Thư Viện Hoa Sen

Chương 10

12/03/201312:00 SA(Xem: 3029)
Chương 10

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG
Vĩnh Hảo
Nhà Xuất Bản Chiêu Hà

CHƯƠNG MƯỜI

Đôi khi tôi có cảm nghĩ rằng thầy tôi đã bất công khi đưa tôi sang chùa Linh Phong để sống với một vị thầy trẻ rất ư cổ hủ, lạc hậu. Tôi biết mẹ tôi cũng buồn khi thấy tôi không còn được ở viện Hải Đức nữa. Trước kia mẹ không có ý cho tôi xuất gia tại viện Hải Đức, nhưng khi tôi đã được xuất gia ở viện, được gần gũi tu học bên thầy, được ăn học, sinh hoạt và hưởng mọi qui chế tiêu chuẩn như một học tăng của viện, mẹ tôi thấy là không còn chỗ nào tốt khiến mẹ yên tâm hơn là nơi này cả.

Bây giờ, các chú Dũng, Kính, Sáng v.v… nhởn nhơ bên viện, hằng ngày ôm kinh, ôm sách ngồi học, ăn uống đã có các dì vải nấu, đến giờ phóng tham thì đi dạo núi hóng mát… còn tôi và chú Thiệt thì sống trong một thế giới âm u, hắc ám. Cho dù có học đòi sự rộng lượng cao cả đến mức nào đi nữa, tôi vẫn thấy rằng tôi và chú Thiệt đang bị thiệt thòi. Con nít chúng tôi hay so đo phân bì lắm. Nếu hoàn cảnh bắt buộc phải chịu thì cũng phải chịu, nhưng làm sao khỏi tủi thân và thèm muốn được trở về với khu viện Hải Đức đẹp đẽ, khoảng khoát kia! Sự khác nhau giữa hai nơi trên cùng một dãy núi, mẹ tôi cũng thấy rất rõ. Chắc chắn là bà phải se lòng khi thấy dứa con trai nhỏ của mình phải xa thầy sớm, bò nơi rộng lớn, tiện nghi để về sống trong thế giới nhỏ hẹp, ít người, thiếu thốn mọi bề mà rồi phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của một học tăng dự thính vốn không được xuất sắc gì lắm. Nhưng sự khác biệt giữa viện Hải Đức và chùa Linh Phong không phải chỉ ở vấn đề khổ nhọc vật chất mà còn ở phần tinh thần nữa. Đâu phải chỉ người lớn mới biết hân thưởng những niềm vui tinh thần, còn con nít thì không! Và đâu là chỗ cách biệt giữa vật chấttinh thần khi bầu không gian nơi tôi sống bị thu hẹp lại và tôi cảm thấy buồn tẻ, trống vắng, ủ dột trong lòng? Ở viện, tôi có thể nhìn thấy biển Nha Trang mỗi chiều khi đi dạo lên tháp chuông hay qua Kim Thân Phật Tổ. Nơi chùa Linh Phong, dù cũng cùng trên núi, vậy mà chỉ thấy được một khoảnh phố phía bên trái, một khoảnh gia cư phía bên phải và một khoảnh đồng trống bị cắt đôi bởi một vài cao ốc đồ sộ phía mặt tiền. Vào mùa xuân, cây cỏ um tùm bao phủ quanh ven núi, tôi đứng trong sân chùa chỉ nhìn thấy được những cây táo nhơn vươn lên, đan kết thành một hàng rào rậm rịt. Thế giới của ngôi chùa này là vậy, không gian bít bùng, y như một hải đảo nhỏ - không, hải đảo còn đỡ hơn nhiều vì có thể nhìn thấy trời cao nước rộng. Đã vậy, tôi còn phải sống dưới sự kiểm soát quá đáng với những tư tưởngquan niệm lỗi thời của thầy Trừng Hùng. Thầy ấy mang cả thế giới khuôn thước, kiểu cách của cố đô vào đây, áp dụng vào ngôi chùa nhỏ này, buộc tôi phải lặn hụp theo. Suốt ngày tôi và chú Thiệt phải làm việc trong chùa, hết việc này dến việc khác. Thầy ấy cứ ngồi một chỗ mà sáng tạo ra công việc cho chúng tôi làm, dù thầy tôi đã có lần nhắc rằng chúng tôi cần có thời giờ học hành. Một số sách thầy Thông Chánh tặng tôi để đọc và học thêm, thầy Trừng Hùng tịch thu hết, bảo rằng trong luật dạy không được đọc, học các sách vở bên ngoài, chỉ được đọc kinh Phật thôi, khi nào có đủ trình độ Phật Pháp rồi mới được nghiên cứu học thêm sách ngoài. Điều ấy cũng đúng phần nào cho hoàn cảnh những chú tiểuthời đại xa xưa, khi mà vốn liếng kiến thức của người Tàu cũng như người Việt ta chỉ vỏn vẹn trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, Luận Ngữ v.v… Thầy ấy cũng đâm ra đố kỵ thầy Thông Chánh, có lẽ vì mang mặc cảm thua sút. Thầy cấm tôi rời khỏi chùa một bước ngoại trừ khi qua viện học. Sự cấm đoán này hẳn là nhắm vào việc tôi qua viện để thầy Thông Chánh dạy kèm. Thời gian đầu, thầy Thông Chánh đích thân qua chùa Linh Phong dạy tôi, nhưng vào dịp an cư kiết hạ, thầy Thông Chánh không rời viện được, tôi phải xin phép sang viện để học thêm mỗi chiều. Thầy Trừng Hùng không thích chuyện tôi học thêm với thầy Thông Chánh từ lâu. Sẵn dịp an cư kiết hạ (thường thườngchư tăng ni các chùa cấm túc trọn ba tháng không rời chùa), thầy cấm tôi luôn. Tôi nói:

