Đề phòng khả năng tự suy thoái của đạo Phật

21/06/20194:09 SA(Xem: 6354)
Đề phòng khả năng tự suy thoái của đạo Phật

ĐỀ PHÒNG KHẢ NĂNG TỰ SUY THOÁI CỦA ĐẠO PHẬT
Trần Văn Chánh

sen tànLà người Phật tử, hoặc cảm tình viên của Phật giáo, không ai thích nghe bàn về chuyện Phật giáo có thể bị suy thoái, bị hủy diệt, bằng bất cứ kiểu gì. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản dựa trên luật vô thường chuyển biến hay cái lý “thành trụ hoại không” của nhà Phật, thì bất cứ sự vật nào trên thế gian đã có thành tất phải có hoại, và cuối cùng đi đến chỗ diệt vong hoặc biến đổi sang trạng thái khác hẳn. Điều này không chỉ đúng với một tổ chức hay thiết chế xã hội riêng biệt nào trên đời mà còn đúng cả với cuộc nhân sinh tại trần gian này nữa, vì hiện nay, trước tình trạng khủng hoảng môi sinh toàn cầu, thế giới cũng đang đứng trước mối đe dọa bị hủy diệt. Phật giáo cũng chỉ là một thiết chế xã hội, không thể ngoại lệ. Giả định, đến một lúc nào đó thế giới quả thật bị hủy diệt, tức đến hồi mạt pháp, thì chuyện tu hành không còn, kinh sách cũng sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ 6 trước Tây lịch. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của đạo Bà-la-môn, Phật giáo đã hầu như bị tiêu diệt tại nơi phát tích nhưng đã kịp thời lan tỏa đến các nước xung quanh như Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á khác. Riêng tại Việt Nam, sau nhiều giai đoạn thăng trầm, Phật giáo hiện tiếp tục chiếm được địa vị ưu việt so với nhiều tôn giáo khác tồn tại song song, và là tôn giáoảnh hưởng sâu rộng nhất.

Thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2005 cho thấy Việt Nam chỉ có gần 10 triệu tín đồ Phật giáo; nhưng số liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận cả nước có gần 45 triệu người quy y Tam bảo, chiếm phân nửa dân số; có hơn 14.000 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường...; khoảng 45.000 Tăng Ni; trên 800 đơn vị Gia đình Phật tử. Báo chí, sách vở truyền bá giáo lý Phật giáo cũng được xuất bản ngày một thêm nhiều, giúp cho Phật phápđiều kiện lan tỏa, hoằng dương, thâm nhập ngày một thêm sâu rộng vào cuộc sống.

Dựa trên các con số thống kê đơn thuần, Phật giáo Việt Nam đang hưng thịnh và đáng phấn khởi. Nhưng, nhìn sâu hơn để đánh giá thực trạng Phật giáo Việt Nam, thì còn lắm điều phức tạp phải bàn, bởi sự phát triển về hình thức Giáo hội và số lượng Tăng Ni, Phật tử chưa phải là yếu tố căn bản đủ để nói lên thực chất của vấn đề. Cũng sẽ có những quan điểm đánh giá rất khác nhau tùy theo việc chú trọng đến bề nổi hay quan tâm đến thực chất nội dung sâu sắc từ bên trong. Vì thật ra, phẩm chất của đạo Phật chính là sự giác ngộtu chứng nhiều hay ít trong hàng ngũ xuất gia, bên cạnh sự thăng tiến về đạo đức, niềm tin, và trí tuệ được thể hiện trong đời sống hàng ngày của hàng Phật tử tại gia, chứ không phải có thật nhiều tự viện với số lượng nhà sư đông đảo, hoặc có thật nhiều nhà sư trẻ đỗ được các cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ Ấn Độ, Đài Loan… du học trở về.

Nếu chú trọng đến sự phát triển thực chất, không ít ý kiến cho rằng hiện nay về cơ bản Phật giáo Việt Nam đang phát triển tốt với đội ngũ Tăng chúng tu tập nghiêm chỉnh theo lời dạy của Phật, nhưng cũng có một số dấu hiệu suy thoái khá đáng lo ngại, biểu hiện qua lối sống thực tế của một số Tăng Ni trong tầng lớp điều hành Giáo hội, phần nhiều thuộc các cấp trung gian hoặc ở một số cơ sở chùa chiền lớn, nhỏ trong cả nước.

Do phải tổ chức thành Giáo hội để hoạt động, với tôn ti phẩm trật cao thấp, nên nếu không cẩn thận đề phòng bằng việc nghiêm giữ giới luật, sẽ dễ phát sinh hiện tượng suy thoái đạo đứcquyền lực ở những người giữ các chức vụ cao. Điều này đúng với mọi tôn giáo trên thế giới, tương tự như hiện tượng suy thoái đạo đứcquyền lực thông thường của các cấp lãnh đạo trong mọi chính quyền ở hầu khắp các nước dân trí còn thấp và chưa có được một nền dân chủ chín muồi vậy.

Mặc dù có giới luật ràng buộc, nhưng nếu hệ thống kiểm soát sự chấp hành không nghiêm từ trên xuống dưới và người trên không làm gương tốt cho kẻ dưới noi theo thì Tăng Ni cũng dễ vi phạm giới luật, sống không đúng truyền thống của đạo Phật, tạo nên những hiện tượng tiêu cực tuy có ít hơn nhưng cũng na ná như trong xã hội đời thường và trong các tổ chức chính trị-xã hội khác. Trong điều kiện cần đề phòng suy thoái như vậy, Phật giáo Việt Nam dường như vẫn chưa có một giải pháp căn bản nào để ngăn chặn kịp thời và hữu hiệu, vì thế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khả năng có chuyện lạm quyền và thu vén cá nhân, hoặc kéo bè kết cánh, ở nơi này nơi khác. Nhiều Phật tử được biết, không phải là không có chuyện khi Giáo hội Trung ương xuống công tác hoặc kiểm tra, một số thầy ở địa phương nào đó cũng tập nhiễm thói quen đãi đằng trọng hậu để lấy cảm tình cấp trên nhằm che giấu những thành tích còn hạn chế hoặc thậm chí bất hảo của mình.

Tuy nhiên, trước một số những biểu hiện tiêu cực đã được trông thấy, chúng ta, dù là Tăng hay tục, cũng không nên vội vã có thái độ quá gay gắt khắt khe, mặc dù vẫn phải có một lập trường rõ rệt và dứt khoát cảnh giác. Ở một quan điểm khoan dung hơn, chúng ta nhận thức rằng chuyện tu hành là không đơn giản. Nó là một quá trình phấn đấu bền bỉ lâu dài đầy gian nan trắc trở, phải trải qua hàng loạt những thử thách gay go từ bản thân ra đến ngoài xã hội. Đó còn là cuộc đấu tranh gian nan tự vượt thắng mình, với sự trì kéo giữa một bên là bản năng sinh vật của con người trần tục còn bên kia là lý tưởng đạo đức, và vì vậy cũng phải giải quyết luôn các mối mâu thuẫn giữa lý trí với tình cảm, giữa nhận thức với hành động, cũng như giữa lời nói với việc làm cụ thể… Mà có làm được như vậy hay không lại còn tùy thuộc vào căn duyên hiện định và tiền định của mỗi cá thể người, vốn chịu ảnh hưởng các yếu tố từ di truyền đến điều kiện xã hộicon người thật ra chỉ là sản vật, phải chịu đủ thứ cám dỗtác động tiêu cực của ngoại cảnh mà người tu hành không thể đứng ngoài hoặc vượt thoát hoàn toàn.

Câu chuyện nhà sư Huyền Trang ngơ ngẩn bàng hoàng tiếc rẻ khi bị mất áo cà sa kể trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân là một chuyện tế nhị cho thấy cái phần cận nhân tình trong thánh của các vị còn đang tu hành chưa đắc quả. Nhà văn Trung Quốc tài hoa Lâm Ngữ Đường (1895-1976) có lần phát biểu đại khái cái gì bất cận nhân tình đều là xấu cả, và “một tôn giáo bất cận nhân tình không phải là một tôn giáo, một chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng, một nghệ thuật bất cận nhân tình là một nghệ thuật dở… Lý tưởng cao nhất mà ta có thể hướng tới là thành một người ‘cận nhân tình’, khả ái, biết phải trái, chứ không phải thành một người nộm để phô trương các đạo đức” (Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa, 1993, tr.167).

Thực tế cho thấy một số Tăng Ni đang có khuynh hướng coi trọng việc xây chùa to, dựng tượng lớn, phát triển cơ sở vật chất mang tính hiện đại, coi nhẹ thanh quy và việc hoằng pháp. Những năm gần đây, nhiều lễ hội mang màu sắc Phật giáo có khuynh hướng mê tín rõ rệt, bị một số đình chùa lạm dụng trục lợi trắng trợn, tạo nên những hình ảnh lệch lạc khó coi bị cả dư luận xã hội lên án, làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín chung của Phật giáo. Việc dùng xe công đi lễ chùa rất phổ biến hiện nay cũng cho thấy hiện tượng chạy theo những giá trị hào nhoáng bề ngoài của một số Phật tử trong giới công quyền.

Cũng đã có vị tôn túc phê phán một số Phật tử đến viếng chùa không vì động cơ tu học mà chỉ vì lòng tham, tin vào sự cầu cúng có thể mang lại cho mình được nhiều phước lộc và cho rằng đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Phật giáo suy đồi, vì có cầu thì phải có cung, khiến nhà chùa phải thực hành những nghi thức cầu cúng mê tín.

Trong cộng đồng những người theo đạo Phật, vẫn còn một số biểu hiện mất đoàn kết, tồn tại không ít những mối mâu thuẫntranh chấp giữa những nhóm đạo Phật khác nhau, hoặc giữa đạo Phật với các tôn giáo khác, theo tinh thần “bài xích dị kỷ”, chống lại những kẻ khác mình, công khai hoặc ngấm ngầm. Điều này chúng ta có thể đọc được ngay trong một số bài viết về tôn giáo hiện hành.

Bệnh chuộng hư danh và phô trương hình thức khá phổ biến hiện nay là một chứng bệnh nguy hiểm, tạo nên ảo giác lạc quan về sự phát triển bề ngoài khiến người ta càng xa dần với nỗ lực sống đạo. Cũng có vị tôn túc sau khi quan sát nhiều nơi ở nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng tại những nơi Phật giáo được chính quyền ủng hộ thì Giáo hội phát triển mạnh nhưng thiên trọng về cơ sở vật chất hơn là sự tu chứng. Trái lại, hiện tượng tu chứng đã được ghi nhận nhiều hơn chính tại những nơi chịu cảnh trái nghịch, không đạt được những điều kiện thuận lợi bề ngoài như thế…

Việt Nam, không có tình trạng tôn giáo bị bức hại, riêng Phật giáo còn được đối xử tốt, nhiều chùa chiền lớn đã mọc lên, hoạt động lễ hội, tu họchoằng pháp được tự do, nhưng giả định có khuynh hướng một số nhà chức trách nào đó, do quan niệm thiếu chuẩn xác, chỉ muốn coi Phật giáo như một lực lượng có lợi cho mình về phương diện chính trị mà can thiệp hơi sâu vào hoạt động của Giáo hội, thì đó chẳng những không phải là cách tốt nhất giúp Phật giáo phát triển đúng hướng một cách tự nhiên mà còn có thể vô tình là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho đạo Phật khó giữ được tính độc lập với bản sắc vốn có. Giữa chính quyền và các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, nên có một sự phân công rõ ràng, trong đó các tôn giáo giữ vai trò tích cực góp phần giáo dục đời sống tinh thần của dân chúng để trong nước ngày càng có nhiều hơn những công dân lương thiện, nhờ thế mà chính phủ sẽ đỡ đi gánh nặng trong việc gìn giữ trị an, bài trừ tội ác và các tệ nạn xã hội đang gia tăng dưới mọi hình thức mà hầu như chưa có một giải pháp khả thi toàn diện nào có thể ngăn chặn kịp thời.

Giả định một số biểu hiện tiêu cực như mô tả ở trên vẫn tiếp tục kéo dài và lan rộng mà không có cách gì ngăn chặn kịp thời thì cái xấu sẽ phát triển dần đến mức khó kiểm soát, Phật giáo Việt Nam chắc chắn phải có hồi suy tàn, dù không hoàn toàn giống như hiện tượng suy tàn của đạo Phật tại Ấn Độ ngày trước.

Một thực tế không thể chối cãi là Phật giáo đã thật sự bị suy tàn ở chính nơi quê hương gốc của Đức Phật. Sự suy tàn này có thể đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 và đạo Phật thật sự biến mất trên đất Ấn vào thế kỷ thứ 14. Mãi cho đến thế kỷ 19 thì phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ mới bắt đầu trở lại, nhưng cũng chỉ vớt vát được một phần rất nhỏ.

Về các nguyên nhân được nêu ra, hiện có rất nhiều bài viết phân tích của các tăng nhân, học giả, ý kiến còn nhiều chỗ phân vân, dị biệt, nhưng chung nhất vẫn có sự thừa nhận rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là đời sống trụy lạc của giới Tăng sĩ. Quan điểm chung của các học giả Ấn Độ cho đó là sự xao lãng và sa đọa trong đời sống đạo đứctâm linh của giới tu sĩ Phật giáo, Tăng cũng như Ni. Cộng thêm vào đó, từ thế kỷ thứ 7 trở đi, đạo Phật có biểu hiện phân hóa với sự xuất hiện của nhiều tông phái có đường lối dị biệt và nhiều lúc chia rẽ nhau. Sự bao dungtự do của Phật giáo cũng là một tiền đề cho sự suy tàn. Ngoài ra, với đặc tính dễ thích nghiphù hợp với nhu cầu thờ phụng của người bình dânẤn Độ, đạo Bà-la-môn dễ phát triển hơn đã làm cho đạo Phật dần dà trở thành thứ yếu hay chỉ còn là tôn giáo của tầng lớp trí thức. Một nguyên nhân quan trọng khác nữa thường được nhắc tới là sự bức hại Phật giáo của những người Hồi giáo cực đoan trong thời kỳ đó.

Trong quyển sách Câu chuyện Tây Tạng: Những cuộc trò chuyện với Đức Đạt Lai Lạt Ma (The Story of Tibet: Conversations with the Dalai Lama), nhà báo Mỹ Thomas C. Laird đã ghi nhận những ý kiến rất đáng chú ý của Đức Đạt Lai Lạt Ma về nguyên nhân Phật giáo bị diệt vong tại Ấn Độ. Thomas Laird thuật lại như sau:

“Phật giáo bị hủy diệt tại Ấn Độ, biến mất khỏi đất nước đã sinh ra tôn giáo này, hình ảnh mỉa mai ấy ám ảnh tôi trong nhiều thập niên… Tôi hỏi: ‘Phật giáo bị hủy diệt tại Ấn Độ như thế nào? Có phải chỉ vì những cuộc tấn công của người Hồi giáo?’.

Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu nói: ‘Không có gì xảy ra bởi một nhân tố. Một học giả tài giỏi đã quá cố có gởi tôi một quyển sách ông viết, trong đó bàn về ba nguyên nhân làm Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ.

‘Một là, những thí chủ ủng hộ các thiền viện ngày càng có xu thế xa rời truyền thống Phật giáo. Hai là, những tác động từ bên ngoài như Hồi giáo và các lực lượng khác, họ ra sức tiêu diệt Phật giáo. Ba là, các thiền việnbản thân chư Tăng trở nên rất giàu, tích trữ nhiều vàng, lại thêm tửu sắc. Những việc đó đã xảy ra. Do đó dân chúng không còn tôn kính, có người thì khinh rẻ, hoặc mất lòng tin chư Tăng. Thế nên tôi nghĩ rằng không phải một mà là có nhiều nguyên nhân’.

“Tôi hỏi: ‘Thật ư? Ngài không trách người Hồi giáo sao?’. “

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: ‘Tôi nghĩ rằng trường hợp Tây Tạng cũng thế, y hệt như trường hợp Ấn Độ, có xu hướng xem xét những nguyên nhân bên ngoài. Khuynh hướng xem xét trước tiên những tác động ngoại lai đã mọc rễ sâu trong đầu con người và khó loại bỏ. Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều về những người khác, về những tác động ngoại lai. Nhưng chính chúng ta, nếu chúng ta không tu hành tốt, không giữ gìn giới luật, thì tôn giáo chúng ta trở thành giả dối. Đây là sự thật. Vậy đây đúng là lịch sử Phật giáo tại Ấn ĐộTây Tạng”.

Thomas C. Laird viết tiếp: “Tôi sửng sốt thấy rằng trong mọi trường hợp, Đức Đạt Lai Lạt Ma tìm lỗi bản thân trước khi ngài tìm lỗi người khác. Ngài tìm lỗi ở Phật giáo trước khi tìm lỗi ở các tôn giáo khác. Ngài tìm lỗi ở Tây Tạng rồi mới tìm lỗi ở các nước khác. Khuynh hướng của ngài đã định hình cách ngài nhìn lịch sử… Khuynh hướng của ngài là trước hết hãy thấy lỗi của chính mình, quốc gia mình, và tôn giáo mình” (Dũ Lan Lê Anh Dũng trích dịch, xem “Tái bút hồi âm một người bạn,” Tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc, số 1819, từ 5.8 đến 11.8.2011, tr. 42).

Ý kiến của Đức Đạt Lai Lạt Ma như trên thật đáng để mọi người tham khảo suy ngẫm, đem soi chiếu một cách hữu ích cho hiện trạng của Phật giáo Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, vì tại những nơi này, xu hướng sống xa rời truyền thống Phật giáo của các Tăng sĩ là một sự thật không thể chối cãi, nếu không muốn nói đang ngày một gia tăng. Tại Trung Quốc, tình trạng còn có thể tồi tệ hơn, được Pháp sư Tịnh Nhân mô tả: “Các hội Phật giáo Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức khốc liệt do cải cách thị trường, hiện đại hóa và mở cửa gây ra. Từ cái nhìn bên ngoài, dường như các chùa viện bây giờ đang đóng chức năng “những cỗ máy làm tiền”… Từ cái nhìn bên trong… nhiều Tăng Ni đã dành quá nhiều thời giannăng lực vào việc kiếm tiền, dành quá ít thời gian, hoặc không có thời gian để tu học và giảng dạy Phật pháp”. Pháp sư Tịnh Nhân còn dẫn lời của cựu Chủ tịch Hội Phật giáo Trung Quốc Triệu Phác Sơ, cho biết thêm: “Một số người không kiên định với tôn giáo của họ, xem nhẹ giới luậttu tập. Những người này đang săn đuổi tiền tài và danh vọng, sống một đời sống xa hoađồi bại. Nếu điều này không được tiếp tục ngăn chặn, nó chắc chắn làm nguy hại đến tiền đồ Phật giáo” (bản dịch của Thích Nguyên Hiệp đăng trong Thư viện Hoa Sen). Nếu không ngăn chặn cái đà này, và theo cách nhìn vấn đề của Đức Đạt Lai Lạt Ma như trên, khả năng xuống cấp đi dần tới tự hủy diệt của Phật giáo Việt Nam và một số nơi khác trên thế giới là một điều hoàn toàn có thể xảy ra trong một tương lai không xa.

Tuy nhiên, với cái nhìn biện chứng thực tế hơn, và thận trọng hơn, mặc dù luật vô thường “thành trụ hoại không” vẫn là một chân lý bất di bất dịch hiểu theo nghĩa tổng quát, Phật giáo chắc chắn sẽ không bị hủy diệt theo nghĩa đen như một khối vật chất bị phá hủy, nhưng quá trình tự hủy của nó cũng sẽ diễn ra tương tự như định luật bảo tồn vật chất đã phát biểu, rằng không có gì mất đi hẳn, mà sẽ chuyển hóa để tồn tại dưới những hình thái và số lượng-phẩm chất khác. Như vậy, với cái đà phát triển bất toàn này, có thể Phật giáo không bị biến mất hoàn toàn trên thế gian khi cuộc đời vẫn còn là bể khổ, mà bị biến chất, suy thoái theo một con đường lắt léo phức tạp nào đó tùy theo những yếu tố tác động khác nhau từ bên ngoài, đến mức sẽ có thể trở thành giả dối và chỉ còn là một cái xác không hồn, mất hết nội dung Phật chất, tồn tại một cách lu mờ mà không mang lại lợi lạc thực tế gì cho cuộc nhân sinh.

Trong chiều hướng cải cách Phật giáo để thích nghi với điều kiện mới của xã hội hiện đại, có lẽ nên nghĩ tới việc sửa lại một số điều khoản trong giới luật theo hướng giản dị hóa cho người tu tập dễ theo, nhờ thế cũng sẽ giảm bớt được tình trạng vi phạm giới luật đang có vẻ quá nhiều như hiện nay, giúp cho việc tu hành được thêm dễ dàng thoải mái. Nếu không đạt được sự tu chứng với số đông người ở trình độ cao để có nhiều thiền sư đắc đạo, thì tạo được một xã hội có nội dung Phật chất rộng rãi trong đó có được nhiều người hơn biết ăn chay niệm Phật, thương người thương vật bằng tâm từ bi hỉ xả, hoặc chỉ cần sống theo tinh thần hướng thiện của đạo Phật, trên cơ sở nhận thức luật vô thườngnhân quả, cũng đã tốt lắm rồi.

Để đề phòng khả năng suy sụp về chất (chứ không phải về hình thức, số lượng), và bảo vệ uy tín cho cộng đồng, gây lại niềm tin cho dân chúng nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng, Giáo hội cũng cần tự cải tạo hình ảnh bằng cách làm trong sạch mình hơn nữa thông qua công tác bầu chọn, bổ nhiệm nhân sự, và tăng cường kỷ luật hơn nữa để có thể đưa ra khỏi hàng ngũ những người vì thiếu căn tu mà vi phạm quá nhiều giới cấm, đặc biệt là đối với một số phần tử xấu cố ý lợi dụng lớp áo nhà tu để trục lợi, mượn đạo tạo đời…

Những việc cần làm ngay này không dễ dàng chút nào đâu, vì chắc chắn sẽ có tình trạng kiêng nể, bao che lẫn nhau, cũng khó khăn tương tự như việc nhà nước muốn chống nạn tham nhũng tràn lan vậy, nên đây có thể coi là một vấn nạn mà khả năng vượt qua được tới đâu là một thách thức rất to lớn đối với toàn thể giáo đồ, đặc biệt đối với những vị lãnh đạo tôn giáo đang có trọng trách và tầm ảnh hưởng quan trọng trong cuộc hưng suy của Phật giáo tại Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, từng có trường hợp Phật giáo bị lợi dụng và sa đọa nặng nề, nhưng cũng đã có những tấm gương chấn chỉnh đạo pháp thành công, như trường hợp chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) đã làm được trong khoảng nửa đầu thế kỷ 18 ở xứ Đàng Trong, nhờ vào nhận thức sáng suốt và sự kiên quyết (có thể xem Trần Hồng Liên, Đặc điểm Phật giáo Đàng Trong thế kỷ 18, đặc san Suối Nguồn, tập 1, NXB TP.Hồ Chí Minh, tháng 5.2011).

Phải có đủ cả bi, trí, dũng, giới, định, huệ và chánh kiến, chánh tư duy lẫn cả chánh niệm, chánh tín mới dám nhìn thẳng vào sự thật để tự phê phán và từ đó giải quyết vấn đề, tiến hành công cuộc cải lương Giáo hội một cách thật sự hiệu quả, nhằm tránh vết xe đổ của một đạo Phật bị tuyệt diệt trên thực tế tại Ấn Độ.

Đạo Phật Việt Nam tuy khó bị hủy diệt hơn, nhờ có những hoàn cảnh thích hợp hơn về các mặt tâm lý, tập quán, truyền thống dân tộc… nhưng những biểu hiện biến tướng không lành mạnh của nó ngày một gia tăng trong vài chục năm gần đây, cũng là một hình thức của sự suy đồi từ bên trong, thật rất đáng lo ngại và cần phải nhanh chóng ra tay cứu chữa càng sớm càng tốt. Công việc hệ trọng đó đòi hỏi sự đoàn kết quyết chí một lòng cùng sự kiên trì của toàn thể Tăng Ni Phật tử, mới có thể làm được.

Trần Văn Chánh

Bài đọc thêm:
Những Thách Thức Hiện Nay Của Phật Giáo Trung Quốc (Thích Nguyên Hiệp)








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
27/05/2024(Xem: 1795)
17/05/2024(Xem: 4059)
26/12/2023(Xem: 8145)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :