Nam Cư Sĩ Phật Tử Đối Với Đạo Pháp Trong Thời Đức Phật

18/03/20198:00 CH(Xem: 6856)
Nam Cư Sĩ Phật Tử Đối Với Đạo Pháp Trong Thời Đức Phật

NAM CƯ SĨ PHẬT TỬ ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP
TRONG THỜI ĐỨC PHẬT

Thích Trung Định

 

binh-dang-gioi
Ảnh minh họa

Hàng Nam cư sĩ Phật tử là một trong Tứ chúng đệ tử Phật được hình thành trong những ngày đầu tiên khi đức Phật truyền bá chánh pháp. Trưởng giả Câu-lê-da bố của Yaxa là vị Nam cư sĩ Phật tử đầu tiên và ông Thuần đà (Cunda) người dâng bát cháo nấm trong bửa ăn cuối cùng cho đức PhậtNam cư sĩ cuối cùng. Là một bộ phận của chúng Phật tử tại gia, hàng Nam cư sĩ Phật tử đã thể hiện đúng vai trò, trọng trách của mình trong việc hộ trì Tam bảo. Ngay từ những ngày đầu, khi đức Phật thiết lập Tăng đoàndần dần về sau khi Tăng đoàn trở nên đông đảo thì nhu cầu ngoại hộ của hàng cư sĩ Phật tử trở nên vô cùng cần thiết. Sự có mặt đúng lúc, kịp thời của chúng Nam cứ sĩ góp phần rất lớn trong sứ mạng hoằng pháp độ sanh của đức PhậtTăng đoàn. Phật sự này đã trở thành một nép đẹp truyền thống, và nép đẹp truyền thống này vẫn được tiếp tục phát triển song hành cùng lịch sử truyền bá Phật giáo qua các thời kỳ.

Với chủ trương tuỳ cơ thuyết pháp, tuỳ duyên hoá độ cho nên đức Thế Tôn tuỳ theo từng đối tượng mà Ngài có những phương pháp hướng dẫn khác nhau. Đối với hàng vua chúa, Ngài dạy cách trị quốc an dân, hộ trì chánh pháp; đối với dân chúng Ngài dạy pháp bố thí, tu phúc, cách ứng xử trong gia đình ngoài xã hội; còn đối với hàng Phật tử tại gia thuần thành, Ngài chú trọng đến pháp Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện để thiếp lập đời sống đạo đức, hiền thiện. Nói chung, đức Thế Tôn đã vận dụng đủ mọi phương tiện thiện xảo để thuyết pháp, dẫn dụ từ cạn tới sâu, từ thấp tới cao, từ phàm đến Thánh. Vì thế hàng cư sĩ tại gia nói chung và chúng Nam Cư sĩ nói riêng, vâng lời Ngài dạy tham gia hoạt động trên khắp các lĩnh vực, trong đạo cũng như ngoài đời để đem lại lợi ích chung cùng. Trong nhiều vai trò quan trọng của hàng Nam cư sĩ Phật tử, nổi bật nhất đó là: xây dựng Tịnh xá, hộ trì Tam bảotruyền bá Chánh pháp.