“Thầy con có nhờ thầy Thông Chánh dạy kèm thêm cho con.”

“Lúc đó chưa có lớp học, phải không? Cho nên mới nhờ dạy kèm. Bây giờ đã có lớp học thì còn học thêm gì nữa! Để thời giờ mà làm công quả trong chùa, lo tu nữa chớ!”

“Nếu thầy không cho con đi thì cũng để con qua gặp thầy Thông Chánh nói lý do tại sao, không thôi thầy ấy đợi con bên viện.”

“Không cần. Mai có giờ học thì qua nói với thầy Thông Chánh luôn. Bây giờ cứ ở nhà, không đi đâu hết.”

Trong những chuyện cấm đoán của thầy Trừng Hùng, tôi bất mãn nhất là những chuyện liên quan đến việc học. Thầy ấy luôn chủ trương rằng học nhiều thì loạn tâm, không tu được, không định được. Nghe ai nhắc đến chuyện học, thầy cười khinh khỉnh. Thực ra, thái độ khinh bạc đối với kiến thức sau này tôi cũng đọc thấy từ một số truyện tích trong kinh sách hay tiểu sử các vị Thiền sư đắc đạo. Nhưng các vị ấy là những kẻ đã dứng ở ngoài và ở trên những tầm thường của cuộc đời. Trên đỉnh cao chót vót của trí tuệ siêu việt, họ nhìn những kiến thức của thế gian như là miếng giẻ rách. Ở đây, thầy Trừng Hùng đã thu lượm được gì và đứng ở vị thế nào để tỏ thái độ khinh miệt tri thức như thế? Phong cách giác ngộ không phải là điều có thể học đòi, bắt chước mà giống được. Tôi nhớ hồi còn ở nhà, tôi đã từng chán ghét việc mài ghế nhà trường. Nhưng đó là sự chán ghét tự nhiên của một đứa con nít ham chơi, hoặc ham hưởng thụ thiên nhiên và cuộc sống chứ không phải là sự khinh miệt lố bịch tầm phào của một tâm hồn, một trí óc rỗng tuếch, khi biết được chút ít gì thì bám chặt lấy, coi như là chân lý. Cái đầu óc địa phương hẹp hòi mà nhiều người dân cố đô mắc phải là thường tự cho rằng cái gì thuộc về xứ mình cũng đều nên thơ, độc đáo, tuyệt hảo cả. Tôi không bao giờ quên rằng mình vốn gốc người Huế khi có nhận xét trên. Ở một khía cạnh tâm lý thông thường nào đó, hẳn là tôi phải dành nhiều cảm tình cho người Huế, nhưng quả là tôi khôog thể chịu nổi một đầu óc thủ cựu, một tâm hồn cứng ngắc như một khúc gỗ, như một viên ngói, một khối sắt như thế được.

Tôi nói ý nghĩ đó cho thầy Thông Chánh nghe khi thầy đến gặp tôi trước giờ học. Thầy lại khuyên tôi cố gắng chịu đựng thêm một thời gian nữa, vì tôi đã sắp rời Nha Trang để nhập học khóa Trung Đẳng Phổ Thông của Phật học viện Quảng Nam ở Hội An. Tôi than:

“Có khi con tưởng chừng là một ngày cũng không chịu đựng được nữa!”

