Mùa Phật Đản Trong Ký Ức Tuổi Thơ

23/05/20159:45 SA(Xem: 5368)
Mùa Phật Đản Trong Ký Ức Tuổi Thơ

blank
MÙA PHẬT ĐẢN TRONG KÝ ỨC TUỔI THƠ

Tỳ kheo Thích Nguyên Các

blankTuổi thơ tôi là những năm tháng gắn liền với ngôi chùa quê bé nhỏ, tường cũ rêu phong, vì kèo thì mối ăn mọt đục, mái gói in đậm màu thời gian. Chùa dẫu liêu xiêu, tình quê vẫn ấm áp, linh thiêng nơi cõi lòng, là chốn quy ngưỡng của bao thế hệ.

Ngày ấy…

Mỗi kỳ lễ lớn, Phật tử xa gần, già trẻ cùng làm, mỗi người một việc. Nhất là mùa Phật đản, kỷ niệm ngày đấng Từ Phụ giáng sanh cõi thế, chùa chùa đều thiết lập lễ đài kính mừng đại lễ.

Lũ trẻ quê vài mươi năm trước, ngoài giờ học chính khoá trên lớp đâu phải đi học thêm, học ngoại khóa, hay phụ đạo như bây giờ, nên thời gian còn lại ngoài phụ gia đình chăn bò, phơi nông sản, hay dọn dẹp nhà cửa là cùng nhau chơi đùa. Nơi trẻ con trong xóm thường tụ tập để chơi các trò chơi nhân gian đó là sân chùa. Thế nên, hầu như ngày nào chúng tôi đều “đi chùa”. Điều ấy cũng có nghĩa là, các hoạt động vào những dịp lễ lớn của chùa, sao có thể vắng mặt đám nhóc chúng tôi được, nhất là thời gian làm lễ đài khi mùa Phật đản về.

Mục đích ý nghĩa của lễ đài, với trẻ con tám chín tuổi chúng tôi, không quan trọng. Mặc dù việc đưa ra ý tưởng thiết kế lễ đài, là khâu quan trọng nhất, tốn nhiều thời gian nhất, và có khi chúng tôi còn thấy các bác, các anh chị tranh luận rất nhiều. Mà hứng thú nhất với đám nhóc chúng tôi là từ khâu chuẩn bị vật liệu, và quá trình làm, vì khi ấy chúng tôi được tham gia. Tham gia rất nhiệt tình. Đám con nít, đôi khi không ý thức được, hoặc do ham vui, mà cứ sấn vào những công đoạn có thể làm chúng tôi bị thương, nếu thiếu cẩn thận. Tất nhiên là bị mắng, và bắt tránh ra xa. Thế nhưng, điều đó cũng không làm giảm sự “chăm chỉ” của chúng tôi, khi chân tay luôn táy máy hoạt động. Nhờ đó, chúng tôi dần hiểu được, cuộc sống có những việc phải thực hiện, cũng có điều không nên làm. Và, khi lễ đài được hoàn thành, mọi người khen đẹp và trang nghiêm, chúng tôi lại có dịp tranh công, cái đó tao khiêng, chỗ kia đứa nọ làm…Con nít thật là!

Rồi chúng tôi cũng lớn lên theo thời gian, kiến thức cũng rộng cùng năm tháng. Mười ba mười bốn tuổi, lúc này, mùa Phật mỗi năm, điều chúng tôi chờ đợi lại là những lớp ý nghĩa ẩn sau các hình tượng của lễ đài, chứ không chỉ đơn thuầnham vui nữa. Chúng tôi bắt đầu để ý đến cách thiết trí lễ đài Phật đản. Và, có những câu hỏi kèm theo. Qua những câu hỏi, chúng tôi hiểu hơn về bối cảnh lịch sử khi Thái tử ra đời, cũng như chủ đề từng năm được thể hiện qua lễ đài.

Đâu phải ngẫu nhiêu, hay chỉ cần thiết kế một mẫu lễ đài đẹp là được; mà lễ đài Phật đản cần phải chuyển tải những thông điệp, hoặc tái hiện lại lớp nào, hay một phần nào đó của lịch sử, hoặc cả hai yếu tố ấy.

