Chương 13

01/10/201312:00 SA(Xem: 2120)
Chương 13

NGÕ THOÁT
tức PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG 3
truyện dài của Vĩnh Hảo
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

CHƯƠNG MƯỜI BA

 

Dù rằng tôi không nói gì với ông Trọng về chuyện tình cảm, tôi cũng không thể tự dối lòng rằng tôi chưa bị giao động, hoặc chưa biết yêu đương.

Tu sĩ là những con người có thân xác và cảm tính đôi khi không vượt thoát ra ngoài những nguyên lý và hệ quả tất nhiên tác động từ sinh và tâm lý. Khác chăng, họ là kẻ tự nguyện kềm chế và lèo lái toàn bộ sức sống của mình đi theo một khuynh hướng, nhắm về một mục tiêu thoát tục vạch sẵn. Cuộc đời tu sĩ không bình lặng, êm ả như người ta lầm tưởng. Họ phấn đấu không ngừng trong từng phút giây, và cả cuộc đời, để loại bỏ tình cảm hạn hẹp của mình. Họ được giáo dục rằng ái dục dẫn đến đau khổ và sẽ đày ải họ giạt trôi bất tận trong dòng sinh diệt mông muội của kiếp luân hồi. Ái dụckẻ thù nguy hiểm nhất án ngữ sự vươn mình của tu sĩ hướng về mục tiêu tối hậu. Và như thế, để đạt đến niềm vui vĩnh viễn, chân thật, cách duy nhất, điều duy nhất mà họ cần làm là phải quyết tâm cắt đứt toàn bộ gốc rễ của ái dục. Nhưng chỗ đáng buồn là thường khi, trong trận chiến chống lại ái dục, chiếc áo giáp tăng sĩ đã vô tình giới hạn họ trong một thứ trận đồ thụ động mà kẻ giác đấu chỉ biết tên kẻ thù, tránh né kẻ thù, quay lưng với kẻ thù chứ không thực sự giáp mặt nó để quyết một trận thư hùng sống mái. Nếu may mắn, họ trốn thoát được sự vây bủa chụp bắt của kẻ thù bằng sự bưng bít với những rào cản bảo vệ của giới luật và sự đề kháng máy móc quen thuộc; còn đa phần thì gục ngã một cách ê chề, đau thương, không ngóc đầu lên nổi mà vẫn không thấu triệt được bộ mặt thực của kẻ thù. Đó là chưa nói đến cái đa dạng và tinh tế một cách quỷ quyệt của ái dục khi nó biết tấn công người tu sĩ bằng mọi ngõ ngách. Cho nên, có khi tưởng chừng đã thoát được nanh vuốt của nó mà kỳ thực lại làm tay sai cho nó trong những thu tóm, vói bắt khác.

Ông Trọng đã ngủ ngon rồi mà tôi cứ nằm trăn trở. Tôi tự hỏi, có chăng thứ hạnh phúc chân thật trong sự dễ duôi chìm đắm và hân thưởng một cách vô tư những gặt hái từ bản năng khát dục như cách sống của những người thế tục, điển hình là ông Trọng? Và có chăng một ngõ thoát ra ngoài cái triền phược thống khổ của cuộc đời mà không cần phải trực diện với ái dục? Đó là ngõ thoát chung cho mọi người hay mỗi người tự có lối đi riêng tùy theo cái nhìn của mình về hạnh phúc, cũng như tùy theo tác động đẩy tới nặng hay nhẹ của khổ đau mà mỗi người cảm nhận? Và một khi con ma ái dục đã sinh sản và bủa giăng những tiểu yêu thuộc hạ của nó khắp nơi trên một đất nước, hay trên khắp mặt đất này, rồi dấy động một trận chiến quyết liệt để chiếm lĩnh trần gian, làm băng hoại cuộc sống, đày ải con người trong khổ não bất tận… thì người tu sĩ, những kẻ giác đấu tinh thần không biết mỏi mệt, phải làm gì? Đấu tranh chống cộng? chống áp bức bất công? chống tham nhũng hối lộ? đòi tự do nhân quyền? Chủ trương nào, phương thức nào trong những thứ trên, có thể mở được một ngõ thoát chung cho dân tộc, và cho con người?

Tôi tự hỏi mình như thế rồi bước vào giấc ngủ của mình trong một nghi vấn bỏ lửng. Buổi khuya thức dậy sớm, tôi đến bên cửa gió, nhìn ra ngoài. Trại giam hãy còn chìm trong giấc ngủ. Hơi sương lạnh, từng phiến nhỏ, theo những cơn gió nhẹ, hắt vào mặt tôi. Vài ngôi sao còn rùng mình mỏi mệt trên khoảnh trời rất nhỏ còn rớt lại giữa hai dãy nhà giam. Tôi đưa tay gõ nhẹ trên cánh cửa sắt dày. Những tiếng kêu khô vang lên nhè nhẹ, nhè nhẹ.

Có một ngõ thoát nào chăng?

 

Đ 

 

Những ngày kế tiếp, chẳng gì lạ xảy ra. Thấm thoát mà đã được nửa tháng. Ngày ngày nhận cơm nước, ăn ngủ, tắm rửa, nói chuyện, ca hát, trầm ngâm bên cửa gió, lắng nghe tiếng động của thế gian, tụng chú, ngồi thiền… tôi quen dần với không khí trại mà vẫn chưa nếm được thế nào là cái đau khổ thực sự của nhà tù cộng sản. Đôi lúc tôi tự nhủ, nếu cứ giam tôi kiểu này hoài, e chừng tôi chẳng muốn về nữa kia. Tù thế này thì có gì gọi là khổ đau! Lâu lâu nhớ chùa, nhớ nhà chút xíu rồi cũng qua hết. Còn đói khát, thiếu ăn thiếu mặc ư? Chuyện đó đâu phải là vấn đề đối với tu sĩ! Cứ mượn cảnh tù làm cảnh tu, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài, không lo lắng bận bịu trách nhiệm gì với trần gian, không chừng lại mau đắc đạo hơn lúc còn ở chùa.