Thầy Thông Chánh an ủi, khích lệ tôi:

“Hãy xem đó như những thử thách cho bước đầu xuất gia của mình. Có lẽ thầy giám sự muốn chú tập sống quen với mọi hoàn cảnh trước khi rời thầy để đi học xa đó. Sau này không có thầy, không có người thân bên cạnh, sống ở xứ xa, làm sao chú chịu nổi nếu bây giờ không luyện tập cho chí nguyện kiên cường, sắc bén? Im lặng và nhẫn nại. Đừng để cho những cái tầm thường làm cho ý nghĩ mình trở nên tầm thường.”

Cũng nhờ những lời khuyên nhắc của thầy Thông Chánh, tôi đã cố gắng kiểm điểm tâm mình, sửa đổi cho nó tốt đẹp hơn, hay ít nhất cũng giữ cho nó không trở nên nhỏ mọn, thấp hèn. Tôi tập từng bước sự cởi mở và buông xả những tâm niệm thù hằn, ganh tị, ngạo mạn cũng như những ý nghĩlời nói bài xích, chê bai kẻ khác. Khi thầy Trừng Hùng làm điều gì khiến tôi bất bình, tôi tự chế mình bằng một câu niệm Phật vang mạnh trong lòng. Có khi tôi phải mượn ý nghĩ rằng thầy ấy là người anh lớn của tôi để khơi dậy lòng thương trong tôi. Hai tháng sau, tôi không thấy ghét thầy Trừng Hùng nữa. Nhưng vẫn không sao thương quý thầy ấy như đã từng thương quý những vị thầy khác.

Cho đến một hôm, sau nửa giờ ngồi thiền vào giấc khuya, tôi ngồi yên trên giường lắng nghe tiếng tụng kinh của thầy Trừng Hùng, bất chợt tâm tôi nở ra như một cánh hoa. Tôi thấy quanh tôi cái gì cũng đáng thương, cũng dễ thương hết. Nhất là tiếng tụng kinh của thầy Trừng Hùng, nó mang cái vẻ bi thiết rất tội nghiệp của kiếp người khổ lụy. Tôi nghe tiếng ấy mà trong lòng quặn lên một mối xúc cảm kỳ lạ. Tôi thấy thương mọi người, thương tất cả, kể cả thầy Trừng Hùng, người đã từng gây cho tôi bao nỗi bực mình, bất mãn.

Trạng thái ấy không phải là một trạng thái miên viễn. Nó xuất hiện nhất thời, lưu lại trong tôi một thời gian rồi phai nhòa. Nhưng ít nhất, tôi đã có thể thương yêu được thầy Trừng Hùng rồi. Tôi kể lại kinh nghiệm tâm linh đó cho thầy Thông Chánh nghe, thầy ấy mừng cho tôi, khích lệ tôi thường xuyên tọa thiền hay niệm Phật để tâm càng lúc càng mở rộng hơn. Tôi theo đó mà thực hành, nhưng phải ba năm sau tôi mới nhận ra được những khúc mắc cũng như những cái vi tế của bản ngã mình.

Tình thương chân thật thì không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Cũng không nằm trong sự ly cách giữa những cái bản ngã với nhau. Nếu còn thấy kẻ thù để thương yêutha thứ thì tâm hãy còn nhỏ hẹp, đó chỉ là sự khỏa lấp cái bản ngã thấp hèn của mình mà thôi.

 

a

 

Hồ sơ học bạ của lớp tôi được ghép chung với học bạ của lớp Sơ đẳng Phật học tại Phật học viện Linh Sơn. Danh sách những chú tiểu sẽ lên đường đi Quảng Nam là mười hai người. Tôi ngỡ là toàn bộ lớp tôi sẽ chuyển đi Quảng Nam để học lớp Trung đẳng Phật học ngoài ấy. Nhưng không phải vậy. Lớp tôi chỉ có năm người. Số còn lại hoặc chuyển đến một trường khác có trình độ cao hơn như trường hợp chú Tâm; hoặc chuyển đến một trường Trung đẳng Chuyên khoa Phật học thay vì Trung đẳng Phổ thông như trường hợp chú Thân, chú Đạo; hoặc không muốn đi xa như chú Dũng, chú Kính; hoặc chưa đủ tiêu chuẩn để được chuyển đi như các chú Hải và Thông. Các chú ở Phật học viện Linh Sơn cũng chỉ được tuyển đi bảy chú trong số gần cả trăm chú của Phật học viện. Nhiều chú ở Phật học viện Linh Sơn không muốn đi học xa không phải vì chưa hội đủ điều kiện nhập học mà vì các chú không muốn xa gia đình.

