Thư Viện Hoa Sen

Như Cánh Chim Di

22/02/20172:56 CH(Xem: 4833)
Như Cánh Chim Di
QUÉT LÁ SÂN CHÙA
Không Quán
Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 

NHƯ CÁNH CHIM DI

Phần I – Vân Hạc

Qua một đêm mưa rả rích, buổi sáng thức dậy nhìn ra biển qua khung cửa kính từ ban công khách sạn vẫn thấy một màu ảm đạm dù mưa đã tạnh hẳn. Không thể bỏ ý định đi dạo trên bãi biển vì chiều nay tôi sẽ phải trở về thành phố mặt trời của mình, sa mạc và núi non… Là một người thích biển, tôi thích biển lắm vì ngày xưa tôi yêu Phượng và Phượng sống ở vùng biển. Những gì thuộc về Phượng về biển hầu như đều ăn sâu bám chặt vào từng góc cạnh ký ức của tôi. Có biển là có Phượng, biển luôn mang hình ảnh Phượng của ngày xưa trở về cùng tôi, trong sáng hòa lẫn chút gì đó rất dịu dàng, tế nhị. Ý tưởng bắt đầu lan man, tôi nén tiếng thở dài xua đuổi dòng nghĩ ngợi. Như cố tình câu giờ mong thời gian đi chậm lại để còn chờ ông mặt trời xuất hiện, tôi pha ly café và ngồi xuống chiếc ghế ở góc phòng nhâm nhi nhưng rồi vẫn cảm thấy sốt ruột, đồng hồ trên chiếc máy điện thoại đã đổi sang con số tám, vậy là tôi quyết định xuống biển…
Bãi biển vắng vẻ, gió lành lạnh, từng con sóng vỗ vào bờ và bầy hải âu vẫn bay lên sà xuống đậu đầy trên bãi cát. Bầu trời âm u, dày sương mù nên tôi chỉ thấy một màu xám từ xa, tôi chậm rãi hướng về phía cây cầu nơi mà mọi người thường lên đó để câu cá. Một cô gái với mái tóc được trùm kín trong chiếc khăn màu tím nhạt quay lưng về phía tôi, hình như cô đang dùng vỏ ốc để vẽ trên cát. Tôi dừng lại và ngạc nhiên… những dòng chữ bằng tiếng mẹ đẻ của tôi đang hiện trước mắt. Bước chân của tôi làm bầy hải âu vỗ cánh tạo nên tiếng động. Cô gái ngoảnh mặt lại kèm theo cái nhíu mày và rồi trố mắt khi nhận ra tôi là một người Á Đông. 
“Cô là người Việt… tôi chắc vậy!” 
“Thì ra ông đã đọc lén những dòng chữ của tôi.” 
bẽn lẽn trả lời rồi đứng dậy đưa hai bàn chân mình dẫm lên những con chữ hầu muốn giấu đi những gì cô viết. 
“Oh… xin lỗi cô… tôi không cố ý tò mò… sự có mặt của cô trên bãi biển vắng một buổi sáng như thế này đã tác động đến tầm nhìn của tôi…”
Vừa nói tôi vừa cười xã giao, mong sao cô gái đừng nổi cơn thịnh nộ
Cô gái im lặng nhìn xa vắng ra biển rồi ném tung cái vỏ ốc trong tay xuống nước. Tôi cảm thấy mình trở nên thừa thải vô duyên nên dợm chân bước đi.
“Này ông… ông định đi đâu đấy?”
“Cô gọi tôi?”
“Vâng… nếu ông còn thích đọc tiếp những gì tôi viết.” Cô gái dí dỏm cầu hòa.
“Nếu cô cho phép, nhưng cô phải viết nhanh nhanh lên không thôi tôi bị trễ chuyến bay!” Tôi pha trò.
“Ông không ở đây?”
“Không… tôi đến đây để thăm người bạn, một vị ân nhân thì có lẽ đúng hơn!”
Cô gái tròn xoe đôi mắt: 
“Một vị ân nhân?”
Tôi gật gù lặp lại: 
“Đúng là một vị ân nhân!
……… 