  1. 1.     Xây Dựng Tinh Xá

Ngay từ những ngày đầu, đức Phật cùng Tăng đoàn sống tại dưới rừng cây, không có trú xứ tịnh xá. Thậm chí dưới một gốc cây đức Phật cũng không cho chư vị Tỷ kheo ngũ quá ba đêm, nhằm tránh sự luyến ái phát sinh, gây chướng ngại cho sự tu tập. Dần dần theo thời gian, khi Tăng đoàn ngày một đông, việc ăn ở sinh hoạt như những ngày đầu có phần bất tiện. Việc đi lại khất thực vào mùa mưa ở Ấn Độ là một trở ngại rất lớn đối với Tỳ - kheo và cũng gây dư luận trong dân chúng; lại do quá đông người nên việc tụ họp quanh đức Phật để nghe pháp đã trở thành bất tiện. Hơn nữa, Thế Tôn nhận thấy vấn đề An cư bắt buộc vào mùa mưa là cơ hội tốt để các Tỳ - kheo càng tinh tấn tu hành, thúc liễm thân tâm nhằm thể hiện ý thức sống chung (lục hoà) để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tu tập lẫn nhau. Vì thế, các trụ xứ được hình thành. Lúc đầu là các Āvasa (trú xứ ở nông thôn) và các Arama (trú xứ ở thành thị), chúng chỉ có tính cách tạm thời trong mùa mưa mà thôi. Nhưng càng về sau, nhu cầu sinh hoạt ngày càng cao, nên đòi hỏi phải có nơi chốn cố định, tiện nghi vừa đủ. Vì thế, các Tinh xá dần dần xuất hiện, thay thế cho các trú xứ tạm thời.

Do việc xây cất Tinh Xá vô cùng tốn kém nên phần lớn các vị dâng cúng đều là những Cư sĩ tín tâm trong hàng vua chúa hộ trì Phật pháp hay các Trưởng giả giàu có mới có đủ khả năng tài chính tương xứng với các công trình to lớn như vậy. Các vị thí chủ này đã xây dựng, ủng hộ và giúp đỡ về mọi mặt cho nên các Tinh xá ngày càng quy mô và khang trang hơn. Đó là cách ủng hộ chư Tăng, đồng thời theo luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặt được quả đó, dâng cúng Tinh xá cho chư Tăng thì được tòa nhà đẹp trên cảnh trời.[1] Theo các sử gia ghi nhận, lúc bấy giờ có hàng chục Tinh xá tổ chức theo quy mô lớn, nhưng ở đây chúng tôi chỉ đơn cử ba Tinh xá tiêu biểu. Đó là Kỳ- bạt Tinh xá (Jivakarama), Kỳ - hoàn Tinh xá (Jetanarama) và Cù-sư-la Tinh xá (Ghositarama) do các Nam cư sĩ cúng dường.

Kỳ-bạt Tinh xá (Jivakarama): Tinh xá này do Jivaka dâng cúng, được xây cất trong một vườn xoài rộng lớn ở ngoại ô thành Rajagaha (Vương Xá). Vốn là con nuôi của hoàng tử Abhaya, Jivaka được gởi đi học ngành y tại Takkasila, trung tâm của học thuật đương thời. Học thành tài, Jivaka trở thành một nhà y học rất lừng danh, rất giàu có. Jivaka rất kính mộ đức Phật và từng đến chăm sóc sức khỏe cho Ngài và cũng dạy y thuật cho một số đệ tử của Phật. Đức PhậtTăng đoàn thường xuyên trú ngụ tại Tịnh xá này. Ngày nay các nhà khảo cổ đã tìm thấy khu nền đất của Tinh xá này, như đoạn văn sau mô tả:

 “Đấy là một khu vực rộng, trong đó có hai dãy nhà lớn hình bầu dục cách nhau bằng một cái sân rộng. Phía trước lại còn một dãy nhà hình bầu dục lớn nữa. Ngoài ra, còn có những dãy phòng lớn nhỏ ở phía trước và hai bên, xếp theo chiều dọc và chiều ngang. Trước và sau đều có sân rộng. Chung quanh có tường vây bọc. Bên ngoài, ở gần tường, mé trái có hầm chứa đồ gốm. Người ta còn tìm thấy ở đây một số đinh sắt, gạch nung, tượng hình thú vật, đồ hốm bằng đất thô. Các bức tường có lẽ được xây bằng gạch đá trộn với bùn, và mái có lẽ được  lợp bằng tranh”.[2]

 Kỳ - hoàn Tinh xá (Jetavanarama):

Tinh xá này gọi đủ tên là Kỳ - thọ Cấp - cô - độc Viên, là Tinh xá lớn nhất, nổi danh nhất đương thời. Chính nơi này đức Thế Tôn đã trải qua hai mươi mốt mùa An cư và những bài Pháp quan trọng cũng đã được thuyết tại đây.

