Không phải ngẫu nhiên khi đúc kết hành trình sinh hoạt của dân tộc Việt Nam trải dài qua 12 tháng, suối nguồn văn học dân gian đã dành tháng bảy âm lịch để nói về công hạnh lễ Vu Lan và ảnh hưởng của ngày lễ này đối với truyền thống tín ngưỡng văn hóa lẫn triết lý sống của người dân Việt:
“Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
Tháng mười buôn thóc bán nông
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn”.
Lễ hội Vu Lan thực chất không chỉ dành cho đồng bào Phật tử mà từ xưa đến nay đã thể nhập vào đời sống tâm linh người Việt. Bởi cội rễ của lễ Vu Lan, suy cho cùng, xuất phát từ tình người, từ tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Từ thế kỷ II sau Công nguyên, thời điểm Đạo Phật truyền vào nước ta, Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời cho giới trí thức Nho học, Lão học rằng Đạo Phật là đạo hiếu qua tác phẩm Lý hoặc luận: “Ở trong nhà là hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài xã hội là giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình là biết tu thân”.
Triết lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam hình thành từ cội rễ huyền sử Trăm trứng nở trăm con, với sự kết tinh Lạc Long Quân và Âu Cơ. Để rồi từ đây, người dân Việt sống với nhau bằng tình “đồng bào”, cùng chung chí nguyện, cùng nhau hiệp lực để thực thi đại nghiệp “đồng tâm”, san sẻ với nhau với tất cả tấm lòng yêu thương khi khó khăn khổ đau hay thuận lợi hạnh phúc gọi là “đồng lòng”. Trong đó, Vu Lan là lễ hội để mọi người thể hiện sự kết nối từ mỗi trái tim đến mọi trái tim trong dòng chảy tình người. Vì thế, nhân dân ta, người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, cứ đến ngày rằm tháng bảy hằng năm, đều có tục lệ lên chùa, sắm sửa lễ vật để dâng tấm lòng thành của mình cầu mong cho những người đã khuất thoát khỏi tam đồ, siêu sinh lạc quốc; người còn sống thân tâm an lạc, vạn sự an lành.
Thực tế, có nhiều người vẫn chưa hiểu hết về sự tích nguồn gốc lễ Vu Lan, nhưng niềm tin về tín ngưỡng tâm linh của lễ Vu Lan vẫn lớn vô cùng. Đó cũng là hành trình kết nối nội tâm giữa những người đang hiện hữu từ mỗi cá nhân đến mỗi gia đình và sau cùng lan tỏa ra ngoài xã hội. Trên hết, Vu Lan còn là lễ hội kết nối, nuôi dưỡng các giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống từ thế này sang thế hệ khác trong diễn trình cấu trúc nhân quả từ tổ tiên đến con cháu mai sau. Và hẳn nhiên vào ngày đó, ai cũng muốn nương nhờ pháp Phật nhiệm mầu để giải thoát khổ đau từ trong nội kết bi thương qua các mối quan hệ, mà dân gian gọi là ngày xá tội vong nhân.
Và như thế, đến rằm tháng bảy hằng năm, người ta tâm thành lên chùa lễ Phật, cầu nguyện cha mẹ ông bà nhiều đời, cửu huyền thất tổ, lục thân quyến thuộc và rộng ra nữa là những người đã khuất không nơi nương tựa gọi là âm linh cô hồn đều được siêu sanh Tịnh độ. Vì ý nghĩa đó, bất kỳ ai đang hiện hữu ở đời đều khởi tâm “hiếu kính với mẹ cha là cúng dường chư Phật”. Cúng dường chư Phật đồng nghĩa tôn kính và hiếu kính hai đấng sinh thành dưỡng dục của mình:
“Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già như thể Phật bà Quan Âm
Nhớ ngày Xá tội vong nhân
Lên chùa lễ Phật đền ơn sinh thành”.
Đây là thái độ sống biết rõ cội rễ con người trong ý nghĩa tồn tại và phát triển. Tất cả đều xuất phát từ tâm hiếu, mang thực tính yêu thương, đầy bao dung, tha thứ, vô ngã, vị tha trong dòng sống tương tục này. Cho nên, con người cần hiểu và sống theo tinh thần Phật dạy: Ai cũng là từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, làm em trong cõi luân hồi chẳng khác gì đạo lý “thương người như thể thương thân” của cha ông ta. Thế nên, ta mới biết mình thương thân mình như thế nào thì thương thân người khác như thế ấy. Tại đây, mọi giá trị yêu thương “thật” của con người mới hiển lộ qua thái độ, quan điểm sống, trong cuộc sống vốn luôn biến động không ngừng.
“THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN”
Nhưng triết lý sống của người Việt Nam không dừng ở đó, nó được thể nhập vào đời sống hằng ngày trong tiến trình hàng nghìn năm bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc. Nhờ vào triết lý “thương người như thể thương thân”, dân tộc Việt Nam mở ra những trang sử hào hùng với những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đi đến thắng lợi hoàn toàn, và hướng đến xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc.