Tuy nhiên, chuyện không đơn giản như tôi tưởng. Ngay cả cái trường canh đều đặn và chuẩn mực nhất cũng phải có những lúc lỗi nhịp đi chút xíu, hoặc không lỗi nhịp thì âm lượng cũng chệch khác đi ở chỗ nặng nhẹ.

Vào một buổi sáng, đang vận động, hít thở trong các động tác thể dục trong phòng giam, tôi bỗng nghe tiếng hô rất lớn vang dội trong dãy hành lang.

“Báo cáo cán bộ, phòng 7 biệt giam, dãy C3, có người xin cấp cứu.”

Ông Trọng chú ý lắng nghe một lúc rồi cho tôi biết rằng, người hô báo cáo là Nghĩa, anh bạn trẻ thường mở cửa gió giùm cho ông Trọng vào mỗi tối. Bên phòng 7 biệt giam có hai người, một già một trẻ. Nghĩa hô báo cáo, tất nhiên người bệnh là ông già Trường. Ông Trọng chắc lưỡi nói:

“Tội nghiệp. Bên đó hai người thì cũng giống như chỗ mình mà chứa bốn người vậy, ngộp thở lắm. Ở tù mà cứ ở biệt giam hoài thì người nào khoẻ cũng thành yếu, không bệnh cũng thành bệnh, ra khỏi tù thì thành thân tàn ma dại. Hờ, vậy là ông Trường bên đó bị lên tăng-xông nữa rồi. Bệnh đó mà nằm biệt giam nóng nực, bít bùng làm sao chịu nổi!”

Nghĩa lại hô lên như trước ba, bốn lần. Tiếng anh vang dội khắp dãy. Cứ mỗi bận tiếng Nghĩa cất lên, tù nhân trong các phòng đang nói cười bỗng im bặt để tránh lấn át tiếng báo cáo của anh ấy. Mà càng im lặng để làm nổi bật tiếng báo cáo, không khí trại giam càng trở nên nặng nề như có mùi tử khí thoảng lại. Chốc chốc tiếng của Nghĩa lại vang lên, vẫn ngần ấy chữ nhưng dồn dập và cấp bách hơn, tưởng chừng như đoạn dồn thúc của hồi chuông báo tử. Nó dội bập bùng trong lồng ngực, rồi lắng sâu vào tận đáy lòng tôi. Một lúc lâu mới có tiếng một cán bộ nào đó:

“Nghe rồi, réo mãi! Câm đi!”

Nghĩa im luôn. Một chốc, cán bộ trực dãy mặt dàu dàu buồn ngủ, mang xâu chìa khóa xuống. Ông Trọng kéo tôi nép vào trong, tránh ló mặt ra cửa gió:

“Rút êm chứ không nó kiếm chuyện, phiền hà lắm. Mỗi lần cán bộ xuống, mình không được quyền đưa mặt ra ngó, tôi nói cậu rồi, phải không? Nó thấy được là kết tội mình thông cung với phòng khác hoặc có ý đồ ám sát nó. Tổ mẹ nó, ám sát khỉ khô gì qua cái cửa gió bé tí này!”

Tiếng mở khoá lách cách và cánh cửa gió phòng 7 được kéo ra với tiếng rít ken két như đoàn tàu hỏa thắng gấp ở một sân ga. Ông Trường được hai người anh nuôi khiêng lên bệnh xá của trai giam. Cánh cửa sắt phòng 7 đóng lại, vẫn tiếng khô khan thường lệ. Tôi ngồi xuống, tựa lưng vào vách. Nỗi buồn kéo theo, nặng như chì, không vươn ra khỏi cánh cửa gió.

Ông Trọng đốt điếu thuốc đầu ngày, nhìn tôi:

“Cậu em còn trẻ, tương lai còn dài. Cố gắng giữ gìn sức khoẻ. Sáng tối tập thể dục đều đặn, ăn nhiều, ngủ nhiều, chờ ngày tự dotiếp tục sự nghiệp. Trong tù mà mang bệnh là thất bại. Kẻ thù đáng sợ nhất trong tù là bệnh hoạn đó. Nhiều người được tự do rồi, mang bệnh về nhà mà chết. Nếu may mắn sống được, cũng thành tàn phế. Nói vậy không phải để bi quan, lo rầu, mà cốt yếu là để cậu chuẩn bị trước tư tưởngnghị lực đối đầu với cái đói, cái bệnh và cái chết trong bốn vách tù khốn nạn này. Ngày tháng trong tù dài hay ngắn thực ra chẳng quan trọng gì. Ta còn sống được hay không, đó mới là vấn đề.”

“Hình như không phải cháu sợ hãi hay lo buồn gì cho phần cháu. Nói thực đó, vì cháu tin là đủ sức vượt qua tất cả những thử thách trong tù. Nhưng cháu lại thấy buồn thương thế nào đó đối với những anh em bạn tù khác. Cứ tưởng tượng họ có những người thân mong ngóng chờ đợi bên ngoài… bỗng thấy đau thắt trong lòng.”

Ông Trọng cười khẩy một cái:

“Cậu tội nghiệp cho tôi nữa, phải không? Vì có hôm cậu thấy tôi… buồn muốn khóc chứ gì?”

“Thì nói chung là những người bạn tù đó mà.”

“Vậy chứ cậu không có thân nhân hay người tình nào bên ngoài để thương nhớ sao? Bộ cậu không có ai mong đợi bên ngoài sao? Sao bí mật quá vậy? Đáng ra cái chuyện trai gái bồ bịch thì một người cỡ tuổi thanh niên như cậu khoái nói, khoái kể hơn tôi chứ đâu phải im lìm lặng lẽ như vậy. Khó hiểu cậu em thực. Tôi nghĩ, có lẽ cậu em đã có một người tình hay một người vợ đã chết, đã bỏ cậu, hoặc cậu chưa hề có một người tình nào cả.”

“Có ai đâu. Bạn bè thôi. Vì lâu nay cháu chỉ sống gần gũi bạn bè.”

“Bạn gái?”

“Không. Bạn trai chứ. Bạn bè cháu nhiều lắm. Thân thiết không dưới năm mươi, quen biết không dưới hai trăm.”

“Dữ vậy! Cậu làm thứ gì, nghề gì… à, cậu đã nói rồi, cậu thất nghiệp. Hờ, thế còn cha mẹ, anh chị em? Cậu không vướng bận gì à?”

“Dĩ nhiên cũng có lúc nghĩ đến chứ. Nhưng sự xa cách với gia đình lâu ngày đã thành quen thuộc rồi. Cháu nói chú nghe chưa? Cháu rời gia đình từ năm… từ lúc hãy còn nhỏ. Mười lăm năm nay sống với bạn bè. Trước khi bị bắt cũng sống với bạn bè thôi.”

Ông Trọng chăm chú nhìn tôi một lúc như cố gắng moi tìm, đoán định phần nào về con người và lai lịch tôi, rồi ông buông một câu bất ngờ:

“Cậu buôn đô-la, hột xoàn, phải không?”

Tôi cười ngất. Ông Trọng cũng cười hềnh hệch. Rồi ông vừa xua tay vừa cười, đoán tiếp:

“Cậu là nghệ sĩ đánh đàn hay ca sĩ gì đó? Chỉ như vậy mới có thể đi rông, sống với bạn bè, có nhiều bạn bè.”

Tôi lắc đầu.

“Cậu dạy học, hoặc dạy một thứ nghề nghiệp gì đó?”

Tôi ngập ngừng một lúc:

“Cũng na ná như vậy.”

“Nhưng cậu dạy tư, vì cậu không phải cán bộ của nhà nước đâu, tôi biết. Cứ xem lời lẽ cậu nói, suốt nửa tháng nay, chẳng lọt một chữ nào của xã hội chủ nghĩa thì biết ngay.”

“Dạ… dạy tư, cũng đúng.”

“Nhưng dạy cái gì?”

Tôi chưa kịp đáp thì một cái mặt ló ra từ ngoài cửa gió, nhìn vào:

“Nguyễn Đức Trọng, đi làm việc.”

Ông Trọng vội vã mặc quần áo. Khóa kêu lách cách. Cửa rên ken két. Ông bước nhanh ra ngoài. Cửa đóng rầm. Tôi đến bên cửa gió, nhìn xéo qua đầu dãy, nơi chiếc bàn của cán bộ trực, thấy ông Trọng đi theo một cán bộ trẻ, không phải là Sơn, Long hay Hùng. Tôi yên tâm rời cửa gió, trở về chỗ của mình, ngồi tựa lưng vào vách, nhìn bâng quơ. Đây là lần đầu tiên tôi được ngồi một mình trong phòng giam.

Nắng mai chiếu chênh chếch vào phòng giam qua hai cánh cửa gió, tạo thành hai vùng sáng nhỏ trên nền. Từ trong nhìn ra, tôi tưởng chừng đó là hai con mắt của tôi phóng ra để tiếp xúc với bên ngoài. Nhưng lúc này, tôi lại không cần tiếp xúc với bên ngoài nữa. Tôi muốn đối diện với chính tôi.

Tại sao tôi lại thấy yên tâm khi ông Trọng được một cán bộ trẻ lạ mặt đưa đi chứ không phải là Sơn, Long hay Hùng? Phải chăng tôi chưa tin tưởng ông ấy hoàn toàn, sợ rằng ông ấy là người do công an cài vào phòng giam, chịu khổ nhục kế để khai thác tôi? Không, tôi không sợ điều ấy, vì nếu sợ, tôi đã không nói ông nghe quan điểm của tôi về vấn đề đấu tranh và xây dựng đất nước vào những ngày trước. Nửa tháng qua, ông và tôi đã trở thành đôi bạn vong niên. Tình bạn trong tù, trong hoàn cảnh biệt giam kiểu như ông ấy và tôi đang sống, tiến rất nhanh, rút giai đoạn, chứ không phải như tình bạn ở ngoài xã hội. Vì trong tù, chúng tôihoàn toàn thì giờ sống kế cạnh nhau, nói cho nhau nghe hầu hết tất cả những gì mình suy nghĩ, hồi niệm hoặc hứa hẹn thực hiện trong tương lai. Tôi có che giấu ông Trọng điều gì quan trọng đâu ngoại trừ chuyện tôi là tu sĩ. Mà che giấu chuyện mình là tu sĩ thực ra cũng chẳng là gì quan trọng cả. Tôi chỉ không cố tình cho ông ấy biết tôi là tu sĩ, chứ không phải tu sĩ là thứ nghề nghiệp gì đáng xấu hổ của xã hội để mà giữ kín.

Không sợ ông Trọng là người của công an cài vào, nhưng lại yên tâm khi thấy cán bộ hỏi cung ông không phải là cán bộ thụ lý hồ sơ của tôi. Điều này có nghĩa là tôi chỉ tin được ông Trọng của nửa tháng trước chứ không hẳn là phải tin ông sau khi ông bước ra khỏi phòng giam rồi quay trở lại. Điều gì khiến tôi đâm nghi kỵe dè trước người bạn tù đồng sàng đồng cảnh ngộ với mình như thế! Phải chăng tôi đã bắt đầu đánh mất sự hồn nhiên từ khi vào tù? Phải chăng qua vụ bị Hân và ông thầy Tư gạt, tôi đã học được kinh nghiệm dè dặt, thủ thế, tự vệ trước tha nhân? Hay đó là hệ quả tất nhiên đến sớm hay muộn nơi tâm lý con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa? Cái xã hội gì mà kỳ cục vậy!