Người cúng Tinh xá là một Trưởng giả tài chủ (Setthī) ở thành Xá Vệ (Sāvatthi), tên là Cấp - cô - độc (Anathapindika). Sau khi yết kiến Phật, nghe pháp và cung thỉnh đức Phật cùng chư Tăng về nhập hạ tại Sāvatthi, Như Lai chấp nhận lời thỉnh cầu.

Luật Tạng (Tiểu Phẩm IV. 4) kể rằng: Trưởng giả Cấp-cô-độc về đến Sāvatthi, tại đây, nhận thấy chỉ có khu vườn của thái tử Kỳ - đà là lý tưởng nhất, ông liền hỏi mua. Chủ nhân ra điều kiện, giá tiền bán khu vườn bằng số vàng lót mặt đất, ông đồng ý ngay. Và chỉ chỗ có cây là không lót vàng được nên ông hỏi ý kiến chủ nhân, cảm phục trước tấm lòng thành của Trưởng giả, thái tử cũng xin hiến cúng luôn cây cối (từ đó trong kinh thường nhắc đến Kỳ - thọ Cấp - cô - độc Viên, tức cây của thái tử Kỳ-đà và vườn của trưởng giả Cấp - cô -độc).

Tại đây, Trưởng giả cho xây cất một Tinh xá đồ sộ, đầy đủ tiện nghi, đủ các loại phòng ốc, các giảng đường để cúng dường đức Phật và đoàn Tỳ kheo cư trú. Tại đây, đức Phật đã trú ngụ rất nhiều trong các mùa an cư. Nhiều bài kinh quan trọng được đức Phật tuyên thuyết nơi Tịnh xá này. Vào những ngày cuối cùng, trưởng giả Cấp – cô - độc lâm trọng bệnh nằm liệt giường, đức Thế Tôn đã quán xét thấy rõ căn tánh của ông, liền dạy Tôn giả Xá - lợi - phất và A - nan đến thăm bịnh. Ngài Xá - lợi - phất thay mặt và chuyển lời vấn an của đức Thế Tôn cho ông. Sau đó thuyết pháp khiến thân ông tuy bệnh nhưng tâm xa lìa trần cấu, chứng được Thánh quả trước khi xả báo thân.

Cù-sư-la Tinh xá (Ghositarama):

Tinh xá này ở tại Kiều - thướng - di (Kosambi), do trưởng giả Ghosita cúng dường. Đây có lẽ là Tinh xá được xây cất lớn nhất, kiên cố nhất. Chính nơi đây, đức Phật đã thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng và nơi cư trú liên tục trên 1000 năm của chư Tỳ - kheo, cho đến khi quân Hung nô xâm chiếm Kosambi thì Tinh xá này mới bị phá hủy.

Cũng cần nói thêm là trưởng giả Ghosita cùng hai người bạn là Kukkuta và Pavārīya đều rất ngưỡng mộ Tăng già. Vì thế, một hôm khi  nghe Giáo đoàn của đức Phật đến Lāvatthi. Cả ba không ngại đường sá xa xôi cách trở, vội đến Sāvatthi (thuộc Kosala), vào yết kiến đức Phậtnghe pháp. Họ phát khởi tín tâm, quy y Tam bảo. Quay về trú xứ, mỗi người xây một Tinh xá lớn để cúng dường Giáo đoàn Phật giáo, đồng thời cũng thường xuyên thỉnh Phật và chư Tỳ - kheo đến Kosambi để giáo hóa.