Riêng tôi, đi xa là điều rất hấp dẫn. Tôi mê cái đẹp của bãi biển Nha Trang với nước biếc trời cao ôm ấp bờ cát trắng, của ngọn đồi Trại Thủy với Hải Đức thơ mộng nép mình giữa cây cỏ xanh um, nhưng điều đó không ngăn cản được ước muốn đi xa, tìm đến những vòm trời mới lạ. Tôi mập mờ cảm thấy vòm trời mới lạ ấy dường như không phải là vòm trời bên ngoài, ở Nha Trang hay ở Quảng Nam, mà ở trong tôi, nhưng nó có vẻ như chỉ muốn được phơi bày từ sự phản ảnh của một không gian mênh mông bát ngát. Cho nên, khi loay hoay thu xếp hành lý cá nhân, tôi có thể lắng nghe được một nỗi rộn rã kỳ thú đang rung chuyển trong tận cùng tâm thức mình.

Tháng cuối cùng tôi sắp rời Nha Trang, thầy Thông Chánh đề nghị thầy tôi cho tôi dược trở về lại viện Hải Đức. Thầy tôi đồng ý. Có lẽ thầy Thông Chánh muốn tôi được gần gũi thầy tôi để thu thập thêm kinh nghiệm, hiểu biết và nhất là tâm lượng khoáng đạt–cái mà thầy Trừng Hùng không thể dạy được–để làm món hành trang cần thiết cho tâm tư tôi trước khi lên đường.

Khi tôi chào thầy Trừng Hùng để về viện, thầy ấy không muốn nhìn mặt tôi. Cũng may có thầy Thông Chánh nói mấy lời, thầy ấy mới vui vẻ chúc mừng tôi được đi học xa. Tôi đi thì chùa cũng không vắng thiếu gì. Đã có thêm hai chú mới vào. Một chú tên Lâm, ngang tuổi chú Thiệt, một chú tên Đạo, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Các chú đưa tôi ra cổng tam quan. Chú Thiệt nói nay mai chú cũng sẽ về lại viện chờ ngày rời Nha Trang.

Cùng thầy Thông Chánh xách hành lý xuống núi, trong tôi bỗng dưng nẩy sinh một mối tri ân sâu đậm đối với ngôi chùa cổ bỏ lại sau lưng. Vâng, dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể phủ nhận được rằng, gần sáu tháng sống ở đây, tôi cũng đã học được khá nhiều điều hay mà nếu cứ ở viện tôi sẽ không bao giờ có được: tôi đã biết nấu cơm và một vài món ăn đơn giản; ngoài ra, tôi còn học được cách chịu đựng những bất bình trong cuộc sống. Như vậy, tôi không trở về viện với hai tay không, mà trở về như kẻ tốt nghiệp một lớp huấn nhục cơ bản nào đó. Tôi quay mặt nhìn ngôi cổ tự Linh Phong với một thoáng biết ơn.

Những ngày sắp đi, bọn tiểu chúng tôi thật rộn ràng, lo sắp đặt, mơ tưởng đủ thứ, mà bàn tán về nơi sắp đến cũng nhiều. Thầy Thông Chánh quê ở Đại Lộc, Quảng Nam nên thầy biết rõ về cảnh sống ngoài ấy. Thầy kể sơ tôi nghe về những thắng cảnh của Quảng Nam, đặc biệtNgũ Hành Sơn ở Non Nước. Nghe thầy kể, tôi mê lắm. Ngũ Hành Sơn là năm ngọn núi nằm sát bờ biển. Nội nghe chừng ấy không tôi đã thấy trong lòng xao xuyến, bồi hồi. Nhưng một thầy học tăng khác cũng quê Quảng Nam, biết rõ nơi tôi sắp đến, đã nói rằng:

“Ôi chà, cái xứ đó các chú đến thì chỉ bốc cát mà ăn thôi. Đất đai cằn cỗi, cỏ mọc không lên. Khổ tới nơi rồi các chú ơi! Ai lại chọn sa mạc mà làm Phật học viện bao giờ!”

Thầy Thông Chánh cười nói:

“Thầy nói phóng đại quá làm các chú sợ. Hồi xưa khác, bây giờ khác chứ! Có chỗ học được là tốt rồi, phải không?”

Tôi không trả lời các thầy. Nhưng trong lòng tôi quả nhiên là không sợ hãi sự khổ nhọc. Dường như sự khổ nhọc khó khăn ở một mặt nào đó cũng có dáng vẻ lôi cuốn mê hoặc của nó. Chẳng biết tôi cảm nhận được điều đó từ lúc nào. Phải chăng từ mấy tháng sống ở chùa Linh Phong? Chẳng rõ. Chỉ thấy rằng tôi rất tự tin khi hướng về vùng đất mà người ta mô tả là cằn khô, hiu quạnh đó.

Ngày cuối cùng ở Nha Trang, tôi về thăm gia đình. Tôi ở lại ăn cơm chay với ba mẹ tôi hôm ấy. Mẹ tôi đã mua sắm thứ này thứ nọ cho tôi mang theo ra xứ Quảng. Nhưng tôi chỉ muốn mang theo một va-li hành lý thật gọn nên đã bỏ lại bớt những vật dụng mẹ tôi sắm. Mẹ còn dúi tôi một phong bì đựng tiền nữa. Tôi không nhận. Lâu nay tôi vẫn khư khư cho rằng đã xuất gia rồi thì không những không phụ thuộc gia đình về mặt tình cảm mà cũng không làm phiền gia đình về mặt tài chánh nữa. Huống chi đã gần hai năm quen với nếp sống vốn không có nhiều nhu cầu trong cửa chùa, tôi không thấy cần thiết phải có tiền mang theo. Tôi cũng nghĩ rằng nếu mẹ giữ lại số tiền ấy thì cũng đỡ nhọc cho mẹ, cho gia đình phần nào hay phần nấy. Tôi nhét cái phong bì lại trên tay mẹ. Mẹ tôi nói:

“Sao vậy? Con mang theo để lỡ có khi cần mua sách hay thứ gì cần thiết chứ?”

“Con đã sắm đầy đủ hết rồi. Tiền này me cất đi. Viện cũng có cho tiền tụi con đó me.”

Tôi nói vậy thôi chứ viện đâu có cho tiền bạc gì. Mẹ tôi cầm cái phong bì trên tay mà mặt buồn rười rượi. Lúc ấy tôi chưa hiểu được nỗi buồn đó của mẹ. Tôi cứ nghĩ tôi không nhận tiền thì mẹ đỡ tốn, mẹ phải vui. Vậy mà mẹ lại buồn. Đến khi từ giã gia đình để trở về viện, mẹ tôi đưa tôi cái túi xách nhỏ có đựng vài món của mẹ mua cho tôi mang theo; tôi nhìn lại thấy chẳng có gì nhiều, vì tôi đã bỏ lại hơn một nửa. Gói đồ quá ít cho một đứa con đi xa, có lẽ đã làm mẹ áy náy, không yên lòng. Ba tôi ôm hôn tôi, rồi nắn nắn đôi vai tôi như ông vẫn thường làm vậy với các con. Mấy đứa em tôi cũng chạy đến nắm tay tôi lắc lắc. Một đứa nhón lên hôn má tôi. Riêng mẹ tôi từ lúc tôi vào chùa rồi, bà không còn biểu lộ tình mẫu tử của bà theo cung cách xúc chạm như thế nữa. Mẹ chỉ bước theo tôi, đưa tôi ra cửa. Ngay lúc dó tôi mới giật mình biết rằng kể từ khi tôi xuất gia, mẹ đã mất cơ hội để chăm sóc tôi tận tình như đã chăm sóc anh chị em tôi ở nhà. Bây giờ tôi lại đi xa, mẹ còn khó có cơ hội ấy hơn. Thực ra, nuôi con thì phải tốn kém vì con. Đứa con mà không bao giờ xin tiền, làm nũng, hay đòi hỏi mẹ chăm sóc, thì không phải là đứa con ngoan. Đó là đứa con bất bình thường, chặn đứng nguồn thương yêu đang tuôn chảy bất tận từ mẹ. Sự thương yêu của mẹ là phải có chăm sóc, tưng tiu, cho quà, hao tốn. Mẹ cho con được cái chi mẹ sung sướng lắm, dù sự cho đó làm tốn kém túi tiền của mẹ. Hơn cả năm nay, mẹ tôi đâu mua sắm được cái gì cho tôi, vì ở chùa đã lo hết rồi, mà cũng vì tôi không bao giờ chịu đòi quà hay xin xỏ gì nơi mẹ cả. Bây giờ tôi đi xa, mẹ túm vén một ít tiền cho tôi, tôi cũng từ chối luôn. Vậy là tôi chẳng thương, chẳng hiểu mẹ rồi. Mẹ muốn được tốn kém chút gì đó cho tôi mà. Tôi đến ngang cửa rồi thì quay lại, nói nhỏ với mẹ:

“Me cho con tiền đi. Chắc có khi con cần tới.”

“Phải rồi, con nên đem theo tiền. Dù viện cho rồi cũng mang thêm để rủi khi bệnh hoạn đau ốm nữa, đâu có me hay có thầy bên cạnh để lo cho con.”

