Qua một đêm mưa rả rích, buổi sáng thức dậy nhìn ra biển qua khung cửa kính từ ban công khách sạn vẫn thấy một màu ảm đạm dù mưa đã tạnh hẳn. Không thể bỏ ý định đi dạo trên bãi biển vì chiều nay tôi sẽ phải trở về thành phố mặt trời của mình, sa mạc và núi non… Là một người thích biển, tôi thích biển lắm vì ngày xưa tôi yêu Phượng và Phượng sống ở vùng biển. Những gì thuộc về Phượng về biển hầu như đều ăn sâu bám chặt vào từng góc cạnh ký ức của tôi. Có biển là có Phượng, biển luôn mang hình ảnh Phượng của ngày xưa trở về cùng tôi, trong sáng hòa lẫn chút gì đó rất dịu dàng, tế nhị. Ý tưởng bắt đầu lan man, tôi nén tiếng thở dài xua đuổi dòng nghĩ ngợi. Như cố tình câu giờ mong thời gian đi chậm lại để còn chờ ông mặt trời xuất hiện, tôi pha ly café và ngồi xuống chiếc ghế ở góc phòng nhâm nhi nhưng rồi vẫn cảm thấy sốt ruột, đồng hồ trên chiếc máy điện thoại đã đổi sang con số tám, vậy là tôi quyết định xuống biển…
Bãi biển vắng vẻ, gió lành lạnh, từng con sóng vỗ vào bờ và bầy hải âu vẫn bay lên sà xuống đậu đầy trên bãi cát. Bầu trời âm u, dày sương mù nên tôi chỉ thấy một màu xám từ xa, tôi chậm rãi hướng về phía cây cầu nơi mà mọi người thường lên đó để câu cá. Một cô gái với mái tóc được trùm kín trong chiếc khăn màu tím nhạt quay lưng về phía tôi, hình như cô đang dùng vỏ ốc để vẽ trên cát. Tôi dừng lại và ngạc nhiên… những dòng chữ bằng tiếng mẹ đẻ của tôi đang hiện trước mắt. Bước chân của tôi làm bầy hải âu vỗ cánh tạo nên tiếng động. Cô gái ngoảnh mặt lại kèm theo cái nhíu mày và rồi trố mắt khi nhận ra tôi là một người Á Đông.
“Cô là người Việt… tôi chắc vậy!”
“Thì ra ông đã đọc lén những dòng chữ của tôi.”
Cô bẽn lẽn trả lời rồi đứng dậy đưa hai bàn chân mình dẫm lên những con chữ hầu muốn giấu đi những gì cô viết.
“Oh… xin lỗi cô… tôi không cố ý tò mò… sự có mặt của cô trên bãi biển vắng một buổi sáng như thế này đã tác động đến tầm nhìn của tôi…”
Vừa nói tôi vừa cười xã giao, mong sao cô gái đừng nổi cơn thịnh nộ.
Cô gái im lặng nhìn xa vắng ra biển rồi ném tung cái vỏ ốc trong tay xuống nước. Tôi cảm thấy mình trở nên thừa thải vô duyên nên dợm chân bước đi.
“Này ông… ông định đi đâu đấy?”
“Cô gọi tôi?”
“Vâng… nếu ông còn thích đọc tiếp những gì tôi viết.” Cô gái dí dỏm cầu hòa.
“Nếu cô cho phép, nhưng cô phải viết nhanh nhanh lên không thôi tôi bị trễ chuyến bay!” Tôi pha trò.
“Ông không ở đây?”
“Không… tôi đến đây để thăm người bạn, một vị ân nhân thì có lẽ đúng hơn!”
Cô gái tròn xoe đôi mắt:
“Một vị ân nhân?”
Tôi gật gù lặp lại:
“Đúng là một vị ân nhân!
………
John là ông xếp cũ của tôi. Khi tôi bắt đầu cuộc sống mới trên đất Mỹ gặp nhiều khó khăn thì ông là người chịu nhận tôi vào làm tạm thời ở công ty, lúc đó ông đã là giám đốc coi về nhân sự. Ban ngày đi học ban đêm đi làm, sau 4 năm miệt mài chăm chỉ tôi ra trường với bằng kỹ sư và chính thức trở thành nhân viên của công ty. Ông John tỏ ra quý mến tôi, luôn miệng khen ngợi người Việt Nam chịu khó. Càng ngày tôi càng được công ty tín nhiệm vì khả năng làm việc và ông không những trở thành một người bạn mà còn là một người thân tình, xem tôi như một thành viên trong gia đình ông. Bây giờ ông đã về hưu còn tôi thì đổi sang công ty khác nhưng chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên và vẫn đến thăm nhau mỗi khi có dịp. Tôi nhận được email của John sau ngày lễ Tạ Ơn cho biết ông và vợ sẽ trải qua những ngày nghỉ đông mùa Giáng Sinh cùng con trai ở Jacksonville. Và cũng nhân dịp này con trai lớn của ông có buổi trình diễn nhạc nên ông bà sẽ ở chơi đến giữa tháng giêng mới trở lại Salt Lake city… Tôi bỗng có ý định đem đến một ngạc nhiên cho John và gia đình ông. Tôi không hồi đáp email và sửa soạn cho một chuyến viếng thăm Jacksonville của mình.”
………
“Vậy là ông đã có những ngày vui ở thành phố biển này…” Cô gái tiếp lời.
“Cô ở đây lâu chưa?”
“Vừa được 6 tháng…” Giọng cô gái như mang một nỗi niềm.
Lúc này tôi mới nhìn rõ được cô ta. Chiếc khăn màu tím buộc quanh đầu làm lộ ra khuôn mặt tròn và sáng, đuôi mắt hơi xếch lên, đôi môi tái nhạt nhưng trông xinh xinh. Chợt nhớ mấy câu thơ tôi đọc trên bãi cát, không lẽ là thơ của nàng?
“Cô viết tiếp cho tôi đọc đi chứ!”
“Đùa với ông cho vui thôi chứ tôi chẳng còn chữ để viết… 6 tháng nay tôi viết mỗi ngày và biển đã mang đi hết… tất cả đã nằm yên vào lòng biển.”
“Tại sao cô lại làm như thế?” Tôi buột miệng và cảm thấy mình lỡ lời.
“Tôi muốn sống thật với chính mình nhưng không được nên bắt buộc phải đành vậy, ít ra cũng giải tỏa được phần nào cho đời sống nội tâm của tôi.” Cô gái cười buồn.
“Không lẽ cô sống không thật?”
“Đối với tôi, khi lẽ sống không còn thì mọi thứ trên cuộc đời đều trở thành vô nghĩa.”
“Cô bi quan à?”
“Không. Có lẽ tôi tự mình đánh mất niềm tin.” Vừa nói cô vừa kéo chiếc khăn trên đầu xuống. Tôi ngẩn người khi nhìn thấy cô không còn tóc, tôi chợt hiểu ra…
………
“Chúng tôi quen nhau trong trường hợp rất ngẫu nhiên, vào dịp có cùng «conference» ở Washington-DC, André đến làm quen với tôi vì vợ trước của anh là người Miến Điện nên anh bảo rằng cảm thấy gần gũi hơn với người Á Châu. Mae đã qua đời do một tai nạn giao thông ở Bangkok trong chuyến công tác bên đó, để lại cho anh một đứa con gái vừa được 3 tuổi. Sau một thời gian tìm hiểu, năm ngoái André đã ngỏ lời hỏi cưới tôi, anh vui sướng khi đeo chiếc nhẫn đính hôn vào ngón tay áp út của tôi. Bé Zana, con của anh sà vào lòng và gọi tiếng “mẹ” đầu tiên dành cho tôi, tôi ôm hôn bé cảm động, mãn nguyện với niềm hạnh phúc mà ơn trên đã ban phát cho mình. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, vậy mà chỉ vài tháng sau tôi phát hiện ra những vết máu bầm trên cơ thể mình và cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên chóng mặt choáng váng. Tôi đến gặp bác sĩ gia đình để xem tình hình sức khỏe và sau hai lần thử nghiệm máu, bác sĩ đã cho biết thật sự về căn bệnh. Lúc đầu tôi tự tin lắm, lạc quan nữa vì tôi nghĩ rằng mình sẽ qua khỏi. Tôi niệm Bạch Y Thần Chú mỗi ngày để vững lòng tin. Nhưng rồi bây giờ tôi chuyển về thành phố này và trốn tránh André… tôi không muốn anh ấy nhìn thấy tôi như lúc này…”
“Tôi thực là một kẻ chạy trốn. Chạy trốn chính mình trong căn bệnh ngặt nghèo. Hốt nhiên, tôi có cảm giác mình như bị hụt hẫng, như người mất điểm tựa, hoàn toàn mất hẳn niềm tin, tâm hồn hoang mang khi thì trống rỗng, khi lại sợ hãi, đôi khi lại có cảm giác như một người đang rơi xuống một hố thẳm sâu không đáy… Điểm tựa mong manh cuối cùng là câu chú của Ngài Quán Thế Âm, tôi cố gắng niệm, nhưng tâm dao động quá, niệm một chút thì vọng niệm lại nổi lên, xôn xao như sóng vỡ bờ…
Ngày tôi rời thành phố trong đó có André và bé Zana. Tim tôi muốn vỡ ra từng mảnh. Tôi hiểu André sẽ đau khổ và bé Zana rất hoang mang vì cả hai sẽ thêm một lần thất vọng. Nhưng tôi làm được gì bây giờ nếu tôi ở lại? Tôi thực không muốn mình là một gánh nặng cho André, thứ nữa, tôi không thể chịu đựng được ánh mắt đau khổ của anh ấy.”
Sáng hôm sau, chàng ra biển sớm. Hy vọng mong manh sẽ gặp lại được cô bé đang viết những tâm niệm gửi ra biển khơi. Chàng đi lang thang, phóng tầm mắt tới cuối tầm nhìn. Biển rất vắng, chỉ có tiếng sóng ầm ầm đập vào ghềnh đá. Chàng đứng xoay mặt ra biển. Mặt biển rộng mênh mang, sóng nhấp nhô chẳng bao giờ ngưng nghỉ, nhưng nếu phóng tầm mắt xa hơn nữa sẽ thấy mặt biển thật yên bình, xanh ngắt…
Chàng thong thả ngồi xuống điều hoà hơi thở và bắt đầu khởi lên trong tâm chủng tử Hri thẳng đứng nằm trên một đĩa trăng. Trên đỉnh đầu, chàng mời thỉnh ngài Quán Âm về ngự trị, rồi qua thất chi nguyện, sau đó chàng đi sâu vào thiền định với câu chú của Ngài…
Câu chú tạo thành một chuỗi âm thanh trên môi chàng mấp máy, rất nhỏ, nhưng lại tỏa rộng cùng khắp trên mặt biển. Âm thanh như chắp cánh đi sâu vào không gian thênh thang, toả rộng khắp đất trời… Đồng thời, ánh sáng từ tim Ngài Quán Thế Âm dìu dịu lan dần khắp châu thân, ánh sáng lóng lánh như trộn lẫn với những giọt nước cam lồ rửa sạnh những nỗi khổ đau của chính chàng, của Phượng, của những người thân, xa hơn nữa, chàng nghĩ đến cô bé quàng khăn tím với giải lụa bay bay trong gió biển, đến André, Zana và những người chàng chưa từng bao giờ quen biết…
Chẳng biết chàng ngồi như thế trong bao lâu thì bỗng có giọng một người con gái gọi chàng trở về. Giọng nói khe khẽ, reo lên, như một người tình cờ vừa nhặt được một niềm vui nhỏ:
“A! Hóa ra ông vẫn còn ở đây!”
Rất tự nhiên, cô ngồi xuống bên cạnh, tò mò nhìn chàng:
“Ông cũng có tâm sự muốn gửi cho biển hả?”
Chàng từ từ xả thiền. Đó chính là cô bé hôm qua chàng đã gặp. Hôm nay, khuôn mặt cô có vẻ tươi tỉnh hơn một chút, ánh lên sự lung linh.
Cô tâm sự:
“Hôm nay, em không muốn gửi những bài thơ cho biển giữ nữa…”
Chàng nhìn cô với một tâm thức còn rất thanh tịnh của một hành giả mới vừa trở ra trong cơn thiền định và đôi mắt đầy từ mẫn:
“Thế em ra biển làm gì?”
Cô chẳng trả lời. Nghiêng mặt, ngẫm nghĩ rồi hỏi lại:
“Nhưng tại sao ông vẫn còn ở đây? Chẳng phải ông đã ra phi trường cho kịp chuyến bay hôm qua sao?”
“Không. Đến phút chót còn một chuyện để làm nên tôi quyết định ở lại”
Cô ngước nhìn chàng với đôi mắt ngây thơ, hỏi lại:
“Chuyện gì mà có vẻ quan trọng thế?”
Chàng trả lời một cách mập mờ:
“Ờ. Chuyện thiên hạ ấy mà. Nhưng chuyện thiên hạ cũng là chuyện… của tôi…”
Với giọng trầm trầm, chàng tâm sự:
“Tôi rất thích biển. Ở biển mang một điều gì vừa huyền diệu, vừa kỳ bí. Trong những trang kinh của chư Phật, biển được ví như Tâm. Cái tâm mênh mang không bờ bến, có thể biến hóa ra những mê đồ ảo phố, cũng có thể tĩnh lặng như một mặt hồ nước trong. Em nhìn kìa. Phía xa tít cuối chân mây, mặt biển thật yên tĩnh, không có những gợn sóng xôn xao nào cả, trái hẳn với phần biển gần bờ đầy những sóng. Sóng. Tôi ví chúng như những vọng niệm rất thô kệch nổi trên bề mặt của Tâm. Còn ngoài kia, xa tít. Tuy có vẻ bình yên nhưng cũng vẫn có những đợt sóng ngầm tựa như những phiền não vi tế. Khi một hành giả dứt được hết những vọng tưởng vi tế thì biển tâm ấy trở thành một biển quang minh chói lòa, tĩnh lặng với niềm đại hỷ lạc trong ánh tịnh quang, lúc đó không còn bệnh tật và bóng dáng khổ đau nào nữa. (quay qua, mỉm cười…) Nhưng đó chỉ là những ý niệm khởi lên trong lúc thiền quán thôi. Chắc em không cười thầm tôi đấy chứ?”
Cô bé ngước lên nhìn chàng, trả lời nghiêm trang. Giọng nhẹ như hơi thở:
“Không ông ạ. Những gì ông nói làm em cảm thấy rất hay và thật xúc động, mặc dù chẳng biết hay ở điểm nào, chỉ mơ hồ cảm thấy thế thôi, và cũng chẳng hiểu tại sao lại bị xúc động đến thế. (Mỉm cười một cách hóm hỉnh) Em còn trộm nghĩ rằng, có lẽ, những gì ông vừa nói lại còn hay hơn… nỗi buồn của em đang giấu kín nữa đấy!”
Phải mất nhiều ngày qua những câu chuyện ngắn chàng mới có thể chắp nối và hiểu được lờ mờ về cô bé. Dĩ nhiên, chàng cũng không tò mò muốn hỏi, vì sự tôn trọng, cũng vì sợ động đến vết thương còn quá mới trong tim cô. Hơn thế nữa, chàng còn biết cô đang điều trị về một cơn bệnh ngặt nghèo, khó chữa.
“Ngày mai em phải vào nhà thương chạy điện. Những lần chạy điện xong thường có những phản ứng phụ. Em sẽ rất mệt nên không ra biển được đâu.”
Chàng xót xa nhìn cô bé, ân cần như nói với người bạn nhỏ:
“Tôi có thể làm giúp gì được cho em không?”
“Không cần đâu. Em vẫn thường cầu nguyện Ngài Quán Thế Âm vào mỗi tối. Nếu được, xin ông hãy cầu nguyện và hồi hướng cho em…”
Đó cũng chính là lý do làm chàng ở lại, thiền định, quán tưởng, khởi tâm từ cầu xin ngài Quán Thế Âm chữa lành bệnh cho cô.
Cả hai yên lặng cùng nhìn ra biển. Một lúc. Chàng nghe tiếng cô bé hát khẽ. Đó là một khúc hát mà chàng rất ưa thích. Bài hát chấm dứt, cô lại chuyển qua một bài khác, lần này là một khúc nhạc ngoại quốc, cũng là bài mà chàng có rất nhiều kỷ niệm với Phượng năm nào. Chàng nghiêng mặt nhìn cô, những lời thơ phổ nhạc làm sự cảm động dâng từ từ lên khoé mắt long lanh như sẵn sàng rơi xuống một giọt lệ…
Chẳng ai nói thêm lời nào. Dường như cả hai cùng một tâm trạng, cùng mang những nỗi cô đơn lạc loài như những chú chim di…
Nhưng đột nhiên cô bé cất tiếng trong trẻo lên, nghiêng nhìn giọt lệ trên má chàng và hỏi: “Tại sao ông lại khóc? Em có nói điều gì làm ông buồn không? (ngập ngừng) Hay là… chuyện của em làm ông không vui?”
Trước sự hồn nhiên ngây thơ của cô bé, khuôn mặt nghiêng nhìn như một giọt sương mai đọng long lanh trên đóa hoa hồng mới nở trong đêm qua, chàng yên lặng không trả lời và lại đắm vào trong chú nguyện. Tâm chàng quay trở về những hành trì quen thuộc và mạnh mẽ hơn bao giờ, như chưa bao giờ chàng có thể hành trì được như vậy, từ nơi tâm thức thanh tịnh ấy khởi lên tất cả tình thương hướng về đối tượng duy nhất đang ngồi bên cạnh. Rồi chàng quán tưởng ngay nơi tim của mình từ từ khởi lên một đóa hoa sen ngàn cánh, muôn màu sắc sáng ngời. Các tia sáng tỏa tràn đầy mọi phương, nơi trung tâm đóa sen lại khởi nên chủng tự Hri cũng tỏa ánh sáng chói ngời tràn đầy mọi phương. Bao quanh chủng tự Hri đó là câu chú lục tự Om Mani Padme Hum mà chàng vẫn thường quen trì tụng. Từ câu chú phát ánh sáng muôn màu thật đẹp, quay theo chiều kim đồng hồ. Và chàng khởi lên trong tâm lòng từ bi vô hạn, hướng tất cả những tình thương đó về cô bé, với toàn bộ sức chú tâm mà trong bao nhiêu lần hành trì trước, chàng chưa bao giờ có thể làm được.
Tonglen là pháp môn chuyển hóa tâm Cho và Nhận của Mật tông Tây Tạng. Đó là phép hoán chuyển giữa ta và người. Sự hoán chuyển này không có nghĩa là mình trở thành người kia hay ngược lại, mà là hoán chuyển khi thở vào thì quán tưởng nhận vào mình mọi khổ đau của chúng sinh và khi thở ra thì quán tưởng chuyển sang mọi chúng sinh những hạnh phúc của mình.