Ngày Xuất Gia Báo Hiếu - Huệ Giáo

19/07/201112:00 SA(Xem: 44852)
Ngày Xuất Gia Báo Hiếu - Huệ Giáo

tuyentapvulan-03

NGÀY XUẤT GIA BÁO HIẾU
Huệ Giáo


Trong tất cả lễ hội của Phật giáo, chúng ta thấy rằng Vu-Lan Báo Hiếu là một lễ hội được quần chúng biết đến, quan tâm nhiều, dù người đó là Phật tử hay không phải Phật tử. Dân gian quen gọi ngày rằm tháng bảy là ngày lễ Trung Nguyên, ngày “Xá tội vong nhân” qua khẩu truyền.

Văn hóa Việt Nam, lời ca về tình Cha và nghĩa Mẹ cao vời là những bài học vỡ lòng luôn được trân trọng, bảo tồn trong nền văn hóa của dân tộc và được xem như là nền văn minh của xứ sở chúng ta. Những tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim của người con thể hiện trên lời ca tiếng hát của những người con khi nhớ đến Cha mẹ, đọng lại trên những trang giấy trắng, biến thành những bức tranh tuyệt tác, một khi chúng ta chiêm nghiệm đến, nó vẫn luôn sáng tỏ niềm tin yêu vô hạn. Bởi lẽ, tình yêu của Mẹ đã không còn của riêng ai và ai lại không có Mẹ? Tình thương của Mẹ đã vượt qua biên giới suy luận, thành trì cản ngăn giữa các quốc độ.

Văn hóa Phật giáo đã đậm đà trong nền văn hóa dân tộc rất nhiều lĩnh vực; đạo đức Phật giáo đã đi sâu, làm căn bản dẫn đường trong cách sống, nếp nghĩ, ứng xử giữa người với người và sâu hơn là giữa nhân lọai, muôn loài.

Hạnh xuất gia để báo hiếu không chỉ riêng đạo Phật, vì đã có một vài tôn giáo nhất là tôn giáo phương Đông đã nêu cao tinh thần này. Tuy nhiên sự khác nhau của chúng được thể hiện trong nội dung giải thoátphương cách hành trì.

Tấm gương của thái tử Tất Đạt Đa phát tâm xuất gia chứng quả giác ngộtrở thành quả vị toàn giác, giải thoát cho mình và cho người ra khỏi khổ não thiêu đốt trong ba đường, lên xuống sáu nẽo là một biểu tượng sáng ngời. Kế tiếp đó, Tôn giả Mục-Kiền-Liên sau khi chứng quả A – La - Hán, ngài đã dùng thần thông soi xét chốn của Mẹ mình đang thọ nạn để tìm cách cứu Mẹ, là một cách báo hiếu trọn vẹn của đạo Phật tròn đầy trên cả hai phương diện: thể xác và tinh thần. Gần đây nhất, để đền đáp công ơn sanh thành sâu dày của ông bà, cha mẹ nên đã có những người con phát tâm xuất gia là một minh chứng tất yếu.

Cho đến hôm nay, tinh thần phát tâm xuất gia tìm đường giải thoát, vì hạnh phúc cho mình và cho người vẫn được nêu cao. Đây là điểm đặc thù khác nhau giữa các tôn giáo. Từ cơ sở này, ý tưởng xuất gia ngắn ngày dành cho những người không đủ thuận duyên xuất gia suốt đời để báo hiếu ông bà cha mẹ quá vãng, là nét văn hóa đạo đức chỉ có trong tôn giáo mà ở đây là Phật giáo. Nét sinh họat văn hóa xuất gia ngắn ngày được thể hiện rộng rãi tại các nước theo truyền thống Phật giáo Nam truyền như: Thái lan, Lào, Miến điện, Sri Lanka v.v… Trong những nước này, nổi bật nhất là Phật giáo Thái Lan, hạnh xuất gia ngắn ngày dành cho các em thiếu nhi thường được tổ chức và xem như là một truyền thống đạo đức trong sinh họat văn hóa Phật giáo, được tổ chức thường xuyên vào mùa hè; người lớn thì không phụ thuộc vào thời gian (2).

Tại Việt Nam chúng ta, tinh thần xuất gia ngắn ngày để báo hiếu chưa được thực hiện rộng rãi. Thông thường, khi cha mẹ qua đời, hình thức báo hiếu thường được biểu hiện qua những việc như tụng kinh, cầu nguyện, bố thí, phóng sanh, làm nhiều việc lành, ăn chay v.v… Nếu là gia đình Phật tử thì hướng dẫn con cháu của mình noi theo những gương hiếu hạnh của các vị Thánh Tăng.

Hiện nay, có rất nhiều con em trong gia đình truyền thống đạo Phật, đã trở thành những Phật tửquy y Tam Bảo. Tuy nhiên, đối với các em, cảnh chùa vẫn còn nằm trong ý tưởng, khái niệm, hoặc khá hơn thì chỉ đến chùa đôi ba lần trong vài ngày lễ lớn của năm. Tình hình này nhìn chung diễn ra khá phổ biến, có lẽø do nhiều người chưa hiểu trọn vẹn ý thức tự giác của đạo Phật, nên không bắt buộc con cháu có nên đến chùa hay không. Mặt khác, với cuộc sống hiện nay, trong trào lưu lấy kiến thức làm đầu, trẻ thơ được nhồi nhét bao nhiêu là chữ nghĩa và ít được chú tâm đến con đường tâm linh. Đây quả thật là một sự thiếu sót lớn, vì con người nếu như không được bồi dưỡng chăm sóc về phương diện tâm linh, có khả năng trở thành kẻ phá sản những gì của chính con người tạo nên, những gì ông cha ta đã gây dựng. Đây là một trọng trách lớn mà mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần phải để tâm lưu ý. Đừng lầm lẫn rằng, mình là những Phật tử thì sau này con cháu của mình sẽ là những Phật tử! Sẽ không thể có những lớp Phật tử kế thừa sau này có tu, có học, có hạnh, trung thành với đạo, xả thân vì đạo nếu như chúng ta không quan tâm, tạo điều kiện cho trẻ thơ đến với ánh sáng giác ngộ ngay từ bây giờ.

