29- Sự Thật Về Chế Độ Diệm: Những Xuyên Tạc Của Kiều Vĩnh Phúc Và Nguyễn Văn Lục, Lý Nguyên Diệu

20/12/201212:00 SA(Xem: 6699)
29- Sự Thật Về Chế Độ Diệm: Những Xuyên Tạc Của Kiều Vĩnh Phúc Và Nguyễn Văn Lục, Lý Nguyên Diệu

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP HAI (2/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘT TẬP HAI TẬP BA

Chương Năm
MA GIỮA BAN NGÀY
Những ngụy biện và tráo trở lịch sử
của tàn dư chế đô Diệm

SỰ THẬT VỀ CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG DIỆM:
Những Xuyên tạc của
Kiều Vĩnh Phúc và Nguyễn Văn Lục
Nguyên Diệu

Sau khi tác giả Kiều Vĩnh Phúc (VP) tái bản cuốn “Những Huyền Thoại và Sự Thật về Chế Độ Ngô Đình Diệm” năm 2006, ông Nguyễn Văn Lục (NVL), đã phỏng vấn ông VP trong hai ngày rồi viết bài “Mạn đàm với Vĩnh Phúc” đăng trên DCVOnline. Sách nầy được tác giả đề tặngNhững người yêu sự thật” và bài của ông NVL cũng kết luậnMong là cuốn sách sẽ được nhiều bạn đọc để biết sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm.” Tiên khởi, nếu hai người nầy thật sự yêu sự thật, họ cần phải thêm hai chữ “một vài” trước hai chữ “sự thật” của họ. 

Đọc vào nội dung, bài phỏng vấn nầy có quá nhiều thiếu sót trong cả hai loại sự thật, tích cựctiêu cực về chế độ NĐD. Thiếu sót “vì không biết” là một tình trạng phổ quát, nhưng thiếu sót “vì cố ý” thì phải hiểu là không có đủ khách quan cần thiết để viết về lịch sử. Trong trường hợp của ông NVL và ông VP, bằng cớ của sự “cố ý thiếu sót” rõ ràng như sau. [Những trích dẫn trong bài nầy dựa trên ấn bản đầu tiên (năm 1998) của sách ông VP].

Trường hợp phỏng vấn viên NVL, chủ bút hụt tờ báo SàiGòn Nhỏ, ông cũng là tác giả bài “Chúc Thư Văn Học Của Nhất Linh, Một Cái Chết Định Sẵn” đăng trên báo VietWeekly năm 2008. Bài nầy là một toan tính vô cùng hạ cấp để chứng minh nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự tử sáng ngày lễ “Song Thất” (7/7/1963) là vì bị bệnh tâm thần chứ không vì lý do chính trị khi (như chính Nhất Linh đã viết rõ ràng trong chúc thư) theo gương Hoà thượng Thích Quảng Đức tìm cái chết để phản đối chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm! Cố gắng rửa tội cho cụ Diệm của ông NVL trong bài nầy đã bị hai tác giả Vũ Cầm (“Mưu tính đưa Nhất Linh vào nhà thương điên”) và Lý Nguyên Diêu (“Niềm tin và tâm thần”) vạch trần cũng trên VietWeekly.

Trường hợp tác giả VP, dù đã được phỏng vấn viên NVL vẽ trước: “tôi không tìm thấy nơi ông về một cảm tình quá độ, một partie-prise, … ông không nói phét, chủ quan cho mình nắm được sự thật”, nhưng ông VP đã lộ rõ rệt thế đứng hoài Ngô trong câu trả lời: “Đáng nhẽ phải bỏ tù cái thằng cha nào đã nghĩ ra cái bài hát thối tha: Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống. Bài đó giết ông Diệm từng ngày, từng giờ không cần gươm giáo đấy. Vứt bài hát đó vào cầu tiêu và chiếu lên hình ảnh ông Tổng Thống đi bốt, lội bùn, sắn quần lên tới đầu gối thì còn gì đẹp bằng nữa?” Nghe như ông Ngô Đình Cẩn hay Dân biểu Nguyễn văn Chức đang đọc diễn văn trước bàn thờ cụ Diệm trong một xóm đạo ở Hố Nai.

Một độc giả (ký tên Tiếu Ngạo Giang Hồ) của bài phỏng vấn nầy đã có một nhận xét tổng hợp và chuẩn xác về hai ông NVL và VP như sau: “TNGH này đi khắp giang hồ, nhưng chưa bao giờ thấy có màn kịch nào lố bịch và dở hơi như cái màn “Mạn đàm với Vĩnh Phúc” của Nguyễn Văn Lục trên sân khấu Đàn Chim Việt.

Đọc đến phần 2 thì đuôi chồn đuôi cáo hiện ra rõ rệt: hai người này giả vờ hỏi nhau, khều nhau, khích nhau nhằm mục đích bốc thơm gia đình họ Ngô. Ông Lục đạo diễn, ông Vĩnh Phúc đóng vai học trò trả lời theo bài bản, lâu lâu quên, đạo diễn phải nhắc. Đàn Chim Việt kéo màn!

