Bước Đầu Thử Nhận Xét Mấy Nét Tâm Lý Của Người Tín Đồ Cao Đài - Lê Anh Dũng

22/02/201112:00 SA(Xem: 22796)
Bước Đầu Thử Nhận Xét Mấy Nét Tâm Lý Của Người Tín Đồ Cao Đài - Lê Anh Dũng


BƯỚC ĐẦU THỬ NHẬN XÉT

MẤY NÉT TÂM LÝ CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI
Anh Dũng



Chính thức ra đời từ tháng 11-1926 với một lễ rất long trọng (gọi là Khai minh Đại đạo) tại chùa Gò Kén, làng Long Thành,[1] đạo Cao Đài dần dần hình thành những cộng đồng Cao Đài khác nhau trong lịch sử phát triển của nền tôn giáo bản địa mới mẻ. Mỗi cộng đồng bao gồm nhiều tín đồ với những sinh hoạt tu hành lâu đời kết tập. Sự thấm nhuần giáo lý và hàm dưỡng trong việc thực hành pháp môn trải qua thời gian mấy mươi năm đã hình thành những sắc thái riêng trong nếp nghĩ, trong hành vi, trong tình cảm của các tín đồ Cao Đài. Như vậy là có tâm lý của người tín đồ Cao Đài, nếu hiểu thật đơn giản rằng: Tâm lý là những đặc điểm về tình cảm và hành vi của một cá nhân, một nhóm người, hay một hoạt động.[2]

Khi nghiên cứu tâm lý của người tín đồ Cao Đài, cũng cần lưu ý rằng:

1. Nghiên cứu tâm lý của người tín đồ Cao Đài khác với nghiên cứu những đặc điểm tâm lý của cộng đồng dân cư Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 20 đã khiến cho dân Nam Kỳ mau lẹ và đông đảo đi theo đạo Cao Đài.[3]

2. Qua nghiên cứu tâm lý của người tín đồ Cao Đài cũng có thể nhận diện được một số đặc điểm tâm lý dân tộc của người Việt, bởi lẽ đông đảo tín đồ Cao Đài qua gần tám thập niên đã có mặt khắp đất nước, từ hầu hết các tỉnh trong Nam ra miền Trung, rồi Hà Nội và một số tỉnh, thành miền Bắc, nghĩa là đã trở thành một phần của cộng đồng cư dân Việt Nam.

°
Phần đông người tín đồ Cao Đài rất dễ mủi lòng. Những khi đọc thánh giáo hay nhắc lại thánh ngôn, họ rất dễ xúc động một cách chân thành, có thể ứa nước mắt một cách tự nhiên. Có dịp dự các buổi thuyết minh giáo lý ở các thánh thất, thánh tịnh, v.v... thính giả sẽ có dịp chứng kiến những giọt lệ, hoặc trên mặt thuyết trình viên đang đứng ở bục giảng, hoặc trên mặt người nghe đang ngồi ở các hàng ghế trong hội trường.
Cho nên, nếu muốn xét xem một tín đồ Cao Đài có còn mặn mà với Đạo hay không, có thể chú ý tới phản ứng tình cảm, tâm lý của họ những khi đọc, nghe, nhắc tới lời dạy trong thánh giáo, thánh ngôn Cao Đài.
Ngoài đặc điểm tâm lý này, thử xem còn có cái gì khác cũng là nét tâm lý của người tín đồ Cao Đài. Ở đây tạm nêu ra năm nét lớn, dễ nhận thấy. Chắc chắn ngần ấy vẫn chưa đủ, và cách gọi tên cho năm nét tâm lý này có thể chưa chuẩn xác lắm, cần được bổ túc và sửa chữa sau này.
I. Tính mở (openess)
Tính mở bắt nguồn từ truyền thống khoan dung tôn giáo (religious tolerance) của người Việt, từ truyền thống Tam giáo đồng nguyên như một hệ quả của cuộc giao lưu văn hóa Việt-Hoa. [4]
Tính mở cũng bắt nguồn từ đặc điểm địa lý, đặc điểm đa văn hóa và đa tín ngưỡng của Nam Kỳ, cái nôi của đạo Cao Đài. [5]
Tính mở cũng bắt nguồn từ chủ trương vạn giáo nhất lý của đạo Cao Đài, từ chủ trương rằng tất cả giáo chủ, giáo thuyết đều có một nguồn cội là Thượng đế. Tại chùa Vĩnh Nguyên (làng Long An, quận Cần Giộc, tỉnh Chợ Lớn), [6] ngày 07-4-1926 đức Cao Đài dạy: 
Ngọc Hoàng Thượng đế 
viết Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát
Nhiên Đăng Cổ phật thị Ngã. 
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã. 
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã. 
Kim viết Cao Đài. [7]
(Ngọc Hoàng Thượng đế 
tức là Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát
Nhiên Đăng Cổ phật là Ta. 
Thích Ca Mâu Ni là Ta. 
Thái Thượng Nguơn Thỉ là Ta. 
Nay gọi là Cao Đài.)
Tính mở cũng bắt nguồn từ tính tổng hợp với chủ trương kết tinh kim cổ dung hòa đông tây của giáo lý Cao Đài. [8]
· Mặt tích cực của tính mở
Khi đã chấp nhận giáo chủ Cao Đài (Trời) cũng là Thích Ca (Phật), là Thái Thượng (Lão), v.v...; khi đã chấp nhận một Thiên bàn (bàn thờ Cao Đài) trên thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (Trời, tượng trưng bằng Thiên nhãn), bên dưới là Tam giáo Tổ sư (Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử), Tam trấn Oai nghiêm đại diện cho Tam giáo (Quan Âm, Lý Thái Bạch, Quan Thánh), Chúa Giê-xu (Thánh đạo) và Khương Thái công (Thần đạo), thì rõ ràng người tín đồ Cao Đài không thể dị ứng với các giáo lý, tín ngưỡng khác. Cho nên không lạ khi thấy một trong những ấn phẩm đầu tiên của đạo Cao Đài, ra đời ngày 15-10-1926, là Phổ cáo chúng sanh Đại đạo Tam kỳ phổ độ, ngoài bìa vẽ hình Thích Ca ngồi giữa, hai bên là Khổng TửLão Tử.[9]
Thế nên, khi đứng trước một bàn thờ hay tượng thờ của một tôn giáo khác, người tín đồ Cao Đài cũng thành kính tự nhiên như lúc đối diện với thánh tượng Thiên nhãn trên thiên bàn của tôn giáo mình. 
Cũng vậy, khi nói chuyện giáo lý, người tín đồ Cao Đài không hề tự gò bó mình, không tự giới hạn mình trong nguồn thánh giáo Cao Đàitrái lại họ thường có xu thế viện dẫn một cách thích thútự nhiên các điển tích thông dụng của Nho, Thích, Lão, Gia Tô giáo...[10]
Với tính mở của mình, người tín đồ Cao Đài sẵn có ưu điểm rất nhân bản là họ không thể mắc phải tệ phân biệt, kỳ thị tín ngưỡng, văn hóa, chủng tộc...
II. Tính nhiệt thành (enthusiasm)
1. Tính nhiệt thành bắt nguồn từ ý thức hăng say làm công quả. Công quảphụng sự vô vị lợi cho người khác. Giáo lý Cao Đài đề cao công quả, dạy rằng thế gian là trường thi công quả; con người muốn thi đậu (thành tiên phật) thì phải làm công quả. Không công quả, không tìm cách giúp đời, trả nợ nhân quần thì không mong giải thoát.
Tại thánh thất Cầu Kho, ngày 05-3-1927, đức Cao Đài dạy: “Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào Đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo [công phu: tu thiền, tịnh luyện]. Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế này thì tìm cách khác mà làm âm chất...”.[11]
2. Trong nhiều hình thức công quả có một công quả rất lớn là “độ” [12] cho người khác cũng giác ngộ để vào Đạo tu học (nhập môn), và mỗi một tín đồ cần độ ít nhất là mười hai người vào Đạo, thực hành lời dạy của đức Cao Đài ngày 27-8-1926 (20-7 Bính Dần): “... buộc mỗi đứa phải độ cho đặng ít nữa là mười hai người.” [13] Đó cũng là yếu tố khiến cho hầu hết tín đồ Cao Đài thường có tính nhiệt thành truyền giáo (enthusiasm for proselytization) cho dù họ không phải là giáo sĩ được đào tạo chuyên nghiệp.
· Mặt tích cực của tính nhiệt thành
a. Tính nhiệt thành công quả khiến cho người tín đồ Cao Đài giàu tinh thần làm công tác xã hội một cách vô vị lợi (nếu như có mong lợi, cũng chỉ là mong về tâm linh, được giải thoát, hoặc hưởng phước vô vi, tạo âm chất...). Trong một xã hội từng bị chiến tranh tàn phá, nhiều cảnh nghèo đói và thương đau, tính nhiệt thành công quả này có mặt rất tích cực là giúp đỡ đồng đạo và đồng bào ruột thịt. Đối với tín đồ Cao Đài đó là nhân đạo làm nền tảng cho thiên đạo: Dục tu thiên đạo, tiên tu nhân đạo; nhân đạo bất tu, thiên đạo viễn hỹ. (Muốn tu đạo trời [giải thoát] trước nên tu đạo làm người; không tu đạo làm người thì cách xa đạo trời vậy.)
Ngày 20-02-1926 đức Cao Đài dạy: 
Vào vòng huynh đệ khá thương nhau,
Một đức trổi hơn một phẩm cao. 
Chí quyết thiên đường men bước tới
Phải nhiều máu thịt mới đồng bào. [14]
b. Tính nhiệt thành truyền giáo khiến cho người tín đồ Cao Đài sẵn tinh thần xả thân hành đạo, do đó đạo Cao Đài phát triển nhanh về quy mô ngay trong buổi sơ khai. Tổ chức giáo hội (hội thánh) non trẻ không giàu về tiền bạc, nghèo cả về cơ sở vật chất, thế mà mỗi khi có một công cuộc gì lớn lao thì bổn đạo tự nguyện gom sức người sức của vào rất mau và rất hăng hái. [15]
III. Tính kham nhẫn lạc quan (optimistic patience)
1. Tính kham nhẫn lạc quan của người tín đồ bắt nguồn từ sự thấm nhuầnnhị nguyên (dualism) trong giáo lý Cao Đài, rằng muôn việc chi ở thế gian cũng là song hành hai mặt tương phản, [16] cho nên nỗi khổ đau không thể tách rời khỏi niềm hạnh phúc. Tính kham nhẫn lạc quan cũng bắt nguồn từ đức tin về luật nhân quả: con người phải trả quả cho các nhân xấu trong kiếp trước, thậm chí nếu muốn mau trả hết nghiệp quả trong kiếp này để chóng sạch nợ tiền khiên, sớm được nhẹ nhàng giải thoát về cõi trời thì phải chịu nhồi quả, tức là thay vì dần dần trả nợ góp, phải trả dồn dập một lần cả vốn lẫn lãi, thế nên thân thế đành chịu vô cùng lao đao, điên đảo... Trong bài Kinh hộ mạng của tín đồ Cao Đài có hai câu kết phản ánh rất rõ tính kham nhẫn lạc quan này:
Cam lòng với cảnh thuyền xê, 
Có Thầy [Trời] con trẻ ủ ê chi mà.
2. Với đức tin tuyệt đối nơi Trời và luật nhân quả, người tín đồ Cao Đài hiểu thêm rằng mọi nghịch cảnh mà họ giáp mặt hôm nay không hề là chuyện vô căn vô cớ. Nếu chẳng vì trả nợ nần kiếp trước thì cũng là sự thử thách tâm chí can trường của người tu cho xứng đáng là học trò đủ đầy đạo hạnh của Thượng đế. Ngày 13-3-1926 đức Cao Đài dạy:
 “Muốn xứng đáng làm môn đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn đệ của Thầy thì là Bạch ngọc kinh [nơi Thượng đế ngự] mới chịu rước, còn ngã thì cửa địa ngục lại mời. Thương thương, ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi!
 “Bởi vậy cho nên Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai quỷ dỗ dành. Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình: chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi giục chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp; chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con.” [17]
· Mặt tích cực của tính kham nhẫn lạc quan
Do tính kham nhẫn lạc quan người tín đồ Cao Đài khi đối mặt với nghịch cảnh, cho dù phũ phàng nhất, vẫn có thể cam lòng ẩn nhẫn sống, gìn giữ thân mạng để tu hành. Có thể nói rằng thái độ bi quan, tuyệt vọng đến mức phải tự tử là việc rất hiếm thấy trong cộng đồng Cao Đài.
IV. Tính dân chủ hay bình đẳng (characteristic of democracy or equality)
Mặc dù hội thánh Cao Đài được thiết lập với hệ thống chức sắc, giáo phẩm tinh vi, mang tính tổ chức vững chắc,[18] nhưng trong thực chất đạo Cao Đài là một cộng đồng mang tính gia đình rất sâu đậm. Cơ cấu thấp nhất của hành chánh đạo (Caodaist administration) là thánh thất (nhà thánh, holy house), và ngày 18-9-1926 nó được đức Cao Đài định nghĩa: “Thầy đã lập thành thánh thất, nơi ấy là nhà chung của các con...” [19]
Tính dân chủ hay bình đẳng trong tâm lý của người tín đồ Cao Đài đã bắt nguồn từ tính gia đình sẵn tiềm tàng trong tổ chức Hội thánh, trong cách xưng hô giữa các đấng Thiêng liêng với tín đồ, giữa đồng đạo với nhau
Theo luật lệ Cao Đài (Tân luật), các chức sắc đối với tín đồanh chị lớn đối với em nhỏ; phẩm Giáo tông (Pope) cao tột trong hệ thống Cửu trùng đài cũng chỉ là Anh Cả...[20] Trong cách xưng hô giữa tín đồ với nhau, tùy theo vai vế, tuổi tác mà gọi bạn đạo là anh lớn, chị lớn, đạo huynh, đạo tỷ, đạo đệ, đạo muội. 
Đến như đấng Giáo chủ Cao Đài là Trời, là Ngọc Hoàng Thượng đế mỗi khi đến với tín đồ vẫn chỉ xưng mình là Thầy, là Cha; các tiên thánh, bồ tát đến dạy đạo cũng gọi tín đồ là hiền đệ, hiền muội, coi những kẻ phàm trần ấy là em trong nhà. 