John là ông xếp cũ của tôi. Khi tôi bắt đầu cuộc sống mới trên đất Mỹ gặp nhiều khó khăn thì ông là người chịu nhận tôi vào làm tạm thời ở công ty, lúc đó ông đã là giám đốc coi về nhân sự. Ban ngày đi học ban đêm đi làm, sau 4 năm miệt mài chăm chỉ tôi ra trường với bằng kỹ sư và chính thức trở thành nhân viên của công ty. Ông John tỏ ra quý mến tôi, luôn miệng khen ngợi người Việt Nam chịu khó. Càng ngày tôi càng được công ty tín nhiệm vì khả năng làm việc và ông không những trở thành một người bạn mà còn là một người thân tình, xem tôi như một thành viên trong gia đình ông. Bây giờ ông đã về hưu còn tôi thì đổi sang công ty khác nhưng chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên và vẫn đến thăm nhau mỗi khi có dịp. Tôi nhận được email của John sau ngày lễ Tạ Ơn cho biết ông và vợ sẽ trải qua những ngày nghỉ đông mùa Giáng Sinh cùng con trai ở Jacksonville. Và cũng nhân dịp này con trai lớn của ông có buổi trình diễn nhạc nên ông bà sẽ ở chơi đến giữa tháng giêng mới trở lại Salt Lake city… Tôi bỗng có ý định đem đến một ngạc nhiên cho John và gia đình ông. Tôi không hồi đáp email và sửa soạn cho một chuyến viếng thăm Jacksonville của mình.” 
……… 
“Vậy là ông đã có những ngày vui ở thành phố biển này…” Cô gái tiếp lời. 
“Cô ở đây lâu chưa?”
“Vừa được 6 tháng…” Giọng cô gái như mang một nỗi niềm.
Lúc này tôi mới nhìn rõ được cô ta. Chiếc khăn màu tím buộc quanh đầu làm lộ ra khuôn mặt tròn và sáng, đuôi mắt hơi xếch lên, đôi môi tái nhạt nhưng trông xinh xinh. Chợt nhớ mấy câu thơ tôi đọc trên bãi cát, không lẽ là thơ của nàng? 
“Cô viết tiếp cho tôi đọc đi chứ!”
“Đùa với ông cho vui thôi chứ tôi chẳng còn chữ để viết… 6 tháng nay tôi viết mỗi ngày và biển đã mang đi hết… tất cả đã nằm yên vào lòng biển.”
“Tại sao cô lại làm như thế?” Tôi buột miệng và cảm thấy mình lỡ lời.
“Tôi muốn sống thật với chính mình nhưng không được nên bắt buộc phải đành vậy, ít ra cũng giải tỏa được phần nào cho đời sống nội tâm của tôi.” Cô gái cười buồn. 
“Không lẽ cô sống không thật?”
“Đối với tôi, khi lẽ sống không còn thì mọi thứ trên cuộc đời đều trở thành vô nghĩa.” 
“Cô bi quan à?” 
“Không. Có lẽ tôi tự mình đánh mất niềm tin.” Vừa nói cô vừa kéo chiếc khăn trên đầu xuống. Tôi ngẩn người khi nhìn thấy cô không còn tóc, tôi chợt hiểu ra… 
……… 
“Chúng tôi quen nhau trong trường hợp rất ngẫu nhiên, vào dịp có cùng «conference» ở Washington-DC, André đến làm quen với tôi vì vợ trước của anh là người Miến Điện nên anh bảo rằng cảm thấy gần gũi hơn với người Á Châu. Mae đã qua đời do một tai nạn giao thông ở Bangkok trong chuyến công tác bên đó, để lại cho anh một đứa con gái vừa được 3 tuổi. Sau một thời gian tìm hiểu, năm ngoái André đã ngỏ lời hỏi cưới tôi, anh vui sướng khi đeo chiếc nhẫn đính hôn vào ngón tay áp út của tôi. Bé Zana, con của anh sà vào lòng và gọi tiếng “mẹ” đầu tiên dành cho tôi, tôi ôm hôn bé cảm động, mãn nguyện với niềm hạnh phúcơn trên đã ban phát cho mình. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, vậy mà chỉ vài tháng sau tôi phát hiện ra những vết máu bầm trên cơ thể mình và cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên chóng mặt choáng váng. Tôi đến gặp bác sĩ gia đình để xem tình hình sức khỏe và sau hai lần thử nghiệm máu, bác sĩ đã cho biết thật sự về căn bệnh. Lúc đầu tôi tự tin lắm, lạc quan nữa vì tôi nghĩ rằng mình sẽ qua khỏi. Tôi niệm Bạch Y Thần Chú mỗi ngày để vững lòng tin. Nhưng rồi bây giờ tôi chuyển về thành phố này và trốn tránh André… tôi không muốn anh ấy nhìn thấy tôi như lúc này…”