Nhưng có lẽ đây là màn diễu dở nhất cho họ Ngô. Bốc thơm đánh bóng thế nào mà khi nghe ông Diệm quát to: „thủ tiêu nó đi“, VP lại bảo, „ông ta hiền lành“ vì nhờ ông TKTuyến chưa đi thủ tiêu. Rồi lại nghe ông Diệm ký: „thanh toán cho xong“ và VP giải thích giùm: thuộc hạ „lại hiểu lầm giết sạch hai mạng“!!! Ấy cái thời ông Diệm nhiều người chết oan vì CỤ „quát“ hay „ký“ ẩu theo tính khí của cụ, coi mạng sống con người chưa bằng cọng rơm. Những điều đó nói lên cái gì nếu không phải là độc tài, độc đoán, muốn giết ai thì giết? Ngay cả chuyện suy tôn Ngô Tổng Thống, có ai muốn hát đâu, cái bài hát dở ẹt, nhưng học sinh như thế hệ tôi vào lớp là phải đứng dậy rống lên (chứ không phải hát) toàn dân suy tôn NTT!” (Trích từ cuối bài “Mạn đàm với VP” trên www.dcvonline.net)

Từ vị thế “Ngô Tổng Thống muôn năm” đó, ông NVL, người đủ “can đảm” để thoá mạ Nhất Linh, làm sao có thể bỏ qua cơ hội để bênh vực nhà Ngô với cuốn sách của VP vừa khen vừa chê chế độ TT Diệm, dù cuốn sách đó có nội dung gồm có:

  • Những “sự thực” mà chính nhà xuất bản (Văn Nghệ) của cuốn sách phải ghi chú (trang 71) là sai lầm như chuyện Thượng tọa Thích Trí Quang (cùng với TT Thích Thiện Minh) được ông Ngô Đình Cẩn giúp cho xuất ngoại. Đây là một trò gian manh mà tôi gọi tắt là “gian manh kiểu Tú Gàn”. Nghĩa là dùng một chuyện có thật (về TT Thích Thiện Minh) rồi dán theo đó những bịa đặt (về TT Thích Trí Quang).
  • Những “nhân chứng” như ông Cao Xuân Vỹ CXV) nói láo một cách trắng trợn về ông Mã Tuyên (MT): “Ông MT không biết mặt ông Tổng Thống. Ổng là Tổng bang trưởng Tầu, không dính dáng gì đến chính quyền, chưa thấy mặt ông Diệm ông Nhu. Chỉ là Tổng bang trưởng, không làm kinh tài gì cả, không có tài sản, không giàu. Được bầu làm TBT vì có uy tín. Khi tịch thu tài sản thì biết ổng không có gì.” Tin lời ông CXV nói một ông Bang trưởng Tầu làm chức Thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hoà (TNCH) ở Chợ Lớn mà “không biết mặt ông TT”, thì tác giả VP phải tin là suốt đời ông Tầu nầy không bao giờ đi ciné, đọc báo, đi họp TNCH, ra nhà bưu điện, đi dạo phố trước toà Đô chánh có treo hình TT Diệm, … Tin lời ông CXV nói ông Tầu nầy “không dính dáng gì đến chính quyền”, thì tác giả VP phải tin là ông Tầu nầy, giữ hai chức Bang trưởng kiêm Thủ lãnh TNCH, tránh xa chính quyền của TT Diệm, nhưng khi bị nguy ngập đến tính mạng thì TT Diệm lại đồng ý chạy trốn vào nhà ông Tầu nầy (làm cho ông ta bị “dính dáng đến chính quyền” một cách bi thảm) thay vì trốn vào một xóm đạo hay nhà một thủ lãnh TNCH Sài Gòn, hay Gia Định hay Thủ Đức, … Tin lời ông CXV quả quyết là ông Thủ lãnh TNCH Tầu nầy “chưa thấy mặt ông Diệm ông Nhu” thì tác giả VP phải tin là ông CXV luôn luôn ở cạnh ông Diệm, ông Nhu và ông MT 24 giờ mỗi ngày để có thể chắc chắncho đến ngày 2/11/63 ông MT chưa bao giờ gặp ông Diệm, ông Nhu! Tin lời ông CXV nói ông MT “không làm kinh tài, không giàu, khi tịch thu tài sản thì biết không có gì”, thì tác giả VP cũng phải tin là đương kim Thủ tướng Cộng sản Nguyễn tấn Dũng cũng không làm kinh tài, không giàu; nếu tịch thu tài sản ông Dũng thì cũng “không có gì”, khỏi cần phải điều tra vợ con, cháu, chắt bên nội, bên ngoại của ông Dũng! Trong một câu mà ông CXV có thể nói láo 4 chuyện rành rành như vậy thì để rửa tội cho cụ Ngô, ông Vỹ sẽ “nhân chứng” chuyện gì nữa (nhất là khi ông CXV kể những chuyện chỉ xẩy ra giữa ông CXV và TT Diệm) cho những “người yêu sự thật” như tác giả VP và ông NVL?
  • Trong phần kết luận cuốn sách, Ngoài “đức tính liêm khiết” (mà chính ông Đỗ Mậu cũng nhắc đến trong hồi ký của ông ấy) và bên cạnh những “tài của một vị quan đầu tỉnh thời phong kiến”, chính tác giả VP cũng phải chê TT Diệm “thiếu khả năng trước một trọng trách qúa lớn lao”, “không thích nghi nổi với hoàn cảnh và nhiệm vụ”, “cố chấp, bảo thủ”, “không tin người ngoài mà chỉ tin vào anh em nhà ông, do đó đưa đến tình trạng chia sẻ quyền hạn cho anh em họ hàng để họ thao túng, làm hỏng việc”. Dù vậy, những khuyết điểm vĩ đại nầy vẫn không ngăn được tác giả VP “hoài Ngô” cụ Diệm bằng cách đổ lỗi ngay cho người khác qua hai phân đoạn tiếp theo: “Các bộ trưởng và viên chức cao cấp” và “Hai người trao ngòi nổ” (ông Ngô Đình Thục và bà Ngô Đình Nhu). Người đọc sách trung bình (không kể phỏng vấn viên NVL) đọc kết luận về một ông lãnh đạo quốc gia tồi tệ như vậy mà lại còn đi liên hệ với Cọng sản thì họ sẽ nghĩ sao về những hình ảnh (không cần phải nhờ ông Tú Gàn giải mã) sáng ngày 2/11/63 khi dân chúng Việt Namtất cả mọi người hình như chạy ra ngoài đường, ca hát, nhảy múa, la hét, vẫy biểu ngữ hoặc chỉ đứng nhìn. Gần như trên khuôn mặt nào cũng mang một nụ cười (“Everybody seemed to be in the street, singing, dncing, shouting, waving banners, or just standing by, watching. There were smiles on practically every face.” (Roy Essoyan, “Celebration in Saigon Exuberant and Rowdy,” Washington Star, 2 November 1963)) để đón mừng ngày quân đội lật đổ chính quyền TT Diệm?