Với tín đồ Cao Đài, đức Diêu Trì Kim mẫu (Phật mẫu) là Mẹ và khi vào đền Phật mẫu chầu lễ Mẹ, các chức sắc không được mặc áo mão (phẩm phục), tất cả chỉ mặc quần và áo dài trắng, chỉ đội khăn đóng đen (phái nam) hay lúp trắng (khăn vải trùm đầu phái nữ), [21] đơn sơ như một tín đồ thông thường. Ý nghĩa căn bản của quy tắc này là: khi về với Mẹ, tất cả con cái đều ngang hàng như nhau.
· Mặt tích cực của tính dân chủ hay bình đẳng
Tính dân chủ hay bình đẳng trong cộng đồng Cao Đài khiến cho trong mối quan hệ giữa cấp dưới với cấp trên không có sự sợ sệt, quỵ lụy. Hệ quả là lòng tôn kính, tùng phục đàn anh đàn chị trong đạo Cao Đài không phải do hình thức áo mão, chức vụ (phần bên ngoài) mang lại mà chính là do tình thương chân thật, do đạo hạnh gương mẫu và tâm đức ngời sáng của đàn anh đàn chị (phần bên trong)...
V. Tính lãng mạn (romantic characteristic)
1. Lãng mạn được hiểu theo nghĩa là “có nhiều tư tưởng lý tưởng hóa hiện thực và nuôi nhiều ước mơ về tương lai xa xôi.” [22] Tính lãng mạn của người tín đồ Cao Đài sớm có ngay từ khi mới hình thành nền tôn giáo, được nuôi dưỡngcủng cố bằng đức tin mãnh liệt với các thánh giáo Cao Đài đặc biệt nói trước về một tương lai kỳ vĩ, không riêng cho dân tộc Việt Nam mà sẽ từ cái nôi Việt Nam lan rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới, cho cả nhân loại cùng hạnh hưởng.
Phụng gáy non Nam, Đạo trổ mòi,
Trổ mòi nhơn vật bốn phương trời.
Trời Âu biển Á chờ thay sắc,
Sắc trắng mây lành phủ khắp nơi. [23]
2. Tính lãng mạn của người tín đồ Cao Đài bắt nguồn từ tình dân tộc, lòng yêu nước. Trong khi đất nước Việt Nam vẫn còn đang bị thực dân Pháp chia làm ba mảnh là Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, thì ngày Rằm tháng 9 năm Bính Dần (21-10-1926), người tín đồ đã được đức Cao Đài (Thầy) dạy rằng:
Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền Chơn đạo một mình Ta. [24]
3. Tính lãng mạn ấy cũng bắt nguồn từ lòng tự hào dân tộc. Ngay từ giữa thập niên 20 của thế kỷ 20, những người đang mang thân phận một dân tộc nô lệ dưới ách thống trị xiềng xích của thực dân Pháp lại được đức Cao Đài dạy rằng tuy nhược tiểu, tuy mất nước, nhưng Việt Nam sẽ sớm mở hội Niết bàn, tức là sẽ có một cảnh thiên đàng tại thế:
Hảo Nam bang! Hảo Nam bang!
Tiểu quốc tảo khai hội Niết bàn. [25]
(Tốt thay nước Nam! Tốt thay nước Nam! 
Nước nhỏ mà sớm mở hội Niết bàn.)
Đến với một tôn giáo trẻ, người tín đồ Cao Đài đã sớm được thánh giáo gieo đức tin rằng đạo Cao Đài mai sau sẽ là Quốc đạo, sẽ là đạo riêng của nước Nam. Đức Cao Đài dạy:
Từ thử nước Nam chẳng đạo nhà,
Nay Ta gầy dựng lập nên ra. [26]
Ngày 18-9-1926: “Từ đây trong nước Nam duy có một Đạo chơn thật là Đạo [mà] Thầy [đức Cao Đài] đã đến lập cho các con, gọi là Quấc đạo.” [27]
4. Tính lãng mạn của người tín đồ Cao Đài cũng bắt nguồn ở đức tin rằng đạo Cao Đài (Đại đạo Tam kỳ Phổ độ) là phương tiện cứu độ sau cùng của nhân loại do Trời ban riêng cho dân tộc được chọn và dân tộc này có sứ mạng rất trọng đạivinh dự trong Tam kỳ Phổ độ là phải cứu độ toàn nhân loại. Đức Cao Đài dạy:
Ngày 25-7-1926: “... trong Tam kỳ Phổ độ nầy các con phải độ rỗi cả nhơn loại khắp cả năm châu...” [28]
Ngày 13-12-1926: “Vốn Thầy lập nền chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu.” [29]
Ngày 17-01-1927: “Thầy lại đến lập trong nước các con một nền chánh đạo đủ tư cách độ rỗi chúng sanh. Các con và cả dân tộc các con vì nơi Đạo mà đặng đoạt đến phẩm vị cao thượng...” [30]
· Mặt tích cực của tính lãng mạn
Có đặt mình vào xã hội Nam Kỳ thời thuộc địa thì sẽ thấy mặt tích cực nơi tính lãng mạn của người tín đồ Cao Đài. Tính lãng mạn này thỏa mãn những ức chế của người dân mất nước, đánh mạnh vào lòng tự hào của một dân tộc bất khuất và nuôi dưỡng ước vọng muốn được giải phóng để dân tộc ngửng cao đầu cùng năm châu bốn bể, rồi sẽ còn đem phong hóa nước Nam ảnh hưởng tới các dân tộc khác. Có thể nói rằng, tính lãng mạn trong thánh giáo Cao Đài hay trong tâm hồn người tín đồ Cao Đài cũng là một biểu hiện của truyền thống yêu nước. Phải chăng đó cũng là yếu tố khiến cho đạo Cao Đài sớm là nơi quy tụ những đồng bào yêu nước, một sự thực mà ngày nay các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều nhìn nhận. [31]
° 
Nghiên cứu tâm lý của người tín đồ Cao Đài có lẽ hãy còn là vấn đề quá mới đối với cả trong và ngoài cộng đồng Cao Đài. Đây là một đề tài còn có thể tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn tùy theo mục đích của các nhà nghiên cứu để có được những ứng dụng thích hợp với những nhu cầu cụ thể.
ANH DŨNG 
(27-5-2000) 

