Ngọn Cờ Đức Phật

01/01/20234:35 SA(Xem: 2236)
Ngọn Cờ Đức Phật

NGỌN CỜ ĐỨC PHẬT
Thích Trung Định

cờ phật giaoNgọn cờ là biểu tượng thiêng liêng của một tổ chức, đoàn thể, một quốc gia, một khu vực hay thế giới. Ngọn cờ mang ý nghĩa đặc thù được kết tinh từ sức mạnh của sự đoàn kết, biểu hiện nền độc lập chủ quyền của một quốc gia hay khu vực. Một quốc gia có một lá cờ riêng biệt thể hiện tính chủ quyền của quốc gia mình trên trường quốc tế. Có được ngọn cờ là phải đánh đổi cả mồ hôi xương máu, tâm sức và trí lực của cả cộng đồng. Do vậy, khi chào ngọn cờ là cúi chào một biểu tượng thiêng liêng của hồn thiêng sông núi. Từ đó khởi lên niềm tự hào để mọi người tiến bước đi lên, dấn thân bảo vệ bảo vật thiêng liêng cao quý ấy. Người phất cao ngọn cờ chính nghĩaquyết tâm bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do. Lá cờ có sức hiệu triệu lòng dân đi theo, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết để chiến thắng thế lực ngoại xâm nhằm bảo vệ non sông gấm vóc.

Cuối thế kỉ XIX cờ Phật giáo được thiết kế nhằm tượng trưngđại diện một cách thống nhất cho Phật giáo và được Phật tử trên khắp thế giới sử dụng. Sáu giải màu nằm dọc trên lá cờ đại diện cho sáu màu sắc của vầng hào quang tỏa ra từ đức Phật Thích-ca khi ngài đạt được Giác ngộ. Năm màu sắc đại diện cho ngũ căn, ngũ lực của Như Lai, đó là Tín. Tấn, Niệm, Định, Huệ.[1]

Ngọn cờ đức Phật biểu trưng cho sức mạnh nội tâm chiến thắng ma quân, xiển dương diệu pháp, cứu độ quần sanh. Sự ra đời và chứng ngộ đạo quả của đức Phật là dương cao ngọn cờ chánh pháp, chánh nhiếp tà pháp, dẹp trừ chướng ma, đưa đường dẫn lối cho chúng sanh đi đến bờ an vui giải thoát. Ngài xuất hiện trên cõi đời giống lên tiếng giống sư tử oai hùng, làm chúng ma khiếp sợ.

Có hai thế lực trên cuộc đời này, đó là thế lực ma và Phật. Nói cách khác là giữa cái thiện và cái ác. Thế lực tà ma là cái ác, khiến cho con người rơi vào u mê, đen tối, đi đến đọa lạc và khổ đau; trong khi thế lực Phật là ánh sáng chân lý, giác ngộ, giải thoát. Khi chúng ta bị thế lực ma đạo tấn công thì hãy hướng tâm đến ngọn cờ đức Phật thì sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược sẽ tiêu diệt.

Tương Ưng Bộ kinh, Kinh Đầu ngọn cờ, đức Phật dạy: “Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ). Rồi Thế Tôn gọi các tỳ-khưu: “Này các tỳ-khưu.” “Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: “Thuở xưa, này các tỳ-khưu, một cuộc chiến dữ dội khởi lên giữa chư thiên và các asura (a-tu-la). Rồi thiên chủ Sakka (Đế-thích) gọi chư thiêncõi trời Tavatiṃsa (Tam thập tam) và nói: ‘Này các ông, khi các ông lâm chiến, nếu sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên; lúc ấy, các ông hãy nhìn nơi đầu ngọn cờ của ta. Khi các ông nhìn lên đầu ngọn cờ của ta, thì sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược sẽ tiêu diệt. “Nếu các ông không nhìn lên đầu ngọn cờ của ta, thời hãy nhìn lên đầu ngọn cờ của thiên vương Pajāpati. Khi các ông nhìn lên đầu ngọn cờ ấy, thì sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược cũng sẽ tiêu diệt. “‘Nếu các ông không nhìn lên đầu ngọn cờ của thiên vương Pajāpati, hãy nhìn lên đầu ngọn cờ của thiên vương Varuṇa … Nếu các ông không nhìn lên đầu ngọn cờ của thiên vương Varuṇa …  Nếu các ông không nhìn lên đầu ngọn cờ của thiên vương  Īsāna … Khi các ông nhìn lên đầu ngọn cờ ấy, thì sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược cũng sẽ tiêu diệt.”

“Này các tỳ-khưu, khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của thiên chủ Sakka, hay của thiên vương Pajāpati, hay của thiên vương Varuṇa, hay của thiên vương Īsāna, thì sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược được khởi lên có thể sẽ tiêu diệt mà cũng có thể sẽ không tiêu diệt. Vì cớ sao? Vì thiên chủ Sakka, thiên vương Varuṇa,  thiên vương Pajāpati  chưa đoạn diệt tham, chưa đoạn diệt sân, chưa đoạn diệt si, còn nhát gan, hoảng hốt, hoảng sợ, hoảng chạy.”

“Nhưng này các tỳ-khưu, Ta nói như sau: ‘Khi các ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến ngôi nhà trống, nếu sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, lúc ấy hãy niệm nhớ đến Ta: ‘Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ  Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Khi các ông niệm nhớ đến Ta, này các tỳ-khưu, thì sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

“Nếu các ông không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: ‘Đây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu’. Khi các ông niệm nhớ đến Pháp, này các tỳ-khưu, thì sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt’.

“Nếu các ông không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: ‘Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là bậc thiện hạnh, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là bậc trực hạnh, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là bậc chánh hạnh; chúng Tăng của đệ tử Thế Tôn là bậc như lý hạnh; tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được hiến dâng, đáng được chào đón, đáng được cúng dường, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời’. Khi các ông niệm nhớ đến chúng Tăng, này các tỳ-khưu, thì sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt’.

“Vì sao? Này các tỳ-khưu, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.”[2]

Khi một bậc đã ly tham, ly sân, ly si thì không có một thế lực nào có thể uy hiếp, làm cho hoảng sợ được. Phần lớn chúng sanh bị tham, sân, si chi phối nên sợ đủ điều. Chúng ta luôn sợ sinh, sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ ân ái chia lìa, sợ cô đơn buồn tủi,…hàng trăm mối lo sợ bủa vây con người nên tâm khởi lên bất an, hoảng hốt, lo sợ. Thành ra, việc tìm kiếm sự an nhiên tự tại giữa cuộc đời này trở nên rất cần thiết. Nhiều người tìm kiếm sự an nhiên không lo sợ bằng sự cầu nguyện, bằng những thú vui hay bằng những tình thương ân sủng. Tuy nhiên, càng tìm kiếm bao nhiêu thì nỗi sợ lo càng nhiều thêm bấy nhiêu. Vì sự tìm kiếm đó vẫn còn bị tam độc tham, sân, si chi phối. Bởi nó là triền cáikiết sử. Triền cái thì che đậy, kiết sử thì trói buộc. Quay trở về nương tựa ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng là chỗ nương tựa an ổn nhất trên cuộc đời này. Người con Phật tìm sự an vui từ bên trong chính mình, lấy lời Phật áp dụng để chế ngự tâm, loại bỏ dần tham lam, giận hờn và ngu muội, thì khi ấy tâm an nhiên như tảng đá kiên cố; hết buồn, giận, sợ, lo, vui trong niềm vui giải thoát.

Ghi chú:
[1] Cờ Phật giáo, https://vi.wikipedia.org/wiki/
[2] Thích Minh Châu, dịch, Tương Ưng bộ kinh, Kinh Đầu ngọn cờ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2016, tr. 336-337. 
Báo Giác Ngộ số 1183
 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/10/2015(Xem: 17036)
19/02/2014(Xem: 8822)
24/08/2022(Xem: 2375)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?