Điểm qua một vài Tinh Xá tiêu biểu, chắc chúng ta cũng thấy được sự thâm tín của các vị Nam cư sĩ đối với đức Phật và chư Tỳ -  kheo đương thời như thế nào. Ngày nay, sự thành tín ấy vẫn được truyền thừa, bất luận nơi đâu đạo Phật hiện hữu thì nơi đó chùa tháp được mọc lên rất nhiều. Chính những nơi này, các vị xuất gia tu tập Phật pháp sau đó đem pháp vị giải thoát hướng dẫn cho hàng cư sĩ tại gia tu học. Ngược lại các vị Cưtại gia cũng làm tròn phận sự ngoại hộ của mình.

  1. 2.     Hộ Trì Tăng Chúng

Sự tương quan giữa Cư sĩTăng già thông qua hình thức trao nhận, tức là hình thức bố thí và thọ nhận. Chư Tỳ-kheo bố thí pháp và nhận phẩm vật cúng dường từ các Cư sĩ. Ngược lại, các Cư sĩ thọ nhận pháp và cúng dường phẩm vật cho chư Tăng.

Điều này, đức Phật cũng đã nhắc nhở ông Cấp – cô - độc: “Này gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì các Tỳ - kheo bằng cách cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và dược phẩm”.[3] Và ông cũng được đức Phật khen là “người tối thắng” về hạnh bố thí. Ngoài việc xây cất Tinh xá để cúng dường cho đức Phậtchư Tăng, ông còn  là vị thí chủ lớn nhất, tín tâm nhất trong hàng ngũ Cư sĩ đương thời. Hằng ngày, ông cung cấp vật dụngthực phẩm cho năm trăm Tỳ - kheo, ngoài ra còn cứu giúp cho không biết bao nhiêu những người nghèo khổ, bệnh tật. Hạnh bố thí của ông lớn đến nổi cả gia sản đồ sộ của ông gần như cạn kiệt nhưng thể hiện từ tâm không hề ngưng. Thật là tấm gương bố thí xưa nay hiếm có vậy.

Trong kinh Tương Ưng IV có kể về Cư sĩ Citta: thời Phật, Citta là một Phật tử rất mực thuần thành, ông thường cung thỉnh chư Tăng về nhà để thọ trai, nhân đó, ông cũng thưa hỏi, trao đổi về các vấn đềliên quan đến giáo pháp. Được chư Tăng giải đáp thoả đáng, thông suốt, ông rất hoan hỷ, phát tâm cúng dường “Tứ sự” cho chư Tăng với lời tác bạch như  sau: “Bạch Thượng  toạ…Con sẽ hết sức cố gắng để cúng dường Tôn đức Isidattā với các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng toạ, dược phẩm trị bệnh”. [4]

Trong hàng vua chúa có rất nhiều vị rất thành tín Tam bảo: vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) là một cư sĩ thuần thành của đức Phật, đắc quả Dự lưu, hết lòng hộ trì Tăng già, giúp mọi phương tiện để Chánh pháp được mở rộng: vua A Xà Thế (Ajatasatta), sau khi bị Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) xúi giục giết cha và hại Phật, vua tỏ vẻ hối hận ăn năn nên được Phật chấp nhận, giảng pháp cho nghe. Sau khi nghe pháp, vua đã xin quy y Phậttrở thành người Cư sĩ hộ pháp đắc lực cho Tăng già: danh y Jivaka (Kỳ-bà), con nuôi của hoàng tử Abhaya. Ông là người rất mộ đạo, ngoài tặng phẩm dâng cúng cho Tăng đoànTinh xá Jivaka ở Ambavana, ông còn là người thầy thuốc thường đến Tinh xá chữa bệnh cho Phật và chúng Tăng, đồng thời còn chữa giúp cho những người nghèo khổ từ các nơi khác đến. Đó là những hành vi lợi tha đồng thời cũng là pháp tu thiện nghiệp để tạo phúc điền thế gian.