 

Với hai vị “hoài Ngô” như vậy và một cuốn sách như vậy, người ta không ngạc nhiên về chủ đích bênh vực nhà Ngô bằng mọi cách dù là hạ cấp đến đâu trong bài phỏng vấn nầy. Một trong những phương pháp bênh vực đó là vu khống những người chống chế độ ông Diệm: từ nhà văn Nhất Linh bị bệnh tâm thần (như bài viết đã nói ở trên) cho đến Thiếu tướng Đỗ Mậu qua một trong những câu hỏi đầu tiên trong bài phỏng vấn nầy.

■ NVL:Trong hồi ký Việt Nam máu lửa Quê hương tôi của ông Đỗ Mậu có viết, ông Tuyến khi trốn ra nước ngoài đã mang theo một cặp đựng đầy hột xoàn? Việc đó có không?

VP: Tôi có đọc và tôi buồn cười. Theo cụ Võ Như Nguyện nói với tôi nguyên văn thì “ thằng Đỗ Mậu nó viết bố láo bố lếu ví dụ tôi mặc đồ tang, tay chống gậy trong đám tang ông Ngô Đình Khôi. Tôi đã mắng nó rồi. Nó viết nhiều chuyện tầm bậy, tầm bạ”

Tôi đã vào những website có chuyên chở toàn thể nội dung tác phẩm VNMLQHT của tác giả Đỗ Mậu (http://vnthuquan.net, www.giaodiemonline, www.sachhiem.net, www.vantuyen.net), lại đến được nhà của một người bạn đọc được cả hai ấn bản (hard copy) 1985 và 1993, chương số 17, với 4 lần đề cập đến bác sĩ Trần Kim Tuyến. (trong đó có 2 lần nhắc đến chuyện Bác sĩ Tuyến đi Ai Cập), nhưng tuyệt nhiên không có đoạn hay câu nào có nội dung như thế cả. [Xem thêm PHỤ LỤC cuối bài] Ngoài ra, tôi cũng dùng search engine của Google mà không thấy đoạn nào có tên của ông “Trần Kim Tuyến” nói đến chuyện “mang theo một cặp đựng đầy hột xoàn”. Ông NVL hỏi và ông VP trả lờiTôi có đọc và tôi buồn cười”. Xin hai ông NVL và VP cho biết đã đọc ở trang nào trong hồi ký đó của ông Đỗ Mậu, hay là các ông “nhân danh sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm” mà phịa ra? Và vì đã phịa ra nên ông VP không dám trực tiếp trả lời mà dùng một câu của ông Võ Như Nguyện (VNN) để kể ra một câu xỉ vả hạ cấp không dính dáng gì đến chuyện đang nói về ông Trần Kim Tuyến.

Ngay cả câu xỉ vả (nếu thật là) của ông VNNguyện nói ông Mậu viết “tôi mặc đồ tang, tay chống gậycũng không có trong sách VNMLQHT của ông Đỗ Mậu (nguyên văn ở trang 280 là: “nhờ ông ta đứng làm trưởng nam trong tang lễ”). Và người đọc sẽ nghĩ gì về tư cách một nhà Nho, cựu giáo sư Đại học Văn khoa Huế mà lại gọi người bạn thâm giao đã qua đời là thằng nầy, thằng kia? Xin hỏi: ông Đỗ Mậu có viết “bố láo bố lếu” về ông Diệm (VNMLQHT, trang 499): “… hệ thống quan lại của Nam triều cũng như hệ thống công chức của bộ máy Bảo hộ hầu hết đều xây dựng sự vinh thân phì gia bằng mhững hoạt động tham nhũng, thế mà ông Diệm vẫn giữ được liêm chính qủa là điều hiếm hoi.”?

Cũng như trường hợp “nhân chứng” Cao Xuân Vỹ, tác giả VP giới thiệu: “Ngoài ra còn những nhận xét, đánh giá quý báu của cụ Võ Như Nguyện, một nhân vật theo rất sát với ông Ngô Đình Khôi rồi ông Diệm”. Xin hỏi tác giả VP, nhận đã đọc VNMLQHT của ông Đỗ Mậu, vậy ông có đọc “những nhận xét, đánh giá quý báu” trong lá thư của cụ VNNguyện viết cho người đồng chí cũ Hoàng Đồng Tiếu:

Năm 1963, như Bác rõ hơn ai hết, tôi ra lời tuyên ngôn tại Huế và bị ông (Ngô Đình) Cẩn ra lệnh bỏ tù. Tôi có theo Phật giáo đâu, mặc dù trong khi Tập Đoàn Công Dân của ông Cẩn mạnh, tôi từ chức ngang xương Tỉnh trưởng Bình Định và đem cả gia đình, họ hàng quy y liền để cho ông Cẩn thấy. Tôi đã từng phá cửa ngỏ ông Cẩn để vào nhà, đã từng đánh đập gia nô ông Cẩn trước mặt ông Cẩn và bảo rằng vào nhà nầy thêm nhục nhã vì vào đây không phải để mà đóng góp thật sự việc nước. Ông Cẩn lập hồ sơ Bác và tôi là gián điệp Pháp, cả Duyến nữa, bắt thằng Quế khai là bọn mình và thằng Thá gì đó (thằng nhà giàu ở đường Trần Hưng Đạo) đã liên lạc với tụi Tây … Ông Cẩn đã bắt giam Bác, cho người đên ám hại tôi … Bác Tiếu ơi, Bác rõ chuyện ấy hơn ai hết.”?

Cuối bài phỏng vấn, để tổng kết và để giúp cho những ông Công giáo Cần Lao tiếp tục trò cắt xén sự thật, ông NVL viết:

- “hai ông Diệm Nhu không kỳ thị tôn giáo”: Nhưng sự thật mà ông NVL không thể cắt xén trong bốn lãnh vực quan trọng là: (1) Giáo Dục: năm 1954 miền Nam có một Viện Đại học ở Sài Gòn, đến cuối thời đệ Nhất Cộng hoà, có thêm hai Viện Đại học: Huế do LM Cao Văn Luận (chỉ có bằng Cử Nhân) làm Viện trưởng và Đà Lạt cũng do một Linh mục (Nguyễn Văn Lập) làm Viện trưởng. Ở bậc trung học, sách sử của ông Nguyễn Hiến Lê bị bộ Giáo Dục kiểm duyệt vì nói đến thuyết tiến hoá của Darwin. (2) Xã Hội: Các ngày lễ chính thức của chính quyền (trường học đóng cửa, công chức được nghỉ) là Giáng sinh, Phục sinh, Thăng thiên, Các Thánh (Đây cũng là ngày quân đội nổi lên lật đổ chế độ!) trong khi ngay cả ngày Phật Đản cũng không được công nhận là ngày lễ. Trong 9 năm của nhà Ngô, có khi nào ông NVL thấy hoa, đèn treo đầy Toà Đô chính Sài Gòn mừng lễ Phật Đản giống như trong dịp lễ Giáng Sinh? Và sau chế độ TT Diệm, người dân các tỉnh mới dám xây đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (“Đất Nước Quê Hương” của Võ Phiến) (3) Quân Đội: Cho một thiểu số quân nhân Công giáo, họ có Tuyên Úy Công giáo nhưng cho đại đa số quân nhân Phật Tử thì phải đợi đến khi chế độ Diệm bị lật đổ. Tại các quân trường (từ Võ Bị Đà Lạt, đến Trừ Bị Thủ Đức, đến các trung tâm huấn luyện Hải Quân, Không Quân, Đồng Đế ở Nha Trang, …. chỉ có nhà thờ cho một thiểu số nhưng không có một ngôi chùa Phật giáo nào cho đa số. Với mục đích Công giáo hoá quân đội, trong thời TT Diệm, những sĩ quan lên chức nhanh nhất là Công giáo: Trần Ngọc Tám, Huỳnh văn Cao, NguyễnVăn Châu, Lê Quang Tung, … (4) Chính Trị: Xin trích một câu về bà Cố Vấn, em dâu, Dân biểu Quốc hội và cư ngụ trong dinh Độc Lập: “Nếu Tổng thống (Diệm) không chối bỏ lời tuyên bố của bà Nhu thì người ta phải coi đó là lời tuyên bố của chính quyền ông Diệm. Người Mỹ không thể ủng hộ một chính quyền có những lời tuyên bố loại như vậy. Ký giả Marguerite Higgins, người ủng hộ ông Diệm triệt để nhất trong hàng ngũ ký giả ở Sài Gòn đã phải nhận chịu là câu tuyên bố “nướng thịt các nhà sư” của bà Nhu là “man rợ”. Bà viết: “Người nào có thể nói một câu quá sứclương tri và tàn nhẫn như vậy thì chắc chắn phải bị coi như một người hung ác nhất trong một không khí đầy những đày đọa, khủng bố tệ hại.” (“Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of the American’s war in Vietnam”, Seth Jacobs, Rowman & Littlefield, Oxford, 2006. Trang 149)

