Thú tiêu khiển

23/12/20214:43 SA(Xem: 1557)
Thú tiêu khiển

THÚ TIÊU KHIỂN
Truyện ngắn của Tiểu Lục Thần Phong

 

câu cá
Ảnh minh họa

Thằng Brandon giật cần câu lên, cả một chùm năm sáu con cá giãy dụa, càng cố giãy thì lưỡi câu càng ngập sâu trong họng. Những con cá vùng vẫy trong sự tuyệt vọng không có đường thoát, số phận bọn chúng kể như kết thúc ở những lưỡi câu này. Cần câu của thằng Bradon gắn loại lưỡi câu chùm, mỗi lưỡi lại gắn một con cá mồi bằng chất dẻo, bọn cá đối, cá mòi… háu ăn bập vào là rồi đời. Mùa này cá nhiều và táo tợn lắm, bởi thế thằng Brandon có lúc kéo lên cả mười mấy con dính chùm, tiếng reo hò tán thưởng từ những người xung quanh càng làm cho Brandon hãnh diện là một cần thủ giỏi.

 Sean đứng kế bên thằng Brandon nãy giờ, nhìn nó câu mà lòng miên man với những ý nghĩ không đầu không cuối. Chợt Sean liên tưởng đến một đoạn trong kinh Địa Tạng:” ...Lại có quỷ dạ xoa túm bắt tội nhân trong biển này, lại có quỷ lấy chỉa ba đâm tội nhân rồi dồi lên hư không, lại có loại quỷ lấy móc câu kéo lưỡi người tội ra...”. Những con cá đau đớn giãy dụa vì họng móc vào lưỡi câu, cái chết đối với bọn chúng là chắn rồi, đời vẫn bảo không có gì chắc chắn nhưng duy có cái chết thì chắc chắn! Cái chết của những con cá kia đau đớn quá, những con cá mắc câu cố vùng vẫy vừa đau đớn vừa ngạt vì thiếu nước và oxy, không biết bọn chúng có thần thức không? Nếu có thì sự oán hận của chúng sẽ gia tăng theo mức độ đau đớn mà chúng thọ nhận.

 Thằng Brandon hạ cần câu trên cầu đi bộ, những con cá nhảy tưng tưng, Brandon gỡ từng con ném vào thùng nước đá. Những con cá chưa chết, chúng lại phải trải qua một ách nạn khác, đó là sự lạnh giá cực độ, lạnh đến đông cứng chúng lại, hàn ngục là đây chứ còn đâu nữa! Trước khi chúng chết, chúng phải trải qua bao khổ nạn mà lẽ ra chúng không phải bị nếu người ta không câu chúng. Chúng vốn sống tung tăng dưới biển chẳng gây hại cho ai, cớ sao con người câu chúng, bắt chúng, hành hạ chúng trước khi ăn thịt chúng? Những con cá lờ đờ dần, cái lạnh đã thấm vào từng tế bào chúng, có nhiều con đã tắt thở nhưng vẫn còn một số thoi thóp ngáp, chúng sẽ bị đông cứng như đá để thịt chúng khỏi bị ươn. Mới chỉ trong phút chốc mà những con cá phải trải qua mấy lần luân hồi. Chúng vừa tung tăng trong làn nước biển xanh kia, phút sau đã bị móc vào những lưỡi câu và kế tiếp bị quẳng vào thùng đá lạnh. Mới phút trước còn tranh mồi, tranh con cái. Giờ cả những con mạnh lẫn những con yếu đều cùng chết bởi những cần thủ trên bờ. Bọn chúng đang bơi lội trong biển này sung sướng lắm, vậy mà giờ nằm trong thùng lạnh tối đen.

 Dòng suy tư cắt ngang vì một cơn gió mạnh, Sean bước dọc theo cây cầu đi bộ xìa ra biển, những du khách tản bộ như Sean khá nhiều, hình như ai cũng thích thú thấy rõ khi một ai đó giật cần câu lên với những con cá dính câu giãy dụa. Những cần thủ hai bên thành cầu hình như đều là những tay chuyên nghiệp, trang bị như lính ra trận, nào là nón chống nắng, áo dài tay, kiếng chống tia uv, găng tay, vợt, cần câu dự bị, cước, lưỡi câu, thùng đá… Họ im lìm nhẫn nại chờ những cái phao rung động. Họ mang theo ghế ngồi và cả chăn để quấn khi gió lạnh. Sự kiên nhẫn của những cần thủ thât đáng nể, hàng giờ trôi qua, cả buổi ngồi thu lu trên cầu, thậm chí câu cả đêm. Trong số những cần thủ trên cầu đi bộ này có rất nhiều chiến hữu gốc Mít, còn lại là một số Mễ và da trắng. Sean mon men gần một ông già Mỹ trắng, ông ta vui vẻ mở thùng đá cho Sean xem thành quả của mình, có nhiều loại cá mà Sean không biết tên, đặc biệt có những con dài cỡ hai gang tay và to bằng cườm tay, miện thì nhọn như một mũi dùi. Chúng còn sống và giãy rất mạnh. Sean chợt nảy ra ý nghĩ mua chúng và trả chúng về biển cả.

- Ông có thể bán cho tôi số cá này không?

 Ông ấy không nhìn Sean, mắt vẫn chăm chăm ở cái phao lập lờ trên mặt nước.

- Mầy thích thì tao cho mầy một con, tao không thể bán.

- Cảm ơn ông, nhưng tôi muốn mua hết số này, tại sao ông không thể bán?

- Tao không thể bán ở chỗ này, giấy phép câu cá của tao chỉ là gỉai trí, nếu tao bán ở đây thì họ sẽ thu hồi giấy phép ngay lập tức!

- Ở đây đâu có ai biết, chỉ có ông và tôi thôi!

- Nhưng tao không thể bán, cho mầy một hoặc vài con đấy!

 Sean thôi nài nỉ, biết tính cách ngườii Mỹ là thế! Luật là luật, họ rất tôn trọng luật, thẳng thắnngay thật. Trên đường phố cũng thế, dù là nửa đêm hay mờ sáng, dù đường vắng không có xe họ vẫn dừng ở đèn đỏ, không có ma lanh tranh thủ như người xứ mình. Sean bắt một con cá trong thùng đá và cảm ơn ông Mỹ trắng già. Sean đem con cá đến gần cuối cầu đi bộ, thì thầm:

- Tao trả mầy về lại biển cả, nhà của mầy ở đấy, bạn bè và gia đình của mầy ở đấy, đừng ham mồi kẻo không lại dính câu nữa nhé! Tao tiếc là không thể cứu được nhiều hơn, đồng loại của mầy đang dính câu và ở trong thùng đá kia.

 Con cá chạm mặt nước lập tức vẫy đuôi và mất hút ngay trong làn nước xanh như ngọc. Nước biển trong và xanh đẹp quá, từng đàn cá bơi lội quanh chân cầu, chúng nhiều vô số. Cũng trong làn nước trong xanh ấy, những lưỡi câu nhọn hoắt và đầy khía cạnh như mũi tên móc con mồi nhiều màu sắc, bọn cá biển vô tri kia sẽ chết vì những miếng mồi giả này! Đời sống tự nhiên vốn đã khắc nghiệt, cá lớn nuốt cá bé là chuyện thường tình nhưng những lưỡi câu và lưới quét của con người mới là kiếp nạn của chúng. Con người đang khai thác tàn khốc, không có một loài vật nào thoát khỏi bàn tay và miệng lưỡi của con người. Những con vật chạy trên rừng, bơi dưới biển, bay trong không trung… đều chết vì con người, nhiều loài trong số bọn chúng đã bị tuyệt diệt và một số đang có nguy cơ biến mất khỏi hành tinh này. Những con cá voi vốn là chúa tể đại dương vậy mà giờ cũng đang đối mặt với sự tuyệt diệt. Số lượng chết vì cần câu của những cần thủ thì không đáng là bao, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng chết thảm quá, đau đớn quá.

 Sean nhìn xa xa ra khơi, biển mênh mông biết nhường nào, đứng trên cây cầu đi bộ gần bờ này mà đã thấy mình quá nhỏ bé huống hồ gì ra ngoài khơi giữa trùng dương. Sean có cảm giác mình cũng không khác gì những con cá nhỏ bé kia, ngay cả những du khách tản bộ và những cần thủ kia cũng như thế. Những con cá mang hình dáng con người và có tư duy, tuy mang hình dáng con ngườitư duy nhưng hành xử cũng không khác gì những con cá, vẫn là cá lớn nuốt cá bé, vẫn là những con cá chết vì mồi, hình như ở thế gian này người và vật đều chết vì mồi. Cái khác nhau là mồi của cá chỉ đơn giản là giun, tép hay mồi giả bằng chất dẻo. Mồi của con người thì phong phú hơn, đó là: tiền bạc, sắc dục, danh tiếng, ăn uống, chơi bời...Những cái chết đau đớn, những cái chết chắc chắn, chết vì mồi! Trùng dương bao la nhưng lòng người thì nhỏ bé, gút mắc, khép chặt như hũ nút. Trùng dương đẹp mênh mông với những con tàu lướt sóng lãng mạn nhưng trong lòng ngầm chứa bão tố, sóng lớn vô cùng nguy hiểm. Lòng người nhỏ hẹp nhưng mức độ tham lam thì sự mênh mông của đại dương cũng không đáp ứng nổi. Lòng người luôn loạn độngtranh đoạt, vì mưu hại nhau để giành những miếng mồi ngũ dục đầy nguy hiểm. Cá lớn nuốt cá bé là tự nhiên kia nhưng người hại người là xã hội này!

 Đi loanh quanh trên cây cầu, Sean lại đụng mặt một anh chàng Mỹ trắng, anh ta câu được con cá nào cũng cười hớn hở đầy thích thú, có lẽ anh ta tự hào vì thành tích của mình. Có một điều làm cho Sean ngạc nhiên là anh ta gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu, hun gió cái chụt, gọi con cá là baby rồi thả lại xuống biển. Thì ra anh ta chỉ câu cho vui, câu giải trí như một môn thể thao chứ không phải để đem về ăn như những cần thủ ở đây. Những con cá dính câu anh chàng này xem ra còn dư phước, tuy bị lưỡi câu móc họng đau đớn và hoảng sợ nhưng chưa đến nỗi mất mạng. Anh chàng Mỹ trắng câu cá làm thú tiêu khiển, đây cũng là thú vui của rất nhiều người ở xứ này. Sean có nói chuyện mấy người Mỹ câu cá rồi thả lại xuống biển thì mấy cần thủ gốc Mít cười:” Mấy thằng đó khùng”. Thật tình mà nói mấy cần thủ gốc Mít sẵn sàng câu cả cá non và những loài bị cấm, những loài được bảo vệ. Ở xứ này quá phong nhiêu, vật chất dư thừa, miếng ăn thức uống quá thừa mứa nhưng lòng tham vẫn không vừa, câu cả cá chưa đủ lớn, câu vượt mức cho phép, đây chỉ là cái tham vặt nhưng gây cái tiếng không tốt cho dân Mít mình.

 Ở cái xứ giàu mạnh và sung túc này, người ta câu cá như là thú vui tiêu khiển, những tháng hè thì săn bắn ở núi rừng. Những người giàu có còn sang tận châu Phi để săn bắn những động vật hoang dã trong thiên nhiên như: Sư tử, Hưu cao cổ, voi… Bọn họ săn không phải để ăn, chỉ để thõa mãn cái tánh háo danh của mình, chỉ để sự phô bày cái bản ngã ích kỷ mà thôi! Con thú chỉ săn mồi khi đói, con người săn để làm vui. Con cá chỉ nuốt khi đói nhưng con người hại nhau ngay cả khi quá đầy đủ và sung mãn.

 Bạn bè thường rủ Sean đi câu nhưng Sean từ chối, có người thắc mắc tại sao nhưng Sean không trả lời, cũng có bạn lờ mờ hiểu lý do Sean không đi câu nên từ đó không rủ nữa.

 Biển mùa hè lộng gió, trời xanh nắng vàng, nước biển như ngọc… đẹp quá! Cuộc đời đẹp quá, cần chi phải câu cá mới vui hay săn bắn mới là tiêu khiển? Sean bơi lội thỏa thích trong làn nước mát trong xanh, Sean lặn một hơi thật dài đến khi cạn hơi mới ngoi lên. Sean chỉ thử nín thở trong môt phút mà thấy ngộp vì thiếu oxy, vậy mà những con cá bị mắc câu, bị đem lên cạn thì nó sẽ ngộp biết dường nào.

 Bãi biển rộng thênh thang, nam thanh nữ tú nằm phơi nắng, nhiều tấm thân kiều diễm vô cùng hấp dẫn. Lòng Sean lay động và trỗi lên sự thèm khátmong ước chiếm đoạt. Xem ra Sean và loài người cũng như những con cá kia, khó mà cưỡng lại những món mồi dụ hoặc. Xế chiều theo tàu ra khơi xem cá heo, từng bầy cá heo tung tăng bơi lội, chúng phóng lên khỏi mặt nước và nô đùa như những em bé. Những con cá heo vui sướng tận hưởng cuộc sống của loài cá, chúng may mắn hơn những loài cá khác, không có ai săn bắt chúng để ăn thịt, có lẽ nhờ dư phước từ kiếp quá khứ. Chỉ có một số ít bị bắt để làm xiếc hay nhốt trong bể kiếng để khách xem. Những con cá heo sung sướng hơn đồng loại cá ở biển cả. Những con cá heo thông minh và tánh linh khá cao, con người lợi dụng chúng để phục vụ cho mình.

 Chiều muộn, tàu quay vào bờ, bãi cát vẫn đầy người phơi nắng, những cần thủ câu cá vẫn nhẫn nại ngồi đấy mắt chăm chăm nhìn những cái phao trên mặt nước. Sean về khách sạn nghỉ ngơi, cái nắng, gió biển và muối làm cho da Sean rát bỏng, cả thân mình đỏ rực như tôm luộc. Sean lẩm bẩm:

- Thế mà những cần thủ câu cá phơi nắng gió cả ngày và nhiều ngày như thế! Thật khó hiểu nổi, lấy cái đau đớn và chết chóc của vật làm vui, lấy cái khổ của mình làm thú tiêu khiển.”

 

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 12/21

Xem thêm:
Cá Có Biết Đau Không? Tâm Linh Biên Dịch



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.