Đã có nhiều gia đình Phật tử tổ chức sinh họat cho các em vào mỗi chiều chủ nhật, vài buổi học giáo lý trong tuần, trong tháng… Tuy nhiên, xét trên hiện trạng thực tế, vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu hướng các em đến với Tam bảo một cách thích thú và tự nguyện, nói theo ngôn ngữ hiện tại là chưa đủ “sân chơi” hoặc các sân chơi còn quá nghèo nàn, chưa đủ hấp lực để thu hút thiếu nhi - tuổi trẻ đến với đạo Phật. Hiện nay, đã có nhiều chùa bổ khuyết, tổ chức cho các em thêm những sinh họat như: Ngày An Lành; Ngày Tỉnh Giác; Ngày Vượt khó; Ngày Chuyên Cần; Ngày Xuất Gia Báo Hiếu trong mùa Vu Lan v.v... tất cả những ngày ấy mục đích tạo cho các em gần gũi và mạnh dạn đến với mọi người, tìm hiểu những sinh họat của chùa, làm quen với sự yên tỉnh của chốn Già lam và nhất là hiểu về truyền thống của cha ông mình.

Đặc biệt theo chúng tôi, tuy hình thức Ngày Xuất Gia Báo Hiếu vẫn còn xa lạ trong tập tục, trong văn hóa Phật giáo tại Việt nam, nhưng nếu như có một sự gạn lọc, tiếp thu và khéo léo trong tổ chức thì đây là một truyền thống văn hóa đầy tích cực và cần nên phát triển rộng rãi. Vì đây là một nét sinh họat văn hóa mang giá trị đạo đứctruyền thống hiếu hạnh lâu đời của Phật giáo. Thiết nghĩ, Ngày Xuất Gia Báo Hiếu không những được tổ chức rộng rãi trong mùa Vu Lan mà cần phải được tổ chức nhiều ngày hơn nữa, thường xuyên trong mùa hè (những lúc thời gian có thể cho phép, những nơi có thểû tổ chức). Làm được việc này, đòi hỏi cần có sự động viên các em từ các bậc phụ huynh, sự nỗ lực của Tăng Ni, Phật tử. Nếu mô hình này được nhân rộng, thì lợi lạc sẽ là vô biên. Bởi lẽ, một ngày xuất gia và được sống trọn vẹn ở trong chùa, không những các em ý thức được sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ qua lời dạy của quý Tăng Ni và các anh chị hướng dẫn; hiểu rõ cội nguồn của ông bà tổ tiên nhiều đời kiếp; các em sẽ được trang bị và có một đời sống hướng thượng, trang trải tình thương yêu đến mọi người, biết chia sẻ những khó khăn với bạn bè. Với hình thức tổ chức tu học này, các em sẽ gieo trồng được căn lành gần với hạnh giải thoát, có lòng tin vững chắc với Tam Bảo để phụng sự nhiệt thành cả đời và đạo. Một ngày xuất gia ở tại chùa là một ngày hạn chế nhiều sự lo lắng của các bậc phụ huynh, nơi đây các em được học hành và được chăm sóc trong tình thương không biên giới, được nuôi dưỡng bởi những lời dạy thuần khiết thấm đẩm tính nhân văn.

Dù chỉ một ngày thôi, tuy là ít so với thời gian của một đời người, nhưng đối với trẻ thơ là một sự chuyển động tích cực mạnh mẽ trong tâm thức, sẽ đi mãi không hề phai nhạt trong ký ức của các em dù phải trãi qua bao năm tháng. Bởi lẽ, bất cứ ai trong mỗi chúng ta đã từng có những kỷ niệm sâu sắc đọng lại lại trong lòng như tình bằng hữu, tình yêu quê hương…trong thời ấu thơ. Đối với các em, những chất liệu ngọt ngào được tích lũy từ sự thực tập theo truyền thống. Một Ngày Xuất Gia Báo Hiếu mãi mãi là những chất liệu cần, luôn làm tươi mát và bổi bổ hành trang vốn nhiều lặn lội, đua chen.

 Mùa Vu-Lan Báo Hiếu không những chỉ dành riêng cho những người làm con, mà những bậc làm cha mẹ cũng cần phải thể hiệnchứng tỏ vai trò đích thực của mình để các con được học hỏi và noi theo. Tất cả việc làm trên sẽ thể hiện trọn vẹn tinh thần hiếu hạnh của đạo Phậttruyền thống văn hóa của dân tộc Việt nam.




(2) Dr. Kusalasaya Karuna, Buddhism In Thailand ( Its past and Its Present).Mental Health Publishing House.Bangkok.ISBN 974-409-086-3.Third Printing 2001.

 

(Cùng một tác giả)

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/09/2018(Xem: 6674)
31/07/2014(Xem: 8135)
14/08/2016(Xem: 5278)
16/08/2023(Xem: 12909)
13/08/2013(Xem: 17168)
31/07/2014(Xem: 5776)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.