Xã hội đâu phải là một đống gạch ngổn ngang mà là sự kết thành của những viên gạch trong một thứ tự nào đó, qua môi giới của chất hồ, như là nhu yếu không thể không có để gắn bó với nhau mà tạo thành một hợp thể hỗ tương tác dụng. Chất hồ đã cần thiết cho những viên gạch để xây nên tường vách ra sao thì niềm tin yêu và thông cảm cũng cần thiết cho con người để kết thành một xã hội như thế đó. Thiếu tình yêu và thông cảm giữa con người với con người thì không có xã hội, mà chỉ là một đống người, vô tri như một đống gạch. Một đống người hỗn loạn, một đống gạch ngổn ngang, thì chẳng có nghĩa gì cả. Theo cách thế đó, khi người cộng sản thấy thật cần thiết để tạo nên sự thù hằnnghi kỵ muôn đời giữa con người với nhau để họ dễ dàng cai trị, họ đã cố tình biến đất nước này thành một đống gạch vụn.

Ai cũng biết rằng sự hình thành tốt hay xấu của một cộng đồng còn tùy thuộc vào mỗi cá thể; sự xây dựng một tập thể được khởi đi từ mỗi cá nhân. Điều đó đã rõ ràng như sự tương quan của mỗi viên gạch với bức tường: viên gạch vuông vức, thẳng thớm thì bức tường xây dựng bởi nó mới ngay ngắn vững chắc; ngược lại, mỗi viên gạch đều sứt mẻ, méo mó, rạn nứt, thì chỉ tạo nên một bức tường lồi lõm, lung lay, dễ sụp đổ.

Cho nên, tôi phải tự vươn thoát vòng kềm tỏa của sự nghi kỵ mà những người chung quanh, do tác động cố ý của xã hội cộng sản, đã chụp phủ lên tôi. Và dĩ nhiên là tôi không thể kêu gào kẻ khác đập tan sự nghi kỵ để tin yêu nhau trong khi chính tôi tự rút mình vào thế giới riêng tư đầy thành kiến và nỗi e dè trước xã hội vây quanh. Tôi phải khởi sự từ chính tôi. Chân tình sẽ được đáp lại bằng chân tình. Chân lýlịch sử sẽ nghiền nát, đào thải kẻ nào đem man trá mà tiếp xử với chân tình.

 

Đ

 

 

Ông Trọng đi khai cung về vừa kịp trước bữa cơm trưa, tức là chỉ rời phòng giam đâu chừng hai tiếng đồng hồ. Vừa cởi đồ ra, ông vừa nói:

“Có lẽ tôi sắp được thả.”

“Thật sao! Mừng cho chú! Họ cho chú biết vậy hả?”

Ngồi xuống cầm ca cơm lên, xúc ăn ngốn ngáo, ông Trọng tiếp:

“Chúng không nói là mình sẽ về. Không bao giờ chúng làm vậy. Nếu có thả thì thả bất ngờ.”

“Sao vậy?”

“Có gì khó hiểu đâu! Nếu cậu biết tôi sắp được tự do hẳn cậu sẽ nhờ vả tôi vài công việc nào đó, phải không? Như vậy là thông cung ra ngoài rồi còn gì. Chúng không cho cậu hay bất cứ tù nhân nào cơ hội ngàn vàng đó đâu.”

“À, phải rồi. Vậy sao chú biết chú sắp được về?”

Nhồm nhoàm búng cơm trong miệng, ông nói:

“Thằng công an hỏi cung tôi trẻ măng, mới hai mươi chứ bao nhiêu! Điều tra mãi mà chẳng kết tội gì tôi được. Nó chỉ biết tôi có đến nhà ông Vạn, lãnh tụ Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, một đôi lần. Nó hỏi tôi gặp ông Vạn làm gì, tôi nói đến trị bệnh suyễn cho ông ấy. Rõ quá mà, ông Vạn bị bệnh suyễn thật, tôi có láo đâu. Ông ấy là bệnh nhân, tôi là thầy thuốc, cái liên hệ bình thường đó làm sao kết tội tôi được chứ. Nói thiệt cậu nghe, tôi ở tù lần này là lần thứ năm trong đời. Việt Minh cũng bắt, Pháp cũng bắt, Diệm cũng bắt, Thiệu cũng chẳng tha, bốn lần rồi, kinh nghiệm đầy mình rồi, tụi nhóc này làm quái gì được tôi chứ.”

“Cháu biết. Nhưng sao chú đoán biết là sắp được thả?”

Ông Trọng vét sạch muỗng cơm cuối cùng trong ca, đưa vào miệng gọn lỏn rồi mới chậm rãi nói:

“Thằng nhóc đó bị liệt dương, hoặc yếu sinh lý, đại loại như vậy. Nó hỏi tôi làm thuốc nam có biết thuốc gì trị bệnh đó không. Tôi nói, chi chớ những loại bệnh về sinh lý thì tôi chuyên môn. Nó khoái quá liền hỏi cách trị. Lúc đó, thú thật, tôi cũng quên luôn là chẳng nên chữa trị cho nó làm gì để rồi nó lại sinh ra thêm những thằng cộng sản con cho chật đất. Bản thân nó đã phiền quá rồi, sinh đẻ thêm làm cóc gì. Huống chi cái bệnh liệt dương hay yếu sinh lý đâu phải là bệnh chết người! Cậu nghĩ đúng không? Chữa trị hay không thì vẫn sống nhăn chứ có chết chóc gì! Nhưng rồi tôi cũng bày nó, bày một cách tự nhiên theo lương tâm nghề nghiệp ấy mà.”