- “không đàn áp, giết, hay giam cầm hằng vạn người đối lập”: Nếu tổng cộng các trại giam tại 43 tỉnh của miền Nam, cho đến Chí Hoà, Côn Đảo, Phú Quốc và những trại bí mật như “9 Hầm” ở Huế đến P-42 ở Sở Thú Sài Gòn, ta có ít nhất khoảng 50 nơi giam cầm và ước tính con số những đảng viên của các đảng phái chính trị, các nạn nhân của tham nhũng, kỳ thị, bị bắt đi Ấp Chiến Lược, khu Dinh Điền, … không thuôc thành phần can phạm hình sự, để phỏng đoán mỗi nơi giam cầm đón chỉ MỘT người không Cộng sản bị giambất mãn, chống đối chế độ thì ta đã có con số (50 nhà tù X 1 người bị nhốt X 5 ngày làm việc mỗi tuần = ) thành ra 250 người bị nhốt. Như vậy trên toàn miền Nam mỗi năm có ít nhất (250 người tù X 52 tuần) là 13,000 người. Nếu ta nhân con số nầy lên 9 năm của nhà Ngô thì tổng số tối thiểu sẽ là 117,000 người bị đàn áp, giết hay giam cầm. Vậy thì con số “hàng vạn” phải nâng lên hàng chục vạn.

- “Ông Nhu không hút thuốc phiện”: Đây chỉ có giá trị của một footnote (như cái ghế trong phòng tắm bà Nhu). Cả nước biết thi sĩ Vũ Hoàng Chương hút thuốc phiện, nhưng ai cũng gọi ông là thi sĩ v ì những bài thơ tuyệt vời của ông ta. Vì vậy, điều quan trọng là người “hút thuốc phiện” đã làm được gì? Cuối đời, ông Nhu tuyên bố người Cộng sản miền Bắc cũng là anh em và đi nói chuyện với những người “anh em” mà hiến pháp của ông ta thảo ra bị coi là kẻ thù của cả miền Nam. Đó là lý do vì sao nhân dân đã chống đối và quân đội đã phải đứng dậy. Trừ ra ông NVL muốn viết một bài “Có phải ông Nhu bị đảo chính chỉ vì hút thuốc phiện”?

- “Ông Diệm không ăn cắp nghiên mực của vua Tự Đức theo lời tố cáo của Nguyễn Đắc Xuân”: Vô tình hay cố ý (hay bản chất cắt xén, biến hoá sự thật đã thành tật) ông NVL đã đổi tên cụ Vương Hồng Sển qua tên “Nguyễn Đắc Xuân” để loại độc giả ngu ngơ của NVL bớt thắc mắc?

- “không giết Trịnh Minh Thế như lời tố cáo của Lê Trọng Văn”: Cho đến ngày hôm nay, không ai có thể qủa quyết được ai giết tướng Thế. Ngay cả với lời xác nhận của một ông Tây Savani (tương tự như chuyện “Đại úy Scott” của “tiến sĩ” Cao Thế Dung!). Vậy thì điều nầy nêu ra cũng chỉ là một giả thuyết.

- “Nhất là ông Diệm không có chính sách đàn áp, giết hại người Phật Tử như biến cố Đài phát thanh”: Câu hỏi phải là: Ai chịu trách nhiệm về chính sách có những vụ giết hại Phật tử, tấn công chùa chiền, bắt nhốt sinh viên học sinh đến mức, tháng 9/1963, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung không đủ chỗ chứa? Nếu không phải là ông Ngô Đình Diệm thì ai làm Tổng thống của Đệ Nhất Cộng Hoà?

