Thiền trà cùng trăng

05/10/20165:08 CH(Xem: 9356)
Thiền trà cùng trăng

THIỀN TRÀ CÙNG TRĂNG
Diệu Trân

blankChiều nay, những nụ quỳnh óng mượt đã uốn cong, báo hiệu khi mặt trời khuất dạng, hoa sẽ cùng với bóng chiều chậm rãi nắm tay nhau đi dần vào màn đêm. Mỗi bước đi là mỗi hé nở. Mỗi hơi thở là mỗi ngạt ngào hương sắc.

Nhẹ nhàng.
Tĩnh lặng.

Quỳnh chỉ đến với trăng và thinh không bóng tối.

Quỳnh rất đẹp! Rất thơm! Tiếc là đời hoa quá ngắn, chỉ qua một đêm thôi. Tôi đã từng tham lam, khởi nghĩ “Phải chi quỳnh còn tới ban ngày!”. Nhưng sau đôi lần cùng quỳnh ngồi thiền dưới trăng khuya tôi mới biết rằng nếu quỳnh nở cả ban ngày thì không còn là quỳnh nữa!

Tối nay tôi sẽ đón quỳnh và trăng bằng trà quý. Tôi có hộp trà này là do tâm thành, cắt những bông sen đầu mùa mang tới chùa cúng Phật. Thầy trụ trì cảm kích bèn mở tủ, tặng lại hộp trà. Để dành mãi, chưa thấy bạn hiền nào ghé chơi nên hôm nay tôi sẽ đãi trăng và 39 đóa quỳnh hương. Vâng, tôi đếm cẩn thận lắm, 39 đóa quỳnh sẽ ghé thăm vườn tôi đêm nay.

Bóng tối đã bao phủ khu vườn nhưng trăng cũng long lanh ánh bạc trên vòm cây, nhánh lá. Tôi rót trà mời trăng khi quỳnh đang nhẹ nhàng hé cánh bạch ngọc. Những cánh trắng mong manh lụa nõn, thở từng làn hương thoảng, mở nhẹ từng búp, lộ dần nhụy hoa dáng thon dài như chiếc thuyền độc bản lững lờ trên giòng sông êm. Cứ thế, mỗi phút thầm lặng trôi qua, mỗi cánh hoa lay động nở dần.

 Tôi đã từng ngồi lặng hàng giờ, theo dõi bước thiền hành của hoa, từ lúc hé cánh tới khi mãn khai, hoan hỷ chiêm ngưỡng những đóa quỳnh– hương xiêm y trắng muốt, ca múa dưới trăng. Tôi đã được thấy nhiều lần, và không lần nào không rung cảm khi NHÌN được sự chuyển động mầu nhiệm của sự sống; sự chuyển động chuyên chở sức mạnh thầm lặng vô song trong tương quan vạn hữu.

Đêm về khuya, trăng như sáng hơn. Trăng lồng bóng hoa, quyện vào nhau, tới lúc không biết trăng là quỳnh hay quỳnh là trăng nữa. Lạ thay, tôi bỗng mở khóa chân kiết già khi nghe thấy âm–ba những câu thơ từ đâu dội tới:

“Trăng Huyền–Không mở hội
Hương lan ngát bên đồi
Mây ngàn phương về hội
Giờ tao ngộ đến rồi”

Giòng thơ cứ lập đi lập lại, chỉ bốn câu như thế thôi. Thơ đã chuyển thành nhạc, réo rắt, mênh mang. Nhưng điều đó có gì liên hệ đến lúc tôi đang ngồi thiền dưới trăng trong đêm quỳnh nở này? Và sao chỉ có bốn câu vần vũ mà thôi?

 Đổi lại thế ngồi bán già, tôi nhắm mắt, thở một hơi thật nhẹ, thật dài. Và bây giờ tôi chỉ còn nghe thấy một câu:

 “Giờ tao ngộ đến rồi” 

 Vâng, trăng ơi, tôi đã biết. Giờ tao ngộ của Thầy với Đất Phật đã đến. Ngài đã đi. Thầy Huyền–Không Mãn–Giác đã đi.

 Mà nào phải Thầy đi!? Không, trăng ơi, Thầy đã về mới đúng chứ! Thầy vừa trở về căn nhà Phật, nơi từ đó, Thầy đã khai sinh. Vậy thì, đi, hay về, với Thầy, chắc một nghĩa như nhau thôi.

Có lẽ bài thơ này làm đã lâu rồi, nhưng sao lời thơ như tiên tri vậy? Trăng muốn được nghe trọn bài ư? Mời trăng, mời quỳnh, hãy nhấp ngụm trà thơm rồi tôi đọc nhé:

“Bên bờ suối vô–vi
Trăng lên, chờ ta đó
Ngàn xưa, tự ngàn xưa
Trăng vẫn chưa hề lặn
Ta đi vào viễn xứ
Trăng đưa lối ta về
Trùng dương muôn bến mộng
Nên ta vẫn còn mê
Trăng Huyền–Không mở hội
Hương lan ngát bên đồi
Mây ngàn phương về hội
Giờ tao ngộ đến rồi
Quê–hương vẫn là đây
Trăng vẫn mảnh trăng này
Ngàn sau, ngàn sau nữa
Lồng lộng giữa trời mây”*

Cám ơn trăng đã xúc động, nhắc khẽ câu “Giờ tao ngộ đến rồi”. Quả đúng thế. Hai vị Thầy vừa gặp lại nhau sau nhiều thập niên xa cách.