“Bày cách làm thuốc?”

Ông Trọng lại đưa muỗng vào ca cơm mà xúc. Ông quên rằng hạt cơm cuối cùng ông đã vét rồi. Thả rơi cái muỗng vào cái ca không, ông nói:

“Không. Thuốc của mình là thuốc gia truyền làm sao bày cho nó được! Hơn nữa, gần cả tháng trời chưa được thăm nuôi và gặp mặt vợ con, mình phải biết khai thác chứ. Tôi bảo nó, nếu cần thuốc ngay, tôi sẽ ghi cho nó vài dòng đem đến nhà đưa vợ tôi, bà ấy lấy thuốc cho mà uống. Làm vậy có cái lợi là vợ tôi sẽ biết tôi hiện bị giam ở đâu, cũng như bà ấy sẽ yên tâm là tôi hãy còn sống. Bày cho nó đi lấy thuốc là may mẳn rồi còn đòi hỏi gì nữa. Nghe tôi đề nghị vậy, mắt nó sáng rỡ lên. Hề hề, nó nghe tôi nói chỉ cần vừa thoa vừa uống ba ngày thuốc thì… nói xin lỗi, cây gậy của nó sẽ cứng lên như thỏi sắt, nó ham ngay!”

“Rồi chú viết thư cho thím?”

“Không. Nó nói, thôi để dành hôm nào chú về, cháu sẽ đến gặp chú lấy thuốc luôn cho bảo đảm.”

“Chỉ vậy thôi mà chú đoán là sắp được về?”

“Chứ còn gì nữa! Bộ nó đủ kiên nhẫn để chờ hai, ba năm sao? Nó biết mình sắp về mới chờ chứ. Chi chớ chuyện chăn gối của thanh niên trai tráng thì phải giải quyết lẹ lẹ như chữa lửa vậy. Tôi biết tâm lý các cậu quá mà,” vừa nói vừa cười hả hê, ông Trọng lại cầm cái ca lên, nhìn vào lần nữa xem còn gì trong đó không. Chắc chắn là chỉ còn cái muỗng thôi. Tội nghiệp ông.

Dù ông nói hăng say và đầy hy vọng, tôi cũng không tin lắm về khả năng ông được tự do, Tôi nghĩ, anh công an kia có thể đến nhà ông để lấy thuốc mà không cần lá thư ông viết. Vợ ông Trọng chắc chắn sẽ sẵn sàng biếu thuốc cho anh công an để lấy lònghỏi thăm đôi điều về tình trạng của chồng. Điều này cũng chẳng thay đổi được gì về sự kiện ông Trọng tiếp tục ở tù.

Không muốn làm ông thất vọng, tôi giữ im lặng, không nói ra điều mình thực sự nghĩ. Tôi thừa biết rằng nỗi hy vọng được tự do của một tù nhân thật cần thiết để hắn sống.

Ông Trọng lại khua cái muỗng trong ca lần nữa khiến tôi có cảm tưởng rằng ông chưa tin đã hết cơm trong đó.

“Mẹ kiếp, phần cơm chẳng thấm vào đâu.”

Tôi chẳng biết dùng lời nào để chia sẻ với ông. Phần cơm một chén rưỡi ăn với muối đậu, quả là quá ép đối với cái thân vạm vỡ to tướng như voi của ông Trọng. Nhưng không phải sự kiện đồng cảnh ngộ của tôi và ông đã là một cách chia sẻ hay sao! Có cần phải an ủi một kẻ đói khi chính mình cũng đói như họ không? Suy nghĩ một lúc tôi mới nhận rõ rằng, thực ra tôi và ông Trọng không cùng cảnh ngộ. Sức ông ấy ăn nhiều hơn tôi, vì vậy, với một phần cơm ngang nhau, ông Trọng phải đói hơn tôi. Ông Trọng có vợ con, còn tôi độc thân, ông ấy phải khổ tâm nhiều hơn tôi. Ông Trọng không được trau luyện thường xuyên một đời sống tâm linh như tôi, ông ấy hẳn phải kém thua tôi sức nhẫn nại. Cùng một hoàn cảnh nhưng không cùng một tâm trạng đón nhận. Ông Trọng thường khuyên tôi nên chuẩn bị trước tư tưởngnghị lực để đối phó với cái đói, cái bệnh trong bốn vách ngục. Những lần ông mở lời khuyên như thế, tôi cho ông là một kẻ giàu nghị lực. Nhưng lúc này, nhận xét của tôi về ông đã khác đi rồi. Ông chỉ là một người khoẻ mạnh chứ không phải là một người có sức chịu đựng. Dù ông ấy có lớn hơn tôi gần ba mươi tuổi nhưng thiếu nghị lực, ông ấy vẫn cứ là kẻ yếu đuối cần được an ủi. Tôi nói:

“Chú đã chịu đựngvượt qua được bốn lần tù tội, lần này, chú cũng sẽ vượt qua một cách vẻ vang. Họ lấy miếng ăn để đàn áp mình và nghĩ rằng mình sẽ bị bại trận vì miếng ăn. Đó chỉ là một quan niệm thuần duy vật, chỉ biết đánh giá con ngườixã hội qua hệ quả kinh tế, lao động sản xuất hay cái dung tích của cái bao tử… Một ngày gần đây, chú được tự do và chú sẽ chứng tỏ cho họ thấy rằng họ đã sai lầm khi chủ trương bỏ đói để kiểm soát chúng ta.”

Lời buông ra rồi, tôi mới thấy không phải tôi chỉ nói với ông Trọng mà chính là tôi tự nhắc nhở tôi nữa. Ông Trọng vỗ đùi đánh đét một cái, hứng chí nói:

“Phải rồi, phải rồi. Tôi chịu cậu lắm. Thanh niên như cậu mà biết chữ nghĩa như vậy thực hiếm họi. Này nhé, chuyến này mà được tự do, bà ấy sẽ thết tiệc đãi tôi một trận thỏa thuê cho bù những ngày ăn uống kham khổ…”

Thấy tôi chưng hửng, ông Trọng giải thích:

“Không phải chỉ có vậy. Đó là bước đầu tiên thôi, vì ai ở tù về cũng được gia đình vui mừng thết đãi cả mà. Sau đó, tôi sẽ bán nhà, đem hết vợ con về quê.”

Ngưng lại đó như để câu chuyện thêm phần hấp dẫn, ông Trọng đốt một điếu thuốc, kéo một hơi dài, rồi mới tiếp. Rõ ràng là từ lúc đi khai cung về, cái tia hy vọng nào đó đã làm phấn khích, thay đổi cả con người ông. Giọng ông đầy hứng thú, sôi nổi:

“Quê tôi ở Long Xuyên. Tôi kể cậu nghe rồi mà, phải không? Chuyến này, để vợ con sống với bà con dưới đó; phần tôi, tôi sẽ vào chiến khu Bảy Núi, góp sức với các chiến sĩ Hoà Hảo đánh lại tụi này mới được. Anh em trên núi mời gọi tôi hoài đó chứ, nhưng tôi không tham gia vì nghĩ rằng chưa tới lúc và cũng tự thấy rằng lực lượng trong chiến khu hãy còn quá yếu. Tôi cũng còn bận bịu với vợ con, lại lỡ kẹt cái hộ khẩu tại thành phố nên chưa dứt khoát. Lúc nãy đi khai cung, gặp thằng cán bộ trực dẫn đường hống hách, tự dưng trong lòng căm giận và hổ thẹn. Khi tụi nó chưa chào đời thì mình đã từng một thời vùng vẫy, bây giờ bị nó nạt nộ, xỏ mũi, chịu sao nổi. Cậu biết không, trước năm 1975, đến Kim Chung Đại Thế Giới hỏi tên Ba Khổng Lồ ai cũng biết. Nhắc đến tên Ba Khổng Lồ là các tay anh chị sừng sỏ ở Chợ Lớn cũng phải nép mình nể sợ. Tôi đây, Ba Khổng Lồ đây. Câm lặng mười năm nay rồi, ẩn nhẫn mười năm rồi, chỉ vì muốn yên sống với vợ con và đã chán ngán cái thế sự rối ren lảng nhách này. Nhưng cái tụi mọi rợ kia không muốn cho tôi gác kiếm ngủ say. Chúng muốn chọc khuấy cái chí tang bồng ngang dọc của tôi. Chỉ vì tình nghi một chút thôi mà chúng đầy đọa tôi như vầy. Tội nghiệp vợ con ở nhà, chẳng biết phải xoay xở làm sao để sống. Hừm, tôi sẽ cho tụi nó thấy thế nào là sự vùng dậy của con hùm xám Long Xuyên. Cậu biết không, trong quân đội Hòa Hảo, tôi từng mang cấp bậc trung tá, tính ra tới giờ này, nếu cộng sản chưa chiếm miền nam, tôi đã mang lon tướng từ khuya. Tại tôi chưa chịu dấn thân thôi. Tôi mà vào chiến khu, anh em trong đó hoan nghênh phò trợ tôi ngay. Hừ, cái thân già này, trước khi chết cũng quyết đem sức hèn mà đọ với thiên mệnh. Chờ xem, khà khà, cái tụi xuẩn ngốc khốn nạn kia, thả tao đi, thả cọp về rừng đi, rồi bây sẽ thấy…”

Tôi tin ông ấy nói thật, và tin rằng ông sẽ thực hiện những gì ông nói khi được ra tù. Lòng tôi rộn lên một cảm giác hứng khởi, lạc quan. Tôi nghĩ, nếu được tự do mà chưa tìm được một lực lượng nào tương đốithực lực để cọng tác, có lẽ tôi theo ông Trọng vào chiến khu Bảy Núi của Hòa Hảothích hợp nhất. Kinh nghiệm thất bại của thầy Tuệ Sỹ và ông Trần Văn Lương cho tôi thấy rằng hoạt động đấu tranh chống chế độ cộng sản mà không chuẩn bị trước một mật khu để rút về khi cần thiết thì khi bị đổ vỡ, chỉ có nước rã đám, tan hàng, hoặc chấp nhận vào tù cho hếp kiếp chứ chẳng còn con đường nào khác. Và thực ra, nếu trước đây có sẵn một mật khu để rút vào mà tiếp tục đấu tranh trong hình thức khác, hẳn là tôi đã không có tư tưởng tìm nhanh con đường vào tù. Mà kỳ lạ, nửa tháng trước, tôi không hề mong nghĩ đến chuyện tự do, vì cho rằng đã vào tù cộng sản thì phải chấp nhận chuyện chung thân khổ sai hoặc sẽ bị xử bắn vào một đêm nào đó. Giờ này, nghe nói về một chiến khu, tự dưng tôi lại nẩy cái hy vọngniềm tin khó hiểu rằng, tôi sẽ được tự do một ngày nào đó, rất sớm. Tôi thành thật nói:

“Chú à, nếu một ngày nào đó, cháu tìm cách vào chiến khu Bảy Núi, anh em trong đó có chấp nhận cháu không vậy?”

Ông Trọng quay nhìn tôi, đôi mắt sửng sốt một lúc:

“Cậu? Cậu mà muốn vào chiến khu à?”

“Chú chưa tin tưởng cháu sao?”