(Lê Anh Dũng là một người nghiên cứu về đạo Cao Đài rất nghiêm túc. Đọc bài của ông sẽ nhận ra nhiều khám phá đặc biệt bằng con mắt nhìn và cách diễn giảng qua ngôn ngữ Việt Nam cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Ông là nhà giáo, đồng thờitác giả một số sách giáo khoa, văn học… bên cạnh những tác phẩm về đạo Cao Đài cũng như Tam giáo tại Việt Nam. Một số tác phẩm của ông -- kể cả các công trình nghiên cứu về đạo Cao Đài) đã in thành sách, ghi âm vào băng cassettes / CD-rom, hoặc đã đăng trên các báo, tạp chí ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Nhập mônVĩnh Nguyên Tự , Cần Giuộc, Long An, gần 30 năm qua ông là nhân viên phụ trách công tác nghiên cứu, dịch thuật, và đào tạo giáo sĩ-tu sĩ tại CƠ QUAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ CAO ĐÀI GIÁO VIỆT NAM mà danh xưng hiện nay là CƠ QUAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO

Tại hải ngoại bài trên đồng thời được in ở trang nhà của Thiên-Lý Bửu-Tòa, Đường Về Đại ĐạoTín Ngưỡng Á Châu.) 

SÁCH BÁO THAM KHẢO

[Ban Tôn giáo 1993]. Ban Tôn giáo của Chính phủ CHXHCNVN (Phòng Thông tin Tư liệu. Một số tôn giáoViệt Nam, “Đạo Cao đài”, Hà Nội.

[Đinh Văn Hạnh 1999]. Đạo Tứ ân Hiếu nghĩa của người Việt ở Nam Kỳ. Tp. HCM: Nxb Trẻ.

[Đoàn Trung Còn 1963]. Phật học từ điển, ba quyển. Sài Gòn: Nxb Phật học Tòng thơ.

[Đông Nam Á 1995]. Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Việt Nam – Đông Nam Á: quan hệ lịch sử–văn hóa. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.

[Heritage 1994]. American heritage talking dictionary. 3rd edition (CD-rom).

[Hoàng Phê 1992]. Từ điển tiếng Việt. Hà Nội: Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ.

[Nguyễn Công Bình 1995]. Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu phát triển. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.

[Paulus Của 1895]. Huỳnh Tịnh Paulus Của. Đại Nam quấc âm tự vị. Tome I. A-L. Sài Gòn: Imp. Rey, Curiol & Cie.

[Pigneaux 1999]. Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá đa lộc Bỉ nhu). Tự vị Annam Latinh (Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773). Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Thành phố HCM: Nxb Trẻ.

[Phan Thị Yến Tuyết 1993]. Nhà ở, trang phục, ăn uống của các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.

Phổ cáo chúng sanh Đại đạo Tam kỳ phổ độ. Sài Gòn: Imprimerie de l’Union, 1926.

[Thánh ngôn hiệp tuyển 1928]. Đại đạo Tam kỳ phổ độ. Thánh ngôn hiệp tuyển. Bổn thứ nhứt. Đinh Mão niên. Dakao Sài Gòn: Imprimerie Tam thanh.

[Thông tin 2-1999]. Tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên – Huế, số 2 (24).

[Thông tin 4-1999]. Tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên – Huế, số 4 (26).

[Werner 1981], Jayne Susan. Peasant politics and religious sectarianism: peasant and priest in the Cao Dai in Viet Nam. Connecticut: Monograph Series No. 23, Yale University Southeast Asia Studies.

Về các xuất xứ trích dẫn, thí dụ [Werner 1981: 4] có nghĩa là đoạn văn được trích ở trang 4, quyển sách của Werner in năm 1981. Về chi tiết quyển sách, xin đọc ở SÁCH BÁO THAM KHẢO sẽ thấy [Werner 1981], Jayne Susan. Peasant politics and religious sectarianism: peasant and priest in the Cao Dai in Viet Nam. Connecticut: Monograph Series No. 23, Yale University Southeast Asia Studies. 

[1] Nay ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

[2] Psychology: The emotional and behavioral characteristics of an individual, a group, or an activity. [Heritage 1994].

[3] “Không lâu sau khi thành lập, tôn giáo mới này đã có được đông đảo tín đồ ở khắp cả Nam Kỳ. Vào khoảng năm 1930, có từ năm trăm ngàn tới một triệu nông dân theo Đạo, trong lúc tổng số dân là bốn tới bốn triệu rưỡi.” 

Nguyên văn: “Soon after its founding, the new religion gained a wide following throughout Cochinchina. Five hundred thousand to a million peasants were converted by 1930, out of a total population of 4 to 4.5 million.” [Werner 1981: 4]. 

“Số ước lượng tín đồ Cao Đài do Thống đốc Nam Kỳ cho biết, trong một báo cáo gởi Toàn quyền Đông Dương ngày 14-12-1934. Hồ sơ riêng của Thống đốc Pagès.” 

Nguyên văn: “Estimate of Cao Dai following given by the French Governor of Cochinchina, in a report to the Governor General of Indochina, Saigon, 14 December 1934. Personal Files of Governor Pagès....” [Werner 1981: 72].

[4] Xem thêm: Lê Anh Dũng, Con đường Tam giáo Việt Nam. Nxb Thành phố HCM, 1994.

[5] A. Đặc điểm địa lý: Có người xem Nam Kỳ là vị trí ngã tư đường của các cư dân và các nền văn hóa, văn minh. [Đông Nam Á 1995: 17]. 

Có người nói Nam Kỳ đã sớm là vị trí hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây, một giao điểm động, thoáng, và mở. [Phan Thị Yến Tuyết: 1993: 308-309]. 

Có người thấy rằng đồng bằng sông Cửu Long hai mặt giáp biển, trên cùng một châu thổ có những con sông chảy ngược chiều nhau. Nơi đây có sông đổ ra biển Đông, có sông đổ ra vịnh Thái Lan ở phía Tây, và những con sông đó lại được các con kênh nối với nhau, như thể nối nước chảy về bên Đông với nước chảy về bên Tây. [Nguyễn Công Bình 1995: 25].