Qua sách vở, họa hoằn lắm tôi mới bắt gặp thấp thoáng đôi câu hai Thầy bộc lộ về tình huynh đệ đồng môn, mà với tâm hồn cùng ẩn chứa chất liệu phóng khoáng của thi nhân, hai Thầy đã thân thiết nhau từ thời làm điệu ở chùa Bảo Quốc. Đã có người liên tưởng sự tâm đồng của hai Thầy như tình huynh đệ thắm thiết giữa hai ngài Xá Lợi PhấtMục Kiền Liên khi xưa. Thương thay, những chướng duyên nhân thế đã khiến không gian, thời gian thành nghìn trùng xa cách. Thầy Huyền–Không Mãn–Giác từng ngậm ngùi nói về bạn mình: “Thầy Nhất Hạnh là người có cái thấy vượt xa người cùng thời, có khi trước cả vài ba mươi năm. Cũng vì cái thấy đó mà từ ngày còn trẻ đến bây giờ, Thầy là nạn nhân tội nghiệp của những đối xử bất công từ những thành lũy bảo thủ cố chấp, thế mà tấm lòng với Đạo của Thầy vẫn muôn năm vằng vặc”

Thầy Nhất Hạnh có thấy trước, ngày Thầy Huyền–Không Mãn–Giác ra đi không? Trăng ơi, riêng tôi, tôi tin là có. Từ nhiều thập niên qua, hai vị Thầy vẫn chạnh nhớ về nhau mà không gặp được nhau vì đều quá đa đoan Phật sự. Nay, sự mầu nhiệm nào đã khiến Thầy Nhất Hạnh cùng tăng thân Làng Mai đến tận chùa Việt Nam thăm Thầy Huyền–Không Mãn Giác, trước chỉ một tháng, ngày Thầy Mãn Giác về cõi Phật? Làm sao đây có thể là sự tình cờ, khi hai vị đã từng cảm ứng nhau qua không gian vô tậnthời gian vô biên.

 Trăng chưa nhìn thấy hình ảnh cảm động đó phải không? Thầy Nhất Hạnh đến chùa Việt Nam khi tiền đình vừa nhuộm vàng nắng sớm. Tăng thân Làng Mai đều quỳ xuống khi Thầy Huyền Không Mãn Giác bước ra. Hai vị Thầy im lặng nhìn nhau, đôi giòng lệ lặng lẽ rơi trên đôi má Thầy Huyền Không Mãn Giác. Thầy Nhất Hạnh nắm lấy bàn tay run rẩy vì xúc động của bạn. Dù phong thái Thầy Nhất Hạnh an nhiên trong chánh niệm, nhưng đôi tay Thầy hẳn cũng bồi hồi, xao xuyến. Rồi hai Thầy ngồi xuống bên nhau.

Vẫn im lặng.
Mà ngàn lời đang nói.

Có lẽ đây là giây phút Minh Tịnh, chạm tới cái Tột của Không để vô– đoạn, vô–thường hiển lộ Chân Thường; vô–ngã, vô–phi–ngã hiển lộ Chân Ngã.

 Trăng ơi, khi Thầy Nhất Hạnh truyền tăng thân Làng Mai hát bài “Niệm Bồ Tát Quan Thế Âm”,

cúng dường Thầy Huyền Không Mãn Giác thì hầu như các vị hiện diện, không ai cầm được nước mắt! Không phải đây là nước mắt bi lụy đâu trăng ạ. Nước mắt rơi khi tiếng niệm Bồ Tát Quan Thế Âm trầm bổng ngân lên là nước mắt “Từ nhãn thị chúng sanh”, nước mắt của tình thương bao la từng nhỏ xuống vì thương xót hết thảy chúng sanh. Hai vị Thầy đã nhân lần gặp cuối, ngồi bên nhau, nắm tay nhau, truyền năng lượng Bồ Đề Tâm, cùng hướng về Đấng cứu khổ cứu nạn. Trăng ơi, chẳng phải là chúng sanh đang chìm ngập trong biển khổ vô cùng vô tận hay sao? Trăng hãy nhìn quanh xem, từ Đông sang Tây, từ Âu tới Á, những khắc nghiệt, những đọa đầy, những oan khiên, những tàn khốc đang nghiền nát nhân loại. Nên phút giây đó, dưới mái chùa Việt Nam, âm thanh niệm Hồng Danh Quan Thế Âm ngân lên, lúc khoan, lúc nhặt, lúc trầm, lúc bổng, qua hình ảnh đôi bạn Xá Lợi PhấtMục Kiền Liên cùng tận dụng chuyển vận năng lượng cầu nguyện cho nhân loại, đã là những gì mà ngôn từ thế gian không thể diễn đạt nổi.

 Có chăng, chỉ là sự hùng tráng bất biến của:

“Ngàn xưa, tự ngàn xưa
Trăng vẫn chưa hề lặn”.

Diệu Trân

(Như–Thị–Am, tháng mười, 2006)



* Thơ Thiền sư Viên Minh

Trích từ sách:
http://thuvienhoasen.org/images/file/_6ONHHXt0wgQAAsl/thay-toi-pdf.pdf 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/04/2015(Xem: 7886)
16/09/2020(Xem: 4342)
04/01/2016(Xem: 6876)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.