“Không phải vậy. Con người cậu, khả năng của cậu, cần thiết cho bất kỳ lực lượng cách mạng nào, tôi biết vậy; nhưng tôi không ngờ là cái tướng thư sinh của cậu lại chịu dấn thân vào nơi rừng thiêng nước độc, chịu đựng gian khổ… chứ cậu mà chịu vào chiến khu để góp sức với lực lượng Hòa Hảo thì tôi hoan hô cả hai tay hai chân, mà chắc chắn anh em trong đó cũng hết lòng hoan nghênh cậu đó. Ừ, phải, ở tù ra sẽ bị chính quyền địa phương quản thúc, theo dõi, mỗi ngày phải đến trình diện ở trụ sở Ủy ban Nhân dân khóm phường, chưa biết đến lúc nào mới được trả quyền công dân để sinh hoạt bình thường như người ta, vậy thì đấu tranh gì được nữa! Tại sao không vào chiến khu nằm nuôi chí, chờ dịp giành lại quê hương khỏi tay tụi quỷ này chứ! Cậu chon lựa rất đúng. Cũng như tôi, tôi thấy chỉ còn nước rút vào chiến khu mới thỏa chí được. Tôi thật vinh hạnh được nghe cậu nói vậy. Cậu đừng ngại là tôi không tin tưởng cậu. Con người cậu trung thực, điềm đạm, nhã nhặn và có khi… uy nghiêm như một ông thầy tu. Tôi mến cậu lắm. Cậu nhớ tìm tôi khi nào được tự do nhé.”

Tôi giật mình nghe ông nhận xét về mình. Nửa tháng qua tôi chưa hề hé môi hay tỏ những hành vi, lời nói nào tỏ ra tôi là một tu sĩ. Phải chăng chân tướng của tôi đã lộ diện qua cách sống, hay ông Trọng đúng là một công an trá hình để khai thác tôi nên đã biết rõ lai lịch tôi? Nỗi nghi kỵ trong tôi lại vươn dậy nhưng tôi cố xua nó đi. Tôi nhớ rằng chỉ một tiếng đồng hồ trước đây thôi, khi ông ấy đi khai cung chưa về, tôi đã tự dặn lòng là phải sống trung thực để kêu gọi sự trung thực, sống tin yêu để kêu gọi sự tin yêu; phải bắt đầu từ chính tôi, xóa bỏ mọi hiềm nghithành kiến đối với kẻ khác để tiến đến sự đoàn kết, hòa hợp… Tôi không được phép sống trong sự hoài nghi. Giá như ông Trọng là một người cộng sản thì đã sao! Tôi vẫn có thể chân thành bày tỏ quan điểmlập trường của tôi cho ông nghe như tôi đã từng nói thẳng với Long, Sơn, và Hùng khi khai cung vậy. Người cộng sản sử dụng ông Trọng để tìm hiểu thêm được gì nơi tôi? Họ cũng chỉ thấy được một tấm lòng mà thôi. Tấm lòng ấy không nằm riêng biệt như là sở hữu của tôi mà bàng bạc trong khắp những trái tim của dân tôi, trải dài trên mảnh đất quê hương dấu yêu này. Lắng sâu trong dòng suy niệm đó, tôi giữ im lặng, không nói gì.

Ông Trọng tiếp:

“Ngày đầu tiên cậu vào đây tôi đã thấy cậu có cái nét gì từa tựa thằng con trai đầu của tôi. Tôi nói cậu nghe về thằng con tôi chưa nhỉ? À, chưa. Nó đi tu theo phái Khất sĩ Minh Đăng Quang. Cậu biết phái này chưa hả? Ừ, pháp danh của nó là Giác Nghĩa. Năm nay nó hai mươi sáu tuổi, cùng tuổi cậu đó. Lúc nó đi tu, tôi đâu có biết, vì tôi đang ở với bà vợ sau, nó là con bà vợ trước, ở với bà ấy dưới Long Xuyên. Đùng một cái nó mặc đồ tu đến thăm tôi. Nó đi tu đâu năm 78, 79 gì đó. Thiệt tình tôi chẳng hiểu nó muốn gì. Đang lo buôn bán làm ăn với má nó, tự dưng bỏ đi tu! Hình như đi chùa, đi tu là cái mốt của thanh niên sau năm 1975 vậy! Nhưng nói trắng ra thì tôi cũng mừng cho nó, vì từ khi nó vô chùa thì bỏ được cái tật ham chơi lêu lỏng với mấy thằng bạn trong xóm. Tu một thời gian, thấy nó cũng tiến bộ. Nó khoái thuyết pháp lắm. Chao ôi, mấy bà già nghe nó nói chuyện bà nào cũng mê. Còn tôi thì tôi nghe chẳng lọt lỗ tai. Thằng khỉ đó bày đặt thuyết cho tôi nữa chứ, đụng đâu nói đó, nói lung tung chẳng đâu vào đâu. Trời ơi, nhè thằng già đạo tâm đầy mình mà nó thuyết giảng khuyên răn! Nể nó tu tôi chẳng phản ứng gì, nó tưởng tôi khoái cứ nói hoài. Chẳng biết có phải tại mình với nó là cha con mà mình nghe nó không được, hay tại nó nói dở. Năm ngoái nó hướng dẫn một đoàn đạo hữu Phật tử từ Long Xuyên lên Sài Gòn hành hương. Nó ghé chỗ tôi, mời tôi theo để dẫn đường đi sở thú, vườn tao đàn. Trời đất, hành hương là đi chiêm bái chùa chiền học đạo chứ phải là đi coi cọp coi khỉ! Bực quá tôi chẳng muốn đi nhưng nó cứ nài, buộc lòng phải đi. Chưa hết, vào sở thú, trong khi người ta ngắm cảnh, xem thú, nó đến gốc cây ngồi thiền, lim dim đôi mắt. Hừ, gì chứ cái màn đó tôi ghét thậm tệ. Ham giảng, ham nói, thích phô trương, vụ hình thức, nó thiệt là một tu sĩ chẳng ra gì. Nhưng kỳ lạ lắm, dù nó như vậy, tôi vẫn thấy nó có cái nét gì đặc biệt, khó hiểu, mà hình như chỉ có những ông thầy tu mới có. Và cậu giống nó ở chỗ đó chứ không giống cái gì khác, vì vậy tôi mới nói là cậu có nét gì uy nghiêm hay thật thà của một ông thầy tu. Nhưng cậu thì hoạt động chính trị, lại biết ca hát thật hay, cậu không thể là một ông thầy tu. Vậy mới lạ chứ. Cho nên tôi cứ nói, cậu thật khó hiểu, khó đoán lắm.”

Tôi bật cười, chẳng biết nói gì. Tôi chưa muốn thú thật với ông ấy về xuất thân của tôi. Tôi quay lại vấn đề của ông Trọng thay vì để ông nhắm vào lai lịch cá nhân tôi:

“Ban nãy chú nói lúc trước vì lực lượng giáo phái Hòa Hảo hãy còn yếu và chưa tới lúc để bắt tay hành động nên chú đã không tham gia. Rồi bây giờ, chú lại nói chú sẽ vào hoạt động trong chiến khu sau khi ra tù đợt này, vậy có phải chú đã có một nhận định khác?”

Ông Trọng suy nghĩ một lúc mới trả lời:

“Ừ, khác đi rồi. Thực ra, lực lượng còn yếu thì mình phải làm cho mạnh lên, chưa tới lúc thì phải tạo điều kiện cho tới lúc. Nếu mọi người đều khoanh tay chờ đợi cái mạnh và cái lúc thì biết bao giờ mới thành tựu đại cuộc!”

“Đúng, cháu hoàn toàn đồng ý với chú ở điểm này. Chú nghĩ thử xem, tiến trình cách mạng từ lúc vận động dấy khởi cho đến khi thành tựu giống như một đám người thay phiên nhau đẩy một chiếc xe chở nặng. Nếu không có người trước đẩy đến khoảng này thì làm sao người sau có thể đặt tay vào xe mà đẩy tới khoảng kế tiếp, phải không? Mọi cuộc cách mạng đều khởi đi từ một thiểu số quyết tâm và có chí lớn. Họ sẽ làm cái yếu trở nên mạnh và tự tạo ra vận hội mới chứ không chờ đợi thời cơ. Nếu họ chẳng may thất bại nằm xuống hoặc phải ở tù rạc xương, thì họ cũng đã làm tròn trách nhiệm đẩy chiếc xe nặng đi tới một khoảng đường rồi.”

Tôi định nói thêm nhưng thấy chưa đúng lúc, liền ngưng lại ở đó. Tôi biết có chí lớn và quyết tâm chưa đủ: người làm cách mạng còn phải có chính nghĩa. Mộng bá vương há không phải là chí lớn! Chẳng phải những nhà độc tài và giàu tham vọng như Tần Thỉ Hoàng, Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… là những kẻ có chí lớn đó sao! Nỗ lực thực hiện mọi thủ đoạn để thỏa mãn tham vọng cá nhân há chẳng phải là có quyết tâm à! Nhưng không có chính nghĩa, mọi cuộc cách mạng đều là sự vùng dậy của xuẩn độngvị kỷ. Mà chính nghĩa của một phong trào cách mạng là gì nếu không phải là động cơ của lương trilẽ phải, thúc đẩy và quy tụ người ta dưới một ngọn cờ để quật khởi và triệt tiêu những cái sai lầm, tàn ác? Động cơ của lương trilẽ phải đặt trên nền tảng thương yêuquyền lợi chung của công chúng. Kẻ làm cách mạng chân chính đứng dậy từ nền tảng đó. Thương dân tộc đau khổđứng dậy chứ có phải đâu vì quyền lợi nhỏ mọn của riêng mình hay bè nhóm của mình mà chạy theo cách mạng hay khởi động một cuộc cách mạng! Cũng không phải vì lòng tự ái bị xúc phạmnổi điên lên đòi khởi nghĩa! Nói riêng trường hợp của ông Trọng, nếu không bị đày đọa trong tù vì tội tình nghi hoạt động chính trị và không bị xúc phạm bởi một anh cán bộ đáng tuổi con mình, liệu ông ấy có thay đổi thái độ yên phận của mình chăng? Quá khứ ngang dọc vàng son của ông bị chọc khuấy, sự an thân của ông bị xâm tổn. Sự kiện này đã gián tiếp tác động vào quyết định làm cách mạng của ông. Tôi thấy bản ngã của ông sừng sộ đứng dậy.

Và tôi nhìn lại tôi. Nếu bản ngã của tôi cũng lăm le đứng dậy trong cùng một cách thế như vậy, tôi nhất định phải làm một cuộc “cách mạng nội tâm toàn diện” nơi chính tôi trước khi bước ra khỏi trại giam này.

Đất nước và dân tộc sẽ tiếp tục khổ đau nếu những người làm cách mạng chưa thực sự cách mạng đựơc chính họ.

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/01/2020(Xem: 10628)
30/09/2012(Xem: 9713)
30/08/2014(Xem: 5985)
06/06/2019(Xem: 13870)
01/10/2013(Xem: 7008)
01/10/2013(Xem: 5132)
02/11/2023(Xem: 1253)
26/10/2021(Xem: 3713)
27/09/2015(Xem: 4566)
03/10/2022(Xem: 2720)
23/09/2018(Xem: 8722)
01/06/2023(Xem: 2192)
25/09/2014(Xem: 10226)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.