Trong đời sống thực, nhân dân ta còn phải giáp mặt bao nhiêu khó khăn, khổ đau từ thiên tai, bão lụt, thiên nhiên, môi trường sống khắc nghiệt, mùa màng thất bát, bệnh tật. Thế nên, Đức Phật nói sự thật của cuộc đời là khổ và con người cần thoát khổ. Thân mạng con người thực chất là vô thường, do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà có được. Nó cũng chịu sự chi phối của nghiệp nhân và nghiệp quả. Và như thế, mọi người phải có thái độ sống biết chia sẻ, đồng cảm, bao dung, độ lượng đối với những khổ đau của người khác như chính mình từng bị khổ đau, để cùng nhau vượt thoát khổ đau. Trong Gia huấn ca, Nguyễn Trãi đã viết:
“Thương người như thể thương thân
Người ta phải bước khó khăn đến nhà
Đồng tiền bát gạo đem ra
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên
Nay ta ở chốn bình yên
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng”…
Thế nên, triết lý “thương người như thể thương thân” của dân ta có giá trị thực tiễn vô cùng. Thực tế, ai cũng hiểu thân mình phải trải qua những khổ đau, khổ sở mới biết đồng cảm thương xót những người khác bị khổ đau. Từ đây, ta biết yêu thương nhau nhiều hơn, đến nỗi trở thành vô điều kiện, không có biên giới sẻ chia. Từ tình yêu giữa người với người, nó trở thành tình đồng loại, tình dân tộc, sau cùng là tình nhân loại, bao gồm chúng sinh hữu tình hay vô tình. Tất cả đều tin rằng người còn hay kẻ mất, người có tội hay không có tội đều được xá tội, cõi âm hay cõi dương sống an lành. Nguyễn Du trong bài Văn tế thập loại chúng sinh đã viết:
“Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách thập loại chúng sinh”.
Đó là tấm lòng của Nguyễn Du, ông bày tỏ một tình thương vô hạn đối với mọi chúng sinh trong trần thế. Nhưng điều cốt lõi thi hào muốn nói đến chính là đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam trước sau như một, đẹp đẽ vô cùng. Cho nên, ta chẳng ngạc nhiên gì, chân dung 10 loại chúng sinh được khắc họa trên 184 câu thơ song thất lục bát qua tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc, để rồi thi hào mời gọi mọi người hãy sống bằng sự yêu thương thật sự qua pháp Phật nhiệm màu:
“Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,
Bóng hào quang cứu khố độ u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.”
Trong ý nghĩa, Vu Lan là dịp kết nối mọi người đến với nhau dù còn hay không còn hiện hữu trên cõi đời, trong tiếng kinh cầu đó, giá trị lớn nhất mà con người đạt được mà Nguyễn Du tổng kết:
“Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không
Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài”.
Chính triết lý sống “thương người như thể thương thân” mà con người Việt Nam luôn ý thức con người cần từ bi và trí tuệ khai mở từ sự quy hướng về Phật, về Pháp, về Tăng trong ý nghĩa nhất tâm “Nam Mô” là quay về nương tựa. Nương tựa Tam bảo cũng chính là nương tựa chính mình. Vậy là trong mọi giá trị của cuộc sống, giá trị con người là giá trị cao nhất. Con người trước hết cần tồn tại và phát triển. Hẳn nhiên, triết lý “thương người như thể thương thân” luôn nhắc nhở con người muốn ‘cứu độ” người khác thì bản thân phải luôn có ý thức chuyển hóa, hoàn thiện nhân cách đến khi viên mãn mới thôi. Điều đó có nghĩa, mỗi cá nhân đều có khả năng tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, làm cho Phật tánh có khả năng hiển lộ giữa đời sống thực này. Đây cũng là giá trị cao nhất mà đạo lý này đem lại sự thăng hoa cho mỗi chúng ta.
Cuộc sống con người thường xuyên bị biến động và thay đổi. Chính lẽ đó, con người thường xuyên phải giáp mặt và tìm cách vượt thoát khổ đau. Vu Lan là ngày lễ hội của dân tộc. Đây cũng dịp mỗi người tự nhìn lại chính mình để biết yêu thương nhau nhiều hơn. Nó phải xuất phát từ cội rễ tâm hiếu, hạnh hiếu mà tự thân mỗi người đón nhận từ thuở lọt lòng, nằm nôi, rồi lớn lên giữa tình người, trong triết lý “thương người như thể thương thân” mà cha ông ta vun bồi. Từ đó, ngày Vu Lan mỗi năm được mọi người đón nhận như ngày văn hóa tình người, người đang hiện hữu sống an lạc, hạnh phúc vô biên; người quá vãng thì tốc xả mê đồ, siêu sanh tịnh độ.
Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo)