Việc Đốt Vàng Mã Và Phật Mã

06/09/20143:58 CH(Xem: 22273)
Việc Đốt Vàng Mã Và Phật Mã

VIỆC ĐỐT VÀNG MÃ VÀ PHẬT MÃ

Cư sĩ Minh Mẫn

Lời ban biên tập:

Theo thông tin từ trang nhà chùa Viên Giác (Q. Tân Bình TP. HCM), vào lúc 18h00 ngày 29/08/2011 nhằm ngày 24/08 Giáp Ngọ, ngày cuối cùng của Pháp Hội Địa Tạng xá tội vong nhân cũng là đánh dấu kết thúc mùa lễ Vu Lan Báo Hiếu, tại chùa Viên Giác, TT Thích Đồng Văn cùng chư TăngPhật tử đã thành kính tổ chức lễ Chúc thực tống thánh và hóa sớ phụng tống chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền hồi quy Cực lạc diễn ra. http://www.viengiac.vn/viengiac/index.php?option=com_content&view=article&id=658:l-chuc-thc-tng-thanh-va-hoa-s-phng-tng-ch-pht-b-tat-thanh-hin-hi-quy-cc-lc&catid=14:l-hi&Itemid=30

Theo nhà chùa cho biết lễ tạ đàn pháp hội đã thành tựu viên mãn. Tuy nhiên, dư luận qua các trang mạng xã hội rất bức xúc trước việc một tu sĩ Phật giáo châm lửa đốt hình tượng Đức Phật trong dịp lễ này, vì họ cho rằng đây là một việc làm đầy hủ tục mê tín giống như việc đốt vàng mã hình nộm trong các dịp lễ hội Vu Lan và lễ Thương Nguyên của người dân chưa hiểu Phật Pháp.

Cư sĩ Minh Mẫn, một Phật tử tu tại gia được giới tại gia cho là vị cưhộ pháp chuyên "trừ tà hiển chánh" đã gửi cho ban biên tập chúng tôi bài viết như sau: (xem hình bên dưới)

VIỆC ĐỐT VÀNG MÃ VÀ PHẬT MÃ.

chua vien giac 6Trên trang mạng đưa tin một vị tu sĩ châm lửa đốt Phật mã, cư dân mạng xôn xao và bất mãn, Web Người Phật Tử hỏi ý kiến, xin được phúc đáp:

Sau Phật nhập diệt, căn cơ đồ chúng ngày càng thiếu linh hoạt, vì thế, Thiền tông bị hạn chế trong một số đối tượng thượng căn, chư Tổ sáng tạo hình tướng cho quần chúngđiểm tựaphát tâm tu tập; hình tượng được hình thành giới hạn trong các nơi thờ phượng tôn nghiêm. Biết rằng hình tượng là đất sét, cement, mực giấy, nhưng đã là hình ảnh Phật, tín đồ cả Tăng lẫn tục không ai dám xúc phạm bừa bãi. Khi tranh tượng hư, họ đem nhập tháp một cách tôn kính, chứng tỏ lòng thành đối với đấng mình tôn thờ. Trước vấn đề một nhà sư đốt tượng Phật, xin được xét trên hai quan điểm: -Phật pháp và thế gian pháp.

Về Phật pháp, kinh Kim Cang từng dạy: “Phàm sỡ hữu tướng, giai thị hư vọng”, nghĩa là cái gì thuộc về hình tướng đều là giả, vì thế, Tổ sư Đan Hà của Thiền Tông đời Đường, chẻ tượng Phật làm củi để sưởi, đệ tử ngạc nhiên hỏi,- sao thầy chẻ tượng Phật? Ngài đáp:- ta chẻ tượng tìm Xá Lợi, đệ tử đáp: - Phật gỗ làm gì có Xá lợi! Tổ đáp:- Phật không có Xá lợi thì không phải là Phật.

Phong cách Thiền tông thường phá chấp giúp đệ tử khỏi vướng vào sự tướng cũng như lý giải. Đệ tử chấp vào điểm A thì thầy lấy điểm B để đối trị, ngược lại vướng vào B thì lấy A đối trị. Trình độ đệ tử cao hơn, không vướng A cũng chẳng vướng B, lại vướng vào chẳng phải cái nầy cũng chẳng phải cái kia, vướng vào phi hữu phi vô thì thầy lại dùng “phi phi” để vượt thoát mọi kiến chấp, còn thấp còn cao đều là vướng chấp, phủ nhận luôn cả việc phủ nhận để đầu óc không còn đất bám mọc rễ đâm chồi.Nghệ thuật “tống khứ” nầy không áp dụng cho đại chúng mà chỉ áp dụng cho đương cơ đối pháp. Thậm chí có vị không dùng ngôn ngữ để triệt phá đối cơ mà dùng hành động hoặc la hét, hoặc đối đáp những câu không ăn nhập gì đến vấn nạn. Tóm lại, Thiền sư có những diệu dụng linh hoạt ứng xử cho tương thích trình độ căn cơ của một hành giả giúp hành giả vượt thoát bờ tử sanh của ngôn ngữtri kiến. Thái độ và hành động nhất thời đó không phải là một tiêu chuẩn nhất định, không là chân lý tuyệt đối để áp dụng cho mọi lúc mọi nơi mọi đối tượng mọi hoàn cảnh.

Việc đốt tượng Phật của nhà sư được đưa lên facebook không thể xem là phong thái phá chấp của một bậc đã chứng ngộ trước số đông quần chúng ngở ngàng như thế.

Loại đốt vàng mã, Phật mã được xem là loại hinh kinh doanh xen lẫn mê tín đập phá tín ngưỡng của quần chúng.Trước kia đốt giấy tiền, xe hơi nhà lầu, hình nhân, bây giờ tiến đến cả Phật cũng được tượng hình để mua bán, đốt chung với vàng mã; nhà nước bài trừ mê tín vàng mã chưa dứt điểm thì lại nảy sinh Phật mã, có thêm một nguồn kinh doanh mới, chắc chắn lợi dưỡng không nhỏ cho các sư ứng phú nặng về lợi dưỡng hơn là đức tin. Đối với các vị như thế đức tin cũng là loại kinh doanh không cần tính toán so đo nặng chất xám như các nhà doanh nghiệp. Phật pháp biến thành thế gian pháp từ trong tâm của một số vị đầu tròn áo vuông còn nặng về tiền bạc, vật dục.

Như vậy, với Phật pháp chân nguyên, hình tướng không cần thiết đối với một hành giả đang tiến về giải thoát, nhưng cũng không có thái độ bất kính đối với hình tượng chư Phật.

Xét trên quan điểm thế gian pháp, tuy Phật phápcon đường tiến đến giải thoát, nhưng không vì thế mà phủ nhận toàn triệt mọi pháp thế gian. “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ Đề, cáp như cầu thố giác” như vậy đã đủ xác định “thế gian pháp tức Phật pháp”. Sen không phải là bùn mà lìa bùn thì không thể mọc sen. Tuy thế gian pháp còn nhiều ô trược, chư Phật chư tổ cũng từ ô trượcgiải thoát; vì ô trược mới có con đường giải thoát, không ô trược thì giải thoát cái gì? Thế thì nhờ hình tượng chư Phật mà quần chúng nương theo đó để chỉnh sửa thân tâm chứ không phải van xin khẩn cầu một cục đất, cục đà, cement..hay dùng hình tượng để kinh doanh một cách bất kính. Một miếng vải chỉ là miếng vải, khi hình thành lá cờ thì không ai dám sử dụng lá cờ vào việc bất kính ( ngoại trừ không phải lá cờ mình đang tôn trọng). Cái gì đưa lên hàng tôn kính cho dù tôn kính theo trật tự thế gian hay tín ngưỡng tâm linh đều có sự cộng hưởng niềm tin. Gốc đa, ông Táo khi được nhân gian đặt niềm tin vào đó thì tự nó trở thành linh thiêng, linh bất linh tại ngã; thế thì một tôn tượng biểu thị cho một đấng giác ngộ, được đầu tư niềm tin từ nhiều thế hệ, không thể xem đó là vật tầm thường, vật vô tri vô giá trị về tâm linh nếu đương sự đang nằm trong cùng một tín ngưỡng.

Truyện tích vào cuối thế kỷ XX, miền Tây Nam bộ VN có một Thánh nhân ẩn xác phàm, được quần chúng tôn kính như Phật sống, chính quyền bảo hộ Pháp lúc bấy giờ thử dấu một tranh Phật dưới chiếu để mời Ngài ngồi lên, Ngài từ chối, vì không dám xúc phạm dù là tranh vẽ. Các tín đồ Kito giáo thà chịu chết chứ không bước qua Thập tự giá để được sống. Và biết bao chư Tăng, cư sĩ vị pháp thiêu thân để bảo tồn tín ngưỡng vào thập niên 60 của thế kỷ XX tại miền Nam Việt Nam; thế thì những cái họ bảo vệ dù phải chịu hy sinh là gì, phải chăng chỉ là vật chất vô nghĩa, hay từ vật chất vô nghĩa đã có một ý nghĩa vô giá của niềm tin???

Cuộc sống ngày nay, xã hội đảo lộn mọi trật tự, ngay cả tôn giáo như Đạo Phật, bị ảnh hưởng văn hóa Tàu pha trộn tạp tín, nặng về sắc tướng âm thanh, cúng sao giải hạn, đốt vàng mã hình nhân, mỗi ngày biến tấu thêm một chiêu trò mới lạ để lừa gạt một số mê muội cầu lợi, mua Thần bán Thánh,bất kể tội lỗi, bôi đen giáo lý giải thoát của Đức Phật. Những chiêu trò cũ nhàm chán , nay bày đốt cả Phật tượng để kích thích tính hiếu kỳ cuồng tín của người dân chưa hiểu đạo.Không thể biện minh lấy đó làm phương tiện để độ người mà ngược lại càng làm mê hoặc lòng người, xa rời Phật pháp.

Hành giả Thiền tông tuy không chú trọng về pháp tướng âm thanh, nhưng cũng không dám xúc phạm đến tôn tượng, thì ngược lại, sư ứng phú đạo tràng lại dùng hình tượng để mưu lợi cầu danh. Bảo rằng Phật tượng là giả thì tấm y ca sa màu mè sao lại cần dùng nó để che phủ tấm thân ô trược kia? Phải chăng mượn sắc tướng nhà Phật để hủy báng Phật pháp là mưu ma chước quỷ của thời pháp nhược ma cường??? Thiền sư phá tướng để giác ngộ đệ tử, tà sư phá tướng để mưu lợi cầu vinh; không còn là phương tiện để đưa đến cứu cánhbước đầu hành động được xem là cứu cánh để đi đến cầu lợi.

Đây là vấn đề khá phước tạp không thể biện minh dưới bất cứ lý lẽ nào, hy vọng giáo hội quan tâm xử lý vấn đề để khôi phục niềm tin chính đáng cho quần chúng để Phật pháp không sa vào hành động tăm tối tà mị bởi các tà sư. Trách nhiệm nầy không chỉ riêng của một ban ngành nào trong Phật giáo mà là trách nhiệm chung của Hoằng Pháp, Nghi Lễ, Tăng sự, Pháp chế; không riêng sự quan tâm của chư Tăng mà ngay cà tín đồ cứ sĩ cần phải bảo vệ cho Phật pháp, tẩy chay các việc làm có hại uy tín, thanh danh, xúc phạm đến niềm tin của Phật giáo hiện nay.

MINH MẪN 27/8/2014


Ảnh: Chùa Viên Giác

chua vien giac 1chua vien giac 2chua vien giac 3chua vien giac 4







chua vien giac 5

chua vien giac 7chua vien giac 6chua vien giac 7chua vien giac 8



Nhiều ý kiến về việc “phần hóa” - đốt thánh tượng

tại chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh)

Ngay sau khi những hình ảnh lễ “Chúc thực tống thánh và hóa sớ phụng tống chư Phật, Bồ-tát, Thánh hiền hồi quy Cực lạc” tại chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) được đăng tải trên các trang điện tử, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gởi về, cùng với đường dẫn thông tin và hình ảnh đầy đủ trên trang nhà viengiac.vn.

Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc, cho đó là việc làm “khó hiểu”, “khó chấp nhận”, “xúc phạm đến niềm tin” của người Phật tử trong tinh thần chánh tín Tam bảo, nhất là ở trong xã hội hiện đại, khi mà người Phật tử được khuyến tấn rời xa các hủ tục mê tín, những việc làm không phù hợp với tinh thần trí tuệ của đạo Phật.

Một số trang mạng điện tử trong nước và hải ngoại cũng đã đăng tải ý kiến về sự việc đó, dĩ nhiên với thái độ chỉ trích nặng nề. Chính HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN cũng đã điện thoại phản ánh sự quan tâm của một số vị giáo phẩm, Phật tửHòa thượng đã tiếp nhận.


Được sự chỉ đạo trực tiếp của chư Hòa thượng lãnh đạo Báo Giác Ngộ, nhóm phóng viên đã gặp gỡ và ghi nhận ý kiến của một số vị giáo phẩm trong Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư và Ban Nghi lễ GHPGVN TP, nhưng đều nhận được sự thoái thác trả lời phỏng vấn chính thức.

Ý kiến của người trong cuộc

Nói về chủ trương và quan điểm của mình, TT.Thích Đồng Văn, trụ trì chùa Viên Giác, cho biết: “Những hình tượng được đốt đi trong lễ Chúc thực do chùa tự làm bằng tre và bồi giấy. Theo truyền lệ từ ngàn xưa tới giờ, ở trong miền Nam cũng như miền Bắc, vào tháng cô hồn, người ta thường tạo các hình tượng Đức Tiêu Diện, Đức Địa Tạng, các hình chư Phật, chư Thiên để làm trai đàn. Kết thúc trai đàn, người ta phần hóa tức Tống thánh, phụng tống Phật thánh hồi quy Cực lạc.

Những hình tượng này làm ra để cúng, cúng xong thì phải phần hóa chứ không cất, bởi cất đi thì tượng không có hồn; khi làm lễ mình mới triệu thỉnh các ngài về, pháp sự viên mãn thì thỉnh các ngài đi; để tượng không như vậy thì ma quỷ sẽ lợi dụng.

Tượng làm chỉ thờ trong một tháng là hư, mà hư, nếu không phần hóa thì làm gì? Thành ra, từ thời xưa đến bây giờ, điều này vẫn thường được thực hiện như vậy - khi làm trai đàn nào xong, người ta đều phần hóa hết”.

Thượng tọa giải thích thêm: “Thời xưa, ở miền Tây Nam Bộ và miền Bắc cũng có, vào tháng Bảy người ta làm trai đàn, làm nguyên một cái nhà bằng tre, bằng lá, tượng Phật bàn ghế… tất cả đều làm bằng giấy. Làm xong người ta cúng 7 ngày, hoặc 14 ngày, có khi một tháng, hoặc 49 ngày xong thì tất cả đều đốt hết, để phần hóa hết, tức từ không trở về không.

Trên các mạng xã hội, có một số hình ảnh của buổi lễ được đưa lên, có người dùng từ “Phật mã” là sai. Ở đây gọi là nghi Tống thánh, không phải đốt hàng mã. Việc đó tôi y theo tục lệ cổ xưa trong Thủy lục (Thủy lục chư khoa - PV) của người Việt Nam để thực hiện. Nhiều người không nghiên cứu nên không hiểu”.

Thượng tọa nói: “Khi thỉnh Phật để phần hóa thì y áo trang nghiêm, đảnh lễ để xin phép phần hóa những tượng không còn sử dụng để không trả về không lại. Trong các trai đàn, người ta tạo hết tất cả các tượng pháp, để làm lễ trai đàn, khi xong thì phần hóa”.

“Trong các nghi lễ đàn ở miền Nam đều có những nghi thức bày biện và lễ bái như vậy hết chứ không phải của Tàu. Bây giờ đụng cái gì cũng gán cái “mác” Tàu vô hết mà không biết nó ở nằm ở đâu. Đây là trở về lệ xưa”, TT.Thích Đồng Văn quả quyết.

Tìm lại gốc tích của “lệ xưa”

Theo lời TT.Thích Đồng Văn, chúng tôi đã tìm lại sách Thủy lục chư khoa, bộ sách mà theo đánh giá của học giả Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, là “kết tinh của quá trình tiếp biến văn hóa Trung Quốc để phục vụ cho yêu cầu tín ngưỡng của đất nước ta thời bấy giờ” (thế kỷ XVII- XVIII). Sách hiện đã có bản dịch và chú thích khá hoàn chỉnh của dịch giả Quảng Minh, Nhà xuất bản Hồng Đức, phát hành năm 2013.

Đối với hầu hết người Phật tử bình thường, hình tượng Đức Phật, chư vị Bồ-tát, Thánh Tăng… là đối tượng của tín ngưỡng, lễ lạy, cầu nguyện. Đó là những hình tượng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nên khi thấy hình ảnh một vị Tăng châm lửa đốt tượng, hầu hết đều tỏ ra bức xúc, cho đó là “phản cảm”, “không thể chấp nhận được”, nhất là nó được diễn ra trong một ngôi chùa thuộc GHPGVN.

Trong sách Thủy lục chư khoa, chúng tôi không tìm thấy nghi Tống thánh. Nghi thức cuối cùng được đề cập là Mãn tán tạ quá nghi, được dịch giả Quảng Minh tóm tắt là “nghi thức sám hối những lỗi lầm của sáu căn trong lúc thực hành đàn tràng Thủy lục, đồng thời tán dương pháp hội hoàn mãn”. Lời cẩn bạch của chủ sự có nói đến “dụng bằng hỏa hóa”. Thông thường, đó là đốt (phần hóa) các sớ chương, không thấy đề cập đến đốt các thánh tượng. Tuy nhiên, TT.Đồng Văn cho đó chính là nghi thức Tống thánhthực hiện theo như cách thức đã nói ở trên.

“Tất cả những việc tôi làm, cả về quy cách tạo tượng, nghi thức phụng tống Phật thánh… không phải tự tôi bày ra mà đều có căn cứ theo các sách xưa như Thích Ca hành táng, Bảo đảnh hành trì… Điều khác là về thời gian cử hành và có sự tham dự của Phật tử”, TT.Thích Đồng Văn xác quyết.

Những cuốn sách này được Thượng tọa cho là “bí truyền”, nhưng thực tế, chúng ta không quá khó để tìm. Bảo đảnh hành trì tương truyền do Thiền sư Huyền Quang, đệ Tam tổ thiền phái Trúc Lâm biên soạn, hiện được lưu trữ tại Thư viện Viện Hán - Nôm với ký hiệu A.2760. Sách Thích Ca hành táng (Thích Ca chính độ thực lục), không rõ người biên soạn, hiện được lưu trữ lại Thư viện Quốc gia Việt Nam, số hiệu R.161 NLVNPF-1236, chúng ta cũng dễ dàng tìm đọc nội dung được số hóa tại địa chỉ http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1219/. Những bộ sách này được được xếp vào loại “huyền thuật”.

Cũng lưu ý rằng, những cuốn sách này không phải là kinh điển, mà tương truyền là do chư tổ, hoặc tiền nhân (không lưu danh tánh) biên soạn để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thời bấy giờ, có sự tiếp biến tín ngưỡng Trung Quốc, ảnh hưởng Tam giáo cùng với sự tiếp thu tín ngưỡng bản địa. Do đó, ở bài viết này chúng tôi không đi sâu vào nội dung của chúng, mà chỉ xin nêu như vậy để những ai quan tâm tiện nghiên cứu nhằm đưa ra những nhận định xác đáng.

Trong một bài viết “Từ Thí Vô giá hội đến Thủy lục pháp hội khởi nguyên của nghi lễ đàn tràng Phật giáo Bắc truyền” đăng trên trang nhà chuaminhthanh.com, tác giả Thích Tâm Mãn có nhắc đến nghi Tống thánh khi liệt kê các khoa nghi trong nội đàn Thủy lục pháp hội.

Trong phần kết luận, thầy Thích Tâm Mãn nhấn mạnh, tất cả khoa nghi thuộc loại hình tín ngưỡng Phật giáo Bắc truyền đều chỉ là “phương tiện hoằng hóa”. Phương tiện nếu phù hợp với tâm tư nguyện vọng của số đông, phù hợp với văn hóa hiện tại mới phát huy diệu dụng của “phương tiện”; còn bị số đông phản ứng hoặc không còn phù hợp thì nó cũng cần có sự điều chỉnh. Như vậy mới đúng với ý nghĩa là “phương tiện hoằng hóa” của Phật giáo.

“Lệ xưa” và vấn đề bảo lưu văn hóa

Cùng với sự phát triển của Phật giáo, đặc biệt là sau khi từ Ấn Độ du nhập vào các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, Phật giáo luôn được đánh giá là khiêm tốn, khép mình đi vào các nền văn hóa bản địa, Phật hóa và làm phong phú thêm cho các nền văn hóa nơi mình đến. Điển hình cho đặc tính này là sự ra đời của tín ngưỡng Tứ pháp ở nước ta. Từ bốn vị thần có ảnh hưởng trong nền văn minh nông nghiệp là thần Mây, Mưa, Sấm, Sét đã trở thành Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp LôiPháp Điện, một tín ngưỡng phổ biến ở miền Bắc. Ở miền Nam cũng vậy. Chúng ta có thể thấy nhiều loại hình, hệ phái Phật giáo ra đời và cùng phát triển cho đến ngày nay, vẫn duy trì những biệt truyền trong sự tôn trọng lẫn nhau. Song song đó, các loại hình tín ngưỡng cũng được hình thành và lưu truyền.

Đọc kỹ nội dung của các khoa nghi trong Thủy lục chư khoa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng không chỉ Phật giáo mà còn có sự bàng bạc của tư tưởng Nho và Lão giáo. Các nội dung đó cũng chuyển tải đặc điểm văn hóa - lịch sử của bối cảnh xã hội phong kiến lúc nó được biên soạn.


blankSách Thủy lục chư khoa, bản chữ Hán

Thủy lục chư khoa cùng với các văn bản về nghi lễ Phật giáo khác là những tư liệu vô cùng quý báu để chúng ta tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, với khả tính độc lập và dung hóa, đặc biệt là qua những loại hình tín ngưỡng, nghi lễ Phật giáo. Việc nghiên cứu và bảo lưu văn hóa là điều quan trọng, cần làm; nhưng khi thừa kế và vận dụng, chúng ta cần tỉnh giác trước những “lệ xưa”, những “bày vẽ” xa rời tư tưởng căn bản của đạo Phật.

Có thể nói rằng, hiện tượng “đứt gãy” văn hóa đang là vấn đề của chúng ta hiện nay. Các khoa nghi cũng như các quy cách của tiền nhân (như các sách trên) được viết bằng chữ Hán mà không phải người thực hành nghi lễ nào cũng có thể biết và đọc hiểu được. Đó là chưa nói đến việc đánh giá và vận dụng chúng vào đời sống sao cho phù hợp với tinh thần đạo Phật trong xã hội hiện đại.

Cụ thể như trong nghi lễ Phật giáo, thường thì người trước bày cho người sau qua các phương thức truyền miệng là chính. Trong lúc đó, nhu cầu về tín ngưỡng của quần chúng thì nhiều. Nên có nhiều thứ diễn ra một cách tự phát và tùy tiện. Trong một bài viết về nghi lễ Phật giáo nhiều năm trước, TT.Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM, cũng đã nhận định: “Về bộ môn này thì từ xưa tới nay sự giáo dục chưa được thống nhất, những giọng điệu tùy theo sở kiến, thầy tự chỉ vẽ cho đệ tử mình; rồi tùy theo địa phương, tùy theo ngôn ngữ, tùy theo tình huống mà giọng điệu được chuyển biến đa dạng”. Đó cũng chính là nguyên nhân của các biến tướng về thực hành nghi lễ Phật giáothỉnh thoảng chúng ta thấy diễn ra đó đây.

Dư luận về sự việc phần hóa - đốt thánh tượng làm bằng tre và bồi giấy rất công phu ở chùa Viên Giác như đã nêu, không còn là “việc riêng” của chùa Viên Giác. Một số vị giáo phẩm cao niên cho biết rằng việc đốt thánh tượng khi đàn tràng hoàn mãn đã từng có trước đây, và “lệ xưa” này không được hướng dẫn trong các khoa nghi chính thức, mà chỉ được bày vẽ trong dân gian, chịu ảnh hưởng bởi tục đốt vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc. Nó không thuộc về văn hóa dân tộc thuần túy, và càng không phù hợp với tinh thần Phật giáo.

Đối với hầu hết người Phật tử bình thường, hình tượng Đức Phật, chư vị Bồ-tát, Thánh Tăng… là đối tượng của tín ngưỡng, lễ lạy, cầu nguyện. Đó là những hình tượng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nên khi thấy hình ảnh một vị Tăng châm lửa đốt tượng, hầu hết đều tỏ ra bức xúc, cho đó là “phản cảm”, “không thể chấp nhận được”, nhất là nó được diễn ra trong một ngôi chùa thuộc GHPGVN.

Nhân sự việc “phần hóa thánh tượng” ở chùa Viên Giác làm dậy sóng dư luận, HT.Thích Trung Hậu, với vai trò là Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN đã bày tỏ ý kiến: “Chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa việc nghiên cứu, công tác phục dựng và bảo lưu các loại hình văn hóa, tín ngưỡng cổ xưa với sự ứng dụng rộng rãi vào đời sống tín ngưỡng hiện tại. Có rất nhiều nội dung cổ xưa, được tiền nhân biên soạnquy định chỉ phù hợp cho một số loại hình lễ nghi nhất định, cho một số hoàn cảnh nhất định, hoặc chịu sự chi phối của Nhà nước dưới thời phong kiến, đặc biệt là trong những ứng xử đối với vua - bậc được xem như thánh, là thiên tử… phải lễ lạy. Đó là chưa nói đến những pha tạp, ảnh hưởng bởi lễ nghi của Nho, Đạo giáotín ngưỡng dân gian khác. Khi nghiên cứu, những thông tin đó là quan trọng, giúp chúng ta đánh giá mối tương quan giữa Phật giáo với các hình thái xã hội thời bấy giờ. Nhưng phục dựng chúng với tiêu chí giữ nguyên xi cái “lệ xưa” để ứng dụng vào đời sống xã hội hiện nay thì không nên. Tôi nghĩ trường hợp việc phần hóa diễn ra ở chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.HCM) bị dư luận phản ứng đã chứng tỏ điều đó”.

Hòa thượng nói thêm: “Thời xưa, do đặc điểm xã hội, nhiều loại hình tín ngưỡng đạo Phật đã được sân khấu hóa. Như chúng ta đã biết, điều căn cốt của các pháp hội chính là ở đạo lực của những hành giả hành trì. Đó cũng chính là nội dung của các pháp hội. Còn hình thức chỉ là phương tiện, có thể linh hoạt vận dụng, không nên quá cứng nhắc và rập khuôn. Có những hình thức xưa phù hợp nhưng nay lại phản cảm. Điều đó cũng dễ hiểu. Quan niệm về đạo Phật, nhận thức về giáo lý của quần chúng mỗi thời đại có những điểm khác, chúng ta cũng theo đó để có những điều chỉnh phù hợp. Bởi vậy, đạo Phật luôn nhấn mạnh đặc điểm khế cơ, khế lý. Trong thời gian tới, Ban Văn hóa chúng tôi sẽ đề nghị với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN để có chương trình phối hợp hoạt động với Ban Nghi lễ T.Ư, trong đó có nội dung nghiên cứu và hướng dẫn các hình thái tín ngưỡng truyền thống, các quy định về khoa nghi phù hợp với bối cảnh văn hóa hiện tại của đất nước”.

Diệu Nghiêm - Quảng Hậu - Như Danh
(Giác Ngộ)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/12/2023(Xem: 3984)
13/04/2019(Xem: 7993)
16/03/2022(Xem: 3730)
30/09/2019(Xem: 5538)
06/07/2021(Xem: 3536)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.