lý tăng chế còn nhắm đến một đối tượng là những thầy cúng hành nghề tràn lan với những nghi thức và nội dung cúng tế chỉ nhằm thỏa mãn (và bày đặt) các nhu cầu mê tín dị đoan cho các tầng lớp quần chúng. Các thầy cúng này phải được sàng lọc lại và đưa vào tổ chức là các ban nghi lễ dân gian. Họ sẽ là những người biết tụng, tán và thực hiện đúng đắn các lễ cầu an, cầu siêu và lễ tang do Hội đồng Giám luật qui định. Họ chỉ được mặc áo màu xám 5 thân, không được mặc áo màu nâu, màu vàng, áo tràng, áo nhật bình như các tăng sĩ chính danh. Họ không được ở chùa hay thiền viện, mà chỉ được ở nhà hoặc chùa riêng, và phải giữ ít nhất là một hoặc hai giới. 
Ngoài ra, công cuộc chỉnh lí tăng chế còn qui định nhiệm vụtrách nhiệm của tất cả phật tử, cư sĩ. Hội An Nam Phật Học kêu gọi phật tử, cư sĩ:
-- Không nhận người phá giới làm tăng sĩ, phá bỏ những điệp qui y thọ giới do họ cấp.
-- Cung cấp cho Ban Luật sư những bằng chứng phá giới của bất cứ tăng sĩ nào.
-- Không tham dự vào những công việc không phù hợp với phật pháp.
-- Tích cực tham gia công cuộc hoằng dương chánh pháp, bảo hộ, cúng dường các vị tinh thâm phật phápnghiêm chỉnh chấp hành giới luật (Nguyễn Lang – VNPGSL – trang 820).
Công cuộc chỉnh lí tăng chế sau hàng chục năm tiến hành chỉ đạt được những thành tựu rất hạn chế. Các trở ngại không chỉ đến từ những yếu tố khách quan (như kinh tế suy thoái, các biến động chính trị liên tiếp xẩy ra, kỷ cương phép nước nằm trong tay các thế lực cường quyền, xã hội rối loạn, đạo lí suy đồi…) mà còn bảo lưu những yếu tố tiêu cực nội tại. Ngay cả các chùa chủ trương tu hành nghiêm chỉnh, trong những chừng mực khác nhau, vẫn phải phụ thuộc vào các nhu cầu ứng phú, tế lễ của quần chúng phật tử để bảo đảm các nhu cầu thiết thực tối thiểu hàng ngày cho tăng sĩ. Lại nữa, phương pháp để tiến hành công cuộc chỉnh lý tăng chế chỉ ở mức độ tự giácgiác tha, giải thích kêu gọi là chính, cao nhất là đưa ra khỏi sơn môn các tăng sĩ cố tình phạm giới. Hoàn toàn không có những biện pháp chế tài nghiêm khắcdứt khoát như vạ tuyệt thông trong đạo Thiên Chúa. Các tăng sĩ phạm giới bị buộc phải chấm dứt cuộc sống tu hành, nhưng vẫn còn là phật tử.
2/ Qui tụ các chùa về một mối, hướng tới việc hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhấtChương trình chỉnh lí tăng chế vốn đã khó khăn, nhưng công cuộc qui tụ các chùa về một mối – hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất còn  khó hơn. Bởi vấn đề không chỉ đụng tới cốt tủy của đạo Phật, mà còn đối mặt với một thực tế là sự khác biệt giáo pháp trong các hệ phái truyền thừa ở các vùng địa lí chính trị cách biệt, và tình trạng thiếu thốn trầm trọng những tăng ni, phật tửtài năng, đức độ; trong khi khả năng kinh tế – tài chánh của giáo hội chỉ là con số không trước bối cảnh khủng hoảng của toàn xã hội. Bởi vấn đề không chỉ thống nhất trong khu vực miền Trung, mà còn là khát vọng  thống nhất trong cả nước. Do vậy vấn đề còn đụng đến bạo lực của guồng máy cai trị thực dân và các thế lực chính trị nội địa, cũng như  tham vọng độc tôn của Giáo hội Thiên Chúa giáo.
Như thế là cùng một lúc, Phong trào Chấn hưng Phật giáo Miền Trung – Huế đối diện với vấn đề trên cả hai phương diện: lý thuyếtthực hành.
Về lý thuyết:
-- Có thể có một giáo hội với những quyền lực tập trung khi các thành viên của nó được Phật chỉ cho biết rằng vạn hữu đều vô thường, cá thểvô ngã, mục đích đầu tiên và cuối cùng của người tu Phậtgiải thoát mọi khổ đau giữa đời thường (niết bàn)?
-- Có thể có một giáo hội với những quyền lực tập trung khi các thành viên của nó đều được Phật chỉ cho biết rằng mỗi con người tự trách nhiệm lấy mọi hành vi của mình, không có sự ban phát, cứu chuộc, tha thứ hay trừng phạt từ một đấng Thần linh, một Thượng đế, hay nhân vật trung gian?
Những câu hỏi kiểu này không khó trả lời đối với các nhà chủ trương Phong trào Phật giáo Chấn hưng. Nhưng vào thời điểm đó, khi mà chế độ thực dân đang còn thịnh trị, họ không tiện công khai nói ra, họ chỉ nhắc nhở các phật giáo đồ, và qua các giáo đồ, họ gửi gắm đến quần chúng rộng rãi về một nền Việt – Phật thống nhất thời Lý – Trần. Đó là thứ Phật giáo dấn thân gắn bó với cuộc đời, gắn bó với lịch sử đất nước dân tộc. Đó là một thứ Phật giáo cư trần lạc đạo. (Nguyễn Lang – VNPGSL). Sau này, khi thực dân Pháp bị đánh bại tại Điện Biên Phủ phải công nhận nền độc lập của một nước Việt Nam thống nhất qua Hội nghị và Hiệp định Genève, nhà sư Trí Quang, một trong những thành tựu của Phong trào Phật giáo Chấn hưng, và là một trong những vị lãnh tụ Phật giáo thời kỳ dấn thân, đã nói với các đệ tử của ông rằng là: “Trước khi trở thành Phật tử, tất cả chúng ta đã là người Việt Nam”. Trong Tứ Ân, tôn chỉ của người phật tử thời kỳ chấn hưng, thì ơn Cha Mẹ, ơn Tổ Quốc, đứng hàng đầu, sau đó mới đến ơn Tam Bảo, ơn Chúng Sinh. Như thế, con đường đi tới giải thoátniết bàn của mỗi Phật giáo đồ Việt Nam nhất thiết phải kinh qua một chặng đường là đất nước này, dân tộc này và cuộc đời này.
Về thực hành:
“Có thực mới vực được đạo”. Câu châm ngôn này không xa lạ đối đối với các nhà chủ trương Phong trào Phật giáo Chấn hưng. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ngoại trừ các chùa công ( còn gọi là quốc tự, hay là  chùa vua) và chùa của các đại gia, hầu hết các chùa tổ, chùa làng và chùa tư nhân lớp dưới đang đối mặt trước một thực tế là “cái để thực” chỉ là cái “có” của các “bần đạo”chủ trương buông bỏ để đạt tới “cái không…”. Hầu hết các chùa chẳng có tài sản gì ngoài một số mẫu đất ruộng tự khai phá từ thời các Tổ sư, và một số mẫu ruộng khác được cúng dường từ các gia đình phật tử khá giả hảo tâm. Thóc lúa, khoai sắn, rau đậu sản xuất được từ các mẫu đất ruộng này không đủ để chu cấp các nhu cầu thiết yếu hàng ngày cho các sư tăng. Vậy thì lấy gì để tiến hành các Phật sự to lớn và lâu dài?  Lấy gì để sửa chữa, bảo tồn các chùa cũ hư nát? Lấy gì để xây mới các thiền viện, giảng đường? Lấy gì để giáo dục đào tạo tăng ni? Lấy gì để huấn luyện đào tạo các thế hệ thanh thiếu niên phật tử? Lấy gì để hoằng dương đạo pháp ra quảng đại quần chúng? Và đặc biệt, làm sao để đối phó trước những ma chướng vây quanh?
Đây là những vấn đề hóc búa đối với Hội An Nam Phật Học và các nhà sư chủ trương Phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Trung – Huế. Để Giải quyết các vấn đề hóc búa đó đã bắt đầu từ:
 3/ Tổ chức công cuộc giáo dục đào tạo tăng niGiáo dụcđào tạo các thế hệ tăng niPhật tử có phẩm hạnh, có học vấn, có tài năng, có bản lãnh để khế hợp và chuyển hoá các thực tại của cuộc sống theo hướng tích cực (lí tưởng Phật giáo và Dân tộc) là một chương trình, kế hoạch to lớn và lâu dài.
Sự nghiệp này bắt đầu từ các Đạo tràng, đến các lớp thuộc Sơn môn học đường, các cấp thuộc An Nam Phật Học Đường, các Phật Học Viện, các giảng sư, các ban giảng sư, các chương trình giảng tập với nội dung kết hợp nội ngoại kinh điển chọn lọc, mở rộng thêm các kiến thức về lịch sử, văn hoá dân tộc và các nước thuộc khu vực Ấn Trung, đặc biệt là các kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật và nền văn minh phương Tây. Đường hướng giáo dụcđào tạo này mãi cho đến ngày nay tuy trình độ so sánhchênh lệch, nhưng trên đại thể vẫn còn nhiều điều khả thi. Một chi tiết rất quan trọng mà nếu thiếu nó, Phong trào Chấn hưng Phật giáo chắc chắn không đạt được thành tựu như chúng ta đã thấy: Đó là phương pháp sư phạm, phương pháp tư duy khoa học. Chính nhờ các phương pháp tiên tiến này mà các giảng sư đã cung cấp cho các học viên thêm một cách tiếp cận mới các vấn đề thuộc gia tài văn hoá, lịch sử truyền thống một cách thích thútương đối dễ dàng. Phương pháp tư duy, cách tiếp cận và giải thích các vấn đề thuộc lãnh vực Phật học và khoa học kỹ thuật, mỗi bên mỗi khác. Bên này thì sử dụng trực giác là chủ yếu, bên kia thì mải mê với phân tích – tổng hợp. Tuy nhiên, nếu không nhờ các phương pháp khoa học đánh thức thì nền văn minh phương Đông trong đó có Việt Nam chẳng biết tiếp tục ngủ quên đến bao giờ? Chúng tôi dài dòng Đông Tây ở đây chỉ với mục đích làm rõ hơn vai trò của bác sĩ Lê Đình Thám, của thượng tọa Thích Mật Thể, của thượng toạ Thích Trí Độ, và một số vị khác trong phong trào Chấn hưng Phật giáo, và đồng thời cũng để tự nói với chính mình rằng Đạo Phậtcon đường rộng mở, chỉ có chào đón, dung hợp và chuyển hoá chứ không hề là pháo đài cố thủ, chống đối và phủ định các nền văn hóa, văn minh khác.
Để thực hiện công cuộc giáo dục đào tạo tăng ni, Hội An Nam Phật Học thành lập một ban giảng sư, soạn thảo chương trình cho các cấp học, chuẩn bị trường lớp và vận động sự bảo trợ của các gia đình cư sĩ phật tử, đặc biệt các gia đình phật tử thuộc tầng lớp trên (hoàng tộc, quan lại, phú hộ, tư sản).
Ban giảng sư gồm có các thiền sư Giác Tiên, Phước Huệ, Tịnh Khiết, Trí Độ, Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Khế, Mật Thể, Mật Hiển, Mật Nguyện, Thiện Siêu, đặc biệtbác sĩ Lê Đình Thám và các ni sư Diệu Hương, Diệu Viên.
Chương trình của trường An Nam Phật Hoc chia làm ba cấp: sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng. Mỗi cấp hai năm. Sau khi hoàn tất chương trình cao đẳng, học tăng có thể ở lại tiếp tục nghiên cứu thêm ba năm nữa để trở thành giảng sư.
Muốn vào tu học ở An Nam Phật Học Đường, các thí sinh tăng phải qua một kỳ thi trình độ căn bản là:
--  Đậu sơ học Pháp – Việt.
--  Biết đọc và biết viết chữ Hán.
--  Quốc ngữ phải thông thạo. Có thể dịch một bản kinh luận từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ và một vài câu Quốc văn ra chữ Hán (VNPGSL – Nguyễn Lang –  trang 823 – 824 )
Hội An Nam Phật Học khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ các địa phương mở lớp sơ đẳng. Ở Huế trường gồm đủ ba cấp. Do điều kiện kinh tế, Hội chưa xây dựng được cơ sở chính cho trường, nên các lớp được tổ chức tại các chùa có điều kiện. Trường khai giảng năm 1933 tại chùa Vạn Phước với sĩ số 50 học tăng. Năm 1935 thiền sư Trí Độ từ Bình Định ra, được mời làm đốc giáo của trường này. Cũng năm 1935 một lớp trung đẳng được mở tại chùa Tường Vân do thiền sư Tịnh Khiết làm đốc giáo, một lớp cao đẳng được mở tại chùa Trúc Lâm do thiền sư Giác Tiên điều hành. Lớp trung đẳng này ngoài các học tăng miền Trung, còn có các học tăng từ miền Nam ra như Thiện Hòa, Hữu Thụy, Thiện Không, Thiện Hoa, Chí Thiện…Thiền sư Phước Huệ được mời trông coi tổng quát và phụ trách giảng dạy cả hai lớp trung và cao đẳng. Năm 1936, lớp cao đẳng được dời về chùa Tây Thiên.
Năm 1943 trường An Nam Phật Học tổ chức thi tốt nghiệp. Sáu vị được công nhận chính thức và bốn vị dự bị do thiếu điểm vấn đáp (VNPGSL – Nguyễn Lang – trang 825). Trong sáu vị được công nhận chính thức, hai vị sau này trở thành những thiền sư nổi tiếng trong phong trào Phật giáo dấn thân, đó là thiền sư Thích Trí Quang, thiền sư Thích Thiện Minh, và một vị, Thích Trí Thuyên, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Năm 1944 trường An Nam Phật Học được dời về Kim Sơn với dự án lâu dàixây dựng thành một Đại Tùng Lâm. Tuy nhiên, những biến động to lớn của đất nước (Nhật đảo chánh, cách mạng tháng Tám, triều đình Bảo Đại giải thể, chiến tranh Việt – Pháp…) đã buộc Tùng Lâm Kim Sơn phải đóng cửa. Các lớp học phải dời về chùa Linh Quang do thiền sư Trí Thủ phụ trách. Năm 1946 trường dời về chùa Bảo Quốc.
Ngoài trường Tăng, An Nam Phật Học Hội còn tổ chức trường Ni. Trường Ni kế thừa những thành tựu do công lao của Ni sư Diên Trường và Ni sư Đàm Soạn (một Ni sư rất nổi tiếng ở miền Bắc được mời vào) bắt đầu từ những năm 20, với Ni viện Diệu Viên và các Ni sư Chơn Hương, Giác Hải ở huyện Hương Thủy. Nhưng đến năm 1932, trường Ni mới khai giảng lớp đầu tiên tại chùa Từ Đàm, năm sau dời về chùa Diệu Đức. Ni sư Diệu Hương vừa làm đốc giáo vừa trực tiếp giảng dạy. Các vị trong ban giảng sư của An Nam Phật Học Hội như Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Hiển, Mật Nguyện …là những vị thầy nòng cốt của Ni trường này. Chẳng bao lâu trường Ni nổi tiếng trong cả nước. Mỗi khóa hàng trăm học ni từ Bắc, TrungNam về đây tu học. Sau khi thi tốt nghiệp các ni cô được đào tạo bài bản tại đây tỏa đi các huyện thuộc Thừa Thiên – Huế, các tỉnh miền Trung và miền Nam  phát triển, thành lập các chùa sư nữ.
 4/ Tổ chức các đoàn thể thanh thiếu niên Phật tử.
Tuổi trẻ bao giờ cũng có vai trò tiên phong trong bất cứ sự nghiệp to lớn và lâu dài nào. Các nhà khởi xướng, lãnh đạo Phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Trung – Huế, đặc biệtbác sĩ Lê Đình Thám, từ năm 1940 đã bắt đầu công cuộc giáo dục, rèn luyện và đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên Phật tử.
         -- Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục.Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) viết
“Năm 1940, Tâm Minh Lê Đình Thám qui tụ một số thanh niên trí thức tại Huế, phần lớn là con cháu các cư sĩ đã từng hoạt động trong Hội An Nam Phật Học, và thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Ông cũng gọi tổ chức ấy bằng danh từ Pháp ngữ: “Commission d’Etudes Bouddhique Et De Perfectionnement Moral”. Đích thân ông đứng ra hướng dẫn đoàn và dạy Phật pháp cho họ. Những thanh niên trí thức tân học này không học Phật pháp bằng những văn bản Hán văn nữa. Họ được nghe trình bày đạo Phật theo đường lối tân học, cho nên họ hiểu giáo lý rất mau chóng. Đồng thời với Phật học, họ còn được học Nho học và Lão học nữa. Ông Đinh Văn Chấp, tiến sĩ Hán học, đã tham dự vào việc giảng huấn cho lớp này”.
“ Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục lúc ấytượng trưng cho một đạo Phật mới. Bài ca chính thức của đoàn được soạn và hát bằng tiếng Pháp. Điều này khiến cho giới thanh thiếu niên thấy rằng đạo Phật là một cái gì  rất “hợp thời,” không còn cổ hủ nữa… Lời Pháp hồi ấy như sau:
Rangeons nous, mes amis
Pour chanter Gaiement en choeur
Portons tous vers Bouddha
Notre foi et notre ardeur
Engageons nous à tout pris
Sur la route qui montre brille
Et ce chant s’élèvera.
Pour unir nos jeunes coeurs.” ( VNPGSL –  Nguyễn Lang, trang 831 – 832)
Như thế là đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục đã trở thành những cán sự tiên phong hình thành nên các tổ chức và phong trào Phật tử sau này.
Nhiệm vụ của đoàn là tổ chức các đoàn thể phật giáo trẻ tuổi, qua đó mà giáo dục, rèn luyện họ thành những thế hệ phật tử kế thừa có đầy đủ sức khỏe, trí tuệ, và phẩm hạnh nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu và hoài bão được đề ra bởi Phong trào Chấn hưng.
Những đoàn viên Phật Học Đức Dục đầu tiên là các anh Lê Hữu Hoài, Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán, Lê Bôi, Đinh Văn Vinh, Đinh Văn Nam, Võ Đình Cường, Hoàng Kim Hải, Trực Hiên, Hà Thị Hoài, Nguyễn Khải, Ngô Đồi…
Nhiệm vụ trước mắt của đoàn là:
-- Thành lập những ban Đồng Ấu.
-- Thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ
-- Biên soạn sách giáo khoa Phật học sơ đẳng.
-- Phụ trách báo Viên Âm
-- Tổ chức Phật Học Tùng Thư.
Nhiệm vụ lâu dài là tổ chức đoàn thanh thiếu niên Phật tử Thừa Thiên – Huế làm nòng cốt cho đoàn thanh thiếu niên Phật tử miền Trung, tiến tới thành lập đoàn Thanh Thiếu Niên Phật Tử toàn quốc.
    