Mẹ tôi vui mừng đưa ngay cái phong bì đựng tiền cho tôi. Tôi thấy rõ là mẹ sung sướng hơn lúc nãy nhiều. Thấy mẹ sung sướng đưa tiền cho mình, tôi ứa nước mắt. Nếu không nhận số tiền đó của mẹ, chắc là một ngày nào đó, tôi sẽ ân hận, đau khổ vì đã không chịu làm nũng, vòi quà để chứng tỏ mình là một đứa con của mẹ.

Tôi về đến viện vào giờ cơm. Tính xuống bếp lấy phần cơm của mình thì thầy Thông Chánh đến kéo tôi đi, nói rằng:

“Để bụng đói đi, đừng ăn. Tối nay mình ăn món đặc biệt để đãi chú mi lên đường.”

Rồi tôi theo thầy ấy đi dạo núi, qua Kim Thân Phật Tổ để ngắm biển và phố Nha Trang lúc hoàng hôn. Biển Nha Trang nhìn xa chỉ thấy một vệt xanh dài bất động và tĩnh lặng. Âm thanh của sóng nước không vọng đến nơi chúng tôi ngồi được, nhưng gió biển thì lồng lộng thốc đến từng cơn. Từ đồi cao này, chúng tôi cũng chỉ thấy những dãy phố, những tòa nhà cao vươn lên trong im lặng. Bao náo nhiệt của phố thị đều bị bỏ lại bên đưới. Người ta đã nhìn ngắm Nha Trang trong vẻ động, ít có ai ngắm được vẻ tĩnh của nó như chúng tôi trên đỉnh đồi này. Trong tĩnh lặng, không gian trở nên mênh mông hơn. Trong mênh mông, cái đẹp trở nên tuyệt hảo hơn. Nhưng dù nhìn từ xa hay gần, dù trong vẻ tĩnh hay vẻ động, cái bao la bát ngát của biển cũng luôn cuốn hút hay khích động con người lao vào cuộc tìm hiểu cái vô tận của vũ trụ hay cái sâu thẳm của thế giới tâm linh. Cứ nhìn biển, nhìn trời là lòng tôi xao động, muốn phóng lên, muốn lao vào đến chỗ tận cùng bờ mé của chúng.

Trời chưa tắt náng hẳn các thuyền chài đã lo thắp đèn lên. Những con thuyền nhấp nhô theo sóng nước khiến cho các ngọn đèn lúc ẩn lúc hiện, lúc sáng lúc nhòa, như những vì sao rơi xuống mặt biển. Trời càng tối, đèn thắp lên càng nhiều, cơ hồ giăng khắp mặt nước, kéo một vạch ngang vàng chóa phân chia góc biển với chân trời. Nếu không có chuỗi đèn chài đó, hẳn người ta sẽ không phân định được đâu là ranh giới của biển và trời trong màn đêm dày đặc kia.

Rời Kim Thân về viện, lòng tôi nôn nả đánh nhịp theo bước chân. Tôi biết mình sắp rời khung cảnh nên thơ này rồi. Vừa tiếc nuối, vừa hăm hở muốn đi xa, tim tôi như bấn loạn từng lúc. Tôi biết sẽ lâu lắm tôi mới có thể tìm lại được những giây phút êm đềm thú vị như hôm nay. Ở Hội An cũng có biển, cửa Đại, thầy Thông Chánh cho tôi biết như vậy; nhưng chắc chắn Phật học viện Quảng Nam không nằm ở trên núi như viện Hải ĐứcKim Thân Phật Tổ.

Hôm qua đã có một tiệc nhỏ để tiễn đưa chúng tôi lên đường, do các chú trong lớp học tổ chức. Hôm nay, thầy Thông Chánh đãi tôi. Tôi khá đói bụng sau khi qua Kim Thân Phật Tổ để ngắm biển với thầy Thông Chánh. Về tới viện, thầy bảo tôi ngồi chờ nơi tháp chuông cũ để thầy xuống bếp lấy thức ăn. Nơi đây, hai năm trước, vào ngày đầu tiên xuất gia, tôi và hai chú Dũng, Sung, hái trộm thanh long… Tôi ngồi yên một lúc, bỗng thấy trong lòng quặn lên một mối thương tâm đối với Sung và Dũng. Sung bây giờ không còn ở chùa nữa, còn Dũng thì vì không được thầy quản chúng cho phép đi học xa. Các chú đều xuất gia trước tôi nhưng chú nào cũng thiệt thòi hơn tôi cả. Vậy ra, trong chuyện xuất gia, cũng có sự may mắnbất hạnh nữa.

