Gần một ngàn thiền sinh đi thiền hành cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh trong khóa tu mùa hè 2016

05/07/20164:26 CH(Xem: 17672)
Gần một ngàn thiền sinh đi thiền hành cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh trong khóa tu mùa hè 2016

GẦN MỘT NGÀN THIỀN SINH ĐI THIỀN HÀNH
CÙNG THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
TRONG KHÓA TU MÙA HÈ 2016
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

 

TNH3Sau 40 năm xa quê hương, năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên tôi may mắn được gặp Thầy. Tiếp đó 2 lần tiếp theo Thầy lại được về với đất Việt thân yêu của chúng ta là vào các năm 2007 và 2008. Thế rồi từ đó thiền sư Thích Nhất Hạnh không còn được về Việt Nam nữa. Tiếc thay! Từ sau năm 2008, những ai muốn gặp Thầy phải sang các nước châu Âu hay Mỹ, Nhật, Úc,… Tôi may mắn được bên Thầy lần thứ 4 vào năm 2013 tại Làng Mai Thái Lan. Đó là lần may mắn hiếm có cho những người con Việt đang sống ở đất nước Việt Nam được gặp Thầy. Bởi nơi gần nhất, gần Việt Nam mình nhất mà có thể gặp được Thầy là Thái Lan. Có mấy ai có đủ điều kiện và cơ hội để qua Mỹ qua Pháp… gặp Thầy Nhất Hạnh đâu!

Tháng 10/ 2015 năm ngoái tôi may mắn được Hội Sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair tại CHLB Đức mời làm diễn giả của Hội nghị Giám đốc Bản quyền toàn cầu. Thế là, sau 7 ngày của Hội Sách, tôi tranh thủ cơ hội quý hiếm này, từ Đức đến với Làng Mai của nước Pháp. Đây là lần đầu tiên tôi đến Làng Mai. Chuyến đi sau đúng 10 năm kể từ lần đầu tiên được gặp Thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi ở Làng Mai nước Pháp đến 2 tuần nhưng tiếc thay không được gặp thầy: thiền sư Thích Nhất Hạnh đang trị bệnh bên Mỹ.

Tôi nhớ nhất rằng trong buổi ngồi chơi với chúng tôi, sư cô Chân Không có tâm sự rằng muốn gặp Thầy Nhất Hạnh thì cần bay sang California. Trong thâm tâm tôi đã lên kế hoạch và chuẩn bị chi chuyến đi Mỹ năm 2016 này rồi, nhưng may thay, bệnh Thầy đã đỡ.  Thầy đã về lại Pháp.

Năm 2016 này tôi đã tưởng như lỡ mất chuyến đến với Làng Mai để thăm và đảnh lễ Thầy mặc dù đã có visa, có vé máy bay. Tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả thân và tâm để tham gia khóa tu Tiếp hiện – khóa tu dành riêng cho quý vị cư sỹ thọ Bồ tát giới và giữ 14 giới.  Nhưng đúng ngày khóa tu Tiếp hiện khai mạc, ngày mồng 1 tháng 6, cũng là ngày tôi bay đi Pháp thì mẹ tôi đột ngột qua đời trước giờ bay vài tiếng đồng hồ. Thế là thay vì tham gia khóa tu Tiếp hiện, tôi lo tang cho mẹ và ở nhà tụng kinh niệm Phật và hành thiền 21 ngày.

Nhưng tôi vẫn quyết tâm đến với Làng Mai, quyết tâm được gặp và đảnh lễ Thầy Nhất Hạnh trong mùa hè này. Bởi may thay, vẫn còn khóa tu mùa hè kéo dài 4 tuần, từ mồng 1 tháng 7. Thế là tôi vẫn lên đường. Vẫn về với Làng Mai.

TNH4Hôm nay, ngay những ngày đầu tiên của khóa tu,  chúng tôi đã may mắn được bên thầy và đi thiền hành cùng thầy. Món quà bất ngờ cho tất cả chúng tôi.

Hôm nay, các thiền sinh từ cả 4 xóm: xóm Thượng, xóm Trung, xóm Hạ và xóm Mới tụ tập về xóm Hạ. Tổng số thiền sinh cả 4 xóm có lẽ đến quãng gần một ngàn. Tôi đoán vậy vì không biết chính xác con số. Riêng xóm Thượng, nơi tôi đang có mặt và hành thiền cũng đã đón gần 300 thiền sinh từ khắp thế giới rồi mà. Hơn nữa số quý thầy và quý sư cô xuất sỹ ở cả 4 xóm con số cũng đã lên đến gần 200.

TNH7Sáng nay, sau thời pháp thoại chúng tôi đi thiền hành như theo lịch có sẵn. Chúng tôi đi bộ ra phía hồ sen. Bỗng nhiên thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất hiện. Thầy ngồi trên xe lăn và cười rất tươi, rất tự nhiên chào chúng tôi. Tôi cảm nhận rất sự bình an trong thầy. Thầy vẫn như xưa, vẫn gần gũi và nhẹ nhàng, vẫn tràn đầy năng lượngtừ bi. Tôi xúc động nhất là thầy vẫn vẫy được tay chào chúng tôi. Các thiền sinh cùng chắp tay búp sen chào Thầy. Rồi chúng tôi lần lượttuần tự thiền hành phía sau Thầy. Xe của Thầy được vài thiền sinh và quý thầy đẩy lên phía trước, dẫn đầu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh không nói gì. Tôi hiểu rằng Thầy chưa nói được hoặc nếu có nói cũng rất hạn chế. Tuy nhiên Thầy ra các tín hiệu bằng tay.   

Thầy Nhất Hạnh cùng tất cả các thiền sinh đi thiền hành 2 vòng quanh hồ sen. Trời nắng khá đẹp. Thời tiết mát và gió nhẹ. Hoa sen đã nở khá nhiều. Mà cũng lạ, hoa sen tại cả 2 hồ của xóm Thượng nơi chúng tôi đang cư ngụ và hành thiền thì chưa hề nở một bông mà sen ở xóm Hạ nơi đây đã nở đẹp lắm rồi. Không biết có phải sen nở để cho Thầy vui không. Không biết có phải sen nở để chào đón khóa tu mùa hè của chúng tôi không.

Thầy và các thiền sinh đi thiền hành quanh hồ sen 2 vòng thì dừng lại ngắm sen. Thầy Nhất Hạnh hướng về hồ sen để thưởng thức. Chúng tôi cũng làm theo Thầy. Tất cả cùng ngồi quanh hồ sen trong bình yên của buổi sáng. Đúng là không gì tuyệt hơn sáng nay khi tất cả được bên Thầy trong nắng vàng, chim hót, sen nở, hoa thơm. Một cảm giác vừa hạnh phúc vừa xúc động thật khó tả thành lời trong tôi.

TNH1Sau đó Thầy ra tín hiệu để tất cả đi thiền hành về phía rừng. Rừng mận trước mặt chúng tôi. Mận tiếng Anh là plum, tiếng Pháp là prunier. Làng Mai thực ra phải gọi là Làng Mận mới đúng. Tuy nhiên hoa mận ở Pháp có màu trắng giống như hoa Mai ở Việt Nam và có lẽ để có không khí và tinh thần Việt Nam, nhất là Tết âm lịch, nên Thầy Nhất Hạnh đã cho đặt tên tiếng Việt là Làng Mai.

Chúng tôi nhẹ nhàng bước theo thầy vào rừng mận. Mận mùa này đã ra quả nhưng quả còn bé. Nói thật rằng đây là lần đầu tiên trong đời tôi được đi trong rừng mận có quả giữa mùa hè của Làng Mai. Cảm giác thật là tuyệt. Tất cả gần 1 ngàn thiền sinh từ khắp năm châu chúng tôi đang thiền hành theo sau Thầy. Tất cả làm gợi lại những lần đi thiền hành cùng thầy khi xưa ở Việt Nam, ở Thái Lan khi thầy còn khỏe và dắt tay các cháu nhỏ dẫn đầu.

THN NMHCó thể bạn chưa biết rằng Thầy Nhất Hạnh đã cho trồng 1.250 cây mận ở Làng Mai. Có lẽ bởi tăng đoàn của đức Phật ngày xưa có 1.250 vị tỳ kheo nên nay Thầy cũng rất muốn ở Làng Mai cũng có 1.250 vị xuất sỹ. Tôi đoán là vậy. Đó là câu chuyện của mấy chục năm về trước. Bạn cũng có thể chưa biết rằng số lượng quý thầy quý sư cô của Làng Mai ngày nay cũng đã vượt qua con số 1 ngàn thật rồi đấy. Tôi cùng gần 1 ngàn thiền sinh đi thiền hành trong rừng mận cùng Thầy mà nhớ về Đức Phật cách đây 2.600 năm đã cùng tăng đoàn đi bộ thiền hành khắp các vùng đất rộng lớn của Ấn Độ. Trong chúng tôi hôm nay có cả tu sỹ lẫn cư sỹ, cả áo nâu, nón lá lẫn quần áo bình thường.

Đi thiền hành cùng Thầy Nhất Hạnh sáng nay là gần một ngàn thiền sinh. Gần một ngàn thiền sinh đi cùng Thầy. Thiền sinh đủ màu da, đến từ khắp thế giới: Anh, pháp, Mỹ, Úc, Nhật, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hung Ga Ry, Ba Lan, Ai Len, Ca Na Đa,… Nhiều lắm. Cả thế giới về đây để tham dự khóa tu mùa hè. Cả thế giới về đây có để mặt bên Thầy, để thiền hành cùng Thầy.

Vẫn như truyền thống, sáng hôm nay,  đi cạnh và ngay sát với thầy là các em nhỏ. Từ ngày biết đến Thầy, tôi luôn thấy rằng Thầy Nhất Hạnh đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Khi  nói pháp thoại, Thầy luôn cho các em nhỏ ngồi lên trên cùng. Đi thiền hành cũng thế. Thầy luôn nắm tay các em nhỏ. Và hôm nay cũng vậy, ngồi trên xe lăn nhưng tay thầy vẫn nắm tay một em nhỏ. Chứng kiến cảnh này tôi thấy xúc động vô cùng. Ôi tình yêu của Thầy dành cho các trò nói chung và cho các em nhỏ nói riêng lớn và đẹp làm sao.

Chúng tôi lặng lẽ đi thiền hành cùng thầy quãng gần 1 tiếng đồng hồ. Thầy trò bên nhau với hồ sen và  rừng mận, với thiên nhiên xanh tươi, với không khí trong lành. Chúng tôi như bước gùm thầy. Chúng tôi như hạnh phúc cùng thầy. Gần một tiếng thầy trò bên nhau trong lặng yên và bình an hiếm có. Hiếm lắm.

Thời gian đã hết. Thầy ra tín hiệu dừng xe lại và chào tất cả chúng tôi rồi vào khu phòng nghỉ. Tất cả chúng tôi cùng đứng lặng yên trong giây lát, chắp tay búp sen chào và tiễn Thầy. Nhiều người quay trở lại hồ sen và rừng mận nơi Thầy và chúng tôi vừa đi qua để tiếp tục thư giãn trong thảnh thơi.

Quả thật là nhiều thiền sinh rất bất ngờ khi sáng nay khi được đi thiền hành cũng Thầy. Nhiều bạn nước ngoài gặp tôi và nói rằng họ hoàn toàn bất ngờ và rất vui khi lại được đi bên Thầy. Có những thiền sinh đã từng theo thầy vwois các khóa tu tại nhiều nước. Có những thiền sinh đã đến Việt Nam vào những năm 2005, 2007, 2008. Có bạn mơ ước rằng nếu như Việt Nam cho phép Thầy Nhất Hạnh về Việt Nam những năm sau đó thì họ đã lại được về quê Thầy rồi. Họ rất yêu quý đất nước và con người Việt Nam.

Cũng qua câu chuyện với các thiền sinh phương tây sáng nay tôi hiểu ngay rằng họ rất yêu kính Thầy Nhất Hạnh, một thiền sư tài năng và tâm huyết người Việt Nam chúng ta. Có bạn còn đọc cho tôi nghe nguyên câu Tổng thống Mỹ Obama đã trích dẫn của Thầy.  Tự nhiên tôi thấy hãnh diện vô cùng. Trong khóa tu mùa hè này người Việt ít lắm. Ở xóm thượng tôi chỉ gặp một anh người Việt gốc Nhật, đã sống ở Nhật gần 40 năm và 1 chị sống ở Paris mà thôi. Thật tự hào.

Thầy Nhất Hạnh vào phòng nghỉ, tôi ra hồ sen ngồi trong bình an ngắm sen. Tôi nhớ về những ảnh hưởng của Thầy đối với thế giới. Tôi nhớ về cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của Thầy mà tôi đã đọc và đã nghe cả vài chục lần. Cuốn sách đã làm gthay đổi hoàn cách nhìn, cách hiểu của tôi về Đức Phật, từ một Đức Phật thần linh thành một Đức Phật lịch sử, có thật và gần gũi. Nhất định chiều nay tôi sẽ quay lại căn phòng nhỏ ở xóm thượng, nơi tôi đang cư trú để tu tập, tôi sẽ thăm căn phòng mà Thầy Nhất Hạnh ngày xưa đã ngồi viết nên cuốn sách bất hủ này.

Tôi lại nhớ về những tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh mới xuất bản gần đây như “Muốn an được an”, “Gieo trồng hạnh phúc”, “Tay thầy trong tay con”, “Thiền sư Khương Tăng Hội”, “Con đường chuyển hóa”, “Hạnh phúc cầm tay”. Và cả cuốn “Đỉnh xuất kỳ nhân” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một trong những học trờ lớn cư sỹ đầu tiên của Thầy, viết về những kỷ niệm với Thầy, vừa mới xuất bản cách đây mấy hôm nữa.

Chợt nhiên tôi muốn ngồi thiền tại thất của Thầy. Tối nay. Và cả sáng mai. Thất của Thầy tại xóm Thượng cách nơi nghỉ đêm của tôi chỉ vài bước chân thôi mà. Được đi thiền hành với Thầy hôm nay không chỉ là hạnh phúc của riêng tôi và đoàn Thái Hà Books mà còn của gần một ngàn thiền sinh. Tôi sẽ ngồi thiền tại thất của Thầy để lại được bên Thầy.

Thầy ơi, chúng con mong Thầy mau khỏe, mong bình phục để làm chỗ dựa cho chúng con, để hướng dẫn chúng con tu tập. Thầy đối với chúng con rất quan trọng. Nhờ Thầy chúng con đã thấy đường đi và không còn sợ nữa. Chúng con yêu kính Thầy vô cùng. Con tin rằng Thầy đã và đang cảm nhận rất rõ tình yêu thươngkính trọng của chúng con dành cho Thầy.

Buổi sáng đặc biệt hôm nay của chúng con được đi thiền hành với Thầy thật là đặc biệt. Tôi viết ngay ra đây để chia sẻ với quý vị. Tôi cũng xin gửi thêm vài bức hình để thông qua đó quý vị thấy được Thầy của chúng ta của bây giờ, của ngày hôm nay. Thầy đang dần khỏe lên. Thầy đang rất bình an.

Tôi cũng thật sự mong quý vị hành thiền mỗi ngày, sống trong chánh niệm mỗi giờ,  cảm nhận hạnh phúc mỗi phút giây . Hạnh phúc thật giản đơn. Không có con đường đi đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường. Thật mà. Khi quý vị hành thiền, khi quý vị sống trong chánh niệm và tỉnh thức là quý vị đã thành cánh tay nối dàu của Thầy Nhất Hạnh, người thầy đáng kính, thiền sư nổi tiếng thế giới người Việt Nam chúng ta rồi.

Làng Mai, Pháp tháng 07/2016

TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty sách Thái Hà 








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/03/2023(Xem: 1766)
01/09/2014(Xem: 16952)
27/02/2018(Xem: 14117)
26/10/2021(Xem: 3878)
20/01/2013(Xem: 17670)
28/06/2017(Xem: 8131)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.