B. Đặc điểm đa văn hóa: Theo bản đồ Các dân tộc ở Việt Nam do Viện dân tộc học biên soạn có thể thấy rằng ngoài người Việt (Kinh) và Hoa (Hán) ra ở Nam Kỳ còn có bảy dân tộc sau đây: Khơ-me, Cơ Ho, Chăm [Chàm], Mnông, Xtiêng, Mạ và Chu Ru. 

Có người cho rằng sự giao lưu văn hóa không chỉ diễn ra giữa các dân tộc đang sinh sống ở Nam Kỳ mà còn với cả các dân tộc bên ngoài như Mã Lai, Xiêm La, Java...và có liên hệ với nền văn minh Nam Á đã lâu đời. [Phan Thị Yến Tuyết 1993: 14-16].

C. Đặc điểm đa tín ngưỡng: Có người tổng kết: “So với các nơi khác, Nam Kỳ là vùng đất có nhiều loại hình tôn giáo và số lượng tín đồ chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn quốc.” [Đinh Văn Hạnh 1999: 5]. 

[6] Nay thuộc xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

[7] Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, Thánh ngôn hiệp tuyển. Bổn thứ nhứt. Đinh Mão niên. Dakao Sài Gòn: Imprimerie Tam thanh, 108-110 Place Maréchal Foch, 1928, tr. 14. Bản in đầu tiên này có 102 tr.; sau đây sẽ gọi tắt là [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928].

[8] [Lê Anh Dũng 1996: 15].

[9] Không ghi tác giả, 14 trang (18x24 cm), Imprimerie de l’Union, Sài Gòn.

[10] Xem thêm bài Gia Tô giáo trong đạo Cao Đài.

[11] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 77].

[12] Độ là chèo thuyền đưa người qua sông mê vượt biển khổ. Độ (qua sông) chữ Hán có bộ thủy. Đoàn Trung Còn dù thế vẫn giảng độ (không có bộ thủy) là: “Chở người ta bằng đò.” [Đoàn Trung Còn 1963: 570].

[13] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 35].

[14] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 9].

[15] Hồ sơ lưu trữ (phông GouCoch) tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, thành phố HCM, còn cho thấy có những tín đồ nhiệt thành đã hiến cả nhà riêng, hiến luôn ruộng hương hỏa, v.v... để làm cơ sở xây dựng thánh thất Cao Đài.

[16] Ngày 13-3-1926 đức Cao Đài dạy về lý nhị nguyên: “Phàm muôn việc chi cũng có thiệt và cũng có dối; nếu không có thiệt thì làm sao biết đặng dối; còn không có dối làm sao phân biệt cho có thiệt.” [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 13].

[17] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 13].

[18] [Werner 1981: 7] viết: “Hội thánh Cao Đài cũng được tổ chức quy củ, khác hẳn với cách tu hành đang phổ biếnViệt Nam lúc bấy giờ. Dù rằng ở miền Nam đã có các giáo phái nhỏ thực hành bí giáo huyền mônsử dụng đồng tử, những đạo giáo ấy đã không cho thấy mức độ tổ chức ngang tầm với đạo Cao Đài, cũng như không có được đông đảo tín đồ như đạo Cao Đài. Mỗi cấp chức sắc Cao Đài đều có được một chức năng nhiệm vụ riêng biệt và được quy định minh bạch, mà từng phương diện của chức năng nhiệm vụ ấy đều có một ý nghĩa biểu trưng.” 

Nguyên văn: “The Cao Dai church was also highly organized, in contrast to prevailing religious practice in Viet Nam at the time. Although small religious sects practicing occultism and using mediums had existed in the south, they did not display the same degree of organization nor the mass following of the Cao Dai. Each Cao Dai priestly grade was endowed with a separate and well-defined function, every aspect of which held a symbolic meaning.”

[19] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 38].

[20] Xem thêm: Lê Anh Dũng, Tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc và cách dịch tên gọi các chức sắc Cửu trùng đài trong đạo Cao Đài. [Thông tin 2-1999: 52-60].

[21] Lúp là một từ Việt cổ, được ghi trong [Paulus Của 1895: 607]. 

Paulus Của còn ghi: lúp đầu (lấy khăn mà che đậy trên đầu). che lúp (dùng lúp mà che phủ). đội lúp (đội khăn phủ đầu). khăn lúp (khăn dùng mà phủ đầu). Trước Paulus Của, Pierre Pigneaux de Béhaine khi soạn Tự vị Annam Latinh (1772-1773) đã ghi các từ: mũ lúp, lúp đầu. [Pigneaux 1999: 276].

[22] [Hoàng Phê 1992: 539].

[23] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 97].

[24] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 42]. 

Cũng rất thú vị là những ý tưởng đầy tính “quốc sự” như thế lại được chính thức xuất bản hai năm sau đó (1928) trên đất Nam Kỳ, thuộc địa của Pháp. Thực tế ngày nay non sông Việt Nam đã liền một dải; đạo Cao Đài cũng đã truyền bá được khắp từ Nam ra Trung, ra Bắc. Sau tháng 4-1975, hoàn cảnh lịch sử xô đẩy dường như đã tạo điều kiện cho các thánh thất Cao Đài có mặt ở rất nhiều nước tại châu Á, Âu, Mỹ, Úc... Ba phần tư của bài thơ trên phải chăng đã thành hiện thực?

[25] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 86].

[26] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 98].

[27] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 38].

[28] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 28].

[29] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 55].

[30] [Thánh ngôn hiệp tuyển 1928: 64].

[31] A. [Werner 1981: 56] viết: “Sự khéo léo tổng hợp truyền thống Tam giáo và sự diễn giải minh bạch, chính xác truyền thống Tam giáo không những tạo ra sức hút văn hóa mãnh liệt mà còn lôi cuốn được phong trào kháng [Pháp] gắn liền với truyền thống này và hãy vẫn còn sinh lực.” 

Nguyên văn: “Its skillful synthesis and new formulation of the Tam giáo tradition not only offered great cultural appeal but it grew on the still vital protest movement associated with this tradition.” Xem thêm: Lê Anh Dũng, Vài nhận định về đạo Cao Đài của Jayne Susan Werner. [Thông tin 4-1999: 179-186].

B. Ban Tôn giáo của Chính phủ nhận định

“(...) nhân dân Nam Kỳ trong cuộc đấu tranh chống áp bức cường quyền, (...) còn có những hình thức đấu tranh bằng tôn giáo. (Tôn giáo ở đây chủ yếu để tập hợp lực lượng.)” [Ban Tôn giáo 1993: 176]. 

“Vào những năm hai mươi của thế kỷ 20, (...) một nhóm tư sản, địa chủ, tiểu tư sản và công chức, trong đó có nhiều người có tinh thần yêu nước đứng ra vận động thành lập đạo Cao Đài với ý định tập hợp lực lượng quần chúng, chủ yếu là nông dân, chống lại sự kỳ thị chèn ép của thực dân Pháp.” [Ban Tôn giáo 1993: 174]. 

“Điều này làm rõ thêm đạo Cao Đài lúc mới ra đời lại mang những nội dung chống Pháp và thu hút đông đảo quần chúng tin theo.” [Ban Tôn giáo 1993: 176]. 


Đặc-tính của Đạo Cao Đài 

1. Cách lập giáo : Tôn giáo Cao Đài được truyền báthế gian do một Đấng Giáo ChủVô Hình. Ngài là Đấng Toàn Năng, Toàn Giác, Hằng Hữu và thanh quang điển lành của Ngài chiếu phóng khắp nơi trong Vũ Trụ

2. Cách truyền giáo : Ngài là Đấng Hóa Công hay Đấng Sáng Tạo Vũ Trụ Vạn Vật hay Cha Trời hay Thiên Chúa hay Thượng Đế...trực tiếp mở Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ một cách thần diệu và nhanh chóng phi thường đó là ?Thiên Linh Điển?. Ngài trực tiếp dạy, lập Hiến Pháp nền Đạo, tổ chức Tôn giáo Cao Đài thuộc hữu hình chớ không do Đấng Giáo Chủ mang xác phàm mở Đạo như hai lần Phổ Độ trước. Chư vị Tiền Khai ĐạiĐạo là chư vị từ trên do Ngài cho đầu thai làm người để ti26p tay với Ngài tổ chức nền Đạo ở cõi trần

3. Phương tiện truyền thông : Đức Thượng Đế truyền thông điển quang của Ngài cho loài người qua đồng tửtrong trạng thái mê như một máy Fax và ngòi bu viết ra chữ là Cơ Bút hay Thần Cơ , Diệu Bút chớ không qua trung gian Đấng Tiên Tri chấp bút trong trạng thái tỉnh mà viết Thánh giáo như xưa hoặc không giao cho Đấng Giáo Chủ mang xác phàm dạy trực tiếp cho đệ tử hay Tông Đồ như hai lần Phổ Độ trước. 

4. Luật Đạo và Nghi Lễ : Luật Đạo giống như Hiến Pháp của nền Đạo do chính Đức Thượng Đế ban Sắc cho Đức Giáo Tông, cũng là Vô Vi, viết và Ngài chuẩn để ban hành mà tổ chức nền Đạo( Tân Luật và Pháp Chánh Truyền ) . Nghi Lễ như cách thờ phượng, cách lạy, Thánh Tượng, Lễ vật... do chính Đức Thượng Đế giáng cơ dạy và giải thích rõ ràng, chớ không do người phàm hay chức sắc trong Giáo Hội trong các Tôn giáo đã có đặt ra theo phong tục địa phương hay ý riêng như hai thời kỳ Phổ Độ trước.Nghi LễLễ Vật mang một ý nghĩa huyền nhiệm về Huyền Môn Học như , Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tam tài, Ngũ Khí, Bát Quái, Ấn hay vị trí của Cơ sanh Hóacủa Tiên ThiênHậu Thiên trong Càn Khôn Vũ Trụ ( Tý và Dần trong bàn tay). 

5. Thiên bàn : là cái bản đồ của Càn Khôn Thế giới : Vị trí của Thánh Tượng, đèn, hương, hoa, trà, quả, lư hương, ly rượu, tách trà... là tượng trưng của càn Khôn Vũ Trụ và Tiểu Thiên Địa trong xác thân Tứ Đại

6. Mục đíchTôn Chỉ của Đạo Cao Đài : mang tính chất quyết định, nhất thiết và kịp lúc trên con đường giải thoát hay hợp nhứt với Thượng Đế hoặc tiến hoá nhanh trên con đường phản bổn hoàn nguyên

ỈCứu chư vị linh căn xuống thế độ trần mà quên đường về, tự tu kỷ và thiền địnhtrở về ngôi vị cũ. 

ỈGiúp những linh hồn đang tiến hóa tiến nhanh hơn, tự tu kỷ, học thiền và hành thiền theo Pháp Môn Tam Công trong Cơ Phổ Độ mà tiến nhanh kịp lúc khi quả cầu 68 nầy đến ngày tàn, lên quả cầu 67 sống trong cõi nhàn tiếp tục tu hành trên con đường phản bổn hoàn nguyên

7. Các bài Kinh chứa nội dung huyền nhiệm : Không như các Tôn giáo có trước các bài Kinh là sự tán tụng Đấng Thiên Chúa hay Mantra hay lời Phật dạy không thôi , mà lời Kinh trong Đạo Cao Đài mang đủ các tính chất : vừa tán tụng công đức Đấng Sáng Tạo, chư Giáo Tổ mà còn giải thích lịch sử Đấng Giáo Tổ , tóm tắt lời dạy Đạo, mỗi danh từ là một ý nghĩa sâu xa. Người hành Đạo đọc Kinh để cầu lý, lần lần sẽ hiểu thêm ra, hiểu cách hành thiền để tự giải thoát. Các bài Kinh đýu có dạy về các nguyên lý Vũ Trụ và cách vận chuyển Đạo khi thiền. 

8. Đức Thượng Đế và Đức Lão Tử dạy thiền trực tiếp : Đấng Cha Lành và Đức Lão Tử cũng như Đức Ngô Minh Chiêu và chư vị tu theo Pháp Môn Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi giáng cơ dạy trực tiếp cho các hành giả tại thếđiều kiện thọ pháp rất gắt gao ( trương chay, tuyệt dục, nhập môn, xin Thầy bang keo) nhưng cũng dễ dàng ( ai quyết chí cũng được Thầy Thượng Đế ban ơn)để giữ chân truyền, tránh thất truyền như hai lần PHổ Độ trước. 

9. Các Pháp Môn được dạy cho mọi trình độ tiến hóa. Tùy theo cơ suyên mà thọ pháp hoặc tịnh tiến ( từ dễ và thấp đến cao) hoặc cơ giải thoát ( xin keo, được Thầy Thượng Đế cho keo thì hành cơ giải thoát khi qui liễu). 

10. Giáo lý Đại Đạo là cơ tận độcho toàn nhân loại chớ không riêng cho dân tộc Việt nam

11. Thánh giáo Đạo Cao Đài là lời dạy của chính Đức Thượng Đế, Đức Diêu Trì Kim Mạu, chư Phật, chư Giáo Tổ, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, chư vị liễu đạo đắc quả, chư vị Anh Hùng, chư Hiền, chư Chơn Nhơn... chớ không do một Tiên Tri mặc khải chấp bút viết ra hay do Đấng Giáo Chủ giảng cho đệ tử hay Tông Đồ viết lại sau khi chư vị nầy đắc đạo như hai thời kỳ Phổ Độ trước. 

12. Giáo lý Đạo Cao Đài là những tóm lược hay sự cho học sinh ôn bài của chư vị Thầy để học sinh dự kỳ thi cuối khóa hay Long Hoa Đại Hội hay Ngày Phán Xét Cuối Cùng ( chớ không phải giáo lý tổng hợp, góp nhặt, vay mượn từ các Tôn giáo khác có trước... như nhiều học giả Tây phương lầm tưởng mà đặt ra danh từ syncrétisme như các sách đã in). 

13. Cách xưng hô của Đấng Giáo Chủ rất thân mật trong tình Cha con trong Đại Gia Đình Càn Khôn Vũ Trụ , tình Thầy trò trong Trường Đời trần gian trên quả cầu mang sồ 68 trong số 72 quả cầu. Đức Thượng Đế xưng là THẦY. Ngài không dùng danh từ của ngôn ngữ địa phương do loài người đặt ra mà gọi Ngài như trước ( Thí dụ như Giê-hô-va , Allah ...) mà Ngài mượn danh từ hay không tên hay vô danh mang ý nghĩa tượng trưng trong ngôn ngữ Việt NamCAO ĐÀI

14. Giáo lý Đạo Cao Đài mang tính cách khoa học và hiện đại và là nền tảng cho các ngành khoa học trong tương lai. 

15. Giáo lý Đạo Cao Đài duy trì Ngũ Giới Cấm trong Đạo Phật nhưng được chính Đức Thượng Đế giải thích rất rõ ràng nguyên do tại sao cấm, nhờ đó nhân loại hiểu rõ nguồn gốc của tội lỗi mà tránh vấp phải hoặc lần lần giảm tội lỗi, hoàn thiện hơn và là điều kiện để tu và hành pháp môn trong Đại Đạo

16. Các danh từtrong Thánh Giáo Đạo Cao Đài là những từ căn bản, phong phú lấy từ chữ Hán Việt, chữ Nôm, chữ Pháp có dấu ngoặc và các Thánh giáo sau nầy trong Thánh Giáo Sưu tập được chư Thiên Liêng dùng rất khoa học, chính xác đúng theo trình độ tiến hoá của nhân loại trong giai đoạn khoa học kỹ thuật cao tột nầy ( Thí dụ như các danh từ do Đức Di Lạc Thiên Tôn gọi Ngọn đèn từ huệ và Ngài cho mở dấu ngoặc transistor hay Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy về thiền... hay Đức Thượng Đế dẫn thí vụ như kỹ sư....) 

Hà Phước Thảo
Cao Đài Giáo Lý Online

Tạo bài viết
07/01/2019(Xem: 9821)
04/12/2020(Xem: 6097)
11/01/2013(Xem: 20354)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…