Ba câu cuối cùng để làm kết luận cho bài phỏng vấn của ông NVL là “Cuốn sách của ông sau này sẽ là tài liệu tham khảo cho bất cứ ai muốn biết một số sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm. Mong là cuốn sách sẽ được nhiều bạn đọc để biết sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm. Đặc biệt nhất là giới trẻ sau này.” Ba câu nầy cho thấy tất cả thảm trạng của ông NVL, một người suốt đời đi cắt xén, biến hoá sự thật khi không thể bịa đặt ra được sự thật. Câu trên ông viết “bất cứ ai muốn biết một số sự thật về chế độ” và ngay câu tiếp theo ông viết “bạn đọc để biết sự thật về chế độ”. Có ai dạy cho ông NVL câu “nửa sự thật thì không phải là sự thật”? Nhất là sự thật về cả một chế độ có loại “nhân chứng” nói láo không biết ngượng như ông Cao Xuân Vỹ, có “nhân chứng” đáng kính như nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc được ông VP kể là người thân thiện với bác sĩ Trần Kim Tuyến là một nửa sự thật, nửa kia mà “giới trẻ sau nầy” không được tác giả VP nói ra là tác phẩm “Chơi Chữ” nổi tiếng của Lãng Nhân PTĐ có những bài thơ phê phán nhà Ngô vô cùng nặng nề: Vùi nông đôi nấm giữa đêm sâu,

Mười thước sau chùa đủ bể dâu.

Ba cỗ quan tài bốn lỗ huyệt,

Năm thằng Trời đánh một con Mầu.

Mới vừa Hăm Sáu còn nguyên thủ,

Mà đến Mồng Hai đã vỡ đầu.

Bảy Tám thu trường Ngô với Đĩ,

Ngô thì chín rụng Đĩ chơi đâu?  

 

Mở ra như vậy để vạch trần cái trò gian giảo của ông NVL.trong cố gắng lấy cái “bênh vực ông Tuyến” trong sách ông VP để “giải trừ những huyền thoại về ông Diệm”. Giống hệt như luận điệu “ông Diệm chống Mỹ nên bị đảo chánh” của những Lâm Lễ Trinh, Nguyễn Văn Chức, Chu Tất Tiến, … để che dấu sự thậtchính ông Diệm cũng phải xin ý kiến Mỹ trước khi mưu toan chuyện tầy trời năm 1955 làm phản vua Bảo Đại (“Ông Diệm đã hỏi (Tham vụ toà Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn) Randolf Kidder là ông ta có thể mong đợi sự ủng hộ toàn diện và tức thì của Mỹ nếu ông ta truất phế Bảo Đại và thành lập một chánh quyền mới.” (“American Miracle Man in Vietnam: Ngo Dinh Diem, Religion, Race, and U.S. Intervention in Southeast Asia”, Seth Jacobs, Duke University Press, Durham, N.C., 2004. Trang 210.) [ Tú Gàn có thể tìm để giải mả hồ sơ (hộp số 26) những văn kiện giữa toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn của ông L. Collins và bộ Ngoại giao Mỹ của ông F. Dulles tháng 5 năm 1955]. Vì ngoan ngoản như vậy nên ông Diệm đã được Mỹ nuôi ông Diệm như con (Trong bài diễn văn ủng hộ ông Diệm tháng 6/1956, J.F. Kennedy đã tuyên bố: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của quốc gia Việt Nam nhỏ bé thì ít nhất chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu. Chúng ta đã chỉ đạo buổi sinh thành của Việt Nam, chúng ta đã trợ giúp cho đời sống của Việt Nam, chúng ta đã giúp Việt Nam gầy dựng tương lai, … Đây là đứa con của chúng taChúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể quay mặt trước những nhu cầu của nó.” (“The Kennedys: America’s Emerald King”, Thomas Maier, Basic Book, N.Y., 2004, Trang 386). Có người đã chua chát phẩm bình: Vì người Công giáo Kennedy nuôi ông Diệm Công giáo như con, nên người Công giáo Kennedy có quyền giết con như chuyện trong Kinh thánh có Chúa ra lệnh cho ông Abraham giết đứa con trai duy nhất là Isaac vậy.

 

Để chấm dứt, tôi xin đưa ra một thắc mắc, chỉ một thắc mắc, nhưng rất căn bản, để ông NVL đừng tìm cách cắt xén câu hỏi của tôi hoặc câu trả lời của ông. Thắc mắc đến từ câu hỏi nầy:

NVL: Và câu hỏi chót về ông Tuyến, ông có nhận thấy có sự trùng hợp về những điều thị phi, những tiếng đồn xấu chung quanh ông Tuyến cũng là những điều thị phi về ông Diệm và chế độ ấy? Phải chăng nó cùng nguồn gốc? Cùng bản chất? Và phải chăng khi ông bênh vực ông Trần Kim Tuyến là một cách gián tiếp giải trừ những huyền thoại về ông Diệm?

VP: Thưa ông, câu trả lời của tôi đã nằm ngay trong câu hỏi của ông rồi.

Từ Pentagon Papers ở phía Mỹ đến Giáo sư Nguyễn ngọc Huy bên Việt-Nam và ngay cả Wikipedia về “Trần Kim Tuyến”, … hầu như tất cả tài liệu về cuộc đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm đều nói đến âm mưu của ông Trần Kim Tuyến tổ chức đảo chánh chính quyền TT Diệm cùng với Trung tá Phạm Ngọc Thảo và Đại tá Đỗ Mậu với hậu qủa là ông Tuyến bị mất chức giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị và đổi đi làm Tổng Lãnh sự ở Ai-Cập cho đến sau đảo chánh 1/11/1963 mới được trở về Sài Gòn. 

Xin ông NVL đọc kỹ những sự kiện không thể cắt xén nầy để trả lời câu hỏi của tôi là:

Điều gì đã làm cho hai cộng sự viên thân tínkỳ cựu như ông Trần Kim Tuyến và ông Đỗ Mậu (một Công giáo một Phật giáo, một Dân sự một Quân sự, và cả hai đều quyền to chức lớn trong chế độ chứ không phải đối lập bị đàn áp) lại hợp nhau tổ chức lật đổ chính quyền TT Diệm?

Dưới đây là những nhắc nhở để giúp ông NVL trả lời:

- Về tôn giáo: Phật tử biểu tình chống đối, các sư tự thiêu. Vatican chê trách, ra lệnh TGM Thục phải rời Sài Gòn.

- Về giáo dục: Học sinh sinh viên biểu tình bãi khoá trên toàn quốc, nhà nước phải đóng cửa trường học. Viện trưởng Đại học Huế, một Linh Mục, bị cách chức, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, khoa trưởng Y Khoa bị bắt nhốt, giáo sư Luật khoa kiêm Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu cạo đầu từ chức.

- Về đảng phái chống Cọng và thành phần trí thức: Bản Tuyên ngôn ngày 26 tháng 4 năm 1960 của 18 nhân vật thuộc nhóm Tự do Tiến bộ (thường được gọi là nhóm “Caravelle” mà đa số đã từng cọng tác với ông Diệm) tố cáo sự bất lực và những sai lầm của chế độ và sau đó, cùng với các thành phần đảng phái khác, chất đầy hai nhà tù Chín Hầm và P-42.

- Về quân đội: Sau cuộc đảo chánh 11/11/1960, sau cuộc dội bom 27/2/1962, quân đội đã thành công với cuộc cách mạng ngày 1/11/63 lật đổ chế độ gia đình trị của TT Diệm.

 

NGUYÊN DIỆU

 

 

 ► REQUIEM

Như một Requiem mà bên Phật giáo gọi là Cầu Siêu cho ông Ngô Đình Diệm trong những ngày đầu tháng Mười Một, xin trích lại hai câu trong sách của ông Vĩnh Phúc về một cái chết khác, cái chết của một anh hùng miền Nam chống Pháp và Cộng sản. Đó là ông Ba Cụt Lê Quang Vinhtác giả VP trích lời hai nhân chứng (trang 198) để nói về quyết định xử tử của chế độ Diệm. Linh mục Toán “tiết lộ rằng ông Diệm có nói là cần phải kết án Ba Cụt vì Ba Cụt phải chết, nếu không thì còn nhiều lôi thôi!”. Và ông Bộ trưởng Hùynh Hữu Nghĩa nói “”Nếu như” ông Nhu mà có ý muốn giết thì chỉ vì mục đích chính trị là muốn trừ hậu họa. Điều này cho thấy sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963 các tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh cũng đã suy nghĩ rất giống ông Diệm và ông Nhu, khi lấy quyết định xử tử hai anh em ông nầy. 

 

PHỤ LỤC:

Trích từ Hồi ký “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, chương 17 [nhà Xuất bản Quê Hương, California, 1993], tác giả Đỗ Mậu đã nhắc đến bác sĩ Tuyến 4 đoạn mà trong đó 2 đoạn trích dẫn từ tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Ngọc HuyDennis Warner.

Trong cả 4 đoạn nầy, ông Đỗ Mậu đều tuyệt nhiên KHÔNG viết chuyện Bác sĩ Tuyến “mang theo một cặp đựng đầy hột xoàn” khi đi Ai Cập như hai ông Vĩnh Phúc và Nguyễn Văn Lục đã gian xảo vu khống !

Dưới đây là 4 đoạn văn đó:

1- “Hơn ai hết, ông Tuyến biết rõ những sai lầm và những tội ác của chế độ Diệm, biết rõ những âm mưu thâm độc của vợ chồng Ngô Đình Nhu, biết rõ ông Ngô Đình Cẩn mấy lần định cho người ám sát mình, lại biết vợ chồng Nhu sẽ cất chức mình, đem em là Trần Văn Khiêm vào thay thế để Khiêm ngụy tạo hồ sơ biến mình thành con dê tế thần gánh chịu tất cả mọi hậu quả. Biết như thế và vốn người có lý tưởng quốc gia chân chính nên ông Tuyến không thể tiếp tục làm tôi trung cho một gia đình, một chế độ ngập tràn tội ác, ông Tuyến phải chủ trương đảo chánh trong ý nguyện cứu lấy một quốc gia đang thật sự đứng trên bờ vực thẳm. Từ một công thần hãn mã, ông Tuyến trở thành một kẻ thù không đội trời chung với anh em ông Diệm. Là một người quen thân với ông lại năng tiếp xúc đàm đạo với ông, tôi biết rõ nỗi khổ tâm của người bạn hiền Trần Kim Tuyến.”

...

2- “Trở lại văn phòng của tướng Khiêm, khi đi ngang căn phòng nhốt Lê Quang Tung và em là Lê Quang Triệu tối hôm qua, tôi chỉ còn thấy một mình Đỗ Thọ đang bị giam tại đó nên bảo viên trung sĩ quân cảnh để cho Thọ tự do ra về. Khiêm và tôi đang ngồi kiểm điểm tình hình thì có điện thoại báo cho biết bác sĩ Trần Kim Tuyến đã từ Hồng Kông về và hiện đang đợi ở phi trường Tân Sơn Nhất. Khiêm liền bảo thiếu úy Nguyễn Bá Quang lấy xe đi đón.

Bác sĩ Tuyến tuy nhận lệnh lên đường đến nhiệm sở mới là Ai Cập nhưng ông chỉ đến Bangkok thì ngưng lại đợi ngày đảo chánh vì ông vẫn tưởng kế hoạch chọn ngày Quốc Khánh (26–10–1963). Sau đó không tiện ở Bangkok, ông bèn bay qua Hồng Kông và sau khi đích xác biết chắc chế độ Diệm đã hoàn toàn sụp đổ, ngày 2 tháng 11 ông trở về Sài Gòn. Vừa gặp chúng tôi chưa kịp chào hỏi, ông đã nói ngay “Thật là định mệnh”.”

3- Nguyễn Ngọc Huy (The Story of Ngo Dinh Diem’s Overthrow and Murder): Nói về việc tôi tham dự vào cách mạng lật đổ chế độ Diệm, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã viết:

“Tình hình phe dự mưu đảo chánh hết sức phức tạp. Có rất nhiều tổ chức chống đối nhà Ngô. Một số người đã từng theo Diệm từ trước khi Diệm nắm chính quyền năm 1954 và đã từng đóng góp một vai trò tích cực trong việc củng cố chế độ nhà Ngô lúc mới bắt đầu. Nhưng họ dần dần trở thành đối lậpbất mãn với thái độ vợ chồng Nhu và vì họ thấy rõ cái mối nguy hại của chính sách nhà Ngô. Nhóm này gồm một số người dân sự và quân sự. Những người nổi bật nhất trong nhóm này là Bác sĩ Trần Kim Tuyến và Đại tá Đỗ Mậu. Đến tháng 9, Tuyến bị ngờ và đưa ra khỏi nước, còn đại tá Đỗ Mậu vẫn được họ Ngô tin tưởng cho đến khi đảo chánh xảy ra.”

4- Dennis Warner (The Last Confucian): Về trường hợp bác sĩ Trần Kim Tuyến âm mưu lật đổ chế độ Diệm, ký giả Úc Dennis Warner, một bạn thân của luật sư Trần Văn Khiêm (em ruột bà Nhu) và là một ký giả khả tín nhất trong giới phóng viên báo chí thế giới về sự am hiểu tình hình Đông Nam Á đã viết như sau:

“… Đúng như Tuyến đã lo ngại, quả nhiên Diệm đã gạt bỏ mọi đề nghị cải tổ còn bà Nhu thì phản ứng một cách giận dữ. Mặc dù trong hai năm tiếp theo, bề ngoài Tuyến và Nhu vẫn tỏ ra là một đôi bạn thân, cái “tình bạn” ấy chấm dứt khi Nhu nói rằng ông đã cho ngầm thu âm các bàn ăn trong nhà hàng La Cigale, một hàng ăn mà ban đêm Tuyến và bạn bè thường gặp nhau, và qua các cuộc thu âm ấy, Nhu đã biết được rằng khi Tuyến và bạn hữu bàn với nhau về “một cuộc đảo chánh” thì nội dung câu chuyện không phải luôn luôn là lời lẽ của một kẻ đứng đầu một cơ quan mật vụ trung kiên.

Tuy Tuyến đã “bảo hiểm” sinh mạng của mình bằng cách gửi ra ngoại quốc chứng liệu về các hoạt động của gia đình họ Ngô, ông ta vẫn thường trực sống trong tình trạng nguy hiểm, mặc dù Nhu đã bổ nhiệm Tuyến - để Tuyến không còn là một trở ngại - đi làm Tổng lãnh sự Việt Nam tại Cairo (Ai Cập). Nhu thường gọi Tuyến là “trente neuf” (ba mươi chín) vì con người nhỏ nhắn của Tuyến chỉ cân nặng 39 ký. Sau khi hai người hết thân thiện với nhau, Nhu khôi hài là bây giờ phải gọi Tuyến là “trente huit” (ba mươi tám) vì Tuyến lo sợ cho mạng sống của mình, đã sụt mất một ký. Qua cơ quan của Tuyến, Nhu nắm được hồ sơ cá nhân của tất cả viên chức cao cấp trong chính phủ, kể cả hàng Tổng, Bộ trưởng. Mục tiêu của Nhu là, nếu được, phải làm cho các viên chức này liên lụy đến một hình thức tham nhũng nào đó. Trong mẻ lưới này, không một ai có thể làm hại Nhu mà lại có thể tránh được cho mình khỏi bị hại.”.

 

Nguyên Diệu


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/11/2019(Xem: 8464)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.