Kinh Tăng Chi II kể về Nam cư sĩ Ugga: sau khi nghe pháp, ông ghi nhớ và thực hành theo lời Thế Tôn dạy: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý”. Cho nên ông dâng cúng Thế Tôn với các món ăn thượng vị, các loại vải thượng hạng, các loại ghế, nệm, tấm thảm sang trọng, đắc tiền. Một lần ông dâng cúng Thế Tôn một tấm phản được làm bằng gỗ quý, và thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn! Dẫu rằng chúng con được biết: “Những vật ấy không phù hợp với Thế Tôn, nhưng bạch Thế Tôn, tấm Phản nằm bằng gỗ chiên đàn này đáng giá hơn một trăm ngàn, mong Thế Tôn hãy nhận lấy vì lòng từ ái, vì lòng từ ái”. “Và Thế Tôn nhận lấy vì lòng từ ái” [6]. Thế Tôn tuỳ hỷ, nói bài kệ khen ngợi rồi ra về. Nhờ phước lành bố thí các vật khả ý như vậy, Gia chủ Ugga sau khi mệnh chung, được sanh làm Thiên tử với dung sắc rất tốt đẹpkhả ý.

Còn rất nhiều vị Nam cư sĩ được đức Phật ngợi khen“người tối thắng” về các hạnh bố thí, cúng dường, hộ trì Tăng chúng được ghi lại trong kinh điển. Ở đây chỉ đơn cử một vài vị tiêu biểu để thấy được vai trò ngoại hộ của hàng Nam cư sĩ Phật tử đối với đạo pháp. Những vị này không những hoàn thành tốt vai trò ngoại hộ, tu tập phước điền, mà còn tích cực tham gia vào công việc hoằng pháp lợi sanh.

  1. 3.     Truyền Bá Chánh Pháp

Việc Hoằng pháp được khởi đầu từ đức Phật. Sau khi giác ngộ, Ngài quán thấy chúng sanh chịu vô lượng khổ nên khởi tâm từ, chuyển vận bánh xe pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Và khi Tăng đoàn đã có 60 vị hiểu và thấy rõ như thật về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổcon đường dẫn đến sự diệt khổ, cũng như giáo nghĩa về Mười hai chi phần Duyên khởi, thì Ngài khuyến khích các vị Tỳ - kheo đem giáo pháp truyền bá chúng sanh. Từ đây, mưa pháp được thấm nhuần khắp xứ Ấn, xoa dịu bao nỗi khổ niềm đau cho hàng vạn sinh linh.

Theo nguyên tắc của sự vận hành chánh pháp, khi đã thọ nhận pháp, bổn phận người Cư sĩ phải lo gìn giữ, tu tậptruyền bá. Điều này, rãi rác trong các kinh điển Nguyên thủy có đề cập đến các phong trào Phật học sâu rộng trong quần chúng Cư sĩ. Chẳng hạn như Nam cư sĩ Citta - Macchikasandika được Thế Tôn tán thán về vấn đề học pháp, ông lãnh đạo hội chúng cư sĩ gồm vài ngàn người, cùng nhau học tập, thảo luận về Phật pháp. Trước khi  mất trên giường bệnh, ông vẫn truyền pháp bằng cách khuyên các bạn bè, thân hữu, các bà con huyết thống nên kính tín Tam bảo và nên bố thí cúng dường các vị tu hành, ông khuyên họ rằng: “Các người cần phải học như sau: Chúng tôi sẽ đầy đủ lòng tin bất động đối với đức Phật, giáo Pháp và chúng Tăng…Tất cả những gì có thể đem cho trong gia tộc, tất cả phải đem cúng dường, phân phát cho những vị trì giới và có thiện tánh”.[7]

Lại nữa, trong các đệ tử Nam cư sĩ thời Phật, người được Ngài khen tối thắng về nhiếp phục hội chúng bằng Tứ Nhiếp Pháp (Sangahavatthu) là ông Hatthaka Ālavaka. Một hôm, đức Phật hỏi ông làm sao nhiếp được hội chúng lớn như vậy, Hatthaka trả lời:

“Bạch Thế Tôn, có Bốn nhiếp pháp này được Thế Tôn thuyết giảng. Con thâu nhiếp hội chúng này với những pháp ấy. Bạch Thế Tôn, khi con biết rằng: Ngưòi này cần thâu nhiếp bằng bố thí, thời con thâu nhiếp người ấy với bố thí. Khi con biết rằng: Người ấy cần phải thâu nhiếp nhờ ái ngữ, thời con thâu nhiếp người ấy với ái ngữ. Khi con biết: Người ấy cần thâu nhiếp do lợi hành, thời con thâu nhiếp người ấy với lợi hành. Khi con biết: Người này cần phải thâu nhiếp với đồng sự, thời con thâu nhiếp người ấy với đồng sự”.[8]

Đoạn kinh trên đã đề cao tinh thần học pháp và “tiêu hóa” pháp của vị Cư sĩ Hattha sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng về Bốn nhiếp pháp. Thật ra, đây là phương pháp “đắc nhân tâm” của Phật giáo. Bởi là đệ tử Phật thì ai cũng có hoài bảothượng cầu hạ hóa”, tự độ độ tha, nhưng muốn độ tha thì phải có phương tiện. Tứ nhiếp Pháp là một phương tiện tối ưu để thu nhiếp nhân tâm, cũng là điều kiện tốt giúp chúng sanh đoàn kết lại với nhau và cùng sinh hoạt dưới ngôi nhà đạo pháp.

Trưởng giả Cấp - cô - độc (Ānathapindika) không chỉ là một nguời nổi tiếng về hạnh bố thí mà ông cũng là người có tâm tha thiết học pháp và hoằng pháp. Tinh thần ấy luôn “canh cánh” theo ông ngay từ khi mới gặp Thế Tôn cho đến cuối cuộc đời: sau khi gặp Phật, ông đã xây dựng Tinh Xá, thỉnh Ngài về quê hương của mình để hoằng pháp; tranh luận và thắng nhiều ngoại đạo; dùng mọi phương tiện để truyền pháp, thuần hoá gia đình. Chẳng hạn, để gián tiếp giáo dục nàng dâu, ông đã cung thỉnh đức Phật về nhà thọ trai, nhân đó, ông thưa:

Bạch Thế Tôn, con có nàng dâu Sujātā, giàu có, đến đây từ một gia đình giàu có. Nàng  không vâng lời mẹ chồng, không vâng lời cha chồng, không vâng lời chồng, khôn g cung kính, không tôn trọng, không lễ bái, không cúng dường Thế Tôn”. [9]

Nghe xong, đức Phật gọi nàng dâu đến, Ngài kể ra bảy hạng vợ (vợ sát nhân, vợ ăn trộm, vợ như chủ nhân, vợ như mẹ, vợ như chị, vợ như người bạn và vợ như nữ tỳ) và giải thích cho nàng nghe ý nghĩa từng hạng. Thế Tôn hỏi nàng thuộc hạng nào trong bảy loại vợ này. Sujàtà đáp rằng: “Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, Thế Tôn hãy xem con là người vợ đối với chồng như người nữ Tỳ ”. [10]

Và khi sắp mất trên giường bệnh, ông đã tuôn trào nước mắt vì xúc động sau khi nghe ngài Xá - lợi - phất giảng cho nghe một bài pháp cao siêu mà trước đó ông chưa hề được nghe Thế Tôn thuyết bao giờ. Ông bèn thắc mắc, được ngài Xá - lợi - phất giải thích rằng: Những pháp cao siêu này chỉ dành riêng cho những người đệ tử tiến bộ chứ không cho hàng cư sĩ, bởi vì họ sẽ không thể thấu hiểuNhân cơ hội này, trưởng giả Cấp - cô - độc đã thỉnh cầu Đại đức Xá - lợi - phất truyền bá giáo pháp cao siêu và khó hiểu này đến những người tu tại gia vì sẽ có người lĩnh hội được, lời thỉnh cầu của ông như sau: “Vậy thưa Tôn giả Sariputta, hãy thuyết pháp như vậy cho hàng cư sĩ mặc áo trắng. Thưa Tôn giả Sariputta, có những Thiện gia nam tử sanh ra với cấu uế  nhiều, nếu không được nghe pháp, sẽ bị đọa lạc; nhưng họ không thể biết được Chánh pháp”. [11]

Sau khi thuyết pháp cho ông Cấp-cô-độc xong, Ngài Xá-lợi-phất và Ananda ra về, không bao lâu người Cư sĩ này mất, liền được sanh lên cõi trời Tusita (Đâu-suất thiên) với dung sắc vô cùng tốt đẹp.

Tóm lại, hoằng pháp là một sứ mệnh vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong của Phật pháp. Sứ mệnh ấy không chỉ dành riêng cho hàng ngũ Tăng già mà cho tất cả đệ tử Phật. Trong giới đệ tử Nam Cư Sĩ thời Phật có rất nhiều vị mà khả năng hoằng pháp của họ rất lớn, được nêu rải rác trong các Kinh điển Nguyên thủy, nhưng ở đây chỉ giới thiệu vài vị tiêu biểu để hàng Cư sĩ chúng ta ngày nay thấy được tinh thần hoằng pháp của người xưa và cũng tự nhìn lại vai trò của mình đối với sự tồn vong của Đạo pháp.

Vai trò của hàng Nam cư sĩ đối với đạo pháp được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo. Ngày nay vai trò của hàng nam cư sĩ Phật tử cũng được thể hiện một cách trọn vẹn. Ở Việt Nam, trong thời cận đại, những gương mặt tiêu biểu cho hàng nam cư sĩ phải nói đến đó là: Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Cư sĩ Võ Đình Cường, Cư sĩ Tống Hồ Cầm và nhiều vị cư sĩ khác nữa, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, tiếp tục truyền thống hộ trì Tam bảo góp phần mang lại lợi lạc cho mọi người. Hiện nay, khi Giáo Hội tổ chức bồi dưỡng hoằng pháp, ngoài chư Tăng, Ni thì Nam Nữ cư sĩ Phật tử cũng tham gia vào đội ngũ Hoằng pháp viên, để thọ nhận sứ mệnh thiêng liêng trong việc hoằng pháp lợi sinh.

Ghi chú:

[1]  Thích Trí Quang, Đọc Pháp Cú Nam Tông I, Truyện tích PC 219-220, Nxb Tôn giáo, 2001, tr. 501.

[2] Thích Chơn Thiện, Tăng già thời đức Phật, VNCPHVN - 1991, tr. 56.

[3]  Thích  Minh Châu dịch, Tăng Chi I,   Phẩm  Nguồn  Sanh Phước, Trường  CCPH VN,  1987,  tr.  428.

[4] Thích Minh Châu, dịch, Tương Ưng IV, Chương 7 Tương Ưng Tâm, VNCPHVN, 1993. tr. 451

[5] Trường A-Hàm, Kinh Du Hành, VNCPHVN , 1991, tr. 113

[6] Tăng Chi II, Phẩm Vua Munda, HT.Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, 1988, tr. 56.

[7] Thích Minh Châu, dịch, Tưng Ưng IV, Tương Ưng Tâm, VNCPHVN, 1993, tr. 477.

[8] Thích Minh Châu, dịch, Tăng Chi III, Phẩm Gia Chủ, Trường CCPH VN, 1988, tr. 69 - 70.

[9]  Thích Minh Châu, dịch, Tăng Chi II, Phẩm Không Tuyên Bố,Trường CCPHVN, 1988, tr. 515.

[10] Sđd, tr. 517.

[11] Thích Minh Châu, dịch, Trung Bộ III, Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc, VNCPHVN, 1992, tr. 588.

 

Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 317.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/04/2019(Xem: 6037)
01/07/2022(Xem: 2774)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.