Phần II – Chiêu Hoàng

“Tôi thực là một kẻ chạy trốn. Chạy trốn chính mình trong căn bệnh ngặt nghèo. Hốt nhiên, tôi có cảm giác mình như bị hụt hẫng, như người mất điểm tựa, hoàn toàn mất hẳn niềm tin, tâm hồn hoang mang khi thì trống rỗng, khi lại sợ hãi, đôi khi lại có cảm giác như một người đang rơi xuống một hố thẳm sâu không đáy… Điểm tựa mong manh cuối cùng là câu chú của Ngài Quán Thế Âm, tôi cố gắng niệm, nhưng tâm dao động quá, niệm một chút thì vọng niệm lại nổi lên, xôn xao như sóng vỡ bờ…
Ngày tôi rời thành phố trong đó có André và bé Zana. Tim tôi muốn vỡ ra từng mảnh. Tôi hiểu André sẽ đau khổ và bé Zana rất hoang mang vì cả hai sẽ thêm một lần thất vọng. Nhưng tôi làm được gì bây giờ nếu tôi ở lại? Tôi thực không muốn mình là một gánh nặng cho André, thứ nữa, tôi không thể chịu đựng được ánh mắt đau khổ của anh ấy.” 
Sáng hôm sau, chàng ra biển sớm. Hy vọng mong manh sẽ gặp lại được cô bé đang viết những tâm niệm gửi ra biển khơi. Chàng đi lang thang, phóng tầm mắt tới cuối tầm nhìn. Biển rất vắng, chỉ có tiếng sóng ầm ầm đập vào ghềnh đá. Chàng đứng xoay mặt ra biển. Mặt biển rộng mênh mang, sóng nhấp nhô chẳng bao giờ ngưng nghỉ, nhưng nếu phóng tầm mắt xa hơn nữa sẽ thấy mặt biển thật yên bình, xanh ngắt… 
Chàng thong thả ngồi xuống điều hoà hơi thở và bắt đầu khởi lên trong tâm chủng tử Hri thẳng đứng nằm trên một đĩa trăng. Trên đỉnh đầu, chàng mời thỉnh ngài Quán Âm về ngự trị, rồi qua thất chi nguyện, sau đó chàng đi sâu vào thiền định với câu chú của Ngài…
Câu chú tạo thành một chuỗi âm thanh trên môi chàng mấp máy, rất nhỏ, nhưng lại tỏa rộng cùng khắp trên mặt biển. Âm thanh như chắp cánh đi sâu vào không gian thênh thang, toả rộng khắp đất trời… Đồng thời, ánh sáng từ tim Ngài Quán Thế Âm dìu dịu lan dần khắp châu thân, ánh sáng lóng lánh như trộn lẫn với những giọt nước cam lồ rửa sạnh những nỗi khổ đau của chính chàng, của Phượng, của những người thân, xa hơn nữa, chàng nghĩ đến cô bé quàng khăn tím với giải lụa bay bay trong gió biển, đến André, Zana và những người chàng chưa từng bao giờ quen biết… 
Chẳng biết chàng ngồi như thế trong bao lâu thì bỗng có giọng một người con gái gọi chàng trở về. Giọng nói khe khẽ, reo lên, như một người tình cờ vừa nhặt được một niềm vui nhỏ:
“A! Hóa ra ông vẫn còn ở đây!” 
Rất tự nhiên, cô ngồi xuống bên cạnh, tò mò nhìn chàng:
“Ông cũng có tâm sự muốn gửi cho biển hả?” 
Chàng từ từ xả thiền. Đó chính là cô bé hôm qua chàng đã gặp. Hôm nay, khuôn mặt cô có vẻ tươi tỉnh hơn một chút, ánh lên sự lung linh. 
Cô tâm sự:
“Hôm nay, em không muốn gửi những bài thơ cho biển giữ nữa…” 
Chàng nhìn cô với một tâm thức còn rất thanh tịnh của một hành giả mới vừa trở ra trong cơn thiền định và đôi mắt đầy từ mẫn:
“Thế em ra biển làm gì?” 
Cô chẳng trả lời. Nghiêng mặt, ngẫm nghĩ rồi hỏi lại:
“Nhưng tại sao ông vẫn còn ở đây? Chẳng phải ông đã ra phi trường cho kịp chuyến bay hôm qua sao?” 
“Không. Đến phút chót còn một chuyện để làm nên tôi quyết định ở lại” 
Cô ngước nhìn chàng với đôi mắt ngây thơ, hỏi lại:
“Chuyện gì mà có vẻ quan trọng thế?” 
Chàng trả lời một cách mập mờ:
“Ờ. Chuyện thiên hạ ấy mà. Nhưng chuyện thiên hạ cũng là chuyện… của tôi…” 
Với giọng trầm trầm, chàng tâm sự:
“Tôi rất thích biển. Ở biển mang một điều gì vừa huyền diệu, vừa kỳ bí. Trong những trang kinh của chư Phật, biển được ví như Tâm. Cái tâm mênh mang không bờ bến, có thể biến hóa ra những mê đồ ảo phố, cũng có thể tĩnh lặng như một mặt hồ nước trong. Em nhìn kìa. Phía xa tít cuối chân mây, mặt biển thật yên tĩnh, không có những gợn sóng xôn xao nào cả, trái hẳn với phần biển gần bờ đầy những sóng. Sóng. Tôi ví chúng như những vọng niệm rất thô kệch nổi trên bề mặt của Tâm. Còn ngoài kia, xa tít. Tuy có vẻ bình yên nhưng cũng vẫn có những đợt sóng ngầm tựa như những phiền não vi tế. Khi một hành giả dứt được hết những vọng tưởng vi tế thì biển tâm ấy trở thành một biển quang minh chói lòa, tĩnh lặng với niềm đại hỷ lạc trong ánh tịnh quang, lúc đó không còn bệnh tật và bóng dáng khổ đau nào nữa. (quay qua, mỉm cười…) Nhưng đó chỉ là những ý niệm khởi lên trong lúc thiền quán thôi. Chắc em không cười thầm tôi đấy chứ?” 
Cô bé ngước lên nhìn chàng, trả lời nghiêm trang. Giọng nhẹ như hơi thở:
“Không ông ạ. Những gì ông nói làm em cảm thấy rất hay và thật xúc động, mặc dù chẳng biết hay ở điểm nào, chỉ mơ hồ cảm thấy thế thôi, và cũng chẳng hiểu tại sao lại bị xúc động đến thế. (Mỉm cười một cách hóm hỉnh) Em còn trộm nghĩ rằng, có lẽ, những gì ông vừa nói lại còn hay hơn… nỗi buồn của em đang giấu kín nữa đấy!” 
Phải mất nhiều ngày qua những câu chuyện ngắn chàng mới có thể chắp nối và hiểu được lờ mờ về cô bé. Dĩ nhiên, chàng cũng không tò mò muốn hỏi, vì sự tôn trọng, cũng vì sợ động đến vết thương còn quá mới trong tim cô. Hơn thế nữa, chàng còn biết cô đang điều trị về một cơn bệnh ngặt nghèo, khó chữa. 
“Ngày mai em phải vào nhà thương chạy điện. Những lần chạy điện xong thường có những phản ứng phụ. Em sẽ rất mệt nên không ra biển được đâu.” 
Chàng xót xa nhìn cô bé, ân cần như nói với người bạn nhỏ:
“Tôi có thể làm giúp gì được cho em không?” 
“Không cần đâu. Em vẫn thường cầu nguyện Ngài Quán Thế Âm vào mỗi tối. Nếu được, xin ông hãy cầu nguyệnhồi hướng cho em…” 
Đó cũng chính là lý do làm chàng ở lại, thiền định, quán tưởng, khởi tâm từ cầu xin ngài Quán Thế Âm chữa lành bệnh cho cô. 
Cả hai yên lặng cùng nhìn ra biển. Một lúc. Chàng nghe tiếng cô bé hát khẽ. Đó là một khúc hát mà chàng rất ưa thích. Bài hát chấm dứt, cô lại chuyển qua một bài khác, lần này là một khúc nhạc ngoại quốc, cũng là bài mà chàng có rất nhiều kỷ niệm với Phượng năm nào. Chàng nghiêng mặt nhìn cô, những lời thơ phổ nhạc làm sự cảm động dâng từ từ lên khoé mắt long lanh như sẵn sàng rơi xuống một giọt lệ… 

Chẳng ai nói thêm lời nào. Dường như cả hai cùng một tâm trạng, cùng mang những nỗi cô đơn lạc loài như những chú chim di…

Phần III – Không Quán

Nhưng đột nhiên cô bé cất tiếng trong trẻo lên, nghiêng nhìn giọt lệ trên má chàng và hỏi: “Tại sao ông lại khóc? Em có nói điều gì làm ông buồn không? (ngập ngừng) Hay là… chuyện của em làm ông không vui?” 
Trước sự hồn nhiên ngây thơ của cô bé, khuôn mặt nghiêng nhìn như một giọt sương mai đọng long lanh trên đóa hoa hồng mới nở trong đêm qua, chàng yên lặng không trả lời và lại đắm vào trong chú nguyện. Tâm chàng quay trở về những hành trì quen thuộc và mạnh mẽ hơn bao giờ, như chưa bao giờ chàng có thể hành trì được như vậy, từ nơi tâm thức thanh tịnh ấy khởi lên tất cả tình thương hướng về đối tượng duy nhất đang ngồi bên cạnh. Rồi chàng quán tưởng ngay nơi tim của mình từ từ khởi lên một đóa hoa sen ngàn cánh, muôn màu sắc sáng ngời. Các tia sáng tỏa tràn đầy mọi phương, nơi trung tâm đóa sen lại khởi nên chủng tự Hri cũng tỏa ánh sáng chói ngời tràn đầy mọi phương. Bao quanh chủng tự Hri đó là câu chú lục tự Om Mani Padme Hum mà chàng vẫn thường quen trì tụng. Từ câu chú phát ánh sáng muôn màu thật đẹp, quay theo chiều kim đồng hồ. Và chàng khởi lên trong tâm lòng từ bi vô hạn, hướng tất cả những tình thương đó về cô bé, với toàn bộ sức chú tâm mà trong bao nhiêu lần hành trì trước, chàng chưa bao giờ có thể làm được. 


Kỳ diệu thay, đột nhiên chàng thấy những ánh sáng muôn màu đó tụ lại nơi tim cô bé, và rồi cũng chính từ tim cô bé, bây giờ ánh sáng muôn màu lại tỏa ra sáng ngời… Và ô kìa… trên đảnh đầu cô bé hiện ra Ngài Quán Thế Âm, xiêm y toàn trắng bay phất phới trong gió biển, Ngài đứng mỉm cười, nụ cười rất từ bi nhìn chàng, tay cầm bình tịnh thủy với nhành dương liễu và rót xuống đảnh đầu cô một dòng nước cực kỳ tinh khiết, nhưng lại không phải giống như nước suối thường uống. Dòng nước cực kỳ tinh khiết ấy giống như ánh sáng mặt trời, cấu tạo bởi những nguyên tử ánh sáng, những vi trần, làm thành dòng tịnh thủy chảy qua đảnh đầu tràn ngập vào thân cô. 
Chàng kinh ngạc và ngồi lặng nhìn cảnh tượng kỳ diệu đó, các ánh sáng muôn màu vẫn tiếp tục tỏa rạng, và dòng nước tịnh thuỷ lung linh, rực rỡ cấu tạo từ những vi trần, những nguyên tử đầy màu sắc, tiếp tục tuôn chảy rót đầy thân cô… 
Cảnh tượng ấy thu hút toàn bộ tâm thức kinh ngạc của chàng, điều lạ lùng kỳ diệu chưa bao giờ xảy ra… Chàng không còn chú tâm vào chủng tử Hri trong tim mình… Và hình ảnh đức Quán Thế Âm vẫn mỉm cười từ bi nhìn chàng, nhưng từ từ nhạt dần và tan vào trong hư không trên đầu cô bé… 
Sự xúc động của lòng bi mẫn dâng tràn lên đôi mắt, chảy thành những giọt nước mắt tuôn rơi trên đôi má của chàng… long lanh long lanh… 
Một lúc sau khi chàng hoàn toàn trở về thực tại, thì… Ô hay! trên khuôn mặt xinh xinh như đóa hoa hồng cũng có những giọt lệ long lanh như sương sớm… 
Chàng mỉm cười - nụ cười đầy bi mẫn giống hệt như nụ cười của ngài Quán Âm - nhìn cô yên lặng, không gian chung quanh như vẫn còn rơi rớt lại những ánh sáng lung linh… 
Giọng đầy xúc động, nàng nói với chàng, với giọt lệ rơi đầy trên má: 
“Ông ơi, sao kỳ lạ quá, hơn một giờ trải qua với ông, ngồi yên chẳng nói gì, mà em thấy lòng phơi phới, tâm mình an tịnh một cách kỳ diệu. Dường như mọi ưu phiền đều được rửa sạnh bởi một sức mạnh thần diệu nào đó rót vào trái tim của em... Mà lạ lắm cơ, có lúc em thấy ông như là Phật Bà Quán Thế Âm nhìn em…” 
Chàng nhìn cô, với đôi mắt của một tâm thức thuần khiết, thong thả hỏi:
“Vậy… sao em cũng khóc kìa?” 
Cô bé bẽn lẽn trả lời
“Chẳng hiểu tại sao khi nhận luồng sức mạnh ấm áp chảy vào trong tim, thì em chợt thấy tất cả những đau khổ của mình trở thành vô nghĩa, nhỏ nhoi, trước những đau khổ của không biết bao nhiêu người trên thế giới… cho nên em cũng khóc…”
Chàng mỉm cười nhìn cô bé thật sâu vào trong đôi mắt diễm lệ, càng đẹp hơn bội phần với những giọt long lanh chảy trên đôi má hồng hồng, đôi chút rám nắng của gió biển và ánh mặt trời, đã gần trưa rồi… 
Cô nhìn chàng sung sướng… và hỏi chàng: 
“Sao tự nhiên em thấy dường như mình vừa được hồi sinh và thèm ăn cái gì quá. Ông có đói không? Em mời ông đi ăn trưa nhé?” 
Chàng yên lặng gật đầu nhè nhẹ. Tâm thức chàng vẫn còn bồng bềnh trong vùng ánh tịnh quang mà chàng vừa thực chứng. Chính chàng cũng cảm thấy mình như một con tằm vừa thoát ra được cái kén xấu xí của mình để biến thành một loài bướm quý, đang giang hai cánh bay lượn trong bầu không gian thênh thang trước mặt. Một niềm đại hỷ lạc mà ngôn ngữ không thể tỏ bày… 
Hai người đi tản bộ sang phía bên kia đường, nơi có hàng cây râm mát tỏa rạng bên lề đường. Hai người từ từ chậm bước trên vỉa hè của con đường. Mùi thơm của bao nhiêu là các loài hoa nở rộ, tỏa đầy ven theo các nhà ở hai bên đường… Hình như tâm thức của họ vẫn còn vương vấn và hòa chung trong ánh sáng kỳ diệu ấy… Họ vẫn còn trong âm hưởng của niềm ngất ngây an lạc trong lúc ngồi bên nhau và sự kỳ diệu của luồng ánh sáng thuần tịnh, nên mọi động tác của họ đều nhẹ nhàng như tơ trời, những phiền não đều dứt bặt… 
Mười phút tản bộ qua nhanh vô cùng dù hai người đi rất là khoan thai… Bên kia đường, có một quán ăn. Nàng nhìn chàng và cả hai bước vào quán ăn. Thì ra đó là một quán ăn Tàu nhỏ và xinh xắn. Bước vào trong chàng mới thấy quán ăn có một phong cách trần thiết thật nhã nhặn bằng những vỏ sò, ốc xoắn, muôn màu sắc thật đẹp. Cả hai chọn một góc nhỏ, ngồi bên cửa sổ. Có lẽ chủ quán đã bỏ công đi sưu tầm trên mặt biển, hoặc mua lại của những người đi nhặt vỏ sò trên mặt biển. Nhìn màu sắc vòng xoắn của các vỏ sò, chàng liên tưởng ngay đến những hình ảnh Mạn-đà-la bằng cát màu rực rỡ, mang nhiều hình vòng tròn đồng tâm mà chư tăng thường hay kiến tạotriển lãm nơi khu chàng đang tạm trú. «Om m m m…», chàng lại nhớ đến những lần chư tăng cùng hòa giọng trầm trầm, ngân nga chủng tự Om, khi làm lễ khai mạc Mạn-đà-la, vang vọng trong tâm thức của chàng những âm sắc giao hưởng mạnh mẽ. 
Tiếng nàng nhỏ nhẹ, kéo chàng trở về thực tại:
“Ông ơi mình gọi hai món ăn chay nhé, không biết tại sao mà cái bụng đói của em lại thích mấy món rau áp chảo. Hình như tiệm này chuyên làm áp chảo bằng chảo lòng sâu gọi là wok, rất thơm và ngon.”
Chàng gật đầu mỉm cười, hình ảnh đức Quán Thế Âm vẫn còn tác động mạnh mẽ trên tâm thức của cả hai người, và cả hai đều tâm ý tương thông. Kinh nghiệm của sáng nay đều làm cho hai người muốn ăn chay. Bàn ăn bên cửa sổ, nơi đây có thể phóng tầm mắt hướng về mặt biển thật là đẹp. Bên ngoài ánh sáng mặt trời rực rỡ chiếu lên trên các ghềnh đá, trên bờ cát trắng mịn và phản chiếu ánh nắng trên mặt biển, tựa như những giải lụa vàng phất phơ nhảy múa thành một điệu ca kỳ diệu… 
Sau bữa ăn trưa thật ngon của món áp chảo, họ đi ngược lại phía bờ biển trở về nơi đậu xe. Trên đường đi nàng ngập ngừng nói: 
“Thật kỳ diệu ông ạ! Em cảm thấy rõ ràng sau bữa ăn, tất cả những sức lực của em tăng lên phơi phới, dường như ông đã mang lại cho em một niềm vui cực kỳ mạnh mẽ, nhất là khi em quán thấy những nỗi khổ của muôn vạn con người đầy dẫy trên cõi đời, em thấy mình không còn khổ, mà lại phát lòng thương đến những con người còn khổ hơn em vô cùng… Rồi em nguyện: đàng nào em cũng bệnh nặng và khổ quá rồi, có khổ hơn cũng không sao, và em hít một hơi dài sâu thẳm vào lòng, xin lãnh nhận tất cả những khổ đau của các chúng sinh đó vào trong thân mình. Ngay lúc đó, em thấy ông biến thành đức Quán Thế Âm, điều này em có nói hồi sáng cho ông nghe rồi.”
Chàng nhìn cô bé rất sâu trong đôi mắt xinh đẹptrả lời:
“Xin thú thực với cô, tôi cũng nhìn thấy đức Quán Thế Âm thị hiện trên đảnh đầu của cô rót xuống một dòng nước cấu tạo bằng những nguyên tử của các ánh sáng muôn màu, nhưng nói ra sợ cô bảo tôi khùng cho nên vẫn im lặng.” 
Cô bé há to miệng ngạc nhiên đến sững người nhìn chàng… Hóa ra là cả hai đều cùng thấy…
Cô bé lắp bắp
“Vậy hóa ra là ông đã thỉnh đức Quán Thế Âm thị hiện…”
Chàng giơ tay ngăn lại và cất giọng trầm ấm nói tiếp:
“Nhưng cô ơi, đừng nghĩ là tôi đã làm được chuyện đó… Thật ra, tôi có một vị Thầy giáo hóa tôi rất nhiều. Và Ngài đã giảng cho tôi một pháp môn hành trì rất cao, có công năng chuyển hóa tâm và chữa bệnh… gọi là Cho và Nhận. Tôi vốn kém cỏi tu mãi mà không xong, nhưng ngày hôm nay vì chuyện của cô mà đưa đẩy tôi vào hành trì pháp môn đó ngay trong lúc quán đức Quán Thế Âm, và nhớ lại chuyện của cô kể hôm nào, bị bệnh ngặt nghèo. Khi thiền quán tôi đã thấy đức Quán Thế Âm thị hiện trên đảnh đầu của cô mỉm cười nhìn tôi từ bi và ngay lúc đó tôi khởi tâm xin lãnh nhận tất cả mọi khổ đau bệnh tật của cô, rồi từ đó phát tâm xin nhận lãnh khổ đau của toàn thế gian... Ngay khi đó, Ngài tưới trên đảnh đầu cô dòng nước ánh sáng các vi trần, nguyên tử muôn màu…” 
Cô bé càng ngạc nhiên cùng cực… đôi môi xinh xắn hé mở không thốt nên lời nào… 
Chàng nói tiếp: 
“Tôi mới là người phải cám ơn cô, vì cô đã dạy cho tôi thực hành thành công lần đầu tiên pháp môn Cho và Nhận. Cô chính là vị thầy sống động nhất mà trong đời tôi gặp. Trong từ ngữ của đạo, cô chính là vị thiện tri thức, nghĩa là vị thầy giỏi nhất của tôi đó…”
Chàng tỏ vẻ buồn buồn nói tiếp: 
“Nhưng chúng ta sẽ phải chia tay nhau ở đây. Tôi bắt buộc phải trở về, máy bay sẽ cất cánh chiều nay…”
Cô bé kêu lên: 
“Nhưng mình còn chưa biết tên của nhau nữa!” 
Chàng lại xua tay ngăn lại: 
“Xin cô cứ gọi tôi là ông khùng được rồi, còn tôi thì sẽ vẫn gọi cô là cô bé… Đây là địa chỉ của tôi, nếu rảnh cô cứ viết cho tôi vài lời… Nếu duyên của chúng ta còn, thì chúng ta sẽ gặp lại nhau thôi.”
Hai người chia tay nhau… 
Trời đã về chiều, mặt trời đã bắt đầu lặn và cảnh hoàng hôn trên biển đẹp vô cùng… 
Bẵng đi cho đến cả bốn tháng sau, nàng gửi đi bức thư cho chàng, về địa chỉ ông khùng, vui mừng báo cho chàng biết là nàng đã khỏi bệnh một cách thần diệu. André và con nàng thật mừng rỡ, gia đình lại đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ sinh động trở lại, đầy yêu thương hạnh phúc… Cánh chim di đã tìm lại tổ ấm của mình… Và nàng viết lá thư để báo tin mừng cho chàng biết, cũng để cám ơn chàng đã giúp nàng khỏi bệnh một cách thần diệu. Và kể từ khi trở về, nàng vẫn thực hành pháp môn “Cho và Nhận”, không ngớt cầu nguyện xin thọ lãnh tất cả mọi khổ đau của thế gian này… 
Lá thư gửi đi, nàng thấp thỏm chờ đợi thư hồi âm… mà không có. 
Khoảng một tháng sau đó, nhân một ngày đẹp trời, gió thổi mát hiu hiu, nàng dừng chân bên hộp thư ở ngoài nhà để kiểm xem, thì có một lá thư với tuồng chữ rất lạ lẫm. Mở thư ra, nàng đọc:
“Tôi xin lỗi đường đột gửi bà (hay cô) lá thư này kèm theo thư của bà đã gửi cho ông khùng…
Bà không biết tôi là ai đâu vì thực ra tôi chỉ là người ở cạnh căn nhà của ông khùng… và có quen biết với ông… 
Thưa bà, cách đây khoảng bốn tháng, ông khùng trở về sau một chuyến đi xa… khi trở về, tâm hồn ông ta càng giống như lạc vào một cõi kỳ bí nào đó… Trước kia, ông ta vốn đã là một người khá lạ lùng với chúng tôi. Một lần, nhiều người trong khu chúng cư của chúng tôi đã gặp ông đứng như trời trồng trước cửa vào khu thương xá lớn gần nhà, đứng yên bất động, dưới chân để một bình bát nhận tiền bố thí, trên đó ghi là xin quyên tiền để mở một viện mồ côi cho trẻ em Tây Tạng bị đuổi ra khỏi nước. Chúng tôi là người Việt, còn mải lo giúp quê nhà, nên ông cũng chẳng thu được bao nhiêu, mặc dù ông đứng nguyên ngày như trời trồng bất động tại cửa thương xá…, miệng ông lẩm bẩm câu gì mà nghe rất khó hiểu. Có người tò mò ghé sát tai vào nghe, thấy như là Namo ratna trayaya… những âm kỳ cục khó hiểu quá chẳng ai hiểu gì, chỉ nghe được chữ Nam mô thì đoán là đạo Phật…
Kể từ đó chúng tôi gọi ông là ông khùng, và ông ta vẫn vui vẻ nhận mình là ông khùng… 
Nhưng trở lại bốn tháng trước, khi ông khùng trở về thì chúng tôi nhận thấy ông ta càng ngày càng lạ lùng kỳ bí… Một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi thấy nhà ông ta mở tung cửa… đồ đạc gần như còn nguyên, nhưng cũng chẳng có gì nhiều nhặn, ngoài bộ giường tủ và bàn bếp. Các đồ trong tủ lạnh còn y nguyên, mà ông ta thì không còn trong nhà. Chúng tôi phải kêu gác dan lên khóa cửa cho ông ta lại. Một tuần sau cũng không thấy ông ta về nhà, và sau đó, ông gác dan đến dọn dẹp, vừa cho vừa vứt các đồ đạc của ông khùng đi, để cho người khác dọn vào. Kể từ đó chúng tôi có người hàng xóm mới. 
Chỉ có điều, từ khi ông khùng mất tích, chúng tôi cảm thấy niềm buồn bã càng ngày càng lớn hơn nhiều trong chúng cư, cho đến nỗi chúng tôi không còn cười với nhau mỗi khi gặp nhau chào hỏi trong hành lang. 
Vậy lá thư này chỉ muốn báo cho bà rõ là không thể chuyển lá thư của bà cho ông khùng
À quên, kính thưa bà, ông khùng mất tích rồi thì chỉ họa trên cánh cửa bài thơ bốn câu, tôi chép xuống lại được như sau (chắc là để gửi lại cho bà): 
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm. 
Xin trân trọng chào bà và chúc bà mọi sự an lành.” 
Nàng rớt hết từ ngạc nhiên này, xuống đến ngạc nhiên khác và ngồi phịch xuống bên vệ đường… thừ người một lúc… 
Lá thư đã rớt xuống đất tự hồi nào... 
bay theo ngọn gió hiu hiu…


CHÚ THÍCH

Viết bởi nhà thơ Vân Hạc.

  Viết bởi nhà văn Chiêu Hoàng.

Viết bởi Không Quán.

Chú lục tự Quán Âm: “Án Ma Ni Bát Mê Hồng”.

Tonglen là pháp môn chuyển hóa tâm Cho và Nhận của Mật tông Tây Tạng. Đó là phép hoán chuyển giữa ta và người. Sự hoán chuyển này không có nghĩa là mình trở thành người kia hay ngược lại, mà là hoán chuyển khi thở vào thì quán tưởng nhận vào mình mọi khổ đau của chúng sinh và khi thở ra thì quán tưởng chuyển sang mọi chúng sinh những hạnh phúc của mình.

Chú Đại Bi bằng Phạn ngữ.

Của Hương Hải Thiền sư. Xin tạm dịch: Nhạn bay ngang trời không. Bóng chìm đáy nước lạnh. Nhạn chẳng có ý để dấu. Nước chẳng có tâm lưu ảnh.

Tạo bài viết
27/10/2021(Xem: 3189)
30/07/2014(Xem: 13082)
12/03/2023(Xem: 2640)
01/09/2014(Xem: 18386)
27/02/2018(Xem: 15086)
26/10/2021(Xem: 4942)
20/01/2013(Xem: 18430)
28/06/2017(Xem: 9066)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: