Dị bộ tông luân luận

24/11/20163:21 CH(Xem: 10041)
Dị bộ tông luân luận

 DỊ BỘ TÔNG LUÂN LUẬN:
Một luận thư không thể thiếu  
trong việc nghiên cứu Phật học
Thích Giác Hoàng | Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

thich giac hoangDị Bộ Tông Luân Luận (異 部 宗 輪 論, viết tắt là DBTLL) là một trong những luận thư trong Hán tạng liệt kê đầy đủ nhất các quan điểm của 20 bộ phái Phật giáo xuất hiện khoảng sau hơn 100 đến 300 năm sau Phật Niết-bàn. Muốn biết rõ về quan điểm của các bộ phái Phật giáo trong giai đoạn chuyển tiếp từ Nguyên Thủy qua Đại Thừa, chúng ta không thể không nghiên cứu các nguyên nhân phân phái và những tư tưởng căn bản của các bộ phái. Do đó, Học viện PGVN tại TP. HCM đã chọn luận thư này để giảng dạy cho sinh viên cử nhân khoa Triết học Phật giáo năm 4.

Luận này do ngài Huyền Trang (602-664) đời nhà Đường dịch, số 2031 trong Sử Truyện Bộ, tập 49 trong 85 tập như ấn bản Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (ĐC), gồm 3844 chữ. Có 2 bản dịch được xem là tương đương: (1) Thập Bát Bộ Luận 十八 部 論 (2032) và (2) Bộ Chấp Dị Luận 部 執 異 論 (2033). Dựa theo Đại Chánh hiện nay thì cả hai đều do ngài Chân Đế (真 諦, Paramartha: 499 - 569) đời nhà Trần dịch.

Hòa thượng Trí Quang trong dịch phẩm Dị Tông Luận[1] và Tao-Wei Liang trong công trình nghiên cứu A Study on the I-Pu-Tsung-Lun-Lun ấn hành trên tạp chí Phật giáo Hoa Cương (Hua-Kang Buddhist Journal) năm 1972[2] cho rằng Thập Bát Bộ Luận (2032) khuyết danh, ức đoán bản dịch này ra đời vào thời Diêu Tần. TT. Hạnh Bình trong Chú Giải Dị Bộ Tông Luân Luận[3] cho rằng theo giới nghiên cứu bản dịch này của ngài La Thập. DBTLLBộ Chấp Dị Luận có nội dung giống nhau đến 95%, phần lớn chỉ khác về cách dùng từ và ngữ pháp, còn Thập Bát Bộ Luận khác biệt rất nhiều so với hai bản kia.

Về tác giả, Thế Hữu (Vasumitra) luận sư là ai, xuất thân từ tông phái nào vẫn chưa tìm được sự đồng nhất giữa các nhà nghiên cứu. Theo Tao-Wei Liang trong A Study on the I-Pu-Tsung-Lun-Lun, trong các tác giả luận thư Phật giáo có tất cả 5 Vasumitra, nhưng Vasumitra được các nhà nghiên cứu Trung Hoa cho là sống vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Phật Niết-bàn, là một trong những luận sư biên tập Đại Tỳ Bà Sa Luận (Mahāvibhāsa Śastra) dưới thời vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka). HT. Trí Quang trong Dị Tông Luận lại không đồng ý với quan điểm trên. Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang (Tập II), tr. 1061, Ngài Vasumitra viết Dị Bộ sống vào khoảng thế kỷ thứ I, II TL. Niên đại của hoàng đế Kaniska vẫn còn là vấn đề đang được thảo luận giữa các học giả, được cho là khoảng cuối thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ hai. Người viết cho rằng Thế Hữu là người chủ trì cho kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 4. Lúc bấy giờ ngài Mã Minh (Asvaghosa) được mời từ Sāketa đến để soạn thảo luận thư là Phó chủ tọa cùng với sự tham dự của 500 tu sĩ của các tông phái sống vào khoảng hạ bán thế kỷ thứ nhất như Giáo sư Anukul Chandra Baneryee trong cuốn 2500 năm Phật giáo.[4]  

Nội dung bản luận vô cùng phong phú, liệt kê các quan điểm căn bản của các bộ phái để từ đó chúng ta có thể hình dung được diện mạo của Phật giáo lúc đó như thế nào, quá trình hình thành nên hệ tư tưởng hoàn chỉnh của từng bộ phái, và đó cũng là đường băng cho hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa cất cánh. Nội dung xoay quanh bốn nhóm chính:  

(1) Quan điểm về thân tướng, thọ mạngoai đức của Đức Phật.

(2) Quan điểm về nghiệp lựcnguyện lực của một vị Bồ-tát.

(3) Quan điểm về quá trình tu chứngquả vị của các vị Thanh Văn.

(4) Các vấn đề khác như thân trung ấm, nghiệp lực, căn-trần-thức, chủng tử, tâm và tâm sở, tuỳ miên, kiết sử, triền phược, bổ-đặc-già-la, phước đức, pháp tháp, thiền chứng, Bát Chánh đạo, vô vi, v.v…

Việc nghiên cứu luận thư này đòi hỏi chúng ta phải làm việc hết sức cẩn trọng vì rất có thể chúng ta sẽ hiểu lầm quan điểm, tư tưởng của một bộ phái nào đó và có thái độ nhận thức, đánh giá thiên lệch, không đúng với bản chất của bộ phái Phật giáo đó lúc bấy giờ. Hiện nay chúng ta có bốn công trình tiếng Việt để nghiên cứu:

(1) Dị Tông Luận (DTL) - Bản dịch của HT. Trí Quang dựa trên nguyên tác của ngài Huyền Trang, lời tự thuật của ngài Huyền Trang và những chú thích riêng của Hòa thượng với một số câu được dịch từ ngài Khuy Cơ để so sánh, làm nổi bật được vấn đề.

(2) Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa (CBPPGTT) của André Bareau do Pháp Hiền dịch (Hà Nội, NXB Tôn Giáo, 2002) là một công trình nghiên cứu được dịch từ bản tiếng Pháp dựa trên DBTLL của ngài Huyền Trang, Bộ Chấp Dị Luận của Chân Đế, sớ giải của Khuy Cơ, mà còn dựa vào Những Điểm Dị Biệt của Moggaliputta Tissa. Riêng về phần sử học của các bộ phái, có thể nói CBPPGTT công trình nghiên cứu rất đầy đủ và chi tiết nói về 20 bộ phái so với các nguồn tài liệu khác.

(3) Chú giải Dị bộ Tông Luân Luận (CGDBTLL) của TT. Hạnh Bình dựa trên bản dịch của ngài Huyền Trang. Thượng tọa giải thích một số danh từ riêng, thuật ngữ, đối chiếu với Thập Bát Bộ LuậnBộ Chấp Dị Luận cũng như thể hiện quan điểm của mình với quan điểm của Nam truyền Phật giáo trên cơ sở dữ liệu bằng tiếng Hoa; đính kèm trong tác phẩm này là bản dịch của Thập Bát Bộ Luận, Bộ Chấp Dị Luận. Dị Bộ Tông Tinh Thích của Thanh Biện (Bavya) và Dị Bộ Thuyết Tập của Điều Phục Thiên (Vinitadeva) bằng tiếng Tây Tạng được dịch sang Nhật ngữ, và cư sĩ Nguyên Hồng dịch từ Nhật ngữ sang Việt ngữ, được in chung trong bộ chú giải này.

(4) Bản dịch Dị Bộ Tông Luân Luận của Tăng sinh Nguyên Tuấn (sinh viên khoa Triết học Phật giáo khóa VI) đã dịch trong quá trình học môn này tại lớp và đăng tải trên trang www.hoalinhthoai.com năm 2008.

Với bốn bản dịch hiện có, nếu chúng ta đem đối chiếu thì có nhiều điểm khác biệt giữa các danh từ được phiên âm, và nội dung được dịch. Sự khác biệt này có thể làm cho một số người học, nghiên cứu hạn chế Hán ngữ có thể bị bối rối, không biết cách phiên âm và cách dịch nào đúng, chính xác. Sau đây là một số thí dụ điển hình:

Về cách phiên âm tiếng Việt, căn cứ trên DBTLL

部: HT. Trí Quang: Hiền Trụ Bộ; TT. Hạnh Bình: Hiền Ty Bộ; Pháp Hiền: Hiền Trụ Bộ; Nguyên Tuấn: Hiền Trụ Bộ.

Cũng với chữ đó, nhưng trong bản chữ Hán của ngài Chân Đế lại viết: 賢 乘 部. Như vậy, cách phiên âm từ chữ Bhadrayānika giữa hai dịch giả nổi tiếng Trung Quốc có sự khác biệt. Điều này dễ hiểu vì cách phiên âm ở mỗi vùng khác nhau, nên cách dịch và phiên âm từ một Phạn ngữ có sự khác biệt là điều tất yếu. Còn cách phiên âm chữ Hán sang Việt của các dịch giả Việt Nam có lẽ nên đồng nhất là hay hơn.

Về dịch nghĩa. Trường hợp 1:

Huyền Trang: 佛 化 有 情 令 生 淨 信 無 厭 足 心 (Phật hóa hữu tình linh sanh tịnh tín vô yểm túc tâm).

Chân Đế: 如 來 教 化 眾 生 。令 生 樂 信 無 厭 足 心 。(Như Lai giáo hóa chúng sanh linh sanh nhạo tín vô yểm túc tâm).

HT. Trí Quang: Chư Như Lai không có tâm lý thấy chán thấy đủ trong sự giáo hóa chúng sinh cho họ có đức tin trong sáng.

TT. Hạnh Bình (tr. 37): Phật vì mục đích giáo hóa loài hữu tình khiến cho họ khởi lòng tin trong sạch (tịnh tín) và không sanh tâm nhàm chán (đối với Phật pháp).

Pháp Hiền (tr. 108): Đức Phật không có ý nghĩ là đã đủ, trong việc hóa độ chúng sinh và làm nẩy sinh nơi họ niềm tin (sraddha) thuần tịnh (suddha).

Nguyên Tuấn: Chư Phật hóa độ các loài hữu tình khiến sanh lòng tịnh tín nhưng các Ngài không có tâm chán ngán hoặc thỏa mãn.

Như vậy bản dịch của TT. Hạnh Bình khác với 3 bản còn lại.

Trường hợp 2:

Huyền Trang: 佛 無 睡 夢 (Phật vô thùy mộng).  

Chân Đế:如 來 常 無 睡 眠 (Như Lai thường vô thùy miên).

HT. Trí Quang:  Chư Như Lai không ngủ và không mộng mị.

TT. Hạnh Bình (tr. 37): Trong khi ngủ Phật không có mộng mị.

Pháp Hiền (tr. 109): Đức Phật không ngủ (svapna) cũng không mộng mị.

Nguyên Tuấn: Đức Phật không có ngủ và nằm mộng.

Như vậy bản dịch của TT. Hạnh Bình trong trường hợp này cũng khác với ba bản dịch kia và đi sát với nội dung của nguyên tác.

Trường hợp 3:   

Huyền Trang: 無 世 間 正 見。無 世 間 信 根 。

Chân Đế: BCDL: 世 間 無 正 見 。 世 間 無 信 根 。

HT. Trí Quang: Không có cái gọi là chánh kiến thế gian, không có cái gọi là tín căn thế gian.

TT. Hạnh Bình (tr. 40): Ở thế gian không có người có chánh kiến (laukikasamyagrsa – nasti), ở thế gian không có người có niềm tin (laukikasradhendriya – nasti).

Pháp Hiền (tr. 123): Không có chánh kiến (samyakdrsti) thế tục (laukika) cũng như tín căn (sraddhedriya) thế tục.

Nguyên Tuấn: Không có chánh kiến thế gian, không có tín căn thế gian.

Như vậy, bản dịch của TT. Hạnh Bình cũng khác với 3 bản dịch kia, nhưng lại đúng nghĩa với bản Hán văn của ngài Chân Đế.

Nếu chúng ta so sánh từng câu trong nguyên tác giữa DBTLLBCDL bằng Hán văn hoặc là các bản sớ giải nữa, rồi so sánh các bản dịch của các dịch giả Việt Nam, chúng ta sẽ khám phá rất nhiều điều thú vị và có khi đến ngỡ ngàng. Trên đây là vài trường hợp điển hình trong việc so sánh, nếu áp dụng kiểu so sánh như vậy cho toàn bản dịch, chúng ta có đến cả 100 quan điểm khác biệt như trường hợp vừa nêu.

Ở đây, chúng ta không nói đến cách phiên âm, dịch nghĩa và quan điểm nào đúng sai, chỉ trình bày những điểm bất đồng trong ngôn ngữ Hán và Việt để từ đó chúng ta rút ra bài học. Muốn nghiên cứu sâu quan điểm của các bộ phái, chúng ta không thể dựa vào một tác phẩm độc nhất để nghiên cứu rồi cho rằng cách dịch và quan điểm đó đúng với hệ tư tưởng của bộ phái nào đó.

Do đó, việc nghiên cứu chuyên sâu đòi hỏi chúng ta phải có công cụ để khai thác. Công cụ đó là ngôn ngữ Pali, Sanskrit (Sanskrit gồm nhiều thể loại: Sanskrit gốc, Sanskrit lai tạo), Prakrit, Hán ngữ, Tạng ngữ. Mặc dù một số bản văn như DBTLL không tìm thấy được nguyên tác bằng ngôn ngữ gốc của nó, nhưng nếu chúng ta biết được ngôn ngữ xưa chắc chắn sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều về cách lý giải một số thuật ngữ mà cách chuyển dịch ngày nay có thể chưa đạt ý. Ngoài ra, văn ngôn bạch thoại hiện đại, Anh ngữ cũng là ngôn ngữ cần được trang bị để chúng ta có thể đào sâu vào những bản sớ giải và dịch giải của các nhà nghiên cứu nổi tiếng. Ví dụ, muốn nghiên cứu DBTLL tốt, chúng tathể tham khảo Dị Bộ Tông Luân Luận Thuật Ký 異 部 宗 輪 論 述 記 (No. 844) của ngài Khuy Cơ, hoặc là 讀「異 部 宗 輪 論 述 記」của học giả Lương Khải Siêu. Nếu chúng ta muốn nghiên cứu Dị Bộ Tông Tinh Thích của Thanh Biện (Bavya) và Dị Bộ Thuyết Tập của Điều Phục Thiên (Vinitadeva) bằng nguyên tác Tạng ngữ hoặc bằng tiếng Nhật, mặc dù đã có bản dịch của cư sĩ Nguyên Hồng, nhưng biết thêm Tạng ngữ và Nhật ngữ vẫn không thừa. Do đó, việc dạy cổ ngữ chuyên sâu và sinh ngữ ở cấp Đại học cho sinh viên ngành Phật học là điều không thể thiếu đối với hệ thống giáo dục Phật giáo.

Việc nghiên cứu DBTLL là điều vô cùng thiết yếu đối với những sinh viên khoa cử nhân Phật học về văn học sửtriết học. Đối với những sinh viên Cao học, thiếu kiến thức nền tảng này sẽ rất lúng túng khi nghiên cứu về quan điểm của các bộ phái và dễ rơi vào thiên kiến, không thấy được tổng thể bức tranh của Phật giáo bộ phái như thế nào. Riêng khoa Pali có học tác phẩm Những Điểm Dị Biệt (Kathāvatthu),[5] do ngài Moggaliputta Tissa chủ tọa kết tậpluận giải, được xem là tác phẩm quan trọng tương đương như DBTLL. Những Điểm Dị Biệt như tựa đề của nó, đưa ra các quan điểm của đối phương và so sánh với quan điểm căn bản của mình. Thời điểm để biên tập luận thư này là kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 3 do pháp vương Asoka ngoại hộ, khoảng 250 trước TL, còn DBTLL là luận thư do ngài Thế Hữu, chủ tọa cho kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 4 tại Ấn Độ kết tập khoảng 150 TL dưới sự bảo trợ của vua Kaniska, liệt kê các quan điểm của các bộ phái, chỉ làm nhiệm vụ ghi nhận, không đánh giá, để người đọc tự suy ngẫm và đúc kết. Hai tác phẩm này đều là tác phẩm đúc kết những bước ngoặc quan trọng trong dòng chảy lịch sử tư tưởng Phật giáo, tạo tiền đề cho những luận thư khác ra đời, do đó, chúng ta không thể xem nhẹ và lãng quên.

---------------------------

* Bài đã đăng trên Tạp chí Thế giới Phật giáo số 1. Vào thời đó, chúng tôi chưa phát hiện ra tác phẩm Những con đường đưa về Núi Thứu của HT. Thích Nhất Hạnh xuất bản năm 2013.

Bài đọc thêm:
Dị bộ tông luân luận (Thích Nguyên Tuấn)
Dị bộ tông luân luận (Thích Giác Hoàng)
Dị tông luận (Thích Trí Quang)



[1] Bản dịch xuất bản năm 1984. Xem ấn bản điện tử trên trang www.daophatngaynay.com

[2] http://www.chibs.edu.tw

[3]  Nhà Xuất bản Phương Đông, 2011, tr. 8.

[4] Nguyễn Đức Tư - Hữu Song (dịch), 2500 năm Phật giáo (2500 Years of Buddhim), 2002, Nxb Văn Hóa - Thông Tin, tr.110.

 

[5] Bản dịch tiếng Việt của Tâm An và Minh Tuệ, TP. HCM, Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo Thành Phố HCM, 1988. 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/01/2019(Xem: 9192)
04/12/2020(Xem: 5222)
11/01/2013(Xem: 19519)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.