 + Ban Đồng Ấu. Theo Nguyễn Lang “Từ năm 1932 những tổ chức thiếu niên thiếu nữ đã có rồi, được gọi là những ban Đồng Ấu, ở Trung thì do các vị như Bửu Bác dạy dỗ, ở Bắc thì có các vị như Công Chân luyện tập” (VNPGSL tr 831). Cũng theo Nguyễn Lang, ban Đồng Ấu xuất hiện gây ấn tượng trong lễ rước Phật được tổ chức đầu tiên tại Huế nhân ngày Phật Đản 8 tháng 4 âm lịch (10.5.1955).
“Nhân Phật Đản 1935. Hội An Nam Phật Học muốn phô diễn sức mạnh, bản sắc Phật giáo tại đất Thần Kinh. Hội cử thiền sư Mật Khế làm trưởng ban tổ chức. Hội huy động toàn thế tăng – ni, phật giáo đồ các chùa trong khu vực Thừa Thiên – Huế  tham dự. Hội vận động vua Bảo Đại làm Hội chủ danh dự, và Tam Tôn Cung bảo trợ.
“Chiều mồng bảy tháng Tư âm lịch, lễ rước Phật khởi đầu từ chùa Bảo Quốc. Quần chúng Huế và các vùng phụ cận đỗ ra đứng hai bên đường để xem đám rước. Tâm điểm của đám rước là 50 em trong ban Đồng Ấu Phật tử đồng phục mũ áo mã tiền, trên vai cắm lồng đèn hoa sen, vừa đi vừa hát bài “Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư…” 9 giờ 30 tối đám rước mới tới được chùa Diệu Đế. Trong sân và các mặt đường bao quanh chùa Diệu Đế đứng chật hàng ngàn người hiếu kỳ. Trên lễ đài hòa thượng Thích Giác Nhiên giảng bài Bát Nhã Tâm Kinh trước máy vi âm. Các loa phóng thanh đặt bốn góc sân chùa đưa được tiếng giảng kinh của vị sư già đến tai người nghe đứng chật các mặt đường tứ phía. Đối với đông đảo quần chúng đây là sự kiện mới lạ chưa từng thấy. Đạo Phật đã đến với họ. Đạo Phật không dị ứng trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật phương Tây. Đây là chủ ý của ban tổ chức. (Máy vi âm mượn của nhà thuốc Võ Văn Vân tận Thủ Dầu Một – miền Nam).
“Sáng mồng tám, ni sư Diệu Hương giảng kinh Di Đà, ni sư Diệu Viên thuyết trình đề tài “ Phật học đối với phụ nữ”, bác sĩ Lê Đình Thám nói về ý nghĩa ngày Phật Đản,  9 giờ, vua Bảo Đại, Tam Tôn Cung, các Cơ mật đại thần và cả viên Khâm sứ Pháp đến dự. Sau khi cử hành lễ Phật Đản, ban Đồng Ấu hát những bài theo điệu Phú Lục, Long Ngâm, Đăng Đàn Cung, Lưu Thủy, Kim Tiền, Ngư Đối Phượng.”
Lễ Phật Đản kết thúc, gây tiếng vang lớn trong quần chúng Thừa Thiên – Huế, và là dịp để báo chí Huế, Hà Nội, Sài Gòn tiếp tục luận bàn. Vấn đề là có nên hay không nên đẩy mạnh Phong trào Chấn hưng Phật giáo?
Tuy nhiên, dù dư luận thế nào, lễ hội cũng đã gây hứng khởi, tác động tích cực, thúc đẩy Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở cả ba kỳ. Ban Đồng Ấu trong lễ Phật Đản 1935 đã gợi ý, để đến năm 1940, Tâm Minh Lê Đình Thám bắt đầu kế hoạch, chương trình tổ chức, giáo dụcđào tạo các thế hệ phật tử trẻ. Sau 1954, các lễ hội Phật Đản được tổ chức tưng bừng hàng năm tại Huế và Miền Trung là những sự kiện tôn giáovăn hóa đặc sắc đối với đại đa số quần chúng nhân dân, và là nguyên nhân gần dẫn đến cuộc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến cuộc đấu tranh đòi tự dobình đẳng tôn giáo của Phật giáo miền Trung – Huế. Tất cả các biến cố ấy đều ở trên một tiến trình chập chùng duyên khởi.
         -- Gia Đình Phật Hóa Phổ. Kết thúc khóa huấn luyện, các đoàn viên Thanh Niên Phật Học Đức Dục chia nhau đi về các chùa, các Khuôn tịnh độ tập hợp các thanh thiếu nhi thành từng đội theo lứa tuổi: Đội  Đồng Niên nam nữ tuổi từ 6 đến 12. Đội Thiếu Niên nam nữ tuổi từ 13 đến17. Đội Thanh Niên nam nữ từ 18 đến 22. Nhiều đội được tập hợp thành một đoàn. Nhiều đoàn được tập hợp thành Gia Đình – gọi là Gia Đình Phật Hóa Phổ. Các đoàn viên Thanh Niên Phật Học Đức Dục chia nhau phụ trách các Đội, Đoàn hay cả Gia Đình. Tất cả đều mang chức danh là Huynh trưởng. Vị huynh trưởng đầu tiên là cư sĩ Võ Đình Cường – đoàn viên Thanh Niên Phật Học Đức Dục – sau này là nhà văn, nhà hoạt động Gia Đình Phật tử nổi tiếng.
Nội dung chương trình giáo huấn dành cho Gia Đình Phật Hóa Phổ gồm hai phần: Phật học ứng dụng, và sinh hoạt ngoài trời. Về Phật học gồm các bài giảng trong sách giáo khoa Phật học sơ đẳng do các đoàn viên Thanh Niên Phật Học Đức Dục biên soạn  theo sự hướng dẫn của bác sĩ Lê Đình Thám. Về sinh hoạt ngoài trời mô phỏng có chọn lọc những bài tập của tổ chức Hướng Đạo. Hoàn toàn có khả năng là đa phần các đoàn viên Thanh Niên Phật Học Đức Dục vốn là những Hướng Đạo sinh. Những thanh niên Phật Học Đức Dục – Hướng Đạo sinh này sẽ đem các phương pháp, kỹ năng sinh hoạt ngoài trời mình đã tiếp thu được từ phong trào Hướng Đạo huấn luyện lại cho các đội, đoàn viên Gia Đình Phật Hóa Phổ.
Như thế là Gia Đình Phật Hóa Phổ được Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục thành lập từ 1941. Đến năm 1944, Đại hội thanh thiếu niên phật tử Thừa Thiên – Huế được tổ chức tại đồi Quảng Tế. Gia Đình Phật Hóa Phổ chính thức khai sinh, được Hội An Nam Phật Học công nhận là thành viên. Năm 1946, nhiều huynh trưởng và thanh niên phật tử lên đường đi kháng chiến chống Pháp, Gia Đình Phật Hóa Phổ ngưng hoạt động. Năm 1948 – 1949, thực dân Pháp hoàn toàn làm chủ thành phố Huế với chính phủ Quốc Gia của Quốc trưởng Bảo Đại làm bình phong, Gia Đình Phật Hóa Phổ tái hoạt động, chính thức ra mắt tại chùa Từ Đàm nhân ngày Phật Thành Đạo (8 tháng Chạp). Tháng Tư – 1951, đại hội các huynh trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ 8 tỉnh miền Trung và 2 tỉnh miền Bắc là Hà Nội và Hải Phòng họp tại chùa Từ Đàm, đổi tên là Gia Đình Phật Tử. Đại hội bầu ra Ban hướng dẫn mới và thông qua điều lệ mới. Gia Đình Phật Tử tiếp tục phát triển đều khắp các tỉnh miền Trung và một số các thành phố, tỉnh lị, thị xã miền Nam. Từ năm 1954 về sau, nhiều đoàn viên Gia Đình Phật Tử làm nòng cốt cho các tổ chức Học sinh Phật tử, Sinh viên Phật tử, Giáo chức Phật tử …, là lực lượng tiền phong  trong phong trào Phật giáo Dấn thân.
5/ Xuất bản báo chí và kinh sách. Ra đời chưa được bao lâu thì năm 1933 An Nam Phật Học Hội đã có tờ báo Viên Âm nhằm phổ biến rộng rãi phật pháp và các kiến thức, các thông tin quan hệ đến đời sống tu học, các chương trình sinh hoạt của các hội Phật giáo và các tổ chức Phật tử khắp nơi.
Đặc biệt trên báo Viên Âm còn có mục diễn đàn trình bày quan điểm lập trường và đường lối của hội đối với đạo pháp và dân tộc trước bối cảnh mới.
Viên Âm đối thoại, thảo luận cùng các báo khác về vấn đề bản chất của Phật giáo đối với đời sống nhân quần xã hội và tương lai của đất nước. Nguyễn Xuân Thanh, một cây bút trẻ của Viên Âm, chứng minh rằng Đạo Phật mạnh chứ không yếu, tích cực chứ không tiêu cực. Đạo Phật thích hợp với khoa học và tuổi trẻ chứ không là lí luận suông, mơ hồ, yếm thế, chỉ thích hợp cho tuổi già như nhiều ngươi lầm tưởng. Đất nước và thế giới rất cần có Đạo Phật để chuyển hóa đau khổ thành an lạc, đói nghèo thành no ấm, hận thù chiến tranh thành yêu thương và hòa bình.
Viên Âm kêu gọi những người chống đối nên tìm hiểu Phật giáo trước khi phê bình, chỉ trích. Những năm 30, các cây viết chuyên về Phật giáo và những ký giả, nhà văn phật tử tại Huế chưa nhiều như ở Hà Nội và Sài Gòn. Do vậy, trên Viên Âm từ số 1 đến số 47, ngoài Nguyễn Xuân Thanh và một số ít các tác giả khác, đa phần các mục, các bài đều do Lê Đình Thám cáng đáng. Ông là cây bút chính ở mục Diễn Đàn, ông viết những bài khảo luận (Kết Sinh Tương Tục Luận), ông dịch kinh Lăng Nghiêm, ông viết truyện ngắn, truyện dài và cả chuyện cười. Ông là Lê Đình Thám, là Tân Minh, là TM, là Châu Hải, là Ba Rãm, là Cửu Giới.
Trong thời gian tập hợp, thành lập, giáo dụcrèn luyện đoàn thanh niên Phật Học Đức Dục (năm 1940), Lê Đình Thám phát hiện khả năng nghiên cứu, sáng tác nơi những trí thức phật tử trẻ tuổi. Ông liền giao cho họ phụ trách báo Viên Âm (từ số 48) và mở cơ sở xuất bản Phật Học Tùng Thư. Từ đó báo Viên Âm không chỉ là cơ quan ngôn luận của An Nam Phật Học Hội mà còn là tiếng nói chính thức của Đoàn Thanh Thiếu Niên Phật Tử (Gia Đình Phật Hóa Phổ  – Gia Đình Phật tử sau này). Là lực lượng nòng cốt, các trí thức phật tử trong đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục đã làm cho Viên Âm trẻ trung, đa sắc màu và dồi dào sức sống hơn trước. Báo Viên Âm mở rộng độc giả ra nhiều lứa tuổi không những ở thành phố mà còn về nông thôn và ra ngoài lãnh thổ Thừa Thiên – Huế. Các cây bút trẻ của báo Viên Âm trở thành tác giả của nhiều tác phẩm Phật học dành cho giới trẻ của cơ sở xuất bản Phật Học Tùng Thư. Phạm Hữu Bình với cuốn Phật giáo và Thanh Niên Đức Dục. Đinh Văn Vinh với cuốn Phật GiáoĐức Dục. Ngọc Thừa với cuốn Đời Vui. Trần Đỗ Cung với cuốn Đời Sống Vui. Đinh Văn Nam với cuốn Thanh Niên Đức Dục. Nguyễn Hữu Quán với cuốn Nghĩa Của Chữ Cho. Các tác giả Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Đức Tâm với cuốn Phật Pháp, Võ Đình Cường với hai cuốn Ánh Đạo Vàng và Những Cặp Kính Màu; sau này, Trụ Vũ với những tập thơ thấm đẫm lẽ Đạo, tình Người.
                                         
                                          Chương II
              
              Phật giáo miền Trung – Huế tham gia
      Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp
                                      
Những biến động to lớn xẩy ra trên bình diện quốc tế và quốc gia (chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Nhật đầu hàng, Cách mạng tháng Tám, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lậplãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp…) đã tác động rất lớn đến toàn bộ đời sống nhân dân. Phong trào Chấn hưng Phật giáo trong cả nước đã nhanh chóng hội nhập vào dòng chảy tưởng chừng như sáng láng của đất nước và dân tộc. Tăng nicư sĩ ai cũng thấy mình có vai trò, vị trítrách nhiệm trong cuộc cách mạng vĩ đại mà họ cho rằng đã hội đủ những nhân duyên tốt lành. Các tu sĩ trẻ ưu tú nhất của Phật giáo miền Trung – Huế đều hăng hái tham gia các Hội Phật giáo Cứu quốc ở các tỉnh và liên khu. Thích Mật Thể, Thích Trí Thuyên, Thích Đức Tâm, Đinh Văn Nam ( người sau này là Thích Minh Châu),… ở Thừa Thiên- Huế, Thích Thiện Minh ở Quảng Trị, Thích Trí Quang Ở Quảng Bình, Thích Huyền Quang ở Quảng Ngãi, Lê Đình Thám, Nguyễn Hữu Quán ở liên Khu 5, Thích Trí Độ ở Liên khu 4…Lòng yêu nước nồng nàn và những giới hạn trong tư duy minh triết của người Việt Nam đã thúc đẩy gần như toàn thể  phật tử Việt Nam hướng về Việt Minh và cuộc kháng chiến chống đuổi thực dân Pháp mà chẳng có một e ngại gì, (mặc dầu từ năm 1930 họ đã nghe được rằng đảng Cộng Sản chủ trương tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo). Vì yêu nước người phật tử không sợ bất cứ một hy sinh gian khổ nào. Nhưng Phật pháphọc thuyết Mác – xít, giáo hội Phật giáo mà họ đang nỗ lực hình thành và đảng Cộng sản liệu có khế hợp và “đoàn kết – đại đoàn kết” được để giành lại đất nước, xây dựng cuộc sống an bìnhhạnh phúc cho quần chúng nhân dân không? Câu hỏi này không được đặt ra vào những ngày đầu của những sự kiện vĩ đại ấy. Bởi người phật tử, kể cả những người khởi xướng phong trào Phật giáo Chấn hưng đều nghĩ một cách hồn nhiên rằng: ý thức hệ Cộng sản và Phật pháp cũng có những điểm chung: “đều là vô sản, vô thần, vô giai cấp như nhau,” và “đều yêu thương dân tộc, đất nước và nhân loại”. Bởi “trước khi trở thành phật giáo đồ hay đảng viên, “chúng ta” đều là người Việt Nam”(Thích Trí Quang). Do vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đa phần những nhân vật ưu tú nhất của Phật giáoba kỳ đều tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Việt Minh dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tổ chức như Phật giáo cứu quốc, Tăng già cứu quốc mọc lên khắp nơi từ trung ương đến địa phương.
Những tăng ni phật tử còn ở lại chùa, ở lại nhà thì không còn có thì giờ để chăm lo đầy đủ các phật sự. Tất cả đã chung sức chung lòng cùng các đoàn thể Phụ Lão, Thanh Niên, Phụ Nữ ngày đêm “cứu quốc” ngay trên địa bàn mình cư trú. Công cuộc Chấn hưng Phật giáotăng giàcư sĩ Miền Trung – Huế gầy dựng được hàng chục năm trời, nay xem như những tinh thể muối trở về hội nhập với đại dương dân tộc. Những tinh thể muối này hội nhập với đại dương sẽ làm cho đại dương mặn màtinh khiết hơn, khác với nước từ các sông suối sẽ làm cho nước đại dương nhiều hơn nhưng đồng thời cũng mang theo bùn lầy rác bẩn. Chẳng bao lâu các tăng sĩ và cư sĩ phật giáo cứu quốc nhận ra rằng con đường Đạo pháp và Dân tộc của Phật giáo Việt Nam khó mà hội nhập với con đường giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp mà đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diệntuyệt đối của mình. Năm 1946 Thích Mật Thể theo đề nghị của Việt Minh làm chủ tịch Ủy ban Phật giáo Cứu quốc Thừa Thiên – Huế, đồng thời ứng cử vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong các vai trò này, ông xin phép Việt Minh xuất bản báo Giải Thoát. Làm Đại biểu Quốc hội, phụ trách Ủy ban Phật giáo Cứu quốc, hay làm báo Giải Thoát đối với Thích Mật Thể là để đóng góp hữu hiệu hơn vào công cuộc chống Tây giành độc lập cho tổ quốc. Qua báo Giải Thoát, Thích Mật Thể và các đồng chí, đồng sự của ông kêu gọi toàn thể phật giáo đồ tích cực tham giaủng hộ kháng chiến, đồng thời đề nghị đảng Cộng Sản và Việt Minh một đường lối với các biện pháp cởi mở và dung hợp hơn đối với chiến sĩ và đồng bào trong chiến tranh cũng như trong xây dựng xã hội. Mối tương quan “son sắc” giữa Phật giáo nói chung, Thích Mật Thể và các đồng chí, đồng sự của ông nói riêng, với Việt Minh Cộng sản kéo dài chưa quá môt năm. Năm 1947 báo Giải Thoát bị đình bản. Các chức vụ chủ tịch hay đại biểu gì đó ngay từ đầu chỉ là công cụ và hư vị. Nhưng Thích Mật Thể và các đồng chí, đồng sự của ông vẫn kiên trì ở lại với kháng chiến và Việt Minh – Cộng sản với hy vọng đem cái tâm Phật mà hội nhập với tài năng, ý chí và bản lãnh của các nhà làm cách mạng Cộng sản. Ở Bình Định, Bác sĩ Lê Đình Thám thành lâp nhóm Dân Chủ Mới, Nguyễn Hữu Quán thuyết trình đề tài Phật giáoDân Chủ Mới vơi hy vọng tăng triển sự hiểu biết Phật – Cộng và sự đoàn kết trong Việt Minh nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Nhưng quan hệ giữa Thích Huyền Quang và các đồng đạo của ông với Việt Minh Cộng sản đã trục trặc rất sớm.
Mối “lương duyên” giữa Phật giáo và Việt Minh Cộng Sản ngày một nứt rạn. Tuy nhiên, các tăng ni, phật tử do những cảm nhận khác nhau về Phật pháp, về Dân tộc, và về Việt Minh – Cộng Sản đã chọn lựa những hướng đi khác nhau, trên đại thể chia làm hai hướng:
-- Một số sống sót trong chiến tranh, kiên trì ở lại với kháng chiến, đi dần ra Bắc để rồi tan biến trong chiến tranh (hết chống Pháp, đến chống Mỹ) với chính sách hạn chế tôn giáo của chính quyền Cộng Sản như thiền sư Thích Mật Thể và các đoàn viên Phật Hóa Phổ Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán…, hoặc bất đắc dĩ trở thành công cụ và bình hoa của chế độ như bác sĩ Lê Đình Thám và thiền sư Thích Trí Độ.
-- Một số  khác không khế hợp được với Việt Minh – Cộng Sản, từ sau 1947, trở lại chùa, trở lại nhà trong vùng Pháp chiếm đóng để cùng với các đồng môn, đồng chí và phật giáo đồ bắt đầu lại công cuộc chấn hưng. Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Thiên Ân, Thích Mãn Giác, Thích Đức Tâm…, Đinh Văn Nam, Cao Hữu Đính, Võ Đình Cường… là những vị như thế.
Điều đáng chú ý là mặc dù không đồng tình với Việt Minh về ý thức hệ  (hoặc chưa hiểu biết hết thủ đoạn của đảng Công Sản) và sách lược bạo động của người lãnh đạo kháng chiến, nhưng đa số những vị tăng ni trẻ cũng như già và các phật tử trong các vùng Pháp chiếm đóng vẫn hướng về và ủng hộ cuộc kháng chiến trong hoàn cảnhđiều kiện của mình, vẫn bị bắt bớ, tra tấn, tù đày và bị giết chết bởi bạo lực của thực dân Pháp.
Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh – VNPGSL) đã sơ kết sự đóng góp xương máu của tăng sĩ toàn quốc và Thừa Thiên – Huế trong kháng chiến chống Pháp như sau:
“…Riêng về tăng sĩ, trên bốn trăm thanh niên tăng ni đã bị thực dân Pháp bắn chết trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1954. Thích Minh Tâm (tên đời là Nguyễn Quang Lý) đệ tử thiền sư Quảng Nhuận, chính trị viên trung đoàn Trần Cao Vân, gục ngã tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thích Tánh Huyền (tên đời là Nguyễn Văn Hàm) đệ tử thiền sư Mật Nguyện, làm Chủ tịch Ủy ban hành chính khu phố 7 của thị xã Huế đã gục ngã sau lưng chùa Tường Vân. Thích Châu Quang (tên đời là Huỳnh Văn Sính) đệ tử thiền sư Quảng Huệ, đã gục ngã tại mặt trận bảo vệ thị xã Huế. Thích Trí Nghiêm, đệ tử của thiền sư Đôn Hậu ngã gục ở chiến khu Quảng Trị. Thích Tâm Thường chết tại chùa Thiền Tôn. Thích Viên Minh và Nguyễn Chính chết tại mặt trận Phan Thiết. Thích Minh Trí chùa Thiên Ấn ở xã An Thạnh, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một đã chết một cách vô cùng oan ức. Sau khi bị thực dân tra tấn, Minh Trí đa bị chôn sống với năm người Phật tử cư sĩ khác tại Gò Đốc xã Tân Khánh. Họ đã bị bắt buộc đào hố để tự chôn mình.
Thiền sư Trí Thuyên bị thực dân bắn chết ngay tại Phật học đường Kim Sơn, còn thiền sư Đôn Hậu bị quân đội Pháp bắt giữ và tra tấn tại Huế.”
“Thiền sư Trí Thuyên là đại diện cho lớp tăng sĩ trẻ tuổi có học, một dạ một lòng với đạo Phật và với dân tộc. Ông đã được đào luyện đúng chín năm tại trường An Nam Phật Học. Sinh ở Quảng Ngãi, ông xuất gia từ tấm bé ở đó và đã được gởi về học tại Huế từ 1934. Ông thụ đại giới năm 1944 tại giới đàn Thuyền Tôn. Tham gia cách mạng, cố nhiên ông chỉ làm công tác bất bạo động. Ông ngã gục dưới mũi súng thực dân vào cuối năm 1947 tại Phật học đường Kim Sơn.
“Ngày Phật Đản 1948 tại Phật học đường Bảo Quốc Huế, một số học tăng và giáo sư âm thầm tổ chức lễ cầu nguyện và truy điệu ông, và cầu nguyện cho tất cả thanh niên tăng ni khác đã bỏ thân vì cách mạng. Thiền sư Trọng Ân, giáo sư tại Phật học đường Bảo Quốc hồi ấy đã đề vào bức ảnh của Trí Thuyên bốn câu sau đây:
                                           Năm xưa ai đã cùng ai
                                 Đốt lò hương, nguyện dưới đài quang minh
                                           Mà nay non nước chưa bình
                                 Người đi đâu mất, ảnh hình còn đây?
“Người không đi mất, người chỉ đi vào lòng tổ quốc, lòng dân tộc và vào trong ký ức của những thế hệ Phật tử kế tiếp.”
                                                                    
Tổ chức lễ truy điệu và cầu nguyện cho Thích Trí Thuyên và cho các tăng ni phật tử đã bỏ mình trong chiến tranh cũng là dịp để ôn lại một chặng đường phật giáo đồng hành cùng Việt Minh – Cộng sản, và tiếp tục khẳng định công cuộc chấn hưng trước tình thế mới: Sự khốc liệt của chiến tranh, những kinh nghiệm sống và chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Việt Minh –  Cộng Sản cũng là đề tài được bàn luận không công khai ồn ào nhưng chắc chắn là nghiêm túc và cẩn trọng với rất nhiều giằng xé. Nhiều ý kiến cho rằng kháng chiến chắc chắnlâu dàivô cùng ác liệt, bởi tương quan lực lượng giữa hai phía yêu nước và xâm lược còn chênh lệch rất nhiều. Trong khi đó chính sách và những biện pháp đối với những người được xem là “Việt gian, phản động, lạc hậu và những thành phần phi vô sản” là quá khắc nghiệt, nghi ngờrẻ rúng. Chính sách và những biện pháp đó làm cho công cuộc vận động đoàn kết dân tộc bị hạn chế. Những biện pháp quá ư bạo động không thích hợp với những tăng niphật giáo đồ kiên định. Sự nghi ngờrẻ rúng đối với những thành phần ngoài vô sản đã xúc phạm đến tình tự dân tộc và lòng tự trọng của những thành phần này. Chính sách tự do tín ngưỡng của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không thành thật, chủ yếu là để đấu tranh với địch và chiêu dụ đồng bào tôn giáo cư trú trong lòng địch. Không có dấu hiệu quyền tự do tín ngưỡng được thực thi một khi kháng chiến thành công. Do vậy trong hàng ngũ tăng niquần chúng phật tử đã có không ít người tập chú về một đường lối, một cách thế ứng xử tế nhịvô cùng khó khăn: Giáo hội không ủng hộ cũng không chống Việt Minh – Cộng sản. Ủng hộ hay không ủng hộ kháng chiến là quyền tự do của cá nhân. Nhưng toàn thể tăng già cũng như phật tử cần nỗ lực tìm cho Phật giáo một hướng đi riêng phù hợp với giáo pháp là hòa bình và trung đạo. Khuynh hướng này lần hồi tạo lập được sự đồng thuận của đa số, bởi nó phù hợp với cốt tủy của đạo Phật và khát vọng phục vụ dân tộc, phục vụ  nhân loại được đề ra lúc khởi đầu Phong trào Chấn hưng.
                    Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên – Huế
Một sự kiện quan trọng không thể nào quên là trước lễ cầu siêu và cuộc thảo luận đặc biệt này gần hai năm, với sự vận động năng nổ của hai thiền sư Mật Hiển (trú trì chùa Trúc Lâm) và Mật Nguyện (trú trì chùa Linh Quang), các tăng sĩ nòng cốt của Phong trào Phật giáo Thừa Thiên – Huế thành lập một tổ chức lấy tên là Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên – Huế.
Như đã trình bày ở trên, bắt đầu phong trào Chấn hưng, An Nam Phật Học Hội là tổ chức bình phong của lực lượng tăng già đứng đằng sau. Cách mạng tháng Tám nổ ra, An Nam Phật Học Hội giải tán. Chùa chiền tu viện trở nên tiêu điều hoang vắng. Tất cả đều hướng về cuộc kháng chiến chống đuổi ngoại xâm. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau nhiều người nhận ra rằng cách mạng và kháng chiến không phải ngày một ngày hai. Các sư tăng lần hồi ít đến  trụ sở các Ủy ban cứu quốc. Họ trở về với chùa với Phật và các phật tử đang cần sự chia sẻ vỗ về trước những đau thương mất mát. Họ cũng thấy cần cùng nhau khẳng định lại vai trò nòng cốt của mình trong công cuộc chấn hưng không thể bỏ lỡ. Về phía Việt Minh, vừa chiến đấu vừa rút lui trước sức tấn công hung bạo của quân Pháp, cũng nhận ra rằng cần có những cơ sở bí mật, những tổ chức bình phong trong lòng địch để hỗ trợ cuộc kháng chiến trường kỳ. Do vậy việc thiền sư Mật Hiển, thiền sư Mật Nguyện và các sư tăng đồng chí năng nổ nối kết tăng già Thừa Thiên – Huế trong một tổ chức không có gì khó khăn trở ngại. Như thế là tổ chức Sơn Môn Tăng Già chính thức hình thành vào đầu tháng 10 năm 1946. Tại hội nghị thành lập, Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên – Huế quyết định: Tiếp tục các hoạt động của Phong trào Chấn hưng đang bị bỏ lỡ: Dời trường An Nam Phật Học ở Kim Sơn về chùa Bảo Quốc do thiền sư Trí Thủ trông coi. Xây dựng Bảo Quốc Phật Học Đường thay thế An Nam Phật Học Đường. Đưa các trường ni trở lại hoạt động bình thường. Giúp đỡ các địa phương xây dựng trường Phật học sơ trung cấp.Tiếp tục phát triển Gia Đình Phật Hóa Phổ. Tiếp tụcmở rộng công cuộc hoằng pháp. Tiến tới thành lập Sơn Môn Tăng Già Trung Việt.
Chúng ta thấy từ chương trình hành động của Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên – Huế đến đường hướng manh nha từ lễ cầu siêu Thích Trí Thuyên có những chuyển biến mới lạ. Sự chuyển biến mới lạ này chủ yếu do tác động của những tăng sĩ và trí thức phật tử từ chiến khu về. Cái mới lạ đó, một là Giáo hội Phật giáo không công khai ủng hộ kháng chiến như trước đây nữa, mà đó là hành động tự do của cá nhân, hai là tìm cho Phật giáo Việt Nam một hướng đi riêng, không phụ thuộc vào các thế lực chính trị.
Trước chấn hưng, Phật giáo phụ thuộc vào triều đình Huế và các thế gia vọng tộc.
Từ cách mạng Tháng Tám, Phật giáo toàn tâm toàn ý hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh kháng chiến chống Pháp và cách mạng xã hội.
Sau Phật Đản 1948 (lễ truy điệu Thích Trí Thuyên) từng bước Phật giáo khẳng định con đường tự lập, hòa bình và trung lập.
                                              
                                             Chương III
       
       Phật giáo miền Trung – Huế từ 1948 đến 1954
1/ Sơn Môn Tăng Già và Hội Việt Nam Phật Học tại Miền Trung.
Từ năm 1947 với sự điều động tích cực của hai nhà sư Mật Hiển, Mật Nguyện, Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên – Huế đã nối kết được trở lại với Sơn Môn Tăng Già các tỉnh miền Trung. Giữa năm 1948, Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên – Huế mời cụ Chân An Lê Văn Định đứng ra thành lập Hội Việt Nam Phật Học. Hội Việt Nam Phật Học tiếp nối chủ trương đường lối của An Nam Phật Học làm chức năng tổ chức vòng ngoài của Sơn Môn Tăng Già, đảm trách các vấn đề pháp lí và đối ngoại. Hội cử cư sĩ Chơn An Lê Văn Định làm hội trưởng, lấy số 1B Nguyễn Hoàng làm trụ sở. Hội ra sức củng cố Hội Phật Học Thừa Thiên – Huế  và các Tỉnh hội Nam, Ngãi, Bình, Phú. Hội cử nhà sư Thiện Minh vào Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết và các tỉnh Cao nguyên từ Kontum, Gia lai, xuống Đồng Nai Thượng xây dựng mới và củng cố các Hội Phật Học địa phương. Đến năm 1950 khắp các tỉnh Trung Việt đều có Sơn Môn Tăng Già và Hội Việt Nam Phật Học hoạt động. Theo Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (lich sử Phật Giáo xứ Huế) thì đến thời điểm này tại miền Trung đã có 17 Tỉnh giáo hội, 30 chi hội và hàng ngàn Khuôn tịnh độ hay Niệm phật đường. Cuối năm 1950, cụ Chơn An Lê Văn Định thôi việc. Hội Việt Nam Phật Học bầu thiền sư Trí Thủ làm hội trưởng, bắt đầu thời kỳ tăng già trực tiếp điều hành Hội Phật Học. Từ năm 1951 về sau, các tăng sĩ được đào tạoBảo Quốc Phật học đường được điều động đi xây dựng một số chùa mới, hoặc bổ sung giảng sư cho Phật học đường các tỉnh, hoặc tăng cường cố vấn giáo lí cho các Khuôn tịnh độNiệm phật đường, hoặc được cử đi làm giáo sư Phật học cho các trường Bồ Đề. Một số tăng sĩ ưu tú tại Bảo Quốc Phật học đường được Sơn Môn Tăng Già và Hội Phật học cử đi học tại các Đại học Phật giáo danh tiếngẤn ĐộNhật Bản, như các ông Thích Minh Châu, Thích Thiên Ân, Thích Mãn Giác.
        -- Tiếp tục sự nghiệp đào tạo tăng ni
Từ năm 1944, An Nam Phật Học Đường được dời lên chùa Kim Sơn ở thôn Lựu Bảo (gần chùa Thiêng Mụ) trong dự án to lớn là xây dựng Kim Sơn thành một Đại Tùng Lâm Phật Học. Nhưng cách mạng Tháng Tám và cuộc chiến tranh Pháp – Việt đã làm đổ bể tất cả. Cách mạng và kháng chiến đã thu hút gần hết thầy trò trai trẻ của Kim Sơn Phật Học Đường và các Phật đường sơ – trung cấp ở các tỉnh. Quân Pháp đã chiếm Kim Sơn làm đồn bót. Năm 1946, thiền sư Trí Thủ đươc Sơn Môn Tăng Già giao nhiệm vụ tập hợp các tăng sinh nhỏ tuổi còn lại về chùa Linh Quang để tổ chức lại An Nam Phật Học Đường. Năm 1947 An Nam Phật Học Đường dời về chùa Bảo Quốc. Nhiều tăng sinh lớn tuổi ở các tỉnh, kể cả một số giảng sư, tăng sĩ, tăng sinh và Phật tử trí thức từ các khu chiến cũng qui tụ về đây chung sức chung lòng  cùng với các vị lãnh đạo Sơn Môn Tăng Già và giáo chúng xây dựng chùa Bảo Quốc thành một Phật Học Đường mới. Ban giảng sư của Bảo Quốc Phật Học Đường, theo Nguyễn Lang, gồm các thiền sư: Bích Phong, Mật Nguyện, Đôn Hậu, Trí Thủ, Quang Phú, Trọng Ân, Hoàng Thơ, Trí Quang, Trí Đức. Ngay từ khóa đầu tiên, Bảo Quốc Phật Học Đường cũng đã tiếp nhận một số tăng sinh từ miền Bắc và miền Nam.Tiếp nối truyền thống của An Nam Phật Học Đường, Phật Học Đường Bảo Quốc đã đào tạo được nhiều tăng tài. Năm vị trong số đó là các thiền sư Thích Mãn Giác,Thích Đức Tâm, Thích Thiên Ân, Thích Minh Châu và Thích Nhất Hạnh. Ba thiền sư Đức Tâm, Thiên ÂnNhất Hạnh xuất gia từ tuổi thiếu niên. Riêng thiền sư Minh Châutrường hợp đặc biệt. Ông xuất gia vào tuổi trung niên (sinh năm 1918, xuất gia 1947 (?) sau khi đã có vợ con, và đặc biệt, sau gần hai năm tham gia kháng chiến ( theo Nguyễn Lang, ông từ kháng chiến về năm 1947, VNPGSL trang 911). Phải chăng kinh nghiệm đau thương trong kháng chiến đã giúp ông khẳng định nguyên lí đời là bể khổ, cuộc sống là vô thương mà ông đã tiếp thu từ rất sớm. Ông xuất thân từ một gia đình quan lại cao cấp, thấm nhuần Nho và Phật học, đồng thờitrí thức Tây học, đậu tú tài năm 1940, làm thư kí tòa khâm Sứ một năm, bỏ việc, là đoàn viên Thanh Niên Phật Học Đức Dục, tham gia Phong trào Phật giáo Chấn hưng như một lẽ sống. (Chi tiết ông đã có vợ con trước khi đi tu tôi chưa thấy sách báo nào viết cả. Tôi (Chu Sơn)  biết việc này qua Đinh Văn Huê, bạn Quốc Học từ 1960. Đinh Văn Huê là con trai của ông Đinh Văn Kinh. Ông Đinh Văn Kinh là anh ruột ông Đinh Văn Nam, người sau này là thiền sư Thích Minh Châu).
Các ni viện cũng bắt đầu hoạt động trở lại sau mấy năm bị đình đốn. Cùng với Phật Học Đường Bảo Quốc, Ni viện Diệu Đức, Diệu Viên tiếp tục công cuộc đào tạo các ni cô nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự của phong trào Chấn hưng. Các ni sư Diệu Không,  Hương Đạo, Thể Yến, Thể Quán, Viên Minh, Cát Tường, Thể Thanh, Thể Thuyền… lần lược trở thành những trợ thủ đắc lực của sư bà Diệu Hương. Đặc biệt Ni sư Diệu Không (sau này là sư bà Diệu Không) năng nổ, xông xáo không thua kém bất cứ một sư tăng tài năng hoạt bát nào. Hoài bảo của sư bà rất lớn. Phạm vi hoạt động của sư bà rất rộng, không chỉ bao gồm các Phật sự, mà cả rất nhiều công tác văn hóa xã hội. Không chỉ trong phạm vi ni vụ, mà đến cả những công việc to lớn của tăng già. Không chỉ trong phạm vi miền Trung – Huế mà cả đến Sài Gòn – Nam bộ.
 Các chùa ni ở Thừa Thiên – Huế được củng cố và phát triển, các cô nhi viện ở Hương Thủy, Tây Lộc (Huế) ngày một khang trang và đông vui hơn. Nhiều chùa ni ở Huế và ở các tỉnh miền Trung lần hồi đươc xây dựng…Tất cả nhờ công lao khai mở của ba vị sư bà: Diên Trường, Diệu Hương, Diệu Không, và hàng chục sư cô kế thế. Trước năm 1930, tại Thừa Thiên – Huế chỉ có một chùa nữ tại Dạ Lê. Đầu năm 1950, ít ra có đến vài chục chùa ni trên địa bàn này. Theo thống kê của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (sách Lịch Sử Phật Giáo xứ Huế) trong số 124 chùa có mặt tại Thừa Thiên – Huế đã có 45 chùa ni (không biết thống kê được viết vào năm nào, chỉ biết sách xuất bản năm 1998, và cũng chỉ biết các chùa nữ này hầu hết được xây dựng trước 1975. 
          -- Gia Đình Phật Hóa Phổ chuyển mình thành Gia Đình Thanh Thiếu niên Phật tử.
Cách mạng Tháng Tám đã thu hút gần hết các huynh trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ. Một vài huynh trưởng không tham gia cách mạng cũng tê liệt. Phong trào Thanh Thiếu Niên Phật tử ngừng hoạt động từ mùa thu 1945 đến đầu năm 1947. Mặt trận Huế vỡ, quân kháng chiến rút về nông thôn và lên miền rừng núi. Quân Pháp tái chiếm thị xã Huế và nống lần ra vùng ven. Phong thanh giải pháp Bảo Đại. Lần lược một số huynh trưởng từ vùng kháng chiến trở về (không phải đầu hàng quân Pháp, cũng không phải chào mừng giải pháp Bảo Đại, mà không thể chung cùng với Cộng Sản). Người ở lại, người về họp nhau gây dựng lại phong trào. Đầu tiên là Gia Đình Phật Hóa Phổ Hướng Thiện do Phan Cảnh Tú tập hợp. Tiếp theoGia Đình Phật Hóa Phổ Gia Thiện do Nguyễn Văn Phiên điều khiển. Tiếp đến nữa là Gia Đình Chơn Trí, Hương Từ, Phương Đàm… Như thế là Gia Đình Phật Hóa Phổ miền Trung – Huế tái hoạt động. Ban hướng dẫn được bầu do một đại hội tổ chức tại chùa Từ Đàm ngày 8 tháng chạp năm 1948 gồm các huynh trưởng Võ Đình Cường, Phan Cảnh Tuân, Phan Xuân Sanh, Hoàng Thị Kim Cúc, Văn Đình Hy, Tịnh Nhân, Tống Hồ Cầm, Đặng Tống, Lê Văn Dũng. Văn phòng đặt tại 1B Nguyễn Hoàng, nơi Hội Việt Nam Phật Học thiết lập trụ sở từ tháng 8.1948 . Tại miền Trung, trong vùng Pháp tái chiếm, các Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Hóa Phổ cấp tỉnh được tổ chức trong khuôn khổ các Tỉnh giáo hội. Phong trào Gia Đình Phật Hóa Phổ lan nhanh ra miền Bắc và bắt đầu gây dựng ở miền Nam. Ở miền Bắc Gia Đình Phật Hóa Phổ được tổ chức tại Hà Nội và Hải Phòng do các huynh trưởng Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Liêm, Vũ Thị Định. Ở tại miền Nam các huynh trưởng Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục được Gia Đình Phật Hóa Phổ miền Trung cử vào giúp Hội Phật Học Nam Việt nhen nhóm phong trào.
Năm 1951, một đại hội Gia đình Phật Hóa Phổ toàn quốc họp tại chùa Từ Đàm (tháng Tư). Đại hội bầu ra ban hướng dẫn trung ương, soạn thảo nội qui, và đổi tên hội từ Gia Đình Phật Hóa Phổ thành Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Các học tăng Minh Châu, Đức Tâm, Thiên Ân, Chơn Trí, Trí Không ở Bảo Quốc Phật Học Đường soạn sách Phật Pháp làm tài liệu học tập cho các Gia Đình Phật Tử. Các Gia Đình Phật Tử cũng có cố vấn giáo lý là các sư tăng được đào tạo từ Bảo Quốc Phật học đường, hoặc từ các Phật học đường khác ở  các địa phương.
Gia Đình Phật Tử là trường học Phật đầu tiên của phật tử trẻ tuổi Việt Nam, nó đóng vai trò tiên phong của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công cuộc kiếm tìm hướng đi riêng (không phụ thuộc vào các thế lực chính trị tương tranh) trên đất nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giữa hai phía: Phía bên này đảng Cộng Sản dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và âm thầm kiên định chủ nghĩa Mác – Lê. Phía bên kia thực dân Pháp ngoan cố tái chiếm thuộc địa với sự đồng hành của Mỹ và các giáo hội Thiên Chúa giáo (giáo hội Pháp và giáo hội La Mã) ngụy trang dưới chiêu bài chống Cộng, bảo vệ nền văn minh Ki Tô giáo và bảo vệ tự do cho những người Việt Nam Quốc gia.
2/ Phật giáo Việt Nam - miền Trung tham gia Tổng hội Phật giáo Việt Nam
Trong khi Sơn Môn Tăng Già Trung Việt và Hội Việt Nam Phật Giáo tại miền Trung  thành lậpđi vào hoạt động thì tại miền Bắc và miền Nam tình hình Phật sự cũng diễn ra tương tự.
Tại miền Bắc, Hội Việt Nam Phật Giáo được thành lập năm 1949 do Cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm hội trưởng và nhà sư Tuệ Tạng làm chứng minh đạo sư. Cũng trong năm 1949 nhà sư Tố Liên vận động thành lập Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt. Năm 1950 hội đổi tên thành Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt, nhà sư  Tố Liên được bầu làm hội trưởng, nhà sư Tuệ Tạng được cung thỉnh làm pháp chủ. Cũng trong năm này, Hội cử nhà sư Tố Liên đi Tích Lan tham dự hội nghị thành lập World Fellowship of Buddhists – Thế giới Phật giáo Liên hữu (Nguyễn Lang – VNPGSL – trang 976). Tại Hội nghị này, một ban quản trị được bầu, một bản điều lệ được soạn thảo và thông qua, lá cờ ngũ sắc được chấp thuận là Phật kỳ. Phật giáo Việt Nam chính thức là thành viên của “Phật giáo Thế giới” từ đó. Phật kỳ được treo lần đầu tiên tại chùa Quán Sứ – Hà Nội cũng từ đó. Và cũng từ đó, ước mơ thống nhất Phật giáo của phật tử ba miền được khích lệ và thôi thúc mạnh mẽ hơn.
Tại miền Nam, Hội Việt Nam Phật Học được thành lập vào năm 1950, bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe làm hội trưởng, ông Mai Thọ Truyền làm tổng thư ký. Năm 1952 chức hội trưởng do nhà sư Quang Minh đảm trách. Giáo Hội Tăng Già Nam Việt thành lập năm 1951, nhà sư Đạt Thanh được cử làm trị sự trưởng, nhà sư Nhất Liên được cử làm tổng thư ký, và nhà sư Đạt Thanh được cung thỉnh vào chức vụ pháp chủ.
Như thế là đến thời điểm 1951, sáu tập đoàn Phật giáo đã được thành lập trên cả ba miền đất nước. Đó là thời điểm hội đủ các cơ duyên để toàn thể tăng giàcư sĩ trong cả nước thưc hiện khát vọng thống nhất được un đúc sau gần 20 năm tiến hành công cuộc chấn hưng.
Tại chùa Từ Đàm Huế, ngày 6. 5.1951, 51 đại biểu của sáu tập đoàn Phật giáo Bắc – Trung – Nam  khai mạc đại hội trước sự dự thính của 300 tăng nicư sĩ phật giáo miền Trung – Huế. Đại hội thảo luận các vấn đề cốt yếu để thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Sau bốn ngày làm việc, đại hội đã thông qua một bản điều lệ nội qui, một chương trình hành động, bầu cử một ban quản Trị và suy tôn vị sư già Thích Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân làm hội chủ (Nguyến Lang VNPGSL – trang 976). Trụ sở của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đặt tại chùa Từ Đàm – Huế.
Như thế là “Phật giáo Việt Nam Thống nhất Bắc Trung Nam từ đây, một lòng chúng ta đứng lên vì đạo thiêng.” Đây là một câu trong lời ca của một nhạc phẩm do Lê Cao Phan soạn để chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại ấy. Bài ca nói lên nỗi mừng vui chung của toàn thể phật giáo đồ trên cả ba miền đất nước, đăc biệt là phật giáo đồ Thừa Thiên – Huế, nơi được chọn làm trung tâm đầu não của Phật giáo quốc gia. Tuy nhiên, sự khẳng định ấy mới chỉ là dạng thức khởi đầu, chưa vượt quá tình tự và khát vọng. Trên thực tế, phật tử Việt Nam còn phải đấu tranh trường kỳ trong khổ nạn với chính mình, và đặc biệt với ngoại cảnh mà “mình” chưa lường hết được tính chất phức tạp và và những khó khăn to lớn. 
Hơn một năm sau, ngày 7. 9.1952, đại biểu Tăng Già Bắc – Trung – Nam còn họp đại hội ở chùa Quán Sứ – Hà Nội để thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc. Đại hội đã bầu cử một ban trị sự và suy tôn nhà sư Tuệ Tạng làm thượng Thủ. (Nguyễn Lang – VNPGSL tr 976).
Sáu tập đoàn sau hơn hai năm vận động cũng mới chỉ tập hợp thành hai tổ chức: Một Tổng hội và một Giáo hội. Vẫn chưa có một cơ cấu lãnh đạo thống nhất. Thực tế là “Tổng hội” và “Giáo hội” chỉ đóng vai trò giao tiếp với các tổ chức Phật giáo Quốc tế. Theo Nguyễn Lang, thực quyền lãnh đạo các chương trình hành động vẫn nằm trong tay các tập đoàn. Bởi ma chướng không chỉ đến từ các thế lực bên ngoài. Các thế lực bên ngoài, cụ thể là nhà nước thuộc địa và các phe nhóm phụ thuộc không chỉ muốn triệt tiêu khát vọng thống nhất của Phật giáo, mà còn muốn hạn chế sự phát triển của nó đến tối thiểu. Chỉ hơn một tháng sau khi Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam thành lập, ngày 6 tháng 8 năm 1950, Vua Bảo Đại, đứa con cầu tự của một triều đình “Nho – Phật”,  người được nhà nước Bảo hộ và các thế lực phụ thuộc vinh danh là Đức Quốc trưởng đứng đầu một quốc gia có đến bảy tám chục phần trăm đồng bào theo đạo Phật hay tam giáo cửu lưu (Nho –  Phật – Lão) lại ký và ban hành một đạo dụ – lịch sử  gọi là dụ số 10. Đạo dụ số 10  không xem Phật giáo là một tôn giáo phổ biến được luật pháp bảo hộ (như Thiên Chúa giáo), mà chỉ là một hiệp hội như hội đá banh, hội thả diều, có tính cách địa phương và sinh mệnh hoàn toàn tùy thuộc vào lợi ích chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn hóa của chính quyền thuộc địa, thậm chí chính quyền thuộc địa cấp tỉnh.
Trở lại với thực tế quyền lực của sáu tập đoàn. Nhận định trên của Nguyễn Lang chỉ đúng với tình trạng Phật sự miền Nam nơi mà giới cư sĩquyền lực tương đương, thậm chí còn lấn lướt giới tăng già. Cụ thể hội Phật Học Nam Kỳ của ông Mai Thọ Truyền hoàn toàn độc lập với Hội Tăng Già Nam Việt. Ở miền Trung và miền Bắc vào thời điểm 1951, quyền lực của Giáo hội nghiêng về phía các Sơn Môn Tăng Già.
Ở miền Trung ngay từ Hội An Nam Phật Học thành lậptrải qua hơn chục năm (1932 – 1945) hoạt động, tuy bác sĩ Lê Đình Thám quán xuyến nhiều phật sự quan trọng, nhưng chưa bao giờ ông làm trái ý các Sơn Môn Tăng Già. Đến Hội Việt Nam Phật Học do cư sĩ Chơn An Lê Văn Định làm hội trưởng (1948 – 1950) cũng chưa có tình trạng mâu thuẫn quyền lực giữa tăng giàcư sĩ. Mặc dù phật tử Huế bao giờ cũng chỉ biết có quí Ôn, quí Thầy, nhưng đa phần các nhân sĩ phật tử không lấy đó làm chuyện bất bằng, có lẽ họ cho rằng tình trạng ấy là tất yếu. Khi Phật giáo muốn hình thành một giáo hội thống nhất tất nhiên quyền lãnh đạo cao nhất vẫn thuộc về giới tăng già. Năm 1950 Chơn An Lê Văn Định thôi chức hội trưởng, Hội Việt Nam Phật Học do nhà sư Trí Thủ quản nhiệm. Năm 1954 nhà sư trẻ Trí Quang được bầu vào chức vụ này. Đây là cuộc bàn giao thế hệ. Thời điểm này nhà sư Trí Quang mới 31 tuổi. Bên cạnh ông có các nhà sư đồng môn, đó là các ông Thích Trí Nghiễm (Thiện Minh) 33 tuổi, Thích Trí Đức (Thiện Siêu) 33 tuổi.
Chung quanh các nhà sư được đào tạo từ trường An Nam Phật Học này là các nhà sư lớp trước: Trí Thủ, Đôn Hậu, Mật Hiển, Mật Nguyện…, ở trên tất cả là các Ôn Giác Nhiên, Tịnh Khiết, ... Phật giáo miền Trung – Huế chuyển mình từ chấn hưng qua dấn thân với sự lãnh đạo của những vị sư  trẻ như thế. Mục tiêu của họ là đấu tranh để hủy bỏ Dụ số 10, đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi tự dobình đẳng tôn giáo.
3/Tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp
          --  Báo chí.
Báo Viên Âm của An Nam Phật Học và Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục tự đình bản từ cách mạng tháng Tám. Sau cách mạng tháng Tám nhà sư Thích Mật Thể và một số đoàn viên Thanh Niên Phật Học Đức Dục xuất bản báo Giải Thoát. Đầu năm 1947 báo Giải Thoát bị đình bản. Phật Đản 1947, ông Tráng Đinh, một nhân sĩ phật tử, với sự đóng góp bài vở của nhiều tăng sĩ và nhà văn phật tử đã xuất bản đặc san Phật Giáo Văn Tập. Sau khi Hội Việt Nam Phật Học ra đời, Cư sĩ Tráng Đinh và huynh trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ Võ Đình Cường xuất bản tạp chí Giác Ngộ. Giác Ngộ là tạp chí Văn Nghệ thời sự tập trung các cây bút của giới văn nghệ sĩ phật tử như Võ Đình Cường, Nguyễn Hữu Ba, Phạm Đăng Trí, Nguyễn Khắc Ngữ, Cao Khả Chính, Tống Anh Nghị, Trương Tú, Trịnh Tiên, Lê Bối…
Đầu năm 1950, do sự điều động của nhà sư Trí Quang, cư sĩ Chơn An Lê Văn Định và cư sĩ Tôn Thất Tùng, báo Viên Âm tái bản. Viên Âmcơ quan ngôn luận chính thức của giới tăng già chuyên về giáo lý, nghiên cứu, dịch thuật kinh điển. Cùng Thích Trí Quang (với các bút hiệu Thích Kim Sơn, Thích Thuyền Minh) các nhà sư Thích Thiện Siêu, Thích Thiện Minh, Thích Mật Nguyện là những tác giả chính của tạp chí này. Trên báo Viên Âm giai đoạn này ngoài một số bản dịch, các bài viết  luận bàn  kinh sách, chúng ta thấy xuất hiện những vấn đề mới thu hút sự tò mò, quan tâm của độc giả thuộc thành phần có học vấn cao: Lịch sử Phật giáo, Phật giáo và Khoa học, Phật giáoGiáo dục, Phật giáoTriết học, Phật giáoTôn giáo, Phât giáo và Mỹ thuật, Phật giáoPhụ nữ, Phật giáo và Tuổi trẻ…Những công trình nghiên cứutính tư tưởng học thuật này đã hé mở cho độc giả thấy rằng Phật giáomột thế giới rộng lớn, phong phú và lạ lẫm bị che khuất rất cần được khám phá; và phật tử Việt Nam đã chứng tỏ khả năng bỏ lại đằng sau thời kì mà Thích Mật Thể mô tả là “dốt” và “quên”, từng bước vượt qua các trở ngại, các ma chướng để khẳng định sự tồn tại của mình giữa lòng dân tộc và thế giới trong thời đai mới.
Như thế là từ năm 1947 đến 1954, phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Trung – Huế đã xuất bản được một đặc san, hai tạp chí và một số sách do các nhà sư, nhà văn phật tử viết. Các xuất bản phẩm này là công cụ hoằng pháp của phong trào, đưa tiếng nói của phong trào đến cùng phật giáo đồ và độc giả ngoài Phật giáo.
         --  Trường Bồ Đề.
Để công cuộc hoằng dương chánh pháp sâu rộng trong quảng đại quần chúng nhân dân, Sơn Môn Tăng Già và Hội Việt Nam Phật Học miền Trung – Huế tổ chức hệ thống giáo dục phổ thông – các trường Bồ Đề trung tiểu học. Trường trung học tư thục Bồ Đề Thành Nội thành lập năm 1951, thiền sư Trí Thủ là người đặt viên đá đầu tiên, tăng sĩ Thích Minh Châu là hiệu trưởng đầu tiên. Khi trường đi vào ổn định thì tăng sĩ Minh Châu rút lui, giao công việc điều hành trường cho các thầy cô giáo cư sĩ. Từ hiệu trưởng, giám học, giám thị, giáo sư và các nhân viên điều hành khác đều do các vị này phụ trách. Cũng như các trường trung học công lập thời bấy giờ, trường Bồ Đề dạy các môn phổ thông để học sinh đi thi lấy bằng thành chung và tú tài. Đặc biệt chương trình của trường còn có môn Phật Học do một tăng sĩ giảng dạy. Trường Bồ Đề không chỉ thu nhận học sinh là con em các gia đình phật tử, mà còn thu nhận con em các gia đình ngoài phật giáo. Sau trung học Bồ Đề Thành Nội, Giáo hội Phật giáo tuần tự xây dựng các trường tiểu học, trung học Bồ Đề ở các địa phương khác trong thành phố Huế. Sau năm 1954 trường Bồ Đề mọc lên đều khắp các tỉnh thành ở miền Trung và một số tỉnh thành miền Nam. Địa phương nào có Tỉnh giáo hội là có trường Bồ Đề. Trường Bồ Đề còn mọc lên ở nhiều quận huyện lị có chùa  và chi hội Phật giáo. Năm 1973, theo thống kê của Ban hoằng pháp trung ương, trên toàn Miền Nam đã có 163 trường trung, tiểu học Bồ Đề. Thầy cô giáo ở trường Bồ Đề, đặc biệt là những thầy cô dạy các môn Văn, Sử, Địa, trong những thì giờ thích hợp thường giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về sự hòa hợp tam giáo (Phật – Nho – Lão) trong đời sống văn hóa của nhân dân Việt Nam, vai trò Phật giáo trong công cuộc bảo vệxây dựng đất nước từ các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần…Sau hiệp định Genève (1954) nhiều thầy cô giáo từ kháng chiến trở về thường chọn trường Bồ Đề làm chốn nương thân. Học sinh ở các trường Trung học Bồ Đề hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chống Pháp nhờ các thầy cô này. Các thầy cô và học sinh trường Bồ Đề đã tham gia rất tích cực trong các cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, thực thi tự do dân chủ và hòa bình từ thời Ngô Đình Diệm đến khi chấm dứt cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, Quốc – Cộng .
                                              
                                
                                       Chương IV
                        
                        Nhìn lại một chặng đường
Khát vọng, hoài bão và mục đích rất lớn, rất xa, công sức đổ ra nhiều, nhưng thành quả của phong trào Chấn hưng Phật giáo ra sao?
Đến năm 1943, một trong những người nòng cốt và năng nổ của phong trào: Thượng toạ Thích Mật Thể đã mô tả tình hình Phật giáo sau 15 năm chuyển mình (1928 – 1943) khá bi quan:
     
“ Ôi! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu như đã tuyệt diệt. Bởi vậy các cảnh chùa trong nước đã thành những cảnh gia đình riêng. Không có tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật giáo hầu hết chỉ còn “dốt” và “quên”. Quên để khỏi biết bổn phận – bổn phận chân chính của một tông đồ” ( Thích Mật Thể  – Việt Nam Phật Giáo sử lược).
     
Chúng ta không hoài nghi sự chân thành của thượng toạ Thích Mật Thể khi ông đưa ra nhận định này. Và cũng qua đó chúng ta thấy được sự nôn nóng của ông trước tiền đồ Phật giáo. Sau mấy trăm năm suy thoái và hơn nửa thế kỷ sống trong áp bức nô lệ, công cuộc chấn hưng mới chỉ chừng ấy năm trời với một nhóm nhỏ con ngườiphương tiện – cho dù những con người ấy có tài năng và nhiệt huyết đến đâu cũng chưa thể đưa Phật giáo thoát khỏi tình trạng bế tắc và lạc hậu. Hơn nữa, dù thế nào thì Phật giáo Việt Nam cũng chỉ là một bộ phận của dân tộc. Khủng hoảng của Phật giáo không ở ngoài khủng hoảng của dân tộc. Vấn đề Phật giáo nhất thiết chỉ được giải quyết sau khi nền độc lập của đất nước được vãn hồi và sự hàn gắn dân tộc có điều kiên thực hiện.
Cuộc cách mạng tháng 8.1945 và cuộc kháng chiến tiếp liền sau đó đã đặt Phật giáo trước những khó khăn và những cơ hội mà người lãnh đạo tưởng chừng không thể vượt qua và khó mà tận dụng hết.
     
Khó khăn thứ nhất là một bộ phận nhân sự chủ chốt của phong trào như bác sĩ Lê Đình Thám, thượng toạ Thích Trí Độ, thượng Toạ Thích Mật Thể và rất nhiều tu sĩ, phật tử trẻ tuổi rời bỏ cương vị và cuộc sống tu hành tham gia kháng chiến.
     
Khó khăn thứ hai là các nguồn tài trợ cho phong trào và cho sinh hoạt của rất nhiều chùa bị cắt giảm, thậm chí đứt hẳn, bởi chế độ vua quan đã cáo chung, và đời sống của đại bộ phận quần chúng phật tử không có dấu hiệu gì được cải thiện sau những thay đổi chính trị đã kéo theo sự đình đốn kinh tế.
     
An Nam Phật Học Hội và An Nam Phật Học Đường tạm ngừng hoạt động. Công cuộc chấn hưng đứng trước một thử thách lớn, thậm chí ở một vài lãnh vực có những bước thụt lùi: khối lượng thầy cúng, thợ tụng có giảm bớt sau hàng chục năm vận động chỉnh lí đã gia tăng trở lại. Các hoạt động báo chí, xuất bản và sinh hoạt của Gia Đình Phật Hoá Phổ cũng gián đoạn một thời gian. Trước những biến động to lớn của đất nước, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo miền Trung – Huế quay trở lại củng cố hàng ngũ tăng già. Năm 1947, khi mà  lực lượng kháng chiến cố thủ một số vùng nông thôn và các chiến khu ở rừng núi, thực dân Pháp đặt ách cai trị tương đối ổn định ở các đô thị và sự tái sinh của một chính phủ Quốc Gia do ông vua đã thoái vị (Bảo Đại) với bà đỡ vừa là vú nuôi: thực dân Pháp, phong trào Chấn hưng Phật giáo tại Huế và các thành phố tỉnh lị miền Trung bắt đầu hoạt động trở lại. Lần này không phải với danh nghĩa An Nam Phật Học Hội, mà là Hội Phật Học Việt Nam trong ý hướng tiến tới thống nhất Phật giáo toàn quốc. Phải chăng cuộc Cách mạng Tháng Tám và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời năm 1945 đã củng cố và góp phần tăng thêm ý chí và khát vọng hình thành một cơ cấu lãnh đạo duy nhất cho Phật giáo Việt Nam. Ý chí, khát vọng ấy đặc biệt mạnh mẽ nơi phật tử miền Trung – Huế. Tuy sự nối kết giữa các Hội Phật Học ở các tỉnh miền Trung – Huế lúc bây giờ còn lỏng lẻo và các Hội Phật Học ở miền Bắc, miền Nam vẫn còn hoạt động riêng lẻ, nhưng báo Viên Âm ở Huế vẫn được gọi là cơ quan hoằng pháp của Tổng Hội Phật Học Việt Nam.
     
So với An Nam Phật Học Hội, thì Việt Nam Phật Học Hội có những đổi thay quan trọng: thành phần lãnh đạo không còn là cư sĩ nữa mà là các tăng sĩ. Các tăng sĩ trẻ là thành tựu của công cuộc chấn hưng bắt đầu xuất hiện trong các vai trò trọng yếu. Các nhà sư Trí Quang, Thiện Minh, Minh Châu, Nhất Hạnh, Đức Tâm… đã chen vai cùng các tăng sĩ đàn anh thuộc thế hệ trung gian như Trí Thủ, Đôn Hậu, Mật Nguyện, Mật Hiển… gánh vác công cuộc chấn hưng.
     
Do những điều kiệnhoàn cảnh thực tế, phong trào Chấn hưng giai đoạn từ 1947 trở về sau phải tạm thời hạn chế công tác giáo dục đào tạo. Thay vào đó giáo hội đẩy mạnh công tác báo chí, tuyên truyền, phát triển các Khuôn hội, các Niệm phật đường, các Gia Đình Phật Hoá Phổ. Đến năm 1950 tại Thừa Thiên Huế đã có trên 100 Khuôn hội và Niệm phật đường. Năm 1951 Gia Đình Phật Hóa Phổ có mặt khắp các làng xã Thừa Thiên – Huế thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên.
Chính các Gia Đình Phật Hoá Phổ Huế  – miền Trung là lực lượng nòng cốt tổ chức đại hội huynh trưởng Gia Đình Phật Hoá Phổ toàn quốc. Tại đại hội này Gia Đình Phật Hoá Phổ đổi tên thành Gia Đình Phật tử Việt Nam.
     
Cũng trong năm 1951 một kết quả vô cùng to lớn của công cuộc chấn hưng là Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời và đặt trụ sở tại Huế. Phật giáo miền Trung – Huế là nòng cốt của giáo hội thống nhất này. Một sự kiện mới mẻ và đặc biệt quan trọng cũng diễn ra tại Huế trong năm 1951 là trường trung học tư thục Bồ Đề được thành lập. Đây là cơ sở giáo dục tư thục của Phật giáo được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Những năm tiếp theo là một mạng lưới trường Bồ Đề hai cấp trung và tiểu học có mặt tại Huế và nhiều tỉnh thành miền Nam. Thầy và trò của các trường Bồ Đề đã tham gia rất tích cực các phong trào của giai đoạn Phật giáo dấn thân về sau.
   
Phật giáo miền Trung – Huế chuyển mình từ những năm cuối của thập kỷ thứ ba thế kỷ hai mươi, bắt đầu công cuộc chấn hưng từ 1932, trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể, làm rộ lên bầu không khí phấn chấn vui tươi trong cộng đồng Phật giáo đồ, thu hút được sự tò mò chú ý nể trọng của các thành phần quần chúng khác, sau năm 1954, làm cho chế độ độc tôn Thiên Chúa giáo gai mắt và e ngại.
     
Sau hàng mấy trăm năm suy thoái, lụi tàn, đạo Phật đã hồi sinh như một sức mạnh vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa hứa hẹn một năng lực sinh động xem ra rất phù hợp với lí tưởng Cộng hoà Dân chủ, và đồng thời như một ngọn lửa thắp sáng niềm tinhy vọng cho một bộ phận không nhỏ quần chúng mới vượt thoát ra khỏi tình trạng bế tắc mịt mùng của cá nhân, Đạo pháp và Đất nước. Chúng ta thấy được, cảm nhận được tình trạng phấn chấn và niềm hy vọng này qua những lễ hội rực rỡ trong các mùa Phật Đản tại Huế những năm sau 1954.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/11/2019(Xem: 8440)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?