Một năm, lễ đài nơi chùa làng tôi là một pho tượng Phật đản sanh, với hoa sen nơi bệ tượng được gắn điện rất công phu, đặt trên một quả địa cầu, khi mở điện quả cầu sẽ quay, hai bên là phần phông nền trời xanh, ngoài cùng có hai cột hình tứ giác với đôi câu đối “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, trên một đầu cột là chú chim giống chim bồ câu, đầu cột còn lại là huy hiệu của Giáo hội. Năm ấy, lần đầu tiên chúng tôi để ý và thắc mắc về ý nghĩa của lễ đài. Vì, lễ đài năm đó không theo mô-típ tái hiện cảnh vườn Lumbini khi hoàng hậu Maya hạ sanh Thái tử. Với thiết kế, bài trí như vậy, các bác giải thích cho chúng tôi rằng: tượng Phật đản sanh đứng trên quả địa cầu thể hiện đức Phật là người duy nhất trên cõi đời này, mở ra con đường cho tất cả chúng sanh thoát khỏi lục đạo luân hồi. Và, từ sau Chiến tranh thế giới II, thế giới bắt đầu lấy chim bồ câu làm biểu tượng cho sự hòa bình, yên vui và hạnh phúc; mặc dù hình tượng đó ăn sâu vào tiềm thức của tất cả mọi người, qua từng thế hệ và qua từng cuộc chiến tranh. Với nghĩa đó, trên lễ đài hình tượng chú chim bồ câu hàm ý, Phật giáotôn giáo hòa bình, vì hòa bình của nhân loại. Sau khi nghe xong, có đứa thể hiện sự hiểu biết của mình, liền nói: cháu thấy con chim trên đầu cột kia giống chim Oanh vũ-tiền thân của đức Phật hơn. Người lớn cười và nói, cháu nghĩ vậy cũng được, nhưng chưa chính xác trong trường hợp này.

Năm sau đó, lễ đài Phật đản với sự cách điệu của chín con rồng phun nước, hai bên là đôi câu đối “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh, chín rồng phun nước tắm kim thân”. Ý tưởng này được lấy từ tích, khi Bồ tát giáng sanh nơi cõi ta - bà, từ trên trời có làn nước mát, ấm do chín con rồng phun xuống để mừng đón, cũng như tắm cho Ngài.

Và cứ thế, mỗi năm một chủ đề, mỗi năm một bài học. Thật sinh động, ấn tượng, sâu sắc.

Phật đản Phật lịch 2539 dương lịch 1997, chùa quê chúng tôi hội chung với không khí chào đón Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IV, nên lễ đài được thiết kế với tượng Phật đản sanh đứng nơi bục cao trung tâm, phía sau là tấm bản đồ Việt Nam, hai bên hình những cánh sen hồng vươn lên đậm tính dân tộc, đều được làm thành khối 3D; tất cả đều được tính toán gắn điện hài hòa, trang nghiêm. Qua thiết kế như vậy, các bậc cao niên muốn nhắn nhủ cùng con em rằng, đạo Phật luôn luôn song hành cùng đất nước và dân tộc Việt nam. Ôi đẹp làm sao!

Khi chúng tôi rời xa ngôi chùa quê, nó đã được trùng tu khang trang. Đi đó đi đây, cùng với những điều học được, thấy và trải nghiệm qua, là sự tăng trưởng của kiến thức, tâm hồn ngày càng rộng mở. Thời gian trôi qua ngần hai mươi năm, được tham dự lễ Phật đản tại nhiều nơi, rồi qua các kênh thông tin chúng tôi thấy, trên thực tế, có những nơi lễ đài Phật đản rất đơn điệu, thậm chí đưa vào những họa tiết trang trí không phù hợp với Phật giáo, thể hiện nền tảng văn hóa chưa vững. Điều đó càng làm chúng tôi thật khâm phục sự sâu sắc trong tâm hồn, nền tảng văn hóa dân tộc sâu rộng, cùng kiến thức lịch sử Phật giáo, cũng như mức am hiểu Phật pháp của các Phật tử nơi chùa quê.

Ngày nay, công cụ hiện đại, dịch vụ in ấn, cắt, vẽ khắp nơi, nên việc thực hiện lễ đài Phật đản không vất vả, tốn nhiều công sức và thời gian như ngày xưa nữa. Thế nhưng, thời nào cũng thế, những điều thể hiện qua lễ đài, luôn là yếu tố quyết định. Nói cách khác, để khoác lên lễ đài các lớp ý nghĩa, hay thông điệp nào đó, đòi hỏi những người lên ý tưởng phải có kiến thức cả thế học lẫn Phật học, sự am hiểu văn hóa, không chỉ văn hóa Việt Nam mà cả các nền văn hóa lớn của thế giới. Đặc biệt không thể thiếu cái nhìn thời đại. Như thế, khi lễ đài hoàn thiện sẽ có chiều sâu lịch sử, rộng về ý nghĩa văn hóa và mang tính thời đại cao. Nếu không, lễ đài sẽ trở thành “thảm họa”, khiến các bậc thức giả, trí giả đau lòng. Hoặc những người trẻ mới vào đạo sẽ hiểu không đúng với lịch sử, văn hóa, điều này thật không nhỏ. 

Phật đản PL. 2557
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/05/2020(Xem: 3666)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.