Đâu chừng mười phút sau, thầy Thông Chánh trở lại với một giỏ xách nhỏ. Không cần bàn ghé hay chén bát gì, chúng tôi ngồi ăn tại tháp chuông cho mát. Thức ăn đơn giản nhưng khá ngon miệng: bánh mì nhét đậu hủ kho. Tôi hỏi ở đâu thầy có món đậu kho ngon vậy. Thầy nói thầy đã gởi tiền nhờ dì Bảy dưới bếp mua đậu để làm món dó, còn bánh mì thì mua ở lò bánh Tân An gần Ty Thông Tin nên bánh dòn thơm, ăn rất ngon. Thầy một ổ lớn, tôi một ổ lớn, xé ổ bánh bằng tay rồi cũng bằng tay, bốc đậu hủ bỏ vào, tiện lợi, khỏi cần muỗng đũa chi cho mệt. Hai thầy trò vừa ăn vừa trò chuyện dưới bóng trăng mờ. Nước uống thì có một ca nước đậu xanh nấu để bên cạnh. Món này không kể đến trong thực đơn mà thầy ấy đãi tôi, vì từ lúc về viện, tối nào tôi và thầy Thông Chánh cũng uống nước đậu xanh này cho giải nhiệt. Xong món bánh mì thì tới món kẹo mè xửng. Tôi ăn bánh mì rất ngon miệng nhưng tới món kẹo đáng ra là phải ngọt ngào trơn tuột này thì tôi đâm nghẹn nơi cổ họng. Tôi biết thầy Thông Chánh không có tiền để đãi tôi thịnh soạn hơn. Những món thầy đãi chắc là cũng cố gắng lắm mới có được. Làm học tăng ở viện Hải Đức, ngoài ba bữa cơm hàng ngày, mỗi năm được phân phát một ít tiền vào dịp lễ Vu Lan, dịp Tết, còn ngoài ra đều tự túc. Có người được gia đình tiếp tế thêm mới đủ tiền mua sách vở. Gia đình thầy Thông Chánh ở tận Quảng Nam, thầy lại không thích nhờ vả đến. Như vậy, bữa ăn đơn sơ cuối cùng thầy đãi tôi, chắc cũng dốc gần hết túi tiền của thầy rồi. Thương quý và xúc động trước tấm chân tình của thầy, tôi ứa lệ. Trong bóng tối dật dờ của mảnh trăng non, thầy ấy không biết tôi khóc. Thầy vẫn cười nói. Chưa bao giờ tôi thấy thầy ấy buồn, ngay cả vào lúc sắp chia tay như bây giờ.

Trước khi chia tay ai về phòng nấy, thầy Thông Chánh nhắc tôi xuống lạy thầy bổn sư trước giờ tọa thiềnchỉ tịnh vì sáng mai tôi phải lên đường sớm, có thể không có cơ hội để nghe thầy bổn sư chỉ dạy lần chót. Tôi xuống phòng mặc áo tràng vào, rồi đến gõ cửa phòng thầy. Thầy tôi đang ngồi ở bàn viết. Tôi vào lạy rồi chắp tay thưa:

“Bạch thầy, ngày mai con đi học xa, xin thầy chỉ bảo con.”

Tôi chỉ nói được mấy lời ngắn ngủi như vậy. Thầy tôi gật gù nói:

“Thượng Tọa Chơn Phát, Giám viện Phật học viện Quảng Nam khi xưa là bạn học của thầy. Thầy ấy rất giỏi, giới luật nghiêm minh, xứng đáng là minh sư cho đồ chúng noi theo mà tu học. Xa thầy, con phải biết nương học thầy ấy thì hạnh kiểm mới toàn vẹn, học lực mới tiến xa. Xem thầy ấy như thầy của con vậy. Nhớ chưa? Còn nữa, mấy anh em cùng đi với nhau, phải giúp đỡ đùm bọc nhau, nhắc nhở nhau tu học…”

Tôi vâng dạ rồi đảnh lễ thầy ba lạy. Khi tôi lui ra đến cửa, thầy gọi lại, nói:

“Chuyện tu tập cũng giống như học hành, không tiến tức là lùi.”

Tôi lại vâng dạ rồi xá thầy, lui ra, nhưng thầy đứng dậy, bước theo tôi đến cửa phòng, xoa đầu tôi, nói:

“Phải tiến thẳng về phía trước, đừng quay lại. Quanh quẩn mãi bên thầy thì không bao giờ sáng mắt ra được.”

Tối đó ngủ chung phòng với các chú tiểu, tôi chợp mắt không được, cứ nhớ mãi những lời thầy dặn dò. Chú Sáng cũng không ngủ được, thức đêm trò chuyện với thầy Thông Nghĩa ở hiên chánh điện. Thầy Thông Nghĩa là huynh đệ đồng sư của thầy Thông Chánh, thương và kèm dạy cho Sáng y như thầy Thông Chánh đã kèm dạy tôi. Chú Sương, chú Thiệt thì ngủ ngon lành, vô tư như chẳng gì xảy đến.

Tôi nằm trăn trở mãi đến ba giờ rưỡi khuya, khi tiếng kẻng báo chúng gõ vang từ lối trai đường. Sau ba câu niệm Phật lớn tiếng cùng cả trăm người trên viện, tôi rời giường đi rửa mặt rồi vào mặc áo, chuẩn bị lên đường. Thầy Thông Chánh có mặt ngay khi tôi đang xách va-li tiến về hướng Tổ đường. Thầy xách va-li cho tôi, bảo tôi vào phòng thầy bổn sư chào từ giã. Các chú Sáng, Sướng, Thiệt vẫn còn lăng xăng thu xếp đồ đạc trong phòng. Tôi vào một mình. Thầy tôi vừa tọa thiền xong, đang ngồi ở bàn viết. Tôi vào thì thầy trao cho một phong bì, nói:

“Thầy cho con để mua sách vở học. Khi nào cần gì thì viết thư về cho thầy để thầy gởi thêm. Nhớ lời thầy dặn, dù ở đâu cũng phải nương những vị minh sư mà tu học, không theo tà sư hay bạn bè xấu.”

Tôi xúc động nhưng kềm chế, không dám biểu lộ. Thầy tôi không thích con trai mà ủy mị. Đã có lần thầy trách tôi mềm yếu như con gái, cho là tôi bị ảnh hưởng từ các tiểu ni hay các sư cô trong thời gian theo học kinh và tụng kinh ở chùa sư nữ. Lạy thầy xong là tôi lui ra ngay. Thầy bước theo, đưa tôi ra ngoài phòng khách, nơi đó có thầy Thông Chánh đứng chờ.

Viện thuê bao nguyên một chiếc xe đò chở chúng tôi đi từ Nha Trang ra tận Phật học viện. Nhưng xe vào đến viện Hải Đức rất bất tiện, vì vậy địa điểm được chọn để chúng tôi tập trung là chùa Tỉnh Hội. Bảy chú từ Phật học viện Linh Sơn cũng đi xe lam từ Cầu Dứa xuống. Lớp tôi thì bốn người ở viện Hải Đức, một người ở chùa Phước Điền cùng đi bộ đến chùa Tỉnh Hội. Mạnh ai nấy đi, miễn sao đến trước sáu giờ sáng là được. Thầy Thông Chánh xách hành lý đưa tôi đi bằng con đường Hoàng hôn quen thuộc. Thầy đưa tôi đến tận xe, leo lên ngồi với tôi một lúc.

Trên xe cũng náo nhiệt lắm, có mười hai chú tiểu cùng một số người thân đưa đón thôi mà ồn như cái chợ. Thân nhân các chú đến đó, dặn dò, khuyên nhủ, khóc lóc cũng có. Tôi chỉ có thầy Thông Chánh như là người thân vào giây phút chia tay đó. Thầy cứ ngồi cười, lâu lâu nắm tay tôi lắc lắc. Thầy vẫn vậy, không biết buồn là gì.

Đến giờ xe sắp chạy bỗng thấy mẹ tôi xuất hiện. Tôi không kịp nói gì với mẹ, chỉ ngồi trên xe, nhìn bà từ khung cửa sổ. Thầy Thông Chánh chạy đến bắt tay tôi lần cuối trước khi xe chạy. Rồi thầy đứng lại gần chỗ mẹ tôi và những bà mẹ của những chú tiểu khác. Tình huynh đệ giữa tôi và thầy ấy đã được biểu lộ bằng một cái xiết tay. Nhưng tình mẫu tử thì không. Mẹ tôi chỉ đứng nhìn theo, rồi đưa một tay lên vẫy. Tôi đưa tay vẫy lại. Bóng mẹ và những người đưa tiễn nhòa dần trong màn sương sớm.

 

 


Tạo bài viết
26/01/2020(Xem: 12163)
30/09/2012(Xem: 10193)
30/08/2014(Xem: 6559)
06/06/2019(Xem: 15433)
01/10/2013(Xem: 7439)
01/10/2013(Xem: 5671)
02/11/2023(Xem: 2453)
02/04/2024(Xem: 1130)
26/10/2021(Xem: 4941)
02/07/2024(Xem: 1542)
27/09/2015(Xem: 4980)
03/10/2022(Xem: 3574)
23/09/2018(Xem: 9833)
01/06/2023(Xem: 3421)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: