Tu sĩ và mạng xã hội

28/05/20201:00 SA(Xem: 7945)
Tu sĩ và mạng xã hội
Tu sĩ và mạng xã hội:
HT. THÍCH HẢI ẤN:
NGƯỜI TU LÀ NGƯỜI CÓ “TÂM HÌNH DỊ TỤC”

 

thich hai an
Hòa thượng Thích Hải Ấn

Liên quan tới vấn đề tu sĩ và mạng xã hộiGiác Ngộ phỏng vấn HT.Thích Hải Ấn (ảnh), Ủy viên Thường trực HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế.

 

* Bạch Hòa thượng, câu nói người tu là người có “tâm hình dị tục”, thể hiện ở những điểm nào trong đời sống?

- HT.Thích Hải ẤnNgười tu sĩ ban đầu vào chùa, lúc làm Sa-di, các thầy giáo thọ luôn dạy dỗ chú Sa-di câu: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng…”; tạm dịch là: “Phàm làm một vị xuất gia, thì phải phát nguyện bước lên con đường cao rộng, tâm và hình phải luôn luôn khác với thế tục, để làm cho giống Thánh trong mình ngày một tăng trưởng lớn mạnh …”.

Như vậy, đã là người xuất gia chân chính thì mình phải làm những việc khác với thế tục trong mọi oai nghi tế hạnh, đi đứng nằm ngồi… Và vì vậy, ngay hình thể của người xuất gia cũng đã khác xa với người đời chứ chưa nói đến tâm tính oai nghi hay cử chỉ, hành động cũng phải khác với người đời, để trở thành mẫu mực cho người đời noi theo. Cụ thể là đầu phải thế phát không còn tóc để trau chuốt hàng ngày, áo phải là áo hoại sắc, ăn phải ăn những thứ không làm thương tổn đến đời sống của chúng sinh, ngủ cũng phải ít lại, lo tụng kinh bái sám để cầu nguyện cho mình và cho người… Ở đây tôi chỉ nói một vài việc cụ thể như vậy thôi, chứ nói ra nhiều thì quá dài dòng mà không thể nói hết được; và ngay cả tâm tính, cử chỉ cũng tương tự như vậy.

* Vậy một người tu cần những oai nghi gì? Giữ giới ra sao, có được phép tham gia mạng xã hội, đăng những hình ảnh gây phản cảm, hiểu lầm với mọi người không, bạch Hòa thượng?

- Người tu nếu nói đủ thì phải tám vạn bốn nghìn oai nghi tế hạnh, trong đó đi đứng nằm ngồi là bốn oai nghi chính. Vì vậy, một chú Sa-di đầu tiên khi vào chùa phải học hai thời công phu để tụng làm quen với nếp tu của mình; sau khi đã thuần thục rồi thì mới được học tham thiền, niệm Phật để giữ tâm tính của mình. Tiếp đến phải học các phép tắc hàng ngày để thực hiện đúng oai nghi của một người tu, đó gọi là phép tắc trong 24 tiếng đồng hồ của một người tu sĩ. Từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, tắm gội cho đến vệ sinh cá nhân mọi chuyện đều phải học, thậm chí cho đến việc đại tiểu tiện cũng phải học rất chu đáo…

Sau khi học phép tắc của một người tu rồi thì học đến 10 giới điều của một vị Sa-di gọi là 10 giới luật của một chú mới tu tập sự. Học biết oai nghi rồi thì học thêm các việc lớn hơn trong cuộc sống nhà chùa như tiếp khách Tăng, khách thế gian, đi đến các chùa Tăng, chùa Ni, rồi việc hầu thầy, hầu các vị Hòa thượng… Nói chung là phải học đủ 4 cuốn luật tiểu nói về các phép tắc, oai nghi, giới luật nhỏ và các lời sách tấn khuyên tu của các bậc cổ đức. Tiếp đến là học giáo lý căn bản của Đức Phật. Trong phần này, nếu vị nào đã học đủ các điều trên thì chắc chắn sẽ không còn những điều tệ hại khi tham gia vào mạng xã hội.

Tôi xin nói thêm, mạng xã hội là một phương tiện có lợi nếu vị tu sĩ biết nhận thứctỉnh giác trong khi tham gia.

Nhất là phải biết mình tham gia để làm gì? Tham gia mạng xã hội, nếu mình quên đi mình là một tu sĩ thì sẽ đem lại nhiều tai hại hơn là điều lợi. Vì khi mình quên đi tự thân là một tu sĩ thì sẽ chạy theo dòng đời và như vậy là sẽ bị cuốn hút theo dòng đời - sẽ làm bao nhiêu điều bất lợi cho tự thân chứ chưa nói đến sự bất lợi cho Phật giáo, cho cuộc sống. Vì vậy, khi đăng một hình ảnh, một lời nói gì thì trước hết mình phải nghĩ đến việc mình là một tu sĩ, mình phải suy nghĩ mười lần chứ không phải là bảy lần như câu đời thường nói.

Cần nhớ, một vị tu sĩ khi tham gia mạng xã hội là để phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật, nếu không như vậy thì không nên tham gia sẽ có lợi nhiều hơn.

* Về quản lý Tăng Ni trong thời đại ngày nay, khi ranh giới con người xuất hiện không chỉ bên trong hay bên ngoài cổng chùa mà còn trên thế giới mênh mông của mạng xã hội. Theo Hòa thượng, Giáo hội cần có biện pháp gì để thích ứng với thực tế khi có những hiện tượng người tu không ý thức việc thể hiện mình trên không gian này?

- Quản lý Tăng Ni của Giáo hội trong thời đại hiện nay quả thật là khó khăn nhiều mặt. Theo tôi, người quản lý hay nhất là tự thân người tu sĩ, hai là bạn bè thân hữu, ba là vị bổn sư luôn quan tâm để răn dè người đệ tử của mình. Về mặt Giáo hội thì Ban Truyền thông cũng nên có những bài viết khuyên về trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội để đừng bao giờ quên mình trong dòng chảy của mạng xã hội - vì tự thân người tham gia mạng là người được hàng ngàn hàng vạn con mắt đang nhìn mình chứ không phải là một hai người.

* Hòa thượnglời khuyên nào với người tu trẻ để không gây ra những chuyện thị phi, tổn hại hình ảnh Tăng đoàn, làm ngắn đời tu của mình trước thử thách của thời hiện đại?

- Mong các vị tham gia vào mạng xã hội nên học tập những điều căn bản của một tu sĩ cho thật tốt, nhất là những điều được học hỏi lúc hành điệu, trong khi đang là một chú Sa-di như đã nói ở trên. Những năm này (sơ tâm xuất gia), các ngài cổ đức đã nói hết tất cả những việc giao tiếp ở giữa đời thường. Tôi thấy thường những người lúc đầu đi tu, nếu mất đi những năm hành trì này (cho xuất gia, thọ giới sớm, dễ dàng), về sau lớn lên dễ bị đời dẫn dắt. Đó là vì để cho tâm mình mất gốc mà dẫn đến các tệ nạn đó thôi.

Tóm lại, các thầy cô khi muốn hành trì, hoằng đạo trên đại lộ thênh thang này, hãy nên xem lại 4 cuốn luật tiểu của một vị Sa-di để khỏi phương hại đến giáo pháp của Phật và khỏi làm tổn hại đến niềm tin của Phật tử vậy.

Hữu Tình thực hiện

 

 

 

Tu sĩ và mạng xã hội:
CÓ HAY KHÔNG SỰ LẠM DỤNG
GÂY PHƯƠNG HẠI HÌNH ẢNH TĂNG ĐOÀN?

 

Báo Giác Ngộ số 1044 ra ngày 3-4, có bài viết “Cảnh giác với những sự mạo danh Phật giáo trên mạng”, trong đó có nhắc đến nickname “Nhat Anh Thu” từng được bạn đọc phản ánh về tòa soạn.

Trong quá trình tìm hiểu của CTV Giác Ngộ tại Đà Nẵng, được biết, chủ nhân tài khoản “Nhat Anh Thu”, trong hình tướng một vị Ni, đã có nhiều phát ngôn, hình ảnh gây sốc, gây nên phản ứng trong dư luận. Vị này có địa chỉ buôn bán tại Đà Nẵng, thỉnh thoảng livestream trên tài khoản Facebook để giới thiệu sản phẩm, bày tỏ vài quan điểm về vấn đề quan niệm sống cá nhân, trong đó có liên quan tới Tăng Ni.

Trong bài báo trên, theo xác minh của các vị đại diện Ban Trị sự (BTS) Phật giáo TP.Đà Nẵng, người này không có trong danh bộ Tăng Ni tại địa phương. Theo đó, những việc làm của người này thể hiện trên mạng cũng làm cho các vị tôn túc có cơ sở để nhận định, đây không phải một người xuất gia đúng nghĩa, có thể là một người giả sư để bán hàng online.

Có kẽ hở trong quản lý Tăng Ni?

Sau khi bài báo đăng tải lên Giác Ngộ online, tòa soạn nhận được phản ánh qua điện thoại của một vị xưng là Ni trẻ M.N có quen biết “Nhat Anh Thu” và cho biết thông tin xác nhận của BTS Phật giáo TP.Đà Nẵng với CTV Giác Ngộ là không đúng. Sau đó, qua email chuatrungtiet...@gmail.com gởi đến tòa soạn, một người tự nhận là chủ nhân của nickname trên, phản ánh và cung cấp thông tin cá nhân, bản chụp các giấy tờ tùy thân, chứng nhận Tăng Ni, điệp đàn..., giới thiệu là Trương Nhật Anh Thư, pháp danh: Thích nữ Thông Nhật, sinh năm 1985, nguyên quán Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng; xuất gia tại chùa Linh Sơn (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đã thụ giới Tỷ-khiêu-ni tại giới đàn do BTS Phật giáo TP.HCM tổ chức từ ngày 28 tới 30-11-2006 tại chùa Từ Nghiêm (Q.10, TP.HCM).

Nội dung email cũng xác nhận tài khoản Facebook “Nhat Anh Thu” là của chính SưThích nữ Thông Nhật.

 

Chứng điệp thọ giới Tỳ-kheo-ni của SC.Thích nữ Thông Nhật - Ảnh NVCC
Chứng điệp thọ giới Tỳ-kheo-ni của SC.Thích nữ Thông Nhật - Ảnh: NVCC

 

Sau khi nhóm CTV báo Giác Ngộ nhận được phản hồi cùng những thông tin trên, đã liên hệ với cô. Qua trao đổi, một lần nữa cô khẳng định về việc mình là chủ nhân của trang Facebook bán hàng online và cho biết thêm, năm 2018, khi sư phụ (vị thầy xuất gia - BTV) viên tịch, cô không thể trở về chùa Tổ - nơi đã xuất gia tu học, nên đã ở chúng tại chùa Ưu Đàm (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Từ tháng 9-2019 cô về Đà Nẵng thuê mặt bằng để kinh doanh tự kiếm nguồn sống và ở tại đây đến nay, hàng năm vẫn vào TP.HCM an cư, đầy đủ sổ hạ kể từ sau khi thọ Đại giới cho đến năm 2019.

Thắc mắc về việc rời Tăng đoàn, không ở chùa tu học lại đi kinh doanh, bán hàng online, cô nói “muốn tự nuôi sống bản thân mà không phụ thuộc vào kinh tế của bá tánh, không muốn làm gánh nặng cho xã hội”, rồi khẳng định luật pháp nhà nước không cấm tu sĩ kinh doanh. “Các chùa mở phòng phát hành cũng là một hình thức kinh doanh. Các sư cô ra chợ bán tương chao cũng là một hình thức kinh doanh”, cô nói.

Trong khi trò chuyện với CTV Giác Ngộ, cô nhiều lần nhắc lại việc mình livestream bán hàng không vi phạm pháp luật - mục đích là để trang trải thêm cuộc sống và không làm gánh nặng cho xã hội.

“Việc tôi kinh doanh tự nuôi thân là đã có lợi cho chúng sanh rồi, bá tánh đỡ cực khổ nuôi tôi”, cô phân trần.

Về việc livestream bán hàng, cô Thông Nhật cho rằng, chỉ có vài người vô phát biểu là tu mà đi kinh doanh này nọ, “sau đó tôi có livestream phân tích lại về tư tưởng của họ và chứng minh những gì họ nói là phiến diện, không phù hợp với xu thế phát triển xã hội hôm nay và từ đó đến nay không một ai vô đánh giá gì cả”.

Tuy nhiên, theo quan sát trên Facebook “Nhat Anh Thu”, dù lượt tương tác không cao nhưng gần đây cũng có người đã vô nói thẳng: “Tôi không kết bạn nhưng vô tình đi ngang qua, định gửi kết bạn giao lưu học hỏi. Khi thấy ảnh vị tu hànhthiện cảm chút, song khi đọc cách văn phong của bạn tôi cảm thấy ái ngại. Mô Phật! Có lẽ tôi còn u minh tâm chưa được khai sáng!”.

Về việc về buôn bán online, livestream trên Facebook, cô Thông Nhật khẳng định: “BTS Đà Nẵng không ai hỏi tôi về điều này và tôi cũng không nghe vị nào trực tiếp nói với tôi lý do không phù hợp, hơn nữa tôi cũng chưa nghe được một sự lý giải thuyết phục nào từ BTS Đà Nẵng. Hiện tôi thấy nhiều chùa ở Đà Nẵng cũng kinh doanh, Tết vẫn có nhiều sư cô ra chợ Cồn ngồi bán đồ Tết. Tôi không biết BTS sẽ so sánh việc này với việc của tôi thế nào và lý giải với báo chí cũng như dư luận ra sao nên không suy nghĩ gì về đánh giá của BTS Đà Nẵng”.

Theo Nội quy Ban Tăng sự T.Ư hiện hành, các quy định về nơi cư trú phù hợp đã được nêu rõ. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc di chuyển của một số Tăng Ni, chẳng hạn trong trường hợp đã nêu trên, hoàn toàn tự do theo quyền công dân và được pháp luật bảo hộ. Một vị Tăng Ni rời một nơi, đi đến một nơi khác nếu không tự giác khai báo với Giáo hội các cấp nơi đang ở và đi thì sẽ không ai hay biết. Đi đâu, làm gì nhưng mỗi hạ lại về đăng ký an cưmột trú xứ vẫn được chấp nhận và cấp sổ hạ. Phải chăng đây là kẽ hở trong quản lý Tăng Ni, từ đó có thể dẫn đến những trường hợp đáng tiếc?

Liên hệ với HT.Thích Trí Viên, Phó BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự Phật giáo TP.Đà Nẵng về trường hợp cô Thông Nhật, Hòa thượng khẳng định cô chưa đăng ký sinh hoạt tại địa phương. Tuy nhiên, với những phát ngôn, hình ảnh cô đăng tải công khai trên Facebook thì khó chấp nhận đây là một tu sĩ, dù có giấy tờ thọ giới. Sư cô Thích nữ Thanh Quế, Ủy viên BTS Phật giáo TP.Đà Nẵng, đệ tử NT.Thích nữ Diệu Cảnh, Trưởng Phân ban Ni giới Phật giáo TP.Đà Nẵng cho biết, sắp tới Phân ban sẽ đưa trường hợp này ra xem xét để có hướng giải quyết.

Người tu cần tiêu chuẩn gì?

Trao đổi với HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông T.Ư về tiêu chuẩn của một người xuất gia, Hòa thượng xác nhận: Người tu trước nhất cần lấy lòng từ bichính niệm để kiểm soát các hành động, từ lời nói, việc làm đến ý nghĩ lúc nào cũng phải giữ thiện lành. Người xuất gia với hình thức đầu tròn áo vuông và được thông qua các cử chỉ hành động theo tứ uy nghi hành - trụ - tọa - ngọa (đi, đứng, ngồi, nằm) trong chính niệm; khi đi tôi biết tôi đang đi, khi đứng tôi biết tôi đang đứng, khi nằm tôi biết tôi đang nằm, khi ngồi tôi biết tôi đang ngồi đều có uy nghi đúng theo giới luật. Như vậy người tu không tạo nên nghiệp xấu ác, do tạo nhiều nghiệp thiện sẽ đem lại sự an vui hạnh phúc cho chính mình trong hiện tạimai sau.

Hòa thượng Phó Chủ tịch khẳng định, một người tu cần phải giữ giới luật một cách nghiêm mật, nhất là phải giữ 250 giới (Tỷ-khiêu), 348 giới (Tỷ-khiêu-ni). “Tuy được phép tham gia mạng xã hội (khế cơ, khế thời), song là để học những cái hay, rút kinh nghiệm những cái dở và không nên đăng những hình ảnh gây phản cảm làm mọi người hiểu lầm, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của người xuất gia, ảnh hưởng xấu đến Phật giáo - vốn đã được xã hội quý trọng - và như vậy sẽ có lỗi với Phật giáo”, Hòa thượng nói.

Theo Hòa thượng Trưởng ban Thông tin-Truyền thông T.Ư GHPGVN, trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, Giáo hội cần khuyến cáo chư tôn đức Tăng Ni sử dụng không gian mạng như là phương tiện truyền bá Phật pháp, học hỏi Phật pháp chứ không thể thay thế được nội dung giáo lý. “Công nghệ chính là phương tiện truyền thông, tốt hay xấu phụ thuộc vào người sử dụng, nếu dùng nó bằng trí tuệ thì công nghệ sẽ trở thành công cụ nâng cao tiềm năng của người đó với Chính pháp; nếu sử dụng không đúng thì người đó sẽ làm hỏng chính mình và hỏng cả hình ảnh đẹp của đạo Phật”.

“Đức Phật chế giới là để Tăng chúng tu hành được an lạc trí tuệhạnh phúc. Ngày nay trên không gian mạng xã hội, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận có một số vị tu sĩ trẻ đã gây ra những điều tiếng, trở thành trung tâm và sự đàm tiếu của nhiều người - tất cả cũng tại vì việc thực hành giới luật, giới đức chúng ta chưa được chú trọng đúng mức, nên các bạn hãy cố gắng giữ gìn, tu theo giới luật, giới đức của Phật để chúng ta xứng đáng là sứ giả của Như Lai”, Hòa thượng khuyên.

N.Hà - H.Tình

Nguồn: Báo Giác Ngộ

https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/05/28/3A4492/



Theo dòng sự kiện (các bài trước):
Tu sĩ và Mạng Xã hội







.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/10/2015(Xem: 17047)
19/02/2014(Xem: 8839)
24/08/2022(Xem: 2391)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.